Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga, Trung tuần tra chung và thông điệp gửi tới Mỹ

kyrgyzstan sco 1


Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Bishkek, Kyrgyzstan, 14/06/2019.
Sputnik/Konstantin Zavrazhin/Pool via REUTERS

 

Vụ máy bay Nga trong cuộc tuần tra chung đầu tiên với Trung Quốc bay vào trong không phận có tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 23/07/2019, không chỉ đơn thuần là một sự cố.

Nhiều nhà phân tích nhận định đó là một động thái nhằm thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương.

Hôm qua, khi chiến đấu cơ Nga – Trung tham gia cuộc tuần tra chung được xác định xâm phạm không phận của mình, Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, đã điều máy bay của mình lên chặn, thậm chí chiến đấu cơ Hàn Quốc đã phải bắn tới gần 400 phát đạn cảnh cáo.
Đồng thời, Tokyo tỏ ra bất bình với hành động đáp trả của Seoul.
Đây là vùng không phận gần đảo Dokdo, do Hàn Quốc kiểm soát, nhưng Nhật vẫn đòi chủ quyền với tên gọi là Takeshima.

Ban đầu cả Bắc kinh và Matxcơva đều lên tiếng phủ nhận đã xâm phạm vùng trời của Hàn Quốc hay của Nhật Bản.
Tuy nhiên hôm nay, hãng tin Yonhap dẫn nguồn chính phủ Seoul cho biết phía Nga đã thừa nhận với Hàn Quốc đó là "sự cố" trục trặc kỹ thuật.

Trong khi đó, phát ngôn viên Quốc Phòng Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng các máy bay của Nga và Trung Quốc thực hiện cuộc tuần tra chung "trong không phận biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông" không hề xâm phạm không phận của bất kỳ nước nào.

Vụ việc tuy nhỏ nhưng rõ ràng là không đơn giản.
Ngay lập tức, Bộ Quốc Phòng Mỹ lên tiếng ủng hộ các đồng minh.

 

Trả lời câu hỏi của Yonhap, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn hôm qua tuyên bố "Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Hàn Quốc và đồng minh Nhật Bản, cũng như các phản ứng của họ đối với hành vi vi phạm không phận của máy bay Trung Quốc và Nga", đồng thời cho biết "Bộ Quốc Phòng Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Seoul và Tokyo về vấn đề này và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình."

Theo nhà phân tích chính trị Lyle Morris thuộc cơ quan tư vấn quân sự Mỹ RAND Corporation, "đó là vấn đề lớn, vì nó cho thấy việc không quân hai nước ( Nga-Trung) tuần tra chung theo kiểu như thế sẽ gây mất ổn định trong vùng".
Trước mắt đã thấy phản ứng đáp trả mạnh mẽ của Seoul làm dấy lên mâu thuẫn tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Gần đây, để đối phó với chiến lược Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Nga và Trung Quốc đã bắt tay nhau chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quân sự, đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung.
Nhưng những hoạt động trong khu vực chủ quyền nhạy cảm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản như thế này cho thấy một ý đồ khác.

Nhà nghiên cứu Ahn Chan-Il tại Seoul, khẳng định với AFP rằng hành động xâm phạm vùng trời đang có tranh chấp này là « cố tình, Trung Quốc và Nga muốn gây ra sự cố để khẳng định ưu thế trong vùng đối với hai đồng minh của Washington ».

Trong khi đó Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Macquarie Sydney, thì quan sát thấy máy bay loại H-6K của Trung Quốc và Tu 95 của Nga đều là những oanh tạc cơ có khả năng mang bom hạt nhân, thông tin này không thể bỏ qua, theo ông « đây là vấn đề lớn cho an ninh khu vực ».
Vào lúc đối đầu Mỹ -Trung tiếp tục căng thẳng trên mặt trận thương mại. Nga thì nhiều năm qua vẫn phải chịu nhiều sức ép mọi mặt từ phương Tây.

Matxcơva và Bắc Kinh tìm đến nhau cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng giới phân tích chính trị cho rằng sự hợp tác Nga-Trung sẽ vượt qua khuôn khổ kinh tế, tiến tới phá vỡ hiện trạng tương quan chiến lược trong vùng.
 Sự hợp tác Nga-Trung đã tiến triển tới mức giờ đây họ có thể tiến hành các cuộc tuần tra chung.

Michal Cole, chuyên gia Viện nghiên cứu Toàn cầu Đài Loan, nhận định hành động vừa rồi của Nga và Trung Quốc « thách thức trực tiếp hệ thống liên minh của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương ».
Trong tương lai, sẽ còn nhiều chiến dịch quân sự chung giữa hai nước kiểu như thế này.

 Michael Cole nhận định cuộc tuần tra chung lần này « là hệ quả tất nhiên của các cuộc diễn tập quân sự chung quy mô ngày càng lớn giữa Nga và Trung Quốc trong những năm vừa qua ».

Thông điệp mà Bắc Kinh và Matxcơva muốn nhắn gửi là : Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc có thể làm được như vậy thì tại sao chúng ta không làm ?

Chỉ có điều mối quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc đã thực sự đủ độ tin cậy lẫn nhau, cho dù cả hai cùng có chung thách thức an ninh trước Hoa Kỳ ?

Switch mode views: