Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hungary: Rào sắt ngăn dân tỵ nạn giữa lòng Châu Âu

Hongriebarbelé

Hungary dựng hàng rào thép gai với láng giềng Serbia.
Laszlo Balogh/Reuters

Ngày thứ Hai 13/072015, chính phủ Hungary bắt đầu cho xây hệ thống hàng rào dây thép gai tại biên giới Hung – Serbia.
Thoạt tiên một đoạn hàng rào mẫu dài 150m được dựng lên.

 Động thái mới nhất đó trong chính sách bị coi là bài xích người tỵ nạn của chính quyền đã gặp phải sự phản đối gay gắt của gần 20 tổ chức dân sự và bảo vệ nhân quyền.

 Nhiều cuộc biểu tình và phản đối đã diễn ra ngay tại trung tâm thủ đô Budapest.

Khẩn trương xây "bức màn sắt" mới

Ngày 17/6, Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter tuyên bố nước này sẽ xây dựng một hàng rào cao 4m, dài 175km tại toàn tuyến biên giới Hungary - Serbia để ngăn chặn làn sóng người tỵ nạn chủ yếu đến từ nước láng giềng phía Nam này.

Một tuần sau đó, ông Szijjártó Péter còn khẳng định, Hung không chỉ xây hàng rào ở biên giới với Serbia, mà còn có thể dựng lên ở bất cứ đoạn biên giới nào mà chính quyền nước này không còn cách nào khác để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.

Để có cơ sở pháp lý làm điều đó, Quốc hội Hungary đã cấp tốc thông qua một loạt đạo luật có liên quan, theo đề xuất của Bộ Nội vụ.
Trước hết, việc xây dựng và cho vận hành hệ thống hàng rào dây thép gai được lý giải là để “bảo vệ biên giới quốc gia”.

Nhằm thực hiện điều đó, đạo luật mới cho phép nhà nước trưng dụng những khoảng đất có chiều rộng 10 mét tính từ đường biên giới, và các chủ sở hữu sẽ được bồi thường.
 Được biết, có 1.200 khoảng đất như vậy thuộc sở hữu nhà nước, và 2.300 thuộc tư nhân.

Quan trọng hơn nữa, liên quan đến người nhập cư và tỵ nạn, luật mới cho phép chính quyền Hung đương nhiên không chấp nhận đơn xin quy chế tỵ nạn của những ai đến từ một quốc gia thứ ba được coi là an toàn, và ở đó lẽ ra đã có thể xin tỵ nạn.

Như thế, nếu Serbia được coi là quốc gia an toàn thì rất nhiều người tỵ nạn đến Hungary từ Syria và Afghanistan thông qua đường Serbia sẽ bị Budapest gửi lại nơi họ vừa ra đi.
Thủ tục xét đơn tỵ nạn theo hướng bác bỏ sẽ được thi hành nhanh chóng.

Một điểm mới khác, người tỵ nạn (mà chính quyền Hungary thường gọi chệch sang là dân nhập cư) sẽ bị buộc phải lao động công ích, để khỏi là gánh nặng cho Hungary và trang trải phần nào những chi phí mà nhà nước Hung dành cho họ.

Tất cả những sửa đổi về mặt luật pháp đó cho phép Bộ Nội vụ cùng Bộ Quốc phòng Hungary vào hôm thứ Hai cùng tiến hành khởi công xây hàng rào, trước mắt là một đoạn dài 175m mang tính thử nghiệm với các loại vật liệu khác nhau, sẽ hoàn thành vào cuối tuần này.

Ba khả năng công nghệ sẽ được thử nghiệm, để cuối cùng lựa chọn ra giải pháp tối ưu cho bức màn sắt mới giữa lòng Châu Âu, theo dự tính sẽ được xây xong vào ngày 30/11 năm nay.
Các tù nhân đang thụ án cũng được huy động cho công việc này.

Từ đầu đến cuối, Serbia tỏ ra không đồng tình với quyết định này của Hungary, nhưng họ cũng coi đây là vấn đề nội trị của nước Hung. Vì cái gọi là "bức màn sắt" đó được dựng lên trong lãnh thổ của Hung.

Tuy nhiên, họ cũng nói, họ "cởi mở" trong vấn đề này. Điều này có hai nghĩa : thứ nhất là họ sẽ không dựng thêm một bức tường bên này biên giới, thứ hai là sẽ sẵn sàng đàm phán với Hung để giải quyết vấn đề người tỵ nạn chung, mà đối với họ, không thể giải quyết được bằng việc xây hàng rào này.

“Chúa Jesus từng là người nhập cư !”

Ngay lập tức, gần 20 tổ chức dân sự và bảo vệ dân quyền, nhân quyền của Hungary - trong đó có Ân xá Quốc tế chi nhánh tại Hung, Ủy ban Helsinki Hungary, Hội vì các quyền tự do (TASZ), Hội bảo trợ người tỵ nạn, v.v... - đã cùng nhau xuống đường vào 6 giờ chiều qua.

Được tổ chức bởi nhóm Đoàn kết với người nhập cư (MigSzol), cuộc tuần hành được tổ chức với mục đích bày tỏ sự đoàn kết, cảm thông của người Hung, và chứng tỏ Hungary không phải là quốc gia bài ngoại như những hành động của chính phủ nước này cho thấy.

Khởi đầu trước tòa Vương cung thánh đường Budapest, trong số những khẩu hiệu, biểu ngữ phê phán chính sách bài xích người tỵ nạn của chính phủ, có thể thấy trong cuộc biểu tình những tấm biển với hàng chữ “Chúa Jesus cũng từng là người nhập cư”.

Sau đó, đoàn người đã tuần hành tới trước Nhà Quốc hội Hungary và phá đổ, làm tan tành một hàng rào, mang tính biểu tượng, được dựng lên từ trước đó.

Lên án quan điểm “quốc gia thứ ba an toàn”

Đồng thời, Ủy ban Helsinki Budapest cũng cho hay, cơ quan bảo vệ nhân quyền này sẽ đưa vụ việc ra các diễn đàn luật của EU để thảo luận về việc chính phủ Hung thắt chặt đạo luật về người tỵ nạn theo hướng bất lợi cho những người phải rời bỏ quê hương vì chiến sự.

Theo đại diện của Ủy ban, đa phần những người tỵ nạn sang Hungary không phải là tỵ nạn kinh tế như chính quyền Hung thường khẳng định, mà là những con người phải đi tìm đất sống do chiến tranh hoặc tệ độc tài.

Do đó, Ủy ban Helsinki Hungary cho rằng nếu thủ tục xin tỵ nạn được xem xét một cách kỹ càng, có lương tâm, thì cần cấp quy chế tỵ nạn, hoặc tỵ nạn tạm thời mang tính nhân đạo cho những ai đến từ Afghanistan hay Syria, thay vì đuổi họ về nước.

Ủy ban cũng nhấn mạnh: không một thành viên EU nào coi Hy Lạp, Macedonia hay Serbia là “quốc gia thứ ba” an toàn trên góc độ người tỵ nạn, cho nên việc chính phủ Hungary thông qua luật gửi trả lại người tỵ nạn đến từ những nước đó, là điều “không thể chấp nhận”.

Để trả lời tuyên bố này của Ủy ban Helsinki Hungary, đảng cầm quyền FIDESZ tuyên bố: những biện pháp đưa ra - dựng hàng rào, thắt chặt luật pháp - là để bảo vệ nước Hung và dân Hung, trước khi có làn sóng dân nhập cư tìm cách dùng vũ khí để nhập cảnh trái phép vào đất nước.

Tại sao làm một hàng rào tốn kém và vô hiệu quả ?

Câu hỏi được đặt ra là vấn đề người nhập cư và tỵ nạn trầm trọng đến đâu khiến nội các Hungary phải đưa ra một quyết định gây tranh cãi như thế?
Cái gì nằm sau câu chuyện người tỵ nạn, trước nay vốn ít được nhắc tới ở Hungary?

Báo chí Hungary, từ lâu nay, đã chỉ ra rằng việc dựng lên một hàng rào như vậy - mà chính phủ Hung cho là chỉ mang tính tạm thời, giai đoạn - vô lý ở chỗ theo thống kê của Bộ Nội vụ Hung, chẳng cần rào cản gì thì 97-98% người vượt biên cũng đã bị bắt giữ.

Chưa nói đến việc khoản kinh phí hết sức đắt đỏ để xây hàng rào đủ để giải quyết vấn đề người tị nạn ở Hungary trong hàng chục năm.
Bên cạnh đó, Hung cũng có rất nhiều vấn đề cần thiết phải “tiêu tiền” như cải thiện hệ thống trường học và bệnh viện.

Báo chí Hungary có đưa ra một phân tích: 90% trong số 43 ngàn người đặt đơn tị nạn tại Hung đã di cư sang một quốc gia thứ ba trước khi đơn được xem xét xong xuôi.
Số còn lại, chừng 5 ngàn người, cũng chỉ có 9% được chấp nhận quy chế ty nạn, thấp nhất ở Châu Âu.

Trong khi đó, Hungary nhận được không ít kinh phí từ EU cho người tỵ nạn, do đó không thể nói người tỵ nạn hay nhập cư là hiểm họa cho kinh tế Hung.
Ngay Bộ trưởng Nội vụ Hung trong một cuộc họp báo, cũng cho hay Hungary “thừa sức” nhận gấp ba lần số người tỵ nạn đã đến nước này trong năm nay.

Tuy nhiên, ông bộ trưởng cũng nói thêm, nếu cần, Hungary chỉ muốn nhận người tỵ nạn gốc Hung mà thôi.
Phải chăng quan điểm này cũng là cái nhìn nhất quán của giới lãnh đạo Hung, khi họ cho rằng không thể biến nước Hung thành quốc gia của người nhập cư với nền văn hóa và truyền thống dị biệt?

Cuối cùng, không loại trừ khả năng là mọi việc sẽ như đại diện của Ban tổ chức cuộc biểu tình hôm qua phân tích.
 Theo đó, đối với những con người bỏ ra hàng chục ngàn Euro để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn nơi đất lạ, thì một hàng rào cao 3-4 mét sẽ không thể ngăn được họ.

Và chính quyền Hungary cũng phải biết rõ điều này, nhưng họ vẫn quyết định dựng hàng rào.
Như thế, rõ ràng là hành động ấy thực chất không phải để ngăn người tỵ nạn, mà đơn thuần là một thông điệp để giành lá phiếu của cử tri theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.


Switch mode views: