Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu: Cuộc « đọ sức » tìm người lãnh đạo

mai europeennes 3.jpg


Liên Hiệp Châu Âu qua góc nhìn của cây bút biếm họa Mouche.RFI/Mouche

 

Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này xin điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 05 này : Bầu cử Nghị Viện Châu Âu kết thúc với sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe dân túy và chủ nghĩa dân tộc ;
Thủ tướng Anh Theresa May từ chức do thất bại trong việc thuyết phục các nghị sĩ thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit ;
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Nhật Bản khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á và Hoa Vi trở thành lá bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu kết thúc ngày 26/05/2019.
Ngay hôm sau cuộc bầu cử, một cuộc đọ sức mới đã mở ra giữa lãnh đạo các nước thành viên liên quan đến việc bổ nhiệm người để thay mới dàn lãnh đạo các định chế quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe dân tộc chủ nghĩa và dân túy cùng với sự hồi sinh của đảng Xanh, diện mạo chính trường Châu Âu có những thay đổi sâu sắc.

Hai nhóm chính trị truyền thống, tập hợp các đảng cánh hữu Nhân Dân Châu Âu PPE và các đảng cánh tả Xã Hội – Dân Chủ S&D bị thụt lùi trong cuộc bầu cử, không đủ thành lập đa số tuyệt đối, đồng thời đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thống trị hai cực.
Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm một đồng thuận để chọn người vào các vị trí lãnh đạo Châu Âu sẽ thêm phần khó khăn.

Từ Bruxelles thông tín viên Pierre Benazet giải thích:

« Việc tìm người thay thế Jean-Claude Juncker báo trước nhiều biến động do sự thụt lùi của phe bảo thủ PPE. Tập hợp các đảng thân hữu Nhân Dân Châu Âu tuy vẫn về đầu nhưng ông Manfred Weber, ứng viên đứng đầu danh sách hay Spitzenkandidat lại mất năm nghị sĩ bảo thủ trong cuộc bầu cử châu Âu ở Đức.

Không như Jean-Claude Juncker, ông Weber không có được tính chính đáng chính trị rộng lớn bởi vì từ 25 năm qua, chỉ có các cựu thủ tướng mới được chọn để lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu.
Thế là, tất cả các tham vọng của những xu hướng chính trị và của các nước đã được phơi bày công khai.

Chính bản thân Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ bởi vì phe chủ trương Tự Do cũng không đồng tình với thông cáo chung của hội nghị chủ tịch các nhóm chính trị. Họ khuyến nghị áp dụng nguyên tắc - Spitzenkandidat - để phân bổ chức chủ tịch UBCA cho đảng về đầu.

Do vậy, phe Xã hội đề xuất Frans Timmermans người Hà Lan. Phe chủ trương Tự do muốn đưa bà Margrete Vestager, người Đan Mạch.
Trong danh sách này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn thêm vào một người Pháp là ông Michel Banier.
Một ván chơi bi-da ba băng đang bắt đầu, bởi vì còn phải thay thế các vị trí chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và đại diện ngoại giao cao cấp châu Âu. »

Brexit vs Mayxit

« Hôm nay, tôi xin thông báo rằng tôi sẽ rời vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và Hợp nhất ngày 07/06 thời gian để có thể tìm chọn một người thay thế.
Tôi lấy làm hối tiếc vì đã không thể thực thi Brexit. Tôi sẽ sớm rời bỏ một vị trí mà đó từng là một niềm vinh dự cho cuộc đời tôi.
Tôi là nữ thủ tướng thứ hai của Anh Quốc, nhưng chắc chắn đây cũng không phải là người sau cùng.
Tôi ra đi không chút cay đắng, với một lòng biết ơn sâu sắc là đã có cơ hội được phục vụ đất nước mà tôi yêu quý. »

Giọng nghẹn ngào tràn đầy xúc động, thủ tướng Anh, Theresa May ngày 24/05/2019 thông báo từ nhiệm.
Tuyên bố này cho thấy rõ đây là một thất bại chính trị của bà sau nhiều lần tìm cách thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit mà bà đúc kết với Bruxelles nhưng bất thành.

Thủ tướng mới sẽ được đảng Bảo thủ bầu chọn và thông báo chính thức vào ngày 20/07.
Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về Luân Đôn với một câu hỏi lớn: Chuyện Anh Quốc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sẽ được xử lý như thế nào?
Đây sẽ là một bài toán nan giải cho người kế nhiệm, do việc Bruxelles đã tuyên bố không thương lượng lại dự thảo thỏa thuận đã được đúc kết với thủ tướng May !

Thăm Nhật Bản : Trump lại « xoay trục » về châu Á ?

Ngày 26/05/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump có chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
Nguyên thủ Mỹ cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được tiếp kiến tân nhật hoàng Naruhito.

Ngoài việc bàn về cân đối thương mại mà cán cân thâm thủng nghiêng về phía Mỹ, thì chuyến thăm Tokyo bốn ngày lần này của tổng thống Trump, với Nhật Bản, còn nhằm mục đích nhắc nhở thế giới Nhật Bản cũng là một tác nhân quan trọng, đang bị lãng quên trong bàn cờ địa chính trị trong khu vực.

Về phía Hoa Kỳ, theo nhận định của bà Karoline Postel – Vinay, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc Tế CERI trên đài RFI, sự kiện cho thấy có sự thay đổi lập trường về chiến lược châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump.

« Đây là một điểm quan trọng, bởi vì trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của Donald Trump cách hai hơn hai năm, ông đã giảm thiểu hết mức tầm quan trọng của sự hiện diện của Mỹ tại châu Á.
Người ta có thể hiểu rằng thậm chí Mỹ có thể rút quân, người dân châu Á cần tự mình xoay sở lấy.
 Ở đây, chúng ta thấy có một sự thay đổi về lập trường không những làm cho Nhật Bản mà cả Hàn Quốc cũng phải hoảng sợ.

Sự việc trở nên quan trọng bởi vì hiện nay chúng ta đang trong bối cảnh căng thẳng dữ dội bất kể là về đường hướng của Trung Quốc, vấn đề Bắc Triều Tiên ; rồi cả vấn đề quan hệ Đài Loan – Trung Quốc.
Cần nhắc lại điều này để hiểu được vì sao ở đó có sự hiện diện hùng hậu của cả một hạm đội tầu chiến Mỹ trong khu vực ».

Vùng Vịnh « thót tim » với Donald Trump

Cũng tại Nhật Bản, nhưng liên quan đến Iran. Tình hình căng thẳng vùng Vịnh từ đầu tháng 5 này « trồi sụt » theo những phát biểu của Nhà Trắng.
Đầu tháng 5, chính xác là ngày 05/05, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thông báo cho triển khai một không mẫu hạm, một tầu chiến, các chiếc oanh tạc cơ B-52 và một dàn tên lửa Patriot đến vùng Vịnh Ba Tư.

Căng thẳng gia tăng thêm một nấc khi chủ nhân Nhà Trắng hôm 24/05 thông báo gởi thêm 1500 binh sĩ đến Trung Đông khi cho rằng có nhiều « mối đe dọa dai dẳng » nhắm vào lực lượng Mỹ từ phía Iran.
Ngay lập tức chính quyền Teheran lên án hành động « đe dọa » hòa bình quốc tế của Mỹ.

Ấy vậy mà ba hôm sau, vào lúc thế giới tưởng chừng sắp nổ ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iran ở Trung Đông, thì tổng thống Mỹ trong buổi họp báo với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại có giọng điệu hòa dịu không ngờ tới với Iran.

« Tôi thật sự nghĩ là Iran mong muốn đạt được một thỏa thuận.
Tôi cho rằng họ rất thông minh. Và tôi cũng nghĩ là một điều gì có thể xảy ra.

Tôi không muốn làm tổn hại đến Iran, tôi muốn Iran nói là họ "Không có vũ khí hạt nhân".
Vào lúc này, chúng ta đã có quá nhiều vấn đề trên thế giới với vũ khí hạt nhân.
Không có vũ khí hạt nhân đối với Iran.

Tôi nghĩ là chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận. Tôi tin rằng Iran có một tiềm năng kinh tế tuyệt vời.
Tôi nóng lòng muốn thấy họ tham gia trở lại trường quốc tế và cho thấy rõ khả năng tiềm tàng đó.
Tôi rất biết người dân Iran. Họ là những người phi thường. Iran có thể là một đất nước tuyệt vời.

Với chính những nhà lãnh đạo hiện nay, chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ, tôi chỉ muốn rằng mọi việc phải rõ ràng. Những gì chúng tôi muốn, đó là không có vũ khí hạt nhân. »

Không biết là người dân vùng Vịnh Ba Tư sẽ còn phải « thót tim » bao lần nữa với Donald Trump ?

Hoa Vi : Nước cờ nguy hiểm của Donald Trump ?

« Hoa Vi là một thứ gì đó rất nguy hiểm nếu quý vị quan sát thấy những gì họ đã làm trên bình diện an ninh, cả trong lĩnh vực quân sự nữa. Thật là nguy hiểm.
Do vậy, có khả năng nên gộp Hoa Vi vào trong đàm phán thương mại. Nếu chúng ta có được thỏa thuận, tôi nghĩ là Hoa Vi có thể được đưa vào bằng cách này hay cách khác ! »

Với những phát biểu này, nguyên thủ Mỹ đã đẩy cuộc thương chiến Mỹ - Trung lên một nấc mới.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Donald Trump chính thức kết hợp hai hồ sơ thương mại và Hoa Vi với nhau.
Cho đến lúc này, hồ sơ Hoa Vi vẫn được xử lý tách bạch do có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.

Thứ Tư 15/05, ngay lúc căng thẳng thương mại gay gắt, tổng thống Mỹ viện cớ tình trạng « khẩn cấp quốc gia » ký sắc lệnh đưa Hoa Vi vào « danh sách đen », cấm các hãng viễn thông của Mỹ trang bị các thiết bị và linh kiện của những tập đoàn nước ngoài được cho là có rủi ro.

Cho đến lúc này, chưa bao giờ ông Donald Trump đề cập đến việc đưa Hoa Vi vào trong khuôn khổ cuộc đàm phán.
Nhưng với thời gian, hãng viễn thông thứ nhì thế giới về điện thoại thông minh đã trở thành một công cụ mà ông Trump sử dụng để gây áp lực với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán.

 Báo Le Fiagro trong một bài viết đăng trên mạng nghi ngờ hỏi : Liệu phương pháp này của ông Trump có hiệu quả hay không ? Hạ hồi phân giải !

Switch mode views: