Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-01-2013
- Thứ Sáu, 25 tháng Giêng năm 2013 22:29
- Tác Giả: Thanh Hà
40 năm Hiệp định Paris
Bà Nguyễn Thị Bình trong lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, Hà Nội, 25/01/2013
REUTERS/Kham
Bài báo mang tựa đề « Cách nay 40 năm : Hiệp định Paris về Việt Nam » của L'Humanité bất ngờ xuất hiện bên cạnh các đề tài thời sự quốc tế nóng bỏng như chiến tranh Mali, khả năng nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hay là sự kiện Florence Cassez, một công dân Pháp bị tù 7 năm từ Mêhico trở về và được tiếp đón như một người hùng.
Trong phần trang nhìn lại lịch sử, L'Humanité đăng ảnh trưởng đoàn đại diện cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973 tại phòng tiếp tân của khách sạn Majestic.
Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio trở lại với bối cảnh Hiệp định Paris đã ra đời : Ngày 13/05/1968, phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ gặp nhau lần đầu tiên tại Paris, trên đại lộ Kléber.
Chiến tranh Việt Nam đã kéo dài gần một chục năm. Quốc tế không ngờ là Việt Nam đã cầm cự dưới bom đạn của Mỹ. Tại Hoa Kỳ, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam ngày càng lan rộng, không chỉ khoanh vùng ở giới sinh viên. Phong trào chống chiến tranh Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Pháp là một trong những nước tiên phong.
Tháng Giêng 1969, tổng thống Richard Nixon nhậm chức. Ông chủ trương giải tỏa các làn sóng phản đối Mỹ can thiệp quân sự tại Việt Nam. Hoa Kỳ bắt đầu rút bớt quân khỏi Việt Nam.
Trong mắt sử gia Ruscio đây là « thắng lợi đầu tiên của dân tộc Việt Nam và của các lực lượng hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới ». Nhưng ông Nixon khi đó có tham vọng phác họa ra một chính sách ngoại giao mới. Cùng với một cố vấn đắc lực là chuyên gia về quan hệ quốc tế Henry Kissinger, tổng thống Richard Nixon quan niệm rằng, con đường dẫn tới hòa bình tại Việt Nam phải đi qua trung gian của Liên Xô và Trung Quốc.
Năm 1972, ông Nixon viếng thăm Bắc Kinh và Matxcơva. Kết quả là Hoa Kỳ ít ra đã nhận được tín hiệu từ Liên Xô và Trung Quốc : Đối với hai nước xã hội chủ nghĩa đó, việc chung sống trong hòa bình quan trọng hơn là việc bảo vệ Việt Nam.
Thế những, vẫn theo lời tác giả bài báo, tính toán dù khôn ngoan tới đâu của tổng thống Nixon đã vấp phải một trở ngại : Mục tiêu tối thượng của nhân dân và chính quyền cách mạng Việt Nam vẫn là thống nhất đất nước.
Nói cách khác, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Nixon, trên trận địa, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Hoa Kỳ bắt buộc phải trở lại bàn đàm phán.
Các ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger là những người cầm lái. Nhưng Kissinger đến Paris để đại diện cho một nước Mỹ đã mệt mỏi vì sa lầy trên chiến trận. Còn tại Washington, tổng thống Nixon bị suy yếu trên sân khấu chính trị sau vụ tai tiếng Watergate.
Những đợt oanh kích cuối cùng của Mỹ không làm Việt Nam nao núng. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh chính thức được phái đoàn 4 bên ký kết. Bốn bên đó bao gồm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – tức Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.
Nhà sử học người Pháp kết luận : Hiệp định Paris năm 1973 là một « chiến thắng vĩ đại của Việt Nam, của một đất nước từng đánh gục thực dân Pháp, đánh bại luôn đế quốc Mỹ ». Dù vậy, chiến tranh Việt Nam chỉ thực sự kết thúc hai năm sau đó. Từ tháng 1/1973 đến tháng 5/1974, chính quyền Sài Gòn với bàn tay của Mỹ, rồi Hà Nội và Mặt trận Giải phóng bước lên tuyến đầu. Cho đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975 (...)
Cuộc chiến dai dẳng nhất và khốc kiệt nhất của thế kỷ XX được khép lại.
Đồng euro tăng giá đe dọa đà phục hồi kinh tế của châu Âu
Về thời sự châu Âu, thông báo của thủ tướng Cameron trưng cầu dân ý về khả năng Anh quốc nên hay không trụ lại Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục được các tờ báo Pháp bình luận. Riêng Le Monde tập trung vào khu vực đồng euro với câu hỏi ngay trên bài xã luận ở trang nhất : « Thoát hiểm, đồng euro liệu có cao giá quá hay không ? ». Ở trang trong, tờ báo khẳng định : Euro tăng giá đe dọa đến đà phục hồi kinh tế của châu Âu.
Vào đầu năm 2013, người ta không còn lo ngại khối euro bị tan rã mà điều đang khiến một số người băn khoăn chính lại là hiện tượng đơn vị tiền tệ chung châu Âu tăng giá so với đồng đô la. Trong sáu tháng vừa qua, euro tăng giá 10 % so với đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ, tăng 25 % so với đồng yen Nhật Bản.
Vào lúc mà châu Âu chưa thoát khỏi khủng hoảng, ngành công nghiệp tại Lục địa Già lại đang đi xuống và châu Âu mất dần khả năng cạnh tranh, đây là một tin xấu đối với các nhà xuất khẩu cũng như đối với các chính quyền tại chức.
Đồng euro tăng giá đe dọa khu vực xuất khẩu của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, hai mắt xích yếu kém trong dây chuyền châu Âu. Trong một chừng mực nào đó, xuất khẩu của Pháp và kể cả của Đức cũng không thể « bình an vô sự ».
Vì sao đồng euro lại tăng giá so với các đơn vị tiền tệ quốc tế khác ?
Le Monde nêu ra hai yếu tố để trả lời câu hỏi này. Một là do chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE), ông Mario Draghi, cuối năm 2012 đã cam kết « làm tất cả để thu hút đầu tư ngoại quốc » - tức là duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức đủ « hấp dẫn » tránh để tư bản quốc tế ồ ạt rút lui khỏi châu Âu.
Lý do thứ hai khiến đồng euro tăng giá là vào lúc các ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật Bản hay Thụy Sĩ « bơm tiền » để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì BCE lại chọn « khoanh tay đứng ngoài vòng chiến tranh tiền tệ ».
Theo quan điểm của Le Monde, tính toán này không hẳn là sai, vì trên nguyên tắc, phá giá đồng tiền luôn là một con dao hai lưỡi và trước mắt thì đồng euro cũng chưa tăng giá đến mức đáng báo động, hay đạt kỷ lục của năm 2008, khi một euro tương đương với 1,6 đô la.
Sẽ cần thêm từ 3 đến 6 tháng nữa mới biết được là chính sách tiền tệ của BCE có thực sự đe dọa đà phục hồi kinh tế của khối euro hay không.
Nghịch lý của quả táo Apple
Cũng trong lĩnh vực kinh tế, các báo Pháp hôm nay chú ý nhiều đến quả táo Apple : « Apple không còn sức thuyết phục các thị trường chứng khoán », tựa của Le Figaro.
Libération cụ thể hơn khi nói tới mối lo ngại của các nhà đầu tư là do « người thừa kế ông trùm tin học Steve Jobs thiếu tầm nhìn xa ».
Trường hợp của tập đoàn Apple là một nghịch lý. Dù khối lượng hàng bán ra của tập đoàn điện tử nổi tiếng này phá kỷ lục trong quý 4/2012, nhưng cổ phiếu của Apple lại mất giá trên thị trường chứng khoán – mất giá đến 12 % trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ- và rơi xuống mức thấp nhất kể từ một năm trở lại đây.
Báo chí Hoa Kỳ thậm chí đặt câu hỏi « phép màu Apple có còn nữa hay không ? »
Người kế thừa sự nghiệp của « ông phù thủy Steve Jobs » là Tim Cook nhấn mạnh với các cổ đông rằng số điện thoại iPhone và iPad bán ra trong quý 4/2012 theo thứ tự tăng 29 % và 49 % so với cùng thời kỳ một năm trước đó.
Thử hỏi là trên thế giới có bao nhiêu tập đoàn thu vào hơn 13 tỷ đô la tiền lãi một năm như là trường hợp của Apple. Vậy mà nhãn hiệu quả táo và chủ tịch tổng giám đốc Tim Cook vẫn bị « tuột điểm » trong mắt các nhà đầu tư.
Libération tự hỏi phải chăng « thời kỳ trăng mật giữa Apple với các thị trường chứng khoán đã đi qua ? » khi biết rằng từ mùa thu 2012 tới nay, cổ phiếu của Apple mất giảm 30 %.
Thực tế cho thấy là các nhà đầu tư vẫn chờ đợi Apple tăng trưởng một cách « thần kỳ » nhưng đó là điều không tưởng. Bởi vì, với đà tăng trưởng như đã thực hiện được trong 5 năm vừa qua, chỉ đến năm 2018 Apple sẽ có doanh thu là 1000 tỷ đô la tức là tương đương với tổng sản phẩm nội địa của một nước như Úc.
Hơn nữa, trong thế giới điện thoại smartphone thì Apple đang phải đối phó với đà vươn lên của tập đoàn Hàn Quốc Samsung.
Năm ngoái Samsung đã soán ngôi của Apple trong lĩnh vực này, chiếm 31 % thị phần quốc tế (Apple là 20 %) !
Tin mới
- Syria tìm thấy nhiều thi thể ở Aleppo - 30/01/2013 01:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-01-2013 - 29/01/2013 17:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-01-2013 - 28/01/2013 21:23
- Việt Nam : Xử 22 người bị buộc tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền » - 28/01/2013 21:11
- TQ tăng trợ giúp quân sự cho Campuchia - 27/01/2013 23:30
- Thủ tướng VN thị sát máy bay Su-30MK2 - 27/01/2013 23:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-01-2013 - 27/01/2013 20:56
- Bạo động lại bùng lên tại Ai Cập : Hàng chục người thiệt mạng - 26/01/2013 17:48
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-01-2013 - 26/01/2013 17:18
- Tàu ngầm Trung Quốc tập trận trên Biển Ðông - 25/01/2013 22:40
Các tin khác
- Tranh chấp Preah Vihear: Thái Lan có thể không chấp nhận quyết định của Tòa án Quốc tế - 25/01/2013 22:08
- Hồ sơ Biển Đông: Quốc hội lưỡng viện Philippines ủng hộ kiện Trung Quốc - 25/01/2013 18:07
- Ngân quỹ California tăng vọt sau khi tăng thuế - 24/01/2013 22:56
- Trung Quốc siết nhập cảng từ VN, cửa biên giới Lạng Sơn kẹt cứng - 24/01/2013 22:48
- Gần 20 quan chức bộ Viễn thông Miến Điện bị điều tra về tội tham nhũng - 24/01/2013 22:24
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-01-2013 - 24/01/2013 22:12
- Bí ẩn vụ bắt cựu tổng giám đốc Agribank - 24/01/2013 00:51
- Phó thị trưởng Fountain Valley phản đối mời phái đoàn CSVN - 24/01/2013 00:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-01-2013 - 24/01/2013 00:17
- Nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ khởi đầu với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc - 23/01/2013 23:24