Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2017
- Thứ Hai, 13 tháng Mười Một năm 2017 21:34
- Tác Giả: Anh Vũ
Trump–Tập : Sự khác biệt ở hai tầm nhìn chiến lược
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh, 9/11/2017.
REUTERS/Thomas Peter
Đúng ngày này 13/11 cách đây 2 năm, một loạt vụ khủng bố kinh hoàng đã đánh vào thủ đô Paris và vùng phụ cận.
Sự kiện đau thương này trở lại khắp các mặt báo Pháp ra hôm nay. Bên cạnh đó chủ đề quốc tế được các báo vẫn chú ý theo dõi là chuyến công châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt là chuyến đi Bắc Kinh.
Trang dư luận của nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề : « Trump-Tập Cận Bình, mù quáng đối diện với nhìn xa trông rộng ».
Bài viết của tác giả Dominique Moïsi, giáo sư tại Đại học Anh King’s College, cố vấn viện nghiên cứu chính trị Pháp Institut Montaigne, nhìn lại chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Trung Quốc, qua đó nhận thấy :
« Nước Mỹ của Donald Trump không còn một tầm nhìn chiến lược dài hạn nào. Trái lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình được ấn định một mục tiêu, tuy còn xa xôi, nhưng rất rõ ràng : Trở thành cường quốc số 1 thế giới ».
Tác giả nhắc lại sự kiện năm 1972 cựu tổng thống Mỹ đến thăm Bắc Kinh, được coi như là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh lạnh.
Trong thời gian từ 1972 đến 2017, đã có biết bao nhiêu thay đổi trong thế cân bằng thế giới và đặc biệt cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dominique Moïsi đặt vấn đề : « Năm 2017, thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đảo ngược. Trung Quốc có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Nước Mỹ thì không còn được như thế nữa.
Mục tiêu của Washington liệu có phải là tập hợp các nước châu Á, đặc biệt những nước dân chủ, để làm đối trọng cân bằng sức mạnh của Trung Quốc ?
Có phải Mỹ xích lại gần Trung Quốc để chia sẻ với Bắc Kinh gánh nặng trách nhiệm đối với thế giới ?
Cuối cùng là một câu hỏi nữa là : Phải chăng Mỹ vẫn muốn kiềm chế Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô trước đây ?»
Tác giả bài viết nhận định : « Đối tác, đối thủ, địch thủ (cạnh tranh) : Dường như Washington không thể lựa chọn giữa các khả năng trên. »
Trái lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình lại có được một tầm nhìn chiến lược, đó không phải là chiến lược « Trung Quốc trước tiên » mà là «nước Trung Quốc hàng đầu ».
Trung Quốc không bằng lòng với việc vượt lên trên các cường quốc châu Á. Mục tiêu này đã đạt được, giờ Trung Quốc muốn trở thành số 1 thế giới, vượt lên trên cả Mỹ về kinh tế, quân sự và cả văn minh văn hóa.
Trước những chệch choạc về dân chủ của nước Mỹ, Trung Quốc không còn cảm thấy yếu kém so với phương Tây.
Theo một nghiên cứu do Viện Pew tiến hành tại Mỹ, Canada, Úc và Đức, giờ đây có nhiều người tin tưởng vào Trung Quốc hơn là tin vào Mỹ.
Cuối cùng tác giả Dominique Moïsi kết luận : « Trái với chuyến đi của Nixon đến Trung Quốc, chuyến công du của Trump đến châu Á chắc chắn sẽ không đi vào lịch sử, nhưng sẽ còn ghi dấu ấn một giai đoạn hướng tới chuyển tiếp vai trò giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Washington không mong muốn. »
Việt Nam lo ngại đơn độc trước Trung Quốc
Cùng chủ đề về chuyến đi của Trump, nhật báo le Monde số ra cuối tuần, cũng có nhận định : « Trước Trung Quốc, thái độ thoái lui Châu Á của Trump khiến Hà Nội lo ngại ».
Theo bài viết thì, trước chính sách châu Á không rõ ràng của chính quyền Trump hiện nay, Việt Nam quả thực giờ không hiểu còn có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Washington để đối mặt với Trung Quốc nữa hay không.
Theo Le Monde, « Việt Nam là nước duy nhất trong vùng còn ít nhiều kháng cự với người Trung Quốc, Bắc Kinh giờ có thể áp đặt các điều kiện của họ cho các nước ASEAN. Trong khi mà với tổng thống Barack Obama, Việt Nam là một nước chủ chốt trên bàn cờ khu vực chủ yếu để ngăn chặn « đế quốc » Trung Hoa ».
Bài viết trích dẫn nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Hà Nội thừa nhận :
« Những năm qua, tình hình quốc tế đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Việt Nam. Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ hung hăng hơn ở Biển Đông, đồng thời nhiều nước nhỏ ở Đông Nam Á không cưỡng lại được cuộc tấn công lôi kéo của Trung Quốc bằng những khoản đầu tư quy mô lớn ».
Trump-Duterte xích lại gần nhau
Le Figaro quan tâm đến sự kiện, hôm nay 13/11/2017, tổng thống Mỹ đang có mặt tại Philippines với bài « Trump xích lại gần Duterte ».
Bài viết ghi nhận « tổng thốngPhilippines đã kiềm chế thái độ chống Mỹ, nhưng vẫn gần với Bắc Kinh » .
Le Figaro viết : « Hôm nay, vị tổng thống miệng thét ra lửa Rodrigo Duterte, có biệt danh « Trump của Philippines » đón đồng cấp Mỹ tại Manila để thể hiện sự nồng ấm trong quan hệ với Washington, dưới cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Đông Nam Á ».
Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2016 ông Duterte đã hùng hồn thông báo « ly dị » với Mỹ, trong chuyến thăm Bắc Kinh, một chuyến đi được nhìn nhận như để xác lập Philippines ngả theo Trung Quốc.
Từ đó trở đi, Trung Quốc dấn thêm bước mới tại Philippines. Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, Duterte đã lặng thinh không còn tỏ thái độ chống Mỹ như đối với chính quyền Obama. Manila cũng không còn dọa dẫm cắt đứt quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.
Nhưng trên hồ sơ nóng Biển Đông, tổng thống Philippines đã ngả hẳn về phe Bắc Kinh.
Trong những ngày này các bên có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ có dịp ngồi với nhau tại Philippines, nhưng tổng thống Duterte không định thúc bách gì đồng minh mới Trung Quốc về chuyện tranh chấp biển đảo.
Ông đã tuyên bố thế này với các nước Hiệp hội Đông Nam Á, nhân cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN tại Manila hôm qua :
« Chúng ta phải là bạn, những kẻ xúi bẩy muốn chúng ta đối đầu với Trung Quốc…. Tốt hơn là không xử lý vấn đề Biển Đông, bởi không một ai tự cho phép có chiến tranh ».
Nói một cách khác ông Duterte thừa nhận hiện trạng Biển Đông, đang có lợi cho Bắc Kinh.
Trong khi trước đó ít ngày, tại Hà Nội, ông Trump đã nói với các lãnh đạo Việt Nam rằng :
« Tôi làm một người trung gian đàm phán giỏi. Nếu các vị cần đến tôi, cứ cho tôi biết ».
Le Figaro nhận xét : « Những lời lẽ ca tụng của ông Trump đối với ông Tập vừa rồi về hồ sơ Bắc Triều Tiên khiến người ta không thể an tâm trao vai trò trung gian cho ông được.»
Pháp : Nỗi lo khủng bố thường trực từ sau vụ 13/11/2015
Trở lại với sự kiện chính của báo Pháp.
Hầu như tất cả các báo Pháp đều chạy tự lớn trang nhất liên quan đến sự kiện 13/11.
Hai năm, người Pháp vẫn chưa hết ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng của loạt tấn công khủng bố Paris.
Nhắc lại sự kiện đau thương, các báo dường như đều có chung một góc nhìn : Mối đe dọa khủng bố vẫn luôn tiềm ẩn đâu đó trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp và có thể nổ ra bất kỳ lúc nào có điều kiện. Tựa trang nhất của Le Figaro : « Quyết tâm của Daech tấn công chúng ta vẫn còn nguyên vẹn ». Đó là ý kiến nhận định của ông Lauren Nunez, tổng giám đốc An ninh quốc nội Pháp, trong bài trả lời phỏng vấn tờ báo.
Libération thì đặt vấn đề : « 13/11, lãnh đạo dưới mối đe dọa khủng bố », tựa trang nhất của tờ báo. Hồ sơ của Libération dành chủ yếu để trình bày về việc phủ tổng thống Pháp, điện Elysée, hoạt động ra sao với nỗi ám ảnh nguy cơ khủng bố thường trực. Theo tờ báo từ năm 2015 đến giờ, đe dọa khủng bố với nước Pháp chưa bao giờ giảm.
Khả năng về một vụ khủng bố có thể nổ ra luôn hiện hữu khắp nơi trên thượng tầng lãnh đạo Nhà nước. Tổng thống đã phải theo cách thức tổ chức lãnh đạo mới để cho phép phản ứng hành động bất kỳ lúc nào.
Còn nhật báo Công Giáo La Croix thì dành chủ yếu hồ sơ 13/11 cho những nạn nhân của vụ khủng bố cách đây 2 năm với tựa chính « Hồi ức 13/11 ».
La Croix ghi nhận, 2 năm sau cả nước Pháp vẫn in đậm dấu ấn của thảm kịch. Vụ tấn công khủng bố đôi khi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhiều người dân Pháp theo hướng tích cực đôi khi cả tiêu cực. Họ là những nạn nhân còn sống sót, cũng như những người chứng kiến vụ thảm sát.
Teddy Riner : Võ sĩ khổng lồ của Judo Pháp
Cuối cùng là phần tin thể thao mà hầu hết các báo Pháp đều hoan hỉ đăng tải đó là sự kiện võ sĩ Judo Teddy Riner hôm thứ Bảy vừa qua giành danh hiệu vô địch thế giới thứ 10 tại Marakech, Maroc.
Le Figaro ca ngợi : « Teddy Riner, một người khổng lồ trong những người khổng lồ. Với danh hiệu thứ 10 trong sự nghiệp, võ sĩ nhu đạo Pháp đã tiếp tục viết nên huyền thoại của mình, đó là huyền thoại của một vận động viên thể thao bất bại ».
Tin mới
- Thế giới trong mắt Donald Trump một năm sau ngày đắc cử TT Mỹ - 16/11/2017 21:51
- Biển Đông : ASEAN kêu gọi ‘‘phi quân sự hóa’’, nhưng tránh chỉ trích Bắc Kinh - 16/11/2017 21:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2017 - 15/11/2017 22:10
- Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Ả rập Xê Út - 15/11/2017 17:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2017 - 15/11/2017 00:00
- Freedom House : Lo ngại mạng xã hội bị thao túng - 14/11/2017 19:39
- Ý vắng bóng Cúp bóng đá thế giới 2018 - 14/11/2017 19:31
- Tổng thống Mỹ không dự Thượng đỉnh Đông Á - 14/11/2017 17:48
- Động đất 7.3 Richter tại biên giới Iran-Iraq, hơn 400 người chết - 13/11/2017 23:42
- Biển Đông : ASEAN vẫn có thể dựa Mỹ để chống Bắc Kinh bành trướng - 13/11/2017 23:11
Các tin khác
- TPP được cứu vãn, Việt Nam hy vọng Mỹ quay trở lại - 13/11/2017 18:50
- Thượng Đỉnh ASEAN: Biển Đông vắng bóng trong lời khai mạc - 13/11/2017 17:21
- Iran khuyến cáo Pháp : Không được đụng tới hiệp định hạt nhân - 13/11/2017 03:07
- Áo yếm tiếp APEC để “khoe” nét truyền thống? - 12/11/2017 06:47
- Trump và Putin gặp nhau bên lề thượng đỉnh APEC - 11/11/2017 16:07
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-11-2017 - 11/11/2017 15:59
- Tổng thống Mỹ bắt đầu viếng thăm chính thức Việt Nam - 11/11/2017 15:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2017 - 10/11/2017 22:41
- APEC trước hai chiến lược thương mại đối kháng Mỹ-Trung - 10/11/2017 22:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-11-2017 - 10/11/2017 07:37