Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chương Trình Dạ Lan, Em Gái Hậu Phương

dalan1

Em Gái Dạ Lan
Nguyễn Khắp Nơi

Không phải chỉ một mình tôi và anh em nhà binh ở Úc còn nhớ, còn nhắc nhở tới Dạ Lan, mà là rất nhiều anh em lính chiến ở khắp nơi trên thế giới cũng đều nhắc nhở tới cô. Điểm qua làng báo và websites trên toàn thế giới, từ khi tôi viết bài đầu tiên về Dạ Lan “Lá thư chưa viết từ chiến trường – Huyền thoại Dạ Lan”, đã có nhiều người nói tới Dạ Lan và chương trình Dạ Lan, mà tôi xin được tóm tắt như sau:

Cha đẻ của chương trình Dạ Lan là Đại Tá Trần Ngọc Huyến. (Đại Tá Huyến di tản sang Hoa Kỳ vào năm 1975. Ông qua đời Vào ngày 15 Tháng Mười Một, 2004, tại Houston Texas, vì bệnh tim, hưởng thọ 80 tuổi.) Sau năm 1963, ĐT Huyến đảm nhiệm chức vụ Thứ Trưởng Bộ Thông Tin, kiêm Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Ông có rất nhiều sáng kiến thay đổi cách thức tuyên truyền và nâng cao tinh thần binh sĩ. Từ đó, ông đã tìm hiểu, sưu tầm những chương trình tương tự của các quốc gia khác trên thế giới và đã đặt ra những chương trình phát thanh như sau:
a. Chương trình Gia Binh, nhắm vào gia đình của các chiến sĩ.
b. Chương trình Đồng Minh Vận, nhắm vào các chiến sĩ đồng minh và gia đình của họ.
c. Chương trình Dạ Lan, nhằm nâng cao tinh thần của các chiến sĩ.

Sau khi bàn bạc kỹ càng với Quản Đốc Ðài Phát Thanh Quân đội thời đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Văn Thúy, tức nhà văn Kỳ Văn Nguyên, chương trình Dạ Lan đã được ra đời (tên của chương trình phát thanh cho lính được đặt là Dạ Lan, trước khi tìm được xướng ngôn viên. Kế tục chức vụ quản đốc đài Quân Đội là Thiếu Tá Phạm Hậu, tức nhà thơ Nhất Tuấn. Cuối cùng, từ năm 1969 cho đến khi tan hàng, quản đốc đài là Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến tức là nhà văn Văn Quang).

dalan2Xướng ngôn viên đầu tiên của chương trình Dạ Lan, do một trùng hợp bất ngờ, lại có tên là Lan. Cô không phải họ Nguyễn như tôi, mà là họ Hoàng, Hoàng thị Xuân Lan (cũng có khi không phải họ Hoàng). Mặc dù giọng đọc của cô là giọng Bắc Kỳ thứ thiệt, nhưng cô lại sinh quán ở Quảng Nam. Thời đó, thời 1963, cô Lan đang làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Quân Đội ở Đông Hà, phát về phía bên kia chiến tuyến, do Nhất Tuấn và Hà Huyền Chi điều khiển. Nhờ giọng đọc (Bắc Kỳ) êm ấm ngọt ngào (do Hà Huyền Chi hướng dẫn phát âm), cô đã lọt vào mắt xanh của các quan to và được đưa từ Đông Hà về tới Sài Gòn để nói trong chương trình Dạ Lan:
“Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái Hậu Phương, gởi cho những anh trai Tiền Tuyến

Những danh từ “Em Gái Hậu Phương” và “Anh Trai Tiền Tuyến” cũng là từ chương trình Dạ Lan mà ra, để rồi sau đó đã đi xâu vào lòng người dân Việt, vào tâm khảm những người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Các nhạc sĩ chuyên viết nhạc Lính cũng theo đó mà lồng vào bài hát của mình những danh từ kể trên.

Chương trình Dạ Lan bắt đầu vào buổi tối, từ 7 giờ tới 9 giờ, mỗi ngày, gồm có những mục tin tức, thời sự, điểm báo, văn nghệ và thư tín. Phần hấp dẫn nhất của chương trình Dạ lan là phần nhạc và thư tín, do Dạ Lan giới thiệu từng bản nhạc và trả lời từng bức thư của các anh trai tiền tuyến gởi về. Cho đến bây giờ, những lời nói ngọt ngào của Dạ Lan hầu như vẫn còn âm vang trong tiềm thức của các anh trai tiền tuyến.

Chương trình Dạ Lan đã được anh em quân nhân chúng ta đón nghe một cách say mê và ưa thích, nhất là những anh trai nào đóng quân ở xa nhà, những tiền đồn hẻo lánh. Những người lính viết thư về cho Dạ Lan nhiều tới nỗi đài Quân Đội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách vấn đề trả lời thư của các “anh tiền tuyến” hằng đêm. Một số thiệp chúc tết, chụp hình cô Xuân Lan cũng được Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành để gởi tặng đến các chiến sĩ tiền đồn (bức hình Dạ Lan ở đầu bài là trích trong cuốn báo Xuân Cộng Hòa năm 1965) .

Tuy vậy, nhân vật “Em Gái Hậu Phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời, mà chỉ duy nhất qua làn sóng điện mà thôi. Cũng vì thế mà có người nói tấm hình trên chỉ là hình một cô gái . . . nào đó. Tấm hình Dạ Lan không rõ mặt, tóc thề ngang vai, mặc áo dài tím, mà tôi đã nhắc tới trong bài viết đầu tiên “Huyền Thoại Dạ Lan” cũng thuộc loại . . . cô gái nào đó mang tên Dạ Lan. Cũng chính vì thế mà Dạ Lan mới trở thành huyền thoại. Để tôn trọng cái huyền thoại này, mà đã có người không đồng ý khi tôi đăng hình Dạ Lan lên báo. Theo những anh em này, Dạ Lan nổi tiếng là vì cô hư hư thực thực, không ai biết cô là ai. Chứ khi biết rồi, thì cô chỉ là một người trần gian như chúng ta thôi, thì mất vui đi rồi.

Dạ Lan chỉ làm với dài phát thanh Quân Đội tới năm 1966 thôi. Vậy thì ai tiếp tục mà chúng ta vẫn nghe chương trình Dạ Lan hằng đêm? Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Lúc đó, cô Mỹ Linh cũng vẫn đang làm việc cho đài phát thanh Quân Đội, ở chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu. Cô là người Bắc rặt, và vì cô có giọng nói giống hệt như Xuân Lan, nên đã được chọn thay thế để tiếp tục chương trình Dạ Lan mà không ai biết cả. Vì nhân viên đài phát thanh không nói ra ngoài, nên ai cũng tưởng chỉ có một Dạ Lan mà thôi. Mỹ Linh tiếp tục chương trình Dạ Lan cho tới ngày 29 tháng Tư 1975 thì di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại South Carolina. Cô có tham gia nhiều chương trình cộng đồng và đã giới thiệu nhạc cho băng nhạc Hoàng Oanh 2 “Thương Người Chiến Sĩ”

Sau biến cố 30 tháng Tư, chương trình Dạ Lan không còn nữa, đa số nhân viên làm việc cho đài phát thanh Quân Đội đều đuợc di tản. Trong thời gian đầu tiên ở đất khách quê người, ai cũng phải lo cuộc sống gia đình trước hết. Đến khi cuộc sống tạm ổn định, mọi người mới bắt đầu tìm kiếm nhau. Kiếm tới kiếm lui mới thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Cái gì đó là cái chương trình Dạ Lan mà hằng đêm chúng ta vẫn thường nghe, dù là ở tiền tuyến hay là ở hậu phương…

Xin mời quý vị nghe Chương trình dạ Lan 1: Dạ Lan tặng nhạc các Chiến Sĩ Bộ Binh

Switch mode views: