Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hùng Vương dựng nước

vn denhung

Một cảnh giỗ tổ Hùng Vương

(Trình bày trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 14-4-2013 tại Mississauga)

Vào ngày 6-12-2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization viết tắt là UNESCO) đã công nhận việc thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ là di sản văn hóa “intangible” của nhân loại. (Intangible Cultural Heritage of Humanity). (<http://www.unesco.org/culture/ich/doc/download.>;..) Trong tiếng Việt, khó chọn từ ngữ tương đương chính xác với chữ “Intangible”. Riêng trường hợp thờ cúng Hùng Vương, chúng ta có thể tạm dịch là “di sản văn hóa tâm linh của nhân loại”.

Đây không phải là lần đầu tiên UNESCO thừa nhận di sản văn hóa “intangible” của người Việt Nam. Trước đây, UNESCO đã thừa nhận 6 di sản Việt Nam là: Nhã nhạc cung đình (2008), Đánh gồng (2008), Hát quan họ (2009), Ca trù (2009), Lễ hội Thánh Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn (2010), Hát xoan ở Phú Thọ (2011). (Nguồn: Google: Representative List of the Intangible Cultural Heritage of Humanity.) Như thế, trước sau, UNESCO thừa nhận Việt Nam có 7 di sản “intangible” về văn hóa.

Trở lại với triều đại Hùng Vương, tục truyền rằng triều đại Hùng Vương là triều đại lập quốc của người Việt chúng ta. Khi đến thăm Đền Hùng ở Phú Thọ ngày 19-9-1954, Hồ Chí Minh (HCM) đã nói với một số bộ đội Việt Minh thuộc Đại đoàn Tiên phong rằng: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…” Hãy đi vào các sự kiện lịch sử để thấy rõ là HCM và con cháu của ông trong đảng CSVN đã giữ nước hay chỉ là một phường bán nước. Để dễ theo dõi, bài nầy xin gọi chung danh tính HCM, dầu HCM nhiều lần thay đổi tên họ trong cuộc đời của ông ta.

Xin hãy bắt đầu từ đầu. Hồ Chí Minh từ Sài Gòn đến Marseille (Pháp) ngày 6-7-1911. Hai tháng sau, ông viết tay hai lá đơn đề ngày 15-9-1911, có nội dung giống nhau; một gởi cho tổng thống Pháp, một gởi cho bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp, xin vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris. Rất tiếc, đơn của HCM bị từ chối. Nếu không, ông trở thành quan thuộc địa của Pháp, bảo vệ Việt Nam cho Pháp và khỏi có HCM cộng sản sau nầy.

Năm 1920, HCM gia nhập đảng Xã Hội Pháp. Tại Hội nghị Tours của đảng Xã hội Pháp từ 26 đến 31-12-1920, HCM vào nhóm bỏ phiếu theo ĐTQTCS. Tháng 10-1922, D. D. Manuilsky, đại diện Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), từ Nga qua Paris dự Đại hội kỳ 2 đảng CS Pháp. Nhân đó Manuilsky tuyển HCM sang Moscow để huấn luyện. Hồ Chí Minh đến Liên Xô vào giữa năm 1923. Vì mới học tới lớp 6 rồi đi làm công nhân tàu thủy, ông không đủ trình độ học vấn và sinh ngữ để học lý thuyết Mác-xít. Ông ta được huấn luyện thành gián điệp hoạt động cho ĐTQTCS. Tận tình phục vụ ĐTQTCS, HCM đã bị chính phụ thân là ông Nguyễn Sinh Sắc rất bực mình “không muốn nghe nói đến “đứa con hư” của mình [...] mà các chủ thuyết chẳng những đả phá uy quyền của nhà vua, mà còn đả phá luôn cả uy quyền của người gia trưởng.” (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ‘ Indochine au Vietnam, Nxb. Gallimard, Paris, 1990, tr. 134.)

Năm 1924, HCM được Liên Xô gởi qua Trung Quốc để hoạt động gián điệp. Việc làm đầu tiên của HCM tại đây, là ông bán tin cho Pháp bắt nhà cách mạng Phan Bội Châu năm 1925, vừa để lấy tiền, vừa triệt tiêu một địch thủ chính trị quan trọng.

Năm 1930, vâng lệnh ĐTQTCS, HCM thành lập đảng CSVN do Trần Phú làm tổng bí thư. Từ đây, đảng CSVN truyền bá chủ nghĩa CS, đánh phá nền văn hóa dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Năm 1945, chiếm được chính quyền ở Bắc Kỳ, đảng CS và tổ chức ngoại vi là Mặt trận Việt Minh mở cuộc giết tiềm lực, tức giết tất cả những ai có tiềm lực chống cộng, tiêu diệt nhân tài, giết hại lãnh đạo các đảng phái quốc gia, trí thức yêu nước, và tất cả những người không theo CS, để tránh hậu họa cho CS. Khi quân Pháp tái chiếm miền Nam và tiến ra Bắc, HCM thỏa hiệp với Pháp và ký kết hai hiệp ước để hợp thức hóa sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam là Thỏa ước Sơ bộ ở Hà Nội ngày 6-3-1946 và Tạm ước (Modus Vivendi) ở Paris ngày 14-9-1946.

Cuối năm 1946, bị Pháp dồn vào thế cùng, HCM kêu gọi kháng chiến chống Pháp để trốn chạy khỏi Hà Nội. Bị Pháp đánh đuổi, HCM qua Liên Xô xin viện trợ đầu năm 1950. Stalin giao HCM cho Mao Trạch Đông. Nhờ viện trợ của Trung Cộng, HCM và Việt Minh, gượng lại được và cũng nhờ Trung Cộng, HCM và Việt Minh mới thành công ở Điện Biên Phủ tháng 5-1954.

Lịch sử cho thấy những nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn chủ trương bành trướng xuống Việt Nam để xuống Đông Nam Á. Nhờ Trung Quốc đánh Pháp không khác gì nhờ một kẻ cướp bắt một tên trộm. Tên trộm bỏ chạy, kẻ cướp chiếm nhà.

Trở lại với vấn đề CSVM. Chiếm được nửa nước Việt Nam, ở phía bắc vĩ tuyến 17, từ năm 1954, HCM và bác cháu ông ta mở cuộc cải tạo Công thương nghiệp ở thành phố, tịch thu tất cả các cơ sở thương mại của tư nhân, tổ chức cải cách ruộng đất ở nông thôn, quốc hữu hóa đất đai và giết hại gần 200,000 thường dân vô tội. Hồ Chí Minh và lãnh đạo CSVN đồng ý cho Phạm Văn Đồng ký quốc thư ngày 14-9-1958 thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Năm 1974, Trung Cộng xâm lăng quần đảo Hoàng Sa, Bắc Việt Nam làm thinh, không dám có ý kiến.

Vì tham vọng thống trị toàn quốc, và thực hiện nhiệm vụ quốc tế đối với Liên Xô và Trung Cộng, Bắc Việt Nam mở cuộc xâm lăng Nam Việt Nam, viện cớ Nam Việt Nam không thi hành hiệp định Genève và viện cớ “chống Mỹ cứu nước”. Thật ra, không có điều khoản nào trong hiệp định Genève nói về việc thống nhất đất nước. Chỉ có điều 7 trong “Bản tuyên bố cuối cùng…” gồm 13 điều, đưa ra đề nghị thống nhất đất nước, nhưng không có ai ký vào bản tuyên bố nầy, nghĩa là bản tuyên bố chỉ có tính cách đề nghị chứ không có tính cách cưỡng hành. Chính người học trò của HCM là Lê Duẫn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, đã nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422; và tiết lộ của Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000, trong cuộc phỏng vấn của BBC ngày 24-1-2013.)

Từ năm 1960, Hồ Chí Minh và đảng CSVN mở cuộc tấn công miền Nam, “tiêu máu của dân, như tiêu giấy bạc giả” (thơ Phùng Quán). Hàng triệu người đã bị chết một cách phi lý vì tham vọng của HCM và tập đoàn lãnh đạo đảng CS. Trước khi HCM qua đời (1969), CSVN đã mở cuộc tổng tấn công năm 1968 (Mậu Thân), giết hại và chôn sống tập thể hàng ngàn người ở miền Nam và đặc biệt ở Huế.

Nhờ viện trợ liên tục của Liên Xô và Trung Cộng, trong khi Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu năm 1972, Bắc Việt Nam thành công năm 1975. Sau đó, CSVN tái diễn trò cướp bóc ở Nam Việt Nam, quốc hữu hóa đất đai, tịch thu tất cả các cơ sở thương mại tư nhân, đẩy hàng triệu dân đi kinh tế mới ở vùng đất hoang vu để cướp nhà cửa của dân chúng ở thành phố và nhất là bắt giam không tuyên án, không thời hạn, hàng triệu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trên những vùng rừng thiêng nước độc, trong những trại tập trung gọi là “học tập cải tạo”. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, tạo thành phong trào vượt biên lớn lao nhất thế giới.

Khi Liên Xô sụp đổ, CSVN mất chỗ dựa, liền quay trở lại nhờ cậy Trung Cộng. Lãnh đạo CSVN sang Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), họp với lãnh đạo cộng sản Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4-9-1990, ký kết mật ước gọi là bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, thực chất là lãnh đạo CSVN đầu hàng đảng CS Trung Quốc. Cần chú ý là mật ước được ký kết giữa đại diện hai đảng CS chứ không phải đại diện hai quốc gia, nên không có sự phê chuẩn của hai quốc hội.

Có thể do thi hành mật ước Thành đô, CSVN ký với Trung Cộng hai hiệp ước ô nhục là Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc ngày 30-12-1999 (mất ải Nam Quan và một nửa thác Bản Giốc), và Hiệp ước phân định lãnh hải ngày 25-12-2000 (mất 8% diện tích Vịnh Bắc Việt, tức khoảng 10,000 Km2 mặt biển).

Cho đến nay, Trung Quốc tiếp tục đe dọa Việt Nam, xâm lăng Việt Nam theo thế tằm ăn dâu, bắn giết ngư dân Việt Nam. Dân chúng Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc, liền bị CSVN đàn áp và bắt giam. Gần đây nhất, nhà cầm quyền CSVN in cờ Trung Quốc trong sách giáo khoa tiểu học và nghiêm trọng nhất là ngày 29-3-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo sẽ không thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sắp tới.(VNEXPRESS ngày 7-4-2013). Lịch sử Việt Nam là lịch sử chiến đấu sống còn chống lại những cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Cộng sản VN sợ mất lòng CSTQ nên bỏ luôn kỳ thi môn lịch sử. Một dân tộc không có lịch sử rồi đây sẽ như thế nào?

Tóm lại, từ năm 1930 cho đến nay, Hồ Chí Minh và đảng CSVN luôn luôn phản quốc và bán nước chứ chẳng giữ nước gì cả. Quốc thư ngày 14-9-1958 là hành động phản quốc tồi tệ nhất từ xưa cho đến nay trong lịch sử Việt Nam. Trước đây, dầu Pháp bảo hộ nước ta, người Pháp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và vịnh Bắc Việt. Trong khi đó, CSVN ký hiệp ước nhượng đất nhượng biển cho Trung Quốc.

Đảng CSVN còn áp đặt mật ước Thành Đô (1990) theo đó đảng CSVN đầu hàng đảng CS Trung Quốc lên dân tộc Việt Nam, khiến dân tộc Việt Nam phải gánh chịu hậu quả sự đầu hàng của đảng CSVN. Vì vậy, mới có những hiệp ước mất đất, mất rừng, mất biển, mất tài nguyên thiên nhiên.

Người Việt chúng ta muốn giữ nước, chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc, thì trước hết phải dẹp bỏ kẻ trung gian cò mồi, rước voi về giày mồ chính là đảng CSVN. Phải loại bỏ cái đảng đã ký mật ước Thành Đô, mới xóa bỏ được mật ước tay đôi giữa hai đảng CSVN và đảng CSTQ, và đặt lại việc đòi đất, đòi biển, đòi đảo.

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, xin mọi người hãy tâm nguyện cố gắng xứng đáng với công ơn mở nước của triều đại các Vua Hùng xưa kia. Ở Hải ngoại, chúng ta hãy cố gắng yểm trợ tối đa về tinh thần và vật chất cho những nhà hoạt động dân chủ trong nước, để các phong trào tranh đấu đòi hỏi dân chủ ở trong nước chóng thành công. Lịch sử Việt Nam cho thấy chỉ có dân tộc Việt Nam mới thực sự yêu nước, giữ nước Việt Nam, chứ không phải những thứ tay sai ngoại bang như đảng CSVN.

(Mississauga, ngày 14-4-2013)
© Trần Gia Phụng

© Đàn Chim Việt

Switch mode views: