Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Làn sóng người Trung Quốc ôm tiền ra đi tiếp tục tăng

Trung-Quoc-OmTien-01

Hai sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học: Tony Lu (thứ 2 từ phải) và Henry Li (thứ 2 từ trái), chụp hình chung với gia đình người bảo trợ, ông bà Joseph, trước căn nhà của họ ở Murietta, California hồi tháng 3, 2016.
Làn sóng sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học vẫn đang tiếp tục gia tăng. (Hình: Getty Images)

BẮC KINH (NV) – Càng ngày càng thêm những người Trung Quốc giàu có, thuộc giới thụ hưởng lợi ích của sự phát triển kinh tế trong ba thập niên vừa qua, chọn con đường rời bỏ đất nước này, thay vì dùng thế lực xã hội của họ để lên tiếng nói đòi hỏi cải tổ và chiếm lãnh vai trò ảnh hưởng tới hệ thống chính trị.

Hiện tượng này hoàn toàn khác với lịch sử của tất cả các quốc gia trên thế giới khi chuyển biến từ một xã hội chậm tiến qua giai đoạn phát triển kỹ nghệ.

Đó là nội dung một bài đăng trên tạp chí Asian Survey số 4 tập 46 trong tháng 8 năm 2016 của Steve Hess, giáo sư phụ giảng khoa học chính trị trường đại học Bridgeport, Connecticut và là chuyên gia nghiên cứu về Đông Á – Thái Bình Dương.

Giáo sư Steve Hess cho biết, cùng với sự phát triển, tình trạng bất quân bình kinh tế xã hội gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, do phần lớn tài sản tập trung vào tay một nhóm thiểu số ở các khu vực thành phố.

 Con số triệu phú, có tài sản khoảng trên 10 triệu nhân dân tệ ($1.5 triệu), và siêu triệu phú, tài sản hơn 200 triệu nhân dân tệ ($30 triệu), gia tăng mau chóng và chiếm giữ một phần quan trọng tổng sản lượng quốc dân GDP.

 Người giàu bỏ chạy

Theo phân tích của Bain & Company, con số triệu phú ở Trung Quốc từ 300 ngàn năm 2008 lên tới hơn 1 triệu năm 2014, tuy nhiên chưa tới 1/1,000 dân số 1.3 tỷ người.

Trị giá vốn liếng đầu tư của thành phần này từ 9,000 tỷ nhân dân tệ ($1,370 tỷ) năm 2008 lên tới 27,000 tỷ ($4,100 tỷ) năm 2014. GDP Trung Quốc vào khoảng 57,000 tỷ nhân dân tệ ($8,650 tỷ).

Mối quan tâm nghiêm trọng nhất của ban lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề một phần không nhỏ các triệu phú ấy đã hoặc đang tiếp tục tìm đường ra đi khỏi đất nước bằng chương trình di dân đầu tư ở một số các quốc gia phương Tây.

Hậu quả của tình trạng là Trung Quốc bị thất thoát tài nguyên nhân sự và mất hàng ngàn tỷ dollars trong thập niên vừa qua, hay gọi theo thuật ngữ khác là nguy cơ xuất não và thất thoát tư bản.

Một số các nhà phân tích phương Tây cho rằng dân chúng rời bỏ đất nước ra đi là một dấu hiệu suy giảm tinh thần ái quốc và thiếu tin tưởng vào sự bền vững của chế độ chính trị.

Có nhiều điểm cần dè dặt về cách phán đoán ấy. Trước hết, qua lịch sử, dân Trung Quốc chứng tỏ là những con người có tinh thần thực dụng, họ sẵn sàng đến định cư ở nơi nào có điều kiện đáp ứng được nhu cầu của đời sống.

Do đó Hoa kiều có mặt ở bất cứ vùng đất nào trên thế giới. Nhưng nên phân biệt những người này gốc gác hầu hết là dân nghèo không phải thành phần giầu có như hiện tượng người ta đang chứng kiến gần đây.

 Đến chảy máu chất xám

Dân Trung Quốc xuất ngoại định cư tăng nhanh trong thập niên vừa qua. Từ 1990 đến 2000 mỗi năm có khoảng 400,000 di dân. Tổng số Hoa kiều trên thế giới năm 1993 là 4.1 triệu, nay lên tới 10 triệu.

Mỹ là nước có nhiều di dân gốc Hoa nhất, 2.02 triệu, rồi tới Canada 896,000, Nam Hàn 657,000, Nhật 655,000, Úc 547,000, Singapore 457,000. Di dân ra đi từ Trung Quốc gia tăng cùng với thời kỳ kinh tế quốc nội phát triển chứ không phải là khó khăn.

Những di dân này có trình độ học vấn khá và thu nhập cá nhân cao.
 Tại Mỹ, 47% cộng đồng người Hoa có trình độ cử nhân trở lên so với 38% dân Mỹ và 28% các cộng đồng di dân khác.

Thu nhập bình quân đầu người của di dân Trung Quốc $57,000, so với $48,000 trong các cộng đồng di dân khác và $53,000 dân bản địa.
Nhưng để phân định rõ, nên biết là trong số người Hoa ở Mỹ có một số di dân Đài Loan và Hong Kong là hai nhóm có điều kiện sinh hoạt cao từ trước khi tới Mỹ.

Năm 2014 có 459,800 du học sinh Trung Quốc ở Mỹ trong số đó 274,000 cấp cao học. Mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là số sinh viên tốt nghiệp ở lại Mỹ không về nước, nhất là thành phần trình độ tiến sĩ và những lãnh vực chuyên môn khác.

Bộ giáo dục Trung Quốc năm 2009 cho biết trong số 700,000 sinh viên đi học ở nước ngoài từ 1978 đến 2003 chỉ có 172,800 trở về (25%). 85% sinh viên Trung Quốc trình độ tiến sĩ ở lại Mỹ so với 63.3% sinh viên các quốc gia khác.

Mặc dầu Trung Quốc đã thi hành nhiều phương cách để khuyến khích sinh viên tốt nghiệp trở về, kể cả các biện pháp đãi ngộ về việc làm, lương bổng, tiền thưởng tới $150,000, gia cư miễn phí và những phụ cấp khác, nhưng kết quả chỉ có giới hạn và tình trạng chảy máu chất xám vẩn tiếp tục.

canada- hoaky- nhapcu
Hoa Kỳ và Canada là 2 quốc gia có nhiều di dân gốc Hoa nhất, với 2.02 triệu và 896 ngàn. (Hình: Getty Images)

 Ôm tiền ra ngoại quốc

Một vấn đề khác có hậu quả trực tiếp hơn là sự ra đi khỏi Trung Quốc của những người thành phần giầu có, được gọi chung là HNWI (High-Net-Worth Individuals).

Giới này kéo theo họ tình trạng thất thoát tư bản ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Họ tìm ra những phương cách hiệu quả để thoát khỏi nỗ lực của nhà nước Trung Quốc nhằm kiểm soát và hạn chế thất thoát tư bản.

 Có cả một hệ thống ngân hàng, tài chính, kinh tế và pháp lý trên khắp thế giới tiếp tay với HNWI để trợ giúp chuyển tư bản từ Trung Quốc ra nước ngoài cùng với những di dân.
Sự ra đi của giới HNWI đem đến hai hậu quả trái ngược, một mặt là tổn hại như đã nói trên nhưng mặt khác lại giúp cho sự ổn định của chế độ.

Giảm thiểu những tiếng nói đối lập và hành động phản kháng từ các thành phần có nhiều tiềm lực này khiến cho chế độ tồn tại vững vàng hơn, đồng thời bớt các sự chống đối.

 Nhưng đối chiếu hai mặt tương phản đó, hầu hết các quan sát viên nhận định rằng phần hại lớn hơn và về lâu về dài tác động sẽ tích lũy mạnh mẽ dần tới một lúc vượt khỏi khả năng giải quyết của đảng và chính quyền Trung Quốc.

Trên căn bản HNWI rời khỏi Trung Quốc không giống như các chính trị gia đối lập hay những dân tị nạn muốn tránh sự đàn áp nhân quyền.
Dân Trung Quốc có thể không nhận biết về những sự ra đi ấy và do đó không tác động gì ngay về mặt tinh thần, nhưng lâu dài họ sẽ cảm thấy bất bình vì họ không được hưởng cuộc sống dễ dãi tại trong nước mà cũng không thể có điều kiện tìm ở nơi khác như mong muốn.

Tâm lý ấy sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu và hạ lưu gia tăng đòi hỏi cải cách, nhất là khi mà sự thất thoát tư bản sẽ khiến ngân sách quốc gia thiếu hụt không còn đủ để đài thọ cho những chương trình quốc nội từ an ninh đến xã hội. (HC)

Switch mode views: