Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hưu chiến tại Syria : Cả Nga lẫn Mỹ đều hoài nghi về hiệu quả

MIDEAST-CRISIS-OBAMA

Tổng thống Barack Obama, ngoại trưởng John Kerry (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter (P) tại buổi họp báo sau cuộc họp tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ngày 25/02/2016.
REUTERS/Carlos Barria

Trên nguyên tắc, cuộc ngưng bắn ở Syria sẽ có hiệu lực vào lúc 0 giờ thứ Bảy 27/02/2016, giờ địa phương.

Tuy nhiên, 24 tiếng đồng hồ trước lúc hưu chiến có hiệu lực, không mấy ai, kể cả Mỹ và Nga, hai nhà bảo trợ cho cuộc ngưng bắn, tin tưởng là tiếng súng sẽ im, mở đường cho việc chấm dứt cuộc chiến tàn phá Syria và gây bất ổn định cho cả vùng Trung Đông và châu Âu.

Chính ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov là tác nhân của một bản phác thảo kế hoạch hòa bình, đã dẫn đến một số thỏa thuận quốc tế từ năm 2012 đến nay, ở Genève, Vienna, New York và mới đây là tại Munich hôm 12/02 vừa qua, với một văn kiện được Nhóm Quốc Tế Hậu Thuẫn Syria (ISSG) ký kết. Nhóm này gồm 17 nước và 3 tổ chức đa phương.

Một trong những vế của kế hoạch nói trên là thỏa thuận ngưng bắn đúc kết hôm 22/02 và đã được tổng thống Mỹ Obama cùng tổng thống Nga Putin bảo trợ.
Thỏa thuận này trên nguyên tắc, phải có hiệu lực từ 22 giờ, giờ quốc tế hôm nay, tức 0 giờ, giờ địa phương ngày thứ Bẩy 27/02.

Mỹ hoài nghi, Nga dè dặt

Thế nhưng vào hôm qua (25/02), ông Obama đã lên tiếng ngay tại bộ Ngoại Giao Mỹ, thừa nhận rằng « không ai có ảo tưởng gì cả ». Tổng thống Mỹ nhấn mạnh :
« Ngưng giao tranh (…) là một bước tiến khả dĩ dẫn đến việc kết thúc tình trạng hỗn loạn. Nhưng vào lúc này, dù là trong những trường hợp tốt nhất (…) chúng tôi tin chắc rằng các trận đánh vẫn tiếp diễn. »

Bên cạnh ông Obama, ngoại trưởng Kerry, tuy là người cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc ngưng bắn cũng tỏ ý hết sức hoài nghi.
 Trong các cuộc điều trần dài ở Quốc Hội tuần này, ông Kerry đã công nhận ông không thể bảo đảm là hưu chiến sẽ thành công, và cuộc ngưng bắn và tiến trình chính trị giữa Damas và phe đối lập Syria sẽ rất khó duy trì được.

Và ông Kerry cũng phác họa ra viễn cảnh là nếu không thành công, Syria sẽ hoàn toàn bị phá hủy, châu Âu sẽ bị tràn ngập với số lượng người nhập cư ngày càng đông, với tình trạng hỗn loạn, sẽ còn tệ hại hơn tình hình hiện nay vốn đã là thách thức nhân đạo lớn nhất từ Đệ Nhị Thế chiến.

Sự hoài nghi này thật ra nhắm vào Nga. Một viên chức Mỹ đã nhận định thẳng thừng là người ta bi quan và không hề hy vọng Matxcơva sẽ tôn trong cuộc ngưng bắn, như hành động của Nga ở Ukraina và Gruzia trước đây đã cho thấy.

Trong khi đó, ở Matxcơva, điện Kremlin vào ngày 24/02 đã khẳng định tổng thống Syria Bachar Al Assad sẵn sàng tôn trọng ngưng bắn.

Trước đó, vào ngày 22/02, khi nói chuyện qua điện thoại với ông Obama, ông Putin cũng khẳng định sẽ làm "những gì cần thiết" để chế độ Damas ngưng chiến, nhưng cũng nhắn nhủ là ông hy vọng phía Mỹ cũng làm tương tự đối với phe đối lập Syria.

Giới chuyên gia cũng hoài nghi

Không chỉ giới lãnh đạo mới tỏ ra mất tin tưởng. Tại Matxcơva và Washington, giới chuyên gia cũng hoài nghi thiện chí của Nga.

Đối với chuyên gia Alexandre Golts, « ngưng bắn có thể trở thành hiện thực, vì đó là trong quyền lợi của Nga ».
Tuy nhiên, « có một điều có thể phá vỡ tất cả công lao, nếu Nga và Damas cố lấy lại Aleppo trong khi vẫn tiếp tục đàm phán ».

Điều mà chuyên gia này e ngại là dưới nhiều lý do Nga tiếp tục chiến dịch oanh kích và chế độ Damas tiếp tục tiến công thì ngưng bắn quả là tiêu tan.

Nhà nghiên cứu Shadi Hamid ở viện Brooking, Washington, cũng không mấy lạc quan. Trong mắt của ông thì nỗ lực của ông Kerry giống như kiểu « ngoại giao ít tiền, vì nếu không có đe dọa đáng tin từ phía Mỹ là sử dụng sức mạnh quân sự, thì không có gì khiến Nga hành động chân thật ».

Trong tuần này, trước Quốc Hội, ông Kerry đã đề cập đến một kế hoạch B, nhưng không cho biết chi tiết.
Tại Washington, có nhiều đồn đoán đây là kế hoạch thiên về quân sự trong trường hợp Nga và chính quyền Syria phá hỏng giải pháp ngoại giao.
 

Switch mode views: