Liệu thượng đỉnh Putin–Zelensky có sớm chấm dứt xung đột tại Ukraina?
- Thứ Ba, 10 tháng Mười Hai năm 2019 01:53
- Tác Giả: Minh Anh
Tổng thống Nga Vladimir Putin được đón tiếp trước lúc tham gia thượng đỉnh tại Paris (Pháp) ngày 09/12/2019.
Sputnik/Mikhail Metzel/Kremlin via REUTERS
Hôm nay, 09/12/2019, tại điện Elysée, Paris tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong vai trò hòa giải, gặp gỡ tổng thống Nga, Vladimir Putin và tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, trong khuôn khổ « công thức Normandie ».
Mục tiêu cuộc họp thượng đỉnh này là thúc đẩy tiến trình thực thi thỏa thuận Minks, để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraina kéo dài từ năm năm qua.
Đây cũng là cuộc họp bốn bên đầu tiên kể từ năm 2016 và cũng là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraina đầu tiên.
Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức tỏ ra phần nào « lạc quan » hy vọng tái khởi động việc thực thi toàn diện thỏa thuận hòa bình Minks được ký kết ngày 12/02/2015.
Quả thật, trong thời gian gần đây, điện Kremlin đã đưa ra nhiều dấu hiệu hòa dịu : Tiến hành một cuộc trao đổi 70 tù nhân lớn chưa từng có, Phe nổi dậy thân Nga rút quân tại ba khu vực dọc theo chiến tuyến và Matxcơva trao trả ba chiếc tầu chiến bị bắt giữ cho Kiev.
Do vậy, cuộc họp lần này tại Paris tập trung chủ yếu vào nội dung chính của thỏa thuận này, dự kiến một lệnh hưu chiến ngay lập tức ở miền đông Ukraina, rút các loại vũ khí hạng nặng, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev đối với đường biên giới với Nga, và trao thêm quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát.
Liệu rằng tổng thống Ukraina có thể đạt được điều mình muốn hay không ?
Câu trả lời sẽ là « khó ».
Bởi vì, theo giới quan sát, phạm vi thương lượng của Kiev tại thượng đỉnh lần này là khá hạn hẹp.
Công luận Ukraina lo ngại ông Zelensky không đủ khả năng để thương lượng trong thế « bằng vai phải lứa » với Vladimir Putin, một « cáo già » trên chính trường quốc tế.
Mặt khác, người dân Ukraina sẽ không tha thứ cho việc tổng thống của họ chiều theo các điều kiện của chủ nhân điện Kremlin.
Trong bối cảnh này, tổng thống Ukraina, vì mong muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, và dường như cũng muốn tìm kiếm một sự hậu thuẫn của quân đội, nên trước ngày đến Paris, đã đến thăm các đạo quân tại mặt trận đông Ukraina hôm thứ Sáu 06/12/2019.
Bản thân ông cũng hiểu được điều này khi cho rằng việc tổ chức được các cuộc đối thoại tự nó đã là một « thắng lợi đầu tiên ».
Do vậy, theo giới chuyên gia, nguyên thủ Ukraina sẽ chỉ tập trung vào ba điểm chính :
Tiến hình một cuộc trao đổi tù nhân mới, thực thi một lệnh ngưng bắn lâu dài, và xóa bỏ được các nhóm vũ trang « bất hợp pháp » trên lãnh thổ Ukraina, ngầm ý ám chỉ các nhóm ly khai được Nga bảo trợ.
Về phía Nga thì sao ?
Thái độ của điện Kremlin về cuộc hẹn này như thế nào ?
Theo thông tín viên đài RFI, Daniel Vallot tại Matxcơva, điện Kremlin tỏ thái độ « lạc quan thận trọng » :
« Nếu nhìn vào các tuyên bố gần đây từ phía chính quyền Nga, thì Matxcơva tỏ rất thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris giữa Putin và Zelensky.
Cách nay vài ngày, Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết là Matxcơva lạc quan rất có chừng mực, rất thận trọng về kết quả cuộc ngày hôm nay tại Paris.
Sở dĩ Nga tỏ ra thận trọng bởi vì có một điểm gây bế tắc và rất khó giải quyết được trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris, liên quan đến thời gian biểu thực thi các nội dung trong thỏa thuận Minsk : đó là việc tổng thống Zelensky tuyên bố muốn giành lại quyền kiểm soát đường biên giới chung với Nga trước khi có tổ chức bầu cử tại Donbass.
Theo Matxcơva, đòi hỏi này trái ngược với thỏa thuận Minsk và không thể chấp nhận ý tưởng muốn xem xét lại thỏa thuận Minsk, vốn được đàm phán vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraina diễn ra ác liệt nhất và chưa bao giờ được thực sự áp dụng cả ».
Giờ đây mọi cặp mắt đang đổ dồn về điện Elysée với câu hỏi lớn : Liệu có thể có một kết cục nhanh chóng cho cuộc xung đột tại Ukraina hay không ?
Trả lời AFP, chuyên gia Konstantin Kalatchev hoài nghi cho rằng: « Vladimir Putin chẳng được lợi gì nếu như cuộc xung đột này trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng ông cũng muốn là mọi phương thức giải quyết phải được thực hiện theo các điều kiện của ông ».
Dẫu sao thì thượng đỉnh bốn bên theo « công thức Normandie » lần này còn là một bài trắc nghiệm cho sáng kiến ngoại giao của Paris muốn « kéo Nga trở về mái nhà châu Âu ».
Quan hệ Nga – Liên Hiệp Châu Âu đã bị tê liệt kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga.
Về điểm này, ông Konstantin Kalatchev, giám đốc Nhóm chuyên gia chính trị tại Matxcơva cảnh báo, nguyên thủ Pháp chớ có ảo tưởng nghĩ rằng có thể có ảnh hưởng với Vladimir Putin.
Tin mới
- Vùng biển Natuna: Bắc Kinh thất bại trong cuộc đọ sức với Jakarta ? - 10/01/2020 22:16
- Châu Âu như "dã tràng xe cát" trong cuộc đọ sức Mỹ-Iran - 10/01/2020 03:18
- Nhân quyền: Mỹ siết chặt gọng kềm với Trung Quốc - 20/12/2019 18:22
- LHQ khó có thể áp dụng nghị quyết trục xuất lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài - 19/12/2019 22:55
- Tàu sân bay tiếp sức cho tham vọng cường quốc biển của Trung Quốc ? - 18/12/2019 18:39
- Cử tri Anh dứt khoát chọn Brexit - 13/12/2019 21:29
- Ra điều trần về vụ diệt chủng người Rohingya, Aung San Suu Kyi đánh cược uy tín của mình? - 10/12/2019 22:51
Các tin khác
- Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa : Thùng rỗng kêu to ? - 09/12/2019 20:53
- Pháp : Chống cải cách hưu bổng hay khủng hoảng niềm tin vào chính quyền ? - 06/12/2019 03:22
- Đòn thuế của Donald Trump làm phức tạp thêm đàm phán thương mại - 04/12/2019 18:26
- Trung Quốc : Kế hoạch « con đường tơ lụa » và mưu kế thứ 36 - 02/12/2019 15:06
- Báo Pháp: Ngày mà “Bác Tập” bị Hồng Kông làm mất mặt - 30/11/2019 22:49
- Hồng Kông cản trở việc giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ? - 29/11/2019 05:55
- Phe dân chủ thắng cược, tương lai Hồng Kông vẫn mịt mù - 25/11/2019 23:10
- Hồng Kông : Thua ở đại học Bách Khoa nhưng phong trào sẽ tiếp diễn - 20/11/2019 22:11
- Chuyên gia Mỹ: Việt Nam cần đấu tranh mạnh hơn trong đối sách chống Trung Quốc - 20/11/2019 02:27
- Bóng ma Thiên An Môn lởn vởn trên khu Đại Học Bách Khoa Hồng Kông - 19/11/2019 18:27