Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

VN: Lập đài tưởng niệm trận Gạc Ma và nhìn lại

gacma 1

 Các chiến sỹ trẻ hải quân Việt Nam trước mô hình đảo Trường Sa lớn (hình minh họa).

Việc xây dựng đài tưởng niệm trận Gạc Ma ở Việt Nam lẽ ra cần được thực hiện sớm hơn và nhà nước, quân đội vẫn cần rút kinh nghiệm từ trận chiến này, các Đại tá quân đội Việt Nam nói với BBC hôm thứ Hai.

Hôm thứ Bảy, truyền thông Việt Nam cho hay sau hai năm thi công, một công trình 'Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma' đã hoàn thành giai đoạn một và khai trương, bình luận về sự kiện này, hôm 17/7/2017, Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nói:

    Tôi chỉ mong rằng từ nay trở đi, trong những vấn đề về chống kẻ thù xâm lược bảo vệ biển đảo, đừng để xảy ra tái diễn hững kiểu như đảo Gạc Ma, để rồi chúng ta lại phải ân hận, chúng lại vừa tức giận và chúng ta lại mất trắng chủ quyền một cách vô căn cứ và một cách thiếu bản lĩnh dân tộc như thế
    Nhà báo, Đại tá Bùi Văn Bồng

"Vấn đề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo là nguyện vọng của toàn dân và cũng là phát huy truyền thống của dân tộc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường chiếm biển Đông, để giành Biển Đông, rồi lấn chiếm đủ mọi cách.

"Trong bối cảnh đó, sự hy sinh của các chiến sỹ ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử và lẽ ra tưởng đài để tưởng nhớ họ phải làm sớm hơn, những việc để tưởng nhớ chiến sỹ Gạc Ma phải làm sớm hơn..."

Tuy nhiên, theo Đại tá Bồng, sự kiện đài tưởng niệm đã thể hiện một sự thay đổi cách nhìn của lãnh đạo Việt Nam, ông nói:

"Nhưng dù trong tình huống nào thì sự kiện xây dựng tượng đài chiến sỹ bảo vệ đảo Gạc Ma là rất cần thiết, theo tôi dù muộn mà xây dựng như thế cũng đã là tốt rồi, mà qua đó cũng thể hiện có thay đổi về cách nhìn của giới lãnh đạo về đảo Gạc Ma.

"Tôi chỉ mong rằng từ nay trở đi, trong những vấn đề về chống kẻ thù xâm lược bảo vệ biển đảo, đừng để xảy ra tái diễn những kiểu như đảo Gạc Ma, để rồi chúng ta (Việt Nam) lại phải ân hận, chúng lại vừa tức giận và chúng ta lại mất trắng chủ quyền một cách vô căn cứ và một cách thiếu bản lĩnh dân tộc như thế."
Bùi Văn Bồng: Hy sinh của chiến sĩ ở Gạc Ma

'Lệnh làm mất đảo'?

gacma 2
Một chiến sỹ trẻ hải quân Việt Nam trong một gian trưng bày về lịch sử liên quan hải quân (hình minh hoạ)

Theo cựu nhà báo báo Quân Đội Nhân Dân, đã có một mệnh lệnh 'không nổ súng' với binh sỹ trên đảo, khiến họ hy sinh và mất đảo vào tay quân Trung Quốc ngày 14/3/1988, ông nói:

"Theo dư luận, tại sao lại để cho chiến sỹ Gạc Ma phải hy sinh nhiều như thế? Và cũng có dư luận nói rằng chiến sỹ Gạc Ma khi đó đã có lệnh từ ai đó là không được nổ súng và họ đã phải bắn súng chỉ thiên lên trời.

"Trên mạng có một cái tranh vẽ khẩu súng dựng đứng lên và bắn thẳng lên trời, để nói rõ lệnh đó là lệnh tự làm mất đảo Gạc Ma và đẩy lính, người chiến sỹ hải quân bị hy sinh một cách oan uổng, mặc dù ý chí của họ rất kiên cường.

    Cho dù làm, hay không làm như thế, thì búa rìu của dư luận và những vấn đề người ta bình xét, bình phẩm, người ta đánh giá tự trong mỗi con người cũng đã đủ coi như một sự trừng trị, một sự chịu tội rồi
    Nhà báo, Đại tá Bùi Văn Bồng

"Nhưng vì chấp hành mệnh lệnh quân sự, súng lại bắn chỉ thiên lên trời mà không nhằm vào kẻ địch xâm chiếm biển đảo, không nhằm vào quân xâm lược đã xâm chiếm biển đảo của Tổ Quốc."

Khi được hỏi nếu đúng có mệnh lệnh đó, thì Việt Nam có cần điều tra ngược lại quá khứ hay không và nếu có điều tra, thì liệu sẽ có ai phải chịu trách nhiệm hay không, cựu Đại tá Bùi Văn Bồng đáp:

"Theo tôi, điều tra, rồi lôi người này, kia ra để xử lý, bây giờ làm được thì cũng tốt."

"Nhưng mà điều đó không cần để lịch sử phán xét nữa mà lịch sử đã hiểu hết rồi, chỉ có điều bây giờ đưa ra những biện pháp để mà này, nọ, thì chắc là không ai muốn làm và cũng không muốn làm, bởi vì cái gì đã nằm trong quá khứ lịch sử rồi, liên quan những nhân vật đã được đưa vào danh sách công thần của đất nước (với) vị trí cao rồi, thì sẽ ít người làm.

"Nhưng cho dù làm, hay không làm như thế, thì búa rìu của dư luận và những vấn đề người ta bình xét, bình phẩm, người ta đánh giá tự trong mỗi con người cũng đã đủ coi như một sự trừng trị, một sự chịu tội rồi.

"Tôi quan niệm bây giờ cứ làm theo hướng, thậm chí trường hợp đó, bây giờ có những cái buộc lòng phải ngậm đắng, nuốt cay mà xếp nó lại thế thôi," Đại tá, nhà báo nói với BBC.

Nguyên nhân từ đâu?

gacma 3
Các sỹ quan hải quân Việt Nam trong một lần giao lưu với hải quân Mỹ, khi một khu trục hạm ghé thăm Đà Nắng.

Cũng hôm 17/7, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, bình luận với BBC Tiếng Việt về thực hư của một mệnh lệnh 'không nổ súng' trong sự kiện ở Gạc Ma, ông nói:

"Thực ra trong việc giữ Gạc Ma, quần đảo Hoàng Sa, phía Việt Nam lúc nào cũng kiềm chế, để cố gắng làm sao không để xảy ra xung đột lớn, vì tiềm lực của Việt Nam lúc bấy giờ còn rất hạn hẹp và nếu xảy ra xung đột lớn, tôi nghĩ là điều rất hại cho an ninh của quốc gia.

"Thế nói là có 'lệnh cấm bắn trả', thì cũng không phải, mà thực ra là trong các hoạt động Việt Nam đảm bảo chủ quyền, thì không dùng các vũ khí lớn, không dùng tàu chiến, không dùng các hoạt động quân sự rầm rộ để bảo vệ quần đảo của mình, mà chủ yếu đưa các chiến sỹ ra để xây dựng các chốt để bảo vệ đảo.

    Nói là có 'lệnh cấm bắn' thì không phải, mà thực ra có một chủ trương không dùng tàu lớn, không dùng các phương tiện lớn để gây những xung đột lớn của đảo. Tôi nghĩ đó là chủ trương của Bộ Quốc phòng, cũng như Bộ Chính trị Việt Nam như thế rồi
    Đại tá Phạm Hữu Thắng, Viện Lịch sử Quân sự

"Và các lực lượng hậu cần đảm bảo cho chiến sỹ giữ đảo, còn các hoạt động, các lực lượng ấy, thì cũng chỉ (có) những loại vũ khí tự vệ cá nhân, chứ cũng không có những tàu chiến lớn, cũng như không có những loại vũ khí có uy lực lớn để đánh trả quân thù.

"Nói là có 'lệnh cấm bắn' thì không phải, mà thực ra có một chủ trương không dùng tàu lớn, không dùng các phương tiện lớn để gây những xung đột lớn của đảo. Tôi nghĩ đó là chủ trương của Bộ Quốc phòng, cũng như Bộ Chính trị Việt Nam như thế rồi."

Trở lại với sự kiện khánh thành khu tưởng niệm Gạc Ma ở Khánh Hòa, truyền thông Việt Nam hôm 15/7 cho hay đây là công trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 'đặt viên đá đầu tiên' từ cách đây hai năm.

"Đây là công trình của lòng dân, do đoàn viên công đoàn, cùng nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp tài chính, trí tuệ, tâm huyết và cả nỗi khát khao được thể hiện sự biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc," trang tin điện tử Infonet thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn lời ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn tỉnh Khánh hòa cho biết hôm thứ Bảy.

"Những ngày này, cùng với cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để tưởng nhớ, ghi công ơn những anh hùng liệt sĩ đã quyết tử vì Tổ quốc.

"Khu tưởng niệm sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục ý thức tự hào dân tộc. Đồng thời, phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong mỗi thế hệ người Việt Nam," trang điện tử Infonet cho hay.

Switch mode views: