Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu quyết định khóa con đường vượt biên từ Trung Đông

MIGRANTS-EU 4

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đón Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (giữa) tại Bruxelles ngày 07/03/2016.
REUTERS/Emmanuel Dunand

Kêu gọi Ankara nhận lại di dân bị châu Âu trục xuất, tăng cường hỗ trợ Hy Lạp cưu mang thuyền nhân và khóa con đường Balkan dẫn đến Áo, Đức.

Trên đây là những mục tiêu của thượng đỉnh Châu Âu- Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay 07/03/2016 tại Bruxelles.

Đại diện của 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gặp nhau vào hôm nay tại Bruxelles vào lúc gần 1,3 triệu di dân đã vào đến lãnh thổ châu Âu.

Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm, số thuyền nhân đến bờ đã lên đến 130 ngàn, gấp 30 lần so với cùng thời kỳ năm 2015.
Hơn 30.000 bị chặn lại tại Hy Lạp trong điều kiện tồi tệ vì các trung tâm tạm cư đã quá sức chứa.

Thổ Nhĩ Kỳ, trạm trung chuyển sang châu Âu, cũng đang cưu mang 2,5 triệu tị nạn, đa số là người Syria.
Một số nước Balkan đã quyết định đưa quân đội ra trấn giữ biên giới trong khi nước Đức cho biết đã quá tải với hơn 1 triệu tị nạn.

Giải pháp của Bruxelles là chỉ cho những người « xin tị nạn » vào Hy Lạp, trục xuất « di dân kinh tế » về Thổ Nhĩ Kỳ, và mở lại biên giới bên trong khu vực tự do đi lại Schengen.

 Kế hoạch của châu Âu chưa chắc được Ankara chấp nhận trừ phi đánh đổi bằng tài chính, ngoại giao, mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên.
Bản thân di dân bất chấp toan tính của châu Âu. Mỗi ngày không dưới một ngàn người từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển sang Hy Lạp.

Từ Istanbul, thông tín viên Alexandre Billette giải thích :

Tổng cộng 3 triệu người tị nạn đang tạm trú ở Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết đều mong muốn sang châu Âu cho dù cuộc hành trình đầy bất trắc và hiểm nguy.
 Họ không muốn tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara không có một chính sách tị nạn đúng nghĩa.
Tình trạng quan liêu, thủ tục giấy tờ rất nặng nề và không chắc là sẽ được chấp thuận.

Một người dân Syria từ Damas chạy sang giải thích vì sao kiên quyết vượt biển sang châu Âu trong những ngày tới :
" Ở Thổ Nhĩ Kỳ cuộc sống chúng tôi bị bế tắc. Tưởng tuợng phải định cư tại Thổ Nhĩ Kỳ làm chúng tôi kinh hãi.  Người tị nạn không được Nhà nước, cảnh sát bảo vệ.
Muốn sống an toàn, phải sang châu Âu vì ở châu Âu không ai phải sợ gì cả. Chúng tôi quá ớn cái cảnh sống trong nổi sợ hãi" .

Người tìm đường vượt biển không quan tâm thượng đỉnh Bruxelles. Họ tìm giải pháp trên facebook.
Mùa đông sắp hết, giá một chuyến vượt biển cũng giảm theo.
Nếu châu Âu quyết định tăng cường kiểm soát biên giới thì các đường giây tổ chức vượt biển sẽ gia tăng các chuyến ra khơi.

NATO tăng cường tuần tra trên biển Egée chận các đường giây vượt biển

Trước giờ khai mạc thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Anh thông báo sẽ gửi ba tàu chiến sang biển Hy Lạp.
Paris cũng thông báo sẽ gửi một tàu quân sự, vào tuần tới, để phối hợp với ba chiến hạm của NATO đang họat động chống các tổ chức buôn người.

Switch mode views: