Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 17-12-2015

Tay tang

Bắc Kinh dùng kinh tế để bóp nghẹt bản sắc văn hóa Tây Tạng

Biểu tình ủng hộ người Tây Tạng trước trụ sở Ủy ban Châu Âu, nhân thượng đỉnh Âu - Trung, Bruxelles, 29/06/2015.
REUTERS/Yves Herman

Vùng tự trị Tây Tạng (Tibet), nằm ở phía tây nam Trung Quốc, giáp ranh với các nước Nepal và Butan, từ lâu được coi là nóc nhà của thế giới.

Dưới danh nghĩa tiến hành chương trình hiện đại hóa vùng tự trị này, Bắc Kinh lại đang bóp nghẹt mọi hành động bảo vệ bản sắc địa phương.

Theo nhận xét trong bài « Tây Tạng, hành trình tiến tới hiện đại » của đặc phái viên báo Le Figaro, có thể coi các công trình xây dựng quy mô nở rộ tại Lhassa, thủ phủ của vùng tự trị Tây Tạng, là dấu hiệu thành công cho chính sách đồng hóa của Bắc Kinh.

Trái ngược với lời khẳng định Tây Tạng đang được hưởng « nền tự trị », Bắc Kinh vẫn kiểm soát khu vực này với chính sách bàn tay thép, đồng thời hạn chế số lượng lượt ra/vào khu vực, đặc biệt là với giới báo chí và ngoại giao.

Năm mươi năm sau khi khu vực tự trị Tây Tạng (TAR) được thành lập, cuộc sống của người dân Tây Tạng tiếp tục chìm trong sợ hãi trước một cơ quan cảnh sát đầy quyền lực.

Nghịch lý là Trung Quốc lại muốn phát triển ngành du lịch tại Tây Tạng để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Bắc Kinh đặt mục tiêu hàng đầu là hiện đại hóa khu vực này, đồng thời cải thiện hình ảnh của chính quyền.

Theo lời một quan chức Tây Tạng, từ khi vùng này được « giải phóng một cách ôn hòa », đã có rất nhiều thành tựu kinh tế và xã hội : như tỷ lệ người mù chữ trong giới trẻ giảm từ 95% trong thập niên 1950 xuống còn 0,5% hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng là 12,5%, một trong những kỉ lục cao nhất nước.

Thế nhưng, một trí thức Tây Tạng lại tỏ ra nghi ngờ những con số thống kê chính thức do trung ương công bố. Ông cũng cáo buộc chính sách đô thị hóa với những khu dân cư mới hiện đại để thu hút người Hán đã làm đảo lộn cuộc sống của người nông dân Tây Tạng và tác động xấu tới hệ sinh thái.

Bắc Kinh khao khát các nguồn tài nguyên trong vùng. Chỉ cần phát hiện ra một khu vực giầu tài nguyên và thưa dân cư, chính quyền bắt tay ngay vào khai thác.

Người dân bất bình vì những hạn chế đối với việc bảo tồn truyền thống Phật giáo đặc trưng của khu vực, hay việc họ bị phân biệt đối xử về mặt kinh tế so với người Hán xuất hiện ngày càng đông từ nhiều thập kỷ gần đây.

Năm 2008, giới sư sãi đã xuống biểu tình tại khu phố cổ Barkhor để phản đối chính sách cai trị của Bắc Kinh. Từ đó, chính quyền đã cho lắp một hệ thống camera theo dõi và thiết lập nhiều trạm kiểm soát bên ngoài các sân đền nổi tiếng hay các cửa hàng lưu niệm ở Barkhor, nhằm bóp nát ngay trong trứng nước mọi ý định mưu phản.

Cũng tại Tây Tạng, có ít nhất 140 người đã tự thiêu từ năm 2009 để đòi các quyền tự do, trong khi đó, Bắc Kinh lại quy kết là những hành động khủng bố.

Hình ảnh người dân Tây Tạng hằn sâu trong trí tưởng tượng của người Hán. Các phương tiện truyền thông nhà nước và các công ty lữ hành giới thiệu 6 triệu người dân địa phương, chiếm 0,5% dân số Trung Quốc, như tộc người đặc biệt trong trang phục rực rỡ cùng với những thung lũng và thảo nguyên mênh mông.

Bắc Kinh nhấn mạnh tới sự thống nhất của một nước Trung Quốc và tránh mọi đòi hỏi một bản sắc tôn giáo hay văn hóa tách biệt của Tây Tạng.

Nhà trí thức Tây Tạng kết luận : « Lhassa là một thành phố mở rộng cửa đối với người Hán, nhưng gần như cấm cửa đối với người Tây Tạng. Hành hương tới những thánh địa trở thành cả một quá trình đấu tranh của người dân.

Chính quyền muốn truyền bá ra bên ngoài hình ảnh cuộc sống tươi đẹp tại Tây Tạng, vậy tại sao lại có nhiều cảnh sát và phải lắp nhiều camera theo dõi đến như vậy ?

Người dân Tây Tạng vô cùng chán nản và mệt mỏi phải sống trong sự kiểm duyệt và theo dõi khắt khe ».

Chế độ Bachar al Assad : Cỗ máy giết người hàng loạt

Chỉ hai ngày trước khi diễn ra một cuộc họp thượng đỉnh giữa Washington và Matxcơva tại New York (18/12), tổ chức Quan sát Nhân quyền thế giới Human Right Watch đã công bố 53.000 bức ảnh tố cáo « tội ác chống nhân loại » của chính phủ Damas.

Hồ sơ trên được nhật báo Le Monde đăng trong bài : « Những tiết lộ về cỗ máy giết người Syria ». Nắm trong tay rất nhiều bức ảnh gây sốc, nhưng cuối cùng, tờ báo quyết định chỉ đăng minh họa một bức ảnh những nạn nhân chưa được nhận dạng.

Bức ảnh chụp những thi thể nam giới gầy gò, gần như chỉ còn da bọc xương, được đặt ngửa dưới đất, không một mảnh vải che thân.

Trong số 53.000 bức ảnh được « Cesar », tên giả của một nhiếp ảnh gia pháp y người Syria, chụp trong quá trình làm nhiệm vụ, một phần là ảnh những quân nhân chết trận và một số ảnh khác chụp tại chiến trường của phe đối lập. 28.000 bức ảnh khác chụp 6.700 tù nhân bị chết, trong đó có 100 trẻ em. Những bức ảnh tố cáo « tội ác chống nhân loại » của chế độ Damas, theo cáo buộc của tổ chức Quan sát Nhân quyền thế giới.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết của tù nhân. Các chuyên gia của Human Right Watch phát hiện những vết tra tấn trên các xác chết trong ảnh.

Tiếp theo, bỏ đói cũng là một cách hành hạ mà chế độ al Assad thường dùng. Đây là lời giải thích tại sao thi thể những tù nhân lại chỉ còn da bọc xương.

Nguyên nhân thứ ba là tình trạng quá tải trong các nhà giam dẫn tới cảnh thiếu không khí và điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ. Ví dụ chỉ cần một người nhiễm bệnh tiêu chảy sẽ lây cho những tù nhân khác bị giam cùng.

Một nguyên nhân khác nữa là tù nhân hoàn toàn không được chăm sóc trong trường hợp đau ốm. Họ chết vì những vết thương đơn giản, song bị lở loét và nhiễm trùng dẫn tới tử vong.

Trong các cuộc hội đàm với đồng nhiệm Nga Lavrov và Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố việc Tổng thống Syria phải ra đi không còn là điều kiện tiên quyết.

Chỉ hai ngày trước thượng đỉnh mang tính quyết định tại New York về số phận của Syria, Human Right Watch muốn đưa ra lời cảnh báo :

« Những người đang tìm cách lập lại hòa bình tại Syria cần cam kết rằng các vụ thảm sát như trên phải bị chấm dứt và phải giám sát trách nhiệm của hệ thống chính trị cầm quyền ».

Donald Trump : Cơn cuồng phong bài Hồi giáo

Với lời kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa dân túy và phân biệt chủng tộc, ứng viên Donald Trump trong cuộc đua chạy vào Nhà Trắng đang dẫn đầu cuộc đua tại đảng Cộng hòa.

Hình ảnh đen trắng của Donald Trump chiếm gọn trang nhất của nhật báo Libération cùng với dòng tựa : « Trump, một Le Pen khác ».

Le Pen ở đây chính là bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (Front national) vừa làm cả nước Pháp nín thở trong cuộc bầu cử cấp vùng tuần trước. Chỉ vì muốn ngăn làn sóng bài ngoại, rất nhiều người dân Pháp đã vội vã đi bầu cử ở vòng hai, trong khi vắng mặt ở vòng một.

Trump lại là một trường hợp khác. Những lời lẽ kích động, hiếu chiến, bài ngoại của nhà tỉ phú Cộng hòa lại quyến rũ được rất nhiều người bất bình với hệ thống chính trị hiện nay ở Mỹ và một bộ phận tầng lớp trung lưu.

Rất nhiều người ủng hộ ông cho rằng : « Ông nói thật ». Lời tuyên bố « trục xuất người nhập cư bất hợp pháp cũng như người Hồi giáo » của nhà tỉ phú cũng thuyết phục được rất nhiều người. Donald Trump trở thành vấn đề đau đầu cho đảng Cộng hòa nhưng lại là một món quà cho ứng viên Dân chủ Hilary Clinton, tờ Libération nhận xét.

Còn Le Monde nhận định : « Jeb Bush đang vật vã chống lại cơn lốc xoáy Trump », mà cựu Thống đốc bang Florida không ngần ngại đánh giá là « Tổng thống của mọi hỗn loạn ».

Thế nhưng, theo kết quả thăm dò của viên Public Religion Research Institute thực hiện vào tháng 11, thì có tới 61% cử tri Cộng hòa đánh giá “không tốt” nếu liên bang lại có một tổng thống mới xuất thân từ gia đình Bush hay Clinton.

Nhập cư Pháp : Du học sinh Trung Quốc trá hình

Trong khi tình hình nhập cư vẫn là một vấn đề nan giải tại Châu Âu, thì ít nhất có hơn 1.000 người Trung Quốc, có điều kiện tài chính, bị phát hiện nhập cư trá hình vào Pháp thông qua con đường du học.

Nhật báo Le Figaro phản ánh thông tin này dưới dòng tựa : « Một trường thương mại, nhà máy sản xuất người nhập cư bất hợp pháp ».

Le Figaro cho biết cảnh sát Pháp thuộc cơ quan trấn áp nhập cư và lao động nước ngoài bất hợp pháp đã tiến hành khám xét tại hai địa điểm, một ở ngoại ô Paris và một ở vùng Ardèche.

Họ đã tịch thu nhiều thùng đựng hồ sơ và thiết bị tin học cùng với rất nhiều tấm ngân phiếu (chèque) không đề tên người thụ hưởng với tổng trị giá lên tới 180.000 euro và 80.000 euro tiền mặt.

Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong nguồn lợi khổng lồ của một trong những mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp dưới dạng du học, mà cụ thể là một trường thương mại tư nhân nằm ở quận 15, Paris. Giám đốc trường là người đứng đầu mạng lưới và đã từng bị chú ý với những vụ việc lừa đảo, phá sản, trốn thuế và tống tiền.

Mạng lưới này có vẻ hoạt động hết công suất từ năm 2013, trung bình hàng năm đưa từ 500 đến 1.000 người Trung Quốc sang Pháp, thường là những nam thanh niên từ 20 đến 25 tuổi.

Theo quy định hiện hành của Pháp, sinh viên sẽ được cấp thẻ cư trú tùy theo thời gian học, thường kéo dài từ 1 đến 3 năm. Thế nhưng, một khi tới Paris, phần lớn sinh viên đăng ký chưa từng đặt chân tới trường, thay vào đó là đi làm tại các nhà hàng.

Chiến dịch hồi đầu tháng 12/15 là kết quả của quá trình điều tra từ năm 2014 sau cảnh báo của Cơ quan hợp tác quốc tế tại Bắc Kinh, khi đơn vị này nhận thấy lượng đơn xin visa du học vào cùng một trường ngày càng tăng.

Một cảnh sát thuộc đơn vị điều tra nhận xét : « Phương thức hành động này rất đơn giản, khó lòng bỏ lỡ, vì họ chẳng cần phải đầu tư phương tiện vận tải hay xây nhà chứa người nhập cư bất hợp pháp và chẳng phải lo lắng khi vượt biên giới ».

Từ đầu năm 2015, cảnh sát Paris đã phá vỡ 16 đường dây buôn người Trung Quốc, trong đó có 4 đường dây liên quan tới gái mại dâm, 1/3 liên quan tới việc làm giả giấy tờ để được cấp thẻ cư trú, và số còn lại liên quan tới lao động bất hợp pháp chủ yếu trong nhà hàng và các xưởng may mặc.

Du lịch Paris « méo mặt » vì khủng bố

Noel là mùa kinh doanh được mong đợi nhất trong năm. Thế nhưng, theo Le Monde, « Kinh đô ánh sáng Paris vẫn vắng bóng khách du lịch ». Một tháng sau loạt khủng bố, các khách sạn, nhà hàng và các hãng lữ hành vẫn « méo mặt » và chắc chắn sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch.

Chỉ riêng trong tháng 11, hai sân bay lớn tại Paris là Orly và Roissy Charles de Gaulle đã mất 123.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2014. Khách du lịch khá giả, như khách Mỹ và Nhật Bản, vẫn chưa sẵn sàng quay lại Paris. Tính đến trung tuần tháng 12, tỉ lệ đặt phòng tại các khách sạn sang trọng đã giảm xuống một nửa, từ 73% vào năm 2014, xuống còn khoảng 30-40%.

Trò chơi điện tử vẫn là món quà chính dưới chân cây thông Noel

Noel cũng là dịp để các nhà sản xuất trò chơi điện tử tăng doanh thu, vì tới 60% doanh thu là nhờ vào hai tháng cuối năm. Theo thống kê trong bài « Giờ phút quyết định cho các trò chơi điện tử dịp Noel » trên Le Figaro, năm nay, các trò chơi điện tử Fifa 16, Call of Duty và Star Wars Battlefront vẫn là ba trò chơi bán chạy nhất vào dịp cuối năm.

Các trò chơi này đều có cùng một điểm chung là có nhiều phiên bản khác nhau phù hợp với đầu máy đang thịnh hành trên thị trường.

Hãng Nintendo của Nhật Bản cũng biết cách thu hút các bé gái với chương trình trò chơi điện tử La Nouvelle Maison dy Style 2 (Nhà tạo mẫu mới), hay Les Reines de la Mode (Nữ hoàng thời trang). Chỉ riêng trong vòng một tháng, đã có 100.000 phiên bản được bán ra trên thị trường.


Switch mode views: