Cầu thủ World Cup và xăm mình
- Chúa Nhật, 13 tháng Bảy năm 2014 10:46
- Tác Giả: Nguyễn Khanh
Trên ngực một cầu thủ Anh xăm hàng chữ English and Pround. AFP photo
Có một số điều thật khó tìm ở World Cup Brazil 2014, chẳng hạn như tìm một người nước ngoài đến quốc gia Nam Mỹ này mà không than thở về chuyện thời tiết nóng bức, tìm một góc phố thật yên tĩnh không ồn ào bởi tiếng nhạc do những nhạc công địa phương trổ tài suốt ngày đêm, hay ngay lúc xếp hàng vào sân vận động không bị làm phiền bởi những người hỏi thăm có vé dư muốn bán hay không. Nhưng, có lẽ, khó tìm nhất là chuyện làm sao thấy được một cầu thủ đá Giải Vô Địch Thế Giới mà trên người không có một vết xăm nào cả.
Lấy đội tuyển Hoa Kỳ làm thí dụ. Anh thủ môn tài ba Tim Howard xăm từ cổ cho đến chân, anh thủ quân Clint Dempsey cũng bỏ ra vài ngàn đồng bạc để xăm hình ở 2 cánh tay, anh trung vệ Jermaine Jones cũng dùng chính thân hình của mình làm khung vẽ, ghi lại những sự kiện đáng nhớ của thời trai trẻ (anh này năm nay mới 23 tuổi). Đội tuyển Mỹ đã như thế, các đội tuyển khác cũng chẳng kém: hầu như anh cầu thủ nào cũng có một vài hình xăm trên người, và rất hãnh diện với những hình ảnh đã xăm.
“Xăm là mốt thời thượng”, ông Jair Veloso, chủ tiệm xăm Doga Tattoo rất nổi tiếng ở Salvador vui vẻ trả lời khi đón một nhóm nhà báo ghé thăm. Là chú họ anh hậu vệ Dante của đội tuyển quốc gia Brazil, ông cho biết “dường như giới trẻ ngày nay đua đòi xăm mình, thấy bạn có hình xăm hay thì họ đòi phải có hình hay hơn, thấy bạn có nhiều hình xăm trên người thì họ đòi phải có nhiều hơn, nhất định không thua anh thua em”, trong đó “có đứa cháu yêu quý của tôi”. Ông tiết lộ thêm “chính phụ nữ cũng thế, họ cũng đòi phải hơn bạn hơn bè về chuyện xăm người” nhưng con số đó, theo ông, “không nhiều bằng nam giới”.
Cầu thủ World Cup xăm gì trên người? Xin thưa ngay: đủ mọi loại hình, đủ mọi dấu hiệu, mọi thứ trên đời đều được họ xăm làm kỷ niệm. Thí dụ như anh Tim Howard xuất thân từ New Jersey nên trên người anh có bản đồ tiểu bang, có vợ con nên phải có chỗ ngay giữa ngực dành để xăm tên những người “tôi yêu dấu nhất”, lại còn có cả hình người anh hùng Superman xăm trên cánh tay. Khi được hỏi về chuyện này, anh vừa cười vừa trả lời “đây là hình xăm lúc tôi mới 16 tuổi”, ý muốn nói lúc đó là một cậu thiếu niên mới lớn, đôi khi làm những điều không suy nghĩ chín chắn, những vẫn nói đùa -với giọng đầy hãnh diện- cho rằng chắc nhờ xăm hình Superman nên cánh tay của anh vững chắc hơn, tạo kỷ lục 16 lần phá được những đường banh đầy nguy hiểm, được cả Tổng Thống Barack Obama và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel gọi điện thoại ngợi khen.
Anh Howard xăm hình tiểu bang New Jersey ngay trước ngực, anh Clint Dempsey quê ở Texas cũng xăm hình tiểu bang quê nhà ngay ở cánh tay phải, bên cánh tay trái xăm hình một chiến binh thời xa xưa, biểu hiệu cho “phấn đấu, quyết tâm chiến thắng” như anh giải thích với mọi người trên Facebook. Nhưng nếu được chọn để treo giải thưởng cho tổ quốc và gia đình thì người xứng đáng lãnh giải phải là Jermaine Jones: giữa ngực là hình xăm lá cờ Hoa Kỳ, ngay phía dưới là tên vợ con kèm theo cả ngày sinh tháng đẻ. Riêng trường hợp của anh Kevin-Prince Boeteng thì khá đặc biệt: anh là người Ghana, đá cho đội tuyển Ghana, nhưng trên người anh lại xăm hình cả Châu Phi. Hỏi ra mới biết không chỉ tự hào về quốc gia của mình, anh còn “tự hào về cả một lục địa mà thế giới vẫn chưa khám phá hết”.
Hình như xăm tên vợ con là điều các cầu thủ hay làm, nhưng cũng có những anh đi xa hơn, chẳng hạn như anh Messi đưa đứa con đầu lòng đến tiệm, lấy mực in hình bàn tay của cậu con trai in ngay trên cánh tay và xăm làm kỷ niệm ghi chặt tình phụ tử, hay anh Dani Alves của đội tuyển Brazil xăm hẳn bài thơ ngắn do anh tự viết để tỏ lòng thương yêu con cái. Anh cầu thủ Wayne Rooney thì tay trái có xăm tên vợ Colleen đè trên cây thánh giá, ý muốn nói lúc nào cũng nhớ đến lời thề son sắt của ngày đầu gặp nhau, bên cánh tay phải xăm hàng chữ “English and Pround” (tạm dịch “hãnh diện là người dân Anh”). Bạn đồng đội của Rooney là anh Jack Wilshire thì đơn giản hơn, trên cánh tay chỉ có hàng chữ “family” (Gia đình) ý muốn nói đối với anh, trên đời này gia đình và vợ con là nhất. Anh Wilshire cũng từng kể cho báo chí biết thoạt đầu anh “không thích xăm và cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện xăm người, như sau đó thay đổi ý kiến và “người đề nghị tôi đi xăm chính là David Beckham”, một trong những cầu thủ đẳng cấp quốc tế xăm từ cổ cho đến chân.
Bên cạnh gia đình là tôn giáo, trong lãnh vực này thì không ai hơn được anh Olivier Giroud của đội tuyển Pháp và Mario Balotelli của đội tuyển Ý. Trên cánh tay của anh Giroud có xăm hàng chữ bằng tiếng La-tinh "dominus regit me et nihil mihi deerit", có nghĩa là “Chúa là Đấng Quan Phòng gìn giữ tôi, có Chúa tôi chẳng sợ hãi”. Có lần trả lời phỏng vấn trên FIFA.com, anh cho biết tôn giáo chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của anh, và tiết lộ “khi vào sân tôi không làm dấu thánh giá, nhưng bao giờ cũng đứng yên đọc lời cầu nguyện xin Chúa thương giúp cho mình”. Còn trường hợp của Mario Balotelli thì sao? Hồi 2012 sau khi ghi bàn thắng đầu tiên ở Giải Ngoại Hạng Anh Quốc, tức khắc anh đi xăm hàng chữ thật dài ngay ở ngực trái, nguyên văn như sau: "I am the punishment of God. If you had not committed great sin, God would not have sent a punishment like me upon you". Câu này xin được tạm dịch như sau: “Tôi là biểu tượng sự trừng phạt của Thượng Đế. Nếu bạn không phạm trọng tội thì Chúa đã không dẫn bạn đến gặp tôi”.
Dĩ nhiên, thành công trên sân cỏ cũng là điều được cầu thủ ghi lại bằng hình xăm trên thân thể của họ, chẳng hạn như anh Sergia Ramos thường xắn tay áo khoe với bạn bè hình xăm chiếc cúp vô địch thế giới mà anh cùng đội tuyển Tây Ban Nha đạt được hồi 2010. Hình này anh xăm bên cánh tay phải, vài tháng trước đây là hình chiếc cúp Champion League được anh xăm trên cánh tay trái. Anh cầu thủ Wesley Sneijder của đội Hà Lan cũng xăm hình chiến thắng trên người, trong đó có đi kèm theo câu “chiến thắng này anh dành tặng cho em”, ngay phía dưới là tên cô vợ Yolanthe Sneijder-Cabau. Chỉ cần xem hình xăm là biết ngay anh Sneijder mang số 10, vì trên bắp tay của anh có xăm số 10 và vòng nguyệt quế, biểu hiệu cho chiến thắng.
Nhưng không phải chỉ thành công mới xăm làm kỷ niệm, mà ngay chính thất bại cũng xăm… để nhớ đời. Điều này được anh tiền đạo Mauricio Pinilla của đội Chile làm hồi tuần trước sau khi anh đá… hụt quả phạt đền, giúp Brazil vào tứ kết nhưng đội tuyển Chile phải xách valise về nước. Hình xăm trên lưng của anh vẽ lại khung gỗ, trái banh anh đá đụng xà ngang và hàng chữ “One Centimeter from Glory” có nghĩa là “chỉ tí nữa là đi đến đỉnh vinh quang” để nhớ lại chỉ tí xíu nữa thôi, Chile đã thắng Brazil ngay trên sân Brazil.
Related news items:
Tin mới
- Không bán nước - 21/07/2014 18:33
- Những nhà cai trị vô trách nhiệm - 21/07/2014 18:27
- Ông Phạm Bình Minh sẽ 'được' đi Mỹ? - 19/07/2014 19:31
- Học thêm kẻ thù và rước thêm kẻ thù!!! - 17/07/2014 18:37
- Để thoát Trung trước hết phải Thoát Cộng - 17/07/2014 00:47
- Bánh Vẽ & Áo Giấy - 17/07/2014 00:22
- "Về cơ bản Hà Nội đã đầu hàng" - 17/07/2014 00:05
- Một quốc hội nhược tiểu “đầu tôm”!? - 16/07/2014 23:49
- Angela Merkel, ước gì bà là người Việt. - 14/07/2014 21:24
- Sách vở và hạnh phúc! - 14/07/2014 20:39
Các tin khác
- Brazil và World Cup: Thôi thế thì chia tay! - 10/07/2014 20:13
- Khi Brazil không có Neymar - 08/07/2014 11:24
- Bán anh em xa mua láng giềng gần? - 07/07/2014 23:44
- Ðộng lòng - 07/07/2014 21:36
- Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng thay đổi lập trường về Biển Đông? - 03/07/2014 12:21
- Đất Nước Nhìn Từ Phan Rang - 03/07/2014 12:14
- Xạo - 02/07/2014 23:41
- Ðội Mỹ thắng vinh quang, bại vẫn anh hùng - 02/07/2014 11:52
- ‘Con Cháu Các Cụ Cả’ - 01/07/2014 01:29
- Quả đại pháo cuối cùng - 30/06/2014 00:17