Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-04-2013
- Thứ Tư, 17 tháng Tư năm 2013 16:03
- Tác Giả: Minh Anh
Nạn bạo hành trong các trại cải tạo nữ tù nhân
Trung Quốc hiện có từ 190 000 người (con số chính thức) đến 500 000 người bị cải tạo lao động (amnesty.org)
Nạn bóc lột và tra tấn nữ tù nhân ở các trại lao động cải tạo tại Trung Quốc, đánh bom khủng bố tại Boston - Hoa K ỳ, các điểm mới trong chính sách đón tiếp sinh viên nước ngoài của Pháp là những chủ đề thời sự nóng hổi nhất trên các trang báo Pháp hôm nay.
Lần đầu tiên, báo chí Trung Quốc đưa ra ánh sáng nạn bạo hành nữ tù nhân trong các trại lao động cải tạo .
Theo nội dung hai bài phóng sự điều tra, được các báo trong nước đăng tải trong tháng này, nữ tù nhân ở các trại này đã bị bóc lột thậm tệ và bị tra tấn nếu có những hành vi phản đối.
Sự việc được nhật báo thiên tả Libération số ra hôm nay tường thuật lại qua bài viết đề tựa "Trại cải tạo nữ tù nhân : nạn bạo hành bị phơi bày".
Thông tín viên Philippe Grangereau của báo Libération cho biết đây là kết quả điều tra tại hai trại lao động "Dalishan" ở Nam Kinh thuộc miền nam đất nước, do Hoàn Cầu thời báo thực hiện và trại "Masanjia" gần Thẩm Dương (phía đông bắc Trung Quốc) của tạp chí Lens.
Libération lưu ý là ngay sau khi đọc bài điều tra của Lens được đăng, hàng ngàn người đã biểu thị sự bất bình đến mức bài viết đã bị các nhà kiểm duyệt rút ra khỏi trang mạng.
Theo tác giả bài viết trên tạp chí Lens, hơn 5000 nữ tù nhân phải làm việc trong các xưởng may và giặt ủi cho các hãng may mặc ở bên ngoài.
Những người này phải làm việc từ 10 đến 14 giờ mỗi ngày, nhưng không được một đồng xu lương nào.
Khẩu phần ăn ít ỏi chỉ có rau và cơm, không bao giờ được một miếng thịt. Và họ chỉ được tắm nước nóng mỗi tháng một lần.
Bài điều tra của Lens trích lời thuật của một nhân chứng cho biết là cô đã bị biệt giam trong điều kiện khắc nghiệt (tay bị còng, chân bị xích) nhiều tháng trời chỉ vì dám phàn nàn.
Diện tích của « Xiaohao » - tên gọi của phòng biệt giam chừng có mấy mét vuông.
Vào mùa đông, đôi khi nhiệt độ xuống đến -20°C , nhưng không có sưởi. Nhất là do không có phòng vệ sinh, phòng biệt giam dần dần tích đầy phân người. Đó là chưa kể đến 13 ngày phải hứng chịu những trận đòn tra tấn bằng dùi cui điện trên khắp thân thể.
Tác giả bài báo khẳng định là trường hợp nói trên không phải là duy nhất.
Theo Libération, tại Trung Quốc hiện có đến khoảng từ 190 000 người (con số chính thức) đến 500 000 người (số do Hiệp hội Lao Cải đưa ra) đang bị « cải tạo lao động ».
Hệ thống này cho phép giam giữ người mà không cần phải đưa ra xét xử những người không được xem như là tội phạm. Đôi khi, chỉ vì một từ rất đơn giản được viết trên trang blog, người đó có thể bị công an Trung Quốc kết tội mà không cần xét xử.
Nhà báo của tạp chí Lens còn cho biết là tại trại giam « Masanjia », có rất nhiều người tàn tật, phụ nữ mang thai và nhiều bệnh nhân bị giam giữ, nhưng không được điều trị. Nhiều người trong số họ còn bị còng tay nhiều ngày trong một tư thế rất là khó chịu, chỉ vì một cái cớ rất đơn giản là ủi đồ không đúng quy cách, hay đã từ chối ký vào biên bản nhận tội.
Nhiều nhân chứng đã mô tả tỉ mỉ cho các nhà báo nghe các hình thức tra tấn dã man mà họ đã trải qua. Những hình thức mà độc giả nghĩ rằng chỉ có thể tìm thấy ở thời trung cổ hay chỉ là trên phim ảnh.
Tệ hơn nữa là vì không muốn bị vướng víu, đôi khi các nhà chức trách đã âm thầm vứt bỏ bên vệ đường những tù nhân nào quá tàn tạ, nhất là những người bị rối loạn tâm thần.
Cũng giống như bài điều tra của tạp chí Lens, Hoàn Cầu thời báo cho biết là tại trại Dalishan, 2100 tù nhân phải làm việc cật lực đến 14 giờ mỗi ngày để sản xuất quần jean và làm đồ chơi xuất khẩu. Đó là chưa kể đến nạn « ma cũ bắt nạt ma mới » theo như lời kể của một nữ tù nhân.
Theo Liberation, chuyện quản ngục giao phó « việc bẩn » cho các tù nhân để đổi lấy việc giảm án phạt là chuyện rất thường tình.
Theo lời thuật lại của cựu nữ tù nhân, được Hoàn Cầu thời báo trích dẫn, dường như công an phải hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhằm đảm bảo sao cho các trại -xưởng không bao giờ bị thiếu nhân công.
Chính phủ bật đèn xanh cho các bài phóng sự
Liên quan đến các bài phóng sự này, báo Liberation cho biết chính sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Trung Qu ốc về chính sách cải cách các trại cải tạo đã đẩy những người ủng hộ cho tự do đến việc cho phép rò rỉ các thông tin lên báo chí.
Theo giải thích của một vị giáo sư xin giấu tên ngành báo chí Đại học Thượng Hải, sở dĩ báo chí trong nước dám cho đăng tải các phóng sự điều tra là vì « các ban biên tập đã được chính quyền trung ương bật đèn xanh … Điều đó cũng không có nghĩa là báo chí đã được tự do ».
Vị giáo sư này cho rằng « chính quyền đang bị chia rẽ đến tận thượng đỉnh và ngay cả trong nội bộ Đảng » về việc dỡ bỏ loại hình giam giữ trái luật, vốn đã tạo nên một trong những thành trì mang tính biểu tượng nhất của chủ nghĩa Mao Trạch Đông.
Một nguồn tin thân cận xác nhận với thông tín viên của báo Libération rằng « Nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ muốn thúc tiến hơn nữa Nhà nước Pháp quyền về vấn đề này và hủy bỏ hệ thống cải tạo lao động ».
Về mặt chính thức, chỉ đơn giản là chuyện « cải cách » hệ thống theo như tuyên bố của tân thủ tướng Lý Khắc Cường.
Cũng theo nguồn tin trên « đấy chỉ là theo cách nói ngoại giao chỉ nhằm trấn an phe đối lập. Trên thực tế, chính đề án hủy bỏ mới nằm trong chương trình nghị sự ».
Trước sự phản đối của phe bảo thủ, mà người đứng đầu là Chu Vĩnh Khang , cựu lãnh đạo phụ trách an ninh nội bộ, phe ủng hộ cho việc hủy bỏ hệ thống trại lao cải buộc phải sử dụng đến báo giới để triển khai các lập luận và dự định đạt đến một thỏa hiệp.
Ấn Độ : áo lót điện – một vũ khí chống xâm hại tình dục
Làm thế nào để tự vệ trước một kẻ tấn công tình dục khi chúng ta là phụ nữ trên đất Ấn Độ ?
Vụ hãm hiếp tập thể một nữ sinh tại New Dehli đã dẫn đến nhiều sáng kiến : đồng hồ báo động cảnh sát, phân phát dao găm, bình xịt tiêu, lớp dạy võ thuật trong các trường học, lệnh giới nghiêm đối với các nữ sinh…
Trong số các sáng kiến đó, chiếc « áo lót điện khí hóa » do một nữ sinh chế tạo có lẽ là một vũ khí chống hãm hiếp hiệu quả nhất.
Liberation cho biết tác giả của sáng chế này chính là nữ sinh Manisha Mohan, 20 tuổi, thuộc trường đại học danh tiếng Chennai (phía Đông nam Ấn Độ).
Sau vụ việc New Dehli, cô đã cảm nhận một mối nguy hiểm : cuộc sống thường nhật của phụ nữ sẽ có những trói buộc.
Cô cho rằng « Cần phải tìm một loại vũ khí nào mà nó không thể quay ngược lại chống nạn nhân. Một con dao hay một quả bom tiêu chẳng giúp ích được gì, ai cũng biết rằng về mặt thể lực, đàn ông họ mạnh hơn nhiều ».
Xuất phát từ nhận định chung là « tất cả các nạn nhân đầu tiên hết bị níu ở vùng ngực », từ đó, Manisha Mohan cùng các bạn suy ra rằng cần phải tập trung nghiên cứu vào áo lót hơn là quần ngắn.
Libération cho biết, mẫu áo lót của cô có thể phóng điện đến 82 lần ở mức 3800 kV. Dĩ nhiên, chiếc áo lót phải được may thành hai lớp để tránh bị sốc điện.
Bên trong áo có cài đặt một thiết bị định vị và nút bấm để báo động cho người thân và cảnh sát.
Chiếc áo lót điện khí hóa của Mohan sẽ được tung ra thị trường trong vài tuần nữa.
Các nhà sáng chế trẻ hy vọng sản phẩm của họ sẽ đến được tay nhiều người và sẽ bảo vệ tối đa giới nữ. Tuy nhiên, Manisha cho biết thêm, bên cạnh những lời động viên, « cũng đã có nhiều đấng mày râu đã cảnh báo chúng tôi là họ sẽ đeo găng tay để tránh bị điện giật ».
Du học sinh ngoài châu Âu : Thủ tục nhập cảnh đơn giản hơn nhưng học phí tăng cao
Một tin vui cho các du học sinh nước ngoài tại Pháp là chính phủ Hollande sẽ giảm nhẹ các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh tin đáng mừng này, các tờ báo Pháp cũng cảnh báo trước là các du học sinh nước ngoài không thuộc khối châu Âu có nguy cơ phải trả mức học phí cao hơn thường lệ.
« Bị đối xử tệ dưới thời Sarkozy, du học sinh nước ngoài kể từ giờ được hoan nghênh » là tựa đề bài viết trên Libération. Hay như hàng tựa « Đón tiếp sinh viên nước ngoài, ván cờ mang tính chiến lược » trên báo Le Monde.
Hai tờ báo cho rằng, thông tư do cựu Bộ trưởng nội vụ Claude Gúeant ban hành dưới thời tổng thống tiền nhiệm Nicolas Sarkozy đã hạn chế quyền làm việc của các sinh viên ngoại quốc và làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp.
Hôm qua, chính phủ của ông Hollande đã thông báo nhiều biện pháp mới để cải thiện việc đón nhận các sinh viên nước ngoài.
Theo đề nghị của bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls và Bộ trưởng đào tạo sau đại học và nghiên cứu Genevieve Fioraso, chính phủ sẽ nghiên cứu ba biện pháp cụ thể.
Thứ nhất, giấy phép cư trú sẽ không còn xét theo từng trường hợp nữa, mà sẽ có giá trị trong nhiều năm tùy theo từng bậc học. Ví dụ, ba năm cho bậc đại học và hai năm cho thạc sĩ. Sau khi kết thúc chương trình học, các sinh viên sẽ được gia hạn visa thêm một năm để có thể tích lũy thêm kinh nghiệm chuyên môn.
Thứ hai, đối với bậc tiến sĩ, các nghiên cứu sinh sẽ được cấp một visa thường trực sao cho công việc nghiên cứu của học tại các phòng thí nghiệm của Pháp không phải bị gián đoạn bởi chuyện đổi mới giấy phép định cư.
Cuối cùng, mỗi khuôn viên đại học sẽ có một văn phòng, có đại diện của sở cảnh sát và các dịch vụ xã hội (ngân hàng, Trung tâm quản lý học sinh – sinh viên « CROUS », ..) thường trực tại chỗ để tạo thuận lợi cho việc đón nhận các sinh viên nước ngoài.
Tuy nhiên, báo Le Monde và Les Echos cùng lưu ý là chính phủ Pháp đang nghiên cứu các đề án tăng mức phí nhập học của các sinh viên đến từ các nước ngoài châu Âu.
Theo bà bộ trưởng đào tạo sau đại học và nghiên cứu, hiện chủ đề này không còn là điều cấm kỵ nữa, « […] tại sao không yêu cầu những người xuất thân từ các gia đình có thu nhập khá và không đóng thuế cho nước Pháp tham gia đóng góp tài chính cho hệ thống giáo dục Pháp ?
Hơn nữa, việc tăng mức lệ phí đó cũng chỉ ảnh hưởng đến khoảng từ 50.000 cho đến 100.000 trong tổng số 290.000 sinh viên nước ngoài. Nhất là, dù cho mức lệ phí có tăng lên từ 3 đến 4 lần, điều đó cũng không thật sự tạo ra một nguồn thu mới cho các trường đại học ».
Khủng bố tại Boston : bóng ma ngày 11/9
Nhìn sang Bắc Mỹ, sự việc thành phố Boston bị đánh bom khủng bố ngay trong buổi chạy đua marathon quốc tế hôm thứ hai 15/4/2013 vừa qua được đa số các báo Pháp giật tít lớn trên trang nhất.
Le Monde kêu to : « Boston bị tấn công khủng bố ». Đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên trên đất Mỹ kể từ 12 năm nay sau vụ khủng bố 11/9/2001.
« Boston : lần đầu tiên Obama đối diện với khủng bố » trên Le Figaro.
Những cảnh tượng đẫm máu đang làm sống lại ký ức đau buồn 12 năm về trước vụ tấn công tòa tháp đôi 11/9/2001.
Đối với Libération, «Nỗi khiếp hãi lại trở về ». Vụ khủng bố đầu tiên thời Obama hôm thứ hai vừa qua tại Boston nhắc nhở mối đe dọa mà Hoa Kỳ nghĩ rằng đã loại trừ được rồi.
« Hoa Kỳ sống lại nỗi lo khủng bố » hàng tít trên nhật báo công giáo La Croix.
Vụ đánh bom khủng bố lại nhấn chìm nước Mỹ trong nỗi sợ mà họ đã trải qua sau vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001.
Hầu hết các báo đều cho biết cho đến giờ Chính quyền Washington, FBI và cả chính quyền thành phố Boston và bang Massuchusetts không biết rõ động cơ của vụ tấn công và tổ chức nào đã thực hiện.
Tuy nhiên, đối với báo Le Monde, một điều chắn chắc là hành động đánh bom này được thực hiện ngay giữa đám đông dân sự và sự lựa chọn điểm đông trong mục tiêu là gây càng nhiều thương tích cho thấy « đây rõ ràng là một hành vi khủng bố và nó sẽ phải trả giá » theo như tuyên bố của Nhà Trắng.
Điều chắc chắn thứ hai đó là vụ đánh bom khủng bố này là vụ đánh bom thành công đầu tiên kể từ sau đợt tấn công 11/9 cách đây 12 năm.
Hiện tại các nhà chức trách Hoa Kỳ và bang Masachusetts gạt khả năng « âm mưu tấn công trên toàn quốc ».
Nhưng các nhà điều tra đang nhắm đến hai hướng. Thứ nhất, đây là một vụ tấn công khủng bố « chống Mỹ » mới, ít nhiều gì cũng có liên quan đến phe khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Về điểm này, không ai kể cả Nhà Trắng lẫn FBI có thể nêu đích danh bất kỳ tổ chức nào ở bên ngoài lãnh thổ. Hoặc cũng có thể là ngay trên chính đất Mỹ.
Hướng thứ hai, các nhà điều tra nhắm đến các tổ chức cực hữu. Thế nhưng, khả năng này cũng được gạt ra do không đủ bằng chứng thuyết phục.
Nói tóm lại, « vụ tấn công khủng bố nhắm vào một sự kiện thể thao quan trọng đánh thức các bóng ma của vụ khủng bố 11/9 » theo như tựa đề nhận định của báo Le Monde.
Và lại một lần nữa, La Croix cho rằng « Người Mỹ đang học lại cách sống chung với mối đe dọa khủng bố ».
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-04-2013 - 18/04/2013 20:08
- Thỉnh nguyện thư yêu cầu Mỹ hạn chế du lịch, gửi tiền về Việt Nam - 18/04/2013 19:48
- Mỹ : Bắt giữ nghi phạm các bức thư chứa ricine - 18/04/2013 16:18
- Nổ lớn tại một nhà máy phân bón Mỹ, ít nhất 5 người chết - 18/04/2013 16:11
- Mỹ gửi 200 sĩ quan tham mưu tới Jordani để đối phó với xung đột ở Syria - 18/04/2013 16:04
- Điều tàu chiến tới Singapore, Mỹ khẳng định chiến lược xoay trục sang châu Á - 18/04/2013 15:56
- Việt Nam : Thêm một nhà hoạt động dân chủ bị kết án tù - 18/04/2013 15:41
- Hơn hai nghìn quan khách dự tang lễ bà Thatcher - 17/04/2013 19:11
- Mỹ và LHQ đề nghị hỗ trợ Iran và Pakistan sau động đất - 17/04/2013 19:03
- Các phi cơ Trung Quốc tiếp cận không phận Nhật nhiều hơn Nga - 17/04/2013 16:56
Các tin khác
- Nghị viện châu Âu thảo luận khẩn cấp về tình hình nhân quyền Việt Nam - 17/04/2013 15:49
- Động đất tại Iran, ít nhất 40 người chết, hàng trăm bị thương - 16/04/2013 23:43
- Giá vàng tại thị trường New York rơi mạnh - 16/04/2013 23:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-04-2013 - 16/04/2013 22:59
- Điều tra về vụ nổ bom ở Boston - 16/04/2013 22:01
- Trong tang tóc, xuất hiện điều kỳ diệu - 16/04/2013 16:37
- Obama: 'Chúng ta sẽ tìm ra thủ phạm' - 15/04/2013 23:09
- Tòa quốc tế xử vụ đền Preah Vihear - 15/04/2013 21:35
- Hai vụ nổ bom liên tiếp tại Boston, nhiều người chết, bị thương. - 15/04/2013 21:04
- Bầu cử tổng thống Venezuela : Ông Maduro đắc cử với tỷ lệ sát sao - 15/04/2013 20:42