Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đã Đến Lúc

 HDGMVN

 

(Viết nhân đọc bài Nhận Định và Góp Ý của HĐGMVN – Ngày 1 tháng 3, 2013)

 

 

 

 Hiện tại đang chuyển mình, tương lai đã ló dạng

Người Công Giáo VN nói riêng, người VN trong cũng như ngoài nước nói chung, đã vừa thở phào nhẹ nhõm vừa vô cùng phấn kích khi đón nhận bản “Nhận Định và Góp Ý - Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 1992” của Hôi Đồng Giám Mục VN (HĐGMVN).

 Đã từ lâu người ta mong đợi tiếng nói trực diện, can đảm của HĐGM đối với nhà cầm quyền CS. Vẫn biết tiếng nói trung thực của các ngài, dù có là đại diện chính thức cho hơn bảy triệu người dân trong nước, cũng có thể chưa đủ sức thay đổi ngay được một chế độ độc tài chuyên chính, nhưng bản NĐ&GY tự nó đã đóng mốc lịch sử, đã là tiếng chuông cảnh tỉnh của hiện tại, niềm khao khát hướng về tương lai.
 Hiện tại đang chuyển mình, tương lai đã ló dạng.

Mạnh dạn vạch ra điểm mâu thuẩn và bất hợp lý của bản dự thảo hiến pháp:

Trước khi bản “Nhận Định và Góp Ý” của HĐGMVN được đưa ra vào ngày đầu tháng ba, ngày 19 tháng 1, 2013 một “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” của “nhóm 72” nhà trí thức, nhân sỹ và lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng cũng đã được công bố trên báo điện tử Bauxite VN.

 Lập trường của nhóm 72 gồm hai điểm chính: 1) Chống lại việc tiếp tục duy trì quyền cai trị độc tôn, độc tài cho đảng CSVN (điều 4), 2) Yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang (quân đội) thay vì phải trung thành với tổ quốc và nhân dân VN đã buộc phãi trung thành với đảng Cộng sản (điều 70).

Hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp xã hội đã ký tên ủng hộ Nhóm 72 (Trong đó có Đức TGM Ngô Quang Kiệt, và các Đức GM Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Chí Linh).

Ngày 28 tháng 2, 2013 một bản “Tuyên bố của các Công dân tự do” gồm 5 điểm ra đời, cũng bác bỏ “Điều 4 trong Hiến pháp”; “ủng hộ đa nguyên, đa đảng” ; và “ủng hộ phi chính trị hóa quân đội”. Nhóm chủ xướng, phần lớn là những nhà báo tự do, gồm có các Bloggers nổi tiếng như : Nguyễn Hòang Vi, Phạm Thanh Nghiêm, Mẹ Nấm, v v... Bản “Tuyên bố” đã được trên năm ngàn người ủng hộ, trong đó có các tên tuổi lớn như Tiến sỹ Hà Sĩ Phu; Bác sỹ Nguyễn Đan Quế; LM Đinh Hữu Thọai; Nhà văn, nhạc sỹ Tô Hải; Trần Khuê; Nhà thơ Bùi Chát, Đỗ Trung Quân; Nhà báo Lưu Trọng Văn; v.v…

Nhưng nếu những “Kiến nghị”, “Tuyên bố” trên đã được coi như những giông tố thổi vào chế độ độc tài đảng trị, bản “Nhận Định và Góp Ý” của HĐGMVN phải được so sánh như một cơn bão cấp năm, vì đây là tiếng nói chính thức, thống nhất của trên 7 triệu người CG tại VN.

Những lời góp ý mạnh dạn, thẳng thắn của HĐGMVN được đưa ra giữa lúc chũ nghĩa Max-Lenin trên toàn thế giới đang trong thời kỳ giãy chết, ngày càng tàn lụi, nếu không nói là đã đi vào giai đoạn “qúa độ” (của lạc hậu).

HĐGMVN, với giọng văn mạch lạc trong sáng, nêu rõ điều “mâu thuẫn và bất hợp lý” (1) của bản dự thảo Hiến Pháp: Trong khi tuyên bố công nhận những quyền căn bản của con người, (như đã được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền - 1948): Quyền tự do tín ngưỡng (điều 25), quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật (điều 43), nhưng trong điều 4 của bản dự thảo lại ghi rõ: Đảng cầm quyền là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghiã Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưỡng!(1). Vẫn một luận điệu vừa mơ hồ vừa ngụy biện như trong Hiến pháp 1992, bản dự thảo vẫn chủ trương: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Bất cứ ai cũng thấy ngay rằng: Những quyền tự do căn bản của con người, được bản dự thảo nói đến và tuyên bố tôn trọng, cũng chẵng khác gì quyền tự do của những chú chim được nhốt kỹ trong lồng. Chim được tự do bay nhảy, ca hót tự do . . trong lồng sắt Cộng sản.

Cũng giống như những vua chúa của thời phong kiến, đảng Cộng sản đã đứng trên tất cả. Không hề có việc phân công minh bạch gìữa ba ngành: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đảng lập nên chính sách, đảng theo dõi việc thi hành chính sách, và lại cũng “đảng ta” đứng sau xét sử.

 HĐGMVN đã không úp mở khi cho rằng: Chính sự thiếu độc lập của ba ngành đã “dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây những bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức ”  (1).
 Việt Nam, dù ai có yêu nước thương nòi đến đâu, dù có kính nhớ tổ tiên cách mấy, cũng phải công nhận một sự thật đau lòng: VN đang càng ngày càng tụt hậu. Vị trí VN trên trường quốc tế ngày càng xuống dốc.

Can đảm đề nghị thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh:

Để xóa bỏ mâu thuẫn và bất hợp lý, để dân Việt còn giữ được bản sắc dân tộc, HĐGMVN đã mạnh dạn đề nghị: “Lấy truyền thống dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội VN.”(1).

 Điều “Nhận Định và Góp Ý” này đã khiến người ta liên tưởng đến những bản “Điều Trần” lỗi lạc của cụ Nguyễn Trường Tộ gởi cho triều đình Huế, thời vua Tự Đúc - thế kỷ 19.
Với cách nhìn sâu sắc, hợp tình hợp lý, thấm tình quê hương, các GM đã đề nghị: “Nếu cần một nền tảng, chúng tôi thiết nghĩ đó phải là truyền thống văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, chứ không phải một ý thức hệ nào khác.
Truyền thống văn hóa ấy đả được hình thành trải qua nhiều thế kỷ, giúp dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, kiến tạo lối sống đầy tính nhân văn . . .” (1).

Truyền thống văn hóa tốt đẹp, phong phú đó của dân tộc Việt Nam đã bị đảng phá cho tan hoang, ngay từ những ngày đầu đảng lên nắm quyền tại miền Bắc. Với áp lực của Liên Xô (2) và theo chỉ đạo của cố vấn Tầu, đảng đã phát động phong trào “Cải Cách Ruộng Đất”.

Với chỉ tiêu đặt ra theo yêu cầu của các đồng chí phương Bắc, mỗi xã phải kiếm cho bằng được 5% địa chủ, cường hào để triệt hạ qua đấu tố.
Muốn đạt chỉ tiêu và lập thành tích, những “đội cải cách” vừa dụ dổ vừa ép buộc mọi người đứng lên đấu tố lẩn nhau, dưới những phương châm “giết lầm hơn bỏ sót”,  “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” (3).
 Xã hội đã không còn là xã hội loài người khi mọi luân thường đạo lý bị đảo lộn: Con tố cha, vợ tố chồng, . . Con người đã biến thành những sinh vật khát máu, giữa những tiếng tru nghe đến rợn người:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghĩ/ Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong/ Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/ Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin…bất diệt” (4). Hay “Anh em ơi! quyết chung lòng/ Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tư thù/ Địa hào đối lập ra tro/ Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương/ Thắp đuốc cho sáng khắp đường/ Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay/ Lôi cổ bọn nó ra đây/ Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi”(5).

Đảng CS VN đã công khai nhận sai lầm trong việc thi hành “Cải Cách Ruộng Đất” (1953-1956). Đây là cơ hội để đảng chuộc lại phần nào lỗi lầm: Hãy trả lại truyền thống văn hoá dân tộc cho người Việt, như đề nghị của HĐGMVN.

Hội Nghị Diên Hồng II:

Bản NĐ&GY của HĐGMVN tuy rất cần thiết nhưng chưa đủ để thay đỗi một chế độ.
 Viêt Nam muốn thoát ra ngoài cảnh độc tôn, độc đảng, muốn giữ lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm cội nguồn, cần phải có sự hỗ trợ tích cực của ít nhất ba thành phần:

1)    Các tôn giáo bạn, nhất là Phật giáo (tôn giáo chiếm đa số tại VN). Tín đồ của các tôn giáo bạn cùng chịu một cảnh oái ương giống hệt Công giáo: Một mặt được hứa có tự do tín ngưỡng, tôn giáo (điều 25), mặt khác buộc phải lấy chủ nghiã Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chỉ đạo. Chuyện đó không thể xẫy ra được, vì “phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghiã Mác-Lênin tự thân là chủ nghiã vô thần.” (1).  

2)    Các nhân sĩ trong và ngoài nước, các đảng viên và cựu đảng viên CS, các viên chức trong bộ máy chính quyền. Lịch sử đã không thể tạo nên được một huyền thoại đầy thú vị vào cuối thế kỷ 20 (6), nếu trong hàng ngũ lãnh đạo đảng CS không có những thành phần phản hồi, đặt quyền lợi quốc gia trước quyền lợi đảng. Riêng tại Liên Bang Sô Viết, nếu không có những nhân vật “cởi mở” như Mikhail Gorbachev, “tinh thần quốc gia” như Boris Yeltsin, cái nôi của CS quốc tế tuy rồi cũng sụp đổ nhưng chắc sẽ kéo dài khá lâu.

3)    Giới trẻ: Thành phần hăng say, luôn hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Tuổi trẻ VN đang bị bưng bít, họ không mấy thông thạo những gì đang xẩy ra trên chính quê hương họ. Thí dụ điển hình: Phần lớn thanh niên trong lứa tuổi còn cắp sách không biết gì đến vụ “Đánh Tư Sản” tháng 3/1978 tại miền Nam, họ không biết rằng chỉ trong một ngày nhà cầm quyền CS đả niêm phong, tịch thu gần 35 ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ. Trong khoảng khắc toàn bộ lớp người ưu tú trong kinh tế miền Nam bị loại và lảnh án “kinh tế mới”.
Những biền cố gần đây họ còn chưa biết, nói gì đến nhữ vụ như “Cải Cách Ruộng Đất” đã xẫy ra 60 năm trước.

 Tuổi trẻ VN, nói chung, còn thờ ơ với chính trị vì bị ru ngủ bởi luận điệu: “Việc nhà nước, để Nhà nước lo”. Chắc chắn với những phương tiện truyền thông tân tiến, nhà cầm quyền không thể che dấu sự thật được mãi. Một khi giới trẻ nhập cuộc, mẹ VN sẽ trở mình đứng dậy.
Ba thành phần trên sẽ là nòng cốt trong giai đoạn đầu, nhưng rồi toàn dân VN sẽ thức tỉnh.

Trong lịch sử thế giới ít có dân tộc nào được như dân tộc ta: Ngay từ thế kỷ thứ mười ba, người Việt Nam đã tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý, vừa dân chủ vừa phổ quát như Hội Nghị Diên Hồng lần thứ I (dưới triều hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông – 1284).
Lịch sử chắc chắn sẻ tái diển, chúng ta đang cùng chờ đợi Hội Nghị Diên Hồng lần Thứ II. HNDH trong thế kỷ 21 này không chỉ bao gồn những người Việt trong nước mà còn gồm cả hơn 3 triệu người Việt tại hải ngoại.

-------------------------------------

(1) Trích từ bản “Nhận Định Và Góp Ý - Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp Năm 1992” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 1 tháng 3, 2013
(2) Trong bản Tuyên Ngôn của đảng Cộng Sản (Manifesto), Karl Marx đã tuyên bố: "cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc.
(3) Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất, Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo, LS Nguyễn Mạnh Tường, diễn văn đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc, ngày 30 tháng Mười 1956 tại Hà Nội.
(4) Tố Hữu - Trăm hoa đua nở trên đất Bắc- trang 37
(5) Xuân Diệu - Trăm hoa đua nở trên đất Bắc- trang 38.
(6) “Poland communism took ten years, in Hungary ten months, in East Germany ten weeks, and in Czechoslovakia ten days to disappear”. The Russian Revolution of 1991 and The Dissolution of the USSR – Peter Rutland – Wesleyan University

Switch mode views: