Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

“ĐI NHƯ RI LÀ MẤT NƯỚC!”

 

vnch ngotongthong

“Viết với Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Mở đầu trang nhật ký, con viết cho cụ. Con nghĩ rằng cụ chưa chết, chưa thể chết được.

Cụ có biết con buồn khổ suốt tuần lễ không? Dinh Gia Long bây giờ đồi với con xa lạ rồi. Cụ đã ra đi không bao giờ trở lại. Những ngày sống bên cụ, phục vụ không quên được.

Con sẽ ghi lại về cụ, người con hằng yêu mến suốt đời.

Đỗ Thọ
Saigon, 4/11/1963”

Ra đi!

“Giờ phút rời khỏi hầm nhanh chóng không thể tưởng tượng được. Tôi, Đại úy Lê Công Hoàn, Đại úy Lộc, Đại úy Bằng, ông già Ẩn đang quay quần chung quanh Tổng Thống. Ông Ngô Đình Nhu từ ngoài hành lang vào nhìn Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói: “Đi! Sửa soạn đi”. Tổng Thống vẫn ngồi, mắt ngước lên hỏi ông Nhu: “Đi mô”. Ông Nhu đáp lại: “Cứ đi đã”. Tổng Thống gọi ông già Ẩn: “Lấy chiếc kẹp (cặp) xuống đây”. Ông già Ẩn nhanh chân đưa xuống chiếc “cặp da” cho Tổng Thống. Tổng Thống nói với những sĩ quan có mặt: “Đi một đứa thôi”. Tất cả đều hiểu ý Thổng Thống nhưng Tổng Thống lại không chỉ định dứt khoát ai theo Tổng Thống.

Chiếc cặp da được đặt trên bàn trước mặt Tổng Thống.

Tổng Thống đứng dậy (chuẩn bị đi) trao cho Đại úy Lê Công Hoàn chiếc cặp da đó. Như thế có nghĩa là Hoàn được Tổng Thống chọn đi theo.

Tổng Thống bất thần ngừng lại cửa hầm ít giây trong khi đó tôi lấy chiếc cặp da trên tay Lê Công Hoàn và thưa với Tổng Thống: “Hoàn đã có vợ con, xin cụ cho con được thay thế”. Tổng Thống nhìn tôi hơi khẽ gật đầu rồi bước đi. Tôi tạm biệt Lê công Hoàn chạy theo Tổng Thống cho kịp thời gian đòi hỏi.

Buổi chiều ấy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lót dạ một tô cháo gà do ông già Ẩn mang xuống hầm. Tổng Thống uể oải cầm thìa múc cháo, một cử chỉ bệ rạc mất rồi. Tổng Thống nhìn các sĩ quan chung quang rồi nói với ông già Ẩn: “Múc vài tô nữa cho anh em ăn với”…

Cũng tô cháo này là bữa ăn phục dịch cuối cùng của ông già Ẩn đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Lúc rời khỏi hầm, tôi thấy tô cháo còn nguyên vẹn đang nằm hờ hững trên bàn. Lúc ấy là 7 giờ 10 phút tối 1-11-1963.

Còn gì buồn hơn. Còn gì kỷ niệm hơn một buổi tối ảm đạm như thế. Một buổi tối mà số mệnh của tất cả những người có mặt trong dinh Gia Long vô cùng bấp bênh. Đồng thời mang đến buồn tẻ, tủi nhục tiễn đưa một vị Tổng Thống đến một phương trời vô định”

(Trích Nhật Ký Đỗ Thọ, tr. 193-194)

“Tôi đứng sát Tổng Thống ngay khi cụ rời dinh Gia Long và nghe cụ lẩm bẩm: “Đi như ri là mất nước”"

(Lời cụ Cao Xuân Vỹ)

Vâng! Cách đây đúng 51 năm về trước, vào lúc 7 giờ 10 phút chiều ngày 1-11-1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nói lời cuối cùng “ĐI NHƯ RI LÀ MẤT NƯỚC” tại dinh Gia Long, nơi tượng trưng cho uy quyền quốc gia trong suốt bao năm qua, ngay khi Tổng Thống và ông cố vấn Ngô Đình Nhu ra đi…

Thế rồi, vào khoảng 10 sáng ngày 02-11-1963, đài phát thanh Sài Gòn loan tin “Diệm Nhu đã tự vẫn”. Trước tin sửng sốt này, cả thế giới bàng hoàng rồi phản ứng như sau:

I.- CỘNG SẢN REO MỪNG:

Khoảng hai chiều ngày 02-11-1963, tại thủ đô Hà-Nội, khi Hồ Tập Chương (tức quốc tặc Hồ Chí Minh) biết chắc Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết chết, ông ta nói với những nhân viên thân tín của ông ta như sau: “Lúc nãy người ta báo cho Bác biết là Ông Diệm vừa bị lật đổ. Ông Diệm là kẻ địch thủ ghê gớm nhất của Bác. Nay Ông ta đã bị loại rồi, thì chiến thắng chắc chắn sẽ về ta rồi."

“Lịch sử Miền Nam Việt Nam từ năm1963 đến 1975 có thể thâu gọn trong câu nói đó, và những người tự nhận là thuộc về Đệ Nhất Cộng Hoà nên nhắc nhủ những cá nhân, hay đoàn thể, đã nhúng tay vào việc lật đổ và hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên suy nghĩ về câu nói đó và trách nhiệm của mình về những gì đã xảy ra từ năm 1963 đến nay…

1.- Trong những năm trước năm 1963, trong số ký giả Hoa Kỳ ở Sài Gòn có ông Keyes Beech, đặc phái viên của báo Chicago Tribune, một nhà báo rất được kính nể. Năm 1963 ông này không vào hùa với đám ký giả tay sai của bọn tài phiệt buôn bán chiến tranh trên xương máu người dân Việt, chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau năm 1963, ông vẫn được ở lại Saì Gòn, và ông vẫn thân thiện với tôi. Một hôm, trong những chuyện ông kể cho tôi nghe có chuyện sau đây. Ông ta nói: "You know, on the afternoon of the day President Diem was overthrown, I was in a bar in Pnom-Penh. Sitting next to me was Wilfrid Burchett. We were not friends. But on hearing the news about President Diem’s death, he turned to me and said: "It's unbelievable! They have killed the only man with the ideas and the organisation that can stop us". ("Thật là không thể tin được: chúng nó đã giết chết người duy nhất có tư tưởng và tổ chức có thể chận chúng tôi"). Wilfrid Burchett không nói rõ "chúng nó và "chúng tôi" là ai, nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ là "chúng nó" là phe chống cộng, và "chúng tôi" là phe cộng sản.

2.- Hồi trẻ, trước năm 1945, ở Huế, tôi quen thân bà Hồ Thị Mộng Chi. Nhưng sau 1954, bà tỏ ra thân với phía Bắc Việt. Còn tôi lại cộng tác với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vì vậy tôi không đi lại với gia đình Bà Hồ Thị Mộng Chi nữa. Sau 1960, và nhất là sau 1968, thì "chiến tuyến" lại càng rõ ràng hơn nữa, vì Bà Hồ Thị Mộng Chi làm bí thư cho Bà Nguyễn Thị Bình. Hai người con bà Chi cũng "anti-Saigon" rất hăng, và khi "phe ta" thắng trận năm 1975 mẹ con đều dắt nhau về Việt Nam ngay. Qua bạn bè, đặc biệt là anh Bửu Kỉnh (nay đã mất), một người bạn thân của gia đình bà Chi, và cũng thân tôi làm trung gian, tôi gặp lại bà Hồ Thị Mộng Chi tại Pháp. Trong buổi tái ngộ, chúng tôi nói chuyện lông bông luôn mấy tiếng đồng hồ. Tôi ngồi nghe nhiều hơn nói, và nghe ba mẹ con bà đua nhau đả kích Việt Cộng kịch liệt! Tôi sửng sốt. Tôi không dám hỏi tại sao, nhưng chỉ đoán, nhớ bà Chi nói "tụi nó tệ lắm". Tôi được anh Bửu Kỉnh cho biết, trước đó trong chuyến về Việt Nam mẹ con bà  không được Việt Cọng tiếp đón niềm nở, vì nó thắng rồi nên không cần đến bà nữa. Bà lại tưởng rằng vì bà là người có công, nhất là đã giúp cộng sản trong việc tuyên truyền (con đại thần Triều Nguyễn mà lại đứng về phe cách mạng, lại là bí thư của Bà Nguyễn Thị Bình, ở ngay Paris, trong những cuộc đàm phán hệ trọng). Còn người con thì thổ lộ: "tụi nó dốt quá" (nó nói rằng Mã Lai không phải là quốc gia độc lập, còn Lê Đức Thọ, được anh ta dẫn đi coi thành tựu kinh tế kỹ nghệ Pháp lúc viếng thăm Paris thì cho rằng "chẳng có gì đáng để ý")!! Nhưng điều đáng ghi nhất là giây phút chót của cuộc tái ngộ. Lúc đó cũng gần 12 giờ khuya. Bà Chi đưa tôi ra cửa, và cùng tôi đi mấy bước ra giữa phố, lúc đó vắng. Tôi không hề đề cập gì đến ông Diệm trong cuộc gặp gỡ, nhưng trước khi chia tay bà ta nói: "Nghĩ kỹ lại, chỉ có Ông Diệm là hơn hết!" (Trích “Cộng Sản Nghĩ Sao Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm của GS Tôn Thất Thiện).

3.- Trở lại chuyện ký giả cộng sản nổi tiếng Wilfrid Burchett, khi ông ta gặp quốc tặc Hồ Chí Minh, ông Minh nói với Wilfrid Burchett rằng: "Tôi không thể ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế".

Còn đài phát thanh Hà Nội, buổi tối ngày 02-11-1963 đã bỉnh luận như sau: "Do sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu, tụi đế quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ Ngô đã mất biết bao nhiêu năm để xây dựng"

Về phía cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì bọn chúng không ngờ, bọn chúng lại may mắn như thế. Nên ông Nguyễn Hữu Thọ nói với báo Nhân Dân: "Sự lật đổ Diệm là một món quà mà Trời ban cho chúng tôi."

Và tên Phó Chủ Tịch Trần Nam Trung nói: "Tụi Mỹ quyết định đổi ngựa giữa dòng. Chúng sẽ không khi nào tìm được một người hữu hiệu hơn ông Diệm."

Ngoài ra, tên tướng CS Võ Nguyên Giáp và những đồng bọn còn sống sót của ông Hồ Chí Minh, sau này gặp Ông Robert McNamara ở Hà Nội tháng 11 năm 1995, đã nói rằng: "Chính sách Kennedy ở Việt Nam sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là một người có tinh thần quốc gia, không khi nào ông chịu để cho người Mỹ dành quyền điều khiển chiến tranh, và sự người Mỹ dành quyền đã đưa người Mỹ đến thất bại đắt giá. Cho nên, kết quả của cuộc đảo chánh lật đổ ông Diệm năm 1963 là sự kết thúc sớm [sự hiện diện] Hoa Kỳ ở Việt Nam, một điều đáng làm cho người ta ngạc nhiên"

II.- CHÍNH QUYỀN HOA KỲ THÚ NHẬN:

 Tổng Thống John Kennedy thú nhận rằng:
1.- "Cuộc đảo chánh đã xẩy ra tại Sài Gòn vào cuối tuần qua. Nó là tột đỉnh của cuộc thảo luận trong ba tháng về một cuộc đảo chánh, một cuộc thảo luận đã gây chia rẽ trong chính quyền ở đây và ở Sài Gòn".

2.- "Tôi cảm thấy chúng ta phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm vì nó đã khởi sự bằng điện văn của chúng ta  (mang số 243 được gửi váo cuối tháng Tám, chính xác là vào hồi 9 giờ 36 phút tối thứ Bảy, 24 tháng 8, 1963, từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ  ở Washington, cho Đại sứ Lodge ở Sài Gòn) gửi vào đầu tháng Tám trong đó chúng ta gợi ý cuộc đảo chánh".

3.- "Theo nhận định của tôi điện văn đó đã được thảo quá tệ, đáng lẽ nó không bao giờ được gửi đi vào một ngày Thứ Bảy. Đáng lẽ tôi đã không nên chấp thuận nó mà không qua một cuộc thảo luận bàn tròn để qua đó Robert McNamara và Maxwell Taylor có thể trình bầy quan điểm của họ. Còn Tướng Paul Harkins tiếp tục chống đối cuộc đảo chánh trên căn bản là nỗ lực quân sự đang tiến hành tốt đẹp".

4.- "Tôi đã bị sốc về cái chết của Diệm và Nhu. Tôi đã gặp Diệm với Thẩm Phán Tối Cao Douglas nhiều năm trước. Ông đã là người có cá tính ngoại hạng và trong khi ông gặp khó khăn vào những tháng vừa rồi nhưng trong khoảng mười năm qua ông đã giữ vững nước ông để duy trì được nền đôc lập dưới những nghịch cảnh rất khó khăn".

5.- "Cách mà ông đã bị giết thật kinh khủng. Vấn đề bây giờ là liệu các tướng có thể đoàn kết với nhau để cùng xây dựng một chính quyền ổn định, hay là Sài Gòn sẽ bắt đầu, công luận tại Sài Gòn, trí thức, sinh viên, vân vân sẽ chỉ trích chính quyền này như là áp bức và phi dân chủ trong một tương lai không xa”.

6.- Phe chống đảo chánh gồm: "Tướng Maxwell Taylor, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara,  Tổng Giám Đốc CIA John McCone".

7.- Phe ủng hộ đảo chánh: "Bộ Ngoại Giao, dẫn đầu bởi Averell Harriman, George Ball, Michael Forestal, Roger Hilsman.

8.- Michel Forrestal chỉ là một thứ thiên lôi chỉ đâu đánh đấy của  Averell Harriman.

9.- Averell W.Harriman đã có biệt danh “cá sấu”. Tại bàn hội nghị, mắt ông ta lúc nào cũng lim dim như mắt cá sấu nằm bên bờ lạch, lâu lâu “táp” một cái, con mồi khó thoát.

10.- Bobby Kennedy đã tặng ông ta một con cá sấu nhỏ bằng vàng, và nhân viên ông ta tặng một con bằng bạc, coi như kỷ vật “từ các nạn nhân”. Cá sấu Averell W. Harriman đợi hơn một năm, táp được anh em Cố TT Ngô Đình Diệm.

III.-  NHỮNG TIẾT LỘ:

Sau đây là lời tuyên bố của cố Tổng Thống Lyndon B. Johnson được ghi lại trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003 vừa qua. Những đoạn băng này cho thấy khi chiến tranh Việt Nam đang ở vào thời kỳ gay go nhất, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã gặp khó khăn vì sự chống đối của Quốc Hội. Ông bị giằn vặt về sự thất bại trong việc lãnh đạo chiến tranh Việt Nam. Ông nói: “Tôi không thể rút ra, tôi không thể chính là kiến trúc sư của sự đầu hàng” (I can’t get out, I just can’t be the architect of surrender)

Tài liệu này được công bố sau 40 năm kể từ khi Hoa Kỳ thuê một số tướng lãnh Việt Nam làm đảo chánh lật đổ và giết chết ông Ngô Đình Diệm, khởi đầu cho việc đưa quân vào miền Nam Việt Nam.

Tài liệu vừa được công bố trên cho biết, vào ngày 1.2.1966, Tổng Thống Johnson đã gọi điện thoại cho Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay than phiền về việc chính quyền Kennedy (lúc đó ông Johnson là Phó Tổng Thống) và liên minh cánh tả của ông ta ở Thượng Viện đã ủng hộ việc ông ta đi vào cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại không ủng hộ ông trong việc tiếp tục cuộc chiến đó. Ông nhắc lại chuyện chính quyền Kennedy tổ chức giết ông Diệm để có thể tham chiến ở Việt Nam:

“Ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và sử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyễn rủa để hạ sát ông ta. Bây giờ chúng ta không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

(They started on me with Diem. He was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together and got a goddam bunch of thugs and assassinated him. Now, we’ve really had no political stability [in South Vietnam] since then.)

Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với Tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng Thống Johnson lại nhắc lại điều đó. Ông nói với Tướng Taylor: “Họ khởi đầu và nói: Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.” (They started out and said, “We got to kill Diem, because he’s no damn good. Let’s, let’s knock him off. And we did.)

Tướng Taylor đồng ý: “Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế.” (Yeah, that’s where it all started. That’s exactly where it started!”)

Tổng Thống Johnson giận dữ trả lời: “Và lúc đó tôi đã van nài họ, ‘Xin vui lòng đừng làm điều đó’. Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta.” (“And I just pled with them at the time, 'Please, don't do it.' But that's where it started. And they knocked him off.”)

Trong một bài dưới nhan đề “What's Hidden in the LBJ Tapes. Johnson thought JFK was responsible for the murder of Ngo Dinh Diem.” đăng trên tuần san Weekly Standard ngày 29.9.2003, James Osen đã trình bày và phân tích đoạn băng này với kết luận rằng Tổng Thống Kennedy phải chịu trách nhiệm về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tác giả đã nhắc lại chuyện một nhân viên CIA là Everette Howard Hunt đã làm các điện văn giả để giúp Tổng Thống Nixon chứng minh Tổng Thống Kennedy dính líu đến việc hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Người ta nhớ lại hôm 19.6.1972, hai ngày sau khi vụ Watergate bùng nổ, một nhân viên của Safemasters Company và một nhân viên của Sở Mật Vụ (Secret Service) đã đột nhập vào phòng 522 của Tòa Bạch Ốc, nơi chứa những tài liệu của một người tên là Everette Howard Hunt, một nhân viên CIA có nhiệm vụ giúp Tổng Thống Nixon. Tại đây các nhân viên điều tra đã khám phá ra hàng trăm điện văn (cables) ghi lại các biến cố đưa đến cuộc đảo chánh vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 ở Nam Việt Nam với kết quả là Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát. Các nhân viên điều tra cũng khám phá ra hai điện văn giả về ông Diệm do Everette Howard Hunt làm với ẩn ý nói rằng chính quyền của Tổng Thống Kennedy và chính ông ta đã can dự vào việc giết hai nhân vật này.

Everette Howard Hunt sinh năm 1918, đã làm việc cho CIA từ 1949 đến 1970. Trước đó, ông ta bị coi là một nghi can quan trọng trong vụ giết Tổng Thống Kennedy vào ngày 22.11.1963, nhưng không bị truy tố vì “không đủ yếu tố buộc tội”. Trong vụ đặt máy nghe lén nơi họp của Đảng Dân Chủ, ông đã bị phạt 8 năm tù.

Qua những lời phát biểu của Tổng Thống Lyndon B. Johnson nói trên, chúng tôi thấy có hai vấn đề được đặt ra: Vấn đề thứ nhất: Trách nhiệm của chính quyền Kennedy trong vụ làm đảo chánh và hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vấn đề thứ hai: Trách nhiệm của “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” trong việc hạ sát một cách dã man Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Chúng tôi xin trình bày qua hai vấn đề này.

IV.- NHẬN DIỆN CÁC CHÍNH PHẠM.

Không phải đến ngày 28.2.2003, khi Johson Library công bố cuốn băng nói trên, chúng ta mới có thể xác quyết chính phủ Hoa Kỳ đã đứng ra tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 và ra lệnh giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Những văn kiện trao đổi giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1963 cũng đủ để chứng minh điều đó.

Cuốn hồi ký của ông Robert S. McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, xuất bản năm 1995 cũng đã xác định rất rõ Roger Hilsman Jr., Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ, Averell W. Harriman, Thứ Trưởng Ngoại Giao, và Michael V. Forrestal, một thành viên tham mưu (staffer) của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, là “kiến trúc sư” của cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Roger Hilsman là một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao và cố vần về chính sách Việt Nam. Năm 1961, ông được Tổng Thống Kennedy bổ nhiệm làm Giám Đốc Văn Phòng Tình Báo và Nghiên Cứu của Bộ Ngoại Giao. Ông được coi như “kiến trúc sư chính về chính sách Việt Nam của Hoa Kỳ” (principal architect of U.S. Vietnam policy). Tháng Giêng năm 1962 ông trình bày “Một Quan Niệm Chiến Lược cho Nam Việt Nam” (A Strategic Concept for South Vietnam), coi việc xây dựng nông thôn Việt Nam như một chìa khóa đưa đến chiến thắng. Vào tháng 2 năm 1964, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đã có một sự bất đồng giữa Tổng Thống Johnson và Ngoại Trưởng Rusk về chính sách Việt Nam do Hilsman là tác giả, nên Hilsman phải từ chức. Năm 1967, Hilsman đã viết cuốn “To Move a Nation” ca tụng chính sách Việt Nam của Tổng Thống Kennedy và đả kích sự leo thang chiến tranh của Tổng Tống Johnson.

Nhưng có lẽ tác giả cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu là Averell W. Harriman.

Averell W. Hariman sinh năm 1891, làm Đại Sứ Toàn Quyền của Hoa Kỳ từ 1960 đến 1961, sau đó làm Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao về các vấn đề Viễn Đông từ 1962 đến 1963 và Thứ Trưởng Ngoại Giao về các vấn đề chính trị từ 1963 đến 1964. Ông được coi là “kiến trúc sư của chính sách Chiến Tranh Lạnh” (architect of Cold War policy) của Hoa Kỳ. Trong thời gian làm Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao về các vấn đề Viễn Đông, Averell W. Harriman đưa ra chủ trương trung lập hóa Lào để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Chủ trương này đã bị ông Ngô Đình Nhu cực lực phản đối.

Câu chuyện đã xẩy ra như sau: Vào tháng Giêng năm 1961, CIA đưa James W. “Bill” Lair, một chuyên viên bán quân sự của Hoa Kỳ đến gặp lãnh tụ của HMong Trắng là Vang Pao để thương lượng về vấn đề võ trang và huấn luyện cho người HMong chống lại Cộng Sản Lào. Lúc đầu hai bên thỏa thuận Hoa Kỳ sẽ huấn luyện cho 1000 quân HMong ở biên giới Thái - Lào và cung cấp vũ khí cho họ. Sau đó việc huấn luyện và trang bị cứ gia tăng dần, đến mùa hè năm 1961, CIA đã huấn luyện và cung cấp vũ khí cho khoảng 9.000 quân HMong chiến đấu. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 1962, với sự yểm trợ của bộ đội Việt Cộng, Pathet Lào đã chiếm được thủ phủ Nam Tha ở bắc Lào. Trước thất bại này, Averell W. Harriman đưa ra chủ trương trung lập hóa Lào để ngăn chận Cộng Sản Việt Nam mượn đất Lào xâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Cả Hawks trong chính quyền Kennedy lẫn Ngô Đình Nhu đều cho rằng giải pháp này không thực tế, nhưng Tổng Thống Kennedy vẫn theo ý kiến của Averell W. Harriman. Ông ra lệnh cho khoảng 3.000 nhân viên quân sự Mỹ rút qua Thái Lan và sau đó mở hội nghị với với Khrushchev bàn về một giải pháp trung lập cho Lào. Ngày 23.7.1962 Tuyên Ngôn Trung Lập Lào được công bố. Khoảng 666 cố vấn quân sự của Hoa Kỳ còn lại rút ra khỏi Lào.

Giải pháp của Averell W. Harriman đã thất bại rất thê thảm. Theo báo cáo của CIA, sau khi tuyên bố trung lập, khoảng 7000 bộ đội Việt Cộng chẳng những không chịu rút khỏi Lào mà còn bành trướng thêm. Trong năm 1963, chính quyền Kennedy lại cho phép CIA huấn luyện và trang bị cho khoảng 20.000 quân HMong để chống lại quân Bắc Việt lẫn Pathet Lào. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã phê phán Harriman nặng lời. Có lẽ chính những lời phê phán này đã khiến Averell W. Harriman quyết tâm tìm cách loại bỏ chính phủ Ngô Đình Diệm.

Averell W. Harriman đã viếng thăm Việt Nam và báo động rằng chính phủ Ngô Đình Diệm tham nhũng và bất ổn. Khi vụ Phật Giáo xẩy ra, chính Harriman đã thúc đẩy chính phủ Kennedy làm áp lực buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải nhượng bộ Phật Giáo. Phải chăng câu “Ngài nhớ, họ nói với tôi lúc đầu về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết.” mà Tổng Thống Johnson đã nhắc lại là lời của Harriman?

Michael V. Forrestal (1927 – 1989) là Trưởng Ủy Ban Phối Hợp Việt Nam (Vietnam Coordinating Committee) thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia từ 1962 đến 1965. Ông là người được Averell W. Harriman nâng đỡ. Ông đã cùng với Roger Hilsman, Giám Đốc Tình Báo của Bộ Ngoại Giao, đến thăm Việt Nam để duyệt xét tình hình tại chỗ. Trong một bản phúc trình chung, cả hai đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng đứng vũng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Bản phúc trình nói đến sự ngày càng lớn mạnh của Việt Cộng và gợi ý rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài hơn và tốn kém hơn như đã dự trù. Bản phúc trình đồng ý trên nguyên tắc về sự hình thành các ấp chiến lược do ông Ngô Đình Nhu chủ xướng, nhưng lại tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của kế hoạch này. Trong phần phụ đính mật, hai tác giả đã đề nghị chính phủ Kennedy làm áp lực buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải thực hiện cải cách và giải tỏa “cơ cấu chính trị độc đoán” (authoritarian political structure).

Nói cách khác, Michael V. Forrstal và Roger Hilsmans đã cố tình làm cho các nhà lãnh đạo nước Mỹ tin rằng miền Nam Việt Nam không thể đứng vững nếu Hoa Kỳ không can thiệp trực tiếp bằng quân sự, và muốn can thiệp trực tiếp bằng quân sự, phải thay thế chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính bản phúc trình này đã dọn đường cho việc tiến tới lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Sau khi các biến cố Phật Giáo xẩy ra tại Việt Nam, Roger Hilsman và Averell W. Harriman, với sự phối hợp của Michael V. Forrestal, đã soạn thảo công điện mang tên DEPTEL 243 chỉ thị cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Đây là loại công điện tối mật cần hành động lập tức (operation immediate). Đô Đốc Harry Felt, Tư Lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, cũng đã góp ý kiến. Điêu khó khăn là phải làm thế nào để qua mặt được Tổng Thống Kennedy. Kế hoạch qua mặt này đã được ông Robert S. McNamara, mô tả rõ trong cuốn hồi ký của ông và sẽ được trình bày ở sau.

Công điện đã được đánh đi khẩn cấp vào tối thứ bảy 24.8.1993. Công điện ghi rõ: “Chính phủ Mỹ không thể chấp nhận tình trạng quyền hành nằm trong tay của Nhu. Phải cho Diệm cơ may loại trừ Nhu cùng phe nhóm và thay thế bằng những nhân vật chính trị và quân sự khá nhất sẵn có. Mặc dầu những cố gắng của ông, nếu Diệm vẫn cứng đầu và từ chối, chúng ta phải đối phó với sự thể rằng không thể giữ lại ngay chính Diệm nữa.”

Để yểm trợ cho chủ trương này, các ký giả Davis Halberstans của New York Times, Neil Sheehen của UPI và Malcolm Browne của AP đã viết những bài tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm chuyên chế và tham nhũng với nhận định rằng không thể thắng trận ở Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Vì công diện này không được Bộ Trưởng Ngoại Giao, Bộ Trưởng Quốc Phòng và Giám Đốc cơ quan tình báo CIA xem xét trước nên đã có những sự tố cáo lẫn nhau giữa các cơ quan này về việc làm nói trên. Nhưng rồi bức công điện đó cũng không hề được thu hồi.

Nhận được công điện trên, sáng thứ hai 26.8.1963, Đại Sứ Henry Cabot Lodge triệu tập ngay cuộc họp gồm tất cả các ngành của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam để lập kế hoạch lật đổ Tổng Thống Diệm. Đại Sứ Henry Cobot Lodge không chỉ quyết định phải giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu, mà còn quyết định phải giết cả ông Ngô Đình Cẩn và Đại Tá Lê Quang Tung. Trong công điện ngày 5.10.1963 gởi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Đại Sứ Cabot Lodge đã dành một đoạn để đề cập đến những người bị coi là nguy hiểm nhất ở miền Nam. Dương Văn Minh cho ông biết có ba người nguy hiểm nhất là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Dương Văn Hiếu. Nhưng Lucien Conein luu ý rằng Lê Quang Tung đáng sợ hơn. Với nhận định như thế, ngoài Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Lodge thấy rằng cần phải giết thêm ba người nữa là ông Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Cẩn và Đại Tá Lê Quang Tung. Thiếu tá Lê Quang Triệu tuy không có tên trong sổ đen, nhưng đem mạng tới nạp nên đã bị giết luôn! Riêng cái chết của Đại Tá Hải Quân Hồ Tấn Quyền vào sáng 1.11,1963 có lẽ do quyết định của các tướng lãnh Việt Nam.

V.- TRÁCH NHIỆM CỦA TỔNG THỐNG KENNEDY.

 Trong Chương III của cuốn hồi ký, dưới tiêu đề “Mùa Thu Định Mệnh Năm 1963” (24.8 đến 22.11.1963), ông Robert S. McNamara đã trình bày khá rõ ràng về quyết định của Hoa Thịnh Đốn lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông viết:

“Khi báo cáo về tình trạng xáo trộn tới tấp gởi về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 24 tháng Tám, các nhân viên có nhiệm vụ ứng trực nhận thấy rằng cơ hội để có hành động chống lại ông Diệm đã đến. Trong đêm đó Hoa Kỳ đã đề ra một kế hoạch đảo chánh, một hành động trong số những hành động quan trọng nhất của hai trào Tổng Thống Kennedy và Johnson.

“Người khởi xướng hành động này là Roger Hilsman Jr., nhân vật kế nhiệm Averell Harriman, giữ chức Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Sự Vụ. Hilsman là một người thông minh, hay tự ái và thích nói nhiều, tốt nghiệp trường võ bị West Point, từng có kinh nghiệm về du kích chiến trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và khá am tường về tình hình. Ông này cho rằng cuộc chiến không thể thắng được nếu còn ông Diệm, vì thế phải tìm cách gạt ông ta ra."

“Chính Roger Hilsman đã thảo bức điện tín gởi cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge ra lệnh đảo chánh. Bức điện này được ông Averell Harriman vừa được cử giữ chức Thứ Trưởng Ngoại Giao chấp thuận ngay. Ông Michael Forrestal, một thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, đã gởi ngay cho Tổng Thống Kennedy đang ở Hyamis Port với câu “Đã được Ball của Bộ Quốc Phòng chấp thuận... Đề nghị cho tôi biết nếu Tổng Thống muốn... hoãn hành động.” Ông George Ball gọi cho Tổng Thống trình bày nội vụ và được Tổng Thống trả lời rằng ông đồng ý nếu các cố vấn của ông cũng đồng ý như vậy. Sau đó ông George Ball gọi ngay cho Ngoại Trưởng Dean Rusk tại New York báo tin Tổng Thống đã chấp thuận.”

Qua đoạn ngắn nói trên, chúng ta thấy rằng quyết định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm đã được Hoa Kỳ dự tính từ lâu và vụ Phật Giáo là một cơ hội được tạo ra để chính phủ Hoa Kỳ thực hiện dự tính đó. Roger Hilsman đã nói rõ: “Cuộc chiến không thể thắng được nếu còn ông Diệm, vì thế phải tìm cách gạt ông ta ra.”

Sau khi bức điện tín ra lệnh đảo chánh gởi đến Saigon, ông McNamara coi đó là một sự qua mặt Tổng Thống. Theo ông, lúc đó chỉ có Thứ Trưởng Harriman, Phụ Tá Hilsman ở Bộ Ngoại Giao và Mike V. Forrestal ở Tòa Bạch Ốc là những người nhất tâm làm đảo chánh mà thôi. Trong cuộc họp ngày 27.8.1963, khi nghe đọc xong bản tường trình của ông William E. Colby về tình hình Việt Nam, Tổng Thống Kennedy tỏ ý muốn hoãn lại cuộc đảo chánh vì thấy chưa cần, nhưng Hilsman đòi làm ngay. Tổng Thống ra lệnh đánh điện cho ông Lodge và tướng Harking hỏi nên tiến hành đảo chánh hay nên lui. Tổng Thống đang lưỡng lự trong việc lật đổ ông Diệm thì tại Saigon, ông Lodge xúc tiến một cách nhanh chóng việc thực hiện đảo chánh.

Cũng trong cuốn hồi ký dẫn trên, ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết. Ông viết:

“Chín giờ ba mươi sáng 2 tháng 11, chúng tôi gặp nhau lại để tiếp tục cuộc họp hôm qua. Khi buổi họp bắt đầu, chưa ai rõ số phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Đến nữa chừng thì từ Phòng Tình Hình, Mike Forrestal tông cửa chạy vào. Văn phòng CIA tại Saigon báo cáo rằng họ được các nhân vật trao đổi công tác của Saigon cho biết hai anh em ông đã tự vẫn “trên đường từ thành phố đến Bộ Tổng Tham Mưu”.

“Khi Tổng Thống Kennedy đọc mẫu tin này, mặt ông tái xanh như tàu lá. Tôi chưa hề thấy ông xúc động mạnh đến như thế bao giờ. Forrestal thuật lại rằng cái chết của hai người “đã làm cho ông rúng động một cách sâu xa, gây bàng hoàng trong tâm trí và đánh mạnh vào tiềm thức tín ngưởng... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam.” Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng“Tổng Thống buồn thảm và bối rối cùng cực”, tinh thần suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.”

Trong bài “Chúng ta đã lầm lẫn, lầm lẫn khủng khiếp” đăng trên tờ Newsweek số ra ngày 17.4.1995, ông McNamara đã phê bình Ngoại Trưởng Dean Rusk và Tổng Thống Kennedy như sau:

“Ngoại Trưởng Dean Rusk, một người quên mình nhất, một cá nhân tận tụy phục vụ Hoa Kỳ, đã hoàn toàn thiếu sót trong việc quản trị Bộ Ngoại Giao và giám sát Đại Sứ Henry Cabot Lodge Jr., và cũng đã không tận tình tham dự các buổi họp của Tổng Thống. Và Tổng Thống Kennedy, người mà tôi quy trách ít nhất, người đã phải lo toan nhiều vấn đề khác nữa, đã thiếu sót trong việc kết hợp một chính phủ Hoa Kỳ chia rẽ. Khi phải chạm trán với những lựa chọn khó khăn, ông không quyết định trong một thời gian quá lâu.”

Sự tiết lộ của ông McNamara về việc Bộ Trưởng Dean Rusk hoàn toàn thiếu sót trong việc quản trị Bộ Ngoại Giao và giám sát các hành động của Đại Sứ Henry Cabot Lodge khiến nhiều người suy đoán rằng ông Lodge đã tự ý ra lệnh giết ông Diệm và ông Nhu, đặt Hoa Thịnh Đốn trong một tình trạng đã rồi. Nhưng nay Tổng Thống Johnson lại cho biết việc hạ sát ông Diệm đã được chính quyền Kennedy qưyết định trước. Tuy nhiên, ông không nói rõ chính Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh giết ông Diệm. Ông chỉ nói: “Họ khởi đầu và nói: ‘Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.” Họ là ai? Có Tổng Thống Kennedy trong đó không? Ông McNamara đã mô tả tình trạng khủng hoảng của Tổng Thống Kennedy khi nghe tin ông Diệm bị giết và cho rằng Tổng Thống Kennedy đã bị ba tên Roger Hilsman Jr., Averell W. Harriman và Michael V. Forrestal đánh lừa.

Ký giả Evan Thomas cho rằng “Kennedy chỉ ủng hộ việc lật đổ ông Diệm chứ không hề ra lệnh giết và có lẽ cũng không tiên đoán được sự việc xẩy ra như vậy.” Nhưng trong cuốn “The dark side of Camelot”, Seymour M. Hersch cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 1998, Lucien Conein, người chỉ đạo trực tiếp cuộc đảo chánh, có nói rằng Kennedy “phải biết trước” (must have known) chuyện đó. Mặc dầu Lucien Conein không chứng minh được sự suy đoán của ông ta, một số người căn cứ vào câu nói này để cho rằng Kennedy biết trước chuyện ông Diệm phải bị giết.

Dầu sao, cho đến nay, chưa có tài liệu nào cho thấy chính Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh giết ông Diệm. Trái lại, chiều thứ bảy 2.11.1963, lúc 6 giờ, Tổng Thống Kennedy cùng vợ và các con dùng trực thăng bay về ngôi nhà mới của ông ở Rattlesnake Mountain. Trong buổi cơm tối, bà Mary Gimbel, một người bạn của Tổng Thống, đã nói với ông về ông Diệm và ông Nhu:
- Họ đúng là những nhà độc tài.

Tổng Thống trả lời:
- Không, họ ở trong một tình trạng khó khăn. Họ đã làm cái tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ.

Sau khi lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống hỏi: “Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”

Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình:
“Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó.”

Sau đó ông nói:
“Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước họ như là một quốc gia độc lập.”[18]

Trong khi đó, các thế lực tư bản của bọn tài phiệt buôn bán chiến tranh đứng đàng sau muốn mở rộng chiến tranh để đổ quân vào Việt Nam mà Averell W. Hariman là một tên tay sai đắc lực. Vì thế, Tổng Thống  John Kennedy đã bị giết ngày 22.11.1963 tại Dallas.

Khi hay tin Tổng Thống Kennedy bị ám sát, Phó Tổng Thống Lyndon Baines Johnson chỉ vào bức hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang treo trong nhà ông và nói:

“Chúng ta đã nhúng tay vào việc giết ông ta. Bây giờ chuyện đó lại xẩy ra ở đây.”[19]
 (Trích “Những Bí Mật Được Tiết Lộ Sau 40 Năm”, Tú Gàn)

VI.- NHẬN ĐỊNH CỦA PHÓ T.T. LYDON JOHSON VỀ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

1.- Tổng Thống Ngô Đình Diệm là Winston Churchill của Đông Nam Á.

2.- Tôi đã bảo: Đừng đảo chánh!

3.- Chúng ta giết Tổng Thống Diệm để tạo bất ổn chính trị.

VII.- T.T. LYNDON JOHSON THANH TRỪNG CÁC TAY CHỦ TRƯƠNG ĐẢO CHÁNH.

1.- "Sau khi kế vị T.T. John Kennedy, vì giận những người đã tích cực thúc đẩy đảo chánh, Hilsman là người đầu tiên bị T.T. Lyndon Johnson loại bỏ, nhưng nhờ biết trước, đã xin nghỉ chỉ vài giờ trước khi chính thức bị sa thải"

2.- "Còn Harriman, khi nhìn thấy Hilsman ra đi, nói “nếu tôi còn trẻ như anh, tôi cũng từ chức”. Vì không từ chức, đã bị T.T. Johnson coi thường, nói là người không đáng xách rác cho ông, bị ông giáng chức, cho đi Phi châu, trước khi trở lại địa vị làm cảnh là “đại sứ lưu động”.

3.- Chúng nó là một bọn côn đồ đáng nguyền rủa: "They are a Goddamn Bunch Of Thugs"

VIII.-  Ý KIẾN CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA HOA KỲ:

Theo Henry Kissinger trong quyển Diplomacy:

1.- Loại bỏ ông Diệm đã không đoàn kết được dân chúng sau lưng các tướng lãnh, như là Washington đã hy vọng, mà sự thật lại trái ngược đã diễn ra.

2.- Cuộc đảo chánh đã phá hủy kiến trúc được xây dựng trong hàng chục năm, để lại một nhóm tướng lãnh tranh quyền thiếu kinh nghiệm hay thiếu hậu thuẫn chính trị.

3.- Do đó, việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cuộc đảo chánh 1-11, 1963.

IX.-  CÒN VỀ PHÍA VIỆT NAM CỘNG HÒA?

Để trả lời vấn nạn trên, chúng tôi xin mượn lời của Tướng Tôn Thất Đính thổ lộ trong cuốn hồi ký “20 mươi năm binh nghiệp” nơi trang 455 của ông ta như sau:

"Đối với tôi, cuộc hành quân 1-11-1963, sau 16 giờ đồng hồ với bao nhiêu biến cố vượt ra ngoài dự liệu và quyết định của tôi, không phải là một thành công, mà chính là một thảm bại lớn lao đối với lịch sử. Sở dĩ vậy, vì biết bao âm mưu chính trị ngoại giao, hận thù cá nhân, hận thù tập thể, đến giờ phút đó mới được phơi bày bằng lời nói hay bằng hành động, trong ấy Phật Giáo Việt Nam, quân lực VNCH là những nạn nhân của lịch sử hơn là những thành phần mà lúc đó người ta thường qui định là chiến thắng vẻ vang! Có lẽ, ai cũng đều thất bại và phạm tội với lịch sử Việt Nam cả, kể cả Hoa Kỳ là nước đồng mình, khi kẻ thù từ quốc tế đến quốc nội bắt đầu vỗ tay cho tương lai chiến thắng của chủ nghĩa Cộng Sản thì VNCH đã tự đưa mình vào hỗn loạn từ xã hội, chính trị cho đến tôn giáo, quân sự, tạo cơ hội dấn thân vào trong cuộc đại bại chung sau này khi chấp nhận đó là chính sách toàn cầu của Mỹ!"

Phật Giáo Việt Nam có phải là nạn nhân như tướng Đính nói trên đây không?

Tuớng Đính hỗn láo, vơ đũa cả nắm. Chỉ có một nhóm nhỏ theo “Tông Phái Trí Quang” núp dưới tấm áo cà sa nâu, vàng để làm công cụ cho cộng Sản và ngoại bang thôi. Để thấy rõ nhóm người này hành động như thế nào, mời quý độc giả đọc tiếp những trang sau đây:
 
MỘT CUỘC “ĐỒNG HÀNH” THẢM BẠI!

Dựa theo phong trào chấn hưng Phật Giáo do Pháp phát động để ru ngủ phong trào chống Pháp, năm 1932, Bác Sĩ Lê Đình Thám đã đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học ở Huế, và năm 1934 ông cùng với Thích Mật Thể lập Trường An Nam Phật Họcở chùa Trúc Lâm và rước Hòa Thượng Thích Trí Độ từ Bình Định ra làm Giám Đốc.

Dĩ nhiên, các tăng sĩ, cư sĩ và Phật tử được họ đào tạo từ 1934 đến 1945 hay các đệ tử của họ đều đi theo Việt Minh, chẳng hạn như Thích Mật Thể, Thích Trí Quang, Thích Trí Nghiễm tức Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Pháp Dõng, Thích Pháp Tràng, Thích Pháp Long, Thích Huệ Quang, Thích Trí Truyền, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, v.v. Phật Giáo dính liền với Đảng CSVN qua đường dây này.
(Xem thêm trong Phật Giáo Việt Nam Sử Luận (tập III) của Nguyễn Lang tức Thích Nhất Hạnh)

PHẬT GIÁO VÀ CỘNG SẢN LÀ MỘT?

Năm 1946, khi đang làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam Trung Bộ ở Liên Khu V, Bác sĩ Lê Đình Thám đã tập họp các thanh niên Phật tử vào Đoàn Phật Học Đức Dục ở Bồng Sơn, Bình Định, để giảng dạy về “Phật Giáo và nền dân chủ mới”, coi con đường của chủ nghĩa cộng sản và con đường của Phật Giáo là một, với mục tiêu thúc đẩy các thanh niên Phật tử gia nhập Đảng Cộng Sản và tham gia kháng chiến. Tập “Đạo Phật và Nền Dân Chủ Mới” do Nguyễn Hữu Quán biên soạn được coi là tài liệu học tập. Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tâm trí của một số tăng sĩ và Phật tử trong suốt cuộc chiến và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Sau đây là một vài thí dụ cụ thể:

Ngày 3.6.1966, Đại Đức Thích Nhất Hạnh đang ở Pháp thì được một nhóm phản chiến của Mỹ mời qua thăm Hoa Kỳ. Nhân dịp này, ông đã công bố chủ trương 5 điểm của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang như sau:

- Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ chức.
- Quân đội Mỹ rút lui.
- Ngưng oanh tạc Bắc Việt.
- Ngưng các cuộc hành quân tại miền Nam Việt Nam.
- Mỹ phải giúp lập chính thể dân chủ và tái thiết miền Nam không điều kiện.

Năm điểm đòi hỏi này giống hệt năm điểm đòi hỏi của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. “Nó chỉ khác ở điểm là: Nó được gói ghém rất chu đáo và tỉ mỉ với từ những đầu môi chót lưỡi với ngôn từ đầy nhân ái, với lòng từ bi, hỷ xả, thiện tâm, thiện ý của các vị lãnh đạo Phật Giáo VN. Nhưng đó là những con dao nhọn tẩm thuốc độc được gói ghém, bao bọc hoàn mỹ trong những chiến áo cà sa của những người nhân danh đại diện Phật Giáo VN.

(Trích: “NHỮNG CON GIAO NHỌN TẨM THUỐC ĐỘC ĐƯỢC BỌC TRONG CHIẾC ÁO CÀ SA” của
Võ Long Triều)

Năm 1967, Đại Đức Thích Nhất Hạnh cho xuất bản cuốn “Việt Nam, Lotus in a Sea of Fire, a Buddist Proposal for Peace” (Việt Nam, Hoa Sen trong Biển Lửa, một Đề Nghị Hòa Bình của Phật Giáo) để lên án Hoa Kỳ, VNCH và yểm trợ MTGPMN. (Xin đọc tiếp bài “CÔNG CỤ CỦA CỘNG SẢN” dưới đây)

Trong cuộc meeting “mừng giải phóng” ngày 15.5.1975, Hòa Thượng Mãn Giác đã đọc một bài diễn văn rất thống thiết, trong đó có những đoạn như sau:

“Trong những năm dài sống dưới ách nô lệ thực dân mới, Phật Giáo chỉ nuôi một ước vọng sâu kín: độc lập và thống nhất...

“Ngày nay, ước vọng đó đã hiện thực. Hiện thực ấy ngày càng rõ nét trong đời sống dân tộc, làm vang vọng lời xác quyết của Hồ Chủ Tịch “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”... Bác Hồ kính yêu đã thay lời tổ tiên nói lên...”

“Cuộc đấu tranh của Phật Giáo cho nền thống nhất tổ quốc cùng là một với cuộc đấu tranh vì CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ..."

Sau đó, chính Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Ấn Quang, Hoà Thượng Trí Tịnh, Viện Phó và Thượng Toạ Minh Châu, nguyên Tổng Thư Ký, đem Giáo Hội Ấn Quang sáp nhập thành Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Trong lễ ra mắt Giáo Hội này hôm 7.11.1981 tại Hà Nội, Thượng Tọa Trí Thủ đã nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội đọc một bức thư gởi Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Trường Chinh, trong đó có đoạn như sau:

“Suốt ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ, nhiều chùa là cơ sở của cách mạng,nhiều tăng ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Bác Hồ dạy: “Không gì quý hơn độc lập tự do!”, toàn thể tăng ni và Phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy đó của Bác, nhận thức rõ lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.”

Mới đây, nhật báo Nhân Dân điện tử của Đảng CSVN số ra ngày 29.3.2013 đã đăng bài “Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc” của Trần Chung Ngọc, một trong các lãnh tụ của nhóm Giao Điểm, đã nhắc lại những thành tích mà Phật giáo đã góp phần với Đảng CSVN trong chiến tranh như “nhiều chùa đã trở thành nơi nuôi giấu, nhiều tu sĩ bỏ áo cà sa đi theo kháng chiến, giã từ thiền viện lướt binh đao…” và coi đó là “đồng hành cùng dân tộc”!

CHUYỆN TRÍ THỦ VÀ TRÍ TỊNH

Trong hai ngày 12 và 13.2.1980, do sự lèo lái của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc, đại diện một số tổ chức Phật Giáo Trung, Nam, Bắc đã họp tại Sài Gòn và thành lập Ban Vận động Thống nhất PGVN. Ban này gồm có hai ban là Ban Chứng Minh và Ban Thường trực Ban Vận động TNPGVN. Người ta thấy có bốn nhân vận lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội Ấn Quang trong hai ban này là Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh và Thích Minh Châu. Thích Trí Thủ làm Trưởng Ban, Thích Trí Tịnh làm Phó còn Thích Minh Châu làm Chánh Thư Ký.

Một đại hội Phật Giáo đã được tô chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 7.11.1981 với sự tham dự của 165 đại biểu thuộc 9 tổ chức Giáo hội và hệ phái Phật Giáo, trong đó có Giáo Hội Ấn Quang. Đại hội đã thành lập hai hội đồng, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, mỗi hội đồng có 50 thành viên. Thượng Tọa Trí Thủ làm Chủ Tịch Hội đồng Trị sự, Thượng Tọa Trí Tịnh làm Phó, còn Thích Đôn Hậulàm Đệ Nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật Giáo trong Hội đồng Chứng Minh.

Một câu hỏi được đặt ra: Thích Trí Thủ và Thích Trí Tịnh có liên hệ với Việt Cộng như thế nào mà được Đảng CSVN tín nhiệm và giao cho những nhiệm vụ quan trọng như vậy?

Khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, Thích Trí Thủ thành lập hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung bộ và Thừa Thiên, và cho người đi khắp các tỉnh thành lập hội Phật Giáo Cứu Quốc tại mỗi tỉnh để ủng hộ Việt Minh. Thích Trí Thủ còn xuất bản nguyệt san Giải Thoát làm cơ quan tuyên truyền cho Việt Minh. Sau đó, ông đắc cử Đại biểu Hội đồng nhân dân Thừa Thiên và được chính quyền Cách Mạng mời đến Trung Bộ Phủ giao quyền quản lý các chùa chiền ở Huế và Thừa Thiên. Ngoài ra, chúng tôi không có tài liệu nào khác về cuộc đời hoạt động chính trị của ông.

Trường hợp của Thích Trí Tịnh hoàn toàn bí mật. Ông sinh năm 1917 tại làng Mỹ Luông, tỉnh Sa Đéc. Năm 1937 ông thọ giới với Hòa Thượng Hồng Xứng ở chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Năm 1940 ông ra Huế học Trường An Nam Phật Học của Thích Trí Độ. Từ đó, không thấy ông tham gia vào hoạt động chính trị nào. Cho đến năm 1976, khi Giáo Hội Ấn Quang bắt đầu chống lại chính quyền, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lúc đó người ta mới biết ông là người của Đảng CSVN. Khi ông qua đời, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng ông Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Switch mode views: