Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm
- Thứ Ba, 15 tháng Mười Một năm 2016 05:44
- Tác Giả: Nguyễn Hữu Duệ
Sau khi ăn sáng, Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, tư lệnh Lữ Đoàn Phòng Vệ rủ tôi lên lầu nói chuyện. Hôm đó, ông ăn sáng ở Câu lạc bộ với tôi, vì tối hôm trước ông ngủ lại trong trại. Phòng ngủ của ông ngay trên lầu Câu lạc bộ.
Tôi dùng điện thoại ở phòng ông để kiểm soát lại việc chào kính đô đốc Harry Felt, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương sáng hôm đó đến thăm Tổng Thống. Vừa gác ống nghe thì chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc máy, nghe tiếng Đại Úy Hoa, CVP của Trung Tướng Đôn, quyền Tổng tham mưu trưởng, cho biết trung tướng muốn nói chuyện với Trung Tá Khôi. Tôi đưa ống nghe cho Trung Tá Khôi. Sau khi nói chuyện, ông cho biết:
– Trung Tướng Đôn bảo tôi sáng nay phải đích thân đi họp ở Tổng tham mưu, để nhận những lệnh hết sức quan trọng, và ăn cơm trưa luôn ở đó.
Thật là ít có, vì xưa nay bộ Tổng tham mưu triệu tập họp thì chỉ dùng công điện. Nếu gấp, chỉ chánh văn phòng hay một sĩ quan nào đó gọi, đâu cần đến vị tổng tham mưu trưởng gọi. Trường hợp này tôi chưa thấy bao giờ. Sau này tôi được biết, cũng chính Trung Tướng Đôn gọi dây nói cho Đại Tá Lê Quang Tung, tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, mời đi họp.
Trung Tá Khôi bảo tôi:
– Chiều nay lúc 3 giờ có buổi học tập, tôi cố về sớm, nhưng nếu không kịp thì anh cứ cho bắt đầu đúng giờ, khỏi đợi tôi.
Trước ngày đảo chính, tuy không có gì lộn xộn, nhưng tình hình có vẻ căng thẳng, khiến tôi linh cảm như có chuyện nghiêm trọng sắp xảy ra, vì vậy, tôi hết sức chú ý đến việc canh gác, và vẫn duy trì lệnh cấm trại. Khoảng 1 giờ chiều ngày 1-11, tôi đang nằm đọc sách, bỗng nghe có tiếng báo động ở vọng gác ngay cạnh phòng ngủ của tôi. Lính gác báo cáo có một số binh sĩ lạ, đang tiến về phía thành Cộng Hòa.
Đứng trên lầu cao, tôi thấy độ 2 hay 3 đại đội Thủy quân Lục chiến đang núp sau mấy gốc cây to, trong tư thế tác chiến, sau thành Cộng Hòa, phía đường Hồng Thập Tự. Trong khi đó, phía Lữ Đoàn Phòng Vệ đã báo động sẵn sàng.
Sau khi ra lệnh cho các đơn vị ở dinh Gia Long báo động, và gọi cho sĩ quan tùy viên rõ tình hình để trình Tổng Thống, tôi gọi dây nói cho Thiếu Tá Dụng, tham mưu trưởng Biệt khu Thủ đô, để hỏi cho biết đơn vị nào đã xâm nhập vào Đặc khu 1 (quanh dinh Gia Long và thành Cộng Hòa là Đặc khu 1, nơi không đơn vị nào có võ khí được xâm nhập nếu không báo trước cho Lữ Đoàn Phòng Vệ). Thiếu Tá Dụng trả lời là không rõ. Tôi cũng gọi dây nói hỏi Thủy quân lục chiến. Sĩ quan trực cũng trả lời là không rõ.
Thật khó xử, nếu là địch thì dễ cho tôi vô cùng. Chỉ với những súng máy và súng phòng không trong thành, có thể tiêu diệt gần hết các đơn vị này. Nhưng lại là đơn vị bạn cùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên tôi do dự, chỉ ra lệnh cho bắn một tràng súng máy trên đầu các đơn vị này để cảnh cáo, cho họ ngừng lại. Quả nhiên họ ngừng lại, và núp sát vào các gốc cây, hay chân tường ở các nhà hai bên đường.
Sau khi quan sát kỹ, tôi nhận đúng là Thủy quân Lục chiến, và ước lượng độ 2 Đại đội. Trung Úy Bảo, trưởng phòng 5 Lữ đoàn, báo cáo với tôi rằng ông cũng quan sát thấy đúng là quân của Thủy quân lục chiến. Ông còn nhận ra hai sĩ quan chỉ huy là hai người đã tốt nghiệp ở trường Võ bị Đà Lạt, là nơi Trung Úy Bảo phục vụ trước đây. Tôi bèn cho 1 đại đội của Lữ Đoàn có thiết giáp tăng cường, cùng Trung Úy Bảo ra vây bọc đơn vị này lại, hỏi lý do tại sao họ xâm nhập khu gần Bộ tư lệnh Lữ Đoàn Phòng Vệ, là nơi đơn vị nào vào gần cũng phải thông báo trước. Tôi cũng dặn kỷ phải cố tránh giao tranh, vì là bạn cả.
Sau đó Trung Úy Bảo đưa hai sĩ quan, trong đó có một Đại đội trưởng của Thủy quân lục chiến, vào trình diện tôi.
Tôi hỏi do lệnh của ai mà các anh xâm nhập Đặc Khu 1, với mục đích gì. Vị đại đội trưởng cấp bậc trung úy, trả lời rất lễ phép.
– Thưa Thiếu tá, chúng tôi đang hành quân ở Tây Ninh thì được lệnh về đây để bảo vệ Tổng Thống, vì lính Lữ Đoàn Phòng Vệ làm phản.
Tôi nghĩ trong đầu là sao giống hệt ngày 11/11/1960, họ cũng nói với anh em Dù như vậy để tạo ra cớ gây binh biến.
Tôi trả lời:
– Các anh bị lừa rồi, làm gì có chuyện này. Các anh là sĩ quan và cũng rõ là nếu với số thiết giáp, súng phòng không và súng máy trong thành thì liệu các anh có chống đỡ nổi không?
– Thưa thiếu tá, chúng tôi chỉ thi hành lệnh trên thôi.
– Đúng, tôi không trách các anh, nhưng nay các anh đã rõ sự việc thì phải theo lệnh tôi, rút anh em ra xa, tập trung lại tại sân vận động Hoa Lư, và không được động súng, để tôi trình Tổng Thống rõ.
Họ chào tôi, và ra thi hành như lệnh của tôi.
Tôi trình Tổng Thống qua sĩ quan tùy viên, được chỉ thị cố tránh đổ máu, và đợi lệnh.
Quá sốt ruột, tôi gọi dây nói lên văn phòng Thiếu Tướng Khiêm, nhờ tìm cách cho tôi liên lạc được với Trung Tá Khôi, là tư lệnh Lữ Đoàn Phòng Vệ. Tôi được gặp ông chánh văn phòng, kể ông nghe sự việc, ông trả lời là không biết gì, và nói để ông vào hỏi Thiếu Tướng Khiêm, vì cuộc họp chưa bắt đầu. Sau đó, tôi không còn liên lạc gì với Trung Tá Khôi nữa. Tôi gọi điện thoại cho bộ tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, mới biết Đại Tá Tung, tư lệnh, cũng đi họp. Xin gặp tham mưu trưởng, thì không có mặt.
Sau đó, một loạt đạn pháo binh phóng vào thành Cộng Hòa, lạc cả sang phía sau thành, gần sân vận động Hoa Lư mà tôi bắt đơn vị Thủy quân lục chiến tập trung ở đó. Tôi báo cáo cho Tổng Thống rõ chắc chắn là có đảo chính, xin Tổng Thống xuống hầm để tránh pháo kích. Đồng thời, tôi cũng nghe đài phát thanh lên tiếng, kể tên những người tham dự đảo chính, gồm hầu hết các tướng lãnh và Đại Tá Đỗ Mậu. Ngoài Thiếu Tướng Đính là tư lệnh Quân đoàn III, còn các vị tư lệnh Quân đoàn II, Quân đoàn I và Quân đoàn IV chưa có tên qua đài phát thanh.
Tôi gọi dây nói kiếm Trung Tá Hùng, là tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Tổng Thống, cũng không có mặt. Kiểm điểm lại những sĩ quan có trọng trách ở cạnh Tổng Thống lúc này, ngoài tôi, chỉ có Thiếu Tá Nguyễn Văn Hưởng là Tham Mưu phó của tôi, và Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc, là Đại đội trưởng cận vệ mà thôi.
Tôi gọi dây nói sang dinh Gia Long, hỏi sĩ quan tùy viên của Tổng Thống, xem Tổng Thống đã xuống hầm tránh pháo kích chưa. Được trả lời là Tổng Thống chưa xuống hầm, và còn bận liên lạc bằng điện thoại. Sợ bị pháo kích, tôi cho các đơn vị của Lữ đoàn phân tán lên tăng cường tối đa cho dinh Gia Long, nơi Tổng Thống đang ở, và một Đại đội sang đóng ở Sở thú. Trong thành Cộng Hòa chỉ để có đại đội chỉ huy và đại đội quân nhạc.
Sợ đơn vị bạn Thủy quân lục chiến đóng rải rác quanh sân vận động Hoa Lư bị pháo kích, tôi cho họ rút về căn cứ của họ. Một trung đội Thủy quân lục chiến, do một chuẩn úy là con của một vị ở quân nhạc chỉ huy, xin ở lại, trở vào thành Cộng Hòa để bảo vệ Tổng Thống, nhưng tôi không đồng ý.
Tôi liên lạc lên Tổng tham mưu, gặp trung úy Bùi Xuân Đáng ở Quân cảnh, là anh em con cô cậu với tôi để hỏi tình hình. Được biết ở trên đó vẫn như thường, chỉ có một số tân binh quân dịch ở Quang Trung lên tăng cường mà thôi. Tôi cũng gọi cho Đại Úy Đoàn Bá Trí là anh rể của tôi ở phòng 4 bộ tổng tham mưu. Anh tôi cũng cho biết là lực lượng phòng thủ rất sơ sài, với một số tân binh ở Quang Trung lên, trông ngơ ngác lắm.
Tôi gọi một lần nữa cho Bộ tư lệnh lực lượngđặc biệt, với hy vọng biết được thêm tin tức, nhưng không được (sau này tôi mới biết là bộ tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt vào lúc đó đã bị Tiểu đoàn Truyền tin chiếm rồi).
Tôi lại trình tin tức mới thu thập được ở Tổng tham mưu lên Tổng Thống, và nêu ý kiến nếu Lữ Đoàn Phòng Vệ chỉ giữ dinh Gia Long và thành Cộng Hòa, thì chắc chắn sẽ bị tấn công bởi nhiều đơn vị. Do đó, xin Tổng Thống cho bỏ thành Cộng Hòa, dồn lực lượng chính là thiết giáp và 3 đại đội của Lữ đoàn, kéo lên tấn công thẳng vào tổng tham mưu.
Tổng Thống không đồng ý, và ra lệnh rõ ràng như sau qua sĩ quan tùy viên:
– Bảo Duệ đừng nóng nảy, Tổng Thống đang liên lạc với các tướng lãnh để cố tránh đổ máu.
Nghe lệnh như vậy, tôi hy vọng là Tổng Thống đã có kế hoạch chống đảo chánh rồi. Cùng lúc đó, do khẩu lệnh của Tổng Thống, tôi là tư lệnh Lữ Đoàn Phòng Vệ, thay Trung Tá Khôi. Tôi lại trình Tổng Thống xin cho Lữ đoàn cử một đại đội có thiết giáp yểm trợ, để tái chiếm đài phát thanh, sợ dân chúng và quân đội hoang mang khi nghe đài này. Mãi 15 phút sau mới được Tổng Thống đồng ý.
Tôi cử đại đội 2 do Đại Úy Xuân chỉ huy, được tăng cường một chi đội thiết giáp để làm nhiệm vụ này. Đại đội này đã thành công trong đợt đầu, và đã có một số anh em vào được tầng dưới của đài. Tôi mừng vô cùng, cử Trung Úy Bảo là trưởng phòng 5 lên dinh Gia Long lấy cuốn băng kêu gọi của Tổng Thống đem ra đài phát thanh để phát. Nhưng rồi đơn vị này không chiếm được đài, báo cáo là gặp Trung Tá Thiện, Chỉ huy trưởng Thiết giáp ở đó, ông ngăn không cho đơn vị tấn công tiếp. Vì vậy, chi đội thiết giáp của lữ đoàn bị Trung Tá Thiện cầm chân tại đó.
Tôi hết sức sửng sốt, vì Trung Tá Thiện, một người được Tổng Thống tin cậy mà theo đảo chính thì nguy quá rồi. Đánh nhau trong thành phố thì thiết giáp là chủ lực. Trung Tá Thiện học khóa 3 Đà Lạt, cùng khóa với Trung Tá Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn, sau ông lên đại tá và làm Thị trưởng Đà Nẵng. Khi được vinh thăng chuẩn tướng, trên đường từ Đà Nẵng về dinh Độc Lập để được gắn lon, ông bị thiệt mạng vì tai nạn máy bay. Cuốn băng với lời kêu gọi của Tổng Thống, Trung Úy Bảo còn cất giữ. Ngoài ra, sau đảo chính, Trung Úy Bảo lại vào được dinh Gia Long, lấy được một số hình ảnh về gia đình Tổng Thống, sau đem in thành sách, tựa là "Đời Một Tổng Thống".
Cho đến khoảng gần 4 giờ chiều, tôi mới được điện thoại của Trung Tá Lê Như Hùng, tham mưu trưởng Biệt bộ phủ Tổng Thống.
– Duệ, Trung Tá Hùng đây. Tình hình thế nào?
– Trung tá ở đâu đấy, sao không vào đây để chỉ huy anh em? Tôi chả biết nghe lệnh ai! Về tình hình, ngoài pháo kích thì chưa thấy có gì nguy hiểm, tôi đã bắt gọn mấy Đại đội Thủy quân lục chiến ngay từ đầu, và bắt họ về lại trại của họ rồi. Việc bảo vệ dinh Gia Long và thành Cộng Hòa, tôi tin là nếu bị tấn công thì mình thừa sức chống trả. Trung tá có ý kiến gì không?
– Ờ, ờ ! moa sẽ vào và sẽ gọi lại cho Duệ.
Nói rồi ông cúp máy. Cũng không cho biết ông đang ở đâu. Từ đó trở đi, tôi không nghe tin gì của ông nữa. Tôi thẫn thờ gác máy, quay sang nói với Đại Úy Đỗ Trọng Khôi là trưởng phòng 3:
– Thật hết nói! Ngày thường ở cạnh Cụ bao nhiêu quan to, nay sự việc xảy ra thế này, tôi lại là người cao cấp nhất ở đây.
Trung Tá Hùng là tham mưu trưởng biệt bộ, người luôn ở cạnh Tổng Thống và ban hành lệnh của Tổng Thống cho các nơi. Ngày thường, tôi vẫn theo lệnh chỉ huy của ông. Mỗi khi Tổng Thống đi đâu, ông đều đi sát bên cạnh, các tỉnh trưởng đều nể sợ ông. Sau đảo chính, tôi không gặp ông nữa.
Vì sự việc xảy ra quá lâu, tôi không còn nhớ rõ về thời gian, nên không kể đúng giờ giấc được. Nhưng vẫn có thể nhớ được những việc đã xảy ra, nên xin ghi lại đây những cố gắng của tôi trong ngày 1-11-63.
Vào trước ngày đảo chính, Đại Úy Sơn Thương là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 41 Biệt động quân, đem tiểu đoàn này ra huấn luyện ở Dục Mỹ. Tiểu đoàn đang đóng tại căn cứ chuyển vận, chờ tầu đưa ra trung tâm huấn luyện Biệt động quân. Anh Sơn với tôi là bạn rất thân. Khi tôi coi Trung đoàn 12, Sư đoàn 7, lúc bấy giờ anh là đại đội trưởng Biệt động quân biệt lập, đại đội của anh hầu như thường xuyên được biệt phái cho Trung đoàn của tôi, nên anh em quý nhau lắm. Khi đợi ở căn cứ chuyển vận, anh đến thăm tôi ở thành Cộng Hòa, có em ruột của tôi là Chuẩn Úy Nguyễn Sỹ Anh, trưởng ban 3 của tiểu đoàn đi cùng.
Chợt nhớ ra vào ngày đảo chính, tôi liền gọi cho anh. Rất tiếc anh vắng mặt, nhưng gặp được em tôi là Chuẩn Úy Anh. Tôi kể rõ tình hình, và bảo em tôi cố tìm cách nào đưa được Tiểu đoàn về bảo vệ Tổng Thống. Em tôi rất sốt sắng, bảo tôi nói chuyện với một trung úy là đại đội trưởng (tôi quên tên). Anh do dự nói với tôi:
– Thưa Thiếu tá, Đại Úy tiểu đoàn trưởng không có đây, tôi không dám quyết định.
– Thì anh biết Tổng Thống là Tổng tư lệnh quân đội ra lệnh anh phải thi hành, anh là quyền Tiểu đoàn trưởng từ lúc này.
– Nhưng mà tôi không có phương tiện chuyên chở.
– Yên trí, tôi sẽ cho xe sang đón anh, có cả thiết giáp bảo vệ. Anh sẽ là người có công nhất đấy.
Tôi cho Chuẩn Úy Cẩm là sĩ quan ở phòng 4 mang theo 14 GMC, có một chi đội thiết giáp đi cùng, sang đón đơn vị này. Lòng thầm mừng rỡ là có thêm một tiểu đoàn bảo vệ Tổng Thống nữa. Khi đơn vị này đến nơi, tôi cho tạm trú ở Bưu Điện để làm trừ bị. Tôi nói với anh em ở bộ tham mưu lữ đoàn, sáng mai sẽ bố trí đơn vị Biệt động quân này ở dinh Độc Lập và bảo vệ phía đường Hồng Thập Tự. Thêm đơn vị thiện chiến này, cộng với đoàn quân trung thành của Lữ Đoàn Phòng Vệ, tôi tin là nếu bị tấn công bởi một đại đơn vị cấp sư đoàn, thì cũng vẫn giữ được. Mình ở thế phòng thủ mà quân tấn công chưa chắc đã hết lòng, vì chỉ có một số cấp chỉ huy mưu phản mà thôi, theo như tôi biết qua ngày đảo chính 11/11/60.
Sau này, tôi được Đại Tá Mạnh (sau lên Trung tướng) kể là khi các tướng phía đảo chính nghe có một đơn vị Biệt động quân tham gia cùng Lữ Đoàn Phòng Vệ thì cuống lên, không ai rõ là đơn vị nào và ở đâu đến. Hỏi mãi ở Bộ chỉ huy Biệt động quân mới rõ là tiểu đoàn của Đại Úy Sơn Thương.
Lúc đó Đại Tá Tôn Thất Xứng là chỉ huy trưởng Biệt động quân vắng mặt, vì đang đi thanh tra ở miền trung. Trung Tướng Đôn viết một thư tay cho người cầm đến cho Đại Úy Sơn Thương, hứa sẽ trọng thưởng nếu anh theo đảo chính. Thư này tôi không được đọc nên không rõ nội dung, mà chỉ nghe kể lại. Thư được trao cho Đại Úy Sơn Thương vào sáng sớm ngày 2/11. Lúc đó anh đã đến với đơn vị của mình ở Bưu Điện, và cũng vào lúc Lữ đoàn đã được Tổng Thống ra lệnh buông súng. Với thư này, anh Sơn Thương được lên chức Thiếu tá vì cách mạng.
Còn em tôi là Chuẩn Úy Anh, vì móc nối anh em về bảo vệ Tổng Thống, bị phạt 30 ngày trọng cấm. May cho Chuẩn Úy Anh vì được Đại Tá Xứng bênh vực, nếu không đã bị truy tố ra tòa án quân sự.
Tôi nhớ mãi lòng tử tế của Đại Tá Xứng, vì tôi đã làm việc với ông nhiều năm. Khi tôi đến gặp ông để xin cho em tôi sau ngày đảo chính, ông mừng rỡ, ôm lấy tôi, nói:
-Duệ, toa làm đúng lắm, phải như vậy. Moa thích những người chung thủy như toa. Nghe ông Cụ bị thảm sát, moa cũng khóc. Còn việc thằng Anh để moa lo cho. Moa phải phạt nó để Tổng tham mưu không lôi việc này ra làm to chuyện. Moa còn ở đây thì moa sẽ lo cho nó sau này.
Ngoài ra, tôi còn liên lạc với sư đoàn 7 ở Mỹ Tho nữa. Lúc đó, tôi biết chắc sư đoàn 5 của Đại Tá Thiệu đã theo đảo chính. Pháo binh của Sư đoàn này đã pháo rất nhiều vào thành Cộng Hòa (Chỉ huy trưởng Pháo binh sư đoàn 5 là Đại Úy Đào Trọng Tường, bạn cùng khóa với tôi ở trường Võ bị Đà Lạt), nhưng tôi vẫn hy vọng Sư đoàn 7 là sư đoàn tôi đã phục vụ ở đó từ ngày di cư đến khi về lữ đoàn. Tôi không gặp Đại Tá Đạm là Tư lệnh, nhưng tôi gặp Thiếu Tá Ấm là tham mưu trưởng (sau này mới biết Đại Tá Đạm đã bị tướng Đôn cho Đại Tá Phát thay thế vào buổi sáng).
– Thưa anh Ấm, tôi là Duệ ở Lữ Đoàn Phòng Vệ đây, sao sư đoàn chưa cho đơn vị nào về bảo vệ Tổng Thống vậy anh?
Anh trả lời:
– Không được rồi anh ơi, tôi không làm gì được.
Rồi anh cúp máy.
Thấy vậy, tôi biết sư đoàn 7 đã theo đảo chính rồi, mà sư đoàn 7 ở Mỹ Tho, thì Sư đoàn 9 ở Kiến Hòa và Sư đoàn 21 làm sao về được, khiến tôi thất vọng vô cùng.
Rồi tôi được điện thoại của Thiếu Tá Phú coi Liên đoàn 77 thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, là đơn vị rất thiện chiến và rất trung thành với Tổng Thống (Thiếu Tá Phú sau lên thiếu tướng, làm tư lệnh Quân khu II, ông đã tự vẫn khi mất nước)
– Anh Duệ hả? Tôi là Phú đây, anh cho tôi rõ tình hình bây giờ thế nào?
– Tôi đang ở thành Cộng Hòa. Về tình hình ở đây, ngoài việc bị pháo kích ra, chưa có một đơn vị nào xâm nhập được vào đặc khu của tôi cả.
– Theo ý anh thì mình nên làm gì?
– Tôi đề nghị anh đưa lực lượng của anh về vườn Tao Đàn để bảo vệ Tổng Thống, đợi sáng mai xem tình hình thế nào, rồi Tổng Thống quyết định.
– Tôi sẽ liên lạc với anh sau.
Rồi anh cúp máy. Sau đó, tôi được Đại Tá Quan gọi, rồi tới Đại Úy Tôn Thất Đình, là anh của Trung Tướng Tôn Thất Đính gọi, như đã trình bày trong bài Đại Tá Quan và biến cố 1/11/63 cùng trong cuốn sách này.
Tôi được báo tin là Tổng Thống đã di chuyển khỏi dinh khoảng 8 giờ tối, nhưng không cho các đơn vị rõ tin này. Tôi nghĩ Tổng Thống ra đi theo một kế hoạch đã định trước, đến một nơi nào có an ninh đã được sắp xếp sẵn. Chúng tôi chỉ cần giữ vững vị trí để đợi lệnh, khi quân đảo chính biết Tổng Thống đã ở khu an toàn rồi, thì tự động tan như ngày 11/11/60.
Tôi hy vọng Tổng Thống ở bộ tư lệnh Hải quân, hoặc trên một chiếc tầu nào đó thuộc Hải quân.
Sau đó, đại đội 3 đóng ở sở thú báo cáo bắt được một thiếu tá Hải quân tên là Lực, và một đại úy tên là Giang, họ tưởng quân của lữ đoàn là quân của phe đảo chính, nên vào nhờ báo cáo lên Tổng tham mưu là họ đã giết được Đại Tá Quyền, Tư lệnh Hải quân rồi.
Đại đội 3 xin tôi quyết định về hai ông này. Tôi ra lệnh phải giam giữ hai ông cẩn thận, để sau này Tổng Thống quyết định.
Thiếu Tá Lực tôi quen, vì ông đã làm chỉ huy trưởng giang đoàn ở Mỹ Tho ngày tôi ở Sư đoàn 7. Trong một cuộc hành quân ở vùng Hậu Mỹ, Giang đoàn này được đặt dưới quyền của tôi (lúc đó anh là đại úy).Trong một cuộc hành quân, đơn vị của anh không mở máy liên lạc với tôi, và bắn lầm bằng súng đại liên 12 ly 7 vào Tiểu đoàn 3/12 đang di chuyển, làm chết và bị thương một số anh em. Tôi phải cho pháo binh bắn đạn khói ngay trên sông nơi các tầu của anh đang di chuyển, lúc đó anh mới mở máy. Tôi đã la trong máy, dọa sẽ trình Sư đoàn truy tố anh ra Tòa án. Đại tá Tư lệnh sư đoàn cũng bực lắm. Đích thân đại tá tư lệnh Hải quân phải xuống Mỹ Tho để giải quyết. Tính Thiếu Tá Lực nóng nẩy, khi uống rượu vào thì hay bắn bậy. Sau cách mạng, ông được lên trung tá. Đại Úy Giang, người cùng Thiếu Tá Lực giết Đại Tá Quyền, sau cũng lên Trung tá và anh cũng sang Mỹ tỵ nạn, cùng ở San Diego như tôi. Chúng tôi cũng đôi khi gặp nhau. Hai ông này trở về đơn vị vào sáng ngày 2/11, sau khi lữ đoàn buông súng.
Nghe tin Đại Tá Hồ Tấn Quyền bị giết, tôi lại thất vọng nữa, vì như vậy Hải quân cũng không giúp gì cho Tổng Thống được. Và như vậy Tổng Thống đang ở đâu? Lúc này tôi băn khoăn và lo cho Tổng Thống quá, tôi mong được tin của ông, để biết ông có được an toàn không.
Thời gian chờ đợi thật dài. Lúc này tôi chỉ ao ước được một vị nào cao cấp hơn tôi, cho tôi một chỉ thị, hay một lệnh thật rõ ràng để tôi thi hành. Tiếc thay, những vị thân cận và có trách nhiệm lo cho Tổng Thống bây giờ chả có ai ở đây. Tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ trung thành với Tổng Thống, người mà tôi kính trọng và yêu mến như một người cha. Tôi đã cố gắng làm hết sức mình để bảo vệ cho ông, nhưng nay biết ông ở đâu mà bảo vệ.
Lúc gần sáng, khi ông ra lệnh buông súng, vì không muốn binh sĩ đổ máu vì ông, tôi thấy rã rời, thất vọng. Nhưng vẫn còn chút hy vọng mong manh, là ông sẽ được đối xử tử tế bởi các tướng lãnh làm đảo chính, vì hầu hết những vị này đều do ông gắn sao cho họ. Chẳng bao lâu, được tin ông chết. Nghĩ mà thương cho ông, vì sợ anh em bảo vệ cho ông đổ máu, sợ quân đội anh em giao tranh với nhau mất tiềm lực chống cộng, mà ông bị làm nhục, phải chết trong tay những kẻ vũ phu, trong một xe thiết giáp.
Kẻ giết ông, tôi biết chắc là Đại Úy Nhung, cận vệ của Trung Tướng Minh, và Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa. Đại Úy Nhung đã chết, anh cũng không chối cãi gì về việc giết hai anh em Tổng Thống, nhưng Thiếu Tá Nghĩa (sau lên đại tá) thường cải chính điều này. Đại Úy Nhung thật ra không đáng trách lắm, vì anh theo lệnh mà làm. Nhưng ghê tởm cho hành động của anh là đã bắn chết hai ông còn đâm chém nữa. Không biết khi đâm hai ông, anh có nói gì hỗn hào không?
Còn Thiếu Tá Nghĩa, dù ông cố cải chính, nhưng căn cứ vào hành động của ông, cũng như một số nhân chứng, chỉ có những người ngây thơ tới mức ngu xuẩn mới tin là ông đã không nhúng tay vào vụ thảm sát này.
Ai đã cắt cử ông đi trong đoàn xe này?
Ông có nhiệm vụ gì mà vào nhà thờ gặp Tổng Thống?
Thiếu Tá Vũ Quang (sau lên đại tá) là bạn cùng khóa với tôi, và cũng đã phục vụ ở Lữ đoàn một thời gian, kể với tôi là chính mắt anh thấy Thiếu Tá Nghĩa vừa đi vừa lau bàn tay đẫm máu, vào báo cáo với Trung Tướng Minh (anh Quang bây giờ cũng ở Hoa Kỳ). Một hạ sĩ quan Quân cảnh (rất tiếc không nhớ tên anh), kể với tôi là anh cũng thấy ông Nghĩa tay vấy máu. Anh nói với tôi bằng giọng rất cảm động là khi thấy xác hai ông, anh đã chẩy nước mắt, không ngờ hai ông chết một cách thảm thiết như vậy.
Trung Tá Nghĩa cũng là một trong những phụ thẩm của tòa án cách mạng đã kết án tử hình ông Ngô Đình Cẩn. Như vậy, cái chết của ba anh em Tổng Thống Diệm cũng đều do Trung Tá Nghĩa nhúng tay vào. Một hạ sĩ quan còn cảm động khi thấy xác hai ông, người nhúng tay vào nội vụ mà không ghê tay, thật là đáng sợ.
Còn ông Phan Hòa Hiệp (sau lên chuẩn tướng) thì sao? Ông cũng có trách nhiệm trong vụ này. Là chỉ huy đoàn xe thiết giáp đi đón Tổng Thống, và được lệnh rõ ràng là đón, đâu có lệnh giết, sao để cho Thiếu Tá Nghĩa lộng hành như vậy?
Sáng ngày 2/11, tôi và một số sĩ quan ở bộ tham mưu không muốn bị nhục khi phải đầu hàng, cùng nhau rút ra khỏi thành Cộng Hòa, qua ngả đường Hồng Thập Tự. Tụi tôi chạy đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, rồi tôi đến nhà anh rể tôi là Đại Úy Đoàn Bá Trí ở đường Cao Thắng. Anh rể tôi gọi dây nói từ Tổng tham mưu về cho biết xác hai ông đã chở về đây rồi. Vì quá xúc động về việc Tổng Thống và ông cố vấn bị giết, tôi được chị tôi cho uống thuốc ngủ, mà cũng không ngủ được, cũng không biết sẽ phải làm gì.
Chiều đó, Thiếu Tá Hưởng là tham mưu phó, cùng với mấy sĩ quan ở bộ tham mưu đến gặp tôi. Tụi tôi bàn nhau mãi, mà vẫn không biết phải làm gì.
Thiếu Tá Hưởng, tuy là phó của tôi, nhưng tôi rất kính trọng anh, vì anh là niên trưởng của tôi ở trường Võ Bị (anh học khóa 2, còn tôi khóa 6). Chúng tôi ngồi cùng một phòng, làm việc với nhau và ở chung một căn nhà trong thành Cộng Hòa. Anh ở Lữ đoàn trước tôi nhiều. Ngày đảo chính năm 60 anh đã có mặt ở Lữ đoàn rồi. Vì vậy, khi mới đổi về Lữ đoàn, việc gì tôi cũng hỏi anh.
Ngày đảo chính, anh ở dinh Gia Long để chỉ huy các đơn vị chính bên đó. Chính anh là người báo cho tôi biết Tổng Thống đã đi khỏi dinh lúc 8 giờ tối, và cùng bàn nhau rút ra ngoài lúc được lệnh buông súng. Ngày hành quân ở Bắc Việt, anh đã bị Việt cộng bắt. Sau khi mất nước, anh cũng bị bắt giam, rồi sang đây theo diện H.O. Lúc anh sang, tôi vì đau yếu và ở xa nơi anh định cư, nên chưa có dịp gặp lại anh, nhưng tôi vẫn kính mến anh.
Anh bảo tôi:
– Tụi mình chỉ làm đúng nhiệm vụ giao phó, chả có gì mà phải sợ ai.
Tôi bèn lấy điện thoại gọi cho văn phòng Thiếu Tướng Khiêm là tham mưu trưởng bộ Tổng tham mưu. Gặp được Đại Úy Hoa, chánh văn phòng của ông. Anh rất tử tế và khi nghe tôi nói muốn xin gặp Thiếu Tướng Khiêm, anh sốt sắng trả lời:
– Thiếu tá đừng rời máy, để tôi vào trình. Rồi ra trả lời là Thiếu tướng muốn tôi và Thiếu Tá Hưởng lên gặp ông.
Thiếu Tướng Khiêm khi làm Tư lệnh Sư đoàn 7 thì tôi là Trung đoàn trưởng của ông, được ông rất quý mến và thân mật. Sau này, khi tôi về phủ Tổng Thống cũng hay gặp lại ông, nên tôi nghĩ gặp ông chắc ông sẽ lo cho anh em tôi. Khi chúng tôi đến văn phòng ông, thấy rất nhiều sĩ quan cao cấp ở đó để xin gặp ông. Tôi cũng ngồi đợi, nghĩ bụng đợi ông tiếp hết mấy vị này, chắc phải hơi lâu. Anh Hoa thấy chúng tôi thì vào trình ngay, không ngờ được ông tiếp ngay lập tức.
Vào gặp, thấy ông đã đeo 3 sao (Trung tướng), ông niềm nở bảo tụi tôi ngồi, và nói ngay:
– Chắc các anh cũng biết cụ và ông cố vấn đã chết rồi chứ. Xác hai ông để ở nhà thương Saint Paul bây giờ. Nói rồi ông bỏ kiếng xuống bàn, chùi nước mắt. Tôi quen miệng vẫn gọi ông là thiếu tướng:
– Thưa thiếu tướng, xin thiếu tướng cho chúng tôi rõ sự việc, và chúng tôi cũng không biết phải làm sao với anh em chúng tôi bây giờ. (Lúc bấy giờ Trung Tá Khôi đang bị giam giữ ở Chí Hòa)
– Việc chính trị khó mà nói được, sau này các anh sẽ rõ. Còn các anh có gì phải lo đâu, mình là anh em trong quân đội với nhau, các anh cứ về thu xếp anh em lại, rồi đợi lệnh.
Nghĩ một lúc, ông lại nói:
– Thôi, hai anh sang gặp Thiếu Tướng Là ở Biệt khu thủ đô, rồi đợi xem việc giải quyết lữ đoàn ra sao. Tôi sẽ liên lạc với Biệt khu thủ đô.
Khi chào ra về, chúng tôi được ông bắt tay từ biệt, thấy ông buồn rầu ra mặt.
Sau này, ông luôn hết sức giúp đỡ tôi. Khi tôi xin đi học Anh văn, ông đồng ý ngay. Có lần tôi đến thăm ông ở tư thất gặp lúc ông chưa về, bà ở trên lầu, nghe tôi đến thì tất tả chạy xuống mừng rỡ, ngồi tiếp tôi cho đến khi ông về. Ông bà còn giữ tôi ở lại ăn cơm, như khi còn ở Sư đoàn 7 trước đây. Ông có tâm sự với tôi là ông không biết việc giết ông cụ và ông cố vấn. Tôi ngỏ lời xin sau khi học Anh văn thì được đi học khóa Chỉ huy và Tham Mưu cao cấp ở Lewenworth, ông đồng ý ngay. Bà còn nhắc tôi sao không về làm việc với ông. Nhưng tôi không xin, và từ đó, nhiều biến cố liên tiếp xảy ra, tôi không đến thăm ông bà nữa, và chỉ gặp lại khi ông làm đại sứ ở Đài Loan.
Lúc đó, tôi làm ở Tổng cục Chiến tranh chính Trị, được đi du hành quan sát ngành Chiến tranh Chính trị của quân đội Đài Loan. Tôi nhờ phái bộ Trung Hoa và cố vấn Mỹ ở tổng cục cho tôi đi trước 3 ngày, để thu xếp chương trình cho phái đoàn của Chuẩn tướng Kiểm sẽ đến sau. Tôi được một sĩ quan thông dịch viên và Đại Úy Đời, là trưởng phòng của tôi đi cùng. Thật ra chương trình cũng chả có gì để thu xếp, vì Tổng cục ở Đài Loan đã sắp xếp rất chu đáo rồi.
Nguyễn Hữu Duệ
Tin mới
- Nước Mắt Trước Cơn Mưa - 19/06/2017 02:39
- An Lộc, chiến trường đi không hẹn - 19/05/2017 13:45
- Để Biết Đâu Mới Là Thiên Đường - 12/05/2017 19:44
- Ba mươi tháng Tư (30/4) trong mắt ông Hoàng Đức Nhã - 04/05/2017 23:21
- Những ngày cuối cùng ở Tổng y viện Duy Tân - 29/04/2017 21:04
- Những tên Giu Đa thời điểm 30-4-1975 - 21/04/2017 21:12
- HQ 14 và Những Tháng Cuối Của Cuộc Chiến - 13/04/2017 19:25
- Đại Học Chiến Tranh Chính Trị “di tản” - 12/04/2017 03:18
- Bọn sinh viên Việt Cộng giết thầy giết bạn - 31/01/2017 05:41
- Ai đã bắn nát chân tướng Nguyễn Ngọc Loan ??? - 29/11/2016 04:20
Các tin khác
- Cầu Hiền Lương và hai bờ chiến tuyến - 26/10/2016 04:01
- Hồi ký của một người Lính Lôi Hổ / Quê Hương Đã Mất - 02/10/2016 04:12
- “Đại Lộ Kinh Hoàng” - 24/08/2016 03:22
- 30 ngày tử chiến tại BU PRANG - 09/08/2016 02:56
- Thiếu Sinh Quân VNCH - 01/08/2016 03:44
- Cha đẻ của “Đại Lộ Kinh Hoàng” - 05/07/2016 02:46
- Cho Người Nằm Xuống Trên Quê Hương - 04/06/2016 15:02
- Tượng Thương Tiếc ở Nghĩa Trang Quân Đội đỉnh danh vọng và đáy địa ngục - 26/05/2016 02:35
- Bốn Đại tá trốn trại tù “cải tạo” - 27/04/2016 12:49
- Lời Phân Trần Của "Hàng" Tướng Dương Văn Minh - 24/04/2016 03:46