Vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris sẽ để lại hậu quả như Tháp Đôi New York?
- Thứ Năm, 16 tháng Năm năm 2019 16:01
- Tác Giả: Mai Vân
Đống đổ nát bên trong Nhà Thờ Đức Bà Paris sau khi tháp nhọn bị sụp đổ vì hỏa hoạn. Ảnh chụp ngày 16/04/2019.
REUTERS/Christophe Petit Tesson
Trong vụ hỏa hoạn xảy ra với Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 15/04/2019, đã có ít nhất 300 tấn chì bị tan chảy.
Giới bảo vệ môi sinh và sức khỏe đang lo ngại về hậu quả của vụ này đối với sức khỏe con người, mà trước tiên hết là cư dân các khu vực quanh Nhà Thờ.
Nhiều người đã không ngần ngại so sánh sự cố ở Paris với thảm họa xẩy ra cho tòa Tháp Đôi World Trade Center ở New York, bị tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, với những hậu quả mà 18 năm sau vẫn tồn tại.
Đối với giới bảo vệ môi sinh, điều đáng sợ được ghi nhận sau vụ World Trade Center chính là số lượng hàng chục ngàn người bị chết dần, chết mòn trong gần hai chục năm sau vụ khủng bố, do những căn bệnh liên quan đến hậu quả của sự cố, từ bệnh phổi cho đến bệnh ung thư, bạch huyết…
Một ví dụ cụ thể là trong lực lượng cảnh sát cứu hỏa New York, đứng mũi chịu sào trong vụ World Trade Center, nếu chỉ có 23 thiệt mạng ngay khi xẩy ra khủng bố, số trường hợp tử vong về sau do hậu quả ô nhiễm đã lên đến 200 người.
Đó chính là tấm gương khiến giới bảo vệ môi trường và sức khỏe ở Paris lo ngại.
Một vùng ô nhiễm chì rộng lớn sau đám cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris
Đã có đến 300 tấn chì bị nóng chảy trong vụ hỏa hoạn Nhà Thờ Đức Bà ngày 15/04/2019.
Các phân tử chì giờ nằm lẫn trong bụi, đất, với một khu vực rộng lớn bị ô nhiễm.
Vấn đề là không chỉ có bụi, đất của khu vực chung quanh nhà thờ bị ô nhiễm, mà gió trong những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm đã mang các phân tử này về khu vực phía tây Paris, trong lúc các trận mưa đã cuốn bụi chì đi khiến sông Seine bị ô nhiễm.
Theo sở Cảnh Sát Paris, hàm lượng chì đo được trong những khu đất chung quanh Nhà Thờ Đức Bà Paris có chỗ đã cao hơn gấp 60 lần mức an toàn cho phép. Theo giới chuyên gia, chỉ một lượng chì thấp thôi cũng đã rất nguy hiểm rồi.
Nhiều người lo ngại sẽ có một thảm họa về sức khỏe như sau khi tòa Tháp Đôi New York bị sụp đổ.
Bà Annie Thébaud-Mony, chuyên gia về bệnh ung thư phát sinh do công việc, cho rằng vụ hỏa hoạn của Nhà thờ Đức Bà Paris là mộtquả bom nổ chậm :
« Hai thảm họa này tương tự nhau ở chỗ cả hai đều kéo theo một sự phân tán khủng khiếp chất ô nhiễm độc hại. Cái gương của World Trade Center lẽ ra phải làm cho chính quyền suy nghĩ ».
Chính quyền bị cáo buộc không quan tâm đến hậu họa
Theo các chuyên gia, chính quyền Pháp dường như không đo lường hết hậu quả. Bằng chứng : Sinh hoạt chung quanh khu vực nhà thờ vẫn tiếp tục như bình thường, như không có chuyện gì xẩy ra, vẫn tấp nập.
Đây là một khu thường có rất nhiều khách du lịch, và sau vụ hỏa hoạn thì ai cũng muốn đến xem, cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê rất đông khách.
Jacky Bonnemains thuộc hiệp hội Robin des Bois tỏ vẻ bực tức khi nhìn thấy « các nhà hàng vẫn mở cửa, người bán hàng ở các cửa hiệu t-shirt tiếp tục hít thở không khí ô nhiễm. Và nhất là không được đụng chạm đến hình ảnh tuyệt diệu mà người ta có về khu phố nay bị nạn này… ».
Đối với các hiệp hội, tiền quyên góp được cho việc tái thiết nhà thờ cũng phải được sử dụng để bảo vệ sức khỏe người dân trong khu phố và người lao động.
Nhà nghiên cứu Annie Thébaud- Mony cho rằng « trong số tiền được huy động, phải trích ra một phần để theo dõi sức khỏe người dân đang là nạn nhân của vụ hỏa hoạn này ».
Các hiệp hội yêu cầu chính quyền cho thực hiện một bản đồ chính xác các nơi bị chì ô nhiễm, mở chiến dịch xét nghiệm và tài trợ cho việc khắc phục tình trạng nhiễm độc chì.
Bác sĩ Mady Denantes của Hiệp Hội các Gia Đình bị Nhiễm Độc Chì - AFVS, yêu cầu phải có những biện pháp thích ứng với tình hình nghiêm trọng :
« Chính quyền phải cho thiết lập bản đồ để cho thấy rõ những nơi mà ngày nay người ta tìm thấy chì, trong bụi, trong đất, đo lường chính xác.
Phải xem đối tượng là ai để đưa ra lời khuyên, chỉ thị, phải có phương thức hành động. Chúng tôi đang đợi quyết định, hành động của chính quyền về những trường hợp này ».
Tuy công việc nghiên cứu đã bắt đầu, nhưng bác sĩ Denantes chờ đợi các kết quả đo lường cụ thể, chứ không phải những « ước tính ».
Theo bà, việc không có thông báo rõ ràng chỉ khiến người dân hoang mang, lo sợ.
Họ có quyền được biết, nhất là khả năng nhiễm độc đối với trẻ em chẳng hạn, và trong trường hợp này, làm thể nào tránh không để cho việc nhiễm độc nghiêm trọng thêm.
Tin mới
- Nữ sinh Trung Quốc bán noãn trứng để sống - 18/05/2019 14:25
- Thương mại : Donald Trump hoãn chiến với các đồng minh - 18/05/2019 14:07
- Đài Loan công nhận hôn nhân đồng tính - 18/05/2019 00:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-5-2019 - 17/05/2019 22:47
- Việt Nam: Sau ‘‘đột quỵ’’, Nguyễn Phú Trọng càng ''độc đoán'' hơn ? - 17/05/2019 18:53
- Mỹ - Trung Quốc : Donald Trump ký sắc lệnh "cấm cửa" Hoa Vi - 16/05/2019 22:46
- Đọ sức Mỹ-Trung: Từ thương mại đến công nghệ và chiến lược - 16/05/2019 22:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-5-2019 - 16/05/2019 21:48
- Eo biển Hormuz : Thùng thuốc súng trong căng thẳng Mỹ-Iran - 16/05/2019 21:10
- Việt Nam : Ông Trọng chủ trì hội nghị Trung ương 10 - 16/05/2019 19:18
Các tin khác
- Chuyên gia Mỹ: Việt Nam là đối thủ lý tưởng để Trung Quốc “luyện binh” - 15/05/2019 22:09
- Trung Quốc trả đũa Mỹ: Lợi bất cập hại ! - 15/05/2019 20:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-5-2019 - 15/05/2019 20:23
- Mỹ-Nga: Vô số bất đồng khó vượt qua - 15/05/2019 19:24
- Trung Quốc tự nhận là ‘ôn hòa’ nhưng có kế hoạch đánh chiếm Đài Loan - 15/05/2019 16:13
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo hai bên đi xuống - 14/05/2019 18:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-5-2019 - 14/05/2019 14:29
- Chiến tranh thương mại: Bắc Kinh kích động dân chúng chống Mỹ - 14/05/2019 13:52
- Cầu Long Biên sẽ thành viện bảo tàng ký ức thế kỷ 20 - 13/05/2019 20:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-5-2019 - 13/05/2019 17:49