Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-07-2016

Ấn Độ, đầu máy kinh tế thế giới ?

modi us 01

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) được các dân biểu Mỹ đón tiếp tại Washington ngày 08/06/2016. REUTERS/Carlos Barria

 Báo Le Figaro có bài phân tích : « Ấn Độ liệu có thể là đầu máy kinh tế thế giới ? ». Nền kinh tế phụ thuộc nặng vào « gió mùa », rất ít việc làm mới được tạo ra và khuyết tật trầm trọng trong các định chế là một loạt nhược điểm mà người khổng lồ Nam Á cần hóa giải, mới hy vọng trở thành một động lực của kinh tế toàn cầu.

Về mặt chính thức, với gần 8%, tăng trưởng của Ấn Độ bắt đầu vượt Trung Quốc, trong hai năm trở lại đây.

Lãnh đạo Ấn Độ liên tục quảng bá về triển vọng GDP nước này sẽ tăng vọt từ hơn 2.000 tỷ đô la hiện nay, lên 5.000 tỷ trong thời gian ngắn.

Theo Le Figaro, những con số ấn tượng này bị nhiều chuyên gia nghi ngờ. Năm 2015, cơ quan thống kê Ấn Độ đã « điều chỉnh » tỉ lệ tăng trưởng lên hơn 2 điểm (6,9% so với 4,7%).

Một loạt lý do gây ngờ vực. Như chỉ số sản xuất công nghiệp trong cùng thời gian chỉ tăng chậm hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng chính thức của cả nền kinh tế ; đầu tư công và tư đều tăng rất chậm ; xuất khẩu thậm chí giảm đến 6% hồi năm ngoái.

Về tính xác thực của con số tăng trưởng Ấn Độ chắc chắn còn nhiều tranh cãi, trong lĩnh vực lao động, Le Figaro nhấn mạnh đến hai điều.

Thứ nhất, « hơn 80% việc làm không được khai báo và gian lận thuế là môn thể thao quốc gia », và thứ hai là, các doanh nghiệp không tạo đủ chỗ làm.
« Tăng trưởng nhưng không tạo thêm việc làm » (Jobless growth) là tình trạng chung của kinh tế Ấn Độ.

Theo một báo cáo, tám ngành công nghiệp chủ chốt của Ấn Độ, trong ba quý đầu 2015, chỉ tạo được 155.000 chỗ làm, ít hơn hai lần so với 2014, và 4 lần so với 2009.
Thách thức là rất lớn, bởi hiện tại, 117 triệu người, tức 22% dân số ở độ tuổi lao động, đang tìm kiếm việc làm, và trong 10 năm tới, quốc gia khổng lồ Nam Á này phải tạo được ít nhất 60 triệu việc mới.

Hai mùa hạn hán liên tục, 2014 – 2015 khiến nền kinh tế - mà một nửa dân số làm nông - khó lòng cất cánh.
Do hệ thống thủy lợi kém phát triển, có đến gần 70% đất nông nghiệp Ấn Độ phụ thuộc vào « sự đỏng đảnh của thời tiết ».

Để vượt lên được, theo Le Figaro, trước hết Ấn Độ phải làm minh bạch hệ thống ngân hàng, đa số bị những người nắm quyền thao túng.
Chính quyền của thủ tướng Modi đã bắt đầu khởi sự từ năm 2015 một nỗ lực nhằm gột bỏ nợ xấu, để tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến một cải cách quan trọng khác : gộp khoảng 20 sắc thuế gián tiếp tại nhiều địa phương hiện nay thành một sắc thuế duy nhất, một loại thế TVA được áp dụng trên toàn quốc .

Theo các chuyên gia, cuộc « cách mạng nhỏ » này có thể giúp Ấn Độ tăng trưởng thêm từ 1% đến 2%.
Để làm được điều này, Thượng Viện Ấn Độ phải chấp nhận sửa đổi Hiến Pháp.

Theo Le Figaro, rất có thể điều này sẽ thành công, vì đảng của thủ tướng Modi đang giành được thêm nhiều ghế tại cơ quan lập pháp, vốn do đảng đối lập Quốc Đại kiểm soát.

Trung Quốc : Đảng viên tăng chậm dưới thời Tập Cận Bình

Le Figaro quan tâm đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, còn nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến mức độ « tăng trưởng » của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Chưa bao giờ đảng Cộng Sản Trung Quốc lại đông đảo như hiện nay, với 89 triệu đảng viên, chiếm 6,5% dân số.

Tuy nhiên, Les Echos ghi nhận : năm 2015, số người mới vào đảng Cộng Sản « chỉ là » một triệu, tương đương 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với 3,1% năm 2012, khi ông Tập Cận Bình mới nhập chức.

Trở thành đảng viên Cộng Sản không còn là chuyện dễ dàng như trước, với một loạt các rào cản thủ tục, cuộc chiến « chống tham nhũng » cũng có thể là nguyên nhân làm giảm số cán bộ « tha thiết » muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nhìn chung, đảng Cộng Sản cũng giống như xã hội Trung Quốc đang già đi. Giới trẻ ngày nay không còn nhiều háo hức với một tổ chức không còn mang lại nhiều lợi ích cho họ, trong lúc nền kinh tế thì ngày càng tư nhân hóa.

Trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhật Đảng, ông Tập Cận Bình một lần nữa lại hô hào trở lại với « chủ nghĩa Mác », với « tinh thần kỷ luật ».
Theo lãnh đạo Trung Quốc, nếu không nghiêm khắc, đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể « mất quyền lãnh đạo ».

Vẫn về Trung Quốc, phụ trương Kinh Tế của Le Figaro chú ý tới tham vọng đi đầu trong việc phát triển công nghệ 5G của tập đoàn viễn thông và điện tử Trung Quốc Hoa Vi - Huawei, với cuộc phỏng vấn chủ tịch tập đoàn, ông Ken Hu.

Với lợi thế của tốc độ siêu nhanh (gấp hàng trăm lần so với 4G và hàng nghìn lần so với 3G), lãnh đạo Hoa Vi hy vọng 5G sẽ là « hạ tầng cơ sở chủ yếu » của kỷ nguyên Internet kết nối đồ vật, và thậm chí của « toàn xã hội ».

Hoa Vi hiện được đánh giá là tập đoàn viễn thông số một thế giới và đứng thứ ba về điện thoại thông minh, sau Sam Sung và Appel. Châu Âu là một thị trường nơi Hoa Vi đang bành trướng mạnh.

Brexit làm ngưng tiến trình mở rộng Liên Hiệp Châu Âu

Cú sốc Brexit tiếp tục gây chấn động. Dự án mở rộng châu Âu bị ngưng lại do Brexit là tựa trang nhất của Le Figaro.

Trước hết là loạt các quốc gia thuộc khối Nam Tư cũ, nằm ở trung tâm châu Âu. Xã luận Le Figaro « Quá xa, quá nhanh » nhận xét : Quyết định chia tay của cử tri Anh đã làm tan đi một cấm kỵ, sau 70 năm mở rộng và thâu nhập không ngừng, phạm vi của Liên Hiệp Châu Âu lần đầu tiên bị co lại.

Theo Le Figaro, « Brexit không chịu trách nhiệm » về chuyện này, nhưng biến cố này đã khiến cho ngay cả những người nhiệt huyết nhất với việc mở rộng, trong đó có chính người Anh, phải chấp nhận đối mặt với một « vấn đề nóng bỏng » : chính sách nhập cư của châu Âu.

Ba Lan gom tượng đài Liên Xô vào một công viên

Vẫn về châu Âu, di sản Xô Viết hiện diện rất phổ biến tại Ba Lan, gần 30 năm sau khi khối Liên Xô tan vỡ.

Hơn 200 tượng đài vinh danh quân đội Liên Xô vẫn còn ngự trị tại các thành phố Ba Lan. Làm thế nào để Ba Lan có thể chia tay một cách thanh thản với các di sản thời Staline ?
Về chủ đề này, báo La Croix có bài « Người Ba Lan đưa các phế tích của Hồng Quân vào một công viên ».

Theo La Croix, trong số khoảng 500 tượng đài thời Liên Xô, gần 300 đã bị dỡ bỏ sau 1989. Chinh quyền các địa phương rất lúng túng với số tượng đài còn lại, một mặt do sự phản đối trong dân chúng, mặt khác do ngại bị Nga lên án là « vô ơn ».

Đối với nhiều người Ba Lan, nước Nga vừa giải phóng Ba Lan khỏi quân đội phát xít, nhưng Nga cũng áp đặt lên Ba Lan « một chế độ toàn trị », mà đa số người Ba Lan đã bác bỏ.
Dự án một « công viên lịch sử » đã được Viện Ký Ức Quốc Gia Ba Lan đề xuất để giải quyết vấn đề này.

Công viên Borne Sulinowo được xây dựng tại một căn cứ quân sự cũ của Liên Xô. Công viên sẽ được khánh thành cuối năm 2017, vào ngày 17/09, để nhắc đến ngày Liên Xô xâm lược Ba Lan năm 1939.

Một thành viên Viện Ký Ức Quốc Gia Ba Lan nhấn mạnh, công viên này để nhắc lại lịch sử, quan điểm cho rằng quân đội Liên Xô mang lại tự do cho Ba Lan vào năm 1945 là « một sự dối trá ».

Hậu Panama Papers : công ty Fonseca vẫn bình yên

Trở lại vụ bê bối « Panama Papers », báo Le Figaro cho biết thêm các diễn biến mới. Ba tháng sau cú sốc toàn cầu, với việc thông tin về 300.000 công ty bình phong, có cơ sở tại các thiên đường thuế, được tung lên mạng. Điều đáng ngạc nhiên là công ty luật Mossack Fonseca, quản lý hồ sơ các công ty nói trên, vẫn tiếp tục hoạt động, và không hề có chuyện tư pháp can thiệp.

Theo Le Figaro, rõ ràng là cảnh sát đã khám xét các văn phòng của công ty, tuy nhiên, việc này chỉ được tiến hành hai tuần sau khi các thông tin được tiết lộ, điều này hiển nhiên đã khiến cho các nhân viên công ty luật có đủ thời gian để tẩu tán tài liệu.

Phóng viên Le Figaro đã tiếp xúc với luật sư Bernal, giáo sư luật Hiến pháp.
Theo ông, sở dĩ công ty luật Fonseca có thể tung hoành như vậy là do tại Panama, tồn tại những quan hệ hết sức mờ ám giữa các văn phòng luật sư và chính quyền, tất cả đều do một nhóm đặc quyền, đặc lợi nhỏ chi phối, mang biệt danh Những người áo trắng.

Trong quá khứ, nhiều thành viên của các gia tộc giàu có – thường mang trang phục màu trắng – đã từng nắm gần như toàn bộ quyền lực kinh tế Panama.

Pháp : Dự Luật Lao Động trước thời khắc quyết định

Trở lại nước Pháp, hôm nay lại tiếp tục nhiều cuộc biểu tình của nghiệp đoàn, đặc biệt là công đoàn CGT, phản đối dự luật lao động của chính phủ.

Báo Le Parisien cho biết, đây là ngày tuần hành quốc gia thứ 12 chống dự luật El Khomri, cũng là ngày thỏa luận cuối cùng tại Quốc Hội. Các nghị sĩ sẽ bắt đầu thảo luận khẩn trương dự luật, kể từ 3 giờ chiều.

Trước nguy cơ không có đa số tại Quốc Hội, thủ tướng Valls đe dọa sẽ dùng điều 49.3 trong Hiến Pháp để đơn phương ban hành luật.
Vẫn theo Le Parisien, chính phủ đã đạt được sự đồng thuận của CFDT, công đoàn đứng thứ hai tại Pháp.

Michel Rocard : Người giải thoát đảng Xã Hội Pháp khỏi chủ nghĩa Mác

Sự ra đi của cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard hôm thứ Bảy, 02/07, tiếp tục là chủ đề lớn của báo chí Pháp. « Michel Rocard, một di sản » là tựa trang nhất của báo Le Monde.

Le Monde gọi ông Rocard là « người cha của cánh tả thứ hai » của nước Pháp.
Xã luận Le Monde « Rocard, le contre exemple/một biểu tượng trái chiều », ghi nhận những lời trân trọng dành cho người vừa qua đời, của chính giới Pháp, từ tả, đến hữu, kể cả cực hữu.

Trong những ngày tới sẽ có nhiều nghi thức long trọng để tưởng nhớ đến Michel Rocard, như một nhân vật hết sức quan trọng trong đời sống chính trị Pháp.
Có thể nói Michel Rocard đã không thành công trong cuộc chiến đi đến đỉnh cao quyền lực, quyết tâm trở thành tổng thống của ông đã ba lần bị bẻ gẫy.

Tuy nhiên, di sản đặc biệt của Michel Rocard là đã « cải cách truyền thống xã hội chủ nghĩa Pháp về mặt trí thức », ông đã đấu tranh để giải thoát đảng Xã hội Pháp ra khỏi chủ nghĩa Mác, chủ trương một cánh tả cải cách, chống lại ý thức hệ cách mạng.

Le Monde điểm lại một số đóng góp quan trọng của Rocard trong thời gian nắm quyền ngắn ngủi, như lập ra thu nhập tối thiểu giúp công dân tái hội nhập xã hội (RMI, trở thành RSA sau này), lập ra sắc thuế CSG (thuế đóng góp xã hội), hay cải cách êm thấm ngành bưu chính Pháp…

Theo Le Monde, tầm nhìn dài hạn của Rocard, quan điểm quyền lực chính trị phải được xây dựng trên sự đúng đắn của tư tưởng, của tri thức, của văn hóa, tương phản rất mạnh với lối làm chính trị mang tính thủ đoạn, rất phổ biến trong xã hội hiện nay.

Quốc Hội Pháp ra luật cấm cha mẹ « tát » con

Vẫn về chính trị nước Pháp, Quốc Hội Pháp đã thông qua một điều luật sửa đổi, trong luật hình sự, chống lại việc cha mẹ dùng các biện pháp trừng phạt thể xác đối với con cái.
Điều 371-1 sửa đổi khẳng định cha mẹ không có quyền được có các hành động độc ác, mang tính hạ nhục đối với con cái, kể cả các bạo lực thể xác.

Đây là một bước tiến quan trọng trong luật pháp bảo vệ trẻ em tại Pháp, theo ghi nhận của một số chuyên gia.

Báo trào phúng Pháp « Canard Enchainé/Con Vịt buộc » tròn 100 tuổi

Trong lĩnh vực văn hóa, Báo la Croix có bài về tờ báo trào phúng nổi tiếng của Pháp « Canard Enchainé » (tạm dịch là « Con Vịt buộc »), nhân dịp 100 năm tờ báo ra đời.

Hình ảnh minh họa của bài là một con vịt lần lượt nhảy trên đầu các nguyên thủ Pháp, không trừ ai, từ Charles de Gaule, đến đương kim tổng thống François Hollande.

« Canard Enchainé » là tờ báo trào phúng nổi tiếng bởi thái độ chỉ trích không khoan nhượng nhắm vào giới cầm quyền, giới lãnh đạo kinh tế.
Để bảo vệ sự độc lập của mình, Canard Enchainé không nhận đăng quảng cáo, và cho đến nay là một trong những tờ báo hiếm hoi không có ấn bản điện tử.

Với 24 triệu euro doanh thu, gần 400.000 ấn bản báo giấy/hàng tuần (2014-2015). Tờ báo tự tin đối mặt với đế chế Internet.
Chủ bút Michel Gaillard thậm chí còn khẳng định : « mô hình kinh tế internet không thể tồn tại lâu dài ».

La Croix đặt câu hỏi : những năm tới sẽ rất cam go, tờ báo Con Vịt sẽ phải tìm được cách để thích nghi với kỷ nguyên tin học, bởi giới trẻ hiện nay đa phần không thích đến các sạp báo.

Switch mode views: