Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đưa vụ Formosa ra Liên Hiệp Quốc

Sáng ngáy 22.8.2016 tại Quảng Trị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đơn vị đã tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau vụ Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải hủy diệt sinh vật biển tại 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016.

GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu, cho biết sau khi phân tích 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam, nhóm chuyên gia cho biết các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng trong giới hạn cho phép, đảm bảo với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản.

nannhan-chatdoc



Nạn nhân chất độc xyanua ở Nhật (chụp năm 1970)

Ông Nhuận đưa ra các con số để chứng minh điều ông nói: Các thông số sắt, phenol và xyamua - nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép.

 Cụ thể, quan trắc tháng 5 có 3,8% số mẫu sắt vượt giới hạn ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Một tháng sau, chỉ số này còn 1,8%, chủ yếu ở tầng đáy. Điều này cho thấy, sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể.

Hàm lượng xyanua đạt 0,002-0,1 mg/l (tháng 5) nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
 Riêng thông số tổng phenol trong tháng 5 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/l), đến tháng 6 có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là tầng đáy.
Đến tháng 8/2016, phenol trong nước biển giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Về hệ sinh thái, phân tích hơn 3.000 mẫu thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển..., nhóm nghiên cứu cho biết, tháng 4 và 5, rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển.
Nhưng đến tháng 6 và 7 không còn hiện tượng trên, san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn.

Về các thông số ô nhiễm giảm, GS.TS Trần Nghi cho rằng sắp tới biển sẽ sạch trở lại như trước vì đó là quy luật và “sau những quy trình đánh giá khoa học, khách quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên".

Ông Trần Hồng Hà hy vọng với sự nỗ lực của các bên, biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, “người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn".
Nhưng hầu như chẳng ai tin những điều các ông ấy nói, vì có nhiều bằng chứng cho thấy có nhiều sự mờ ám trong việc giám định và kết quả công bố hoàn toàn trái với khoa học.

Trên báo Người Lao Động số ra ngày 23/8, GS – TS Mai Trọng Nhuận cho rằng chúng ta không thể chờ biển tự làm sạch mà cần có sự can thiệp của khoa học và công nghệ và ông cho biết điều này sẽ rất tốn kém và Việt Nam nên tham khảo của các nước đã áp dụng để làm sạch môi trường biển.

Cô Mai Linh Trần ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh cũng cho rằng đó là một kết luận vô trách nhiệm để đánh lừa người dân và dư luận, cô cũng cho rằng Bộ TNMT nói vậy là để bênh vực cho Formosa vì chính quyền đang cố để bảo vệ cho Formosa.

NHỮNG KINH NGHIỆM ĐAU XÓT

Để ước định mức độ tác hại của các độc chất tại Vũng Áng, chúng ta có thể nhìn lại một biến cố tương tự đã xảy ra ỏ vịnh Minamata, Nhật Bản, từ năm 1950 vẫn còn kéi dài cho đến nay.
Vì tài liệu mô tả quá nhiều, chúng tôi chỉ xin ghi lại ở đây một số sự kiện được bốn tờ báo Việt ngữ nhắc lại.

1.- Báo Soha: Nỗi đau 50 năm vì biển bị đầu độc”

Ngày 4.4.2016 xảy ra vụ cá chết tại Vũng Áng thì ngày 23.4.2016, website soha.vn (Soha News của Nga?) ở trong nước cho phổ biến bài “Thảm họa Minamata ở Nhật: Nỗi đau 50 năm vì biển bị đầu độc” của Thanh Hương nói rằng “Về vụ cá chết hàng loại ở ven biển miền Trung, Việt Nam, tuy rằng cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân, nhưng có thể khẳng định đây là một nguy cơ rất lớn về môi trường.”

GS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục YTDP và Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã liên tưởng sự kiện này với thảm họa vịnh Minamata ở Nhật. Ông Nga đặt ra giả thiết:
“Nếu lặp lại sự kiện Vịnh Minamata thì là thảm họa. Vịnh Minamata ở Nhật bị công nghiệp xả nước thải có chứa thủy ngân, thủy ngân xâm nhập vào sinh vật thủy sinh rồi vào cá tạo thành hợp chất thủy ngân hữu cơ.
Người ăn cá từ vịnh này bị ngộ độc thần kinh với những hậu quả vô cùng thảm khốc.

"Sau hơn 50 năm, Nhật Bản vẫn có nhiều trẻ em sinh ra với dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện nay vẫn bị nhiễm độc thần kinh làm tiêu tốn rất nhiều triệu đô la của nhà nước. Đấy là cái giá phải trả cho sự buông lỏng kiểm soát môi trường trong phát triển".

Shinobu Sakamoto, sinh ra đã bị tổn thương não, hiện cũng đang được chăm sóc và điều trị ở bệnh viện Minamata.
 Chị gái của bà, lúc 4 tuổi, cũng chết do ngộ độc thủy ngân khi ăn cá.
 "Chừng nào chúng tôi còn sống, căn bệnh Minamata sẽ không bao giờ kết thúc”, Shinobu Sakamoto khẳng định.

2.- Báo Thanh Niên: Ác mộng 'vịnh thủy ngân' Minamata

Tiếp theo, nhiều báo khác ở trong nước đã lên tiềng về thảm họa này. Dưới đầu đề “Ác mộng 'vịnh thủy ngân' Minamata” đăng trên báo Thanh Niên ngày 25.4.2016, Lan Chi viết:

Hơn 6 thập niên đã trôi qua nhưng hậu quả của thảm họa nhiễm độc thủy ngân do Tập đoàn hóa chất Chisso gây ra vẫn hằn sâu lên thành phố cảng nhỏ bé Minamata, tây nam Nhật Bản.

Tháng 10/2013, lễ tưởng niệm khoảng 2.000 nạn nhân đã tử vong trong vụ nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại được tổ chức tại Minamata với sự tham dự của đại diện 140 quốc gia.

Đó là chưa kể hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng sức khỏe ở nhiều cấp độ khác nhau từ vụ bê bối về môi trường này.
 Đây cũng được xem là trường hợp đầu tiên của hàng loạt vụ ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng trong thế kỷ 20.

Năm 1959, sau khi khám nghiệm những con mèo chết kỳ quái, một nhóm khoa học gia kết luận có sự liên quan giữa “bệnh lạ” ở Minamata với nước thải chứa thủy ngân từ nhà máy của Chisso.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã bị tập đoàn này cùng chính quyền địa phương bác bỏ, nhóm khoa học gia bị giải tán.

Chisso vẫn tiếp tục xả thải ra vùng biển quanh thành phố cảng Minamata cho đến năm 1968 mới bị buộc phải ngưng vì Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nguyên nhân gây “bệnh lạ” chính là thủy ngân.

Sau khi được công nhận chính thức, “bệnh lạ” đã có tên là “bệnh Minamata”: bệnh nhân bị nhiễm độc thủy ngân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh (mất xúc giác, thị giác giảm, bị run tay, co giật, bị liệt…), nguy cơ bị ung thư cao.

 Thai nhi tại Minamata bị nhiễm thủy ngân từ mẹ khi sinh ra có khả năng rất lớn bị thiểu năng trí tuệ và nhiều khuyết tật nặng nề khác.

3.- Báo VOV: Bùi Hùng từ Tokyo

Cũng trong ngày 25.4.2016, báo vov.vn đăng bài “Thảm họa chết người ở vùng biển Minamata (Nhật Bản) do bị đầu độc” của ông Bùi Hùng từ Tokyo. Bài báo cho biết:

Minamita-vungbien chet



Thành phố Minamita được coi là "vùng biển chết".

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản, bệnh Minamata là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm được phát tác từ các loại thực vật, động vật bị ô nhiễm thủy ngân do quá trình sinh sống trong lưu vực Vịnh Minamata chịu tác động xả thải của Công ty công nghiệp hóa học Chisso.

Bệnh này được xác nhận vào năm 1956, trở thành căn bệnh đầu tiên của loài người do ảnh hưởng của thực vật, động vật ô nhiễm trong môi trường.

Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất xuất hiện trong thời kỳ Nhật Bản đạt tăng trưởng kinh tế cao nhất, và cũng là căn bệnh làm nhiều ngưởi chết nhất.
Hàng trăm người không có khả năng nhận thức, sống dựa hoàn toàn vào bố mẹ. Nhiều bào thai không thể hình thành, nhiều người con sinh ra chân tay bị co quắp cho đến ngày nay.
Ngay cả với những nhà nhiếp ảnh, bệnh Minamata là một kí ức kinh hoàng.

Đó là những hình ảnh người bệnh kêu la vì đau đớn, hình ảnh người co giật, sùi bọt mép, bại liệt cả đời sống trên xe lăn. Hay một số bệnh nhân bị mù, điếc, mất trí và mất thăng bằng.

Do mức độ nguy hiểm của bệnh Minamata, Bộ Môi trường Nhật Bản đã đưa ra một văn bản pháp lý với tên gọi “Tuyên truyền giáo dục về bệnh Minamata và cách phòng chống chất thủy ngân”.

Năm 2009, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra một văn bản qui định việc cứu tế cho người bị thiệt hại  do bệnh Minamata và giải quyết vấn đề bệnh này.

4.- Blog Nhìn Ra Bốn Phương: Một căn bệnh khủng khiếp nhất của mọi thời đại

Dưới đầu đề “Bệnh Minamata tại Nhật”, Blog Nhìn Ra Bốn Phương đã viết:
Vịnh Minamata, xinh đẹp thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản), nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata -30KM- vào năm 1950; do nhiễm hóa chất từ Công ty Chisso thải ra, chưa bằng 50% so sánh với FORMOSA,- 128KM

Người Nhật tận lực ngay lập tức vét đáy biển làm trong sạch môi trường. Tai sao vét đáy biển?

Vì rằng, mỗi khi có sóng ngầm, lớp trầm tích độc hại đang lắng đọng, nằm yên dưới đáy sẽ trỗi dậy, cuộn lên trên bề mặt mà khi “trời trong, biển lặng”, chúng ta cứ tưởng là biển sạch.

Lúc bấy giờ, với sự lao động miệt mài, chăm chỉ & đầy ý chí, họ đã MẤT 23 NĂM ĐỂ ĐÁNH BẮT, TIÊU HỦY HẾT SỐ CÁ ĐÃ NHIỄM ĐỘC, ĐỒNG THỜI MẤT 14 NĂM RÒNG RÃ ĐỂ NẠO VÉT, XỬ LÝ SỐ BÙN NHIỄM ĐỘC dưới lòng vịnh Minamata với kinh phí lên tới 48,5 tỉ yên.
Họ đã dùng tàu hút trầm tích đáy biển, lấy chất độc xyanua & phenol ra khỏi biển.

Thế nhưng, ngày ấy, với sự thận trọng trong cách xử lý chất độc, đất nước Nhật đã không ngăn cản được bệnh Minamata, một căn bệnh khủng khiếp nhất của mọi thời đại.
Máu của những người tắm biển, ăn cá & các sinh vật vỏ cứng từ vịnh Minamata đã bị nhiễm xyanua & phenol nhưng họ không hề hay biết.  

Và một thời gian không lâu, người dân của thành phố Minamata thơ mộng, xinh đẹp thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) bỗng phát bệnh, tay, chân bị liệt, run lẩy bẩy, tai điếc, mắt mờ, nói lắp bắp, rú lên đau đớn vì co thắt.

Những đứa trẻ sơ sinh bắt đầu bị liệt não, điếc, mù, đầu nhỏ, sống thoi thóp trong què quặt & dị dạng.
Thảm họa biển nhiễm độc tại vịnh Minamata đã đi vào lịch sử như một vết hằn đau đớn & khủng khiếp nhất của nhân loại.

NHỮNG KẺ KHÔNG CÒN LƯƠNG TRI!

Với những nét đại cương chúng tôi trình bày trên, mọi người có thể thấy vụ Công ty Chisso thải chất độc ở vịnh Minamata đã gây ra những tai hoạ khủng khiếp như thế nào.

 Ai muốn tìm hiểu thêm chỉ cần vào Google đánh chữ Minamata là tài liệu hiện ra từng đống. Nhà cầm quyền CSVN cũng biết rõ như vậy khi họ cho các báo trong nước phổ biến những bài nói về thảm Minamata để so sánh với vụ Vũng Áng lớn hơn gấp nhiều lần.

Nhưng nay, có lẽ do sự "thương lượng" của Công ty Formosa, họ đã thay đổi thái độ, BIẾN ĐEN THÀNG TRẮNG: Trong cuộc họp báo hôm 22.8.2016 họ dám muối mặt tuyên bố: “sắp tới biển sẽ sạch trở lại như trước vì đó là quy luật”, “khách quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên", “san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn” và “biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, "người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn"…

CHỈ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÒN LƯƠNG TRI MỚI DÁM TUYÊN BỐ NHƯ VẬY.

Chính quyền cũng đã chuẩn bị các biện pháp để đối phó khi dân không chấp nhận giải pháp giai xảo mà họ đưa ra.

Nhiều giáo gian đã được cài vào các giáo xứ để theo dõi các hoạt động chống đối Formosa, chụp mũ các phong trào chống Formosa là Việt Tân, theo dõi các nguồn tài trợ từ hãi ngoại, dùng bọn “cà chớn chống xâm lăng” hay “trùm mền hô xung phong” ở trong cũng như ngoài nước để gây rối loạn các cuộc đấu tranh…, và nhất là cho điều tra và nắm vững các thành phần có khả năng lãnh đạo hay xách động đấu tranh trong từng khu vực để khi bắt đầu các biện pháp trấn áp là bắt những người này trước, v.v.

Vì sự sống còn của dân chúng trong vùng và tương lai của các thế hệ mai sau, người dân không thể để chính quyền muốn làm gì thì làm.

ĐƯA VỤ FORMOSA RA TRƯỚC LHQ

Sau thảm họa môi trường xảy ra ở Minamata, một Ủy Ban Thương Thuyết Liên Chính Phủ đã được thành lập tại Genève để thảo luận về các biện pháp chống phát thải chất thủy ngân gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe của con người. Trong phiên họp lần thứ 5 ngày 13.1.2013, Uỷ Ban đã hoàn thành bản Công ước Minamata về Thủy Ngân (Minamata Convention on Mercury).

 Bản Công Ước này đã được 140 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Việt Nam, tại phiên họp ngày 11.10.2013 ở Kumamoto, Japan.
Công Ước nói rằng Thủy ngân là một chất gây ô nhiễm độc hại có ảnh hưởng thần kinh và môi trường khắc nghiệt khi phát thải vào không khí và nước.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (The United Nations Environment Programme - UNEP) có nhiệm vụ kiểm soát việc phát thải thủy ngân dựa theo Công ước Minamata về Thủy ngân. Chương trình này do ông Phó Tổng Thư Ký LHQ làm Giám Đốc Điều Hành.

Công  Ước xác định rằng mục tiêu của Công Ước là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường chống lại thủy ngân và các hợp chất thủy ngân do con người phát thải và phóng thích ra.

 Công Ước đòi hỏi mỗi chính phủ cần phải làm mọi cách để giảm lượng phát thải thủy ngân.

Mặc dầu đã phê chuẩn Công ước Minamata về Thủy Ngân, chính phủ Việt Nam đã không thi hành Công Ước này, để cho Công ty Formosa Hà Tĩnh phát thải thủy ngân xuống biển gây ô nhiễm môi trường làm cá và nhiều sinh vật biển chết tại 4 tỉnh miền Trung.

 Sau đó, chính phủ không chịu mở cuộc giám định với sự tham gia của các chuyên viên quốc tế để xác định những thiệt hại đã thật sự gây ra với những hậu quả của nó, không bắt công ty Formosa phải làm sạch môi trường dưới sự giám sát quốc tế để trả lại sự trong lành cho biển, trái lại chính phủ chỉ làm những cuộc giám định ngụy tạo rồi tuyên bố “biển sẽ sạch hoàn toàn tự nhiên”. Đây là một trò lừa đảo.

Vậy, những người Việt ở hải ngoại có kiến thức về luật pháp và chuyên môn cần phối hợp với các nhà đấu tranh trong nước và các dân biểu Đài Loan, hình thành một bản phúc trình sơ khởi về biến cố môi trường tại Vũng Áng và trình lên Văn Phòng Tổng Thư Ký LHQ xin cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra về biến cố này và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thi hành nghiêm túc Công ước Minamata về Thủy Ngân.

Chỉ với bản nhận tội của Công ty Formosa Hà Tĩnh và bản công bố kết quả giám định của chính phủ ngày 22.8.2016, chúng ta có thể tiến hành thủ tục khiếu kiện được rồi.
Chúng ta không thể để cho Vũng Áng trở thành một vụ Minamata thứ hai trong lịch sử nhân loại được.

Switch mode views: