Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-05-2014

 Hiệp định tự do mậu dịch Châu Âu – Mỹ dưới đáy ao

Euro Dollar


Reuters

Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị bầu lại Nghị viện là chủ đề phủ rộng các tờ báo Paris hôm nay.

Riêng thời sự Biển Đông, nhật báo kinh tế Les Echos tường thuật lại tình hình ở Việt Nam trong những ngày qua trong bài báo mang tựa đề : « Trước làn sóng chống Trung Quốc, Việt Nam kêu gọi làm dịu tình hình », tránh để gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế.

Les Echos đưa tin nhưng không bình luận. Báo The Straits Times của Singapore trích lời một người dân tại Sài Gòn bày tỏ thất vọng trước việc chính quyền cấm biểu tình

Trở lại với loạt bầu cử sắp diễn ra tại 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong tuần này, để bầu lại 766 nghị viên Châu Âu : Với những khó khăn kinh tế chồng chất, khủng hoảng kéo dài, Châu Âu « không còn là giấc mơ » của cử tri.

Tựa của một bài báo trên tờ Les Echos. Le Figaro thiên hữu báo trước : tổng thống Pháp, « Hollande đứng trước một thất bại mới » ngụ ý đảng Xã hội sẽ thua đậm trong cuộc bầu cử ngày 25/05/2014 sau thất bại ê chề của cuộc bầu cử cấp địa phương hồi tháng 3/2014.

Về phần mình, Libération chú trọng vào vòng đàm phán tự do mậu dịch thứ 5 đang mở ra giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Trong bài báo mang tựa đề « Hiệp định dưới đáy ao », Libération đưa ra nhận xét : phía châu Âu đã trình bày hiệp định này như một chiếc đũa thần đem lại thịnh vượng kinh tế.

Nhưng trước mắt, tiến trình mở ra một khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới còn đầy chông gai. Vào thời điểm 28 nước thành viên Liên Hiệp chuẩn bị bầu lại Nghị viện, thì đây là một bất lợi lớn cho những đảng phái chính trị hay những thành phần chủ trương tiến tới một đại gia đình châu Âu.

Trong bài xã luận, tờ báo trình bày về tương quan lực lượng giữa hai ông khổng lồ kinh tế : một bên là Hoa Kỳ, chú trọng đến quyền lợi của các doanh nghiệp hơn là của người tiêu dùng.

Còn bên kia là Liên Hiệp Châu Âu với rất nhiều những chuẩn mực mang tính trói buộc với các nhà sản xuất. Tìm được đồng thuận giữa hai quan điểm đó là một « phép lạ ».

Nhưng đáng quan ngại hơn hết là không ai biết một cách cụ thể là Washington và Bruxelles đàm phán những gì. Các cuộc thương lượng đó không khác gì một chiếc hộp đen. Vấn đề đặt ra là sự thiếu vắng thông tin đó đã bị các đảng phái chính trị bài châu Âu khai thác.

Có người cho rằng Bruxelles đang lép vế Washington. Một số khác thì cho là nhân danh « tự do mậu dịch » Châu Âu đang từ bỏ những nét đặc thù của chính mình

Như để xua tan những luận điểm đó Libération cố gắng trả lời những câu hỏi rất cụ thể như là « Hiệp định tự do mậu dịch Mỹ - Âu là gì ? Đâu là lợi ích của châu Âu và đâu là mục tiêu thực sự của hiệp định xuyên Đại Tây Dương ? »

Hoa Kỳ hiện là nguồn cung cấp quan trọng thứ ba của toàn thể Liên Hiệp Châu Âu, là thị trường lớn nhất của Châu Âu. 5 triệu công việc làm của Liên Hiệp tùy thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Washington và Bruxelles đang ráo riết thương lượng để xóa bỏ các hàng rao quan thuế, giảm bớt các chuẩn mực phi quan thuế nhằm nâng cao tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch hai chiều. Nhưng theo Libération xét cho cùng, mục đích chính mà Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu hướng tới là Bruxelles và Washington bắt tay với nhau để cùng áp đặt những chuẩn mực của Âu Mỹ với các đối tác thương mại khác còn lại trên thế giới, đứng đầu là Trung Quốc.

Ukraina : Mật vụ Nga đứng đầu nước Cộng Hòa Donetsk ?

Nhìn sang Ukraina, hay nói đúng hơn là Cộng Hòa Donetsk tự phong, Le Figaro phác họa chân dung của nhân vật lãnh đạo mới xứ này : Alexander Borodai, một nhân vật đầy bí ẩn.

Có tin đồn người tự xưng là thủ tướng Cộng hòa Donetsk là nhân viên mật vụ Nga. Đặc phái viên của tờ báo thuật lại buổi họp báo tuần trước của Borodai.

Alexander Borodai không vòng vo, tự xưng là « thủ tướng của nước Cộng hòa Donetsky » và công khai nhìn nhận ông là một công dân Nga.

Sự xuất hiện của nhân vật này đẩy lui vào bóng tối nhiều nhân vật thân Nga khác của Donetsk như Denis Pouchiline.

Thủ tướng mới của Donetsk thành lập nội các với toàn những thành phần vô danh tiểu tốt. Nhưng nhân vật này là ai ? Theo tác giả bài báo, Borodai năm nay 41 tuổi, tốt nghiệp đại học Matxcơva.

Từng là phóng viên của báo Novosti trong giai đoạn chiến tranh Tchetchenia năm 1994-1995 và sau đó mở văn phòng tư vấn về chiến lược, rồi tự biến mình thành một chuyên gia hàng đầu của Nga về tình hình Ukraina, trước khi trở thành cố vấn của tổng thống Crimée Serguei Axianov.

Có nhiều tin đồn cho là Borodai là nhân nhân viên cơ quan mật vụ Nga FSB. Khi được hỏi về giả thuyết này, Borodai nở một nụ cười đáng nghi ngờ trước khi hỏi ngược lại : « Nếu đúng là như vậy, liệu rằng tôi sẽ có thú nhận với các vị điều đó hay không » ?

Ấn Độ : kinh tế, thách thức đầu tiên của Thủ tướng Modi

Nhìn đến các bài báo nói về châu Á hôm nay : Le Monde và L'Humanité cùng chú ý đến Ấn Độ với một chính quyền mới sắp được hình thành sau thắng lợi của đảng nhân dân cánh hữu BJP.

Báo cộng sản L'Humanité lưu ý độc giả, thủ tướng tân cử của Ấn Độ Narendra Modi là người của tầng lớp giàu có, của các giới chủ. Mục tiêu san bằng những bất công xã hội, thu hẹp cách biệt giàu nghèo sẽ không là ưu tiên của đảng BJP vừa giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này.

Về phương diện đối ngoại, ông Modi là một người có tinh thân dân tộc chủ nghĩa cao do vậy L'Humanité cho rằng ở cương vị thủ tướng ông sẽ là một đồng minh quý giá của Hoa Kỳ.

Một mặt Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính sách kềm tỏa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc mà Washington đang hướng tới. Mặt khác vào lúc Mỹ đang chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, sự hiện diện của thủ tướng Narendra Modi cũng sẽ làm giảm bớt tầm hoạt động của Pakistan trong khu vực nam Á.

Về phần mình tờ Le Monde tập trung nói về những thách thức kinh tế đang đặt ra cho thủ tướng tân cử Modi.

Tờ báo so sánh khác với thủ tướng mãn nhiệm Manmohan Singh, lãnh đạo của đảng BJP đã giành được đa số rộng rãi ở Quốc hội để dễ dàng thông qua các đạo luật mới.

Chính sách cải tổ kinh tế qua đó cũng sẽ được thuận lợi hơn. Thúc đẩy trở lại cỗ máy kinh tế của Ấn Độ đang bị đình đốn là thách thức đầu tiên đặt ra với cho ông Modi. Tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ năm ngoái chỉ còn bằng một phân nửa so với thành tích của những năm 2010.

Thâm hụt ngân sách nhà nước không ngừng gia tăng, lạm phát vẫn ở mức từ 7 đến 10 %. Đây là một gánh nặng, đặc biệt là đối với những thành phần nghèo khó nhất.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử đảng BJP đã cam kết tạo điều kiện để đầu tư nước ngoài quay lại Ấn Độ và tạo công việc làm cho từ 10 đến 15 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động hàng năm.

Thế nhưng trước mắt theo Le Monde « có là một nhà chiêm tinh cũng không thể đoán được thủ tướng tân cử Ấn Độ sẽ tiến hành cải tổ kinh tế với nhịp độ nào ».

Ung thư vú, những yếu tố cần theo dõi

Ở phần trang y tế, Le Figaro lưu ý độc giả về những « yếu tố cần theo dõi » để tránh bị ung thư vú.

Căn bệnh này thường xảy tới với phụ nữ ngoài 50 tuổi. Nhưng tuổi tác không là mối « rủi ro » duy nhất.

Trong báo cáo vừa công bố hôm nay, Ủy ban Y tế HAS cho biết : có 7 yếu tố đáng lo ngại trên tổng số 69 bị coi là có nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thứ vú. Nghiện rượu, thuốc lá, ăn quá nhiều mỡ sinh con muộn, lạm dụng thuốc ngừa thai, bệnh béo phì hay bị tiểu đường cấp 2 : chỉ cần mắc phải một trong những yếu tố đó là đủ để bạn phải thường xuyên để cao cảnh giác.

Ngoài ra một phụ nữ có bà ngoại hay mẹ bị ung thư ngực thì càng nên chăm đi khám bác sĩ đề phòng khả năng bị di chuyền.

Cannes : nụ hôn làm xôn xao dư luận

Về liên hoan điện ảnh Cannes, các tờ báo đều trở lại với những tranh cãi ngoài lề bộ phim « Welcome to New York » của Abel Ferrara dựa trên vụ xì căng đan tình dục đã đánh sập tan tành sự nghiệp chính trị của cựu lãnh đạo IMF ông Dominique Strauss-Kahn.

Nhưng trên ấn bản internet được cập nhật thường xuyên, Le Monde và Libération cùng quan tâm đến những « chuyện bên lề » : nữ diễn viên người Iran Leila Hatami, một trong 9 thành viên ban giám khảo liên hoan Cannes 2014 đã trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền Téhéran. Chỉ vì cô đã hôn chủ tịch Festival Cannes, ông Gilles Jacob.

Phát biểu hôm qua 18/05/2014 thứ trưởng Văn hóa Iran khẳng định : « dù đi ra nước ngoài và tham dự vào những sinh hoạt quốc tế, phụ nữ Iran vẫn phải coi trọng phẩm tiết để làm gương cho những người khác (…) Người đàn bà luôn phải là biểu tượng của sự trong trắng (…) Hôn người khác giới là một hành động không đúng đắn, đi ngược lại với các giá trị tôn giáo của Iran ».

Theo luật Hồi giáo người khác phái không được trực tiếp đụng vào nhau nếu không phải là người cùng một gia đình.

Tranh cãi trong công luận Iran trở nên sôi nổi đến nỗi, chính chủ tịch Liên hoan Cannes, Gilles Jacob phải lên tiếng. Ông nói đây là một truyền thống quen thuộc của phương Tây không có gì phải bàn tán.

Ngôi sao điện ảnh người Iran, Leila Hatami nổi tiếng trên thế giới sau khi tham dự bộ phim Une Séparation, của đạo diễn Asghar Farhadi. Tác phẩm này từng đoạt giải Gấu vàng Berlin năm 2011 và giải Oscar của Mỹ dành cho phim nước ngoài cùng năm.


Switch mode views: