Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam tham gia RIMPAC: Ý nghĩa chiến lược lớn hơn tập trận

usa-rimpac VNCS


Chiến hạm RSS Tenacious của Singapore tham gia RIMPAC 2018. Ảnh 25/06/2018 tại căn cứ Pearl Harbor-Hickam, Hawaii.
Reuters

Cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới RIMPAC 2018 do Mỹ dẫn đầu vừa chính thức khởi động ngày 27/06/2018.

Trong thời gian qua, dư luận quốc tế đã hết sức chú ý đến sự kiện Trung Quốc không còn được Mỹ mời tham gia như hai lần trước đây do những hành vi quân sự hóa Biển Đông đã và đang được Bắc Kinh tiến hành.
Tuy nhiên, theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 02/07,  có một sự kiện khác cũng đáng chú ý không kém là việc Việt Nam, đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông, lần đầu tiên được mời tham gia RIMPAC.

Trong bài viết mang tựa đề “Tại sao việc Việt Nam tham dự RIMPAC đáng quan tâm - Why Vietnam’s First RIMPAC Participation Matters”, chuyên gia Prashanth Parameswaran của The Diplomat đã phân tích rõ một số ý nghĩa chiến lược của việc Hà Nội lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC để thẩm định rằng đây là một sự kiện đáng quan tâm, không kém sự kiện Bắc Kinh bị loại khỏi cuộc chơi.

Việt Nam đã từng dự RIMPAC 2 lần, nhưng chỉ là quan sát viên

Trước hết, theo The Diplomat, đây không phải là lần đầu tiên mà Việt Nam có mặt tại cuộc tập trận RIMPAC, gọi theo tiếng Việt là Vành Đai Thái Bình Dương, diễn ra 2 năm một lần vào mùa hè ở vùng quần đảo Hawaii và khu vực Nam California.
Hà Nội đã từng cử quan sát viên đến “nhìn” hai lần tập trận RIMPAC vào năm 2012 và 2016, cũng như các nước Đông Nam Á khác đã làm trước đó.

Thế nhưng điểm mới năm nay là Việt Nam không còn là người đứng ngoài quan sát nữa, mà đã là thành viên thực thụ của RIMPAC 2018, được quyền tham gia vào các hoạt động.
Có thể là vì lần đầu tiên tham gia, cho nên Việt Nam không cử tàu đến RIMPAC cùng diễn tập với 24 nước còn lại, mà chỉ cử 8 sĩ quan Hải Quân tham gia.

Theo bộ Quốc Phòng Việt Nam, đây chính là một cơ hội tốt để Hải Quân Việt Nam học tập kinh nghiệm của các nước khác, tăng cường năng lực trong một số lãnh vực cụ thể như cứu trợ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ý nghĩa chiến lược

Giải thích về mức độ tham gia còn khiêm tốn của Việt Nam, báo chí trong nước đã nói đến vấn đề tốn kém kinh phí khi gởi tàu đi tập trận.
Tuy nhiên, đối với The Diplomat, chỉ riêng việc Hà Nội đáp ứng lời mời đến tham gia RIMPAC đã là một sự kiện đầy ý nghĩa.

Theo tờ báo Nhật Bản, việc Mỹ mời Việt Nam tập trận, trong khi lại đóng cửa đối với Trung Quốc, hàm chứa một ý nghĩa chiến lược rộng lớn hơn một cuộc tập trận đơn thuần, nếu đặt nó trong bối cảnh hoạt động quốc phòng gia tăng đáng kể giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây, và gia tăng mạnh thời chính quyền Donald Trump, mặc dù vẫn còn nhiều bấp bênh và thách thức.

Vào lúc Washington đang tìm cách xây dựng chiến lược về một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở (gọi tắt là FOIPS - Free and Open Indo Pacific Strategy), Việt Nam được Mỹ xem như một đối tác then chốt.

Mặt khác, ý nghĩa không chỉ bó hẹp trong quan hệ song phương Mỹ Việt, mà còn mở rộng ra quan hệ giữa ASEAN với Mỹ.
Sự kiện Việt Nam tham gia RIMPAC 2018 đã nâng số lượng các quốc gia Đông Nam Á tham gia vào cuộc tập trận của Mỹ, lên 7 quốc gia trong số 10 nước ASEAN.

 Năm nay, bên cạnh Việt Nam, còn có 6 nước Đông Nam Á khác là Brunei, Indonesia, Malaysia Philippines, Singapore, và Thái Lan.
 Chỉ vắng có Cam Bốt, Lào và Miến Điện.

Điều đáng chú ý khác là quy mô tham gia. Ví dụ như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đã từng tham gia RIMPAC trước đây, nhưng chưa hề gởi tàu đến diễn tập.
 Lần này, họ đều có chiến hạm đến góp mặt. Thậm chí Philippines còn gởi đến hai chiếc.

Như nói ở trên Việt Nam tham gia, nhưng không gởi tàu đến RIMPAC.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, nhìn bối cảnh chung, sự kiện Việt Nam có mặt và góp phần vào cuộc thao diễn to lớn này vẫn đáng được chú ý.
Ba điều kiện mà Trung Quốc phải làm để có thể trở lại RIMPAC

Về trường hợp của Trung Quốc, nước này đã hai lần tham gia cuộc tập trận RIMPAC trong những năm gần đây.
Có điều là năm nay, sau một loạt những hành động khiêu khích, Bắc Kinh vào giờ chót đã không được hoan nghênh tại cuộc tập trận, và phía Mỹ đã nói rõ lý do rút lại lời mời: đó là vì vấn đề quân sự hóa Biển Đông.

Trung Quốc đã không che giấu thái độ bực tức trước quyết định của Washington, vì phải nói là Bắc Kinh có dấu hiệu rất lý thú với cuộc tập trận của Mỹ.
Theo tờ báo của Quân Đội Mỹ, Stars and Stripes, số ra ngày 29/06/2018, vào năm 2016, Trung Quốc đã cử một đội tàu 5 chiếc và 2000 quân nhân đến tham gia RIMPAC.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ngày 25/06/2018, đã nêu bật một số điều kiện mà Thượng Viện Mỹ đã đề ra cho Trung Quốc nếu ước muốn được tham gia RIMPAC trở lại.
Theo tờ báo, Thượng Viện Mỹ chính là định chế đã rất gay gắt đối với Bắc Kinh.

 Trong Đạo Luật Chuẩn Chi Quốc phòng - U.S. National Defense Authorization Act (NDAA) - cho tài khóa 2019 mới được Thượng Viện Mỹ thông qua gần đây, các thượng nghị sĩ đã kèm theo một số điều kiện mà Trung Quốc phải hội đủ trước khi trở lại cuộc thao diễn RIMPAC.

Văn kiện được Thượng Viện Mỹ thông qua đã yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không “cho phép hay tạo điều kiện dễ dàng” cho việc Hải Quân Trung Quốc tham gia RIMPAC, đến khi nào họ có thể chứng thực là Trung Quốc đã :

1/ Chấm dứt tất cả hoạt động bồi đắp đảo ở Biển Đông
2/ Triệt thoái tất cả vũ khí ra khỏi những nơi đã bồi đắp, và
3/ thiết lập một hồ sơ theo dõi nhất quán trong bốn năm về các hành động nhằm ổn định khu vực.
Đối với The Diplomat, các đòi hỏi của Thượng Viện Mỹ chỉ mang ý nghĩa biểu tượng và rất khó được Trung Quốc đáp ứng nghiêm túc.

Một vấn đề khác là không rõ các điều khoản được đưa vào Luật NDAA có hợp hiến hay không, và ngành hành pháp có rất nhiều cách thức để thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ - có nghĩa là một vị tổng thống tương lai hoàn toàn có thể mời Hải Quân Trung Quốc trở lại RIMPAC.

Dẫu sao thì quan điểm của Thượng Viện rất rõ ràng. Trong phần khuyến nghị chính phủ, không có giá trị ràng buộc, nhưng được ghi trong Luật NDAA 2019, định chế lập pháp Mỹ đã lưu ý chính quyền rằng “không nên mời tham gia RIMPAC bất kỳ quốc gia nào có hành động bất lợi đối với Mỹ”.

Trong số hơn 20 lực lượng hải quân ngoại quốc đã xác nhận tham gia vào cuộc tập trận RIMPAC năm nay, không có nước nào đối địch với Mỹ.
Tuy nhiên, đối với The Diplomat, các điều kiện mà Thượng Viện nêu lên đối với Trung Quốc vẫn bộc lộ một số hạn chế.

Họ đòi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động cải tạo bồi đắp. Thế nhưng đây là những hoạt động mà Trung Quốc đã dừng rồi vì đã hoàn thành phần cải tạo đất để bồi đắp bảy hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và hiện đang chuyển sang việc xây dựng và hoàn thiện các cấu trúc trên đảo.

Thượng Viện Mỹ cũng ra điều kiện đòi Trung Quốc tháo gỡ các cơ sở, thiết bị quân sự đã bố trí trên bảy hòn đảo nhân tạo đó.
 Không hề có lời lẽ nào về việc đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016.

Switch mode views: