Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc tìm nơi tiêu thụ hàng hóa không bán được cho Mỹ

china tariffs.jpg

Ảnh minh họa : Hàng nhập Trung Quốc tại kho hàng của công ty NewAir ở Cypress, California. Ảnh chụp ngày 24/05/2019.
REUTERS/Jane Ross

 

Vì bị áp thuế không xuất được qua Mỹ, sản xuất trong nước lại quá tải nghiêm trọng, Trung Quốc hiện đang phải ráo riết tìm nơi để tuồn số lượng hàng hóa dư thừa của mình.
Trong tình hình đó, Bắc Kinh rất muốn đẩy nhanh các thỏa thuận tự do mậu dịch với các đối tác khác, chủ yếu là châu Á.

 

Tuy nhiên, như nhận xét của nhật báo Mỹ The New York Times ngày 26/07/2019, vấn đề không phải là dễ dàng.

Dưới một tựa đề rất châm biếm “Trung Quốc cần chỗ mới để bán núi đồ của mình - China Needs New Places to Sell Its Mountain of Stuff”, bài viết của báo The New York Times ghi nhận tình hình một cách dí dỏm :
“Trung Quốc có quá nhiều nhà máy sản xuất dư thừa  hàng hóa. Và do cuộc chiến thương mại có tính trừng phạt với Mỹ,  bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc không còn mua hàng như trước nữa...

Thế là Trung Quốc phải tìm khách hàng mới, và những khách mới này cho thấy là không dễ dụ dỗ”.

Theo New York Times, Trung Quốc vừa chính thức thúc đẩy trở lại dự án xây dựng một vùng tự do mậu dịch xuyên Châu Á - Thái Bình Dương, với một mục tiêu rất khó hoàn thành, đó là đạt được một thỏa thuận vào tháng 11.
Nếu thành công thì hiệp định có thể mở cho Bắc Kinh cánh cửa vào các thị trường từ Úc sang đến Ấn Độ.

Bắc Kinh cũng đang cố duy trì cuộc đàm phán 3 bên với Seoul và Tokyo nhằm hạ thấp hàng rào thuế quan giữa ba nước Đông Bắc Á Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cơ may thành công không nhiều.
Nhìn chung, Trung Quốc đang đơn phương giảm thuế quan trên một loạt mặt hàng nhập từ các nơi trên thế giới, cho dù vẫn áp thuế trả đũa trên hàng hóa Mỹ.

Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc

Đối với The New York Times, vấn đề đặt ra là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc mà Bắc Kinh cần duy trì.

Vào trung tuần tháng 7, Trung Quốc thông báo tăng trưởng chậm lại ở mức thấp nhất từ gần 3 thập niên nay, mà nguyên nhân một phần đến từ cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump khởi xướng, tác động đến lãnh vực xuất khẩu then chốt của nền kinh tế Trung Quốc.

Các tập đoàn nước ngoài thì đang tìm cách dời sản xuất đi nơi khác để tránh một cuộc chiến thương mại có thể dằng dai.
Do không thấy dấu hiệu nào là cuộc chiến sắp kết thúc, Trung Quốc phải quay sang việc đi tìm thị trường mới cho những gì họ sản xuất.

Giáo sư Trần Định Định (Chen Dingding), thuộc Đại Học Tế Nam ở Quảng Châu, công nhận : “Thay thế được Mỹ là điều rất khó, nhưng cũng phải thử, phải đa dạng hóa”.
Theo ông, Bắc Kinh không thể dựa mãi vào thị trường Mỹ, cho dù nó rất quan trọng.

Thế nhưng việc đúc kết các hiệp định thương mại mới rất khó, vì các đối tác khả dĩ ký thỏa thuận tự do mậu dịch với Trung Quốc đang có rất nhiều lý do để không hài lòng.
Vả lại không một nước nào có khả năng hấp thụ, dù chỉ tính trên bình diện khối lượng, các mặt hàng mà Trung Quốc bán cho khách hàng Mỹ.

Còn những nước láng giềng thì cũng cạnh tranh với Trung Quốc trong một số lãnh vực sản xuất.
Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn duy trì một mức thuế cao và nhiều cản trở khác để bảo vệ nền công nghiệp Trung Quốc, những cản trở đó phải được dỡ bỏ nếu muốn các nước khác đồng ý ký kết.

Cuộc đối đầu kinh tế Mỹ Trung đã làm hệ thống thương mại thế giới mất cân đối. Hàng thặng dư hàng năm của Trung Quốc trong thương mại lên đến gần 1 ngàn tỷ đô la, đủ để cho người ta có khái niệm về lượng hàng bán ra và nhập vào của Trung Quốc.
Và phân nửa số hàng thặng dư này nằm trong thương mại với Mỹ.

Trong nửa đầu năm nay, 2019, trao đổi của Trung Quốc với Mỹ sụt giảm 8,5%. Hàng Trung Quốc xuất ra thế giới chỉ tăng có 2,1%.
Trong lúc cuộc chiến thương mại bước vào năm thứ 2, câu hỏi lớn là ai có khả năng mua hàng sản xuất dư thừa của Trung Quốc nếu Mỹ không mua nữa.

Chưa gì Trung Quốc đã bị dư thừa về xe hơi, thép, và các mặt hàng thiết yếu khác trong thương mại.
Nhiều nhà máy phải hoạt động chậm lại hay đóng cửa tất nhiên sẽ dẫn đến việc sa thải nhân công và cũng khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Thúc đẩy đàm phán về RCEP

Đứng trước khả năng kinh tế bị tổn hại, Bắc Kinh tìm cách mở những thị trường khác, và đang tập trung sức lực để thúc đẩy việc đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch Châu Á – Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực – RECEP, kết hợp 10 nước ASEAN với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và dĩ nhiên Trung Quốc.

Các quan chức thương mại trong vùng đã họp lại với nhau tại Trịnh Châu (Zhengzhou) vào hạ tuần tháng 7 và họp cấp bộ trưởng ở Bắc Kinh ngày 2 và 3/08.
Mục tiêu mà Bắc Kinh mong muốn là có được bản phác thảo văn kiện đàm phán mà các lãnh đạo sẽ đúc kết trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bangkok vào tháng 11.

Ông Ngô Giang Hạo  (Wu Jianghao), tổng vụ trưởng Vụ Châu Á bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã giải thích: “Chúng tôi vẫn thảo luận về vấn đề này và hy vọng thúc đẩy nhanh để có thể đúc kết trong năm nay”.

Từ năm 2012, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nêu lên khả năng đàm phán một hiệp định đối tác như thế để đáp trả dự án Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn không có Trung Quốc.
Tuy nhiên, để đàm phán thỏa thuận RCEP đạt được kết quả, trước tiên phải giải quyết một số vấn đề gai góc.

Về phía Nhật, ông Takeshi Niinami, lãnh đạo tập đoàn nước giải khát Suntory, và cũng là một cố vấn của thủ tướng Abe trên các vấn đề kinh tế, đã có nhận định bi quan :
« Tôi không nghĩ là đàm phán có thể được cụ thể hóa vào tháng 11. Có lẽ phải cần thêm thời gian ».
Một cản lực chính là mức thuế cao của Trung Quốc. Kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc bắt đầu hạ thuế quan…

Và nhân diễn đàn kinh tế gọi là « Davos mùa hè- Summer Davos » ở Đại Liên, vào đầu tháng 7, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định :
« Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động hạ tất cả các loại thuế quan , bãi bỏ các hàng rào phi thuế quan, tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, tăng gia các điều kiện dễ dàng hơn cho nhập khẩu ».

Không dễ dụ dỗ các ‘đối tác’ mua hàng

Nhưng giành được sự ủng hộ của các nước khác không phải dễ. Ấn Độ chẳng hạn, với tầm vóc to lớn và mức tăng trưởng nhanh, có khả năng là một khách hàng lớn của Trung Quốc.
Nhưng Ấn Độ lại bảo vệ thị trường của mình với mức thuế quan trung bình cao nhất trong các nền kinh tế lớn thế giới, và rất sợ bị hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đổ vào.

Hiện nay thì các nhà bào chế dược phẩm Ấn Độ cũng đang muốn bán sang Trung Quốc nhiều loại thuốc generic hơn nữa.
 Ngành dịch vụ  lập trình máy vi tính cũng đang muốn Trung Quốc cấp visa làm việc tạm thời dễ dàng hơn cho các thảo chương viên Ấn Độ.
Về phần Trung Quốc, nước này cũng rất thận trọng khi mở cửa thị trường cho dược phẩm và lao động Ấn Độ.

Theo Mari Pangestu, cựu bộ trưởng thương mại Indonesia, để thúc đẩy RCEP, có một khả năng là loại Ấn Độ ra khỏi thỏa thuận ở giai đoạn đầu.
 Tuy nhiên, điều này sẽ giới hạn lợi ích đối với các quốc gia khác tham gia đàm phán.
Ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết, không rõ Trung Quốc có thể hưởng lợi bao nhiêu.  

Báo New York Times nhận thấy là một số nước có thể là thành viên của RCEP như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng là những nhà sản xuất cạnh tranh với Trung Quốc và có thể không nhập khẩu nhiều hơn nữa.

Trung Quốc cũng đã có các cuộc đàm phán lâu dài với Nhật Bản và Hàn Quốc về quan hệ đối tác thương mại ba bên. Nhưng triển vọng về một thỏa thuận thương mại mới giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở nên xa vời với tranh chấp thương mại đang sôi sục giữa Tokyo và Seoul.

Theo ông Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài Chính Mỹ thời tổng thống Obama, hiện làm việc ở trung tâm tham vấn Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) ở New York cho rằng ngay cả khi Trung Quốc có được những hiệp định thương mại mới, họ vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực là phải tìm thị trường cho số lượng lớn hàng hóa mà họ tạo ra.

Chuyên gia này khẳng định : « Ngay vào lúc này, không một quốc gia nào khác trên thế giới có khả năng thay thế Hoa Kỳ trong vị trí bị gần 400 tỷ đô la thâm hụt thương mại hàng năm do việc mua hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc ».

Switch mode views: