Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sri Lanka : Hơn 200 người chết trong các vụ nổ tại nhà thờ và khách sạn

sri lanka blast 1

Các quân nhân Sri Lanka trước nhà thờ Saint-Anthony, một trong những địa điểm bị tấn công tại thủ đô Colombo, ngày 21/04/2019.
REUTERS/Dinuka Liyanawatte

 

Theo tổng kết mới nhất của cảnh sát, tại Sri Lanka hôm nay, 21/04/2019, ít nhất 207 người đã thiệt mạng trong 8 vụ nổ, đó có 7 vụ nhắm vào 4 khách sạn hạng sang và 3 nhà thờ, vào lúc giáo dân đang dự lễ Phục Sinh.

 Trong số các nạn nhân có hàng chục người nước ngoài.
Số người chết rất có thể tăng thêm nhiều, do có đến hơn 450 người bị thương trong các vụ tấn công với mức độ dữ dội chưa từng thấy.

Bộ Quốc Phòng Srilanka vừa ra lệnh giới nghiêm 12 tiếng đồng hồ từ 6 giờ chiều nay.
Chính phủ cũng tạm cấm các mạng xã hội. Tòa Tổng giám mục Colombo thông báo hủy toàn bộ các thánh lễ Phục Sinh hôm nay ở Srilanka.

Theo cảnh sát và các nhân chứng được hãng tin AFP trích dẫn, có ít nhất 2 kẻ khủng bố tự sát tham gia vào các vụ tấn công hôm nay.
Trước mắt theo báo chí Srilanka, đã có 7 nghi can bị bắt, nhưng cảnh sát chưa xác nhận tin này.

 Hiện giờ chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng giám đốc cảnh sát quốc gia Sri Lanka Pujuth Jayasundara cách đây 10 ngày đã báo động là một phong trào Hồi Giáo cực đoan mang tên NTJ ( National Thowheeth Jama'ath ) đã dự trù tiến hành các vụ tấn công tự sát nhắm vào các nhà thờ.

Vào năm ngoái, phong trào này đã gây ra các vụ phá hoại tượng Phật, trong khi Phật Giáo là tôn giáo chiếm đa số ở Sri Lanka.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã ngay lập tức lên án « những vụ tấn công hèn hạ ».
Về phần mình, bộ trưởng Tài Chính Mangala Samaraweera tuyên bố trên mạng Twitter là các vụ tấn công đã giết hại « nhiều người vô tội ».

Sau khi nghe tin về các vụ tấn công ở Sri Lanka hôm nay, giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn của ngài.
Nhiều lãnh đạo thế giới như thủ tướng Anh Theresa May, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đồng loạt lên án vụ tấn công này.

Đa số dân Sri Lanka theo Phật Giáo, chiếm 70% trên tổng số 21 triệu dân, nhưng tại nước này cũng có đến 1,2 triệu dân là người Công Giáo.
Cộng đồng Công Giáo vẫn được xem là một thành phần mang tính đoàn kết dân tộc vì bên phía sắc dân thiểu số Tamil và sắc dân đa số Sinhala đều có các giáo dân.

Trả lời ban Việt ngữ RFI, ông Karunanatna Karou, một hướng dẫn viên du lịch tại Srilanka ,cho biết ông rất ngạc nhiên về các vụ tấn công này :
« Vâng, là bởi vì từ mấy năm gần đây Sri Lanka không có vấn đề gì. Ngay cả trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 30 năm cũng không xảy ra vụ tấn công nào nhắm vào người Công Giáo.

Đây cũng là lần đầu tiên họ tấn công trực tiếp vào người nước ngoài, vào du khách. Theo nhà chức trách thì đây là những cuộc tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng .

Srilanka là một quốc gia có đa số dân là người Phật Giáo và đó là các Phật tử rất khoan dung theo đúng lời dạy của Đức Phật.
Vì đa số Phật tử rất khoan dung cho nên các thiểu số tôn giáo như Công Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo có thể chung sống dễ dàng.

Chúng tôi không có vấn đề gì với người Công Giáo, sự chung sống giữa các tôn giáo diễn ra rất tốt.
 Ví dụ như vào dịp ramadan, người Công Giáo đến giúp trang hoàng các nhà thờ Hồi Giáo, còn vào dịp lễ Noel cũng có các Phật tử đến giúp trang hoàng các nhà thờ. Tức là giữa người Phật Giáo và người Công Giáo không có vấn đề gì. »

Ceylan, tên xưa của Sri Lanka

Sri Lanka, là một đảo quốc, nằm ở phía tây nam vịnh Bengal, Ấn Độ Dương. Với diện tích 65.000 km², Sri Lanka có 21,4 triệu dân.

Trước kia được gọi là Ceylan, đất nước Sri Lanka nhiều lần là thuộc địa của các cường quốc phương Tây : Đầu tiên hết là Bồ Đào Nha (1505-1656), rồi Hà Lan (1656-1796) và cuối cùng là Anh Quốc (1815 -1948).

Năm 1972, quân nổi dậy Tamoul mở chiến dịch đòi độc lập, nhưng sau đó đã bị quân đội tàn sát dưới thời chính phủ người Sinhala chiếm đa số vào tháng 5/2009 sau một cuộc chiến làm gần 100.000 người chết.

Tháng Giêng năm 2018, tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thăng cấp nhân vật số hai trong bộ binh, một vị tướng bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc là đã phạm tội ác chiến tranh chống quân đòi ly khai Tamil.
Quyết định này đã làm dấy lên làn sóng bất bình của các tổ chức bảo nhân quyền.

Từ khi cuộc xung đột chấm dứt, ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ với hơn hai triệu lượt du khách mỗi năm kể từ năm 2016, tăng hơn gấp bốn lần so với con số 448 ngàn người năm 2009.
Tuy nhiên, theo AFP, trong những năm gần đây, Sri Lanka chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những phần tử Phật giáo cực đoan.

Tháng Ba năm 2018, tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên được ban hành kể từ năm 2011 trong vòng 15 ngày sau những vụ bạo động xảy ra nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại miền trung đất nước làm 3 người chết.

Switch mode views: