Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Danh ngôn và đại ngôn


loud mouth speakerSau năm 1975, các chiến hữu của chúng ta di tản đến Hoa Kỳ đã thành lập tổ chức Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, tổ chức này có chi nhánh ở nhiều tiểu bang và đã có những lần hội họp tại Dallas, có sự tham dự của các cấp lãnh đạo cũ của QLVNCH. Cứ mỗi lần họp lại để kỷ niệm Ngày Quân Lực, anh em đã nghe những lời phát biểu đến mối hận mất nước, được nghe những lời kêu gọi hào hùng, như nhắc nhở đến nhiệm vụ chung: “Chúng ta phải giải phóng Việt Nam, nhân dân Việt Nam chờ đợi chúng ta ở cả hai miền Nam Bắc.” Mỗi lần như thế là niềm hy vọng của những người bỏ nước ra đi lại bừng lên, và ai cũng nghĩ rằng thời cơ đã điểm và chiến hữu, đồng bào của chúng ta sẽ không chờ đợi lâu hơn nữa. Các chiến hữu cũng tin tưởng rằng, những phát biểu của cấp chỉ huy cũ này là những lời nói thành khẩn, chứ không phải là những lời nói đùa giỡn về một vấn đề sinh tử của quốc gia.

Trong một cuộc họp của Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, người anh cả, Ðại Tướng TMT, trong bầu không khí trang nghiêm đã rưng rưng nước mắt, can đảm nhìn nhận phần trách nhiệm của mình, đã long trọng hứa “sẽ dành những ngày còn lại của cuộc đời để làm một cái gì đó cho tập thể.” Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, một tay vịn lá cờ vàng ba sọc đỏ, kêu gọi anh em hãy chuẩn bị để khi có tiếng gọi của tổ quốc, hãy sẵn sàng đi theo lá cờ thân yêu về giải phóng quê hương. Ông còn nói rằng, “Khi các chiến hữu thấy vắng bóng tôi, thì lúc đó chính là tôi đã trở về trên quê hương để góp phần trong sứ mệnh giải phóng dân tộc.” Một vị chỉ huy khác là Thiếu Tướng Lâm Văn Phát, trước đại hội, đã hăng say, quyết liệt hơn, xác nhận rằng ra hải ngoại để liên lạc, và nói rằng, “Chúng tôi xin báo cáo cho toàn thể quý vị biết rằng, thời cơ đã chín muồi, chúng ta không thể chờ đợi được nữa. Nội trong năm nay, chúng tôi sẽ phát động cuộc tổng nổi dậy, và nếu không thành công, chúng tôi xin chịu tử hình trước nhân dân.”

Thời gian này phần lớn anh em cựu quân nhân VNCH đều còn đang ở trong nhà tù tập trung, nếu nghe được những lời tuyên bố này, chưa chừng đã “hồ hởi, phấn khởi” đạp vách nhà tù, chạy ra để chào đón các anh.

Vị chủ tịch Hội Ái Hữu Cựu Chiến Sĩ VNCH Minnesota, năm 1988, căn cứ vào những lời tuyên bố trên của các huynh trưởng đã phát biểu: “Mong sao đây là một lời tiên tri chính xác và một ngày gần đây hàng vạn bước chân anh sẽ đạp sóng Thái Bình, vượt dãy Trường Sơn trở về trên quê hương, đập tan loài quỷ đỏ.” (1)
Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, tác giả câu danh ngôn để đời “đừng nghe...,” trong bài diễn văn trao quyền tổng thống lại cho ông Trần Văn Hương ngày 24 Tháng Tư, 1975, đã hứa hẹn “sẽ ở lại cùng anh em chiến đấu.” Ba ngày sau, ông và gia quyến lên phi cơ bay sang Ðài Loan, để lại một con thuyền quốc gia sắp đắm, chôn vùi theo bao nhiêu nhân mạng của đồng bào và các chiến hữu của ông.

Càng về sau người ta thấy danh ngôn không mấy mà chỉ thấy đại ngôn. Cách đây 11 năm, một ông chủ tịch ngày khai trương lực lượng, trước mặt văn võ bá quan, trong bài diễn văn khai mạc đã hùng hồn tuyên bố, “Ðây là lúc chúng ta khua chiêng gióng trống để tiến về giải thể chế độ cộng sản!” Mười một năm, sức tàn lực kiệt, trên quê người, nhiều anh em chúng tôi đã từ giã cõi đời này, nhắm mắt mà còn mang theo niềm hy vọng ở lời tuyên bố của ông.

Ngày 30 Tháng Tư năm nào, đồng bào ở mọi nơi trên đất Úc cũng tập họp về thủ đô Canberra để kỷ niệm ngày mất nước và biểu tình trước Tòa Ðại Sứ CSVN. Biết trước chuyện này hàng năm, nên tòa đại sứ đã đóng cửa và cho nhân viên “di tản.” Ngày 30 Tháng Tư, 2011, tôi hân hạnh có mặt tại Canberra và tham gia cuộc biểu tình này cùng với gần 1,000 đồng bào tỵ nạn cộng sản tại Úc. Trong lúc khí thế đang vươn cao, giữa rừng cờ vàng Việt Nam và cờ Úc, cùng với những khẩu hiệu chống cộng sản được hô vang, trên khán đài, một nhân vật đại diện cộng đồng đã dõng dạc tuyên bố, “Thưa đồng bào, sang năm (2012), nơi đây (tòa đại sứ cộng sản) sẽ là tòa đại sứ của VNCH!”

Lời tuyên bố vừa chấm dứt, tiếng vỗ tay hoan hô của đồng bào nổi lên như sấm dậy!

Một câu chuyện khác là tổ chức liên quan đến việc phục hoạt chế độ VNCH, có ý định tổ chức bán công khố phiếu và hứa hẹn, nếu thành công, lúc đó sẽ trả lại cho đồng bào số tiền gấp đôi!

Trong thành ngữ Hán Việt có câu “cao thanh, đại ngữ” để chỉ giọng nói cất cao (lớn tiếng) mà chữ thì dùng “dao to, búa lớn!” Nói trong lúc bốc đồng, cao hứng, nói cho “sướng miệng” không phải đức hạnh của lãnh tụ. Thành ra không phát biểu được danh ngôn, thì đừng dùng đại ngôn, nói theo cách bình dân là “nói đại” hay “nổ đại!”

Kim Jong-un đã từng tuyên bố huênh hoang sẽ đích thân lái một chiếc xe tăng vào thủ đô Seoul của Nam Hàn để thống nhất đất nước, nhưng ít ra y cũng có xe tăng.
Danh nhân thì thường có những câu nói đời sau trở thành danh ngôn, ví dụ như Winston Churchill, Mac Athur, Thành Cát Tư Hãn, Hưng Ðạo Vương... Nhưng lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, thay vì chỉ thuyết giáo, nói suông, đó là ý nghĩa của câu “ngôn hành hợp nhất.”

Lãnh đạo mà không thành tín với dân, chắc chắn sẽ thất bại. Nguyễn Trãi đã từng nói, “Tín giả quốc chi bảo,” nghĩa là điều tín là của quý của quốc gia.

Ngày nay, vì thói hiếu danh, chuộng hình thức chủ nghĩa, chữ tín đang bị xâm hại, bị đánh tráo bằng những ngôn từ “dao to, búa lớn” xa với sự thật, thành ra một thứ huênh hoang, khoác lác. Ngày nay trên đất nước Việt Nam, chúng ta lại nghe những bài diễn văn rổn rảng chắp nối những chữ nghĩa vô hồn, khoác lác, mị dân. Ngay cả những chữ “độc lập - tự do - hạnh phúc” luôn luôn hiện diện dưới hàng chữ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” cũng chỉ là những thứ bánh vẽ, dù đảng đã đốt 3 triệu thanh niên trong lò lửa chiến tranh, ngày nay người dân cũng chỉ tìm thấy được những gì trái nghĩa với mục đích đề ra lúc đầu.

Ðã không được là danh nhân thì đừng ráng kiếm danh ngôn. Trong cả triệu triệu câu nói, dù trên cửa miệng hay trong cõi lòng, trên đời này khó kiếm ra một câu danh ngôn cho đáng giá. Cuối cùng đó chỉ là những “doanh ngôn” mà người nói nhằm mục đích mua lòng tin của quần chúng và “bán trời không văn tự!”

Ðồng bào đã nhiều lần đánh mất niềm tin, vì đã bỏ công lao, tài sản và cả mạng sống cho những người đầu cơ chính trị, tin vào những lời đại ngôn nơi những người tự nhận là “lãnh đạo,” mà trong tất cả các thứ mất, mất niềm tin là tệ hại nhất!

(1) Tài liệu của Hội Ái Hữu Chiến Sĩ VNCH Minnesota (1988).

Switch mode views: