Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2014

APEC 2014 : Nhật-Trung bằng mặt chẳng bằng lòng

CHINA-JAPAN -meeting 2



Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thượng đỉnh APEC, Bắc Kinh, ngày 10/11/2014.REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Thượng Đỉnh APEC đang diễn ra tại Bắc Kinh với sự tham dự của 21 nguyên thủ quốc gia. Sự kiện thu hút đặc biệt báo chí Pháp hôm nay 10/09/2014, với nhiều bài nhận định dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trong đó nổi lên mối quan hệ Trung-Nhật mà tờ nhật báo Les Echos đăng dòng tựa đáng chú ý : «Hai cường quốc Châu Á và cái bắt tay trong bực bội ».

Tờ báo đề cập đến cuộc hội kiến hôm nay giữa nước chủ nhà của diễn đàn APEC 2014 là ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Sinzho Abe bên lề hội nghị. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi hai người lên nhậm chức.

Cuộc gặp này có phải là dấu hiệu để hai bên làm hòa sau giai đoạn quan hệ song phương lạnh nhạt vừa qua hay không ?

Tờ báo đăng ảnh chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Sinzho Abe xiết chặt tay nhau khi hội kiến, nhưng trên gương mặt thì lộ vẻ đầy miễn cưỡng. Điều có cho thấy có lẽ chỉ một cuộc gặp ở thượng đỉnh lần này sẽ không đủ để xoa dịu mọi thứ.

Les Echos cho biết, hồi tuần rồi, các nhà ngoại giao của hai nước đã phải vất vả ngược xuôi mới có thể dàn xếp được cuộc hội kiến. Tuy nhiên, chỉ sự chuẩn bị cho hội kiến cũng đã để lộ căng thẳng.

Chẳng hạn như các nhà ngoại giao của hai bên đã thông báo rất muộn so với thông thường về hình thức cụ thể của cuộc hội kiến. Còn trong thông cáo riêng của hai bên, thì những bất đồng cũng lộ rõ thông qua từ ngữ mà hai bên sử dụng liên quan đến hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư.

Tờ báo cho rằng, sau hai năm căng thẳng, Thượng đỉnh lần này là cơ hội để hai bên xoa dịu bất đồng và tiến tới thành lập cơ chế liên lạc khẩn cấp phòng khi có tình huống bất ngờ.

Thế nhưng, tờ báo nhấn mạnh : qua cái bắt tay với Thủ tướng Abe, Chủ tịch Tập Cận Bình còn muốn bày tỏ cho thế giớ thấy « sự khoan dung độ lượng của cường quốc Trung Quốc » và cũng để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc, một đất nước mà gần đây thường mang hình ảnh là « hung hăng, bạo lực với các nước nhỏ ». Qua đó cũng để « trấn an » các nhà đầu tư Nhật Bản trên lãnh thổ Trung Quốc.

Về phía Nhật Bản, Les Echos nhận định, hành động cố gắng xoa dịu với Trung Quốc của Thủ tướng Abe trước nhất là nhắm đến mục tiêu phục hồi kinh tế tại Nhật. Bởi ông Abe đã cam kết với người dân sẽ phục hồi kinh tế một cách bền vững.

Trong khi đó, dù muốn dù không thì Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Dù quan hệ song phương căng thẳng, nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014, trao đổi thương mại giữa hai nước cũng đã lên đến 168 tỷ đô la.

Giải pháp tình thế

Nguyên nhân kinh tế cũng được nhật báo Libération chia sẻ. Tờ báo cho biết, căng thẳng thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến trao đổi thương mại song phương và làm sụt giảm nghiêm trọng đầu tư của Nhật Bản ở Trung Quốc.

Điều đó góp phần đáng kể làm cho nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng mất đà tăng trưởng. Và chính chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thừa nhận khi phát biểu với đại biểu các nước APEC rằng : « Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đang không ngừng sụt giảm ».

Tuy vậy, theo Libération, nguyên nhân kinh tế có lẽ không đủ sức nặng để cho Trung-Nhật đề huề, bởi vì tranh chấp lãnh thổ vẫn là hồ sơ khó giải quyết. Thêm vào đó, Trung Quốc không chỉ căng thẳng với Nhật Bản mà còn với các nước lân cận khác về hồ sơ lãnh thổ.

Tờ báo nhắc lại, chính « sự hung hăng » của Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến các nước láng giềng phải xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Nhật Bản thì tranh thủ thời cơ tăng cường quan hệ với Philippines, với Ấn Độ …đến mức làm Bắc Kinh lo ngại về việc thành hình một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực.

Libération kết luận : Bắc Kinh dường như đã hiểu được là không thể tiến một lúc tất cả các quân cờ, nên mới có thái độ xoa dịu tình hình. Tức là, mọi sự xoa dịu hiện tại chỉ là « mang tính chiến thuật » mà thôi, còn chiến lược thì không thay đổi.

APEC: Cơ hội phô trương sức mạnh của Trung Quốc

Cũng liên quan đến Thượng đỉnh APEC, Les Echos còn đăng bài nhận định rằng, Bắc Kinh muốn sử dụng APEC để phô trương với thế giới về sức mạnh của Trung Quốc.

Trong lần đăng cai Thượng đỉnh APEC cách đây 13 năm, nước này khi ấy gia nhập Tổ chức thương mại thế giới-WTO, đã cam kết sẽ tuân theo quy tắc cuộc chơi chung của thế giới. Và hiện tại, GDP của nước này đã tăng gấp 7 lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Và trong lần Thượng đỉnh này, tờ báo cho biết, Trung Quốc cũng đã không ngại phô bày tham vọng khi tuyên bố thành lập một quỹ đầu tư cơ sửo hạ tầng cho các nước dọc đường tơ lụa cũ lên đến 40 tỷ đô la. Bắc Kinh cũng cam kết đầu tư 42 tỷ đô la ở Pakistan.

APEC : Trung-Mỹ so kè

Nếu như Nhật-Trung có vẻ đề huề trong Thượng đỉnh APEC 2014, thì quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lại chó chiều ngược lại. Đó là nhận định của nhật báo Le Monde trong bài « APEC : căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ».

Tờ báo đề cập đến bất đồng giữa hai bên trong cuộc chiến không phải bằng súng đạn, mà là trên chiến trường kinh tế. Số là, Trung Quốc muốn nhân cơ hội đăng cai Thượng đỉnh này để thúc đẩy việc thành lập Khu vực tự do thương mại Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP).

Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy ý tưởng này từ năm 2006 và dự định sẽ thành lập được một khu vực như vậy vào năm 2015. Thế nhưng, phía Mỹ thì phản đối quyết liệt. Bởi thế, đến hiện tại, Trung Quốc chỉ đạt được sự đồng ý của các nước khác về việc « nghiên cứu tính khả thi » của một khu vực như vậy.

Theo Le Monde, sở dĩ Bắc Kinh « vồn vã » như vậy là vì nước này muốn tạo cái làm đối trọng với một cơ chế mà Mỹ đang ra sức hình thành : Hiệp ước Tự do Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mỹ đàm phán với 11 nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mà không có mặt Trung Quốc. Le Monde nhấn mạnh, TPP rõ ràng là « một trong những trục chính » trong chính sách xoay trục về vùng Châu Á Thái Bình Dương của chính quyền Obama để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Chính quyền Trung Quốc trong những ngày qua đã không giấu được sự bất mãn về TPP và cho rằng : « TPP sẽ không đầy đủ nếu thiếu Trung Quốc ». Bắc Kinh bất mãn thì cũng đúng thôi, bởi vì, theo Le Monde, nếu TPP thành hình sẽ gây thiệt hại cho Trung Quốc 100 triệu đô la mỗi năm.

APEC : Nga-Trung thân thiện

Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật thì không mặn mà, quan hệ Trung-Nga lại có phần « cơm lành canh ngọt ». Đó là nhận định của tờ Le Figaro trong bài chạy tựa : « Tập Cận Bình và Putin đoàn kết chống phương Tây ».

Tờ báo đề cập đến cuộc hội kiến giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh APEC 2014 kèm theo bức ảnh hai ông bắt tay thắm thiết với hai gương mặt tươi cười rạng rỡ.

Tờ báo còn trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Putin như sau : « Tôi có cảm giác là chúng ta luôn đối xử với nhau như bạn bè, cởi mở và chân tình. Tính cách của chúng ta lại giống nhau ».

Le Monde cho biết, từ khi Nga căng thẳng với phương Tây về hồ sơ Ukraina, tỷ lệ người Trung Quốc ủng hộ Putin đã tăng lên từ 47% lên 66%. Còn ngay sau giai đoạn khi Nga sáp nhập Crimée vào tháng 03/2014 rồi, thì tỷ lệ này tại Trung Quốc lên đến 92%.

Nga : Kinh tế đang bị đe dọa

Cuộc khủng hoảng Ukraina không chỉ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này mà còn gây tổn hại không ít cho anh bạn láng giềng là Nga.

Nhật báo Le Monde bàn về hồ sơ này với bài đáng chú ý : « Đồng rúp tuột giá mở đầu cho sự lo sợ ».

Tờ báo cho biết, kể từ đầu năm đến nay, đồng rúp của Nga đã mất giá đến 25%. Trong ngày thứ Sáu 07/11/2014 rồi, sự tuột dốc của đồng rúp lại lập kỷ lục mới. Đến mức mà một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga là VTB24 đã phải cảnh báo : « Thị trường hối đoái đang tiến gần đến tình trạng gây sợ hãi, đe dọa sự ổn định tài chính ».

Ngân hàng Trung ương Nga cùng ngày cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh đến « những nguy cơ gây mất ổn định tài chính ».
Nguyên nhân trước tiên của sự bất ổn kinh tế Nga, theo tờ báo, đó là tình trạng sụt giá dầu hỏa trên thị trường thế giới, mà nguồn thu chính của Nga lại đến từ xuất khẩu dầu hỏa và khí đốt.

Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng năm tới của Nga sẽ là 0%, thậm chí là -2% hoặc -4%, mặc dù hiện tại dự báo chính thức của chính phủ Nga là 1,2%. Vì thế, ngân sách liên bang sẽ bị thâm hụt.

Chính phủ Nga đã phải thiết lập nhiều cơ chế tăng thuế hay tăng giá dịch vụ để bù thâm hụt, và theo một dự thảo luật đang được xem xét tại quốc hội Nga, thì sẽ có đến 22 lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó là tình trạng lạm phát. Giá tiêu dùng tăng cao. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga do vấn đề Ukraina. Chỉ trong tháng này, giá cả đã tăng 8,3%, và theo dự phóng của các chuyên gia thì con số này sẽ lên mức 10% hoặc 12% vào năm tới. Vừa rồi tại Bắc Kinh, khi đến tham dự Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Putin đã lên tiếng chỉ trích các nước đã « âm mưu » điều khiển giá dầu hỏa để gây bất lợi cho Nga. Tuy nhiên ông không nói rõ là nước nào.

Trong một tình hình như vậy, tuy nhiên, theo Le Monde, chính phủ Putin vẫn không thay đổi mục tiêu tăng 30% ngân sách quốc phòng.

Tờ báo nhắc lại lời của Tổng thống Putin phát biểu hồi cuối tháng 10/2014 rồi với các sĩ quan Nga : « Sẽ không có gì thay đổi về chính sách quốc phòng, bởi vì những đe dọa trong quá khứ vẫn luôn luôn hiện hữu ».

Đức : bức tường Berlin đã sụp đổ nhưng quá khứ thì …không

Hôm qua, Đức kỷ niệm trọng thể 25 ngày Bức tường Berlin sụp đổ, sự kiện đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

Nhìn về sự kiện này, Le Monde có bài : « Ở Berlin, lễ hội và tranh cãi xen lẫn trong ngày kỷ niệm Bức tường Berlin».
Tờ báo bàn về không khí trang trọng của buổi lễ kỷ niệm, với sự hiện diện của ca sỹ nổi tiếng, buổi hòa nhạc Beethoven, với gần 7000 chiếc bong bóng biểu trưng cho hòa bình được bố trí dọc theo 15 km của Bức tường năm cũ…

Thế nhưng, bên cạnh không khí mừng vui đó, những sự cố đã xảy ra. Sự cố thứ nhất có lẽ đến từ cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbatchev.

Le Monde cho biết, ở Đức, ông được xem là « người hùng » vì đã không cho xe tăng đến đàn áp người dân ở Ba Lan hoặc đã là ở Đông Đức. Ông đã được tiếp đón trọng thể tại Đức. Thế nhưng, vào hôm thứ Năm 06/11/2014 rồi, chính ông Gorbatchev đã phát biểu là « hoàn toàn tin rằng ông Putin bảo vệ lợi ích nước Nga tốt hơn bất cứ người nào khác ».

Le Monde nhận định : trong khi cuộc khủng hoảng Ukraina vẫn chưa được giải quyết, trong khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraina đang rất mong manh, thì tuyên bố của ông Gorbatchev, người được phương Tây ca ngợi, như là «một gáo nước lạnh » đối với phương Tây.

Một sự cố khác, đó là nhân sự kiện kỷ niệm Bức tường Berlin, Chủ tịch Quốc hội Đức, Nobert Lammert, đã mời nhà thơ Wolf Biermann đến trình diễn trước các nghị sĩ Đức. Đây là một vinh dự dành cho nhà thơ 77 tuổi, người từng chống đối và từng bị rút quốc tịch bởi chính quyền Đông Đức.

Thế nhưng, tại Quốc hội, nhà thơ này không chỉ ca hát, mà còn nhân cơ hội đó chỉ trích đảng Die Linke.
Die Linke (Cánh Tả) là một đảng thuộc phe cực Tả mà thành phần chính là những cựu thành viên của Đảng Cộng Sản nắm quyền ở Đông Đức hồi trước (SED).

Ngay trước Quốc hội, nhà thơ nói trên đã nới với những thành viên của Die Linke rằng : « Quý vị không thuộc cánh tả mà cũng chẳng phải cánh hữu, mà là những tên phản động. Quý vị là tàn dư của những thứ đã bị vùi chôn trong quá khứ ». Lại một gáo nước lạnh trong ngày kỷ niệm trọng đại.

Thêm vào những sự cố đó là những rắc rối sinh ra trong liên minh giữa các đảng phái. Chẳng hạn như Ở vùng Thuringe thuộc Đông Đức cũ, Đảng Xã hội dân chủ -SPD, sau cuộc bầu cử vùng vừa qua, đã quyết định bỏ liên minh với đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo-CDU để thành lập liên minh với Đảng Xanh và Die Linke.

SPD chỉ dành được 12% số phiếu ủng hộ còn Die Linke thì dành đến 28% số phiếu. Bởi vậy, theo quy định, lãnh đạo chính quyền vùng này sẽ là người của Die Linke. Và đó là lần đầu tiên kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Phe bảo thủ đã lên tiếng chỉ trích. Tổng thống Đức, Joachim Gauk, người từng chiến đấu chống chế độ cộng sản ở phía Đông, đã đánh giá tiêu cực sự kiện này và cho rằng : « Những người thuộc thế hệ tôi, những người đã từng biết đến chế độ Đông Đức sẽ phải cố gắng lắm mới có thể chấp nhận sự thật này ».

Trong khi đó, Thủ tướng Đức, Angela Merkel, người xuất thân từ Đông Đức, cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của SPD và đảng Xanh trong việc liên minh với Die Linke.

Về phần mình, Đảng Xanh đã đặt điều kiện với Die Linke khi tham gia liên minh. Điều kiện là như thế này : Die Linke phải thừa nhận rằng Đông Đức là « một nhà nước phi pháp quyền ».

Và điều kiện này đã gây tranh cãi sôi nổi trong đảng Die Linke. Le Monde kết luận : xem ra, Đức vẫn chưa thể « thanh toán xong nợ nần với quá khứ ».

Switch mode views: