Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-11-2012

obama-clinton  asean

 


Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Nhật tại Phnom Penh, 20/11/2012 (REUTERS)

 

Trong bài phân tích mang tựa đề « Vì sao Hoa Kỳ nhất quyết quay lại châu Á » đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay 28/11/2012, tác giả cho rằng đó là nhằm tái quân bình lực lượng tại châu Á để đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, hiện đang là đầu tàu kinh tế khu vực.

Chủ đề sức mạnh Trung Quốc và nguy cơ từ người khổng lồ châu Á đối với nền kinh tế và công ăn việc làm của nước Mỹ, vốn đã được hai ứng cử viên tổng thống Mỹ tranh cãi rất nhiều. Cho đến nỗi, ông Barack Obama vừa tái đắc cử đã tuyên bố ngay là, nhiệm kỳ của ông sẽ chú trọng đến châu Á.

Sự tình cờ đã khiến vừa an vị ở Nhà Trắng, ông Obama đã lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN.

Nhưng lần này không phải là tình cờ, một Tổng thống Mỹ không tuân theo truyền thống là chuyến công du châu Á đầu tiên sẽ bắt đầu ở Nhật Bản. Chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ bầu cử có thể giúp đảng Tự do Dân chủ trở lại nắm quyền, nên Tokyo không sẵn sàng đón tiếp.

Chẳng sao cả. Nhà Trắng đã có ý định cụ thể, là chứng tỏ rằng Hoa Kỳ đang quay lại với châu Á. Tuy chuyến đi ngắn ngủi nhưng mang tính biểu tượng rất cao.

Chỉ ghé qua vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng ông Obama đã gây ấn tượng lớn lao, khi chọn lựa viếng thăm một quốc gia đang trên đường cải cách.

Tập đoàn quân sự Miến Điện hồi tháng Ba năm 2011 đã nhường chỗ cho một chính phủ gồm những cựu quân nhân, đã tiến hành một loạt các biện pháp đổi mới. Nhờ đó Tổng thống Mỹ đã dành phần thưởng cho nước chủ nhà, vốn giờ đây không còn muốn nằm dưới sự thống trị của Bắc Kinh.

Đó là ý nghĩa khác của thông điệp Mỹ. Trong lúc chính quyền Miến Điện tìm cách mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài, sự hỗ trợ của Washington để làm giảm bớt trọng lượng của người láng giềng cồng kềnh được ông Thein Sein nhiệt liệt nghênh đón.

Động thái của người Mỹ còn mang một tầm vóc thứ ba cao siêu hơn. Cho dù đã chúc mừng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, đã tiếp đón ông Tập Cận Bình trên đất Mỹ, Hoa Kỳ vẫn không giấu diếm hy vọng nhỏ nhoi là chế độ Bắc Kinh sẽ có những chuyển biến.

Với mục tiêu này, ví dụ của Miến Điện, nhiều thập kỷ qua dưới một chế độ độc đoán nhưng đã biết rẽ ngoặt qua hướng dân chủ, mang lại một số kinh nghiệm cho dù hãy còn xa vời – không ai trông mong Bắc Kinh sẽ có tổ chức bầu cử tương tự.

Việc khuôn mặt đối lập lịch sử là bà Aung San Suu Kyi được tranh cử Quốc hội, khiến một số người không khỏi không nghĩ đến một tương lai khác cho Đạt Lai Lạt Ma.

Hoa Kỳ hy vọng chiếm thế thượng phong

Sau khi gởi đi những dấu hiệu đầu tiên, chiến lược của Mỹ cũng nhằm nâng lên mức hợp tác đa phương, trong một khu vực mà Trung Quốc đang là đầu tàu kinh tế. Chiến lược này tiến hành thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một tổ chức chặt chẽ, ngoài Hoa Kỳ còn tập hợp các quốc gia vững chắc nhất tại châu Á – Thái Bình Dương.

Washington muốn đây cũng là một cánh tay về quân sự để nối dài ảnh hưởng về kinh tế. Khi đề nghị Thái Lan trở thành thành viên thứ 12, Hoa Kỳ ngầm nhắc nhở ý định kiểm soát các quy tắc hội nhập khu vực, và sau đó buộc Trung Quốc cũng phải sửa đổi theo.

Trong hy vọng chiếm thế thượng phong trước đối thủ Bắc Kinh, người khổng lồ Mỹ không thể nào mong đợi một sự kết hợp các yếu tố thuận lợi hơn thế.

Không chỉ đến tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN, gặp gỡ nguyên thủ các quốc gia này, mà Hoa Kỳ còn tham gia vào chương trình nghị sự.

Các nước ASEAN muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh báo trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh trong vô số các cuộc xung đột trên biển với các nước láng giềng.

Để giành quyền kiểm soát các quần đảo, Trung Quốc gây hấn với Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và đương nhiên là với Nhật Bản.

Riêng với Tokyo, thì tình hình chưa bao giờ tệ hại đến như thế. Từ đó suy ra, tuyên bố của Washington muốn tái cân bằng lực lượng tại châu Á đương nhiên là được hoan nghênh.

Bây giờ đến lượt Hoa Kỳ phải làm thế nào để đối trọng với Trung Quốc, dựa vào đồng minh truyền thống là Nhật Bản.

Liên minh này không phải là không có rủi ro. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã lao vào một chương trình hiện đại hóa quân đội và lực lượng hải quân một cách hểt sức quy mô. Và từ một năm qua, Washington cũng đã cho tăng cường sự hiện diện quân sự.

Sau khi đưa 250 thủy quân lục chiến đến đóng tại Úc, Hoa Kỳ dự định sẽ gởi 60% chiến hạm của Hải quân Mỹ đến châu Á, từ nay đến năm 2020.

Từ nay các cảng của Singapore sẽ được nâng tầm để đón tiếp các hàng không mẫu hạm nguyên tử của Mỹ. Nếu Bắc Kinh làm mọi cách để người Mỹ tránh xa bờ biển của mình, thì ngược lại Washington lại muốn tiếp cận càng nhiều càng tốt.

Nguy cơ lớn nhất hiện nay là một sự đụng độ giữa Hải quân Trung Quốc và Nhật Bản. Với các hiệp định an ninh, Hoa Kỳ có thể phải ra tay hỗ trợ cho đồng minh. Chính quyền Mỹ không hề muốn chuyện này xảy ra, cho dù không hề có rủi ro bằng không.

Vì vậy, điều quan trọng nằm ở chỗ nhắc nhở là châu Á không cô độc trước Trung Quốc, thúc đẩy Bắc Kinh thiết lập bộ quy tắc ứng xử tốt đẹp với các láng giềng, trong khi xuống thang quân sự.

HaiPad của Trung Quốc cạnh tranh với iPad

Phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro cho biết, tập đoàn điện tử Haier của Trung Quốc sắp tung ra máy tính bảng HaiPad tại châu Âu.

Các đại diện của Haier tại đây khó thể chối cãi sự giống nhau với máy tính bảng iPad nổi tiếng của Apple, không chỉ ở cái tên mà cả bao bì trông cũng không khác.

Cũng giống như các nhãn hiệu Trung Quốc khác trên thị trường, Haier cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng xấu của các sản phẩm made in China tại châu Âu. Khi lăng xê máy tính bảng, tập đoàn này muốn chứng minh Trung Quốc cũng làm được những sản phẩm điện tử cao cấp.

HaiPad sẽ được bán với giá khoảng 229 euro, thấp hơn iPad mini chừng 100 euro, sử dụng phần mềm Android của Google hiện đang được trang bị cho hầu hết các loại điện thoại thông minh, và có hai cỡ 7 và 9,7 inche.

Ti-vi mang nhãn hiệu Haier đã được bán ra ở châu Âu và nhất là tại Pháp, hiện chiếm 1,5% thị trường Pháp và hy vọng đến năm 2015 sẽ tăng lên 5%.

Theo Le Figaro, thì mục tiêu này khó thành hiện thực, vì Haier bị kẹt giữa hai phân khúc thị trường bình dân và cao cấp. Một chuyên gia cho biết, nếu giá cả cách nhau 50 euro, thì giữa Samsung và Haier, người tiêu dùng sẽ không chọn lựa hàng Trung Quốc.

Còn tại thị trường nội địa, Haier không phải là tập đoàn duy nhất phát triển máy tính bảng. Thậm chí các nhà phân tích còn không tổng kểt nổi hiện có cụ thể bao nhiêu nhãn hiệu máy tính bảng tại Trung Quốc, vì con số đã lên đến hơn một trăm. Chẳng hạn tập đoàn Trung Quốc Lenovo bên cạnh máy tính bảng hiệu ThinkPad, còn tung ra IdeaPad – lại thêm một nhãn hiệu nhái theo cái tên iPad.

Cuộc tranh giành chức chủ tịch UMP kéo dài

Tại Pháp, liên quan đến chuyện dài tranh giành chức chủ tịch đảng cánh hữu UMP giữa hai ông Jean-François Copé và cựu Thủ tướng François Fillon, Le Figaro trong bài xã luận đã nhận định, cuộc khủng hoảng này đã kéo dài quá lâu.

Từ hôm Chủ nhật 18/11 đến nay, các thành viên trong đảng trong trạng thái từ hoài nghi đến bất bình, đã bất lực chứng kiến quá trình chìm đắm của con tàu UMP.

Theo tờ báo thiên hữu, đã đến lúc cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy can thiệp nhằm chấm dứt cuộc đấu đá vô nghĩa, đang đe dọa làm tan vỡ UMP, làm trò vui cho đảng Xã hội và đảng cực hữu.

Từ nhiều ngày qua dù theo phe nào đi nữa, cử tri của UMP cũng hiểu rằng tình hình sẽ khó chịu đựng được cả với ông Copé lẫn ông Fillon.

Chủ tịch tự tuyên bố của UMP sẽ làm được gì trước tình cảnh hoang tàn đổ nát này, lời kêu gọi đoàn kết có nghĩa lý gì ? Và làm thế nào ông Copé có thể trở thành nhân vật đối lập hàng đầu với Tổng thống phe Xã hội François Hollande, nếu ngay trong phe của mình có một nhà đối lập tầm cỡ là cựu Thủ tướng Fillon ?

Theo Le Figaro, sau chín ngày quyết đấu, ông Copé cần phải hiểu ra rằng trong tình trạng này chức chủ tịch của ông khó tồn tại được lâu.

Về phần ông François Fillon vốn tự xem mình là nạn nhân của một sự « gian lận tầm cỡ công nghiệp », triển vọng về việc bầu lại có thể làm giảm bớt ý định tách riêng của ông. Người ta thông cảm với sự phẫn nộ của ông Fillon, nhưng cánh hữu sẽ ra sao nếu cựu Thủ tướng lại xây dựng một đảng đối địch với UMP ?

Như vậy theo Le Figaro, viễn cảnh về một cuộc bầu cử mới có thể mang lại cơ hội thoát khỏi ngõ cụt cho UMP.

Cuộc bầu lại này chỉ có thể diễn tiến tốt đẹp nếu cả hai bên chấp nhận bắt đầu lại từ số không.

Cần phải quên đi những lời tố cáo lẫn nhau, những tin nhắn Twitter mang tính tàn phá, thừa phát lại và cái ủy ban kiểm tra bầu cử Cocoe đang gây bất đồng.

Switch mode views: