Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-06-2016

Sự kiện Thiên An Môn chia rẽ giới đấu tranh dân chủ Hồng Kông

HK-china-tiananmen

Người Hồng Kông biểu tình trước ngày kỷ niệm 27 năm cuộc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh ngày 29/05/2016.
REUTERS/Bobby Yip

Lễ kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 đã quy tụ hàng chục nghìn người dân Hồng Kông. Thế nhưng, nhiều hội sinh viên đã kêu gọi tẩy chay sự kiện này.

Theo tuần báo Courrier International, đây là sự chia rẽ giữa các thế hệ đấu tranh vì dân chủ tại đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Vậy tại sao lại có tình trạng như vậy, trong khi thế hệ trẻ Hồng Kông, khi còn nhỏ, từng theo chân cha mẹ đến dự lễ kỷ niệm hàng năm tại công viên Victoria ?
Tại sao họ không muốn nối tiếp tinh thần của những người đi trước ?
Courrier International đặt lại câu hỏi của tờ Apple Daily, phát hành tại Hồng Kông.

Chủ tịch Hội sinh viên đại học Hồng Kông phát biểu rằng tưởng niệm nạn nhân của sự kiện Thiên An Môn không còn ý nghĩa đối với thế hệ trẻ và nên chấm dứt sự kiện này trong vòng một hoặc hai năm nữa.

 Tờ Apple Daily nhận định, dường như quyết định tẩy chay của giới trẻ nhằm mục đích tách biệt khỏi Liên minh Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước Trung Quốc.

Thực ra, lời kêu gọi tẩy chay là nhắm vào Trung Quốc và người dân đại lục, cũng như lời phát biểu của người đứng đầu đặc khu Lương Chấn Anh vào ngày 31/05/2016 : « Hồng Kông là một phần của Trung Quốc ; người dân Hồng Kông có liên hệ máu mủ với phần còn lại của nhân dân và cần phải quan tâm về những sự kiện chính của Trung Quốc ».

Ngay sau khi Hồng Kông được trao trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997, khi được hỏi mang quốc tịch nào, người dân đặc khu tự nhận là người Trung Quốc từ Hồng Kông.

Hơn 10 năm sau, họ không còn muốn nhận quốc tịch này vì hai lý do : một mặt do tiếng xấu của Trung Quốc ở các nước phương Tây văn minh ; mặt khác là tình trạng "ô nhiễm" Hồng Kông do Trung Quốc gây ra trên nhiều lĩnh vực : chính trị, kinh tế, xã hội.

Giờ đây, khi ra nước ngoài, họ không còn nhận mình là người Trung Quốc, mà khẳng định là người Hồng Kông (Hongkonger).

Nhưng thế hệ trẻ muốn khẳng định khác biệt rõ hơn nữa bằng cách thể hiện sự gắn bó với « nền độc lập tự nhiên của Hồng Kông » với phong trào « Dù Vàng » đòi dân chủ cho đặc khu từ năm 2014.
Dù vẫn có rất nhiều sinh viên đến tham dự sự kiện này, song sự vắng mặt của các hội sinh viên chính thức cho thấy mong muốn « chấm dứt » của họ.

Trong bài xã luận đăng trên tờ nhật báo Kinh tế Hồng Kông Shun Po, nhà báo Joseph Lian kêu gọi « thế hệ cũ không nên phản đối hay bất bình những việc mà thế hệ trẻ đang làm hay định làm, vì thanh niên chính là tương lai của Hồng Kông ».

Lễ kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn luôn mang nhiều mục đích đối với các nhà dân chủ Hồng Kông : phản đối sự lạm dụng quyền lực và đòi dân chủ.

Thế nhưng, sau thất bại của phong trào « Dù Vàng », sinh viên tham gia biểu tình cho rằng lễ tưởng niệm không còn ý nghĩa gì nữa.
Với họ, từ chối tham gia tưởng niệm sự kiện ngày 04 tháng Sáu không phải do thiếu tính nhân văn, mà là mong muốn cắt đứt với « nhà nước Trung Quốc ».

"Brexit" : Đôi đàng đều thiệt ?

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, ngày 23/06/2016, người dân Anh sẽ bỏ phiếu để quyết định ở lại hay rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Một số người dân Anh bày tỏ quan điểm với phóng viên tuần báo L’Express (08-14/06/2016), trong bài : « Người Anh, nên ở lại hay nên đi ? »

Theo bài phóng sự, từ Paris đến Berlin, rất nhiều quan chức ngoại giao cho rằng Luân Đôn đã đưa ra quyết định « điên rồ » khi tổ chức trưng cầu dân ý về « Brexit ».
Họ cũng trách là Luân Đôn đang làm hỏng nền móng của ngôi nhà chung châu Âu.

Nếu như dân Anh chọn « Brexit », châu Âu sẽ mất đi nền kinh tế lớn thứ hai của Liên Hiệp.
Anh Quốc còn là một trong những nước có lực lượng quân sự và trọng lượng ngoại giao đáng kể trên thế giới.

 Ngoài ra, « Brexit » sẽ còn kéo theo hiệu ứng domino đối với một số thành viên châu Âu khác như Hungary và Slovakia. Các nước này sẽ tranh thủ cơ hội để tổ chức trưng cầu dân ý tại nước mình.
Công cuộc xây dựng một Liên Hiệp vững chắc đang bị đe dọa.

Hơn nữa, « Brexit » cũng khiến Liên Hiệp Anh lung lay, vì « Brexit » chỉ là ý tưởng của Anh, trong khi những thành viên khác của vương quốc như Scotland, xứ Wales hay Bắc Ireland đều ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu.

Phe dân túy Scotland đã lên tiếng dọa, nếu « Brexit » giành chiến thắng vào ngày 23/06 tới, Scotland sẽ tổ chức bỏ phiếu đòi độc lập trong vòng hai năm tới và khẳng định có nhiều cơ hội để đạt được mục đích.
Như vậy, Liên Hiệp Anh, được thành lập từ năm 1707, lại có nguy cơ tan rã !

Nhận xét về quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của thủ tướng Anh, tuần báo L’Express cho rằng David Cameron đang đặt cược cả sự nghiệp chính trị của mình, vì 3/4 thành viên đảng Bảo Thủ ủng hộ « Brexit ».

Một dân biểu bảo thủ giải thích lựa chọn của mình : « Tôi không phản đối Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (CEE) mà chúng tôi đã gia nhập cách đây 43 năm.

 Ngày nay, Liên Hiệp Châu Âu là một dự án chính trị, và đã đến lúc đất nước tôi rời khỏi khối này ! Ngày mai, gần 80 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ, công dân của quốc gia ngày càng tôn sùng đạo Hồi, với chiến tranh ngay tại cửa ngõ, sẽ trở thành công dân của Liên Hiệp Châu Âu ?
Sau đó sẽ đến lượt nước nào ? Ukraina hay Albania ? Thật điên rồ ! »

Từ giờ đến ngày 23/06, nhiều người dân Anh có cùng câu hỏi với thế hệ cha mẹ họ trong những năm 1950 : Nên rúc đầu trong vỏ hay thò đầu ra ngoài ngắm nhìn thế giới ?

Vang Bordeaux chinh phục Trung Quốc từ thế kỷ 18

Làn sóng giới đầu tư Trung Quốc mua các ruộng nho Pháp từ năm 2009 có thể rất đáng ngạc nhiên. Nhưng ngay từ thế kỷ 18, rượu vang Pháp đã có mặt tại thị trường Đông Á này.
Phụ san chuyên về rượu vang của L’Express nhìn lại quá trình chinh phục Trung Quốc.

Vào cuối thế kỷ 18, Pháp và Anh Quốc, đối thủ cạnh tranh thương mại chính, tìm cách mở rộng thị trường ra khắp thế giới. Cả hai nước bên bờ biển Manche đều thấy có thể làm giầu tại Trung Quốc.

Chuyến tầu chở rượu vang đầu tiên cập cảng Trung Quốc năm 1783 nhờ thuyền trưởng trẻ Jean-Etienne Balguerie.
 Không giống thương gia Anh thường buôn chè/trà về Anh Quốc, quốc gia tiêu thụ đến 20.000 tấn vào năm 1842 trong khi Pháp chỉ tiêu thụ khoảng 232 tấn, các thương gia Bordeaux tìm được con đường tiết kiệm hơn nhờ đàm phán với các thương gia Anh để thay họ chở rượu vang sang Trung Quốc.

Rượu vang Bordeaux chưa hề nổi tiếng và ít được uống tại vương quốc Đông Á này, trừ vài người giầu có và một số quan lại.
 Thời gian sau, rượu vang đỏ Bordeaux và rượu vang ngọt sauternes được tiêu thụ nhiều hơn nhờ giới thương gia Anh và Mỹ sống tại các Cảng Hiệp Ước (Treaty Ports, các hải cảng mở cửa cho giao thương quốc tế).
Năm 1875, 710.800 chai rượu vang Bordeaux đã được chở đến Trung Quốc.

Viễn cảnh phát triển thị trường có vẻ sáng lạn, nhưng lại bị thiêu rụi vì Thế Chiến Thứ Hai : Trung Hoa bị tàn phá, kinh tế khó khăn. Tiếp theo là giai đoạn cầm quyền của Mao Trạch Đông từ năm 1949.

Năm 1954, Bordeaux chỉ xuất sang Trung Quốc được 266 chai rượu. Sau khi Mao qua đời vào 20 năm sau, vùng rượu vang nổi tiếng của Pháp cũng chỉ xuất được 3.700 chai sang Trung Quốc.

Tình hình thay đổi với việc Đặng Tiểu Bình mở cửa đất nước với phương Tây và các công ty liên doanh.
Năm 1988, hai nhà kinh doanh David Henderson người Mỹ và Carl Crook người Anh là những người đầu tiên được cấp phép kinh doanh trực tiếp để nhập khẩu rượu vang vào Trung Quốc với tên gọi Montrose Wine&Food.
Rượu vang Bordeaux ngày càng được ưa chuộng trong giới nhà giầu mới ở Hoa lục.

Thậm chí tại kỳ họp Quốc Hội tháng 03/1996 tại Bắc Kinh, thủ tướng Lý Bằng (Li Peng) ca ngợi những lợi ích của rượu vang đỏ.
Nhưng thời kỳ hưng thịnh chấm dứt ngay năm sau do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á.
 Tuy vậy, vẫn có đến 266.666 chai rượu vang Bordeaux được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2000, gần 72 triệu chai vào năm 2012.

Giấc mơ đã trở thành hiện thực bỗng bị phá vỡ. Từ năm 2013, chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình khiến số lượng quà biếu giảm đi nhanh chóng. Dù đã đóng chai nhưng cuối cùng rượu vang Bordeaux đã không được xuất cảng.

Bóng đá: Liều thuốc hiệu nghiệm cho khủng hoảng xã hội tại Pháp ?

Tiếng còi khai mạc giải Euro 2016 cất lên từ ngày 10/06. Courrier International đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Liệu bóng đá có hòa giải được nước Pháp không ? »
Đình công, thất nghiệp, khủng bố, lũ lụt, chưa bao giờ nước Pháp phải giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề đến như vậy, đồng thời vẫn phải bảo đảm cho giải Vô địch Bóng đá châu Âu Euro 2016.
 Báo chí nước ngoài sôi nổi thảo luận liệu thể thao có phải là liều thuốc kì diệu cho cuộc khủng hoảng mà chính phủ Pháp đang phải đối mặt.

Nhật báo Anh The Times cho rằng tại thời điểm đe dọa khủng bố như hiện nay, Euro 2016 là dịp để toàn châu lục thể hiện điều tốt đẹp nhất và những giá trị của mình.
Bóng đá là môn thể thao tập hợp, xóa bỏ mọi khác biệt và phá vỡ những bức tường chia cách mọi người.

Trang mạng Aeon của Nam Phi cho rằng biến giải thi đấu này thành thành công có thể hàn gắn được nước Pháp.
Vì trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nước Pháp phải gắn bó hơn với những biểu tượng thống nhất của mình để vượt qua mọi sự chia rẽ mà biểu tượng đầu tiên chính là đội hình đa sắc tộc nổi tiếng Black-Blanc-Beur ((Đen-Trắng-Bắc Phi).

Có chung nhận định với trang mạng Aeon, nhật báo Áo Der Standard cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng, cổ động viên của đội tuyển Áo Lam hy vọng tìm lại được tinh thần tập thể mà nước Pháp đang thiếu hiện nay.

Thế nhưng, nhật báo Bỉ De Morgen lại lo ngại giải Euro 2016 có thể trở nên hỗn loạn, một phần do các phong trào đình công vẫn đang diễn ra tại Pháp, cùng với sự mệt mỏi của lực lượng an ninh luôn bị đặt trong tình trạng "căng như dây đàn".

Mohamed Ali : Niềm tự hào của người Hồi giáo Mỹ

Đây là hàng tựa nhận định của Courrier International. Mohamed Ali là võ sĩ quyền anh nổi tiếng nhất thế giới trong của thế kỷ 20, qua đời ngày 03/06.
 Ông không chỉ là một hình tượng thể thao, mà còn cho phép người Hồi giáo tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội Mỹ.

Còn với L’Obs, Mohamed Ali là "The Greatest". Tuần san dành 5 trang báo đăng lại những hình ảnh của võ sĩ qua từng giai đoạn, từ sinh hoạt đời thường đến khoảnh khắc đáng nhớ trên võ đài và cả lúc xế chiều.

Tờ báo nhận xét "cậu bé bang Kentucky" không chỉ là một võ sĩ thiên tài. Mohamed Ali còn là một hình tượng toàn cầu và là một biểu tượng của lịch sử nước Mỹ.

Switch mode views: