Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tương lai vùng đông bắc Syria : Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khó đạt đồng thuận.

syria-turkey-Iran-Russia

Các tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (G), Iran Hassan Rouhani (T) và Nga Vladimir Putin (P) trước cuộc họp thượng đỉnh về Syria tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/4/2018.
Kayhan Ozer/Presidential Palace/Handout via REUTERS

Nga và Iran - hai đồng minh chủ yếu của chế độ Syria Bachar al-Assad - và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ nhiều nhóm nổi dậy Syria chống Damas - có cuộc họp thượng đỉnh ở Ankara, hôm nay, 04/04/2018.

Tuy khác biệt rất lớn trong lập trường với chế độ Damas, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hy vọng tìm được thỏa hiệp để khẳng định vị thế thống lĩnh cuộc chơi tại Syria, trong bối cảnh vai trò của Hoa Kỳ và các đồng minh tại Syria ngày càng mờ nhạt.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Ankara và Matxcơva khó đạt đồng thuận về tương lai vùng đông bắc Syria, khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của người Kurdistan - được phương Tây hậu thuẫn - mà Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị mở chiến dịch tấn công.

Trước hết cần nhấn mạnh : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là ba quốc gia chủ xướng tiến trình Astana, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, bên ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Tiến trình được khởi sự từ tháng Giêng năm 2017.

Tiến trình này đã đạt được một thỏa thuận ban đầu về việc lập « bốn vùng giảm căng thẳng » cho phép xuống thang quân sự tại một số khu vực, nhưng việc tìm một giải pháp chính trị cho xung đột Syria hiện vẫn dậm chân tại chỗ.

Tiến trình Astana bế tắc

Cuộc thượng đỉnh ba bên gần nhất, ngày 22/11/2017, tại Sotchi, Nga, thất bại.
 Sáng kiến tổ chức hội nghị giữa chính quyền Syria và đối lập tại Sotchi, hồi tháng Giêng 2018, được Nga bảo trợ, bị đối lập Syria - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - tẩy chay.

Tình trạng dậm chân tại chỗ bắt nguồn từ các lợi ích mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.
Trong lúc ảnh hưởng của phương Tây trên chiến trường Syria ngày càng thu hẹp, Nga-Iran cũng như Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự, để giành vị thế thượng phong.

Cho đến nay, với sự hậu thuẫn của Matxcơva và Teheran, chế độ Bachar al-Assad đã chiếm lại được hơn một nửa lãnh thổ Syria.
Về phần mình, Ankara khẳng định, với sự hậu thuẫn của lực lượng nổi dậy, đã « bình định » được 2.000 km² tại vùng biên giới miền bắc Syria, trong thời gian từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017.

Theo nhà phân tích Elisabeth Teoman, Institute for study of war (ISW), có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong thế trận tại Syria, dù có yếu hơn Nga và Iran, việc Ankara mở rộng khu vực kiểm soát tại miền bắc Syria sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vị thế trong liên minh tình thế tay ba với Nga và Iran.

Sau khi chiếm được thị xã Afrin, miền tây bắc Syria, từ tay lực lượng Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở rộng chiến dịch tấn công sang khu vực đông bắc, trước hết là thị xã Manjib, đang được các lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Pháp trấn giữ.
Trong cuộc thượng đỉnh Nga-Thổ-Iran hôm nay, đây sẽ là một chủ đề trọng tâm.

« Xâm phạm lãnh thổ Syria » : Điều không thể biện minh

Theo bà Jana Jabbour, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện Chính Trị Paris Sciences PO, để đánh đổi việc chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tại miền đông bắc, Nga và Iran chắc chắn sẽ đòi Ankara sử dụng ảnh hưởng đối với nhiều nhóm đối lập, để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Syria.

Đàm phán hứa hẹn không dễ dàng. Theo hãng thông tấn Nhà nước Iran, trước cuộc họp này, tối hôm qua tại Ankara, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Jarif đã nhấn mạnh là « không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho việc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria ». Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận tính hợp pháp của chiến dịch quân sự dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Nga và Iran khai thác các căng thẳng trong nội bộ giữa hai thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, có thể dẫn đến một số thỏa hiệp nhất định, nhưng thượng đỉnh tay ba Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran hôm nay khó đi đến được « các kết quả cụ thể ».

Theo ông Aron Lund, chuyên gia viện tư vấn Mỹ Century Foundation, Nga chắc chắn sẽ « hướng sự giận dữ » của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào phía Mỹ.
Nga và Iran cũng có thể khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ « ưu tiên các chiến dịch gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ », như « cắt đường tiếp liệu cho quân Mỹ ». Nhưng ba bên sẽ khó đi xa hơn.

Điểm nóng Idleb

Chuyên gia Aron Lund lưu ý là « tình hình Syria hiện tại rất phức tạp », cho dù Thổ, Mỹ, Nga có nỗ lực rất nhiều, đồng thuận thực sự giữa ba bên là khó.
Bên cạnh vấn đề đông bắc Syria, số phận của Idleb, tỉnh tây bắc Syria, cũng là một chủ đề gai góc khác trong quan hệ liên minh tay ba tình thế Thổ-Nga-Iran.
Phần lớn tỉnh Idleb hiện nay do quân thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát.

Theo chuyên gia Elisabeth Teoman, Institut for study of war, bất cứ một cuộc tấn công nào của quân chính phủ Damas vào tỉnh này cũng sẽ gây căng thẳng cho quan hệ Matxcơva- Ankara, thậm chí « chặn đứng » quan hệ hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Switch mode views: