Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Kinh dùng du lịch giúp Bình Nhưỡng lách cấm vận quốc tế

dandong tourism

 



Du khách trên chiếc cầu bắc qua sông Áp Lục (Yalu) nối Bắc Triều Tiên với thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/08/2018. REUTERS/Stringer



Trong thời gian qua, báo chí chính thức của Bắc Triều Tiên liên tiếp đưa tin về những nỗ lực của Bình Nhưỡng trong lãnh vực du lịch, nào là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến khánh thành một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng mới xây dựng (KCNA 09/12/2019), nào là quyết định thành lập một công ty chuyên trách du lịch y tế (Rodong Sinmun 06/12/2019)…

Các thông tin trên cho thấy là Bình Nhưỡng đang thúc đẩy du lịch để khắc phục tác hại đến từ cấm vận quốc tế.

Trong một bài phân tích được tạp chí Pháp Courrier International ngày 12/12 trích dịch, tuần báo Hàn Quốc Sisa In đã nêu bật là trong lãnh vực này, Bắc Kinh đã có một cách giúp đỡ đàn em một cách đắc lực: Khuyến khích người Trung Quốc du lịch Bắc Triều Tiên.

Phải nói là cho đến gần đây, Bình Nhưỡng không mấy quan tâm đến lãnh vực du lịch, mà đặt hy vọng vào khả năng cải thiện quan hệ với Washington, sẽ cho phép họ thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, thất bại của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội cuối tháng Hai 2019 đã khiến chế độ suy nghĩ lại, và du lịch đã được coi là giải pháp duy nhất có thể giúp đất nước vượt khó khăn.

Và đến ngày 12/04, trong bài phát biểu trước Quốc Hội Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un khẳng định không còn quan tâm đến các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, tức là không đặt nặng việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Hệ quả logic của sự chuyển hướng đó là việc tăng cường trở lại quan hệ với Nga và nhất là với Trung Quốc.

Với Nga, đó chủ yếu việc hợp tác quân sự nhằm hiện đại hóa các lực lượng võ trang quy ước để dự phòng cho khả năng phi hạt nhân hóa có thể xảy ra.
Còn với Trung Quốc, chế độ Bắc Triều Tiên chủ yếu tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề kinh tế của mình.

Tập Cận Bình ra lệnh đưa du khách Trung Quốc qua Bắc Triều Tiên

Chuyến thăm Bắc Triều Tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/06 mang một ý nghĩa quyết định đối với hướng ưu tiên cho phát triển du lịch của Bình Nhưỡng.

Là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không thể chính thức giúp đỡ Bình Nhưỡng, vì vậy hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trên phương án phát triển du lịch để cải thiện nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Đây là một giải pháp rất khả thi vì du lịch là ngành đứng ngoài phạm vi đối tượng các lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bắc Triều Tiên, vốn cấm nước này thu ngoại tệ từ các hoạt động xuất khẩu than đá, quặng sắt, hải sản và dệt may.

Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun, ngay khi trở về Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã ra lệnh gửi 5 triệu khách du lịch Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên - 10 triệu theo một chuyên gia Hàn Quốc nghiên cứu kinh tế miền bắc.

Còn theo chính quyền Bắc Kinh, thì riêng năm ngoái 2018, đã có 1,2 triệu người Trung Quốc đến thăm Bắc Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình được cho là đã đưa ra những chỉ dẫn khá cụ thể để thúc giục các quan chức, kể cả các giáo viên mẫu giáo, đi du lịch Bắc Triều Tiên ít nhất một lần.

Du khách Trung Quốc: Mối lợi lớn cho một nước cần ngoại tệ

Nguồn du khách Trung Quốc được cho là có khả năng mang lại cho chế độ Bình Nhưỡng một khoản thu nhập không nhỏ.
Nếu mỗi du khách chi ra 300 đô la, thì con số hơn một triệu du khách Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên năm ngoái đã mang về cho Bình Nhưỡng khoảng 360 triệu đô la.

Phổ biến nhất đối với người Trung Quốc là một tour du lịch Bắc Triều Tiên trong 4 ngày, bao gồm chuyến thăm Bình Nhưỡng, Đài Tưởng Niệm tình hữu nghị Bắc Triều Tiên-Trung Quốc và vùng biên giới Liên Triều.

Chi phí cho mỗi Tour khoảng 2.500 nhân dân tệ (hơn 350 đô la), nhưng cũng có những tuyến du lịch dài ngày hơn, sáu hoặc bảy ngày, bao gồm Bình Nhưỡng, Núi Chilbo ở miền đông bắc, Núi Kumgang, khu Kaesong, gần biên giới Liên Triều và Bàn Môn Điếm.
Cư dân Trung Quốc vùng giáp giới với Bắc Triều Tiên thường lựa chọn một chuyến du lịch ngắn, đôi khi chỉ một ngày.

Ngày nào cũng có hàng đoàn xe ca du lịch băng qua cây cầu lớn bắc ngang sông Áp Lục nối liền thành phố Tập An, tỉnh Cát Lâm, bên Trung Quốc, với thành phố Manpho, bên Bắc Triều Tiên, cũng như qua cầu Đồ Môn, nối Namyang, Bắc Triều Tiên, với thành phố Đồ Môn (Tumen) ở Trung Quốc.
Nửa ngày du lịch ở vùng bên kia biên giới tốn khoảng 500 nhân dân tệ (hơn 70 đô la).

Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở hạ tầng du lịch

Đối với một đất nước vốn khép kín, làn sóng du khách Trung Quốc tràn vào đã lập tức gây nên nhiều vấn đề, nêu bật tình trạng thiếu vắng cơ sở hạ tầng du lịch của Bắc Triều Tiên.

Vào tháng 3 vừa qua, Bình Nhưỡng đã bị buộc phải hạn chế số lượng du khách nước ngoài hàng ngày do tình trạng khách đến từ Trung Quốc tăng mạnh (tăng từ 30% đến 50% so với các năm trước, hoặc 1.800-2.000 mỗi ngày ở Bình Nhưỡng).
Sự tăng trưởng này có thể được giải thích bằng sự cải thiện trong quan hệ giữa hai nước, được cụ thể hóa vào năm ngoái bằng bốn cuộc họp ở cấp cao nhất.

Các khách sạn thường dành cho người nước ngoài không còn đủ và có các thông tin theo đó hình thức phòng trọ ở tư gia, thậm chí mô phỏng công thức Airbnb đã xuất hiện ở Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên đang cố gắng tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng với tình trạng du lịch đại chúng.
Họ sẽ xem xét việc tăng số lượng chuyến bay, vì tuyến hàng không Bình Nhưỡng-Bắc Kinh do hãng Air Koryo của Bắc Triều Tiên và Air China của Trung Quốc khai thác đã bão hòa.

Vấn đề bảo hiểm cũng được đặt ra kể từ khi xảy ra một tai nạn đường bộ khiến hàng chục người Trung Quốc thiệt mạng vào tháng 4 vừa qua.
Theo các thông tin báo chí, sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên ngày 02/09 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dường như đã đề nghị thành lập các chuyến tàu tốc hành giữa Đan Đông (Trung Quốc) và Bình Nhưỡng.

Về phần mình, lo ngại trước khả năng thủ đô Bình Nhưỡng bị tràn ngập, chính quyền Bắc Triều Tiên đang thúc đẩy các tỉnh làm du lịch.
Vào tháng Tư vừa qua, chính quyền trung ương đã quyết định thẩm quyền các cấp địa phương trong lĩnh vực du lịch và các đơn vị này rất tích cực trong việc thu hút du khách Trung Quốc qua việc thành lập các công ty du lịch.

Không cần đến du khách miền Nam ?

Bài viết của tuần báo Hàn Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Theo tác giả bài báo, qua những hành động cụ thể như đến thăm những khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang hay vùng suối nước nóng Yangdock, có lẽ ông Kim Jong Un đang cố tìm cách khai thác tài nguyên du lịch của đất nước ông để chào đón số lượng lớn du khách Trung Quốc.

Khu Sinuiju ở phía tây, ngay bên sông Áp Lục, đối diện với thành phố Trung Quốc Đan Đông, Wonsan, thị trấn ven biển phía đông, núi Chilbosan ở phía bắc và núi Kumgang có thể là những cực mới để thu hút du khách sau Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh đó, việc ông Kim Jong Un ra lệnh phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng do người Hàn Quốc thiết lập tại địa điểm du lịch Núi Kumgang, theo thông tin được công bố trên tờ báo đảng Rodong Sinmun ngày 23/10 vừa qua có vẻ khó hiểu vì đây từng là biểu tượng của hợp tác Liên Triều trong lãnh vực du lịch.

Theo tờ Sisa In, ngoài lý do gây căng thẳng để giành thế thượng phong trong đàm phán tương lai với Seoul và Washington, còn có một lý do rất thực tế: Khó có khả năng Hàn Quốc khỏi động lại các tuyến du lịch đến núi Kumgang, bị gián đoạn từ năm 2008 sau vụ một du khách Hàn Quốc bị một người lính Bắc Triều Tiên hạ sát.


Switch mode views: