Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoàng Đạo và cách mạng


nhanvat Hoangdao

Hoàng Đạo, tên thật là Nguyễn Tường Long, quê ở Quảng Nam, sinh năm 1906 tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thời kỳ viết báo Phong Hóa (1932) ông còn dùng biệt hiệu khác nữa là Tứ Ly. Ông là em của Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và là anh của Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân).

Thuở nhỏ ông học tiểu học ở Cẩm Giàng, sau học trung học và đỗ tú tài ở Hà Nội rồi làm tham tá kho bạc. Năm 1930, sau khiđỗ cử nhân luật ở Hà Nội, ông làm tham tá lục sựtại tòa án Đà Nẵng. Năm 1932, ông xin đổi về tòa án Hà Nội đồng thời cùng Nhất Linh chủ trương viết tuần báo Phong Hóa.

Hoàng Đạo – nhà báo

Hoàng Đạo là một trong những nhà văn sáng lập Tự Lực Văn Đoàn. So với các nhà văn khác trong nhóm như Khái Hưng hay Nhất Linh, tác phẩm của ông không có nhiều:
- Nghị luận: MườiĐiều Tâm Niệm (1936),
- Bùn Lầy Nước Đọng (1937);
- Phóng sự: Trước Vành Móng Ngựa (1938);
- Tiểu thuyết: ConĐường Sáng (1940);
- Truyện ngắn: TiếngĐàn (1941).

Theo Nhật Thịnh, trong cuốn Chân Dung Nhất Linh, năm 1939, Nhất Linh ngưng viết để hoạt động chính trị. Ông trao bản thảo Bướm Trắng để cho Thạch Lam in và bỏ dở truyện dài ConĐường Sáng mới viết chừng 30 trang cho Hoàng Đạo viết tiếp. Tuy gọi là truyện dài, Con Đường Sáng thật ra không dài lắm và ta không biết Hoàng Đạo sửa đổi, viết tiếp như thế nào. Hoàng Đạo cũng viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo, một số gom lại in trong tập truyện Tiếng Đàn. Vào thời điểm này, sa đọa, chán chường là căn bệnh chung của thời đại. Trong TiếngĐàn, truyện đầu tiên trong tập truyện, với một giọng văn ngắn gọn, vừa chính xác vừa man mác, tương phản một vẻ đẹp thuần túy, mong manh với một thực tại nhầy nhụa, Hoàng Đạo tả cảnh mấy thanh niên đi đòđêm trên sông Hương, hút thuốc phiện, nghe cô gái mãi dâm hát điệu Nam Bình, Nam Ai ai oán của một dân tộc mất nước thời xa xưa nhưng cũng là một thực tế thời nay:

“Ngọn đèn thuốc phiện khêu cao, Lương ung dung tiêm thuốc mời Huyền hút, Xuân hết đỗi ngạc nhiên lúc thấy Huyền nhận lời, ngả người sát vào người chàng, gối đầu lên vai chàng, tóc xõa cả lên mặt chàng. Nhưng lúc ấy chàng không thấy trong mạch máu bồng bột khí phách của kẻthắng trận nữa; chàng chỉ thấy trong lòng tê tái nhưkẻ bị thua vì chàng chợt nhận ra Huyền là người cùng nước, và tiếng ca ban nãy là tiếng than của thời đại chàng đương sống. Một nỗi buồn nản mênh mông tràn ngập vào tâm hồn Xuân như nước triều trên bãi biển xa vắng. Xuân lắng tai nghe tiếng sóng vỗ róc rách bên mạn thuyền, chàng tưởng là dư âm của điêu tàn đã hết…”

và rồi, không mấy tế nhị, Xuân
“… không chìmđắm trong sự phân giải đau đớn, chỉ cố xuất tàn lực để thoát khỏi cái khối nặng đương đè nén linh hồn. Xuân phải dùng hết can đảm mới nâng được đầu Huyền đặt lên gối, vùng trở dậy chui ra mũi thuyền.”

Thế nào chăng nữa,đóng góp quan trọng của Hoàng Đạo không phải là ởtiểu thuyết hay truyện ngắn, mà là công việc điều hành tuần báo Phong Hóa với Nhất Linh, cùng những bài luận thuyết ông viết thoạt tiên dưới bút hiệu TứLy, rồi sau trên tuần báo Ngày Nay dưới tên Hoàng Đạo. Ngoài Tứ Ly, hình như ông còn dùng bút hiệu khác như TứLinh; Nguyễn Tường Tam dùng nhiều bút hiệu: Nhất Linh, Nhị Linh, Đông Sơn, Bảo Sơn…

Báo Phong Hóa, cái nôi sinh dưỡng của Tự Lực Văn Đoàn, có một chủ trương rõ rệt. Chủ trương này tất nhiên là kết quả của những suy nghĩ, bàn cãi của nhiều người; tuy vậy HoàngĐạo thường được coi là phát ngôn viên, lý thuyết gia của cả nhóm. Để tóm tắt trong một vài chữ, Phong Hóa muốn “hiện đại hóa” xã hội Việt, từ nhỏ đến nhớn, từ cao đến thấp. Mà hiện đại hóa là gì, nếu không phải là thay thế những nề nếp cũ bằng những vật phẩm mới, mang nhãn hiệu Âu Tây, nhập cảng từcái xã hội đã thành công trong việc chinh phục đất nước mình (khi ấy) đã quá nửa thế kỷ?

Trong Phong Hóa, HoàngĐạo phụ trách ba mục chính: Từ Nhỏ Đến Nhớn bàn vềviệc, Từ Cao Đến Thấp bàn về người và Bàn Ngang nói ngược mà hóa ra xuôi. Ta chép dưới đây ít hàng rải rác trong Phong Hóa dưới ngòi bút của ông, đả phá cái xã hội nho phong với tập tục lễ giáo cổ truyền, những hủ tục của dân quê, không khí buồn thảm chán đời của những người khác.

Nho giáo lung lay sắpđổ, sắp sửa theo mấy nhà thâm nho còn sót lại mà tiêu diệt với thời gian. Còn đạo Lão, đạo Phật chỉ đem lại cho thiếu niên những tư tưởng chán đời, ta không thể nương tựa vào đấy mà sống được.

Ta phải thay thếcái mớ lễ nghi cũ rích nó phân đẳng cấp xằng, nó xướng lên rằng một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, bằng một cái lễ mới. Những điều lễ mới này dạy cho dân quê rằng một người trong làng là một người công dân, có đủ quyền tự do làm một người công dân, dù là một bạch đinh hay là ông Lý ông Chánh, quý hồmình đóng góp đủ sưu thuế cho đúng luật lệ là không ai ức hiếp được mình, chớ không cần phải khoác cái chức nọ chức kia.

Ta phải tìm thấy tinh thần văn minh Thái Tây rồi tự tạo lấy những điều nhu cần cho ta, và muốn thế ta phải dứt bỏ những dây buộc chằng chịt lấy linh hồn ta tức là những tục lệcổ hủ và trí phục tòng của cả một dân tộc.

Ta cần phải hiểu rõ rằng chán nản buồn rầu là một cái hèn nhát không phải là cái cao thượng. Không biết đến sự thật trước mắt chỉ tiếc thương cái đã qua và buồn rầu về những khó khăn cản trở, như vậy là vô ích.

Nền luân lý (cũ)ấy bắt ta phải bái phục lời nói cổ nhân dầu lời nói có sai cũng mặc, không được đem lý luận ra mà bẻbác. Cha mẹ đẻ ra ta thì những câu bảo ban, ta phải cúiđầu vâng theo dù những câu ấy trái với tư tưởng của ta.

Chữ tự do cá nhân là một chữ từ xưa đến nay ta không biết nghĩa là gì. Ngày nay cái óc biết suy xét của ta bắt ta không nhắm mắt như xưa, mà bắt ta đem lẽ phải, lương tri, ra mà suy nghĩ cứu cánh mọi sự ở đời.

Vân vân.

Cách mạng là phá vỡmột trật tự cũ và thay thế vào đó bằng một trật tựmới, hiểu ngầm là tốt đẹp hơn. Hiểu theo nghĩa này, việc làm của Phong Hóa là một cuộc cách mạng, không hơn không kém. Và ta phải nhận rằng trong cuộc cách mạng này, nhóm Phong Hóa rồi tiếp đó Tự Lực Văn Đoàn, nói chung, và Hoàng Đạo, nói riêng, đã thành công có thểgọi là mỹ mãn. Họ đã đem lại cho xã hội và văn học Việt Nam những thay đổi sâu sắc. Tất nhiên, vào thờiấy, muốn cho dân Việt một khi đã “đóng góp đủsưu thuế cho đúng luật lệ là không ai ức hiếp được mình”là điều khó thực hiện, họ sớm nhận thấy cuộc cách mạng “nhung” của họ còn thiếu sót trầm trọng. Họ sẽ phải đi làm cách mạng “nóng”,vì một lẽ rất giản dị là chỉ một chuyện như sưu thuế cũng đủ để đa số dân Việt chịu trăm nghìn khốn khổ.

Cách mạng nào cũng có những cái quá khích, đáng tiếc của nó. Cách mạng Pháp không cần khoa học, à la guillotine, người ta hò hét và, như vậy, Lavoisier, một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của đất nước thời ấy, phải lên đoạn đầu đài. Cách mạng này cũng vậy thôi. Không phải những tập tục, nghi lễ nào của ta cũng đều xấu cả; hơn nữa, một số nghi lễ cầu kỳ – trông ngoài mặt vô ích – chính là cái neo, cái mốc để cho con người thấy có một cái gì chung với nhau, để có thểtìm thấy lại nhau. Vẫn cùng một lý luận, không phải mọi thứ “Thái Tây” đều tốt và thích hợp.

Về luân lý, “Cha mẹ đẻ ra ta thì những câu bảo ban, ta phải cúi đầu vâng theo dù những câu ấy trái với tư tưởng của ta.”Nếu quả thực đạo lý có dạy ta ở một chỗ nàođó như vậy, thì cũng chính đạo lý này dạy ta ở một chỗ khác phải biết mềm dẻo trong cách ứng xử, chuyện Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa (1) là một thí dụ điển hình. Lý luận vừa phải như vậy dễ bị quên mất trong cái ồ ạt của cách mạng.

Để chế diễu hủtục của dân quê, Nhất Linh dưới bút hiệu Đông Sơn phát minh ra Lý Toét, Xã Xệ nổi tiếng một thời, còn Hoàng Đạo thì có anh Ba Ếch, lố bịch hóa hạng người nhà quê một cách tai ác! Nhưng có lẽ những quá đáng, tai ác của Phong Hóa chỉ có mục đích nhấn mạnh, lấyđiểm thôi. Phong Hóa hay chế diễu Tản Đà, nhiều khi cũng rất tệ, nhất là cái tật nát rượu của nhà thơ.Tú Mỡ kể lại:

Một hôm, sau khiđọc bài thơ Giời đầy Nguyễn Khắc Hiếu nhà thơ thânđến tòa soạn, cười ngất phê bình: “Bài thơ thú lắm, nhưng mà xược!” Khái Hưng hỏi: “Thực tình anh có giận chúng tôi không?”Tản Đà cười khà đáp: “Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏnhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nhưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau!”

Từ đó, chúng tôi lại càng quý mến Tản Đà và đi lại cùng nhau thân mật hơn.

Phong Hóa đả đảo chế diễu đủ mọi thứ người: các vị thượng lưu (hay kém thượng lưu hơn) trí thức, dân biểu bù nhìn, quan liêu phong kiến. Hoàng Đạo (Tứ Ly) viết tường thuật Cuộc Chợ Phiên do Phong Hóa tổ chức, có đầy đủnhân vật Lý Toét vàBa Ếch, hay kịch Tuồng Cổ Tân Thời,đăng nhiều kỳ, có đủ mặt chư vị anh hùng. Tuồng CổTân Thời, hồi thứ nhất, cảnh thứ nhất có cảnh sơn trại, với Trại Chủ Hoàng Tăng Bí, Hữu Tham Mưu Nguyễn Khắc Hiếu, Tả Tham Mưu Nguyễn Văn Vĩnh. Trích một đoạn dưới đây:

Hữu Tham Mưu Nguyễn Khắc Hiếu ra:
– Bạch ta nay:
Hường – Tản Đà thi sĩ, Khắc Hiếu nãi danh, làm tham mưu lạm dự chút quyền, chỉ một việc rượu tràn quí tị, thơ sẵn có khối tình bé tí, văn thời nào mộng lớn, mộng con, rượu càng say ngâm giọng càng ròn, tiếng ngông đã vang trời dậy đất.
Ngâm:
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũngđỏ gay ai cười!
Tán – Rứa mà chừ, có tin chủ trại triệu đến trướng tiền, việc dữ lành chưa rõ căn nguyên, mau tới đó cho tường hắc bạch.
Cười nói: khà, khà! Hay chủ trại nhớ tên lính cũ, phố hàng Bông bánđủ hạng văn, mà bây giờ cho uống cho ăn, để cho được say lăn say lóc.
(Tham Mưu Hiếu cầm hũ ra)

Tả Tham Mưu Nguyễn Văn Vĩnh ra bạch:
Người đời thay ý kiến như chong chóng quay, quay thế mà nghĩ cũng hay hay, tít mù tắt hết ngày hết tháng.
Tán – Ta tên Văn Vĩnh, chủ báo Annam, đường văn minh đi bước tiên phong, tư tưởng mới giốc lòng truyền bá.
Thét hường – Rứa mà khi nhàn rỗi, còn thú đánh tổ tôm. Lại giỏi nghềbấm độn cát hung, tìm long mạch cùng là xem số, quyếtđem tài thi thố mà phò chủ trại Hoàng. Theo phương trâm“quốc túy bảo tồn,” cho thiên hạ biết ta thủ cựu.
(Tả Tham Mưu Vĩnh cầm quyển Niên Lịch Thông Thư ra.)
Hai tham mưu chõ vào chủ trại Hoàng cùng nói:
Hường – Dám bẩmđại nhân có lệnh, bản chức vô hầu.
Chủ Trại nói: thỉnh nhị tham mưu an vị.
Khen – Hảo a! khá khen cho hữu tham mưu: hay mộng, hay mị, biết uống, biết say; khá khen cho tả tham mưu: biết thế, biết thời, hay nhâm, hay bói.
Tán – Nhân hôm nay có điều rắc rối, thỉnh tham mưu lai đáo luận bàn. Số là ít lâu nay trên chốn văn đàn, có chú Phong Hóađầu còn xanh tuổi trẻ, mới ra đời được 20 tuần có lẻ, đã chơi trèo khiếm lễ với đàn anh. Hai tham mưu đã rõ sự tình, âu ta phải tìm phương triệt hạ.
Hay cho thằng Phong Hóa khéo cợt cợt, cười cười, đem cái vui mua lấy lòng người, cũng vì thế mỗi ngày mỗi tiến. Nếu chẳng triệt sau này sinh biến, còn đâu là mỹ tục thuần phong, còn đâu là cha cha, con con, vợ vợ, chồng chồng, còn đâu là lễ lễ, nghĩa nghĩa, trung trung, tín tín, háđể cho nước đến chân mới nhảy, cờ đến tay ta phải phất ngay, phiền tham mưu tìm lấy mẹo hay, phá được Phong Hóa mỗ đây trọng thưởng.

Cũng chỉ vui đùa lành mạnh thôi, không có gì ác độc. Phong Hóa trêu chọcđến độ cụ Nguyễn Văn Tố phải cắt bỏ búi tó, TảnĐà bớt ngông nhưng không bỏ rượu, Hoàng Tăng Bí thôi Trung Bắc Tân Văn, Nguyễn Văn Vĩnh đình Niên Lịch Thông Thư. Truyện Hậu Tây Du với những nhân vật mới trong triều đình Huế như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, v.v…phò Hoàng Đế Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương sang Tây, nguy hiểm hơn nhưng rồi cũng qua. Đến khi Phong Hóađụng tới Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu với loạt bài Đi Xem Mũ Cánh Chuồn thì báo đã đến ngày tới số. Báo bị đóng cửa ba tháng rồi đến đầu năm 1936 thì bị đóng cửa vĩnh viễn.

Báo Ngày Nay xuất bản song song với Phong Hóa cả năm trước đó, bây giờ tiếp tay, cẩn thận khôn ngoan hơn. Cái cười trong Ngày Nay nay chỉ còn là cái “Cười Nửa Miệng.” Và theo Tú Mỡ:“Ngày Nay là hình ảnh trung thực của tâm trí mọi tầng lớp bình dân trong nước, là người bạn tri kỷ, vui vẻkhuyên nhủ mọi người, mách bảo những sáng kiến hay, cần thiết cho cuộc đời mới.”

Năm 1936, chính phủbình dân lên cầm quyền tại Pháp, chính phủ thực dân thuộc địa bắt buộc phải nới tay, Ngày Nay viết mạnh bạo hơn. Hoàng Đạo viết một số bài in trên Ngày Nayđược gom lại in thành tập Mười Điều Tâm Niệm. MườiĐiều Tâm Niệm đúc kết nhiều ý tưởng đã từng được phổ biến trong Phong Hóa và thêm vào đó một vài điều mới, mục đích kết hợp thanh niên cho một cuộc cách mạng tương lai:

    Theo mới, hoàn toàn theo mới: bỏ văn hóa cũ, theo văn hóa Tây Phương;
    Tin ở sự tiến bộ một ngày có thể một hơn;
    Sống theo một lý tưởng;
    Bỏ óc vị kỷ, làm việc xã hội;
    Luyện tính khí để giữ vững nhân phẩm;
    Phụ nữ phải ra ngoài xã hội, bình đẳng với nam giới về quyền lợi và nghĩa vụ;
    Luyện lấy bộ óc khoa học;
    Lập sự nghiệp, bỏ óc hư chuộng công danh;
    Luyện thân thể cường tráng;
    Học trí xếp đặt và tổ chức của Thái Tây, bài trừ thói luộm thuộm cẩu thả.

Với ngòi bút sắc bén, Hoàng Đạo viết về những vấn đề chính trị và xã hội, vạch trần những thối nát của chế độ phong kiến. Ông viết về tự do nghiệp đoàn, báo chí, về đời sống dân quê trong Bùn Lầy Nước Đọng, và về công bằng và luật pháp trong Trước Vành Móng Ngựa.

Để kết luận, trong cuộc cách mạng không đổ máu này, Phong Hóa đã thành công rực rỡ. Không những bằng tiếng cười, mà bằng thơ, bằng tiểu thuyết, bằng những sáng tác văn nghệPhong Hóa đã đi sâu vào tâm hồn, thay đổi cách nhìn, cảm nghĩ của cả một thế hệ độc giả.

Năm 1940, nhóm ngừng hoạt động, đi làm cách mạng chính trị. Bị săn bắt, Nhất Linh chạy thoát sang Tàu. Hoàng Đạo, Khái Hưng ởnhà bị bắt giam ở Vụ Bản.

Thời đại Phong Hóa

Báo Phong Hóa nguyên là của mấy vị giáo sư trường tư thục Thăng Long, rađời năm 1932, với ông Phạm Hữu Ninh, người sáng lập trường Thăng Long làm quản lý, Nguyễn Xuân Mai giám đốc chính trị và Trần Khánh Giư (Khái Hưng), giáo sư Thăng Long, làm chủ bút. Lúc đầu, Phong Hóa rất được chú ý nhưng có lẽ vì thái độ chung chung, thiếu mạnh dạn khiến cho báo mất độc giả, sống dở chết dở, đếnđộ sắp phải đình bản.

Năm 1930, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), mới 24 tuổi, từ Pháp trở về nước, trong đầu là cả một chân trời mới, ý tưởng mới muốn thay đổi hẳn những quan niệm về xã hội và văn chương đất Việt. Để thực hiện được cuộc cách mạng xã hội này, ta khó có thể tìm được người có khả năng hơn Nhất Linh. Ông là một người có tài tổchức, có con mắt nhìn người rất tinh và nhất là học rộng, biết nhiều, tài hoa, nghệ sĩ: năm 1925, vào học trường thuốc, bỏ trường thuốc vào học trường CaoĐẳng Mỹ Thuật, rồi đến năm 1927 xin đi Tây học, sau hai năm, đỗ cử nhân Khoa Học.

Về nước, Nhất Linh xin phép làm báo Cười, nhưng mãi mãi không được. Người ta có lý do để không sốt sắng lắm với một ông đi Tây về, đã hấp thụ đủ không khí tự do dân chủ của mẫu quốc, và ông này muốn làm báo Cười! Ông đề nghịvới ông Ninh và ông Mai mua lại Phong Hóa, nhượng cho mình làm chủ bút. Mọi người đều có lợi: Phong Hóa không bị đình bản, ông Ninh ông Mai vẫn giữ nguyên chức, có lương tháng và Nhất Linh có báo. Phụ trách đắc lực, trông coi báo cùng ông có Hoàng Đạo và đám anh em trong nhà: Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách; bên ngoài có Tú Mỡ, Khái Hưng, Thế Lữ và đám họa sĩ tài ba bên trường Mỹ Thuật.

Báo Phong Hóa, từnhiều số trước, đã quảng cáo ở trang nhất, ngày thứnăm 22 Sept. 1932, báo Phong Hóa sẽ ra số mới, từ 9 đến 12 trang, mỗi số 7 xu! Phong Hóa số mới và số cũ khác nhau thế nào? Ngày thứ năm 22 Sept. 1932, Phong Hóa số 14đổi mới ra mắt độc giả, như một trái bom. Tờ báo không còn đen ngòm từ đầu đến cuối như tờ báo hàn lâm Nam Phong. Phong Hóa đã mang lại một món quà mà độc giả Việt chưa bao giờ được thưởng thức – cái cười– với những mẩu chuyện, bài vở (Phan Khôi có cả một bài bàn về “Cái địa vị khôi hài trên đàn văn”;bài “Tình Già” của ông cũng được đăng lần đầu tiên trong Phong Hóa), rải rác trên trang Phong Hóa có những biếm họa, hí họa duyên dáng, mỹ thuật, rất nhiều vẽbởi chính Nhất Linh (Đông Sơn), một ít vẽ bởi HoàngĐạo (Tứ Ly).

Phong Hóa thành công nhanh chóng về mọi phương diện. Báo phát hành mỗi kỳtăng vọt từ 3000 đến 10000, một con số khổng lồ trong làng báo Việt. Một năm sau khi Phong Hóa ra đời, Tự Lực Văn Đoàn được tuyên bố thành lập, và rồi để kỷniệm ba năm ngày báo ra đời, Hoàng Đạo có thể hoan hỉviết:

Ba năm qua… Sựthay đổi của phong tục, tuy chưa rõ rệt; nhưng sự thayđổi linh hồn của dân ta đã ngấm ngầm, từ tốn mà tiến hành, không có sức mạnh nào ngăn lại được nữa…

Đọc lại Phong Hóa, một tờ báo có ảnh hưởng lớn trong xã hội và văn chương Việt, người đọc có cảm giác là lạ của khán giả đang xem một tấn tuồng, rất gần mà cũng rất xa. Có lẽ đây là một xã hội giả tưởng Paradiso trong Divine Comedy của Dante, trong đó các diễn viên, les indigènes, sống có vẻ thanh bình sung sướng, đi chơi Hội Tây Cát-tó (2), vui cười xem trò “liếm chảo”hay “câu xu”; nhưng người ta cũng biết tai vạ không xa vì thỉnh thoảng báo lại loan tin mấy người cách mạng bị chém đầu.

Thời đại Phong Hóa là một thời đại phức tạp, cả nước hãy còn bàng hoàng, bất an về những khủng bố của chính quyền thuộcđịa đầu thập niên 1930. Đó là cái thời mà dân bản xứ được ru ngủ bằng những chợ phiên, những cuộcđua thể thao… đang mọc lên như nấm. Sản phẩm thặng dư của thời đại là công tử Hà Nội, ăn mặc đúng mốt Paris, lăng xăng đi lại trong chợ phiên, tay cầm yoyo hoặc ném confetti lên đầu các cô “tân thời”. Nếu các cô tân thời có tình cờ mặc áo dài Lemur của họa sĩ Cát Tường của Phong Hóa thì ta cũng không nên trách Phong Hóa hay nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã bày đầu cho họ.Trước những cảnh lố lăng đó, các cụ ta cảm thấy bất an là phải, không hiểu rằng đó là những sản phẩm thặng dư của thời đại không thể tránh được, thời nào cũng có.
(Nguyễn Mạnh Tường)

Thờiđại Phong Hóa được hưởng trực tiếp kết quả của chính sách khôn ngoan của quan toàn quyền trứ danh Sa-Lộ(Albert Sarraut), ru ngủ được dân An Nam suốt thời kỳchiến tranh Pháp-Đức, hứa hẹn khai hóa, mở mang đại học cho thanh niên có hy vọng mà chờ. “Sa-Lộ đại nhân” được tán tụng như một ân nhân của nước Việt qua bài diễn văn nổi tiếng ông đọc ở Văn Miếu Hà Nội, sau này thường được gọi là “Le grand discours de la Pagode des corbeaux.” Dù sao, ta phải lương thiện nhận rằng những Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long… có điều kiện được đi học dễdàng hơn cũng là nhờ ở ông. Từ Pháp về, có những ông không có bằng cấp gì để khoe nên chỉ tự giới thiệu một cách giản dị: “Mr un tel, retour de France,” nhưng cũng có không thiếu những ông hai ba bằng mà ông Nghè Tường là một.

Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường 22 tuổi về nước với hai bằng tiến sĩ (ở đâuđó trong Phong Hóa, Nhất Linh cẩn thận cắt nghĩa sựkhác nhau giữa tiến sĩ quốc gia – docteur d’état và tiến sĩ đại học – docteur d’université rồi ông bỏlửng ở đó!) Cả nước hoan hỉ. Ông Nghè Tường TrảLời… trong Phong Hóa câu hỏi về văn học; ở bậc cao hơn, ông muốn xây dựng cả nền văn chương Việt bằng“những tảng đá chở từ Pháp về.”

Đọc Phong Hóa, ta gặp lại hầu hết những bộ mặt quen thuộc tượng trưng một thời đại, những nhà trí thức lớn mà con số có lẽchiếm không đầy một phần trăm dân số cả nước. Tuần nào ta cũng gặp lại một vài vị như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Khắc Hiếu... người nào Phong Hóa cũng tìm được một điều gì để nói. Tản Đà được Phong Hóa đặc biệt chiếu cố; hí họa kèm ở đây vẽ bởi chính Hoàng Đạo, giễu Tản Đà đang dạy làm thơ, “khó gì đâu, tửu nhập thi xuất!” người đứng vỗ tay trông hao hao giống Nhất Linh.

Sau này có tác giảphê bình tác dụng của Phong Hóa và nhóm Tự Lực VănĐoàn là ru ngủ quần chúng, gián tiếp giúp chính quyềnđế quốc; có lẽ các vị này viết theo một định kiến, do đấy, phiến diện và không công bình. Đọc Phong Hóa, quả thực ta thấy một thời đại thanh bình nhưng cũngđồng thời cảm thấy nó ngụy trang những chống đối thụ động, những sôi sục bị đè nén chờ ngày bột phát. Ngày ấy đến vào cuối thập niên khi những người sáng lập nó: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo… lặng lẽra đi!

Hoạt động chính trị

Nếu cần có một cái mốc để đánh dấu ngày chính quyền thực dân Pháp bắtđầu một cuộc khủng bố trắng trên dân Việt Nam thì ta không thiếu gì chọn lựa. Và một trong những ngày ta có thể chọn mà không sợ sai lầm là ngày 17 tháng 6 năm 1930. Vào ngày ấy, lúc 5 giờ 35 phút sáng, viên Công SứDe Bottini vẫy tay lần thứ 13, ra lệnh cho lưỡi dao máy chém rơi xuống và đầu nhà cách mạng Nguyễn Thái Học rơi khi ông chưa kịp hô xong khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm!”

Hàng ngàn người chết, bị chém giết, tù đầy; phong trào cách mạng trong nước gần như hoàn toàn tê liệt. Trong thời gian này, bắt đầu từ năm 1932, Hoàng Đạo cùng Nhất Linh viết và điều khiển tuần báo Phong Hóa. Đọc lại Phong Hóa, cứ vài số lại thấy vài dòng chữ nhỏ đưa tin năm ba người bị xử chém ở tỉnh này hay tỉnh khác. Trong hoàn cảnh này, những hoạt động chính trị công khai của Hoàng Đạo giới hạn trong việc viết báo. Những hoạtđộng chính trị khác, nếu có, tất nhiên phải rất kínđáo, bí mật.

Phải chờ đến năm 1936, khi Mặt Trận Bình Dân lên nắm chính quyền ở bên Pháp với lãnh tụ đảng xã hội Léon Blum làm thủ tướng, không khí ở các thuộc địa mới dễ thở hơn. Các đảng cách mạng cũ như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đông Dương Cộng Sản Đảng, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội bắtđầu hoạt động trở lại. Một vài đảng cách mạng mới như Đại Việt Quốc Xã Đảng, Đại Việt Quốc DânĐảng, Đại Việt Dân Chính Đảng, Đại Việt Duy DânĐảng cùng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh) ra đời, họat động ráo riết. Đại Việt Dân ChínhĐảng được thành lập bởi Nhất Linh cùng một số đồng chí của ông. Hoàng Đạo được cử làm Tổng Thư Ký.

Chính phủ của ThủTướng Léon Blum không sống lâu, được chừng một năm. Ông Chautemps lên thay thế, nhưng cũng chỉ thọ được vài tháng, cho đến tháng 3 năm 1938. Những cuộc đàn áp, bắt bớ bắt đầu trở lại. Cũng vậy thôi, vì ngay cả khi chính phủ Blum mạnh nhất cũng không hoàn toàn vượt quađược bức tường chống đối của phủ Toàn Quyền Đông Dương. Đại Việt Dân Chính Đảng bị khám phá và đàn áp. Rồi tiếp đến việc quân đội Nhật vượt biên giới Việt-Trung tại Lạng Sơn, tiến vào Đông Dương tháng 9 năm 1940. Để đề phòng sự chống đối trong khi có mặt quân đội Nhật, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh bắt giữ một số đông những chính khách và những nhà cách mạng Việt Nam, tập trung tại Sơn La và Vụ Bản, Hòa Bình.

Bên Trung Quốc, Nhất Linh cố tổ chức thống nhất ba đảng Đại Việt Quốc Xã Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân ChínhĐảng. Vài buổi họp với các ông Nguyễn Tiến Hỷ, VũHồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Vũ Quang Phẩm đưa đến sựthống nhất trên nguyên tắc như sau: “Ở hải ngoại thì lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng vì ngoại quốc biết nhiều hơn. Còn ở trong nước thì lấy tên là Đại Việt Dân Chính Đảng. Các điều khác sẽ bàn sau.”

Năm 1941, Hoàng Đạo cùng nhiều đồng chí khác bị bắt an trí ở Vụ Bản, Hòa Bình. Cho mãi đến cuối năm 1942, đầu năm 1943 chính quyền Pháp mới dần dần trả tự do cho các phần tửcách mạng VN. Họ bắt đầu hoạt động trở lại.

Để che đỡ cho nhữngđảng viên khác, một số nhân vật có tên tuổi nhưNguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Hữu Đạt, Ngô Thúc Địch và Nhượng Tống công khai lập Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng, có trụ sở ở phố Trường Thi, Hà Nội. Tân VNQDĐ đứng ra liên minh với các đảng bạn đểthành lập Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh vàođầu năm 1944 với mục đích là “thân Nhật để hạPháp” (theo Hoàng Văn Đào – Việt Nam Quốc Dân Đảng). Ban Chấp Hành Trung Ương của Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh gồm có Nguyễn Xuân Tiếu làm chủ tịch với các thành viên Hoàng Đạo, Trương Tử Anh, Ngô Thúc Địch, Nhượng Tống…

Tình hình thế giới thay đổi. Tháng 10 năm 1943, Tướng MacArthur bắt đầu đổbộ lên Phi Luật Tân. Và rồi rất có thể quân độiĐồng Minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương, khi ấy quân đội Thiên Hoàng sẽ phải đối phó cả hai mặt, trong và ngoài. Tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật tấn công bất ngờ các đồn binh Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Không đầy 24 tiếng đồng hồ, ngoại trừ một số quân lính gần biên giới trốn thoát sang lãnh thổTrung Hoa, quân đội Nhật làm chủ tình hình, đã bắt giam các tướng lãnh cùng tất cả những bộ phận cai trịcủa Pháp. Tổng Tư Lệnh quân đội Nhật tại Đông Dương tuyên bố: “Chính phủ Đông Kinh long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng lập khối thịnh vượng chungĐại Á Tế Á.”

Kể từ ngày này, Việt Nam như trong cơn gió lốc. Việt Nam độc lập trong khối thịnh vượng chung Đại Á Tế Á? Để có một nhậnđịnh sáng suốt hơn, ta hãy đọc một câu chuyện nhỏtrong cuốn Hồi Ký của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ.

“Một nhà lão cách mệnh trong Nam, bị chính quyền Pháp truy tầm, đến một căn cứ Nhật ở Tân Sơn Nhất xin trú ẩn. Viên Đại Tá Nhật vui lòng nhận cho ở đỡ mấy ngày và nói:

- Với tôi, ông xưng là một nhà ái quốc không sao. Nhưng tôi khuyên ông, khiđến trú ẩn sau này, ở nơi người Nhật khác, ông đừng giới thiệu ông là một nhân vật cách mệnh. Thực dân Tây, Đông đều như nhau. Người Nhật, trong thâm tâm, không quý trọng những nhà ái quốc Việt Nam như ông tưởng đâu.”

Thực dân Tây, Đôngđều như nhau! Một ủy ban chính trị Bắc Kỳ được thành lập dưới sự lãnh đạo của Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh để liên lạc với giới quân sự Nhật. Nhưng người Nhật không muốn làm đảo lộn guồng máy cai trị trong lúc chiến tranh bước vào giai đoạn quyết liệt, đã quyết định giữ lại vai trò của Hoàng ĐếBảo Đại. Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh tuyên bố rút lui và giải tán ủy ban chính trị Bắc Kỳ.

Ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20 (11 tháng 3 năm 1945), Viện Cơ Mật thừa lệnh Hoàng Đế Bảo Đại tuyên cáo độc lập, hủy bỏ tất cả những hiệp ước đã ký với nước Pháp. Ngày 17 tháng 4, Hoàng Đế Bảo Đại yêu cầu học giảTrần Trọng Kim lập tân Nội Các. Nội Các Trần Trọng Kim không có chính trị gia, gồm toàn những nhân vật trí thức tận tụy với chức nghiệp, đặc sắc ở một điểm là không có Bộ Quốc Phòng (3) và cũng rất đặc sắc là dù đời sống của nó ngắn ngủi (chừng bốn tháng), trong một hoàn cảnh rất khó khăn, dưới sự lãnhđạo của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã thiết lập được nền tảng cho nền giáo dục của Việt Nam ở bậc trung học.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Nhật sửa soạn đầu hàng khiến cho tình thế hoàn toàn thay đổi. Ngày 7 tháng 8, Nội Các Trần Trọng Kim đệ đơn lên Hoàng Đế Bảo Đại xin từ chức. Nhà vua chấp thuận nhưng lưu lại với tư cách xử lý thường vụ. Trong tình trạng này, Triều Đình Huế gửi điện văn ra Bắc mời vào Huế ba nhân vật là BS Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và Đặng Thái Mai. Nguyễn Tường Longđang mắc bệnh thương hàn, phải nằm điều trị tại một bệnh viện, BS Chữ có đến thăm; còn Đặng Thái Mai thì tìm không thấy.

Chưa quyết định đi thì GS Hoàng Xuân Hãn được cử làm đặc phái viên của chính phủ, đã từ Huế ra Bắc với quyền thay mặt ThủTướng giải quyết tại chỗ những vấn đề khẩn cấp. GS Hãn quyết định sự có mặt tại Hà Nội của BS Chữlà cần thiết, bèn đề nghị Thủ Tướng điện ra một sắc lệnh thiết lập một cơ cấu chính trị gọi là Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc gồm năm ủy viên: một chủ tịch là BS Nguyễn Xuân Chữ và bốn thành viên là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Đặng Thái Mai và Nguyễn Tường Long.

Tình hình rất rối ren. Không có sắc lệnh riêng về Khâm Sai Phan Kế Toại. Có thể chức Khâm Sai không còn nữa vì Phan Kế Toại đãở trong Ủy Ban Chính Trị? Có thể chức Khâm Sai vẫn còn và đặt dưới quyền Ủy Ban? Và cũng có thể Ủy Ban đặt bên chức Khâm Sai để trợ lực? Thêm vào đó, trong năm thành viên của Ủy Ban thì Nguyễn Tường Long còn ốm,Đặng Thái Mai chưa hề có mặt; còn lại ba, thì Phan KếToại vắng mặt ngay hôm sau ngày có sắc lệnh thiết lậpỦy Ban, Trần Văn Lai, thị trưởng thành phố Hà Nội, công việc nơi Tòa Thị Chính đã chiếm hết thời giờ.Còn lại một mình Bác Sĩ chủ tịch với quyền hạn không rõ rệt. Dù sao chăng nữa, chức vụ và trách nhiệm cũng chỉ có tính cách hàn lâm vì những biến chuyển chính trị đã đến quá nhanh chóng và đột ngột: Cách Mạng tháng Tám (4) thành công và, trong Huế, HoàngĐế Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và nhận chức CốVấn trong chính phủ lâm thời!

Được tin Nhật sắpđầu hàng Đồng Minh, các đảng phái quốc gia (5)họp khẩn cấp để hoạch định một chương trình hànhđộng. Chiều ngày 11 tháng 8 năm 1945, Ban Chấp Hành Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh họp để quyết định việc cướp chính quyền. Hội nghị chia làm hai phái rõ rệt. Một phái gồm có Trương Tử Anh, Chu Bá Phượng vàđại diện của Nguyễn Tường Long (vẫn ốm, nằm nhà thương) muốn chờ quân đội cách mạng ở Hải Ngoại cùng quân đội Đồng Minh (Tàu) sắp nhập cảnh từ Lào Kai, Lạng Sơn và Móng Cái, rồi sẽ lập chính phủ cóĐồng Minh hậu thuẫn. Còn phái kia, đại biểu là Nguyễn Xuân Tiếu, chủ trương nên dựa thế lực quân đội Nhật cướp chính quyền ngay rồi sẽ lập chính phủ sau.

Ta đã biết những gìđã xảy ra. Ông Hoàng Văn Đào, một trong những đảng viên sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng viết: “Các lãnh tụ các đảng phái quốc gia đã thiếu hẳn về phần thủ đoạn chính trị trong những trường hợp phải áp dụng linh động để đoạt lấy phần thắng lợi về mình.”BS Nguyễn Xuân Chữ (không kể tên) kể lại chuyện hai vị, một là lãnh tụ (Nguyễn Xuân Tiếu) và một phó lãnh tụ một đảng cách mệnh đã từng cộng tác với quân đội Nhật và cộng tác chặt chẽ trong thời kỳ đảo chính, đến ép một cách ngoạn mục ông Khâm Sai Phan Kế Toại từ chức để nhường chỗ cho vị lãnh tụ đảng nhưng không thành công.

Trước việc Mặt Trận Việt Minh đã cướp chính quyền là một sự đã rồi, ba đảng: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng, tái họp đểthi hành việc thống nhất như đã quyết định ở Trùng Khánh hồi tháng 5 năm 1945. Đầu tháng 12 năm 1945, TrungƯơng Đảng Bộ Quốc Dân Đảng được thành lập, gồm hai bộ phận: bí mật và công khai. Bộ chỉ huy tối cao bí mật gồm có Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh). Chủtịch đoàn công khai gồm có một chủ tịch Trương TửAnh, một bí thư trưởng Vũ Hồng Khanh và ba ủy viên: Xuân Tùng, Nguyễn Tường Long và Phạm Khải Hoàn. Sau chủtịch đoàn là một ban Ủy Viên Trung Ương gồm có nhiềuủy viên. Trụ sở công khai của Quốc Dân Đảng đặt tại trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, Hà Nội.

Nhưng cũng như những lần trước, thời cuộc lại bỏ rơi những cố gắng mới. Mặc dù hết sức chống cộng sản, những phần tửquốc gia, trước hiểm họa có thể ảnh hưởng đến sựtồn vong của chính họ, không thể nhắm mắt trước những ngoan cố, dã tâm của thực dân Pháp với sự trợgiúp của thực dân Anh. Ngày 23 tháng 10 năm 1945, một thỏa hiệp được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần. Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Long được mời tham gia chính phủ nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Tình thế cấp bách; điều đình dằng dai mãi, đầu tháng 3 năm 1946, một chính phủ liên hiệp được thành lập với Chủ Tịch Chính Phủ Hồ Chí Minh, Phó Chủ Tịch Nguyễn Hải Thần và Cố Vấn Chính Phủ Vĩnh Thụy (Cựu Hoàng Bảo Đại).

Giữa tháng 3 năm 1946, với sự thỏa thuận của Trung Quốc, quân đội Phápđổ bộ vào Bắc Việt. Nguyễn Tường Tam, Bộ Trưởng Ngoại Giao của chính phủ liên hiệp hướng dẫn pháiđoàn Việt Nam điều đình với Pháp tại Đà Lạt. Hội nghị thất bại. Sẽ còn hội nghị với Pháp nữa đểcứu vãn tình thế, nhưng thực chất là để mua thời giờsửa soạn cho cuộc kháng chiến chống Pháp sắp tới. Chính phủ thành lập Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt để thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Trung Ương của Liên Việt là cụHuỳnh Thúc Kháng, phó chủ tịch Tôn Đức Thắng, bí thưCù Huy Cận với các ủy viên là Trần Huy Liệu, Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tử Hạ và Nguyễn Tường Long.

Đầu tháng 5 năm 1946, quân Tàu của Lư Hán và Tiêu Văn bắt đầu rút lui về Trung Hoa để nhường chỗ cho quân đội Pháp đã đếnđể thay thế từ tháng 3, những người quốc gia mất hếtđiểm tựa. Ông Nguyễn Hải Thần đã bỏ đi Quảng Tây từ cuối tháng 3; Ngoại Trưởng Nguyễn Tường Tam, từchối không hướng dẫn phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị tại Pháp, bỏ sang Vân Nam vào cuối tháng 5; Vũ Hồng Khanh rút về Việt Trì vào thượng tuần tháng 6 rồi sau cũng chạy sang Trung Hoa. Trong hoàn cảnh ấy, Trung ƯơngĐảng Bộ Quốc Dân Đảng được tổ chức lại vào đầu tháng 7, gồm một quyền Tổng Thư Ký và 11 Ủy Viên với Nguyễn Tiến Hỷ quyền Tổng Thư Ký và Hoàng Đạo, một trong những Ủy Viên.

Cuối cùng, cuối năm 1946, Hoàng Đạo cũng chạy sang Côn Minh để tiếp tục hoạt động. Năm 1948, bà Hoàng Đạo từ Hà Nội sang thăm chồng. Cụ Trương Bảo Sơn kể lại chính cụ đã sắp xếp giúp ông bà Hoàng Đạo ở Hương Cảng. Sau khi bà vềnước, Hoàng Đạo đến ở với gia đình cụ, chờ xe lửa về Quảng Châu. Ngày hôm sau, trên đường về, trên chuyến xe lửa Hương Cảng – Quảng Châu, Hoàng Đạo chết bất ngờ vì bệnh đứt mạch máu khi đến trấn Thạch Long và đã được thân nhân chôn ở trấn này. Ông mất khi mới 43 tuổi.

Không thành công thì thành nhân

Với câu nói lịch sử ấy của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, Việt Nam lao mình vào cuộc khởi nghĩa đẫm máu vào đầu năm 1930. Không thành công, kết quả là những cuộc khủng bố dai dẳng mãi cho đến ngày Tây thua trận và Việt Nam độc lập. Nhìn lại, câu nói không thể chấp nhận được nhưmột quốc sách, đó là một tiếng kêu tuyệt vọng. Thật vậy, như một đảng chính trị trong một nước bị trị đang trong một cuộc tranh đấu sống còn, cơ cấu tổchức của Việt Nam Quốc Dân Đảng có nhiều thiếu sót trầm trọng, an ninh nội bộ của đảng thủng dột lỗchỗ như một cái sàng. Mật thám Tây xâm nhập, hình nhưbiết khá rõ chương trình hành động của đảng, thỉnh thoảng lại kéo một mẻ lưới, mỗi lần bắt được vài chục đảng viên. Đảng quyết định tiến hành cuộc Tổng Khởi Nghĩa bởi vì, nếu không, chẳng mấy chốcđảng viên sẽ bị bắt hết.

Cũng dễ hiểu thôi. Nếu Việt Nam có một Nguyễn Thái Học thì cũng có không thiếu gì những BS Lê Quang Trinh, những nhà trí thức thứnày ngay cả ngày nay cũng hãy còn hiện hữu, vất vưởng quanh đây. Ông bác sĩ, hội viên Hội Đồng Chính Phủ,đã viết trong báo Le Progrès Annamite ra ngày 20 tháng 7 năm 1929 như sau (dịch theo Hoàng Văn Đào – VNQDĐ):

“Thí dụ có một ngày nước Pháp lấy làm chán những sự oán vọng luôn luôn của mấy tờ báo tự nhận là theo chủ nghĩa quốc gia, mà bỏ chúng ta không bảo hộ cho nữa! Thì sẽ trởra làm sao?”

Ông đưa ra bốn hiểm họa lớn: thứ nhất là Nhật, thứ hai là Tàu. Nhưng hiểm họa lớn thứ ba mới thực là độc đáo hơn hẳn:
“ Nước Xiêm định ý không kém rõ ràng, cũng có thể đem ngay 600 000 quân và một đội phi cơ để tàn phá nước ta. Chúng ta nghĩ tới việc đó không??? (Le Siam, dont les visées ne sont pas moins manifestes, nous envahirait incontinent avec son armé de 600 000 hommes et avec sa flotte aérienne. Qu’aurions-nous à lui opposer? Etre dominés par les Siamois? N’y avons-nous jamais songé???)”

Một câu hỏi với ba dấu hỏi, không kém! Ông bác sĩ quả có tầm mắt nhìn xa vô địch, trông thấu suốt tương lai. Ông chỉ bị hụtở một điểm, ấy là với “600 000 quân và một đội phi cơ” ở trên đất nước thì đến cả nước Pháp cũng không bảo hộ ta được, dân Việt phải tự lực cánh sinh thôi. Etre dominés par les Siamois? “Không, không bao giờ, không thể để cho bọn Xiêm ngự trị tađược,” đó phải là ý nghĩa của câu trả lời của nhà cách mạng họ Nguyễn, qua câu: “không thành công thì thành nhân.” Nhưng hành động để trả lời câu hỏi của ông thì lại trái hẳn với ý định của ông bác sĩ, bất chấp cả cái Hội Đồng Đề Hình khốn kiếp của Tây, một thứ vòng kim cô đáng ghét đang siết chặt trên đầu dân Việt. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học làm bùng cháy ngọn lửa quật cường, yêu nước của dân tộc. Thất bại của ông là một bài học sáng giá cho những người đi sau, vạch rõ đâu là những cạm bẫy phải tránh. Đó là vài lý do tại sao những thành phốViệt Nam ngày nay còn có nhiều đường phố mang tên Nguyễn Thái Học.

Việt Nam Quốc DânĐảng sau Nguyễn Thái Học không còn oanh liệt như xưa, có lẽ tại vì các vị lãnh tụ không đủ tầm cỡ. Đọc lịch sử đảng qua cuốn sách của Hoàng Văn Đào, ngoài 500 trang trong đó gần 200 trang tả lại những đụng độvõ trang lẻ tẻ trong đó bộ đội VNQDĐ chiến đấu anh dũng, gần như bao giờ cũng thắng; vậy mà đến cuối sách thì đảng tự nhiên hầu như biến mất. Đi thêm vào chi tiết sẽ quá xa phạm vi của bài viết. Ta chỉ cần nhìn qua Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc một lần cuối cùng.

Thượng tuần tháng 7 năm 1950, một Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc được triệu tập ở Hà Nội, có mặt hầu hết các yếu nhân VNQDĐ: Vũ Hồng Khanh (lúc này từ bên Tàu đã về Hà Nội), Ngô Thúc Địch… nhưng không có Nhất Linh (ông không làm chính trị nữa), Hoàng Đạo đã mất được hai năm. Hội nghị họp trong bốn ngày, mỗi ngày vắng đi mất một ít đại biểu với Vũ Hồng Khanh vắng mặt ngay ngày thứ nhì. Hội nghị quyết định giữ tên Việt Nam Quốc Dân Đảng thay vì đổi tên thành Quốc Dân Đảng Việt Nam, nhưng đó là một VNQDĐ sứt mẻ, chia bè kéo cánh. Từ đầu năm 1951, VNQDĐ có hai Ban Chấp Hành TrungƯơng Đảng Bộ đối chọi nhau, một phe là Vũ Hồng Khanh và phe kia, Ngô Thúc Địch.

Năm sau, Vũ Hồng Khanh ra làm Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên còn Ngô Thúc Địch thì nhận chức Phó Thủ Tướng trong Chính Phủ Nguyễn Văn Tâm. Những đồng chí của họ phản đối bị mật thám Tây săn bắt. Việc tham chính này không phù hợp vớiđường lối của đảng, nhất là với một nhân vật nhưVũ Hồng Khanh (mới mấy năm trước hãy còn làm Tổng TưLệnh VNQDĐ, chỉ huy đến 10 000 quân), có thể cho thủtiêu không gớm tay một số đảng viên mà ông ta nghi ngờ(nhầm) có ý định hợp tác với cộng sản (“thủtiêu”, chữ dùng của ông Hoàng Văn Đào – VNQDĐ).Nguyễn Văn Tâm là một ông Tây, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Tây đến độ ông Trần Văn Hữu, một ông Tây khác, phải nói: “Tâm là nhà ái quốc, một nhà ái quốc Pháp.” Hơn nữa, Tây 1952 ngoan cố, xảo quyệt không khác Tây 1946 bao nhiêu; vua Bảo Đại, nay là Quốc Trưởng, cũng phải than cho độc lập đến năm lần mà vẫn chưa xong! Vũ Hồng Khanh, Ngô Thúc Địch tất biết rõ nhữngđiều đó. Bị các đồng chí cũ phản đối dữ dội rồi khai trừ, Ngô Thúc Địch cuối cùng từ chức. Sau mấy chục năm làm cách mạng, các vị này đã mỏi gối chồn chân?

Những sự việc trên tương phản, làm nổi bật nhân cách của mấy anh em họNguyễn Tường. Hoàng Đạo đã mất sớm còn Nhất Linh giữ vững lòng trung chính cho đến khi ông chết. Giá trịchính của những hoạt động chính trị của họ là giữcho ngọn lửa yêu nước cháy âm ỷ trong người dân Việt. Thật vậy, đọc qua mấy trang viết về cuộc đời hoạtđộng chính trị của Hoàng Đạo, ta thấy ông ở trong Ủy Ban Trung Ương này, Ban Chấp Hành nọ, toàn là những chức vụ quan trọng cả, nhưng ta vẫn không biết thêm nhiều về ông. Thành công của ông trong cuộc đời cách mạng tương đối giới hạn. Ngày nay, không nhiều người biết Nguyễn Tường Long nhưng, khá chắc chắn, nhiều người biết Hoàng Đạo. Để có một cái nhìn toàn diện, công bình hơn, ta phải đi tìm Hoàng Đạo ở một phương trời khác, văn hóa hơn; ở phương trời này làm cách mạng không nhất thiết phải chém giết thủ tiêu người khác và Nguyễn Tường Long – Tứ Ly – Hoàng Đạo cũng vẫn là một nhà cách mạng!

Oct 2005

Chú thích:

(1) Chuyện Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa, đánh đứt ít rễ bị cha đánh ngất đi rồi vì chuyện đó mà còn bị Khổng Tử mắng nữa. Xem Thày Tăng Sâm - Cổ Học Tinh Hoa, quyển 1.
(2) Hội Tây Cát-tó – quatorze Juillet, ngày kỷ niệm cách mạng Pháp, người ta hay đi xem có trò “liếm chảo” (mò nhữngđồng xu vùi trong bột) hay “câu xu” (người ham mồi nhảy lên đớp, kẻ thả mồi giật lên) hay “leo cột mỡ”.
(3) Từ đây, quốc hiệu là Việt Nam thay cho danh từ An-Nam dưới thời Pháp thuộc. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, quốc kỳ của Việt Nam là cờ quẻ Ly, nền vàng giữa có ba vạch ngang màu đỏ mà vạch giữa đứt đoạn – quẻ Ly trong Kinh Dịch. Quẻ Ly trông giống chữ Vương (王)nhưng không có nét sổ và ở quẻ Ly, nét sổ lại trống không. Nhiều nhà nho cho cờ quẻ Ly là điềm xấu, báo hiệu nền quân chủ sụp đổ. BS Chữ nhận xét một cách khô khan vua không có xương sống lấy gì để chốngđỡ?
(4) Cách Mạng tháng Tám, một số tác giả thấy có nhu cầu phải chính danh, gọi đó là Cướp Chính Quyền. Nếu Việt Nam không bị dính vào chuyện ngoại lai “cộng sản và thế giới tự do,” có lẽ chuyện chính danh này không cần thiết và không xảy ra.
(5) Vì thói quen và cũng vì không có danh từ khác, hai chữ “quốc gia” được dùng để chỉ những tổ chức hay chế độchủ trương việc bảo vệ chủ quyền của một nước,đối lại với “cộng sản,” một tập thể vô tính, khổng lồ duy nhất bao trùm thế giới. Dùng hai chữ quốc gia theo nghĩa này có điều phiền là hai chữ cộng sản mất ý nghĩa. Trong thực tế, ta có Cộng Sản Nga, Cộng Sản Tàu… “quốc gia” hơn bất cứ một nước “quốc gia” nào trên thế giới, với Stalin là Nga Hoàng, Mao Trạch Đông là Tần Thủy Hoàng… của thời đại. Mấy nước cộng sản như Hung, Tiệp giữa thế kỷ thứ 20 chỉlà những quốc gia “quốc gia” quá yếu mà thôi.
GS Hoàng Xuân Hãn có gợi ý này ở đâu đó. GS Lê Xuân Khoa, trong cuốn sách xuất bản mới đây, Việt Nam 1945-1995 (Tập I), cảm thấy cần phải chính danh hai chữ “quốc gia” và ông đã cho một định nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

- Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Đại Nam.
- Nhiều Tác Giả,Nhất Linh – Người Nghệ Sĩ Người Chiến Sĩ, ThếKỷ 2004.
- Tạp chí Phong Hóa(1932-36), Ngày Nay (1935-1939).
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Đại Nam.
- Nguyễn Xuân Chữ,Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ, Văn Hoá 1996.
- Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970.

Switch mode views: