Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc vung tiền thâu tóm đất canh tác Pháp

france-airport


Ảnh minh họa : Vùng nông thôn Pháp Bellevue, Notre-Dame-des-Landes, miền tây. Ảnh 16/01/2018.
REUTERS/Stephane Mahe

Một cách ngấm ngầm, không lộ liễu, càng lúc càng có thêm nhiều diện tích hàng trăm héc ta đất nông nghiệp ở Pháp lọt vào tay chủ nhân người Trung Quốc.

Những thương vụ thu mua này, với giá cao ngất ngưởng, đang đội giá đất canh tác ở Pháp lên cao, và bắt đầu khiến cho người địa phương ngày càng bất bình.

Trong bài viết (ngày 11/02/2018) mang tựa đề : « Lòng háu ăn không tả của người Trung Quốc đối với đất nông nghiệp Pháp », nhà báo Edouard de Mareschal của nhật báo Pháp Le Figaro đã tìm hiểu thêm về một khía cạnh ít được chú ý trong xu hướng bành trướng hiện nay của Trung Quốc.

Phóng sự điều tra xuất phát từ một ví dụ gần đây nhất : Một tập đoàn Trung Quốc đa ngành vừa mua 900 ha đất ở tỉnh Allier, miền trung nước Pháp, nơi có thành phố Vichy nổi tiếng.
Thương vụ này đã được thực hiện một cách rất kín đáo, tương tự như giao dịch trước đó, thực hiện tại tỉnh Indre, gần đấy, quê hương của nữ văn hào George Sand hay tài tử Gérard Depardieu.
Những vụ mua lại với quy mô to lớn như vậy đã làm giá đất nông nghiệp trong vùng tăng vọt, và càng lúc càng làm nông dân địa phương khó chịu.

Theo ký giả của tờ Le Figaro, như vậy là từ tháng 11 năm 2017, 900 ha đất của tỉnh Allier đã lọt vào tay Trung Quốc, thông qua một cuộc chinh phục không phải bằng vũ khí hay bạo lực, mà bằng những giao dịch bí mật.

Tại sao Trung Quốc lại thu mua đất nông nghiệp Pháp ?
Họ định làm gì ?

Đối với thị trưởng của Thiel-sur-Acolin, một trong những thị trấn, có một phần đất đai đã trở thành sở hữu của Trung Quốc, có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Ông thị trưởng Daniel Marchand của thị trấn không đầy một nghìn dân này nói ngay : « Tôi không thể nói với ông bất cứ điều gì, vì lý do rất đơn giản là không ai thông báo cho tôi bất kỳ điều gì. Chúng tôi rất muốn gặp các sở hữu chủ của các khu đất, hay ít nhất là người đại diện của họ.
Đối với một thị trưởng, chẳng phải điều tối thiểu là phải biết được những gì đang xảy ra trong địa phương của mình chứ ! ».

Đầu tư chiến lược

Chủ nhân mới của khu đất rộng gần một ngàn héc ta ở tỉnh Allier là công ty con của một tập đoàn Trung Quốc, Reward Group International, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ bất động sản, sản phẩm vệ sinh gia dụng, cho đến lương thực, thực phẩm.
 Tại Pháp, tập đoàn này đã phô trương một mục tiêu rất rõ ràng : « Đặt ngũ cốc Pháp trên bàn ăn người Trung Quốc ».

Ông chủ của tập đoàn Reward, doanh nhân Hồ Khắc Cần (Keqin Hu), rất tự hào về việc có được « tám trang trại lớn ở Pháp với quyền sở hữu vĩnh viễn ».
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, ông muốn mở một chuỗi tiệm bánh cao cấp, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất công nghiệp, từ thu hoạch nguyên liệu ở Pháp cho đến các quầy hàng bán bánh mì và bánh ngọt ở Trung Quốc.
Trong công việc thu mua của mình, Hồ Khắc Cần đi theo một ưu tiên hàng đầu: « Phát triển ngành công nghiệp để phục vụ đất nước », dĩ nhiên là Trung Quốc !

Phải nói là việc thâu tóm đất canh tác tại Pháp không đơn thuần là một dự án công nghiệp và thương mại, mà còn là một chiến lược đầu tư.
Theo chuyên gia Christophe Dequidt, nghiên cứu hệ thống nông nghiệp của khoảng mười lăm quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, thì « phương trình rất đơn giản: Trung Quốc có đến 20% dân số thế giới nhưng lại chỉ có dưới 10% diện tích đất canh tác để làm ra thức ăn. »

Vì vậy, theo ông Dequidt, Trung Quốc « nhất thiết phải nhìn ra nước ngoài... Và mô hình nông nghiệp Pháp rất được người Trung Quốc ưa chuộng nhờ hiệu suất cao, kỹ năng thực hiện hiệu quả, và cách tổ chức các ngành nghề tốt ».

Lôgíc tài chính

Việc mua đất tại Pháp cũng có thể chỉ tuân theo một lôgíc thuần túy tài chính.
Bà Marie–Hélène Schwoob, kỹ sư nông nghiệp đồng thời là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế Iddri, nhận định :
« Tại một nước như Trung Quốc, nơi mà tăng trưởng nhiều lúc trên 10%, thì có rất nhiều khoản vốn to lớn bị dư thừa...
Giới đầu tư do đó muốn ‘cất giữ’ tiền trong địa ốc hay đất đai.
Đó là chưa kể đến việc mua đất cũng mang lại những khoản lợi về thuế ».

Ví dụ nêu trên về thương vụ người Trung Quốc thu mua đất tại Pháp đã gây sốc trên bình diện truyền thông báo chí.
 Thế nhưng ký giả của Le Figaro cũng nhắc lại đâu phải chỉ có người Trung Quốc là đầu tư vào đất đai Pháp : còn có nào là Đức, Anh, nào là Hà Lan, Bỉ nếu chỉ nhìn phía người châu Âu.

Chính quyền Pháp bất lực

Trước vấn đề đầu tư vào đất đai này, các cơ quan Safer của Pháp, tức là các cơ quan phụ trách quy hoạch đất đai và cơ sở ở nông thôn, như đã phải bó tay.
Được thiết lập vào những năm 1960 để theo dõi vấn đề quy hoạch lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ nông thôn lập nghiệp, giới hạn tình trạng tập trung quá mức, các cơ quan này giờ đây không thể giải quyết một xu hướng đang lên nhanh chóng.

Trong vòng 10 năm, 20% đất nông nghiệp đã lọt vào tay các công ty nặc danh.
 Khi cơ quan Safer ở Allier biết đến đề án của Reward Group International, thì tình hình đã quá trễ để sử dụng quyền trưng mua ưu tiên cho một khách hàng khác.

Kẽ hở pháp lý quen thuộc của Pháp

Về phản ứng thụ động của cơ quan Safer, ông Marc Bernardet phó thị trưởng đặc trách tài chính ở Thiel-sur-Acolin giải thích : « Vì không làm gì được cho nên (Safer) đã không trả lời khi được công chứng viên thông báo chứng từ bán đất ».

Theo Le Figaro, tập đoàn Trung Quốc đã dựa trên một kẻ hở pháp lý quen thuộc ở vùng nông thôn Pháp : Cơ quan Safer chỉ có quyền trưng thu khi toàn bộ khu canh tác được bán đi.
Như vậy người bán chỉ cần biến khu canh tác thành một công ty cổ phần, trước khi bán cho người mua.

Đó là điều đã xẩy ra ở Allier : Người bán, một chủ nhân người Pháp, đã bán cho Trung Quốc tất cả khu canh tác của mình đã được chia thành phần và gộp lại trong các công ty nông nghiệp, chỉ giữ lại tượng trưng một hay hai phần trong mỗi lô bán đi.

Trước khi thâu tóm đất ở vùng Allier thì Hồ Khắc Cần đã áp dụng cách thức tương tự để mua đất ở tỉnh Indre.
Từ cuối năm 2014 đến tháng 4/2016, quỹ đầu tư Hong Yang của ông mua lại nhiều công ty khai thác nông nghiệp ở các địa danh Châtillon-sur-Loire, Vendœuvres hay Clion.
Tổng cộng 1700 ha đã lọt vào tay ông như vậy.

Để làm những thương vụ đó, Hồ Khắc Cần đã dựa trên một doanh nhân người Pháp, Marc Fressange, người đã thành lập một công ty xuất khẩu đặc sản nông nghiệp Pháp sang Trung Quốc.
 Về phục vụ cho Hồ Khắc Cần, Marc Fressange đã tham gia vào tất cả các ban điều hành của các công ty nông nghiệp được mua lại.

Trung Quốc vung tiền dễ dàng làm giá đất tăng vọt

Tại vùng Allier, vụ Trung Quốc thâu tóm đất gây bực tức không ít. Khoản tiền bỏ ra không được công bố, nhưng được ước tính là từ 10 đến 12 triệu euro.
Dĩ nhiên số tiền này không phải chỉ là tiền đất mà còn gồm bao nhiêu phụ phí khác, khó tính được giá một ha đất là bao nhiêu.

Có điều theo dân biểu Jean Paul Dufrène của vùng này, giá một ha đất ở đây là từ 2.000 đến 3.000 euro...
Giá mua như nói trên là cao hơn giá thị trường rất nhiều, cao hơn gấp 3 lần.
Hậu quả rất hiển nhiên, các nông dân trẻ ở địa phương không thể với tới được, nên sẽ không có đất canh tác.

Những thương vụ mua đất canh tác này được các giới nông dân trẻ theo dõi khá sát. Jean Taboulot, hiện khai thác một nông trại 460 ha và một đàn bò 360 con, nhớ lại lúc trẻ ông làm việc cho người chủ đã bán lại đất cho người Trung Quốc.

 Trả lời phóng viên Le Figaro, Jean Taboulot đã rào trước là ông không muốn nói xấu người chủ cũ, vốn đã làm rất nhiều điều cần thiết cho khu đất canh tác, đã đầu tư rất nhiều vào những năm 1980, vào lúc mọi người đang cần.

Có điều là khi ông bán lại đất, thì không một nhà nông trẻ nào đủ tiền để tranh mua được với người Trung Quốc.

Switch mode views: