Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-08-2017

 Khi các tập đoàn tin học lớn của Mỹ « thần phục » Trung Quốc

Tin hoc

Logo của bốn tập đoàn Google, Amazon, Facebook và Apple
Copy d'ecran : glossaire-international.com/

Báo Le Monde số ra ngày 08/08/2017 có hai bài viết đáng chú ý phê phán các tập đoàn tin học của Mỹ như Google, Amazon, Facebook, Apple – gọi tắt là GARA - vì miếng lợi đã nhượng bộ, trước đòi hỏi kiểm duyệt của Bắc Kinh, để có được thị phần tại Trung Quốc.

Mở đầu bài xã luận có đề tựa « Các tập đoàn tin học khổng lồ nhượng bộ Bắc Kinh », Le Monde nhắc lại : Cách nay gần 10 năm, bà Hillary Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Mỹ, đã tố cáo nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, ngày càng tỏ rõ quyết tâm áp đặt kiểm duyệt và lập biên giới tin học ngăn chặn công dân nước họ.

Ở thế kỷ 21 này, chính quyền Trung Quốc đã dựng lên một bức trường thành điện tử, nhằm kiểm soát các tác động chính trị của mạng internet.
Các mạng xã hội như Facebook, Twitter đã bị cấm tại Trung Quốc.

Thế nhưng, nhiều tập đoàn tin học lớn không thể bỏ qua thị trường hàng trăm triệu cư dân mạng này và chấp nhận các thỏa hiệp về những giá trị cơ bản, vốn là bản sắc của các xã hội phương Tây.

Hai tập đoàn có tính biểu tượng cao trong lĩnh vực tin học và công nghệ số của Mỹ là Apple và Amazon đã chấp nhận đòi hỏi của Bắc Kinh, rút bỏ ứng dụng VPN cho phép tránh kiểm duyệt. Tập đoàn quả táo ngụy biện là phải tuân thủ luật lệ các quốc gia, những nơi mà Apple làm ăn.

Đối với Le Monde, đây là một tiền lệ nguy hiểm. Khi đạt được điều họ muốn đối với Apple, Bắc Kinh đã giành được hai thắng lợi.
Một là chọc thủng khối các giá trị phương Tây và hai là tránh không bị tụt hậu trong lĩnh vực mang tính chiến lược này.
Điều tệ hại là Nga đang theo bước Trung Quốc, cũng ra lệnh cấm VPN. Rồi thủ tướng Hungary cũng coi mô hình Trung Quốc là đáng xem xét.

Để kết luận, Le Monde nhấn mạnh là cần nhắc lại với các tập đoàn tin học khổng lồ này một khẩu hiệu khá nổi tiếng trước đây của Google : « Đừng mất đạo đức ».

Apple : « Khôn nhà dại chợ »

Còn trong bài « Các tập đoàn GAFA đối mặt với bức Trường thành của Nhà nước Trung Quốc », Le Monde vạch trần thái độ hai mặt của Apple trong lĩnh vực kiểm duyệt : Tập đoàn quả táo lùi bước trước Bắc Kinh, nhưng lại tỏ ra cứng rắn với chính quyền Mỹ.

Đầu năm 2016, FBI đã đề nghị Apple phá mã của một điện thoại di động của một trong những tên khủng bố tấn công ở San Bernardino (California).
Vào thời điểm đó, Apple đã từ chối, nhân danh nguyên tắc bảo vệ đời tư của công dân.

Ông André Loesekrug Pietri, sáng lập viên quỹ đầu tư A Capital, làm việc tại Trung Quốc từ một thập niên qua, nhận định : Apple có thái độ chắc ăn tại Hoa Kỳ, bởi vì chống lại chính quyền liên bang thì tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp.
Thế nhưng, tại Trung Quốc thì ngược lại.

Ngoài việc bắt các tập đoàn nước ngoài phải nhượng bộ nhằm mục đích tăng cường kiểm duyệt, Bắc Kinh còn tìm mọi cách bảo vệ các tập đoàn tin học Trung Quốc.
Trên thị trường nội địa, 100% là công nghệ tin học Trung Quốc.

Bắc Kinh không cho phép đối tác nước ngoài mua các doanh nghiệp tin học hàng đầu của Trung Quốc và buộc họ phải ký các hợp đồng đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong lúc, Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài, mua lại các công ty ngoại quốc.

Câu hỏi đặt ra là liệu có quá muộn hay không đối với phương Tây ?
 Có một điều chắc chắn là Trung Quốc coi công nghệ là một trong những trụ cột của tăng trưởng và muốn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo vào năm 2030.
Trung Quốc hiện có 900 triệu người dùng internet và có một nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển lĩnh vực trí thông minh nhân tạo : đó là nguồn dữ liệu khổng lồ. Và không có gì bảo đảm là Bắc Kinh chia sẻ nguồn dữ liệu này cho bất kỳ ai.

Bắc Triều Tiên thách thức thế giới bất chấp trừng phạt
 
Một chủ đề khác cũng được báo chí Pháp đặc biệt quan tâm là hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Nhận định đầu tiên một số báo Pháp đưa ra là Trung Quốc đã có những thay đổi trên hồ sơ này.

Không như những lần trước, luôn vấp phải quyền phủ quyết của Bắc Kinh và Matxcơva, trong phiên họp hôm thứ Bảy 05/8 vừa qua, toàn thể Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết siết chặt trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc dự trù giảm đến 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Bắc Triều Tiên, ước tính gây thất thu cho nước này mỗi năm khoảng 3 tỷ đô la.

Tại Liên Hiệp Quốc, « Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt và kêu gọi nối lại đối thoại » như tựa thông báo của Le Monde.
Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố « sẽ áp dụng đầy đủ và nghiêm ngặt » các lệnh trừng phạt.

Thế nhưng, Bình Nhưỡng « bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vẫn từ chối mọi đối thoại về hạt nhân ».
Tựa một bài viết trên Les Echos. Bắc Triều Tiên giận dữ phản ứng cho rằng những biện pháp trừng phạt này đã « vi phạm mạnh mẽ chủ quyền quốc gia ».

Thông qua hãng thông tấn KCNA, Bình Nhưỡng khẳng định không nhường bước trước các áp lực, « không đặt việc giải trừ hạt nhân » lên bàn đàm phán.
Trước thái độ cương quyết này của Bắc Triều Tiên mà bài xã luận có tựa đề « Răn đe Bắc Triều Tiên », trên La Croix, đã kêu gọi Bình Nhưỡng nên mở cửa.
Tờ báo tin chắc rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ chẳng có mấy hiệu quả.

Bởi vì, hạt nhân chính là vũ khí răn đe tốt nhất để bảo toàn sự sống còn của chế độ cộng sản nhà họ Kim. Đó còn là một sự bảo đảm cho nền độc lập của đất nước giữa sự bủa vây của những cường quốc khác : Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, mà còn có cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vũ khí hạt nhân được xem như là một yếu tố của niềm tự hào dân tộc, đòi hỏi sự hy sinh của người dân Bắc Triều Tiên. Và những lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc đưa ra từ năm 2006 chẳng thể nào làm dịch chuyển quyết tâm này của chế độ.
Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân và chắc chắn không từ bỏ vị thế này.

Tuy nhiên, La Croix cho rằng cần phải đưa Bình Nhưỡng đến với các mối quan hệ xung quanh, không chỉ bằng mối tương quan lực lượng, mà còn dựa trên những trao đổi.
Bắc Triều Tiên không thể nào tiếp tục là « một vương quốc khép kín » như cách đây 20 năm. Xã hội cần được mở cửa để đời sống của người dân được cải thiện.

Kinh tế trỗi dậy bất chấp cấm vận

Về điểm này, Le Monde trong một bài phóng sự ghi nhận có « Những dấu hiệu kinh tế trỗi dậy tại đất nước của Kim Jong Un ».
Bất chấp các lệnh cấm vận, sự cô lập và sự trấn áp của chế độ, nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và điều kiện sống của người dân.
Theo quan sát của Ngân hàng Triều Tiên (tại Seoul), tăng trưởng của Bình Nhưỡng có lẽ ở mức 3,9%.

Le Monde buộc phải công nhận Bắc Triều Tiên có một sức sống đáng ngạc nhiên.
Nhiều tòa nhà chọc trời cao từ 20-30 tầng đây đó mọc lên ở Bình Nhưỡng.
Nhiều đại lộ, trung tâm thương mại hay nhà hàng nhan nhản khắp nơi.

Đất nước có nhiều sản phẩm sản xuất trong nước hơn và bắt đầu có dấu hiệu của sự cạnh tranh giữa cùng một loại mặt hàng.

Một mô hình kinh tế linh hoạt cũng dần xuất hiện, một sự hòa trộn giữa nền kinh tế tập trung và kinh tế tư nhân sơ khai.
Xã hội Bắc Triều Tiên tiến triển dĩ nhiên sẽ kéo theo hệ quả bất bình đẳng do có sự phát triển không đồng đều giữa thành phố và nông thôn, thậm chí giữa các khu phố ngay trong lòng thủ đô.

ASEAN : 50 tuổi nhưng chưa trưởng thành

Hôm nay, ASEAN mừng sinh nhật 50 tuổi. Sự kiện này không được các báo Pháp đề cập đến, ngoại trừ nhật báo kinh tế Les Echos.
 Tờ báo mỉa mai : « Đã 50 tuổi rồi, ASEAN mãi mơ về thị trường chung ».

Trước hết, tờ báo ghi nhận có sự mất đoàn kết trong nội bộ ASEAN.
Giống như mọi phiên họp hàng năm, Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) không ra được một thông cáo chung có thái độ cứng rắn với chính sách bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, bất chấp mong đợi của một số nước thành viên.

Les Echos trích nhận xét của Gareth Leathers, thuộc công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại Luân Đôn cho rằng ASEAN, tuy là một thị trường lớn có đến 620 triệu dân, nhưng « khó có thể nhanh chóng chuyển mình để tạo thành một thị trường chung hay một vùng sản xuất có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc ».

Nguyên nhân là do định chế này đã không có được một đường hướng chính trị rõ ràng, mỗi thành viên ưu tiên lợi ích riêng của mình bất chấp các thiệt hại cho cả nhóm.

Bất đồng đó trong nội bộ ASEAN cũng phần do ảnh hưởng quá khứ lịch sử. Mỗi một thành viên đều mang đậm một dấn ấn ảnh hưởng thuộc địa riêng.
Số thì chịu tác động từ Tây Ban Nha, Hà Lan hay Trung Quốc.
Số khác thì mang ảnh hưởng của đế chế Anh. Thêm vào đó là nhịp độ phát triển của mỗi nước một khác, cách thực hành mỗi nơi một kiểu…

Dẫu sao thì Les Echos cũng công nhận rằng ASEAN trong 50 năm qua đã có những nỗ lực đáng ghi nhận.
Trao đổi thương mại không bị áp thuế trong khu vực là 70%.
Từ năm nước thành viên nay trở thành 10. Kinh tế nông nghiệp dần được thay thế bằng kinh tế công nghiệp.

« Trọng lượng kinh tế » của khu vực trong những lĩnh vực trọng điểm giờ cũng ngang bằng với kinh tế Anh Quốc. Đà tăng trưởng này có thể sẽ còn tiến triển với tỷ lệ tăng cao nhất thế giới, nhất là đối với các nước Philippines, Miến Điện và Việt Nam.

Phần còn lại phải làm là trên phương diện chính trị. Kế hoạch năm 1997 có tiêu đề « Tầm nhìn ASEAN 2020 » đã nuôi dưỡng tham vọng xây dựng một cộng đồng thật sự có chung những giá trị và hoàn thiện hội nhập khu vực.

Vậy mà 20 năm đã trôi qua, cảm giác thuộc khối ASEAN giờ không còn phổ biến ở tầm mức khu vực nữa.
Tờ báo cho rằng cần phải xây dựng thành công một bản sắc ASEAN, để sau đó một quyền lực chính trị có thể dựa vào.

« Lào, biên giới mới của Trung Quốc »

Bên cạnh những chủ đề trên, loạt bài phóng sự mùa hè về « Những con đường tơ lụa mới của Trung Quốc » trên báo Le Monde hôm nay ra tiếp số thứ hai, lần này liên quan đến « Lào, biên giới mới của Trung Quốc ».
Tờ báo cho rằng dự án đường sắt mà Trung Quốc đang xây dựng tại đất nước nghìn voi buộc chính quyền Vientiane ngày càng lệ thuộc nhiều vào Bắc Kinh.

Nga – Mỹ : Hờn giận còn dai dẳng

Về thời sự quốc tế, trên mục Ý kiến, Le Figaro đăng bài nhận định của nhà báo Renaud Girard, giải thích vì sao « Bất hòa Mỹ-Nga sẽ kéo dài ».
Theo tác giả, quan hệ Washington-Matxcơva lên cơn sốt cao là do hai nguyên nhân hoàn cảnh. Trước tiên là việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Do Kremlin thù ghét Hillary Clinton, tình báo Nga đã tìm cách moi móc thông tin của đảng Dân Chủ, thực hiện các vụ tấn công tin học vào các tài khoản, hộp thư điện tử của bà Clinton, đảng Dân Chủ, rồi tung lên mạng những thông tin bất lợi cho ứng viên đảng Dân Chủ.

Lý do thứ hai là sự khao khát trả thù mãnh liệt của truyền thông và giới tinh hoa trí thức Mỹ thuộc xu hướng « tự do » (libéral) - bên Pháp gọi là giới trí thức « tiến bộ » (progressiste) - không hề muốn Donald Trump trúng cử tổng thống.

 Thay vì tự cật vấn lương tâm, truyền thông và giới tinh hoa Mỹ mơ tưởng đến tiến trình « impeachment – phế truất » tổng thống, dựa trên cái gọi là sự cấu kết với các lợi ích của ngoại bang.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi. Có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn giải thích sự bất hòa kéo dài giữa Mỹ và Nga.

Trước hết, về mặt tâm lý, Matxcơva không bao giờ có thể chấp nhận là Nga đã không còn vị thế ngang hàng với Hoa Kỳ.
Quá trình này được khởi đầu từ hội nghị Teheran – Iran, tháng 11/1943 và kết thúc tháng 12/1991, với sự sụp đổ của Liên Xô.

Nguyên nhân thứ hai là Nga muốn áp dụng học thuyết mà Mỹ đã từng áp dụng đối với các nước Nam Mỹ trước kia : đó là tạo dựng khu vực ảnh hưởng đối với các nước Cộng Hòa Xô Viết cũ.

Điểm thứ ba : Nga và Mỹ tuy là hai siêu cường, nhưng chỉ giống nhau về bề ngoài.

Hai nước này không có cùng hệ thống chính trị và do vậy, không thể hiểu biết nhau.
Nga là một chế độ chuyên chế cổ điển. Matxcơva dường như muốn có một hội nghị thượng đỉnh để tái thúc đẩy quan hệ song phương.
Thế nhưng, đây là điều bất khả thi vì khả năng hành động của Donald Trump hạn hẹp hơn đồng nhiệm Vladimir Putin.

Do vậy, bất hòa Mỹ-Nga sẽ còn kéo dài. Đây không phải là tin tức tốt lành và hoàn toàn không có lợi gì cho người Pháp chúng ta.

Trang nhất các báo Pháp

Le Monde ngoài thông báo sau kỳ nghỉ hè « điện Elysée đang chuẩn bị cho ngày trở lại đầy khó khăn », còn đưa ra một dự báo khá lý thú « Vào năm 2100, 40% dân số thế giới sẽ là người châu Phi ».
Dự phóng của Liên Hiệp Quốc còn cho thấy là vào năm 2050, trong một thế giới có đến 9,8 tỷ dân, cứ ba người trẻ có một người là gốc châu Phi.

Đến năm 2100, dân số châu Phi và châu Á sẽ ngang bằng với nhau là 4,5 tỷ người, so với con số 1,7 tỷ trong năm 2017.
Le Figaro bên cạnh tít nhỏ « Quy chế Đệ Nhất Phu Nhân : Điện Elysée muốn dập tắt tranh luận », là đề tài « Brexit : Những người Anh này muốn có một quốc tịch khác ».

Từ năm 2016, sau kết quả trưng cầu dân ý với thắng lợi của phe ủng hộ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, số lượng người Anh xin quốc tịch Pháp và Đức đã tăng vọt.
Giải thích về hiện tượng này, Le Figaro cho rằng hơn một triệu người dân Anh đang sinh sống tại châu lục cảm thấy như bị chính phủ bỏ rơi trong các cuộc đàm phán về Brexit, vào lúc mà chính phủ thủ tướng Theresa May lại không có những đường lối rõ ràng cho cuộc thương lượng.

Libération cũng giống như Le Figaro quan tâm đến vị thế của bà Brigitte Macron với hàng tít nhỏ : « Đệ Nhất Phu Nhân, một quy chế vẫn còn chưa được công nhận ». Tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất của tờ báo thiên tả này là việc bà Carla Del Ponte, công tố viên của Ủy ban điều tra về Syria thuộc Liên Hiệp Quốc đã quyết định từ chức do quá nản lòng.
Nhật báo đặt câu hỏi : « Tội ác chống nhân loại, ai sẽ phán xử Bachar al Assad ? ».
Les Echos có bài điều tra dài đề tựa : « Những con đường mới của nạn buôn đồ giả ».

Bùng nổ thương mại điện tử đang tạo thuận lợi cho các khả năng buôn hàng giả, hàng nhái trên quy mô lớn. Lần đầu tiên, một bản đồ nghiên cứu chung của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế OCDE và Cơ Quan Sở Hữu Trí Tuệ Châu Âu EUIPO đã được lập cho thấy các tổ chức buôn lậu đang tăng cường các điểm trung chuyển nhằm che giấu nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Cuối cùng, nhật báo Công Giáo La Croix trên trang nhất đặt câu hỏi lớn : « Liệu chúng ta có thể được chọn vắc-xin hay không ? ».
Bộ Y tế Pháp đang nghiên cứu về khả năng đưa vào luật một điều khoản cho phép các bậc phụ huynh được phép phản đối việc cung cấp 11 loại vắc-xin bắt buộc sắp tới đây.

Switch mode views: