Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-04-2014

 Ukraina : Putin áp đặt quan điểm

Poutine Genève



Tổng thống Nga Putin trong một buổi làm việc tại Novo-Ogaryovo, công thự tổng thống ở ngoại ô Matxcơva, 18/04/2014.
REUTERS/Alexei Druzhinin/RIA Novosti/Kremlin



Phần lớn báo Pháp hôm nay 18/04/2014 đều nêu bật trên trang nhất sự kiện kế hoạch tiết kiệm của tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls gây bất bình không ít trong cánh tả.

 Bên cạnh đó, thời sự quốc tế được chú trọng nhiều nhất là thỏa thuận đạt được hôm qua trong cuộc họp 4 bên về Ukraina tại Genève, kêu gọi xuống thang. Báo Pháp nhân dịp này tập trung phân tích vị thế của nước Nga và ông Putin.

Tờ La Croix đã dành tựa mở đầu bản tin trên trang nhất, nhìn thấy một ông « Putin trong tư thế vững như bàn thạch ».

Tờ báo nhắc lại rằng trong lúc đàm phán diễn ra tại Genève, Tổng thống Nga đã tái khẳng định tại Matxcơva ý muốn buộc thế giới công nhận nước ông là một cường quốc bảo thủ.

Trong bài xã luận, tờ báo phân tích thế đứng của Ukraina hiện nay, được cho là rất đơn độc. Trước lời đe dọa của ông Putin sẵn sàng sử dụng vũ lực, theo tờ báo, Kiev chỉ còn cách là tuân theo ý định của điện Kremly muốn biến Ukraina thành một liên bang. Nếu không, thì sẽ phải chuẩn bị cho chiến tranh.

Có điều, theo ghi nhận của La Croix, không ai ở Châu Âu muốn điều đó, và cũng không được chuẩn bị cho điều đó, ít ra là trên mặt chính thức.

Ukraina quả là đang rất cô đơn. Đất nước này cũng không có một hiệp ước phòng thủ nào với NATO. Trong nội bộ thì Ukraina lại có bản sắc đa dạng, với miền Đông, miền Tây không cùng một giấc mơ, nếu có chăng một giấc mơ chung, thì đó là hòa bình.

Sau thỏa thuận hôm qua, La Croix nhìn thấy là Ukraina có lẽ sẽ tránh khuấy động thêm trên mặt ngoại giao, mà tập trung vào công việc phát triển, để dần dần nắm lại vận mệnh của mình.

Đối với Nga, La Croix cho là ông Putin có vẻ đang trong thế mạnh, biết khéo léo sử dụng luật pháp quốc tế. Một mặt luật quốc tế khẳng định tính bất khả xâm phạm của đường biên giới, nhưng một mặt khác lại khẳng định quyền dân tộc tự quyết.

Tổng thống Nga theo tờ báo, đang đưa ra hình ảnh một nước Nga lớn mạnh, trong lúc mà dân số nước này giảm dần và kinh tế bị lệ thuộc vào giá dầu khí. Tờ báo kết luận : Putin có lẽ nên tập trung nhiều hơn vào tình hình nước Nga.

Tại các vùng phía đông Ukraina, như ở thành phố Donbass, nơi có đông đảo quần chúng thân Nga, không phải ai cũng thích ông Putin.

Nếu có người xem ông là một cứu tinh, thì đối với người khác, ông chi là một kẻ độc tài. Cũng có người oán trách : Tình hình đối đầu ở đây là do Nga thúc đẩy, nếu không có Putin thì những chuyện này không xẩy ra.

Genève : Cơ may cuối cùng cho Ukraina ?

Báo Le Figaro trong bài xã luận trang nhất tựa đề « cơ may cuối cùng », cũng đánh giá, thỏa thuận hôm qua, là cử chỉ đầu tiên để tháo ngòi quả bom nổ chậm Ukraina.

Nó hàm ý là Kiev, đang bị suy yếu, sẽ phải tranh thủ thời cơ, hầu nắm bắt cơ may cuối cùng nhằm tránh được họa chiến tranh. Và Nga như thế sẽ phải từ bỏ các chiến dịch gây bất ổn, những lời hù dọa can thiệp vũ trang.

Dĩ nhiên theo Le Figaro, bấy nhiêu đấy chưa đủ. Một giải pháp chính trị bền vững phải tôn trọng ít ra 3 điểm : Sự toàn vẹn lãnh thổ của phần còn lại của Ukraina ; tổ chức bầu cử tự do, và mở ra thượng lượng giữa những người Ukraina với nhau về một quyền tự trị rộng lớn hơn cho các vùng phía đông.

Liên quan đến Nga, sau khi liên tục sử dụng lá bài đọ sức cho đến nay, ông Putin, để tỏ thiện chí, ông phải đứng bên ngoài cuộc đối thoại quốc gia ở Ukraina.

Ở trang trong Le Figaro trở lại cuộc ‘đối thoại’ trực tiếp của Tổng thống với người dân Nga hôm qua trên đài truyền hình.

Tờ báo khen tài khéo « diễn tuồng » của ông Putin, rất biết cách dàn dựng : Đối với Washington và Bruxelles, ông tỏ ra rất mềm mỏng, để cho thấy ông là người chừng mực, biết xử sự...

Báo Les Echos cũng ở trang trong, có cùng nhận xét, cho là ông Putin đã đóng vai trò « người cha đất nước » để trấn an người dân Nga.

Riêng về tình hình nước Pháp, Le Monde nhìn thấy là tân Thủ tướng Valls đang gây rạn nứt trong cánh đa số ở quốc hội. Tờ báo giải thích : Dân biểu đảng Xã hội đã phẫn nộ trước các biện pháp tiết kiệm mà Thủ tướng phác họa.

Đồng nghiệp Le Figaro nói đến « những người nổi dậy trong đảng Xã hội thách thức Manuel Valls ». Les Echos chạy tựa na ná : « Kế hoạch Valls : Phong trào nổi dậy lan tỏa trong cánh đa số ».

Phà chìm tại Hàn Quốc : Hy vọng rất mong manh

Nhìn về Châu Á hôm nay, Le Figaro theo dõi sự cố chiếc phà bị chìm ở Hàn Quốc, khẳng định trong hàng tựa ‘ít còn hy vọng’.
Tuy hàng trăm thợ lặn đang chạy đua với thời gian để tiếp tục tìm kiếm người mất tích vào hôm nay, nhưng họ phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt như mưa gió, các luồng nước mạnh để cứu người kẹt trong phà.

Theo Le Figaro, họ đang có một chút hy vọng tìm được người sống sót : Có phụ huynh cho biết là nhận đuợc tin nhắn bí hiểm của cậu con trai, một học sinh đi trên phà, cho biết « con còn sống, có những học sinh còn sống, hãy mau đến cứu ». Tuy nhiên cảnh sát khẳng định đó chỉ là tin đùa cợt ác ý, không nghiêm túc.

Từ thứ Tư, chính quyền đã bị chỉ trích rất gay gắt, nhưng lòng phẫn nộ của công luận tập trung vào viên thuyền trưởng 60 tuổi, Lee Jun Seok, đã đưa ra lời khuyên tai hại là « hãy ngồi yên ».

Những người tuân theo đã bị hại, trong lúc họ có thể được cứu sống nếu nhảy xuống biển với các chiếc áo phao được phát. Và tệ hại hơn nũa là viên thuyền trưởng đã rời tàu, ngay khi cứu viện đến nơi, bỏ mặc hành khách.

Thêm một thông tin gây phẫn nộ khác là chỉ có một chiếc canô cứu cấp, nhưng lại bị 2/3 trong số 33 thành viên trong thủy thủ đoàn sử dụng.

Việt Nam : Bỏ quyền tổ chức Á vận hội vì thiếu tiền

Trong dòng thời sự châu Á, sự kiện Việt Nam sau cùng đã phải từ bỏ tham vọng tổ chức Á vận hội 2019 vì không gánh vác nổi chi phí đã được nhật báo Les Echos quan tâm.

Trong bài viết « Vì thiếu tiền, Việt Nam thôi tổ chức Á vận hội », tờ báo kinh tế Pháp nhắc lại rằng khi đánh bại Indonesia để giành được quyền tổ chức Asian Games 2019 vào cuối năm 2012, chính quyền Việt Nam lúc đó đã phô trương tác động gọi là « cực kỳ to lớn » của sự kiện thể thao này đối với tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và ngay cả hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thế nhưng, rốt cuộc chính quyền Việt Nam đã phải tuyên bố bỏ cuộc, và sẽ không tổ chức sự kiện này ở Hà Nội nữa. Trong một thông báo, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thú nhận rằng ngân sách Nhà nước còn eo hẹp nên phải được tập trung vào những ưu tiên cao hơn.

Theo Les Echos, trong vài tháng gần đây, ông Dũng đã phải đối mặt với một loạt chỉ trích, cho rằng việc tổ chức sự kiện thể thao đó vừa quá tốn kém, vừa không hợp thời. Theo một số ước tính của các chuyên gia kinh tế, nếu duy trì ý định đăng cai Á vận hội, Việt Nam sẽ phải chi ra từ 150 đến 500 triệu đô la.

Nhật báo Pháp đặc biệt ghi nhận lời giải thích của Thủ tướng Việt Nam, theo đó "đương nhiên là việc tổ chức Asian Games sẽ có lợi cho việc thúc đẩy kinh tế và tôn cao hình ảnh đất nước, thế nhưng nếu làm không tốt thì tác động sẽ bị đảo ngược".

Đối với Les Echos, việc từ bỏ quyền tổ chức Á vận hội nêu bật mối quan ngại của Đảng Cộng sản về triển vọng kinh tế Việt Nam. Sau một giai đoạn khó khăn, tăng trưởng đang trên đà được khôi phục, cố thể đạt mức 5,6%, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Thế nhưng, theo tờ báo Pháp, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề : cơ sở hạ tầng phải được hiện đại hóa để cạnh tranh được với các nước Đông Nam Á khác, nợ công vẫn tiếp tục phình lên và nhiều doanh nghiệp Nhà nước cỡ lớn vẫn lâm vào tình trạng quản lý tồi tệ.

Trên bình diện khu vực, trước mắt, quyết định bỏ cuộc của Việt Nam sẽ đẩy giới chức thể thao Châu Á vào một tình thế khó khăn là phải cấp tốc tìm kiếm một nơi tổ chức khác.

Trung Quốc : Không chỉ ô nhiễm trên không mà cả dưới đất

Ngoài Việt Nam, Les Echos cũng chú ý đến Trung Quốc với bài viết mang tựa đề : « Bắc Kinh thừa nhận rằng một phần năm đất đai bị ô nhiễm », nêu bật kết quả vừa được công bố của một cuộc điều tra rộng rãi.

Đối với tờ báo, đây là thêm một bằng chứng cho thấy là tại Trung Quốc hiện nay, không chỉ có không khí, mà cả đất đai cũng bị ô nhiễm nặng nề.

Vấn đề được Les Echos nêu bật là kết quả cuộc điều tra tiến hành từ năm 2005 chỉ được công bố vào hôm qua 17/04/2014, « sau nhiều năm trời im lặng », với các kết quả ghi nhận được bị liệt vào diện « bí mật quốc gia ».

Qua các số liệu được tiết lộ, người ta đã được biết rằng 16,1 % tổng diện tích đất đai ở Trung Quốc bị ô nhiễm, một tỷ lệ tăng vọt lên thành 19,4% đối với đất nông nghiệp, và 10% đối với rừng và đồng cỏ.

Cho dù những con số kể trên phải được xem xét một cách thận trọng, vì không có cơ quan độc lập nào có thể chứng minh tính chất xác thực, nhưng tờ báo Pháp cho rằng, ở thượng tầng nhà nước Trung Quốc, giới lãnh đạo đã sẵn sàng thừa nhận rằng đất nước họ không chỉ bị vấn đề ô nhiễm không khí, mà chất lượng đất đai – tức là sản xuất nông nghiệp – cũng bị suy thoái nghiêm trọng.

Vì sao nên nỗi ? Tờ báo Pháp trích nhận xét của Bộ Môi trường Trung Quốc, xác định rằng thủ phạm hàng đầu làm đất đai bị ô nhiễm là các chất vô cơ, với 83% đất bị ô nhiễm là do các chất này, từ các khu công nghiệp cũ, cho đến các vùng mỏ không còn được khai thác, và nhất là việc dùng thuốc trừ sâu.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây cho biết là ông muốn « tuyên chiến » với nạn ô nhiễm. Thế nhưng, cái khó hiện nay là theo luật định, các nhà sản xuất gây ô nhiễm không bị phạt nặng, dẫn đến tình trạng những người này cứ tiếp tục phạm luật vì dẫu sao đóng tiền phạt vẫn rẻ hơn rất nhiều so với nâng cấp cơ sở để chống ô nhiễm.

Gabriel García Márquez : Biểu tượng văn học Mỹ La Tinh

Cái chết của nhà văn Gabriel García Márquez dĩ nhiên cũng được báo Libération quan tâm, với toàn bộ trang nhất in chân dung nhìn nghiêng hình đen trắng của giải Nobel Văn học 1982, mắt nhắm lại, tay cầm điếu thuốc, vẻ mặt đầy suy tư.

Hàng tựa trắng trên nền đen nói đơn giản « García Márquez, nỗi cô đơn vĩnh cửu », gợi lại tác phẩm vĩ nhất của nhà văn vừa qua đời là « Trăm năm cô đơn ».

Đối với Libération, không còn nghi ngờ gì cả : Gabriel García Márquez là nhà văn châu Mỹ La Tinh nổi tiếng nhất, với tuyệt tác « Trăm năm cô đơn » vừa vinh danh ngôn ngữ Tây Ban Nha, vừa đánh dấu cả một thế hệ.

Theo nhật báo Pháp, nhà văn người Colombia qua đời tại thành phố Mêhicô vào hôm qua, 17/04/2014, sẽ được nhiều thế hệ độc giả tưởng nhớ như là một Victor Hugo (tác giả của Những người khốn khổ), nhưng là một Victor Hugo vùng nhiệt đới, trong một thế giới toàn cầu hóa của thế kỷ Hai mươi, một Conquistador, tức là một kẻ đi chinh phục theo chiều ngược lại, từ lục địa mới (châu Mỹ) ngược về lục địa cũ (châu Âu).

Điều được Libération ghi nhận trong cuộc đời của Gabriel García Márquez, là giải Nobel Văn học 1982 đã trở thành một người bạn và một người ủng hộ trung thành của lãnh tụ Cuba Fidel Castro, được tờ báo Pháp coi là « một nhà độc tài » đã tạo ra những giấc mơ bình đẳng và những ảo vọng bi mất đi.

Đối với Libération, Gabriel García Márquez là một biểu tượng thực thụ về văn học và chính trị, một ngôi sao được quần chúng mến mộ của giấc mơ Mỹ La Tinh và những cuộc đấu tranh trong những năm 1960.

Theo nhật báo Pháp, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Gabriel García Márquez - Trăm năm cô đơn - xuất bản lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1967, cùng một ngày với Album nổi tiếng Sergent Peppers’ của nhóm Anh Quốc The Beatles, sẽ ghi đậm dấu ấn trên một ngôn ngữ và một thời đại.

García Márquez, theo Libération, như đã xuất khẩu cuộc sống của cả một lục địa và đã cùng với nhiều người khác, những người được gọi là nhà văn của thế hệ Mỹ La Tinh ‘bùng nổ’, xác định ra những đường nét của một tưởng tượng mới.


 

Switch mode views: