Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc

vnch thang4den

Phần I a: Buổi hoàng hôn của Đất nước

Ngày 13/3/1975 Trung tướng Ngô Quang Trưởng -Tư lịnh Quân Đoàn I kiêm Tư lịnh Vùng 1 Chiến thuật được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi về Dinh Độc Lập chỉ thị phải bỏ Quân đoàn I ngay hôm nay. Ông trình bày “Quân đoàn I đủ sức chống giữ”, nhưng tổng thống và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm không chấp nhận. Lịnh bất di bất dịch là “Phải rút khỏi Quân Đoàn I càng sớm càng tốt”.

Ba mươi hai năm sau, tướng Ngô Quang Trưởng qua đời (21/01/2007). Sau đó vào ngày 21/3 tại Nam Cali, cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, nguyên Tư lịnh Vùng I Duyên hải xuất bản quyển “Can trường trong chiến bại – Hành trình của một thủy thủ”. Tác giả cho biết tướng Trưởng đã tiết lộ cho ông biết: “Ngày 13/3/1975 tại Dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu nhận định với ngân sách viện trợ của Hoa Kỳ bị cắt giảm, chính phủ không còn cách nào có thể giữ được sự toàn vẹn của lãnh thổ miền Nam. Tổng thống Thiệu lấy viết vạch một đường từ Ban Mê Thuộc xuống Tuy Hòa và nói đó là ranh giới của miền Nam. Tổng thống Thiệu còn căn dặn tước Trưởng phải giữ kín, không tiết lộ cho các tư lịnh sư đoàn, các tỉnh trưởng cũng như hải quân và không quân biết việc bỏ miền Trung”.

Sau khi ra lịnh tướng Trưởng rút bỏ Vùng 1, hôm sau (14/3/1975) TT Thiệu bay ra Cam Rang gặp Thiếu tướng Phạm Văn Phú -Tư lịnh Quân Đoàn II kiêm Tư lịnh Vùng 2 Chiến thuật. Tại đây với sự hiện diện của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên và Trung tướng Đặng Văn Quang -Cố vấn An ninh quốc gia, TT Thiệu ra lịnh tướng Phú rút bỏ cả vùng Cao nguyên. Ông cho rằng QLVNCH không còn đủ khả năng bảo vệ toàn thể lãnh thổ, phải rút bỏ những vùng kém trù phú, gom lực lượng về cố thủ vùng duyên hải đồng bằng.

Trở về Bộ Tư lịnh Quân đoàn ở Pleiku, tướng Phú báo ngay cho Bộ tham mưu và những bộ hạ thân tín biết quyết định của tổng thống. Một cuộc rút quân chiến thuật đáng lẽ phải được bảo mật, chỉ huy và tổ chức có kế hoạch được yểm trợ đàng hoàng mới có thể đưa lực lượng an toàn về đồng bằng…Nhưng tướng Phú lại ủy thác cho Đại tá Biệt Động Quân Phạm Duy Tất vừa được ông đề nghị vinh thăng chuẩn tướng phụ trách việc di tản. Các vị chỉ huy ở Quân đoàn chỉ lo di tản thân nhân và tài sản cấp tốc bằng phi cơ, bỏ mặc binh sĩ cùng gia đình và dân chúng rút chạy một cách hỗn loạn bằng đường bộ

Chiều tối Chủ nhật ngày 16/3/1975, nhà báo Nguyễn Tú –phóng viên chiến trường của Nhật báo Chính Luận, từ Pleiku gọi điện thoại về toà soạn báo tin trong hai ngày qua, đồng bào Pleiku đã hoang mang đến tột độ khi nghe các đài phát thanh ngoại quốc loan tin BTL Quân đoàn II đã di tản về Nha Trang. Giới hữu trách không có lời giải thích nào để trấn an khiến đồng bào càng mất thêm tinh thần, mạnh ai nấy lo phương tiện di tản. Chiến tranh thực sự chưa tới Pleiku. Chưa một đạn pháo kích nào của địch bắn vào thị xã. Nhưng dân chúng Pleiku chạy ra đầy đường tạo ra cảnh hỗn loạn không thể tưởng tượng nổi. Các kho súng, kho đạn tại tỉnh Pleiku đã được lịnh thiêu hủy. Từng cột khói đen bốc lên trong lửa đỏ từ các bồn nhiên liệu cũng được lịnh phá hủy. 8 giờ đêm Chủ nhật, Kontum, Pleiku bi thảm, ra đi bỏ lại phía sau những cột khói, những vùng lửa. Tình trạng Pleiku bi thảm quá! Hoàng hôn của Pleiku có thể coi như đã bắt đầu, đồng thời có thể tiếp luôn những cảnh hoàng hôn khác.  Bản tin này được đọc giữa tiếng khóc nức nở của đặc phái viên Nguyễn Tú.

Trong khi đó tại Vùng 1 Chiến thuật, tướng Trưởng dù đã nhận được lịnh phải rút khỏi Quân đoàn I càng sớm càng tốt, song ông vẫn chần chừ, cố giữ vùng địa đầu giới tuyến. Nhưng khi cuộc di tản chiến thuật ở Cao nguyên thất bại, Cộng quân Bắc Việt mở cuộc tấn công ở Quảng Trị ngày 19/3/1975. Buổi hoàng hôn kế tiếp diễn ra ở cố đô Huế, khi đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên ùn ùn kéo vào Đà Nẳng vì những tin đồn “Hoa Kỳ và Thiệu đã thỏa thuận giao Vùng 1 và 2 cho Mặt trận Giải Phóng Miền Nam theo một giải pháp chính trị mật với Hà Nội”. Trong khi đó TT Thiệu lại rút toàn bộ Sư đoàn Dù và các lữ đoàn TQLC khỏi vùng giới tuyến về bảo vệ Sàigòn vì sợ một cuộc đảo chính.

Hồi ức của bác sĩ quân y TQLC -Bằng phong Phạm Vũ Bằng về Những Người Lính Bị Bỏ Rơi tiết lộ: “Các Tiểu đoàn 3, 4, 5 TQLC và TĐ 2 Pháo binh đang đối đầu với các trung đoàn CSBV tại Quảng Trị thì nhận được lịnh rút quân hỏa tốc về cửa Thuận An lúc 6 giờ chiều ngày 24/3/1975. Lúc 8 giờ sáng 25/3 lực lượng TQLC thuộc Lữ đoàn 147 đã tập trung đầy đủ tại bãi biển Thuận An để chuẩn bị xuôi Nam, đi về cửa Tư Hiền như lịnh của Trung tướng Lâm Quang Thi, Tư lịnh Tiền phương Quân đoàn I. Nhưng cuộc lui quân của LĐ 147 TQLC đã không thực hiện được vì 3 yếu tố Không: Không có cầu phao tại cửa bi ển Tư Hiền, Không có các giang đoàn và duyên đoàn bảo vệ bãi biển Thuận An, Không có không quân và Hải quân yểm trợ, tiếp viện và tiếp tế. Thời điểm 10.30 sáng 25/3/1975 tình hình còn yên tỉnh, LĐ 147 TQLC dàn quân phòng thủ trật tự để chờ tàu. Chờ tới 5 giờ chiều mà không c ó tàu nào vào đón, và địch quân đã đến bao vậy quân ta trên bãi cát!”

Tin đồn bỏ ngỏ Vùng 1 và 2 không được chính phủ cải chính càng làm cho dân chúng hốt hoảng thêm, khiến binh sĩ mất tinh thần chiến đấu. Họ nghĩ rằng đã có giải pháp chính trị thì chiến đấu làm chi nữa. Việc trước mắt là phải tìm mọi cách chạy về phía Nam càng sớm càng tốt. Chỉ trong 5 ngày Đà Nẳng trở thành một thành phố hỗn loạn với số dân tăng lên gấp ba lần. Hầu hết các đơn vị còn đầy đủ vũ khí nhưng không người chỉ huy, họ đổ xô ra bờ biển, trưng dụng và cướp ghe thuyền đánh cá của dân để xuôi Nam.

Nửa tháng trước, tướng Trưởng không thể nhẫn tâm bỏ rơi đồng đội -những thuộc cấp đã từng đồng lao cộng khổ với mình tại tuyến đầu lữa đạn. Vì thế ông nấn ná ở lại cho đến ngày 29/3/1975 khi Bộ Tư lịnh Quân đoàn I sắp lọt vào tay cộng quân, ông ra một lịnh cuối cùng: “Các anh không còn nhiệm vụ gì nữa, các anh tùy nghi tìm phương tiện ra tàu”. Còn ông, ở lại một mình trong trại TQLC ở căn cứ Non Nước, không còn phương tiện nào khác, chiếc trực thăng dành cho ông đã cất cánh. Tôi tin rằng, ông sẽ noi gương cụ Phan Thanh Giản ngày trước -cùng quê hương Bến Tre với ông, quyên sinh ngay tại biên trấn mà mình nhận trọng trách. Nhưng sự đời run rủi, Đại tá Nguyễn Thành Trí-–Tư lịnh phó Sư đoàn 369 TQLC, nhìn thấy ông tiều tụy sau nhiều đêm mất ngũ, không đành bỏ ông nên dìu ông lần xuống bãi biển, trồng áo phao vào người kéo ông bơi ra tàu.

Buổi hoàng hôn đã chụp xuống thành phố Đà Nẳng ngày 30/3/1975. VNCH hoàn toàn mất quyền kiểm soát ở đây. Nếu cả kể QĐ II thì 5 sư đoàn bộ binh, các đơn vị nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, các đơn vị không và hải quân, các lực lượng địa phương quân và nghĩa quân, tổng cộng trên 270 ngàn đã tan rã. Một tỉ đô la vũ khí đạn được bị phá hủy. Số binh sĩ và thường dân thương vong rất nhiều. Ba tuần sau, đại quân Bắc Việt nối gót quân dân VNCH di tản chiến thuật, đã tiếp cận thủ đô Sàigòn. Chiều ngày 21/4/1975, TT Thiệu từ chức. Ông tuyên bố “tôi từ chức nhưng tôi không đào ngũ. Tôi sẽ sát cánh với quý vị trong bất cứ công tác gì cần thiết cho việc bảo vệ quốc gia”, nhưng bốn ngày sau ông cùng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm di tản sang Đài Loan.

Tổng thống Trần Văn Hương liền triệu hồi Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm Nguyễn Xuân Phong từ Paris về nước, để cùng Đại sứ Pháp Merillon đi Hà Nội thương thuyết, nhưng bị Bắc Việt từ chối. Họ chỉ chấp nhận nói chuyện với Đại tướng Dương Văn Minh. Chiều ngày 28/4/1975 Lưỡng viện Quốc hội VNCH chấp nhận ông Hương trao quyền tổng thống cho ông Minh. Chưa đầy một giờ sau khi ông Minh nhậm chức và kêu gọi các “anh em phía bên kia ngưng ngay lập tức những cuộc tấn công lẫn nhau để chấm dứt những khổ đau của dân chúng, cùng nhau ngồi vào bàn hội nghị để tìm những giải pháp hữu ích cho quốc gia dân tộc”, thì CS cho phi cơ ném bom phi trường Tân Sơn Nhứt.

Ông Minh cử người đến tiếp xúc với phái đoàn CS trong trại Davis để bàn chuyện ngưng bắn và hòa giải. Họ đòi ông phải yêu cầu HK rút khỏi miền Nam. Đòi hỏi này được thực hiện. Từ 10 giờ sáng ngày 29/4/1975, hàng đoàn trực thăng từ Hạm đội 7 vần vũ trên bầu trời Sàigòn. Trực thăng đáp xuống doanh trại Tùy viên Quân lực Mỹ (DAO) ở cạnh phi trường TSN. Đáp trên nóc Tòa Đại sứ Mỹ và nhiền nơi khác để bốc người di tản ra hạm đội.

Đến xế trưa ngày 29/4/1975 các cấp chỉ huy ở Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đều vào cơ quan DAO để di tản. Nơi đây chỉ còn tướng Ngô Quang Trưởng. Sau khi rút khỏi QĐ I, tướng Trưởng gần như bị TT Thiệu quản thúc vì sợ ông đảo chánh. Nơi ông ở hoặc ông đi đâu đều có xe cảnh sát bám sát. Sau khi TT Thiệu ra đi, Đại tướng Cao Văn Viên cử ông làm phụ tá để chuẩn bị đào thoát. Viên sẽ không bận tâm vì đã có tướng Trưởng ứng trực tại Tòa nhà chánh Bộ TTM.

Tháng trước, ông không được chết với Vùng 1 nơi ông trấn nhậm, thì nay ông sẽ cùng chết với QLVNCH tại cơ quan đầu não này. Nhưng cũng do cơ trời run rủi, tướng Nguyễn Cao Kỳ vào phút chót, đáp trực thăng xuống Bộ TTM. Bước lên lầu tòa nhà chánh, nơi đây không còn viên tướng hoặc sĩ quan cao cấp nào cả. Tướng Kỳ xuống lầu thì thấy tướng Trưởng lững thững bước lên. Tướng Kỳ hỏi “Trung tướng làm gì ở đây?” Tướng Trưởng thẩn thờ đáp “Tôi cũng không biết”. Tướng Kỳ kéo ông ra trực thăng bay ra hạm đội. Trung tướng Ngô Quang Trưởng là hình ảnh người lính VNCH chiến đấu bảo vệ đất nước…Nhưng bị thượng cấp lợi dụng và bỏ rơi, phải tự tìm lối đào sanh, cuối cùng lẩn thẩn như người mất trí không biết phải làm gì khi giặc đến, nước mất nhà tan!

10 giờ sáng ngày 30/4/1975 ông Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh kêu gọi toàn thể QLVNCH ngưng bắn, ở nguyên tại chỗ và mời đại diện chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN vào Sàigòn nhận bàn giao chính quyền. Một giờ rưỡi sau, xe tăng của CS Bắc Việt tiến vào tiền đình Dinh Độc lập. Sau đó tại phòng khánh tiết viên chính ủy CSBV nói với ông Minh “Chính quyền của các anh từ trung ương đến cơ sở đã sụp đổ tan tành thì còn cái gì để bàn giao? Các anh đã bại trận và chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. Ngày 30/4/1975 buổi hoàng hôn đã phủ trùm khắp miền Nam.

Từ sau biến cố 30/4/1975, nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh, bán đứng miền Nam VN cho CS. Vì thế khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa hồi tháng Giêng năm 1974, Hạm đội 7 ở gần đó nhưng không tiếp cứu. Trước đó, ngày 18/10/1972 Kissinger mang bản dự thảo HĐ Paris sang tham khảo với chính quyền VNCH. TT Thiệu buộc tội Kissinger là đã thông đồng với LX và TC để bán đứng MNVN. Đến năm 2006 khi Tài liệu mật của Văn khố Quốc gia HK được công bố, có ghi lại cuộc đối thoại giữa Kissinger và TT Chu Ân Lai tại Bắc Kinh ngày 20/6/1972, dư luận cho rằng Kissinger đã phản bội VNCH khi ông ta cam kết với Chu Ân Lai: “Mặc dù chúng tôi không thể đưa một chính quyền CS lên nắm quyền lực, nhưng nếu nó xảy ra sau một thời gian nào đó, như là kết quả của một diễn biến lịch sử, và nếu chúng tôi có thể chấp nhận một chính quyển CS ở Trung Hoa thì chúng tôi phải chấp nhận nó ở Đông Dương” (While we cannot bring a communist government to power, if, as a result of historical evolution it should happen over a period of time, if we can live with a communist government in China, we ought to be able to accept it in Indochina)

Bốn năm sau biến cố 30/4/1975, đến lượt CSVN công bố tài liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”. Hà Nội tố cáo Trung Quốc trong 30 năm qua, từ 1949 đến 1979, đã ba lần phản bội nhân dân VN: lần 1 tại hội nghị Genève 1954. Lần 2 trong cuộc chiến tranh “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Lần 3: Sau khi nhân dân VN “giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà”. “Ba lần họ phản bội VN, lần sau độc ác, bẩn thỉu hơn lần trước”.  

Tài liệu trên là văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 4/10/1979. Trước đó, hồi đầu năm 1979, lãnh tụ TQ là Đặng Tiểu Bình đã lên án CSVN là “phường vong ân bội nghĩa” và ra lịnh tấn công ngày 17/2/1979 “để dạy cho Việt Nam một bài học”và thề trừng phạt VN cho đến chết.

Năm 1982, Thượng tướng Trần Văn Trà xuất bản hồi ký 5 tập “Kết thúc cuộc chiến 30 năm” để chống lại những lập luận của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong tác phầm “Mùa Xuân đại thắng”. Trà cho rằng tập đoàn Cộng sản miền Bắc đã cướp công của Mặt trận B2 (Lãnh thổ chính của Mặt trận GPMN từ Đắc Lắc, Bình Thuận trở vào) trong chiến thắng 30/4/1975. Vào ngày này, TT Dương Văn Minh mời đại diện Mặt trận GPMN vào Saìgòn nhận bàn giao, không ai thấy LS Nguyễn Hữu Thọ -Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chính phủ hoặc  KTS Huỳnh Tấn Phá -Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN xuất hiện, chỉ thấy bộ đội Bắc Việt kè súng buộc ông Minh đầu hàng. Ba tháng sau, Hà Nội tổ chức Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước. Lãnh đạo hai đoàn đại biểu miền Bắc và miền Nam đều là ủy viên Bộ chính trị Đảng CSVN với Trường Chinh và Hoàng văn Hoan đại diện miền Bắc, Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh đại diện miền Nam. Sau đó MTGPMN bị giải tán. Như vậy, đó cũng là hành động phản bội của CSBV đối với MTGPMN.

Biến cố 30/4/1975 mà các bên VN đều cho rằng mình bị đồng minh, hoặc đàn anh phản bội. Vì thế người viết xin tóm lược những biến cố nào xảy ra trước đó đã dẫn đến biến cố lịch sử này.

Xin quý độc giả đọc tiếp Phần I b: Bối cảnh nào đưa Miền Nam tự do đến chỗ sụp đổ?

(LQL)

Switch mode views: