Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những Bảo Đảm Của Nghi Can - PHẦN THỨ NHÌ

Phần thứ hai

 

QUYỀN AN TOÀN CÁ NHÂN CỦA NGHI CAN


103 Một chế độ dân chủ pháp trị chỉ thực sự bền vững nếu chính quyền biết tôn trọng và bảo vệ quyền an tòan cá nhân của dân chúng.

Danh từ “An toàn cá nhân” đã được điều 7 Hiến Pháp dùng để chỉ các bảo đảm dành cho người bị bắt giữ, truy tố và xét xử trước Tòa án. Theo Luật sư TRƯƠNG TIẾN ĐẠT (1) việc phân biệt quyền an toàn cá nhân với quyền biện hộ không được chính xác lắm, vì “quyền biện hộ chỉ là một quyền phụ thuộc nằm trong quyền an toan cá nhân”. Ông nguyên Tổng Thư Ký Quốc Hội Lập Hiến cho rằng “đây chính là quyền an tòan nhân thân hay bản thân”.

Tuy nhiên, chúng tôi quan niệm rằng sở dĩ Hiến Pháp đã tách rời quyền biện hộ khỏi quyền an tòan cá nhân, vì muốn đề cao quyền này và đặt ngang hàng với quyền truy tố. Ngoài ra, quyền an tòan nhân thân hay bản thân chỉ diễn tả ý niệm chống đối của người dân trước sự bắt bớ, giam cầm oan ức. Trong khi quyền an tòan cá nhân có một phạm vi bao quát trên tòan thể con người kể cả tài sản của người đó.

Đàng khác, an toàn cá nhân khác với an tòan pháp lý và an toàn cá nhân dựa trên yếu tố nhân bản, trong khi an toàn pháp lý là “sự yên ổn do luật pháp mang lại, nhờ luật pháp mà có. Biết trước được rằng hễ hành động hợp pháp thì không bị xâm phạm đến tự do, tổn thương đến quyền lợi; biết trước được rằng hễ hành động bất hợp pháp sẽ chịu hậu quả như thế nào, đó là sự an toàn pháp lý”.

“Sự an tòan ấy là điều kiện không có không được cho hạnh phúc con người, phải có sự an toàn ấy mới yên lòng sống được trong hiện tại, yên lòng xây dựng được ngày mai”. (2)

Nói cách cụ thể hơn, quyền an toàn cá nhân có một phạm vi rất rộng rãi vì liên quan đến tinh thần, thể xác, tài sản của mỗi công dân.

Vì vậy, chúng ta sẽ lần lượt xét:

Đoạn 1: Quyền an toàn về tinh thần
Đoạn 2: Quyền an toàn về thể xác
Đoạn 3: Quyền an toàn về tài sản

 

Đoạn 1

QUYỀN AN TOÀN VỀ TINH THẦN


104 Theo triết học, con người được kết thành bởi hai yếu tố: tinh thần và vật chất. Tinh thần thường được các nhà đạo đức coi là quý trọng hơn. (3)

An tòan về tinh thần tức là nhân vị không bị chà đạp. Mọi hình thức cưỡng bách hoặc làm căng thẳng thần kinh trong lúc hỏi cung hoặc dùng máy móc tác động tâm linh, đều bị cấm chỉ. Do đó, cần phải khảo sát các vấn đề sau đây:

Phân đoạn 1: Tôn trọng nhân vị.

Phân đọan 2: Cưỡng bách tinh thần.

Phân đoạn 3: Máy móc tác động tâm linh.


Phân đoạn 1

TÔN TRỌNG NHÂN VỊ


105 Điều 7 khoản 8 Hiến Pháp qui định: “Bị can được suy đoán là vô tội cho đến khi bản án xác nhận tội trạng trở thành nhât định”.

Do đó, nghi can trước cơ quan đều tra cũng vẫn được coi là người vô tội. Nhà chức trách có bổn phận phải tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn tinh thần của nghi can, nghĩa là không được chà đạp nhân vị của một con người có lý trí và nhân cách như mọi công dân khác.

Ngay đến những tội nhân là những người kể như thực sự phạm tội, mà vẫn được đối xử trong tinh thần tôn trọng nhân vị huống chi các nghi can. Theo các nhà phạm tội học, con người phạm pháp vì nhiều nguyên nhân phức tạp đôi khi rất khó giải thích hoặc do hoàn cảnh gia đình, xã hội hoặc do ảnh hưởng địa dư, kinh tế, văn hóa, chính trị; cũng có khi do nguyên nhân chủng tộc, di truyền, tuổi tác, nhân dạng, sinh lý, phái nam hay nữ. (4)

Hội Nghị Quốc tế Phạm Tội học tại Madrid (Tây Ban Nha) tháng 9 năm 1970, khi khảo luận về nguồn gốc tội phạm đã đi đến kết luận: Tội phạm không phải được coi như một thực thể pháp lý (entité juridique) nghĩa là chỉ được xét xử duy nhất về phương diện tư pháp, mà trái lại, mỗi tội phạm là một hiện tượng xã hội (phénomène social) cần được nghiên cứu trên bình diện xã hội, tâm lý và khoa học.

Từ đó suy ra kẻ phạm pháp đáng thương hơn đáng ghét. Một số người, đối với luật pháp được coi là lương thiện, đừng nên quá tự hào về sự trong sạch của mình. Sở dĩ họ không phạm pháp vì chưa gặp hòan cảnh thúc đẩy phạm pháp đó thôi hoặc đã phạm tội nhưng kỹ thuật che dấu quá tài tình khéo léo đến nỗi nhà chức trách không khám phá được. Ngược lại, những ngừơi bị bắt giữ và bị tòa kết phạt cũng không nên quá tự ti mặc cảm, một phần vì công lý của con người không thể coi là tuyệt hảo, phần khác, vì trót lỡ sinh sống nhằm trong một mội trường tội lỗi.

Thật là vô lý và khôi hài biết bao khi một điều tra viên có thái độ khinh miệt, la lối một cô gái phạm tội bán dâm mà mới ngày hôm trước chính viên chức đó đầu gối tay ấp với cô gái này. Đáng tiêc cho cô vì đã hành nghề trong một xã hội có luật trừng trị tội bán dâm mà không có tội mua dâm!

106 Tội phạm là gì? Hình luật không đưa ra một định nghĩa đầy đủ. Đại khái, hành vi nào phạm Luật Hình tức là tội. Như vậy, tội phạm là một cái gì rất tương đối. Có những hành vi quốc gia này trừng phạt mà quốc gia kia lại không, chẳng hạn tội mãi dâm, phá thai, hành khất... Ngay trong một quốc gia, cùng một sự việc, lúc này có tội lúc khác không. Ví dụ tại Việt Nam, tội đa thê chỉ có từ năm 1959 đến nay (5). Tội mua dâm sau ngày 22.5.1962 bị phạt (6), nhưng từ ngày 18.12.1963 đến nay lại không. (7)

Nhiều khi phạm tội vì lầm lẫn, như ký chi phiếu không tiền bảo chứng mà tưởng trương mục còn tiền, lúc khác phạm pháp vì vô ý như gây tai nạn lưu thông. Có những tội do hòan cảnh: du đãng, đảo ngũ, bất phục tùng. Lại có những hành vi chính quyền làm được nhưng tư nhân làm sẽ bị tội, ví dụ phát hành giấy bạc, xổ số.

Theo các nhà phạm tội học, nhiều khi Hình luật ấn định tội phạm một cách không xác đáng, ví dụ những hành vi không phản xã hội rõ rệt tới mức đáng bị trừng phạt, mà cứ phạt. Những hành vi khác đáng lẽ không được tha, mà cứ tha. Vì thế, đôi khi xẩy ra vụ dân chúng nổi loạn tự bắt thủ phạm và trừng trị ngay tại chỗ.

Với những khuyết điểm về tiêu chuẩn ấn định tội phạm như vậy, tại sao Cảnh sát lại có thể cư xử tàn tệ và xúc phạm tới nhân vị người phạm pháp được?

107 Các sự xâm phạm vào danh dự cá nhân được trừng phạt trong Hình luật dưới hai hình thức:

- Tội phỉ báng là sự ám chỉ, tường thuật hay qui trách một hành vi hay sự kiện làm tổn thương danh dự hoặc uy tín của một cá nhân hoặc cơ quan hay đoàn thể.

- Tội mạ lị là sự dùng những lời lẽ có tính lăng nhục, khinh bỉ hay sỉ vả (ví dụ: đồ quỷ tội lỗi, đồ bê bối khốn nạn...)

Các tội này được dự liệu và trừng trị nơi luật số 619/69 ngày 30.12.1969, sửa đổi bởi Sắc luật số 007/TT/SLU ngày 4.8.1972 và điều 487 k. 11 HL.

Ngoài ra, người bị xúc phạm còn có thể đòi bồi thường các thiệt hại.

108 Tóm lại, nguyên lý siêu việt, đề cao giá trị tinh thần của con người làm nền tảng cho mọi luật lệ quốc gia, đã ràng buộc các nhà lập pháp trong nhiệm vụ sáng tạo Luật pháp thì không có lý gì lại không ràng buộc những người thi hành luật pháp. Theo luật gia LEREBOURS-PIGEONNÌERE: “Nền văn minh, khác hẳn với sự dã man, đã đặt nền tảng trên một số yếu tố chung, cấu thành trật tự pháp luật; trong số yếu tố này, có những yếu tố tinh thần và nhất là ý niệm về phẩm giá con người”. (8)

Vì vậy, trước khi học về kỹ thuật điều tra, Hình cảnh lại đã phải học đạo đức trong cách cư xử với nghi can. Có lẽ cũng nhằm mục đích ấy, một vị Sĩ quan Cảnh sát lão thành (9) đã dậy học trò của Ông rằng: “Nghi can có tội là tội với pháp luật, không phải là tội với cá nhân chức vị nào. Huống chi, việc còn đang điều tra, kết quả chưa ngã ngũ đương sự rất có thể bị hàm oan, cho nên dù bị lâm cảnh can cứu, đương sự vẫn cần được Cảnh sát Tư pháp đãi ngộ với tư cách là con ngừơi, nghĩa là một cách hợp với nhân đạo.

Cảnh sát Tư pháp đừng làm điều gì phạm nhân cách, như sỉ vả ngược đãi hoặc bắt hầu hạ như nô lệ. Kinh nghiệm cho biết tội nhân mắc cảnh lao lung ít khi óan thán “Ông Tòa” mà thường chỉ hận thù giới Cảnh sát! Xét ra chỉ tại Cảnh sát thiếu lương tâm, ưa coi người phạm như quân thù rồi bạc đãi khinh rẻ”.


Phân Đoạn 2

CƯỠNG BÁCH TINH THẦN


109 Có nhiều mánh lới ảnh hưởng đến ý chí nghi can khiến cho tinh thần bị rối loạn, không còn tự chủ được nữa.

Trước hết là sự đe dọa xâm phạm đến thể xác, tài sản của nghi can hay những người thân thuộc. Điều 7 khoản 4 Hiếp Pháp đã ngăn cấm sự đe dọa. Mọi sự nhận tội vì đe dọa không được coi là bằng chứng buộc tội.

Ngoài ra, sự khuyến dụ nghi can nhận tội bằng cách hứa hẹn dành cho nghi can hay gia đình họ một quyền lợi gì, cũng đều bất hợp pháp.

Luật lệ Đức quốc không chấp nhận phương pháp điều tra bằng cách đe dọa giam giữ hay hứa hẹn cho tự do hoặc giảm khinh, vì như vậy là xâm phạm tới ý chí tự do của nghi can. (10)

110 Sự khéo léo của người Cảnh sát trong cuộc điều tra là phải am tường tâm lý nghi can và dẫn họ đến chỗ không thể chối tội được nữa, nhưng trong mọi trường hợp vẫn phải để cho nghi can có đầy đủ tinh thần minh mẫn và ý chí tự do khi khai cung. “Đối với người Cảnh sát chân chính, những cuộc điều tra hòan mỹ không phải là cuộc điều tra liên quan đến những tội phạm lẫy lừng mà phải là cuộc điều tra làm cho kẻ phạm pháp dù ngoan cố cách mấy cũng phải bối rối, nhờ cách quan sát, qui nạp, suy diễn, cùng nhờ sự làm việc cần mẫn và kiên trì”. (11)

Rất nhiều luật gia đã gay gắt chỉ trích mọi hình thức điều tra xâm phạm đến quyền an toàn tinh thần của nghi can.

“Cái lối bịp bợm mà cuộc điều tra sơ khởi ưa tựa vào, có thể mang danh trong ngôn ngữ pháp lý là sự lạm dụng một tư cách có thực; lối ấy không được đàng hòang, nó bao hàm một sự lường gạt tinh thần”. (12)

Một vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong vụ Harris kiện chính phủ Hiện Chủng Quốc đã tuyên bố:

“Tất nhiên cần truy cho ra những kẻ phạm và thu thập mọi bằng cớ hữu ích. Tuy nhiên, có điều cần nhắc lại hoài, là đây không phải vấn đề số phận của một đứa bất lương hèn mon nào, mà vấn đề là cần tạo dựng một bầu không khí tự do, chứ không phải gieo rắc niềm sợ hãi và cảm tưởng đàn áp cho tòan thể xã hội”. (13)

111 Để cho cuộc điều tra được quang minh chính đại, Bộ HSTT cấm hỏi cung nghi can vào ban đêm và kéo dài trong nhiều ngày. Nghi can phải ngồi trước những ngọn đèn thật sáng để trả lời các câu chất vấn của điều tra viên. Biện pháp này đã làm cho cả tinh thần lẫn thể xác nghi can mệt mỏi tột độ, mất hết tự chủ và sẵn sàng khai mọi điều theo ý của người hỏi cung.

Nhằm cấm đóan tình trạng này, điều 43 HSTT qui định: “Điều tra viên không được hỏi cung nghi can trước 7 giờ và sau 19 giờ”.

112 Tuy nhiên, sự cấm đóan này có hai ngoại lệ:

a)- Nếu cuộc hỏi cung bắt đầu trước 19 giờ thì vẫn được tiếp tục. Thử đặt giả thuyết 19 giờ kém 15 phút, Cảnh sát Tư pháp bắt đầu hỏi cung và chấm dứt lúc 24 giờ, như vậy có phạm luật không? Thực ra không phạm luật nhưng rõ ràng đã lạm dụng với gian ý. Nhưng đây là vấn đề thực tế, thuộc nội dung xét xử.

b)- Trong trường hợp phạm pháp quả tang, vì tính cách cấp bách, điều tra viên không cần phải tuân giữ thời gian hỏi cung, vì nếu chậm trễ, các tài liệu, chứng tích phạm pháp sẽ bị tẩu tán hết và nhân chứng dễ bị mua chuộc.

Điều tra viên nào hỏi cung ngoài thời gian luật định sẽ bị phạt từ 601 đồng đến 10.000 đồng và phạt giam từ 6 ngày đến 1 tháng tù hoặc một trong hai hình phạt ấy (đ. 43 kh. 1 HSTT).


Phân Đoạn 3

MÁY MÓC TÁC ĐỘNG TÂM LINH


113 Với đà pháp triển kỹ thuật hiện đại, con người đã khám pha nhiều máy móc, có thể ảnh hưởng và kiểm soát được những hoạt động của tâm linh.

Để tăng cường hiệu năng trong công tác điều tra, hầu tìm ra nhiều bằng chứng tội phạm, Cảnh sát Tư pháp đôi khi không cần dùng đến các bằng chứng cổ điển như lời tự thú, nhân chứng hoặc bút chứng v.v... mà họ lại sử dụng máy móc để tìm ra bằng chứng.

Hiện giờ, Cảnh sát Tư pháp nước nào cũng quan tâm đến vấn đề thiết lập và bành trướng ngành Cảnh sát khoa học với khoa Hình luật thực tiễn (Criminalistique) (14) có mục đích ngăn ngừa và khám phá kẻ gian phi, nghiên cứu những sự kiện khi tội phạm xẩy ra và tìm bằng chứng xác thực để kẻ phạm không thể chối cãi được nữa. (15)

Nhờ môn Cảnh sát khoa học, Hình cảnh lại có thể tái lập cảnh trạng phạm trường, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của những ngừơi liên hệ, khám ra thủ phạm các vụ giết người cướp của. (16)

Công việc này tế nhị và lý thú, Cảnh sát Tư pháp sẽ áp dụng để cung cấp bằng chứng rất khoa học cho Tòa án, bất chấp nghi can chối tội hay không. (17)

Với việc sử dụng những phương pháp kỹ thuật này, người ta có lo sợ rằng đây là một hình thức cưỡng bách về tinh thần qua môi trường thể xác mà Hiến Pháp và Luật pháp của chúng ta ngăn cấm không? Để có một câu trả lời đúng đắn, cần phải tìm hiểu về phương tiện kỹ thuật đó.


A.- MÔ TẢ KỸ THUẬT

Có nhiều loại máy móc Cảnh sát trên thế giới đang sử dụng trong khi điều tra, nhưng thường được chia làm hai loại chính: một tác động bên ngoài và một tác dụng bên trong tòan thể con người.

1)- Phương pháp ngoại tại:

114 Dụng cụ khoa học phổ biến nhất là “máy tìm sự thật” hay “máy dò nối dối” (lie-detector, détecteur du mensonge). Máy này được sáng chế dưới rất nhiều hình thức. Nhưng nguyên tắc chế tạo vẫn là dùng luồng điện tác dụng trên nhiều phần cơ thể con người: nhịp đập trái tim, hơi thở, sự tiết mồ hôi, trong lúc nghi can trả lời những câu hỏi đã được soạn thảo tỉ mỉ từ trước. Một số câu liên quan đến tội trạng, nhưng cũng có một số câu lại vô thưởng, vô phạt (18). Nhờ tác dụng của điện cực, chiếc máy tìm sự thực sẽ ghi lại tất cả những phản xạ tâm linh của nghi can dưới hình thức đồ biểu phức tạp, trong khi trả lời từng câu hỏi. Chắc chắn đây là một cuộc trắc nghiệm cảm xúc con người.

115 Giá trị đích thực của chiếc máy thế nào?

Đúng ra, “máy tìm sự thực” chỉ có giá trị đối với người nói dối có tính dễ cảm xúc. Tiếc rằng không phải tất cả mọi người nói dối đều dễ nhậy cảm như vậy. Người ta đặt tên là “máy dò nói dối” nhưng chính danh xưng của nó nói dối trước nhất. Thực vậy, chiếc máy đã tự đáng giá quá cao khả năng của nó, khiến cho những người chưa hiểu gì về nó, phải lầm lẫn. Họ tin rằng máy không thể nói dối, nên mới sử dụng để “dò” sự “nói dối”. Tuy nhiên, trên thực tế, loại máy này không dò và cũng không thể dò được cái gì khác hơn là sự cảm xúc nhiều hay ít nơi người bị dò.

Bởi vậy, rất có thể xẩy ra trường hợp người vô tội vì quá cảm xúc trong lúc khai cung, nên máy cho là nói dối, còn trái lại, kẻ phạm pháp tính tình cứng cỏi, tự chế ngự được các cảm xúc, không cho chúng biểu lộ ra ngaòi hay biểu lộ rất ít trong lúc nói dối thì máy lại cho là nói thực.

Chúng ta có thể kết luận rằng phương pháp dùng máy dò nói dối để biết những phản ứng nội tâm, không thể dẫn tới một kết luận chắc chắn và đáng tin về tội phạm.

2)- Phương pháp nội tại:

116 Người ta dùng thuốc như pentothal, còn gọi là thuốc tìm sự thực (sérum de vérité) hoặc scopolamine để chích vào mạch máu khiến cho người bị chích ngủ mê man. Do tác dụng của thuốc, người đó trải qua những giai đoạn bán tri thức (semi-conscience), khi mơ, khi tỉnh, không thể kiểm sóat thần kinh hệ của mình, và như vậy không thể nói dối được. (19) Chính trong lúc này, nghi can phải trả lời các câu hỏi của điều tra viên.

117 Vậy các câu trả lời này có giá trị không?

Chắc chắn là không. Vì dù sao, những lời nói của đương sự trong lúc nửa tỉnh nửa mơ không phải là sự diễn tả tất nhiên của sự thật. Cùng lắm thì thuốc pentothal chỉ trong vài trường hợp mới khám phá ra được những giả tạo (20) trong câu trả lời.

Đó là chưa kể có trường hợp chất thuốc lại phát sinh công hiệu trái ngược là làm cho người bị chích mắc bệnh tâm trí thực. Chẳng hạn loại thuốc adrénaline hay actédron gây ra thứ bệnh làm cho con người không những tự tố cáo mình phạm các tội thực sự không hề phạm, mà còn xin được trừng phạt mình như một con đường giải thoát. (21)


B- NHẬN XÉT

1)- Lập trường chấp nhận:

118 Trước đây, vấn đề đã được Tòa hạt Seine đặt ra. (22) Trong vụ này một người giả vờ ốm, nhất định không trả lời các câu Tòa hỏi. Đương sự có bị ốm thật không? Một mũi thuốc pentothal đã chứng tỏ sự giả dối. Nhưng sự kỳ thú là đương sự quay lại kiện Thẩm phán về tội cố ý đả thương vì đã xâm phạm vào sự an toàn nhân thân của y bằng cách chích thuốc mà y không thỏa thuận trước. Tòa án đã bác đơn, vì quyền an tòan nhân thân trong trường hợp này không thể đi ngược với quyền trừng trị tội phạm của xã hội.

2)- Lập trường chống đối:

119 Tuy nhiên, lập trường này rất nguy hiểm cho sự an tòan cá nhân, vì nhiều lý do:

a)- Về phương diện khoa học: không ai phủ nhận lý trí cũng như tình cảm con người là hai lãnh vực rất huyền bí.

Các phương pháp ngoại tại hay nội tại nhằm dò xét tư tưởng con người đều khó thành công. Hơn nữa, máy móc có thể đưa đến bao nhiều lầm lẫn nguy hại hoặc nhiều sự lạm dụng trong cách đặt câu hỏi dưới áp lực của “máy dò nói dối” hoặc “thuốc tìm sự thực”, cũng như trong cách giải thích các câu trả lời. (23)

b)- Về phương diện luân lý: dù cho những kết quả của dụng cụ kỹ thuật đúng là sự thực đi nữa, nhưng theo GS. GRAVEN, “Quốc gia không được đụng chạm đến nguồn gốc của đời sống, bằng cách làm cho những người bất thường mất khả năng sinh sản, và cũng vậy, quốc gia không được xâm phạm đến lãnh vực thâm sâu của tâm hồn. Ngay đến sự tra tấn tuy kinh tởm thật, nhưng cũng không đến nỗi quá đáng như thế. Lương tâm có thể chống lại sự đau khổ. Ý chí có thể chống lại sự tra tấn. Nhưng cả lương tâm lẫn ý chí đều bị khuất phục bởi cơn mê ma túy” (24). Đàng khác, cả hai cơ năng tinh thần này cũng đều bất lực trước những cảm xúc thuộc về tim, bị biến đổi theo ý muốn của người điều khiển “máy dó nói dối”, do đó, cũng đưa đến một hậu quả như cơn mê ma túy vậy. (25)

Nhiều tác giả khác cũng chống đối kịch liệt phương pháp dùng máy móc để đàn áp tinh thần nghi can. Họ không cần biết kết quả của phương pháp này đúng hay sai, vì từ căn bản nó đã vô luân (26). Nhất là ngày nay khoa Hình luật thực tiễn (Criminalitique) giúp Cảnh sát Tư pháp giải quyết được những vụ án phức tạp nhất, mà vẫn tôn trọng triệt để nhân phẩm nghi can. (27)

3)- Luật lệ Việt Nam hiện hành:

120 Luật pháp chúng ta không có điều khỏan nào đề cập đến những phương pháp kỹ thuật này. Hiện tại, cơ quan tư pháp cũng chưa sử dụng đến các máy móc và hóa chất để tìm hiểu tâm linh con người.

Tuy nhiên, khi thảo luận về điều 7 khỏan 4 Hiến Pháp các Dân biểu Quốc Hội Lập Hiến cũng đã đem vấn đề này ra mổ xẻ, mặc dù không được kỹ lưỡng như các vần đề khác (28), nhưng cũng đủ kết luận rằng Hiến Pháp Việt Nam lên án việc dùng “thuốc tìm sự thực” và coi đó là một hình thức cưỡng bách. Nhưng các nhà lập hiến chỉ bàn đến các phương pháp nội tại, mà không nhắc đến máy móc ngoại tại.

121 Hình luật Đức quốc tuyệt đối cấm sử dụng chất ma túy và “máy dò nói dối” (29). Ngay cả khi nghi can đồng ý cho dùng cũng không được, vì sự vi phạm nhân phẩm một người không lệ thuộc vào sự kiện người đó có ưng thuận hay không. (30)

Điều 81a Hình luật Đức quốc (StPo) cho phép khám nghiệm để tìm phân lượng rượu nơi những ngừơi phạm pháp, nhất là trong tai nạn lưu thông. Các bác sĩ có thể rửa ruột, lấy nước tiểu, hút dịch tủy sống (ponction lombaire). Một số tác giả đã nhân danh sự bảo vệ nhân quyền, chống lại mọi xúc phạm đến sự tòan vẹn của thân xác con người. Nhưng ai cũng đều công nhận rằng nguyên tắc tương xứng (Principe de la proportionnalité) buộc phải có những cuộc khám nghiệm như vậy đối với tội phạm.

Luật Đức quốc còn đi xa hơn nữa khi qui định rằng trong trường hợp cần thiết, bị can có thể bị cưỡng bách bằng võ lực mang đi khám nghiệm. Điều 81a StPo cho phép tạm giữ nghi can trong thời gian khám. Nếu cần, Tòa sẽ ký trát truyền di chuyển bị can đến bệnh viện thần kinh để trắc nghiệm tâm trí.

Còn tại Pháp quốc, một số luật lệ cho phép thử máu hoặc mở những cuộc khám nghiệm y khoa nhằm bài trừ bệnh nghiện rượu và tìm bằng chứng về việc thủ phạm, đồng phạm, đồng lõa và nạn nhân có phạm pháp vì nghiện rượu không (ví dụ Sắc lệnh 7.1.1959 về việc mua bán thức uống và các biện pháp chống bệnh nghiện rượu. Nghị định 2.2.1957 về việc phân tách máu trong các trọng tội, khinh tội hay tai nạn lưu thông, Đạo dụ 15.12.1958 về luật đi đường, Luật số 65-412 ngày 1.6.1965 nhằm bài trừ sự sử dụng các chất kích thích tố trong các cuộc tranh đua thể thao).

4)- Giải pháp đề nghị:

122 Vậy trong tương lai, Cảnh sát Tư pháp Việt Nam có nên áp dụng kỹ thuật này không?

Theo ý chúng tôi, đối với các dược phẩm để chích vào cơ thể con người, không ai phủ nhận được rằng tất cả cơ năng tinh thần như lý trí, ý chí, cảm xúc... đều bị đảo lộn hết. Khi đó nạn nhân không còn phải là con người có lý trí và ý chí tự do, không còn chịu trách nhiệm về các hành vi, cử chỉ và lời nói của mình nữa. Luân lý tự nhiên và lễ giáo cổ truyền của dân tộc Việt Nam không thể cho phép bất cứ ai làm chuyện phi luận như thế. Những dược phẩm mà người ta gọi là tiến bộ, khoa học, thực sự chỉ là sản phẩm phản tiến bộ, phản khoa học, vì mục đích của mọi khoa học tiến bộ đều phải lấy con người làm đối tượng phục vụ. Khi một phát minh đã chà đạp lên giá trị nhân phẩm thì làm sao xứng danh khoa học được nữa?

Muốn khám phá ra tội phạm, con người văn minh không cần phải dùng đến những dược phẩm hay hóa chất để kích thích hoặc áp đảo tinh thần kẻ phạm pháp. Còn biết bao nhiêu bằng chứng ngoại tại khác cũng có thể giúp tìm ra sự thực.

Luật pháp đã cho phép nghi can khỏi tuyên thệ, được im lặng, được chối tội và tự do nói dối, vậy không lý gì Cảnh sát Tư pháp phải dùng đến “thuốc tìm sự thật”.

123 Riêng về phương pháp ngoại tại, điển hình là máy “Lie detector”, mà nhiều tác giả đã kịch liệt chống đối bằng những lý lẽ thật chính xác, nhưng theo thiển ý, chiếc máy này không tác dụng trực tiếp và mạnh mẽ vào tâm linh con người, nên Cảnh sát Tư pháp có thể dùng được, với những tiêu chuẩn sau đây:

- Trước khi sử dụng, Hình cảnh lại phải cho người bị điều tra biết rằng mục đích của phương pháp này chỉ nhằm kiểm chứng lời cung khai thành thật hay không. Dù sao, kết quả do máy đưa lại cũng chỉ có giá trị tương đối, nghĩa là có thể đúng và cũng có thể sai.

- Đương sự đồng ý cho sử dụng, vì khi họ đã thành thực khai thì máy móc đâu còn gì đáng sợ. Hơn nữa, máy càng tinh vi, lời khai của họ càng thêm xác tín.

- Cảnh sát Tư pháp khi sử dụng máy, chỉ được coi kết quả như một tin tức giống như các nguồn tin khác. Nhờ đó, sẽ đi tìm các bằng chứng mới xác thực và cụ thể hơn.

- Tòa án không thể căn cứ vào dữ kiện do máy đem đến như một bằng chứng duy nhất để kết phạt bị can.

124 Riêng về các cuộc thử nghiệm y khoa nhằm khám phá và bài trừ nạn ma túy và nghiện rượu, chúng ta thấy không hề xâm phạm tới tinh thần người bệnh, trái lại, nhằm bảo vệ nhân cách của chính họ và lành mạnh hóa xã hội. Ước mong Việt Nam cũng có những bộ luật tương tự như ở Pháp quốc.

Sau hết những biện pháp y khoa nào tuy phải tác dụng vào cơ thể con người và có thể ảnh hưởng đến tâm linh, nhưng chỉ với mục đích ngăn ngừa chứ không phải khám phá tội phạm, chúng ta cũng có thể chấp nhận được, vì tránh cho một người rơi vào hố sâu tội lỗi tức cũng là bảo vệ hữu hiệu nhân cách người đó.

Ngoài yếu tố tinh thần, còn một yếu tố khác của con người cũng cần được luật pháp bảo vệ triệt để, đó là yếu tố vật chất tức thể xảc con người.

 

Đoạn 2

QUYỀN AN TOÀN THỂ XÁC


125 Người dân có bổn phận phụng vụ tổ quốc bằng tim óc và bằng thân xác của minh. Cho nên, muốn biết sự phồn thịnh của một dân tộc, hãy quan sát của mỗi công dân. Muốn biết trình độ tự do dân chủ và nền an toàn pháp lý trong một quốc gia, cũng hãy quan sát nếp sống người dân.

Không thể quan niệm được một quốc gia thượng tôn luật pháp, đề cao tự do cá nhân, an tòan pháp lý mà trong đó lại diễn ra cảnh người dân bị nhân viên công lực xiềng xích, bắt bớ, bất cứ lúc nào.

Trước ngày ban hành Bộ HSTT mới, các nghi can rất sợ hãi mỗi khi bước vào cơ quan điều tra sơ vấn. Tại sao vậy? Vì người dân đã được truyền tai về những cảnh tra tấn đầy hãi hùng tại Cảnh sát Tư pháp.

Để tránh mọi lạm dụng có thể xâm phạm trầm trọng đến thân thể nghi can, Bộ Hình sự Tố Tụng đã muốn cải tiến việc tạm giữ, khám xét và bắt giữ người, đồng thời tuyệt đối cấm sự tra tấn tại cơ quan điều tra sơ vấn.

Đó là những vấn đề chúng ta sẽ lần lượt khảo sát:

Phân đoạn 1: Sự tạm giữ.

Phân đoạn 2: Sự khám người.

Phân đoạn 3: Sự bắt người.

Phân đoạn 4: Sự tra tấn.

 

Phân đọan 1

SỰ TẠM GIỮ


126 Trước đây, vì nhu cầu điều tra, Hình cảnh lại có quyền giam giữ nghi can 24 giờ và Biện lý cho gia hạn để hòan tất hồ sơ, nhưng việc gia hạn này hầu như vô hạn định nên dẫn đến nhiều sự lạm dụng. Có khi chỉ để siêu tra án tích, một bị can phải giam cả tháng trời.

Để chấm dứt tình trạng tạm giữ bừa bãi này, điều 57 HSTT đã qui định:

“Nếu có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội người nào, Hình cảnh lại phải dẫn người ấy trình Biện lý trong vòng 24 giờ”.

“Trong trừơng hợp đặc biệt, Biện lý hay Dự thẩm có thể với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần 24 giờ, nhưng không quá 7 ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra”.

“Riêng về các tội xâm phạm an ninh Quốc gia, thời gian tạm giữ có thể triển hạn quá 7 ngày”.

“Thời gian Hình cảnh lại được quyền tạm giữ nói trên khởi lưu từ lúc đương sự bị thật sự mất tự do”.


1)- BẢN CHẤT SỰ TẠM GIỮ

1)- Tạm giữ khác bắt giữ:

127 Phải hiều thế nào về sự tạm giữ (garde à vue)? Đây là một tình trạng trung gian giữa tự do (liberté) và bắt giữ (arrestation). Người bị tạm giữ tuy bị mất tự do đi lại nhưng không bị giam cầm.

Việc tạm giữ được trao cho cơ quan điều tra sơ vấn, nhưng lệnh bắt giam thường do Tòa án ban hành, trừ trường hợp phạm pháp quả tang.

Sự tạm giữ có thể áp dụng cả cho các nhân chứng vì nhu cầu điều tra, nhưng sự bắt giữ chỉ áp dụng đối với những người có chứng tích hệ trọng đã phạm trọng tội hay khinh tội mà luật dự liệu hình phạt giam.

2)- Tạm giữ khác tạm giam:

128 Sự tạm giữ của Hình cảnh lại còn khác biệt với sự tạm giam (détention préventive) của Dự thẩm. (31)

Trước hết, tạm giữ cũng như tạm giam đều xâm phạm tới tự do cá nhân. Tuy nhiên, mức độ xâm phạm của hai biện pháp khác nhau đến độ không thể coi cả hai có chung một lãnh vực, một định chế. Sự tạm giam thực sự xâm phạm sự tự do cá nhân, lại có hiệu lực trong thời gian dài, nên đòi hỏi những bảo đảm đặc biệt và chỉ Thẩm phán mới được quyền áp dụng và có thể bị thượng tố. Ngược lại, sự tạm giữ chỉ xâm phạm tới quyền tự do đi lại và áp dụng hạn chế tới mức tối thiểu. Đó là một biện pháp thuần túy cảnh sát trong các cuộc điều tra sơ vấn do Hình cảnh lại tùy nghi thẩm dịnh và không bị biện tố pháp cấu nào.

Thứ đến, sự tạm giữ cũng như sự tạm giam chỉ là các hành vi phụ đới, có tính cách dự bị cho cuộc điều tra và thẩm vấn.

Vì bản chất của hai hành vi không giống nhau, nên cơ quan có thẩm quyền kiểm sóat hợp pháp tính cũng khác biệt. Sự tạm giam của cơ quan thẩm vấn được ràng buộc trong những điều kiện khắt khe luật định, vì vậy thuộc quyền kiểm sóat của Tối Cao Pháp Viện. Ngược lại, sự tạm giữ chỉ do nhu cầu điều tra đòi hỏi và được giao cho Hình cảnh lại thẩm định, nên tính cách hợp pháp của sự tạm giữ vừa có tính cách pháp lý vừa có tính cách thực tế, tòa xét xử về nội dung sẽ kiểm sóat và không thể nêu lên lần đầu tiên trước Tối Cao Pháp Viện.

129 3)- Sự tạm giữ cũng khác biệt với sự cấm chỉ dời khỏi phạm trường theo điều 55 HSTT:

a)- Hai biện pháp này đều hạn chế quyền tự do đi lại của công dân để cho cuộc điều tra được dễ dàng. Nhưng, sự ngăn cấm dời khỏi phạm trường chỉ áp dụng trong trường hợp phạm pháp quả tang. Trái lại, sự tạm giữ còn có thể áp dụng trong những vụ phạm pháp không quả tang hay trong khi thi hành ủy nhiệm bất cứ tại nơi nào và lúc nào.

b)- Sự cấm chỉ dời khỏi phạm trường chỉ kéo dài “cho đến khi kết thúc công việc” (đ. 55 HSTT), nghĩa là trong lúc Hình cảnh lại còn đang điều tra tại phạm trường. Ngược lại thời gian tạm giữ được ấn định rõ ràng và tương đối dài.

c)- Sự cấm chỉ dời phạm trường chỉ bị chế tài bằng hình phạt vi cảnh, không thể bị cưỡng bách tuân hành. Còn sự tạm giữ có thể áp dụng với sự cưỡng bách bằng võ lực. Chính vì vậy sự tạm giữ phải được Tòa án kiểm sóat, trong khi sự cấm chỉ dời chỗ không chịu một sự kiểm soát nào.

Nhà làm luật đã muốn dành cho Hình cảnh lại quyền tạm giữ nghi can, vì trong giai đoạn điều tra, sự tạm giữ rất cần thiết để đối phó tức thời và hữu hiệu đối với tội phạm.

Tại Pháp quốc, nhiều luật gia đã tán đồng quan niệm này (32). Nhưng cũng có luật gia như MAURICE GARCON đã chỉ trính quyền tạm giữ của Cảnh sát vì trái với điều 66 Hiến Pháp (33) và điều 5 Hiệp Ước Âu Châu và nhân quyền (Convention Européenne des droits de l’homme). (34)

Nhưng tại Việt Nam, thiết tưởng đều 57 HSTT về quyền tạm giữ của Hình cảnh lại vẫn hợp với văn từ của điều 7 khỏan 2 Hiến Pháp: “Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ, nếu không có mệnh lệnh hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền luật định, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp”. Trong số “những cơ quan có thẩm quyền luật định” nói trên, Bộ Hình sự Tố Tụng 1972 đã dành cho cơ quan điều tra sơ vấn quyền tạm giữ người trong một thời gian ngắn với những hạn chế rõ ràng, nhằm bảo đảm quyền an tòan cá nhân.


II.- AI CÓ QUYỀN TẠM GIỮ?

130 Đối chiếu điều 57 với điều 21 HSTT, chỉ Hình cảnh lại mới được quyền quyết định tạm giữ một người. Các nhân viên Cảnh sát Tư pháp không có quyền này (35). Đây là một quyền luật định dành riêng cho Hình cảnh lại, Biện lý không thể bác đoạt mặc dù vẫn có quyền kiểm soát. Biện lý cũng không thể ảnh hưởng vào quyết định của Hình cảnh lại trong việc tạm giữ, xin gia hạn tạm giữ hay thời lượng cần gia hạn.

Trường hợp tự đảm nhiệm cuộc điều tra, Biện lý hành sử tất cả quyền hạn của một Hình cảnh lại, theo điều 34 HSTT, nên cũng có quyền tạm giữ nghi can.

Riêng trường hợp phạm pháp quả tang, khi Biện lý hay Dự thẩm đích thân đến phạm trường mở cuộc điều tra, các Thẩm phán này sẽ áp dụng những biện pháp qui định nơi điều 48 và kế tiếp, trong đó dĩ nhiên có biện pháp tạm giữ.


III.- ĐƯỢC QUYỀN TẠM GIỮ AI?

131 1)- Theo điều 57 và 70 HSTT, những người bị tạm giữ có thể là nghi can và nhân chứng. (36)

Nghi can bị tạm giữ là lẽ thường. Nhân chứng cũng bị tạm giữ, đó là một việc rất tế nhị. Tại Dự thẩm, nhân chứng không xuất hiện sẽ bị phạt vạ (đ. 103 HSTT) và nếu công khai tuyên bố biết thủ phạm mà không khai, sẽ bị phạt và phạt vạ (Đ. 104 HSTT). Nhưng tại cơ quan điều tra sơ vấn, việc tạm giữ nhân chứng không thể bị coi là một hình phạt. Hình cảnh lại chỉ nên áp dụng biện pháp này đối với người nào có thể trở thành nghi can hoặc khi cần phải có một thời gian lâu hơn để lấy lời khai của họ. Bởi vậy, tạm giữ một nhân chứng lương thiện chỉ vì sợ áp lực hay đe dọa không dám cung khai thì thật quá tàn bạo. (37)

132 Về việc tạm giữ nghi can và nhân chứng, cần phân biệt hai trường hợp:

- Trong những vụ phạm pháp quả tang, sau khi cấm bất cứ ai dời khỏi phạm trường (đ. 59), Hình cảnh lại có thể tuyên bố tạm giữ và đưa ngay họ về cớ quan điều tra. Còn người nào không chịu đến trình diện, Hình cảnh lại sẽ trình Biện lý xin triệu dụng công lực buộc phải dẫn (đ. 56) sau đó sẽ tạm giữ nếu cần.

- Nhưng trong trường hợp thông thường, nhân chứng hay nghi can có quyền từ chối việc cảnh sát Tư pháp vào nhà tống đạt giấy mời hoặc ghi cung và có quyền không đến trình diện mà Hình cảnh lại không thể cưỡng bách hay xin lệnh Biện lý cưỡng bách được. Tóm lại, nhân chứng và nghi can phải ưng thuận cuộc điều tra thì Hình cảnh lại mới áp dụng biện pháp tạm giữ được.

Nguyên tắc này tuy gây trở ngại cho Cảnh sát Tư pháp, nhưng thực sự đã bảo đảm hữu hiệu quyền an tòan cá nhân.

Khi hồ sơ đã được cơ quan thẩm vấn thụ lý, Hình cảnh lại có thể xin phép Dự thẩm đặc cách cấp giấy phép tạm giữ, mặc dầu người bị giữ không được dẫn trình. (38)

133 2)- Đối với những người được hưởng quyền đặc miễn và đặc quyền tài phán, không thể áp dụng biện pháp tạm giữ được. (39)

Còn các Nghị sĩ và Dân biểu, khi phạm trọng tội hay khinh tội quả tang và không thuộc giới chức được hưởng đặc quyền tài phán, như Thẩm phán, vẫn có thể bị tạm giữ, nếu đủ chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội. Trái lại phải tránh áp dụng biện pháp này chỉ vì nhu cầu điều tra. (40)

Trường hợp phạm pháp không quả tang, trong suốt thời gian điều tra hay thi hành sự ủy nhiệm, Dân biểu hay Nghị sĩ không thể bị tạm giữ.

Khi giữ một vị dân cử nói trên, Hình cảnh lại phải lập tức báo cáo Biện lý hay Dự thẩm nơi thi hành sự ủy thác hỏi cung – tùy trường hợp – để xin chỉ thị.

Các vị Thẩm phán này cũng phải phúc trình càng sớm càng tốt lên cấp chỉ huy của mình.


IV.- LÝ DO TẠM GIỮ

Có hai lý do để tạm giữ người:

1)- Vì nhu cầu điều tra:

134 Điều 57 HSTT cho phép: “Vì nhu cầu điều tra, Hình cảnh lại có thể giữ lại một hay nhiều” nghi can hay nhân chứng.

Theo học lý và án lệ, nghi can thường bị tạm giữ và các duyên cớ sau:

- Tình nghi đào tẩu khi được trả tự do.

- Có thể phi tang, mua chuộc nhân chứng, xếp đặt với đồng bọn chối tội hoặc lung lạc cơ quan tư pháp bằng mọi phương tiện.

- Cần bảo vệ an ninh cho nghi can tránh khỏi những phẫn nộ của quần chúng trước tội ác đã gây ra hoặc ngăn ngừa sự thủ tiêu của đồng bọn nhằm cản trợ cuộc điều tra. Trong vụ ám sát Tổng Thống KENNEDY hồi tháng 11 năm 1963, khi Cảnh sát thành phố Dallas sắp sửa di chuyển thủ phạm OSWALD đến một trại giam khác thì công chúng tò mò xúm lại gần và JACK RUBY đã lợi dụng thời cơ bắn chết OSWALD ngay tại chỗ. Vì đó, vụ án lại càng rắc rối và bí ẩn thêm lên. (41)

- Cũng có khi để ngăn ngừa nghi can tự sát vì quẫn trí hay thất vọng.

135 Nhu cầu tạm giữ nhân chứng cũng thường được kể như sau:

- Cần hỏi cung nhiều giờ.

- Để khỏi bị mua chuộc, đe dọa hầu can đảm và bình tĩnh khai cung.

- Tránh bị thủ tiêu, nhất là những nhân chứng quan trọng.

- Nhiều lý do suy đóan có thể trở thành nghi can.

Tuy nhiên, lý do tạm giữ vì nhu cầu cuộc điều tra cũng phải căn cứ vào mức độ trầm trọng của tội phạm để hy sinh tự do cá nhân một cách đúng đắn.

2)- Tội phạm là đại hình hay tiểu hình:

136 Chỉ trong những vụ phạm pháp đại hình hay tiểu hình mà luật dự liệu hình phạt giam, nghi can hay nhân chứng mới có thể bị tạm giữ (đ. 57 và 60 HSTT).

Trong mọi trường hợp, theo tinh thần điều 46 HSTT và kế tiếp, tạm giữ một người phạm tội vi cảnh để điều tra là vi luật.


V.- THỜI GIAN TẠM GIỮ

137 Theo điều 57 khoản 1 HSTT, Hình cảnh lại “không thể giữ (người) quá hai mươi bốn (24) giờ”.

Thời hạn này hình như hơi ngắn đối với những cơ quan ở xa Tòa án, nhưng hợp lý trong trường hợp thông thường. Đây cũng là quan điểm của các bản tiền Dự luật và phù hợp với điều 63 HSTT Pháp quốc. (42)

Tại Nhật Bản, điều 203 HSTT cho phép Cảnh sát tạm giữ nghi can (Higisya) 48 giờ.

Thực ra, thời hạn này không hề trở ngại công tác điểu tra, vì nếu cần, Hình cảnh lại sẽ xin gia hạn. Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm của Hình cảnh lại khi áp dụng thời hạn này mới là điều quan trọng cần bàn tới. Luật định rằng Hình cảnh lại “Không thể giữ (người) quá 24 giờ”, nhưng có người lại nói rằng Hình cảnh lại “có quyền giữ người trong 24 giờ”. Mới nghe qua, ai cũng tưởng rằng hai kiểu nói này ý nghĩa giống nhau. Thật là một nhầm lẫn tai hai!

Thực sự, đối với Hình cảnh lại, hai kiểu nói ý nghĩa giống nhau: tạm giữ người trong vòng 24 giờ là hợp pháp. Tuy nhiên, đối với nghi can cách hành văn của điều 57 HSTT bào đảm nhiều hơn. Quả vậy, nhà làm luật muốn chú trọng tới số phận của người bị giữ hơn là quyền tạm giữ của Hình cảnh lại. Nếu số phận của nghi can không đáng giữ tới 24 giờ, Hình cảnh lại phải cố gắng giải quyết càng sớm càng hay.

Hình cảnh lại cần tâm niệm rằng những khỏan luật về việc tạm giữ được viết ra không có mục đích phô trương quyền hành và sức mạnh của họ, mà nhằm bảo vệ tối đa sự tự do và nhân phẩm của người bị tạm giữ.

Cách hành văn của điều 57 HSTT nhắc nhớ Hình cảnh lại rằng: Tự do là nguyên tắc, tạm giữ là biệt lệ và biệt lệ này “không thể quá 24 giờ”.


VI.- THỜI HẠN KHỞI ĐẦU TẠM GIỮ

138 1)- Điều 57 khoản 5 định rằng thời gian ạtm giữ “khởi lưu từ lúc đương sự bị thật sự mất tự do”. Khi nào bị coi là thực sự mất tự do? Cần phân biệt: (43)

- Trường hợp nghi can hay nhân chứng tự do tới trình diện: Thời gian chờ đợi để lấy cung cũng như đang lúc lấy cung không thể coi là mất tự do vì khi đó họ vẫn có thể ý kiến ra về hay không khai. Như vậy, thời gian khởi lưu sự tạm giữ tính từ lúc điều tra viên tuyên bố nghi can hay nhân chứng phải ở lại cơ quan chờ đợi những hành vi kế tiếp.

- Trường hợp những người, trong vụ phạm pháp quả tang, bị cưỡng bách trình diện do lệnh của Biện lý: Thời hạn tạm giữ khởi lưu ngay khi người đó bị dẫn về cơ quan điều tra.

- Trường hợp những người, trong vụ phạm pháp quả tang, bị cấm dời khỏi phạm trường, sau đó, bị tạm giữ: thời gian này bắt đầu khi được loan báo cấm chỉ dời phạm trường, vì đương sự đã thực sự mất tự do từ giây phút đó.

2)- Thời gian 24 giờ có cần liên tục không, vì một người bị tạm giữ đôi khi được thả ra, sau đò bị giữ lại?

Theo BESSON (44) các thời gian tạm giữ phải được nhập chung và khởi điểm của thời hạn là khởi điểm của lần tạm giữ đầu tiên.

Nhưng GRANIER, SALINGARDES và ESCANDE (45) lại chủ trương đây là vấn đề thực tề tùy thuộc sự xét định của tòa xử nội dung. Khi khỏang cách giữa các lần tạm giữ quá xa, không được cộng chung, phải bắt đầu bằng thời hạn 24 giờ khác. Còn nếu quá ngắn, có thể cộng được.


VII.- NƠI TẠM GIỮ

139 Tại mỗi cơ quan điều tra, phải có một nơi tạm giữ. Đây là nơi dành cho nghi can hay nhân chứng tạm trứ, tạm sống xa những người thân yêu, bạn bè để cuộc điều tra được diễn tiến tốt đẹp.

Nhân chứng bị tạm giữ phải được Hình cảnh lại coi là “quý khách”, dú là khách miên cưỡng phải hy sinh tự do trong khoảnh khắc để cộng tác với Cảnh sát Tư pháp. Chỉ một chút cư xử vụng về, họ có thể bất mãn và không khai gì hoặc khai thiếu sót, khiến cuộc điều tra thât bại. Sở dĩ nhà làm luật cho phép tạm giữ nhân chứng vì muốn tách rời họ khỏi các áp lực về tinh thần cũng như thể xác, hầu can đảm khai hết sự thật, nếu Cảnh sát Tư pháp hống hách cho rằng mình có quyền bác đọat tự do của nhân chứng để gây áp lực cung khai thì thực là một sai lầm nguy hại, phản bội cả một kỹ thuật đúng đắn của nhà làm luật!

Còn đối với nghi can, nơi tạm giữ chưa phải là nhà tù để cho tội nhân lãnh án, nên Hình cảnh lại phải cư xử làm sao cho nghi can có cảm tưởng rằng họ đang được sống trong khung cảnh gần giống như gia đình. Sở dĩ nếp sống nơi tạm giữ không được giống nếp sống trong gia đình là vì thiếu bóng những người thân yêu, thiếu khung cảnh quen thuộc hằng ngày. Chỉ có thế thôi.

Những viên chức hữu quyền không thể để diễn ra tại nơi tạm giữ những cảnh nam nữ sống hỗn độn, suốt ngày suốt đêm ngồi bó gối dựa lưng vào nhau để suy nghĩ về luật pháp, công minh, liêm chính, nhân vị, nhân đạo... trong một căn nhà nóng nực, tối tăm không phân biệt nổi lúc nào là ngày, lúc nào là đêm. Mỗi lần đi kiểm soát, Biện lý phải dùng đèn bấm mới nhìn được mặt can phạm.

Chúng ta trông đợi tinh thần trách nhiệm của các Hình cảnh lại trong vấn đề này và lương tâm chức nghiệp của các Biện lý, Chưởng lý, Chánh thẩm Phòng luận tội có nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc tạm giữ cũng như nơi tạm giữ.

Cần ghi nhận thiện chí của vị Chỉ huy trưởng lực lựơng Cảnh sát Quốc Gia do Thông tư số 21.353/TCSQG/S1/BK ngày 30.7.68 đã nhắc nhở cấp thừa hành phải chỉnh trang lại các trại giam tối tăm, chật hẹp và dơ bẩn.

140 Chiếu điều 34 và 54 HSTT, Biện lý có thể tự mình thực hiện cuộc điều tra nhưng không thể kéo dài quá 2 ngày. Vậy trong thời gian này, Biện lý cũng phải giữ bị can tại cơ quan điều tra. Tạm giữ một nghi can hay nhân chứng ở Trung tâm Cải huấn là một điều quá đáng, không thể chấp nhận được. Chỉ trong trường hợp khinh tội quả tang có thể bị phạt giam, và Dự thẩm chưa thụ lý, nếu Biện lý hạ trát tống giam, bị can mơi được đưa vào Trung tâm Cài huấn, vì khi đó trát tống giam được ban hành thay thế Dự thẩm (đ. 64 HSTT).


VIII.- BẰNG CHỨNG SỰ TẠM GIỮ

141 Theo điều 58 HSTT, “Hình cảnh lại phải ghi vào biên bản hỏi cung người bị tạm giữ các điểm sau đây: .... ngày giờ và lý do ạtm giữ, ngày giờ phóng thích hoặc dẫn trình Biện lý.

Những điều ghi chú ấy phải được đương sự ký nhận, nếu họ từ chối, cần nêu rõ trong biên bản.

Nơi tiếp nhận người bị tạm giữ phải có một quyển sổ riêng chép lại những ghi chú nói trên”.

Như vậy có hai bằng chứng: biên bản hỏi cung và sổ tạm giữ. Tuy nhiên, biên bản là bằng chứng quan trọng nhất vì trong đó có chữ ký nhận của người bị giữ. Nếu người này không chịu ký, biên bản phải ghi rõ sự từ chối và dĩ nhiên phải ghi cả lý do từ chối nữa. Nhờ biện pháp này, quyền lợi của nghi can được bảo đảm hơn, vì Hình cảnh lại không thể lạm dụng quyền hạn chế tự do bằng cách ghi chú sai sự thực. Hơn nữa, Tòa sẽ căn cứ vào biên bản đó để xét sự hợp pháp của việc tạm giữ và sẽ tiêu hủy những hành vi điều tra nào thực hiện trong khi giữ người bất hợp pháp. (46)


IX.- KHÁM SỨC KHỎE NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ

142 Ủy Hội luật gia quốc tế ước mong rằng: “Người bị tạm giữ phải được tiếp xùc với Y sĩ và tiếp kiến Y sĩ đến thăm viếng, mỗi khi sự tiếp xúc hoặc sự thăm viếng của Y sĩ có quan hệ mật thiết đến thủ tục truy tố đương sự”. (47)

Để hưởng ứng lời kêu gọi này, nhà làm luật 1972 qui định rằng: “Nếu xét cần, Biện lý hoặc tự mình hoặc theo đơn xin của người bị tạm giữ hay gia đình hay Luật sư, có thể chỉ định một Y sĩ khám sức khỏa người bị tạm giữ.

“Nếu thời hạn hai mươi bốn (24) giờ được triển hạn, Hình cảnh lại phải cho người bị tạm giữ được khám sức khỏe, nếu có lời yêu cầu của người này, của gia đình hay Luật sư” (điều 58 k. 4 và 5 HSTT).

Như vậy có thể chia ra hai loại khám sức khỏe: nhiệm ý và đương nhiên.

1)- Khám nhiệm ý:

143 Trong suốt thời gian tạm giữ, Biện lý được quyền tùy nghi chỉ định bất cứ một Y sĩ nào để khám sức khỏe cho người bị giữ. Việc kiểm soát nhiệm ý có những đặc điểm sau đây:

- Biện lý được hành sử quyền này trong mọi thủ tục tạm giữ: quả tang hay không quả tang hoặc khi cơ quan điều tra sơ vấn thi hành sự ủy thác của Dự thẩm.

- Biện lý tự ý quyết định hoặc theo đơn xin của gia đình, Luật sư hay của chính người bị tạm giữ. Chữ “gia đình” bao gồm những ai? Vấn đề tùy thuộc quan điểm của Biện lý. Có thể hiểu tổng quát là những thân nhân mà điều 39 HSTT đã kể ra: người phối ngẫu, con cháu, cha mẹ, ông bà, anh chị em. Vì những người này được quyền biết đến việc tạm giữ thì cũng có quyền chăm sóc đến sức khỏe của thân nhân họ.

- Tiền thù lao của Y sĩ sẽ do Ngân sách Quốc Gia đài thọ nếu tự ý Biện lý chỉ định hoặc do người đứng đơn gánh chịu nếu Biện lý chấp thuận theo đơn xin bằng cách thanh tóan thẳng với Y sĩ.

- Biện lý có thể chỉ định bất cứ Y sĩ nào, phục vụ tại bệnh viện công hay tư.

- Việc kiểm sóat này không phải là cuộc giám định trong giai đọan thẩm vấn, nên không cần tuân theo các quy tắc ấn định nơi điều 160 và kt. HSTT (48). Đây chỉ là một cuộc khám bệnh thông thường để tránh các hành vi bạo hành của Cảnh sát Tư pháp hoặc theo dõi xem người bị tạm giữ có đủ mạnh khỏe và minh mẫn để hoàn tất cuộc điều tra không hoặc để chữa trị căn bệnh mới có, đang có hay vừa tái phát, mà nếu không bị tạm giữ, đương sự cũng được săn sóc như vậy.

Tuy nhiên, đến giờ thứ 25 kể từ khi tạm giữ, Biện lý không còn độc quyền kiểm sóat nữa, mà đương nhiên một số người khác cũng được quyền này.

2)- Khám đương nhiên:

144 Trong suốt thời gian triển hạn tạm giữ, gia đình, Luật sư hay người bị giữ, đương nhiên có quyền xin khám sức khỏe. Việc khám sức khẻo đương nhiên này có các đặc điểm sau đây:

- Khi có lời yêu cầu, Hình cảnh lại bắt buộc “Phải” cho người bị giữ đi khám sức khỏe. Đây là quyền đương nhiên của người đứng đơn và đồng thời cũng là bổn phận của Hình cảnh lại.

- Luật dùng chữ “lời yêu cầu”, như vậy các đương sự được dùng mọi cách để bày tỏ ý định của mình hoặc xin miệng hoặc khai trong khẩu cung hoặc làm đơn.

- Cuộc khám nghiệm có thể do bất cứ Y sĩ nào, phục vụ tại bệnh viện công hay tư, được gia đình mời tới hay người bị giữ yêu cầu. Nếu không, Hình cảnh lại phải chỉ định.

- Lời yêu cầu không bị giới hạn về số lượng, nghĩa là khi nào sức khỏe đòi hỏi, các đương sự có quyền xin đi khám ngay.

- Thù lao trả cho Y sĩ có thể do gia đình đài thọ nếu tự ý dẫn tới, hoặc sẽ do người bị giữ đài thọ nếu Hình cảnh lại chỉ định, bằng cách nhờ thân nhân trả hay sẽ tính vào án phí tụng lệ.

Trong khi chờ Y sĩ khám nghiệm dù đương nhiên hay nhiệm ý, Cảnh sát Tư pháp vẫn có quyền tiếp tục hỏi cung, miễn là sức khỏe của người bị tạm giữ cho phép.

Nếu Y sĩ khuyến cáo bệnh tình đương sự sẽ nguy kịch cho việc tạm giữ hay điều tra, Cảnh sát Tư pháp nên ngưng ngay cuộc hỏi cung. Y chứng thư sẽ được kèm vào biên bản và Hình cảnh lại phải lập tức phúc trình Biện lý và cấp chỉ huy trực tiếp, nhất là trong trường hợp Y sĩ khuyến cáo phải chở bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Trừ khi Biện lý quyết định khác hay vì vấn đề chuyên môn Y khoa đòi hỏi, theo nguyên tắc chung, việc khám bệnh phải được diễn ra tại quản hạt nơi tạm giữ.


X.- SỰ GIA HẠN TẠM GIỮ

Tạm giữ là một biệt lệ, “không thể quá 24 giờ”, nhưng khi có lý do đặc biệt, luật cho phép nới rộng thời gian biệt lệ này.

A.- Ai cho phép gia hạn tạm giữ?

1)- Trường hợp phạm pháp quả tang:

145 Do lệnh của Biện lý hay Dự thẩm, Hình cảnh lại có thể tạm giữ một người quá 24 giờ: “Trong trường hợp đặc biệt, Biện lý hay Dự thẩm có thể, với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bẩy (7) ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra” (đ. 57 k. 3).

Về lý do cho phép triển hạn tạm giữ, luật chỉ nói một cách rất tổng quát: “Trong trường hợp đặc biệt”. Thiết tưởng đây là một vấn đề thực tế thuộc quyền thẩm định của Biện lý và Dự thẩm. Thông thường lý do đó được ước đoán hoặc vì vụ phạm pháp do nhiều người tham dự, không thể bắt hết ngay và lấy cung ngay trong 24 giờ hoặc vì vụ án quá phức tạp, đương sự còn nhiều chi tiết tỉ mỉ chưa khai kịp, hoặc vì sức khỏe người bị giữ không cho phép kết thúc sớm cuộc điều tra.

Dù sao, Biện lý và Dự thẩm khi cho gia hạn cũng phải tâm niệm rằng: Tự do là nguyên tắc, tạm giữ là biệt lệ và gia hạn tạm giữ lại là biệt lệ của biệt lệ trước.

146 Vấn đề gia hạn tạm giữ có liên quan đến việc dẫn trình người bị tạm giữ. Thực vậy, khoản 2 điều 57 qui định: “Nếu có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội người nào, Hình cảnh lại phải dẫn người ấy trình Biện lý trong vòng hai mươi bốn (24) giờ”.

Sau khi đã áp dụng biệt lệ tạm giữ người trong 24 giờ. Hình cảnh lại phải chọn lựa một trong hai giải pháp sau:

- Một là trả tự do ngay tức khắc cho đương sự.

- Hai là dẫn người ấy trình Biện lý, nếu có đủ chứng tích hệ trọng và phù hợp với tội phạm. Đôi lúc, Hình cảnh lại vì sợ trách nhiệm, dẫn trình tất cả mọi người bị tạm giữ mà không đủ chứng tích. Đó là lối làm việc tắc trách, không đáng khuyến khích.

Hằng ngày, Cảnh sát Tư pháp chở xe bít bùng người bị tạm giữ đến Tòa. Công việc xem ra có vẻ thông thường, nhưng về phần người bị dẫn, đây quả thực là một tai họa khủng khiếp, một điều sỉ nhục nhất mà Hình cảnh lại đối xử với họ. vậy tại sao Hình cảnh lại không theo đúng các tiêu chuẩn luật định để dẫn trình người bị tạm giữ?

Khỏan 3 điều 57 đặt ra một biệt lệ: “Trong trường hợp đặc biệt, Biện lý hay Dự thẩm có thể, với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ... mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra”.

Những lý do triển hạn thường được kể như sau:

- Khi quần chúng còn đang phẫn nộ vì tội phạm.

- Chưa thuận tiện đối với cá nhân người bị giữ.

- Ngăn trở trong việc di chuyển.

- Gặp những biến cố đặc biệt về chính trị, xã hội, thiên tai v.v....

Tóm lại, khỏan 3 điều 57 là biệt lệ đối với khỏan 1 về việc triển hạn tạm giữ quá 24 giờ và đồng thời cũn là biệt lệ đối với khỏan 2 về việc không phải dẫn trình mỗi khi triển hạn.

Dự thẩm hành xử tất cả những quyền hạn nêu trên trong trường hợp phạm pháp quả tang để thay thế cho Biện lý khi bị ngăn trở. Tuy nhiên, trong những vụ không quả tang, quyền hạn của hai vị Thẩm phán này khác nhau.

2)- Trường hợp phạm pháp không quả tang:

147 Điều 70 HSTT định rằng: Đối với cuộc điều tra ngoài trường hợp phạm pháp quả tang, Biện lý khi quyết định gia hạn tạm giữ có hay không dẫn trình người bị điều tra, cũng phải tôn trọng những thời hạn và thể thức dự liệu nơi điều 57 HSTT. Như vậy, trong cả hai trường hợp phạm pháp, quyền hạn của Biện lý không thay đổi.

Còn đối với Dự thẩm, quyền triển hạn tạm giữ chỉ áp dụng khi có sự ủy thác hỏi cung.

Điều 158 HSTT qui định: “Sau khi nghe bị can trình bày, Dự thẩm có thể cấp giấy phép cho tạm giữ thêm hai mươi bốn (24) giờ nữa”. Như vậy, Dự thẩm chỉ được triển hạn giữ một lần 24 giờ mà thôi.

Trong trường hợp này, Dự thẩm, nếu muốn, sẽ đặc cách cho phép khỏi dẫn trình.

Nếu sự ủy thác hỏi cung vượt ra ngòai quản hạt Dự thẩm ủy thác, thì Dự thẩm nơi thi hành có quyền cho phép tạm giữ nghi can. Khi tạm giữ như vậy, Hình cảnh lại phải trình báo Biện lý.

Gần đây, do Văn thư số 3500-BTP/HiV. Ngày 17.5.1972, Bộ Tư pháp xác nhận các Biện lý được quyền cho phép Quân cảnh gia hạn giữ nghi can quân nhân để điều tra. Bởi vì “hiện nay, nhiều hạng chiến sĩ quốc gia được đồng hóa với quân nhân, khiến cho quân số thuộc thẩm quyền Tòa án quân sự tăng gia quá nhiều, các Ủy viên chánh phủ thụ lý hồ sơ không được mau chóng như trước”. Hơn nữa, “Các Tòa án quân sự chỉ đặt trụ sở tại Đà Nẵng, Nha Trang, Saigon và Cần Thơ. Vậy với thẩm quyền tổng quát, Biện lý cuộc tại các tỉnh khác cần giúp các đơn vị quân cảnh trong nhiệm vụ điều tra của họ bằng cách cho phép triển hạn tạm giữ nếu được yêu cầu. Vả lại, khi cho phép triển hạn, Biện lý có dịp cứu xét lý do xin tạm giữ, và như vậy, sẽ làm đúng phận sự kiểm sóat câu lưu, mà Hiến Pháp đã ấn định cho cơ quan tư pháp”.

B.- Ai có thể bị triển hạn tạm giữ?

148 Dù trong trường hợp phạm pháp quả tang hay không, chỉ nghi can mới có thể bị triển hạn tạm giữ, vì:

1)- Theo điều 57 và 70 HSTT, Hình cảnh lại phải dẫn một người trình Biện lý, nếu có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội người ấy (khoản 2 d9. 57). Nhưng trong trường hợp đặc biệt, có thể triển hạn tạm giữ mà khỏi phải dẫn trình.

Hiển nhiên, chỉ có nghi can mới làm các hành vi để đến nỗi bị buộc tội, chứ không phải nhân chứng.

2)- Vấn đề triển hạn tạm giữ được qui định nơi khỏan 3 điều 57 HSTT. Như trên chúng tôi đã trình bày, khỏan 3 này là biệt lệ của khoản 1 và 2 của cùng điều luật về việc dẫn trình và gia hạn tạm giữ. Vậy cũng phải hiểu rằng chỉ được buộc tội nghi can khi có chứng tích hệ trọng và phù hợp với tội phạm và vì thế chỉ nghi can mới bị tạm giữ.

Riêng trường hợp ủy thác hỏi cung, khoản 1 điều 158 đã định rõ: “Sau khi nghe bị can trình bày, Dự thẩm có thể cấp giấy phép cho tạm giữ thêm hai mươi bốn (24) giờ nữa. Chữ “bị can” ở đây phải hiểu là người phạm pháp, tức nghi can, chứ không thể là nhân chứng.

Tuy nhiên, các Thẩm phán HOÀNG TUẤN LỘC và ĐÀO MINH LƯƠNG (49) chủ trương rằng chữ “bị can” dùng ở đây là sai vì điều 156 k. 2 ấn định: “Hình cảnh lại không có quyền lấy cung hay đối chất bị can”, cho nên chữ “bị can” “phải hiểu là người bị tạm giữ”. Nếu như vậy thì “sự gia hạn tạm giam của Dự thẩm có thể áp dụng đối với cả nhân chứng đơn thuần cũng như nghi can hay người bị điều tra”.

Chúng tôi đồng ý với hai vị Thẩm phán trên về sự lầm lẫn vật chất của danh từ “bị can” nơi điều 158 k. 1 nếu hiểu rằng một bị can đã được Dự thẩm hỏi cung và rồi lại được gửi cho Hình cảnh lại để điều tra bổ túc.

Nhưng, có thể giải thích điều luật trên một cách khác. Người bị tố cáo trước Hình cảnh lại được gọi là nghi can, trước Dự thẩm lại được gọi là bị can. Hai danh từ “nghi can” và “bị can” cùng để chỉ một người bị tố cáo phạm pháp. Nếu Cảnh sát Tư pháp không được hỏi cung bị can thì tại Tòa án, Dự thẩm cũng chẳng có nghi can để mà thẩm vấn. Cho nên, khi hiểu như vậy, chữ “bị can” nơi điều 158 cũng chưa chắc đã sai, vì một nghi can do Hình cảnh lại tự ý tạm giữ, khi được dẫn đến Dự thẩm “trình bày” (50), sẽ đổi danh xưng là bị can và nếu được trả về Cảnh sát Tư pháp điều tra bổ túc, lại gọi là nghi can mà vẫn không trái với tinh thần điều 156. Do đó, theo ý chúng tôi, chữ “bị can” ở điều 158 không nên hiểu là “ngươi bị tạm giữ” mà nên hiểu là “nghi can”.

Khi giải thích như vậy, các nhân chứng trong trường hợp Dự thẩm ủy thác hỏi cung, không thể bị gia hạn tạm giữ. Điều này hợp lý, vì ngay trong trường hợp phạm pháp quả tang, Dự thẩm và Biện lý còn không được quyền gia hạn tạm giữ nhân chứng, vậy không lẽ nào trong khi ủy thác hỏi cung, Dự thẩm lại được quyền này.

C.- Được triển hạn tạm giữ bao lâu?

Khoản 3 điều 57 HSTT qui định: “Trong trường hợp đặc biệt, Biện lý hay Dự thẩm có thể, với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bẩy (7) ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra”.

Cách hành văn của khỏan luật này quá mập mờ, chắc hẳn sẽ gây ra nhiều cuộc tranh luận trong tương lai. Nghi can được nhiều bảo đảm hay không còn tùy thuộc các giải pháp tranh luận đó, nên trước tiên, cần ghi lại quan niệm của các bản tiền Dự luật về vấn đề này.

149 1)- Giải pháp của các tiền Dự luật:

a)- Điều 50 Dự luật của Hành Pháp:

Khoản 1 nếu vì nhu cầu của cuộc điều tra, Hình cảnh lại thấy cần giữ lại một người nào, trong số những người nói ở điều 48 và 49, không thể giữ quá hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Khoản 2: Nếu có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội, Hình cảnh lại phải dẫn người ấy trình Biện lý trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Khoản 3: Thời gian tạm giữ, dự liệu nơi đoạn trên, có thể được gia tăng ba lần, mỗi lần hai mươi bốn tiếng đồng hồ, do giấy phép của Biện lý hay Dự thẩm

Khoản 4: Riêng về các tội xâm phạm an ninh Quôc Gia, thời gian tạm giữ có thể triển hạn mỗi lần hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tuy nhiên không thể quá bẩy ngày”.

b)- Điều 49 Dự luật của Hạ Viện:

Khoản 1, 2 và 4 giống nguyên văn điều 50 Dự luật của Hành Pháp.

Khoản 3 thay đổi như sau: “Thời gian tạm giữ dự liệu nơi đoạn trên, có thể được gia tăng tối đa hai (2) lần, mỗi lần hai mươi bốn (24) tiếng đồng hồ, do giấy phép của Biện lý hay Dự thẩm”.

c)- Điều 49 Dự luật của Thượng Viện:

Khoản 1, 2, và 4 nội dung cũng giống điều 49 Dự luật của Hạ Viện và thêm hai khoản 5 và 6 giống như điều 57 bộ HSTT.

Riêng khoản 3 sửa lại như sau: “Trong trường hợp đặc biệt, Biện lý hay Dự thẩm có thể với quyết định có viện dẫn lý do cho phép triển hạn thời gian tạm giữ tối đa hai mươi bốn (24) giờ nữa mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra”.

2)- Giải thích điều 57 khoản 3 HSTT:

150 Chúng ta có các nhận xét sau đây:

a)- Phải ghi nhận thiện chí của nhà làm luật muốn bào đảm tối đa quyền an toàn về thân thể của nghi can trong cách hành văn “không thể giữ quá hai mươi bốn (24) giờ và “không thể quá bẩy (7) ngày”, nghĩa là chỉ nên giữ một người tới mức thời gian hạn định khi nào cần thiết. (51)

b)- Thời lượng 7 ngày là tổng số thời gian triển hạn tạm giữ (chưa kể 24 giờ đầu) hay là tổng số thời gian có thể tạm giữ (gồm 24 giờ đầu và các giờ triển hạn)?

Nếu hiểu theo quan niệm trước thì một nghi can có thể bị tạm giữ tại cơ quan điều tra tối đa 8 ngày, gồm 1 ngày đầu và 7 ngày triển hạn. Còn nếu theo ý kiến sau thì nghi can chỉ có thể bị tạm giữ tối đa 7 ngày, gồm 1 ngày đầu và 6 ngày triển hạn.

Ba bản Dự luật của Hành pháp, Hạ Viện và Thượng Viện không đặt ra các thắc mắc trên vì cách hành văn thật rành mạch:

Dự luật Hành Pháp cho “gia tăng” thời gian tạm giữ “ba lần”, một lần 24 giờ.

Dự luật Hạ Viện cho “gia tăng tối đa 2 lần, mỗi lần 24 giờ”.

Dự luật Thượng Viện cho triển hạn “tối đa 24 giờ nữa”.

Nhưng cách hành văn của Bộ HSTT khá đặc biệt: “... Biện lý hay Dự thẩm có thể ... cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bẩy (7) ngày...”

Con số 7 ngày, Bộ HSTT lấy ở đâu ra?

Cả ba bản Dự luật không có bản nào cho triển hạn tạm giữ lâu như bộ HSTT về thường tội (khoản 3). Còn về các tội xâm phạm an ninh Quốc Gia, các tiền Dự luật cho triển hạn tạm giữ, nhưng “không thể quá 7 ngày” (khoản 4).

Các nhà soạn thảo bộ HSTT lại đem ngay câu văn “không thể quá 7 ngày” của khỏan 4 của các tiện Dự thảo (dành cho tội xâm phạm an ninh Quôc gia) lên khoản 3 của Bộ HSTT (cho thường tội), thành ra đến khỏan 4 bộ HSTT, nhà làm luật mới định rằng: “Riêng về các tội xâm phạm an ninh Quốc gia, thời gian tạm giữ có thể triển hạn quá 7 ngày”.

Văn thức “có thể quá 7 ngày” của khỏan này cũng gây thắc mắc như khoản 3 vậy.

Tại sao nhà làm luật không viết rằng về tội xâm phạm an ninh Quốc gia, có thể triển hạn vô hạn định, mà lại viết là quá 7 ngày? Ngoài ra, có thể triển hạn dưới 7 ngày được không? Nếu được, tại sao không viết là có thể triển hạn quá một ngày hay quá 24 giờ mà ý nghĩa vẫn không thay đổi?

151 Trở về khỏan 3 điều 57 HSTT, chúng ta phải hiểu ra sao?

Theo hai vị Thẩm phán Saigon cùng chú thích Bộ HSTT (52) thì “luật dùng văn thức “nhưng không thể quá 7 ngày” một cách tổng quát, như vậy phải hiểu thời hạn 7 ngày này là tổng số thời gian có thể tạm giữ. Cuộc thảo luận của Ủy ban soạn thảo Bộ HSTT này không được công bố (53) cho nên không thể căn cứ vào ý chí của nhà làm luật để giải thích điều khỏan này. Tuy nhiên sự tạm giữ chỉ là biệt lệ và hơn nữa xâm phạm vào tự do cá nhân phải được giải thích chặt chẽ và quan điểm “7 ngày là tổng số thời gian tạm giữ” có thể được chấp nhận”.

Cũng nên thêm một lý do nữa để hỗ trợ cho quan niệm trên là nếu thời lượng 7 ngày không gồm 24 giờ đầu thì tác giả soạn bộ HSTT đã theo cách hành văn của ba bản Dự luật trước để viết rằng: “... cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bẩy (7) LẦN...” Nhưng bộ HSTT lại viết “không thể quá bẩy (7) NGÀY”. Do đó, phải hiểu rằng thời gian có thể tạm giữ tối đa là 7 ngày, trong đó gồm 24 giờ đầu và 6 lần triển hạn, mỗi lần 24 giờ.

Tuy nhiên, lập trường trái ngược chủ trương rằng thời lượng 7 ngày chỉ là tổng số thời gian có thể triển hạn, không gồm 24 giờ đầu, cũng đáng chú ý.

Theo cách hành văn của điều 57, khỏan 1 là nguyên tắc: vì nhu cầu cuộc điều tra, Hình cảnh lại có thể giữ người, nhưng không thể quá 24 giờ.

Còn khỏan 3 là biệt lệ: Trong trường hợp đặc biệt, Hình cảnh lại được phép triển hạn thời gian tạm giữ mỗi lần 24 giờ, nhưng không thể quá 7 ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra”. Thời lượng 7 ngày này được qui định trong phần biệt lệ về việc triển hạn tạm giữ. Câu văn “nhưng không thể quá 7 ngày” được đặt giữa hai dấu phẩy (,) của phần biệt lệ này, nên không thể nào bao gồm cả thời gian nguyên tắc 24 giờ ở khỏan 1 được.

Án lệ chắc hẳn sẽ có dịp phải giải quyết vấn đề này.

152 c)- Vì điều 57 khỏan 3 cho phép Hình cảnh lại triển hạn tạm giữ, “nhưng không thể quá bẩy (7) ngày”. Vậy khi chưa hết 7 ngày, Hình cảnh lại phóng thích người bị giữ, rồi sau đó lại kêu đến giữ và bắt đầu tính thời hạn tạm giữ mới. Như vậy có hợp luật không?

Một điều chắc chắn là thâm ý nhà làm luật không muốn trao nhiều phương tiện hạn chế tự do cá nhân cho Hình cảnh lại. Vạn bất đắc dĩ luật mới cho phép Hình cảnh lại tạm giữ người. Nay nếu họ muốn tự tăng quyền hạn của mình bằng cách né tránh tinh thần luật pháp, đó là một điều bất chính. Cái hành vi giữ người rồi lại thả và thả không phải vì quyền lợi của nghi can, mà thả để có lý do tạm giữ thêm, như thế có nghĩa rằng thả để giữ và giữ để mà giữ, giữ để thỏa mãn khát vọng, thỏa mãn tự ái, phô trương quyền hành; giữ để có dịp tham nhũng, sách nhiễu dân lành, giữ vì trăm ngàn lý do vị kỷ khác. Đó cũng lại là điều bất chính nữa.

Ngoài ra, các vị Thẩm phán công tố giữ nhiệm vụ kiểm sóat công việc của Hình cảnh lại cũng không thể chấp nhận cách giải thích gượng ép như trên, vì nếu cần phải hạn chế tự do con người lâu hơn để điều tra thì luật đã giao trách nhiệm cho một vị Thẩm phán xử án là Dự thẩm, với tất cả quyền hành rộng rãi, làm việc theo một thủ tục bảo đảm tối đa quyền lợi bị can. Nếu nội vụ còn cần đến Cảnh sát Tư pháp, Dự thẩm sẽ ủy thác hỏi cung sau, nhưng Hình cảnh lại chỉ được tạm giữ 24 giờ, nếu cần, và Dự thẩm sẽ cho gia hạn thêm 24 giờ nữa mà thôi (đ. 158 k. 1).

Sau cùng, mục đích thả người để có cớ giữ thêm của Hình cảnh lại chưa hẳn có thể đạt được, nếu người dân biết rõ quyền hạn của mình. Thật vậy, khi hình cảnh lại thả một người ra tức là yếu tố khẩn cấp đã mất, nội vụ chỉ có tính cách điều tra thông thường, nếu cần được giấy gọi, đương sự có quyền từ chối trình diện và Biện lý cũng không thể cho lệnh đi bắt, trừ trường hợp có trát dẫn giải của Dự thẩm.

153 d)- Cũng trong chiều hướng dựa vào điều 57 khỏan 3 để tạm giữ nghi can thật lâu, người ta giải thích rằng: Hình cảnh lại có thể “triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bẩy (7) ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra”. Vậy nếu Biện lý buộc dẫn trình, thời hạn 7 ngày không phải tuân giữ nữa.

Đây cũng là một lối giải thích bóp méo văn từ luật pháp. Đọc tất cả khỏan 1, 2 và 3 điều 57 HSTT, chúng ta phải hiểu rằng trên nguyên tắc vì nhu cầu điều tra, Hình cảnh lại được phép tạm giữ người trong 24 giờ (khỏan 1), ngoài ra, khi có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội một người, hình cảnh lại bắt buộc phải dẫn trình Biện lý trong hạn 24 giờ (khỏan 2). (54)

Tuy nhiên, gặp trường hợp đặc biệt, Hình cảnh lại được phép triển hạn mà khỏi buộc dẫn trình. Nghĩa là đáng lẽ ra, mỗi lần xin triển hạn là mỗi lần phải dẫn người đang bị giữ trình diện Biện lý. Nhưng vì làm như vậy, có thể gây nhiều trở ngại trong việc di chuyển, nên luật cho phép miễn công tác này. Dù sao, quyết định cho triển hạn cũng phải viện dẫn lý do.

Tóm lại, triển hạn tạm giữ mà khỏi dẫn trình nghi can là vì lý do an ninh công cộng và an ninh cá nhân người bị giữ (55), chứ không phải cứ dẫn trình thì sẽ được quyền giam giữ người vô hạn định tại cơ quan điều tra sơ vấn.

154 2)- Nhà làm luật còn muốn bảo đảm hữu hiệu sự tự do của nghi can hơn nữa, khi qui định ở điều 57 khỏan 3 rằng: “Biện lý hay Dự thẩm có thể.... cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, MỖI LẦN hai mươi bốn (24) giờ”. Như vậy, cứ mỗi 24 giờ, Hình cảnh lại phải làm đơn xin triển hạn mới. Luật định như vậy để Hình cảnh lại kiểm điểm công việc đã làm trong một ngày tước đọat quyền tự do cá nhân, cũng để xét xem có cần phải xin giữ nghi can thêm một ngày nữa không, và để Biện lý hay Dự thẩm có dịp kiểm sóat công việc của Hình cảnh lại trong tinh thần tôn trọng quyền an toàn cá nhân.

Bởi vậy, mọi đơn xin triển hạn tạm giữ mỗi lần quá 24 giờ đều phải coi là bất hợp lệ và mọi sự chấp thuận cũng cần phải chế tài.

3)- Ý nghiã khỏan 3 điều 45:

Khoản luật này qui định: “Trong mọi trường hợp, cuộc thẩm vấn (556) tại Biện lý cuộc kông thể kéo dài quá 2 ngày”. Thời hạn này áp dụng cho trường hợp phạm pháp quả tang hay không quả tang?

155 Theo Thẩm phán HOÀNG TUẤN LỘC và ĐÀO MINH LƯỢNG: (57)

a)- Nếu chú ý tới địa điểm được luật giới hạn “tại Biện lý cuộc” (danh từ Biện lý cuộc theo nghĩa thường dụng chỉ nơi làm việc của Biện lý cùng các Phó Biện lý, có các Lục sự và thư ký giúp việc) thì có thể giải thích điều khỏan này chỉ áp dụng cho các cuộc điều tra sơ vấn ngoài trường hợp phạm pháp quả tang, mà Biện lý đảm nhiệm tại văn phòng trong Pháp đình.

b)- Nhưng cũng có thể căn cứ trên điều khỏan đã quy định “trong mọi trường hợp” và giải thích văn thức “Biện lý cuộc” là do Biện lý đảm nhiệm thì điểu khỏan này phải áp dụng cho cả thủ tục quả tang.

Tuy nhiên, theo hai vị Thẩm phán, lối giải thích thứ hai không phù hợp với quan niệm phạm pháp quả tang và lý do luật định thủ tục đặc biệt này. Giời hạn thời gian điều tra của Biện lý trong trường hợp này là đi ngược với mục đích của luật pháp về thủ tục quả tang.

Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề ở đây vì quyền lợi của các nghi can tùy thuộc từng giải pháp chấp thuận. Nếu khoản 3 điều 45 chỉ áp dụng cho trường hợp phạm pháp không quả tang (Ý kiến 1) thì Biện lý có thể tạm giữ bị can tối đa 7 hay 8 ngày (58) để điều tra những vụ quả tang tại Biện lý cuộc. Trái lại, nếu khỏan luật trên áp dụng luôn cho thủ tục quả tang (Ý kiến 2) thì cuộc điều tra tại Biện lý cuộc dù quả tang hay không bao giờ cũng kéo dài tối đa 2 ngày và dĩ nhiên, chỉ được tạm giữ bị can trong thời hạn này mà thôi.

156 Vậy chúng ta nên theo ý kiến nào? Hai vị Thẩm phán chú thích bộ Hình sự Tố Tụng đã chỉ trích ý kiến 2 vì không hợp với ý nghĩa phạm pháp quả tang. Tuy nhiên, chúng tôi chủ trương ý kiến thứ 2 hữu lý và thích hợp với quyền lợi của bị can hơn, vì:

a)- Theo nguyên tắc, Hình luật phải giải thích chặt chẽ có lợi cho người phạm pháp. Ý kiến thứ hai hiển nhiên lợi cho bị can hơn.

b)- Luật đã quy định “trong mọi trường hợp”, vậy phải hiểu chung là trường hợp quả tang cũng như thông thường.

c)- Còn nói rằng Biện lý chỉ hỏi cung những vụ phạm pháp không quả tang “tại Biện lý cuộc” là không chính xác. Thủ tục quả tang hay không được áp dụng tùy thuộc các yếu tố luật định nơi điều 46 và 47 HSTT, chứ không tùy nơi cuộc điều tra diễn ra. Dĩ nhiên, Hình cảnh lại thường điều tra vụ phạm pháp quả tang ngay tại phạm trường nhưng không cấm họ đưa nghi can bị bắt quả tang về cơ quan hỏi cung. Bởi vậy không thể căn cứ vào địa điểm điều tra là “Biện lý cuộc” mà kết luận khoản điều 45 chỉ áp dụng cho vụ phạm pháp không quả tang.

d)- Nếu quan niệm rằng Biện lý được tạm giữ bị can “tối đa 7 ngày” trong vụ quả tang và tối đa 2 ngày trong vụ thông thường là “phù hợp với quan niệm phạm pháp quả tang” thì theo chúng tôi, chưa hẳn đã chính xác. Tại sao không quan niệm ngược lại: Trường hợp thông thường mới cần điều tra và tạm giữ lâu vì khó tìm bằng chứng, còn những vụ phạm pháp quả tang, phải điều tra và tạm giữ mau vì tang chứng quá rõ, thủ phạm bị bắt tại trận? Ngoài ra, ngay đối với Hình cảnh lại, thời gian điều tra, tạm giữ và gia hạn tạm giữ trong những vụ phạm pháp quả tang hay không cũng như nhau. Vậy lý do gì phân biệt hai trường hợp trên đối với Biện lý, trong khi khỏan 3 điều 45 chỉ quy định rất tổng quát: “Trong mọi trường hợp cuộc thẩm vấn tại Biện lý cuộc không thể kéo dài quá 2 ngày”.

đ)- Sau cùng, nếu thời hạn 2 ngày của điều 45 khỏan 3 không áp dụng trong trường hợp phạm pháp quả tang thì sau khi Hình cảnh lại đã tạm giữ và triển hạn tạm giữ, Biện lý lại hành sử quyền điều tra của Hình cảnh lại mà luật dành cho, chiếu điều 34 HSTT, lúc đó, không lẽ Biện lý lại bắt đầu tạm giữ và triển hạn ạtm giữ nghi can để điều tra thêm một lần nữa hay sao?

Quan điểm của chúng tôi còn có lợi ích cho người phạm pháp trong cách tính cộng chung các thời hạn sẽ bàn đến sau đây.

157 4)- Điều 45 với 717 HSTT”

Khỏan 3 điều 45 định thời hạn điều tra và tạm giữ tại Biện lý cuộc không quá 2 ngày.

Điều 717 HSTT quy định: “Đối với vụ phạm pháp, dù quả tang hay không, thụ lý hồ sơ có người bị dẫn trình. Biện lý phải thanh quyết trong thời hạn bốn mươi tám (48) giờ”. Trong lúc chờ đời, dĩ nhiên, vẫn phải tạm giữ bị can tại cơ quan điều tra sơ vấn.

Vậy hai thời hạn này có thể sử dụng cùng một lượt không? Nói cách khác, Biện lý có thể tạm giữ 2 ngày để điều tra, sau đó, giữ thêm 2 ngày để thanh quyết hồ sơ không?

Chúng tôi chủ trương không. Vì 2 lý do:

a)- Mục đích của điều 717 là để Biện lý đủ thời giờ nghiên cứu và thanh quyết “hồ sơ có người bị (Hình cảnh lại) dẫn trình”. Vậy nếu đích thân Biện lý điều tra, tức Biện lý đã am tường nội vụ từ đầu tới cuối, nên mục đích của điều 717 không còn nữa. Sau 2 ngày điều tra, Biện lý phải thanh quyết hồ sơ ngay.

b)- Tự do là nguyên tắc, tạm giữ là biệt lệ. Cách giải thích trên có lợi cho bị can, nên phải được chấp nhận.

Tóm tắt, khi cuộc điều tra diễn ra tại Biện lý cuộc, Công tố viện không thể tạm giữ bị can quá 2 ngày và phải thanh quyết hồ sơ ngay khi thời hạn trên chấm dứt.

158 5)- Điều 45 với 57 HSTT:

Khỏan 3 điều 45 có thể áp dụng đồng thời với điều 57 HSTT không? Nói khác đi, sau khi Hình cảnh lại tạm giữ một người để điều tra (chiếu đ. 57), Biện lý có thể tiếp tục tạm giữ không quá 2 ngày để đích thân điều tra bổ túc (chiêu đ. 25 k. 3) không?

Thiết tưởng cần phân biệt 2 trường hợp:

a)- Khi Hình cảnh lại mở cuộc điều tra, tạm giữ nghi can và đã xin triển hạn tạm giữ không quá 7 ngày theo khoản 3 điều 57 rồi thì Biện lý không thể tiếp tục giữ thêm 2 ngày để điều tra nữa, vì:

- Bản chất cuộc điều tra của Hình cảnh lại và của Biện lý không khác nhau.

- Luật định rằng mỗi lần cho triển hạn tạm giữ, Biện lý “phải viện dẫn lý do”. Điều này có nghĩa rằng mỗi khi xin, Hình cảnh lại cũng đã phải trình bày rõ nội vụ và lý do riêng cho lần đó. Nói khác đi, kể từ giờ thứ 25 trở đi, vị Biện lý cần mẫn đã phải biết rõ hồ sơ của từng bị can tạm giữ. Vậy nếu muốn khai thác điểm gì, Biện lý có thừa thời giờ (tối đa 7 ngày) để chỉ thị Hình cảnh lại điều tra bổ túc. Sau suốt một tuần lễ cho triển hạn tạm giữ điều tra mà Biện lý còn cố giữ thêm 2 ngày nữa để tiếp tục điều tra, e rằng quyền tự do cá nhân của người dân bị khinh thường quá đáng và người ra lệnh tạm giữ có thể bị mang tiếng là lạm dụng!

Giả như, Hình cảnh lại sau khi tạm giữ, đã một vài lần xin triển hạn và quyết định không xin thêm nữa. (59) Tuy nhiên, Biện lý thấy hồ sơ chưa hoàn bị, muốn điều tra bổ túc.Vậy nếu theo quan điểm chúng tôi vừa đề nghị, chẳng lẽ Biện lý không được hành sử quyền hạn theo điều 45 khỏan 3 sao?

Chúng tôi vẫn giữ lập trường trên và đề nghị trong trường hợp này, Biện lý gửi hồ sơ đến Dự thẩm. Không gì cản trở Biện lý truy tố vô danh và tạm thời ấn định tội trạng, bởi vì trên nguyên tắc, mọi quyết định ghi trong lệnh khởi tố đều có tính cách phóng đoán và tạm thời. Dự thẩm có bổn phận dự khuyết những chi tiềt còn thiếu sót đó. Giải pháp này tuy hạn chế it nhiều quyền hành của Biện lý nhưng một cách tổng quát, vẫn bảo vệ tối đa quyền lợi bị can, vì nhà làm luật trong mọi trường hợp muốn bênh vực bị can, chứ không muốn dành quyền rộng rãi cho Biện lý.

b)- Trái lại, Hình cảnh lại tạm giữ người để điều tra không quá 24 giờ (theo khoản 1 điều 57) và quyết định không xin triển hạn tạm giữ nữa, khi đó, Biện lý có thể hoặc đích thân hoặc ủy nhiệm Hình cảnh lại điều tra bổ túc, nhưng vẫn không thể quá 2 ngày (d. 45 khỏan 3). Trường hợp ủy nhiệm, Hình cảnh lại sẽ hành động nhân danh Biện lý, nên phải tuân theo mọi thủ tục điều tra như tại Biện lý cuộc, chẳng hạn tôn trọng quyền Luật sư tiêp xúc với bị can, tham khảo hồ sơ v.v....

159 6)- Điều 717 với 57 HSTT:

Điều 717 HSTT có được áp dụng kế tiếp điều 57 HSTT không? Nghĩa là sau khi hình cảnh lại tạm giữ và dẫn trình một người chiếu điều 57, Biện lý có thể tạm giữ không quá 2 ngày nữa để thanh quyết hồ sơ (chiếu điều 717) không?

Chúng tôi đề nghị cũng phân ra 2 trường hợp:

a)- Khi Biện lý cho phép triển hạn giữ, tức đã được báo cáo đầy đủ sự việc, vì nếu không thì quả thực tự do con người bị đánh giá quá rẻ! Do đó, Biện lý không được quyền giữ bị can để chờ tham khào và thanh quyết hồ sơ nữa.

b)- Tuy nhiên, nghi can sau 24 giờ tạm giữ, bị dẫn đến Tòa lần đầu cùng với hồ sơ thì Biện lý cần phải có thời gian để tham khảo. Do đó, được tiếp tục giữ bị can, nhưng không thể quá 2 ngày.

160 7)- Điều 45, 717 với 57 HSTT:

Có được áp dụng cả 3 điều luật cùng một lượt không? Nói rõ hơn, một người phạm pháp bị tạm giữ và triển hạn không quá 7 ngày (đ. 57), sau đó bị Biện lý tạm giữ 2 ngày để điều tra (đ. 57), rồi giữ thêm 2 ngày nữa để giải quyết hồ sơ (đ. 717). Như vậy có được không?

Nếu chủ trương có thì còn gì là tự do cá nhân! Người ta đã sát nhập thời hạn một cách quá máy móc, trái với mục đích của các điều luật như đã trình bày ở trên. Cho nên thiết tưởng cần giải quyết vấn đề theo những tiêu chuẩn đã đề nghị, nghĩa là:

- Không áp dụng trùng hợp thời hạn của hai điều 45 và 717.

- Trước khi muốn sát nhập thời hạn của điều 45 hay 717 với điều 57, cũng cần phân biệt Hình cảnh lại có xin triển hạn tạm giữ hay không theo khoản 1 và 3 điều 57.

Tóm lại, cách giải thích của chúng tôi về ý nghĩa điều 45 cũng như cách áp dụng thời hạn liên tục quy định trong các điều 45, 57 và 717 chỉ nhằm bảo đảm tự do của người phạm pháp, đồng thời theo đúng tập tục của ngành công tố từ bao lâu là giải quyết mau chóng các hồ sơ do Hình cảnh lại đệ trình, kể cả trong các ngày lễ nghỉ.

Giải pháp này đưa đến một kết quả khích lệ, vì troNg bất cứ trường hợp nào, dù quả tang hay không, cuộc điều tra sơ vấn có tạm giữ người do Hình cảnh lại và Biện lý đảm trách đều không thể vượt quá 8 ngày (Bảng tóm tắt 1).

Trái lại, nếu cộng chung các thời hạn trong mọi trường hợp và nếu thời hạn 2 ngày nơi điều 45 k. 3 chỉ áp dụng trong trường hợp phạm pháp không quả tang thì tổng số thời gian có thể tạm giữ trong giai đoạn điều tra sơ vấn sẽ tăng lên nhiều hơn (Bảng tóm tắt 2).

Còn nếu Biện lý điều tra những vụ phạm pháp quả tang mà không áp dụng thời hạn của đ. 45 k. 3, tức là phải áp dụng điều 57 HSTT thì thời hạn tối đa có thể tạm giữ một nghi can lên tới 18 ngày (Bảng tóm tắt 3).

 

BẢNG TÓM TẮT 1

VỀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN TẠM GIỮ

(Theo giải pháp đề nghị)

 

Điều luật và thời gian Điều luật trùng nhập Có cộng chung không? Điều luật không cộng chung Tính ra thời gian Tổng số thời gian tạm giữ

 

45 k.3: 2 ngày hỏi cung tại Biện lý cuộc, dù quả tang hay không 717: 2 ngày thanh quyêt hồ sơ 57 k.1: 1 ngày tạm giữ 57 k.3: 7 ngày triển hạn tạm giữ (XC. Cước chú) 45 k.3 + 717(2 ngày) (2 ngày) Không 717 2 ngày + 0 ngày 2 ngày  
 
45 k.3 + 57 k.1(2 ngày) (1 ngày) - 2 ngày + 1 ngày 3 ngày

 

45 k.3 + 57 k.3(2 ngày) + (7 ngày) Không 45 k.3 0 ngày + 1 ngày 7 ngày

 

717 + 57 k.1(2 ngày) (1 ngày) - 2 ngày + 1 ngày 3 ngày

 

717 + 57 k.3(2 ngày) (7 ngày) Không 717 0 ngày + 7 ngày 7 ngày

 

45 k.3 + 717 + 57 k.1(2 ng.) (2ng.) (7 ng.) Không 717 2 ng. + 0 ng. + 7 ng. 3 ngày

 

45 k.3 + 717 + 57 k.3(2 ng.) (2 ng.) (7 ng.) Không 45 k.3và 717 0 ng.+ 0 ng. + 7 ng. 7 ngày

 

Cước chú: Tạm theo giải pháp cắt nghĩa thời gian 7 ngày nơi điều 57 k.3 là tổng số thời gian có thể triển hạn tạm giữ. Nếu cộng thêm 24 giờ tạm giữ đầu thì thời gian có thể tạm giữ tối đa thành 8 ngày.

 

BẢNG TÒM TẮT 2

VỀ CÁCH TÍNH THỜI GIAN TẠM GIỮ

TRONG TRƯỜNG HỢP PHẠM PHÁP KHÔNG QUẢ TANG

Giả thuyết Điều luật trùng nhập Tính ra thời gian Tổng số thời gian tạm giư
I)- Nếu cộng chung các thời hạn trong mọi trường hợp 2)- Nếu điều 45 k.3 chỉ áp dụng trong trường hợp phạm pháp không quả tang 45 k.3 + 717 (2 ngày) (2 ngày) 2 ngày + 2 ngày 4 ngày
45 k.3 + 57 k.1 (2 ngày) + (1 ngày) 2 ngày + 1 ngày 3 ngày
45 k.3 + 57 k.3 (2 ngày) (7 ngày) 2 ngày + 7 ngày 9 ngày
717 + 57 k.1 (2 ngày) ( 1 ngày) 2 ngày + 1ngày 3 ngày
717 + 57 k.3 (2 ngày) (7 ngày) 2 ngày + 7 ngày 9 ngày
45 k.3 + 717 + 57 k.1 (2 ng.) (2ng.) (1 ng.) 2 ngày + 2 ngày + 1 ngày 5 ngày
45 k.3 + 717 + 57 k.3(2 ng.) (2 ng.) (7 ng.) 2 ngày + 2 ngày + 7 ngày 11 ngày

 

BẢNG TÓM TẮT 3

VỀ CÁCH TINH THỜI GIAN TẠM GIỮ

TRONG TRƯỜNG HỢP PHẠM PHÁP QUẢ TANG

(Không áp dụng điều 45 k. 3)

Hình cảnh lại Biện - lý Tổng số thời gian tối đa tạm giữ
Tạm giữ Xin triển hạn tạm giữ Tạm giữ Triển hạn tạm giữ Thanh quyết hồ sơ
1 ngày(57 k.1) 7 ngày(57 k.3) 1 ngày(57 k.1) 7 ngày(57 k.3) 2 ngày(717) 18 ngày


XI.- CHẾ TÀI

161 Khoản 6 điều 57 HSTT dự liệu và trừng trị Hình cảnh lại nào vi phạm các qui tắc ấn định thể lệ tạm giữ về “tội giam cầm trái phép, chưa kể chế tài về kỷ luật cùng bồi thường thiệt hại cho đương sự”.

Việc bồi thường của điều 57 và điều 152 HSTT khác nhau. Điều 152 và kế tiếp dành cho người bị giữ oan ức do quyết định của Dự thẩm. Còn điều 57 khỏan 6 dành cho trường hợp Hình cảnh lại phạm tội giam cầm trái phép và nạn nhân xin đứng dân sự nguyên cáo. Nói cách khác, nếu Hình cảnh lại tạm giữ nguời một cách hợp pháp, cho dù oan ức, nạn nhân cũng không thể đòi bồi thường vì thiếu một tội phạm làm căn bản cho sự thiệt hại.

Ngược lại, tuy Dự thẩm tạm giam người hợp luật, nhưng giam một cách oan ức thì không cần biết Dự thẩm có phạm tội hay không, người bị giam vẫn được quyền kiện chính phủ đòi tổn hại.

162 Nhà làm luật 1972 đã đặt ra nhiều qui lệ trong việc giam giữ nghi can. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sự tạm giữ theo tinh thần bộ HSTT, mới chỉ là biện pháp cảnh sát, áp dụng trong thủ tục điều tra, nếu sự vi phạm tự nó, không làm thủ tục vô hiệu. Đây lại là điều đáng tiếc.

Theo G, STEFANI và G. LEVASSEUR, (60) Tòa án Tối Cao ít nhất phải coi sự vi phạm quy tắc về tạm giữ như là một sự xâm phạm quyền biện hộ, vì bảo vệ quyền biện hộ trong giai đọan điều tra sơ vấn (hiện là một giai đoạn căn bản trong thủ tục hình sự) là một nhiệm vụ thiết yếu. Tuy vậy, có một số phán quyết đã xử ngược lại rằng sự bất tuân các qui tắc về tạm giữ không làm cho thủ tục vô hiệu, cùng lắm chỉ qui trách nhiệm cá nhân cho Hình cảnh lại. (61)

Dầu sao, theo CHAMBON, (62) cuộc điều tra có mục đích tìm ra chân lý, và nếu sự vi phạm làm hà tì tới căn bản của việc tìm tòi và thiết định sự thật thì thủ tục vô hiệu. Bởi vậy đã có án không chấp nhận những lời thú tội thực hiện trong khi bị tạm giữ bất hợp lệ. (63)

Chúng tôi ước mong Bộ Hình Sự Tố Tụng trong tương lai sẽ được bổ túc bằng các dự liệu rằng khi vi phạm các điều 57, 58, 70 và 158, thủ tục sẽ vô hiệu.

 

Phân Đoạn 2

SỰ KHÁM NGƯỜI


163 Trên nguyên tắc, thân thể con người bất khả xâm phạm. Đây là một trong những quyền thiêng liêng nhât của người dân, Hình cảnh lại không thể viện cớ nhu cầu điều tra để lạm dụng xâm phạm.

Trước đây, nhiều bản án đã cho phép Cảnh sát được xét người bất cứ lúc nào. Nhưng đó là một sự vi phạm luật lệ, Tòa Phá an Pháp đã xử rằng khám người (fouille à corps) mà không có lệnh Tòa hay không phải trường hợp phạm pháp quả tang sẽ bị coi là bất hợp lệ, nhưng nều chỉ “rờ nắn bên ngoài” (simple palpation extérieure) thì hợp lệ, dù thực hiện công việc đó ngay ngoài công lộ. (64)

Theo Ô. NGUYỄN QUỐC HƯNG (65), riêng cách hành văn tế nhị ấy cũng đủ chứng tỏ sự trơ trẽn cũng có chừng, lòng trọng pháp hãy còn chưa mất.

Ngoài ra hành vi rờ nắn còn có thể bị truy tố và trừng phạt về tội hành hung. (66)

Dù sao sự phân biệt khám xét và rờ nắn của Tóa Phá an Pháp cũng là điều rất phức tạp về phương diện vật chất (67). Thực vậy, khi một viên Cảnh sát thổi còi chặn xét một người tình nghi oa trữ vũ khí, làm sao lại chỉ cho phép viên chức này rờ nắn túi áo ngoài mà không cho phép nắn thêm chiếc túi áo trong xem có chứa vũ khí không. Giáo sư G. LANGUIER kể lại chuyện tại thành phố nơi Ông dạy học, viên Cảnh sát nọ khi chặn một tên bất lương để khám xét có tàng trữ vũ khí trong người không. Vì anh ta chỉ được rờ nắn bên ngoài, nên kẻ bất lương đã lấy vũ khí giấu kín trong người bắn chết viên Cảnh sát. (68)

Đây thực là một việc đáng tiếc, nhưng ít ra, cũng chứng tỏ rằng tự do người nghi phạm vẫn còn quí hơn sinh mạng nhân viên thừa hành luật pháp!

Vậy luật lệ về vấn đề khám xét người ra sao? Chúng ta cần phân biệt hai trường hợp:


164 A.- Khám người để tìm bằng chứng tội phạm:

1)- Trong những vụ phạm pháp quả tang, theo tinh thần điều 48 HSTT, “Hình cảnh lại phải... sai áp dụng cụ và khí giới đã được dùng hay có thể dùng để phạm pháp cùng tất cả tang vật khác”. Do đó, Hình cảnh lại và chỉ Hình cảnh lại mới được quyền khám xét người để tìm tang chứng phạm pháp. Mọi công dân khác tuy được bắt người giao cho Hình cảnh lại (đ. 66 HSTT), nhưng không có quyền khám.

2)- Còn trong trường hợp thông thường, Hình cảnh lại không thể chặn bất cứ ai ngoài đường để khám xét, dù là rờ nắn quần áo, nếu đương sự không minh thị ưng thuận (đ. 69 HSTT).

165 B.- Khám người vì lý do an ninh sau khi bắt giữ:

1)- Các biện pháp nói trên có mục đích tìm tang vật là một hành vi thẩm cứu, khác với việc khám xét sau khi đã bắt giữ hợp lệ là một biện pháp an ninh, nhằm mục đích ngăn ngừa người bị bắt cất giấu khí giới để tự sát, giết người hay vượt ngục.

Biện pháp an ninh nói trên đã được ghi trong điều 153 Sắc lệnh ngày 20.5.1903: “Biên bản bắt người phải ghi rõ các nghi can đã bị lục xét kỹ càng (đàn bà do một người đồng tính xét) và kê khai các giấy tờ, đồ vật khám thấy trong người”. Nhưng hành vi xét người này chỉ hợp pháp sau khi đã bắt ngừơi một cách hợp pháp. (69)

2)- Những giả dụ, khi khám người vì biện pháp an ninh mà lại tìm thấy bằng chứng về tội đang điều tra hay một tội khác nữa thì sao?

Nếu sở hữu chủ không ưng thuận cho sai áp những tang vật đó, Hình cảnh lại vẫn không thể sai áp ngoài ý muốn của đương sự. Trong trường hợp này, Hình cảnh lại sẽ phúc trình Biện lý và Biện lý sẽ chuyển giao hồ sơ đến Dự thẩm để áp dụng biện pháp sai áp cưỡng hành đối với các tang vật đó.

3)- Vấn đề khác được đặt ra là Hình cảnh lại khi tình nghi một người phạm pháp, có quyền nắn túi, rờ người, để xem may ra bắt được đồ vật bất hợp pháp gì không?

Như trên đã nói, chỉ trong trường hợp phạm pháp quả tang, Hình cảnh lại mới được quyền xét người tại chỗ, còn thông thường, không thể hành động, nếu không có sự ưng thuận minh thị của đương sự. Việc tình nghi phạm pháp không phải là quả tang phạm pháp. “Ai cũng biết: một tội quả tang phải là một tội chắc có, không thề là một tội còn ngờ. Không cần xẩy ra trứơc mắt mới là quả tang. Một y sĩ đóng cửa phòng mạch để làm trụy thai, một phiến lọan giấu kín khí giới trong mình, đều là những người phạm pháp quả tang, nhưng phải chắc có mới là quả tang. Như vậy, tùy ở tài liệu đã thâu thập được mà Cảnh sát bắt người hợp pháp hay trái phép. Nếu có tin chắc chắn, vào giờ nào, ở chỗ nào, có kẻ gian mang đồ quốc cấm trong mình đi qua, Cảnh sát có quyền bắt và khi bắt có quyền khám”. (70)

4)- Sau hết, nếu Hình cảnh lại hoặc vì không hiểu luật hoặc vì quá mẫn cán, gặp ai cũng xét và may mắn lại bắt gặp đồ vật phi pháp. Như vậy, việc khám xét hợp pháp hay không?

Tòa án Pháp quốc đã có dịp xử rằng sự may mắn đó không hợp pháp hóa được một thủ tục bất hợp pháp. Tòa án khi xét xử, sẽ tìm hiểu những tài liệu cùng nguyên nhân khiến Hình cảnh lại đã căn cứ vào để bắt và xét người. Nếu các tài liệu ấy chỉ có tính cách phóng đóan, Tòa sẽ truyền sự tiêu hủy sự bắt bớ, khám xét và cả các lời cung khai sau đó của người bị giữ. (71)

5)- Tưởng cũng cần ghi nhận theo BROUCHOT rằng sự lục sóat người cũng được đồng hóa với sự khám nhà (72) vì cùng có mục đích khám phá các chứng tích tội phạm và tịch thu tang vật.

 

Phân đọan 3

SỰ BẮT NGƯỜI


166 Bắt người là hánh vi giữ một người khi luật cho phép, để giao nạp cho cơ quan có thẩm quyền và theo thủ tục luật định.

Việc bắt người ở đây phải hiểu một cách tổng quát. Có thể là bắt giữ người có tên trong trát dẫn giải (mandat d’amener), trát bắt giam (mandat d’arrêt), hoặc người bị kết án tù nhưng còn tại đào hoặc bị án lệnh câu thúc thân thể hay những người bị trục xuất, bị an trí, bị dẫn độ do Nghị định của Chính phủ. Cũng có thể là bắt giải (appréhander) người phạm pháp quả tang đến Hình cảnh lại gần nhất. (73)

Việc tạm giữ người thọat nghe có vẻ trầm trọng hơn việc bắt giữ, nhưng thực ra sự bắt người bao hàm một quyết định của cơ quan tư pháp, trừ trường hợp phạm pháp quả tang, và có thể phát sinh những hậu quả pháp lý quan trọng hơn nhiều.

Khi một tội phạm xẩy ra, việc bắt giữ thủ phạm là cần thiết, vừa để tránh sự phẫn nộ của quần chúng, vừa ngăn ngừa đương sự bỏ trốn, gây trở ngại cho công cuộc điều tra.

Nhưng bắt người là biện pháp xâm phạm trầm trọng tự do cá nhân, Hiến pháp và luật pháp đều rất quan tâm.

Điều 7 khỏan 2 Hiến Pháp: “Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ, nếu không có mệnh lệnh hợp của các cơ quan có thẩm quyền luật định, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp”.

Như vậy, nhà Lập Hiến đã đặt ra hai tiêu chuẩn để sự bắt bớ và giam giữ được hợp pháp:

• Phải có lệnh hợp pháp;
• Do cớ quan hữu quyền ban hành.

Khi thảo luận về điều khỏan này, một Dân biểu (74) muốn phòng ngừa Hành pháp và Tư pháp lạm dụng việc bắt người, nên đã đề nghị bổ túc điều 7 khỏan 2 Hiến Pháp như sau: “Ngoại trừ trường hợp phạm pháp quả tang, không ai có thể bị bắt bớ giam giữ, nếu không có bằng chứng hoặc khởi đầu bằng chứng của sự phạm pháp và không có mệnh lệnh hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền theo luật định”. Nhưng một Dân biểu khác (75) lại cho rằng không cần phải ghi rõ như vậy, vì “khi ra mệnh lệnh bắt bớ, giam giữ một công dân, tất nhiên cơ quan hữu quyền, tối thiểu cũng có một bằng chứng, vì vậy, mệnh lệnh hợp pháp đây hàm chứa sự hiện diện tối thiểu của bằng chứng”.

Dựa trên căn bản điều khỏan Hiến pháp đó, luật lệ đã chi tiết hóa bằng các qui tắc sau đây:

167 A.- AI CÓ QUYỀN BẮT NGƯỜI

Trong trường hợp phạm pháp không quả tang, Hình cảnh lại và ngay cả Biện lý cũng không có quyền bắt giữ người, nếu nghi can không chấp nhận cuộc điều tra và tự ý nạp mình. Quyền này chỉ thuộc về Dự thẩm mà thôi. Tuy nhiên nếu có sự ủy thác của Dự thẩm hay khi thi hành án Tòa, Hình cảnh lại có thể bắt người. (76)

Còn trong trường hợp phạm pháp quả tang, Biện lý và Cảnh sát Tư pháp không những được quyền mà có bổn phận phải bắt giữ ngay người phạm pháp (đ. 13 HSTT). (77)

Đặc biệt trong những vụ phạm pháp quả tang thuộc trọng tội hay khinh tội có thể bị phạt giam vì tính cách khẩn cấp, mọi công dân Việt Nam hay ngoại kiều đều có tư cách nhân viên Cảnh sát Tư pháp (đ. 19 HSTT) để bắt giữ người giao cho Hình cảnh lại (đ. 66 HSTT). Đây là quyền bắt giải nghi can.

Do đó, việc bắt người có liên hệ mật thiết với ý niệm phạm pháp quả tang. Vậy chúng ta phải bàn đến vấn đế này ở đây.

168 B.- THẾ NÀO LÀ PHẠM PHÁP QUẢ TANG? (78)

Cần phân biệt hai trường hợp:

1)- Quả tang phạm pháp chính danh:

Điều 46 khỏan 1 và 2 HSTT liệt kê 4 trường hợp được kể là phạm pháp “quả tang chính danh”

a)- Tội phạm đang xẩy ra: Nghĩa là tội phạm bị phát hiện đang khi thành toại. Đối với loại tội tức thành như cố sát, trộm, thủ phạm bị bắt gặp trong khi đang giết người hoặc đoạt thủ tài vật, như thế tội phạm được phát hiện tức thời với tất cả các yếu tố vật chất và thủ phạm bị bắt tại trận. Đối với loại tội liên tục, ví dụ mang vũ khí bất hợp pháp, nếu tội phạm này có tính cách ẩn nặc thì khi nào được coi là quả tang? Nói cách khác, lúc nào có thể thực hiện hành vi đầu tiên dành cho thủ tục quả tang? Theo án lệ, tội phạm liên tục và ẩn nặc trở thành quả tang khi được phát hiện do một dấu hiệu biểu kiến. (79)

b)- Tội phạm vừa xẩy ra: Chưa tìm được một tiêu chuẩn rõ rệt để xác định thế nào là “vừa xẩy ra”. Án lệ đã giải thích rộng rãi quan niệm này.

Có án chấp nhận hiệu lực của việc hỏi cung thực hiện một ngày sau khi xẩy ra tội cố sát, tại bệnh viện nơi quàn xác nạn nhân. (80)

Có án lại xác nhận các hành vi thực hiện ngay sau khi được báo cáo về một cái chết có bạo hành hay các hành vi thực hiện trong lúc nạn nhân sắp chết. (81)

Sau khi đã khám thấy một hài nhi bị bỏ rơi ở đường và ngày hôm sau gửi biên bản đến Tòa, một Cảnh sát trưởng không thể triệu dụng Bác sĩ khám một thiếu phụ tình nghi mới đẻ vụng, vì việc phạm pháp không còn là quả tang nữa. (82)

L. LANGLOIS đưa ra tiêu chuẩn để quyết định tính cách phạm pháp quả tang là khi còn thuận tiện cho việc sưu tập các bằng chứng “nóng hổi” và khám phá được thủ phạm đang truy tầm. (83)

c)- Liền sau khi xẩy ra vụ phạm pháp, dân chúng tri hô và đuổi theo người bị tình nghi: Chính sự tri hô và đuổi bắt làm cho nội vụ được coi là quả tang. Hành vi bắt giữ được thực hiện trước các hành vi sưu tập bằng chứng. Sự tri hô phải là những tiếng kêu la ồn ào chứ không phải thì thầm, bàn tán. Tuy nhiên, những sự việc này phải xẩy ra liền sau lúc phạm pháp, còn nếu nhiều ngày sau, nhân chứng nhận diện được thủ phạm thì không thể áp dụng thủ tục quả tang nữa, mà phải theo cách điều tra sơ vấn thông thường, nghĩa là chỉ tạm giữ nghi can mà thôi. (84)

d)- Liền sau khi xẩy ra vụ phạm pháp, nghi can bị bắt khi còn mang tang vật, hoặc vết tích trong người khiến có thể suy đóan đã tham dự tội phạm: Vì luật quy định “liền sau khi xẩy ra vụ phạm pháp” nên các tác giả chủ trương thời gian này không thể quá 48 giờ. Tuy nhiên, theo ESCANDE, đây là vấn đề sự kiện, tùy quyền chuyên quyết của Thẩm phán xử về nội dung. (85)

169 2)- Các trường hợp đồng hóa với quả tang:

Có 3 trường hợp:

a)- Tội phạm xẩy ra trong một nhà phố mà chủ nhà triệu thỉnh Biện lý hay Hình cảnh lại đến vi chứng: cần hội đủ 3 điều kiện:

- Phải là tội đại hình hay tiểu hình có thể bị phạt giam. Chỉ cần chủ nhà tin rằng có phạm pháp là đủ. Sự lầm lẫn về việc định tội danh không làm vô hiệu các hành vi mà các viên chức được triệu thỉnh đã làm.

Luật cũng không ấn định phải cần một thời gian bao lâu từ lúc tội phạm xẩy ra đến lúc triệu thỉnh, cho nên yếu tố thời gian không quyết định tính cách quả tang, một khi tội phạm đã hội đủ các điều kiện luật định.

- Tội phạm diễn ra trong một “nhà phố”: Đây là nơi mọi người được tự do ra vào hay tư gia.

- Sự triệu thỉnh do chủ nhà, tức là do bất cư ai cư ngụ nơi có tội phạm và không buộc phải theo một hình thức nhất định nào, có thể là đơn khiếu tố hoặc lơi yêu cầu hay một dấu hiệu gì. (86)

b)- Trọng tội hay khinh tội vi phạm bằng báo chí: Theo điều 47 HSTT, đó là những tội dùng báo chí làm phương tiện thực hiện, như:

- Xúi giục người khác vi phạm an ninh quốc nội hay quốc ngoại hoặc bất cứ trọng tội hay khinh tội nào khác;

- Xúi giục quân nhân bất tuân kỷ luật;

- Đề cao các tội phạm nói trên; (87)

- Phỉ báng. (88)

c)- Những vi phạm về an nhinh quốc gia: Điều 47 khỏan 2 định rằng: “Những vi phạm về an ninh quốc gia mặc dầu đã xẩy ra lâu rồi, nếu có lời thú nhận của người bị tình nghi hoặc có những bằng cớ hiển nhiên, chứng tỏ rằng người ấy đã thực sự phạm pháp”.

Các tôi này bao gồm an ninh quốc ngoại (điều 108-119 HL) và quốc nội (điều 120-135 HL).

Có hai điều kiện để áp dụng thủ tục quả tang trong trường hợp này:

- Có sự thú nhận của người bị tình nghi: Kể từ lúc đó, Hình cảnh lại được áp dụng các biện pháp đặc biệt cho thủ tục quả tang.

- Các bằng cứ phải hiển nhiên: Chữ “bằng cớ” được hiểu theo nghĩa tổng quát là các bằng cớ trực tiếp như nhân chứng, tang vật hay gián tiếp như phóng đóan, suy luận. Ngoài ra, bằng chứng phải có tinh cách “hiển nhiên”, nghĩa là rõ rệt, không thể lầm lẫn.

170 Trong ba trường hợp đồng hóa với quả tang chính danh vừa kể, Bộ Hình sự Tố Tụng Pháp quốc chỉ chấp nhận trường hợp đầu, (89) còn hai trường hợp sau là hai sáng kiến của nhà làm luật Việt Nam.

Có lẽ vì hòan cảnh đặc biệt của đất nước, nên cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để đối phó với các tội phạm bằng báo chí và tội xâm phạm an ninh quốc gia. Chính vì nhu cầu trừng trị này mà ý nghĩa sự phạm pháp quả tang đã bị nới rộng quá mức, đến nỗi có thể trái với luân lý thông thường. Hơn nữa, khi đem những biện pháp cứng rắn đối với các phần tử phá rối trị an áp dụng cho những người cầm bút, chúng tôi cho rằng quyền tự do ngôn luận đã một phần nào bị xúc phạm.

Ước mong trong tương lai Bộ Hình sự Tố Tụng sẽ được sửa đổi về vấn đề này, vi quyền an tòan cá nhân bị hy sinh khá nhiều trong trường hợp phạm pháp quả tang, nay nếu lại nới rộng ý nghĩa danh từ phạm pháp quả tang thì tự do cá nhân lại càng bị hy sinh nhiều hơn nữa.

C.- ĐƯỢC BẮT NHỮNG AI?

171 Điều 66 HSTT định rằng trường hợp phạm pháp quả tang, mọi công dân có quyền bắt “thủ phạm”. Chữ thủ phạm ở đây phải hiểu là người phạm pháp, không cứ là chánh phạm, đồng phạm hay đồng lõa.

Còn trong trường hợp thông thường, Dự thẩm có quyền bắt giữ các bị can, nghĩa là những người đã bị truy tố.

Riêng đối với nhân chứng nào bất tuân lệnh gọi hợp lệ của Dự thẩm mà không có lý do chính đáng, cũng có thể bị bắt đến trình diện bằng trát dẫn giải.

Tuy nhiên, Hình cảnh lại gặp trở ngại do tư cách của người bị bắt.

172 a)- Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ tướng, các Tổng, Bộ Trưởng:

Hiến Pháp dự liệu thành lập Đặc Biệt Pháp Viện (90) để truất quyền Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, các Tổng, Bộ Trưởng trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội khác (đ. 85). Sau khi bị truất quyền, đương sự có thể bị truy tố trước các Tòa án có thẩm quyền (đ. 67 k. 5 HP).

Còn đối với khinh tội, Hiến Pháp không đề cập đến, nên có thể giải thích rằng các nhân vật ấy vô trách nhiệm đối với các tội tiểu hình hoặc không thể quan niệm rằng các vị lãnh đạo quốc gia lại có thể phạm tội tiều hình được (91) . Đàng khác, các viên chức này đã được đặc quyền tài phán về tội nặng thì cũng được hưởng quyền này về tội nhẹ hơn, theo nguyên tắc “Qui peut le plus peut le moins”. (92)

Do đó, Hình cảnh lại không thể bắt giữ các giới chức này khi còn tại chức, vì nhu cầu điều tra.

173 b)- Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và Giám sát viên:

Các nhân vật này cũng được Hiến Pháp cho hưởng quyền đặc miễn tài phán như Tổng Thống và có thể bị truất quyền khi phạm tội phản quốc hay trọng tội.

Nhưng khác với Tổng Thống, điều 59 luật số 007/68 ngày 3.9.1968 tổ chức và điều hành TCPV quy định: “Trong suốt thời gian hành nhiệm, Thẩm phán TCPV không thể bị truy tố, tầm nã, bắt giam, hay xét xử vì những ý kiến và biểu quyết của Thẩm phán, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp”. Sự truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một Thẩm phán phải được 2/3 tổng số Thẩm phán TCPV chấp thuận và nếu có sự yêu cầu của 2/3 Thẩm phán TCPV, sự truy tố hay bắt giam sẽ bị đình chỉ.

Điều 34 luật số 009/68 ngày 23.10.1968 tổ chức và địều hành Giám sát viện cũng quy định tương tự: “Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam, hay xét xử một Giám sát viên về những phát biểu và biểu quyết tại Hội Đồng Giám sát viện, nếu không có sự chấp thuận cùa 2/3 tổng số Dân biểu, Nghị sĩ. Trong trường hợp quả tang phạm pháp, việc truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử sẽ được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của quá bán tổng số Dân biểu, Nghị sĩ”.

Nếu đối chiếu 2 điều luật này với điều 60 luật số 007/68 và điều 35 luật số 009/68 dự liệu trường hợp Thẩm phán TCPV và Giám sát viên có thể bị Đặc Biệt Pháp Viện truất quyền chiếu điều 87 HP, chúng ta thấy điều 59 và 34 của hai luật trên chỉ áp dụng cho khinh tội quả tang.

Vậy đối với các nhân vật này, không bị bắt giữ vì tội phản quốc hay trọng tội nếu chưa bị truất quyền. Nhưng nếu phạm khinh tội quả tang, Hình cảnh lại có thể bắt giữ, nếu họ không được hưởng đặc quyền tái phán với tư cách khác và nếu không có sự yêu cầu của 2/3 Thẩm phán TCPV hay 2/3 tổng số Dân biểu và Nghị sĩ.

174 c)- Thẩm phán:

Theo Dụ số 3 ngày 29.3.1954 và Dụ số 40 ngày 15.11.1954, các Thẩm phán Tham chính viện, Tòa Thượng thẩm, Sơ thẩm Hòa giải và Hành chánh được hưởng các đặc quyền tài phán. Mỗi khi phạm trọng tội hay khinh tội trong khi thừa hành chức vụ hay ngoài chức vụ, các viên chức này sẽ phải qua một thủ tục thẩm vấn đặc biệt. Vì thế, Hình cảnh lại không được quyền bắt giữ các Thẩm phán vì nhu cầu điều tra.

175 d)- Quân nhân Đồng Minh:

Nếu kẻ phạm pháp là quân nhân Đồng Minh (Hoa Kỳ, Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, v.v...), Cảnh sát Việt Nam sẽ bắt giải cho đơn vị liên hệ, vì họ được hưởng quyền đặc miễn tài phán.

176 đ)- Nhân viên ngoại giao đoàn:

Đó là các Đại sứ, Lãnh sự, Khâm sứ Tòa Thánh Vatican và các thuộc viên.

Những người này cũng được hưởng quyền đặc miễn tài phán nên Hình cảnh lại không thể bắt giữ để truy tố trước Tòa án Việt Nam.

177 e)- Đại diện dân cử được hưởng quyền bất khả xâm phạm:

Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một Dân biểu hay Nghị sĩ vì những sự tuyên bố và biểu quyết tại Quốc Hội.

Chỉ khi phạm pháp quả tang, Dân biểu hoặc Nghị sĩ mới có thể bị bắt giữ, nhưng các giới chức Tư pháp phải báo cáo ngay lên cấp chỉ huy trực tiếp của mình trong thời hạn ngắn nhất, vì theo điều 37 khỏan 3 HP, sự truy tố hay bắt giam trong trường hợp này sẽ được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của Viện sở quan.

Còn ngoài ra, trong những trường hợp khác, không thể bắt giữ một Dân biểu hay Nghị sĩ trong suốt thời gian pháp nhiệm, nếu không được sự chấp thuận của ba phần tư tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ (khoản 2 đ. 37 Hiến Pháp).

D.- THỦ TỤC BẮT GIỮ

178 Mọi công dân khi bắt giữ một người phạm pháp quả tang, phải giáo ngay cho Hình cảnh lại gần nhất.

Hình cảnh lại phải lập biên bản theo các điều kiện luật định để dẫn trình Biện lý.

Nếu bắt người do lệnh của Dự thẩm, cũng lập biên bản dẫn trình giới chức này trong hạn 24 giờ.

Thông thường, Hình cảnh lại có quyền bắt người tại những nơi công cộng bất luận ngày đêm. Đó là các rạp hát còn mở cửa, các tiệm buôn, tiệm hút, sòng bạc...

Tại những nơi thờ phượng như nhà thờ, đình, chùa... những nơi mở lễ cưới, lễ giỗ, tiệc tùng.... nếu không phải trường hợp phạm pháp quả tang. Hình cảnh lại không được xông vào bắt người bị truy nã, mà phải chờ lễ tất mới được bắt. (93)

Không thể đột nhập tư gia trước sáu (6) giờ sáng và sau tám (8) giờ tối để thi hành lệnh bắt người (đ. 127 HSTT).

Hình cảnh lại còn phải thận trọng khi bắt giữ một số người sau đây:

179 1.- Công chức: Đây là những người làm việc trong các công sở. Khi bắt giữ, Cảnh sát Tư pháp nên cấp báo cho cơ quan của đương sự biết, để công vụ khỏi gián đoạn, để giải quyết tình trạng hành chánh viên chức bị giữ và nhất là để tình giao hảo giữa các công sở với cơ quan bắt giữ không bị tổn thương.

180 2.- Quân nhân:

- Trong trường hợp thông thường: Cảnh sát quốc gia không có quyền bắt giữ quân nhân, trừ khi được các giới chức Tòa án quân sự yêu cầu.

- Trường hợp quả tang phạm pháp: Mọi công dân đều được bắt giải cho Quân cảnh tư pháp hoặc Cảnh sát và Cảnh sát có 24 giờ để lập hồ sơ giao quân nhân phạm pháp cho Quân cảnh gần nhất. (94)

Tuy nhiên, trong trường hợp gần đây, thường có một số người mặc quân phục để phạm pháp như khủng bố, cướp bóc, côn đồ...., nên một Huấn Thị Liên Bộ Nội Vụ, Quốc Phòng, Tư Pháp (95) được ban hành nhằm mục đích xác định thẩm quyền của Tư pháp Cảnh lại trong việc bắt giữ can phạm quân nhân.

Huấn thị này quy định:

Tất cả các quân nhân phạm pháp đều do cớ quan Quân cảnh Tư pháp thụ lý. Tuy nhiên, tại những nơi không có Tư pháp Cảnh lại Quân sự, cơ quan Cảnh sát Tư pháp có thẩm quyền bắt giữ và điều tra.

Trường hợp quân nhân vi phạm kỷ luật, nếu cơ quan bắt giữ là tóan tuần tiễu hỗn hợp, thì nhân viên Quân cảnh sẽ phụ trách theo thủ tục hiện hành của ngành Quân cảnh. Nếu không có nhân viên Quân cảnh tại chỗ, nhân viên Cảnh sát sẽ chận giữ và giao cho cơ quan Quân cảnh gần nhất hay Quân vụ thị trấn.

Trường hợp quân nhân phạm tội vi cảnh, nhân viên Cảnh sát sẽ ghi phạt, lập phiếu vi phạm và gửi về đơn vị của đương sự, chớ không được phép bắt giữ.

Trường hợp quân nhân phạm khinh tội hay trọng tội quả tang, tất cả Tư pháp cảnh lại đều được quyền bắt. Tuy nhiên, nếu Tư pháp cảnh lại không thuộc cơ quan Quân cảnh thì không dược đưa phạm nhân về trụ sở mà phải dẫn trình Biện lý cuộc, đồng thời thông báo Chỉ huy trường của can phạm. Sau khi cứu xét nội vụ, các vị Biện lý sẽ truyền giao quân nhân phạm pháp cho Tư pháp cảnh lại có quyền điều tra.

Trường hợp quân nhân đồng phạm hay tòng phạm bị phát giác sau khi nội vụ đã được Cành sát Quốc gia thụ lý, cơ quan Cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra, sau đó nếu thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự, sẽ dẫn giải can phạm cùng hồ sơ đến Ủy viên chính phủ Tòa sở quan.

Việc bắt giữ quân nhân phải có phép của Biện lý sở tại và sau khi bị bắt, phải thông báo cho đơn vị của can phạm.

Trong mọi trường hợp, quân nhân phạm pháp không thể bị Tư pháp Cảnh lại dân sự giam giữ quá 24 giờ. Ngoài thời hạn phải giải giao can phạm đến Biện lý cuộc để xác nhận thẩm quyền.

Nếu xẩy ra trường hợp quân nhân và Cảnh sát đồng phạm pháp, Quân cảnh sẽ xử lý nội vụ.

Trường hợp Quân cảnh lẫn Cảnh sát phạm pháp ủy viên chính phủ Tòa án Quân sự đại phương sẽ thụ lý.

181 3).- Chủ tịch Hội Đồng Xã và Xã trưởng:

Nhằm áp dụng hữu hiệu luật pháp quốc gia, đồng thời bảo đảm được uy tín cho viên chức hạ tầng cơ sở giữ nhiệm vụ quan trọng mà sự hiện diện tối đa của các đương sự tại cơ quan rất cần thiết để điều hành công vụ trong tình trạng khẩn trương hiện nay, một Huấn thị liên bộ Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng đã trao quyền điều tra và câu lưu Chủ tịch Hội Đồng Xã và Xã trưởng cho Quân cảnh điều tra Tư pháp. (96)

182 4)- Thiếu nhi:

Sự bắt giữ làm cho thiếu nhi có cảm tưởng rằng y không còn là một người bình thường nữa. Các lỗi lầm trong cuộc điều tra sơ vấn co thể sẽ chà đạp nhân phẩm, nhận chìm thêm nghi can trong ý niệm ấy. Guồng máy hình sự và nhà giam trước đây chỉ là một đối tượng phải tránh thì nay trở thành một đối tượng của sự hận thù và phẫn nộ. Chúng tôi đề nghị Luật Thiếu nhi phải được sửa đổi để có những điều khảon minh thị ngăn cấm không được bắt giữ thiếu nhi dưới 13 tuổi vì nhu cầu điều tra. Sự bắt giữ thiếu nhi trên 13 tuổi chỉ là biệt lệ. Nguyên tắc là phải giao cho cha mẹ hay thân nhân coi giữ. Để nguyên tắc này được áp dụng hiệu quả, có thể quy định chế tài hình sự đối với người có nhiệm vụ coi giữ cũng như đối với viên chức thi hành tác vụ điều tra.

183 5)- Ngoại kiều:

Khi phạm trọng tội hay khinh tội trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, tất cả những thường dân ngoại kiều không phân biệt quôc tịch đều do Cảnh sát Quốc gia thụ lý, cơ quan này dĩ nhiên sẽ thông báo cho Sứ quán ngoại giao liên hệ.

Đ.- CHẾ TÀI

184 Bắt người, đó là một hành vi xâm phạm tự do cá nhân một cách rất trầm trọng. Vì vậy, Tòa Phá án đã tỏ ra khe khắt trong vấn đề này và cho rằng một công dân dù chỉ bị mất tự do đi lại trong khoảnh khắc cũng kể như bị bắt rồi. (97)

Có những tác giả tế nhị hơn chủ trương rằng Hình cảnh lại có quyền bắt người vì “tình trạng cần thiết”. Nhưng thuyết này hiện đang được án lệ xây dựng. Tòa Phá án cũng như Tham chánh viện còn áp dụng một cách rất dè dặt (98). Theo Gs. NGUYỄN QUANG QUÝNH, “khái niệm cần thiết rất tương đối. Nó tùy thuộc ở thực tế và chỉ có thể phán đóan theo mỗi trường hợp cụ thể. Theo nguyên tắc, những vi phạm tự do không có tính cách cần thiết đều bất hợp pháp. (99)

Do đó, bắt giữ người không đúng luật tức là phạm tội bắt người trái phep. Tội phạm được dự liệu và trừng trị tại điều 391 HL và kế tiếp.

Việc bắt người tại những nơi thờ phượng hoặc đình đám khi cuộc lễ chưa xong, sẽ bị truy tố theo điều 400 HL: “Người nào cản trở, trì hõan hay làm gián đoạn cuộc hành lễ bằng cách làm náo động hay mất trật tự tại nơi thờ phượng, hay bất luận nơi nào khác dùng để hành lễ hay đang dùng vào việc hành lễ, sẽ bị phạp giam từ mười một (11) ngày đến ba (3) tháng và phạt vạ từ sáu trăm lẻ một đồng (601$) đến ba ngàn đồng (3.000$)”.

Tư nhân khi bắt người phạm pháp quả tang, tức là làm một nhiệm vụ của nhân viên Cảnh sát tư pháp. Luật pháp phải bảo vệ người đó như các nhân viên công lực khác, chẳng hạn phải bồi thường những thiệt hại trong việc thi hành tác vụ cảnh sát. Ngược lại, nếu người này lợi dụng quyền hành để phạm pháp, sẽ bị trừng trị như một công chức. Ví dụ đòi tiền để khỏi giải đến Hình cảnh lại là phạm tội hối lộ.

185 Sau khi đã bắt người, nhân viên có bổn phận phải canh phòng cẩn mật để người bị bắt khỏi đào tẩu. Do đó, vấn đề khác được đặt ra là khi người bị bắt dùng bạo hành trốn khỏi nơi bị giữ, trường hợp nào sẽ bị phạt về tội vượt ngục?

Điều 229 HL và kế tiếp trừng phạt kẻ vượt ngục hay toan vượt ngục, tùy theo, “nếu bị bắt giữ, bị can hay bị án” về trọng tội hay khinh tội.

Nếu dùng chữ “bắt giữ” để chỉ người chưa bị truy tố tức là chưa bị can cứu, chưa bị qui trách thì thực quá khắt khe. Người bị “tạm giữ” và “bắt giải” chưa hề bị truy tố. Qui trách họ về tội vượt ngục là một điều vô lý, vì:

a)- Theo điều 57 khỏan 1, Hình cảnh lại được quyền tạm giữ nhân chứng. Vậy không lẽ nhân chứng cũng vượt ngục? Ho có “vào ngục” bao giờ đâu!

b)- Riêng biện pháp “bắt giải” theo điều 66 HSTT chỉ có tính cách cảnh sát, tạm thời, với mục đích giao thủ phạm cho nhà chức trách hữu quyền quyết định về sự tự do của đương sự. Vậy khi một nghi can còn đang ở trong tình trạng chưa hẳn bị giam, nếu khỏi tay người bắt giải mà đã phạm tội vượt ngục, tức là giải thích luật một cách quá rộng rãi, trái với nguyên tắc “Paenalia sunt restringenda” đã được điều 2 HL chấp nhận: “Luật Hình phải được giải thích một cách chặt chẽ”.

Theo ý chúng tôi, chỉ có tội vượt ngục đối với người bị bắt do lệnh tống giam, bắt giam của Biện lý hay Dự thẩm tùy trường hợp luật định và do án Tòa mà thôi. Tất nhiên trong các trường hợp đó, người canh giữ có thể bị truy tố về tội để sổng tù theo điều 221 HL.

* * *

Phân đoạn 4

SỰ TRA TẤN


186 I.- THEO CỔ LUẬT

Thời xưa, người ta cho rằng phương chước điều tra hữu hiệu nhất là tra tấn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, biện pháp này vẫn mang nhiều sắc thái rất nhân đạo.

Bộ Quốc Triều Hình Luật được coi là tiến bộ nhất trong Cổ luật Việt Nam, cũng đã chấp nhận phương pháp hỏi cung bằng cách tra tấn.

Trong “chương đóan ngục”, điều thứ 8 định rằng: “Những tù phạm đáng được xin giảm tội, như tuổi 70 trở lên, 15 tuổi trở xúông, hay bị phế tật, nếu phạm tội thì không được tra tấn, chỉ bằng cứ vào nhiều người làm chứng mà định tội; nếu (quan hình ngục) làm trái điều này, thì coi như tội cố ý buộc tội người”.

Nếu tra hỏi rồi mà vẫn chưa quyết tìm ra tội thì không được tra hỏi nữa, mà các quan phải hội ý với nhau, rồi mới được tra khảo (điều 11).

Theo điếu thứ 12, “tra tấn tù phạm không được quá ba lần; (như tra tấn một lần chưa xong; giao sang ty hình khác, lại phải tra tấn nữa; thì cứ tính ra tên tử ấy đã phải tra tấn ba lần là cùng); đánh bằng trượng không được quá số một tăm; trái luật này thì (quan tra án) phải phạt tiền một trăm quan; nếu vì thế mà tên tù bị chết, thì phải tội điếm hay tội đồ; nếu là cố ý để cho tên tù bị chết, thì phải ghép vào tội cố sát. Nếu tù bệnh có bệnh sang (như ung nhọt hay lở), không đợi cho y khỏi mà tra khảo, thì phải tội biếm, nếu trong lúc ấy mà cho thi hành tội trượng, thì phải phạt tiền ba mươi quan; vì thế mà kẻ bị tội chết, thì phải tội biếm hai tư. Nếu theo đúng phép đánh bằng roi hay trượng, không may để xẩy ra kẻ phạm tội bị chết, thì không phải lỗi”. (100)

Cách thức hỏi cung ngày xưa được gọi là “tra hỏi”. Vừa tra vừa hỏi. Tùy tội nặng nhẹ, luật sẽ định sẵn khi hỏi cung sẽ được áp dụng hình cụ (101) gì và tra tấn bao nhiêu lần. Khi đánh đủ số, mà người tình nghi vẫn chưa nhận tội, hình quan phải tuyên bố tha bổng.

Việc tra hỏi do các quan án đôn đốc và nhiều khi cũng đưa tới những kết quả thật bất ngờ lý thú.

Một ví dụ cổ xưa: Ông NGUYỄN MẠI (Hòang Giáp khoa Tân vị, niên hiệu Chính Hòa), làm quan có tiếng xử án thần minh. Khi Ông trấn phủ tỉnh Sơn Tây, một hôm đi quan sát trong Hạt, bắt gặp một người đàn bà đang chửi rủa ầm ỹ, vì bị mất trộm một cái mùng. Ông liền cho bắt trói ngừoi ấy, hạch hỏi cái mùng đáng bao nhiêu mà dám chửi bới tổ tiên người ta. Kế đó, truyền cho mọi người lần lượt vả vào miệng đương sự. Sợ lệnh Ông, ai cũng thi hành, nhưng không nỡ tát mạnh, chỉ riêng một mụ đàn bà nọ xông đến vả không tiếc tay. Thì ra chính mụ này đã ăn cắp cái mùng, và đang căm giận vì bị chửi. (102)

Người phạm pháp bị vua, quan tra tấn bằng đủ thứ cực hình trên thân xác, nhưng tình thương của vua, quan đối với thứ dân nhiều khi rất mặn nồng, thắm thiết.

Vào thời đại này, liệu chúng ta có được nghe những lời nói vàng ngọc như lời của LÝ THÁI TÔNG nói với các quan vào mùa đông năm 1055: “Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khóac áo lông, mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong ngục thất, chịu trói buộc khổ sở mà chưa biết phải trái ra sao, ăn không no bụng, áo không đủ che thân vì rét, và bao người chết không nơi nương tựa: ta thật lấy làm thương”? Rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù, và cấp cho một ngày hai bữa cơm.

Mùa hạ năm Chương-thánh Gia Khánh thứ 6 (1064), vua LÝ THÁNH TÔNG ngồi xử kiện ở điện Thiên Khánh, có Công chúa ĐỘNG THIÊN đứng hầu bên cạnh. Vua chỉ Công chúa nói với các quan coi việc kiện tụng: “Lòng ta yêu dân như ruột thịt, chẳng khác lòng ta thương con đẻ. Vì dân không hiểu nên mắc tội, ta rất thương hại. Vậy từ nay về sau, muốn rằng các tội dù nặng hay nhẹ cũng được xử một cách khoan hồng”. (103)

Dưới thời Pháp thuộc, dân chúng Việt Nam cũng quá quen với cảnh tra tấn của Cảnh binh, Công an. Đánh đập trước, hỏi cung sau. Cái thói quen xấu xa này vẫn còn sót lại sau thời kỳ Việt Nam dành được độc lập, tuy ít hơn và đã dã man hơn.

187 II.- THEO LUẬT PHÁP HIỆN HÀNH

Ngày nay, Hiến Pháp đã minh thị ngăn cấm: “Không ai có thể bị tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách thú tội. Sự nhận tội vì tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách không đựoc coi là bằng chứng buộc tội (điều 7 k. 4).

Điều khỏan này đã tham trước điều 5 Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc: “Không ai có thể bị tra tấn hoặc chịu những hình phạt hay những cách đối xử tàn bạo, bất nhân hoặc làm mất phẩm cách” (Nul ne sera soumis à la torture, ni à des peines ou traitements cruels, inhumaines ou dégradants).

Nhân viên nào tra tấn nghi can trong lúc hỏi cung sẽ bị truy tố theo điều 160 HL:

“Công chức, công lại, người chỉ huy hành chánh, viên chức hoặc thọ phái của Chính phủ hay của ngành Cảnh sát, người thi hành các trát tư pháp hay án văn, chỉ huy trưởng công lực hay phụ tá, trong khi hay nhân khi thi hành chức vụ, không có duyên cớ chánh đáng, mà dùng hay bảo dùng bạo hành thì sẽ bị xử phạt tùy theo tính chất và sự nặng nhẹ của các bạo hành ấy, và phải chịu sự gia tăng hình phạt theo quy tắc định ở điều 184 nói sau”.

Điều 184 HL: “Ngoại trừ trường hợp luật pháp đã quy định riêng hình phạt cho những công chức, hay công lại phạm trọng tội hay khinh tội khác mà họ có trách nhiệm canh phòng hay bài trừ, sẽ bị phạt như sau:

Nếu là khinh tội, họ sẽ bị phạt mức tối đa hình phạt dự liệu cho loại khinh tội ấy;

Nếu là trọng tội, họ sẽ bị phạt:

Khổ sai hữu hạn, nếu hình phạt dự liệu cho các can phạm khác là cấm cố hay biệt giam.

Khổ sai chung thân, nếu hình phạt dự liệu cho các can phạm khác là phát lưu hay khổ sai hữu hạn.

Nếu hình phạt dự liện cho các can phạm khác nặng hơn những hình phạt trên thì những hình phạt ấy sẽ được áp dụng chung cho công chức hay công lại”.

Các tội cố ý đả thương có thể là khinh tội hay trọng tội tùy trường hợp, đã được dự liệu và trừng phạt tại điều 334 và kế tiếp Bộ Hình Luật.

Những trường hợp Cảnh sát bị truy tố về tội tra tấn nghi can không phải là không có. Ngày 23.10.1959, Tòa Thượng Thẩm Saigon đã xử phạt 4 tháng tù một nhân viên công lực về tội đồng lõa bắt giam và tra tấn người phi pháp. (104)

Nhưng trong lúc bị tạm giữ và tra tấn, nghi can biết thưa gửi ai? Trước đây, thỉnh thoảng ở Tòa có bị can trình những chiếc răng gẫy, bộ mặt xưng hù, ngực lưng bầm tím và khai rằng bị tra tấn, nhưng Tòa thường không tin. Cho nên, vấn đề dẫn chứng vết thương thật là nan giải đối với nghi can. Nay Bộ HSTT đã đưa ra một giải pháp rất tiến bộ, có thể chứng minh sự tra tấn một cách không khó lắm. Đó là quyền của nghi can được xin khám sức khỏe mà chúng ta đã bàn ở trên. (105)

188 III.- TRA TẤN: LỢI ÍCH GÌ?

Đứng trên phương diện pháp lý thì không có lẽ gì để biện minh cho việc vừa hỏi cung vừa tra tấn cả. Nhưng về phương diện thực tế, sự cấm tra tấn hình như sẽ đem lại một vài trở ngại cho công vệc hỏi cung.

Nếu nghiên cứu các hồ sơ thẩm vấn, phải thành thực nhận rằng phần lớn các tài liệu và bằng chứng phạm thường được Hình cảnh lại khám phá ngay từ đầu, Dự thẩm chỉ hỏi thêm các bị can và nhân chứng xem có gì phản cung và nếu không, Dự thẩm sẽ cho ghi vắn tắt lời khai để đem thêm tín lực cho cơ quan xét xử sau này. Thậm chí, có Dự thẩm chỉ truyền ghi lời khai của một đương sự rằng: “Tôi xác nhận những điều đã khai tại Cảnh sát là đúng” và kết thúc khẩu cung.

Bởi vậy, nếu cơ quan xử án chỉ đọc hồ sơ do Dự thẩm thành lập thì sợ rằng không hiểu rõ nội vụ. Thường khi xét xử, Chánh án trước tiên phải đọc biên bản của Hình cảnh lại, rồi mới hiểu được những điều thêm bớt tại phòng Dự thẩm.

Sở dĩ, biên bản của Cảnh sát Tư pháp đầy đủ và minh bạch như vậy chưa hẳn khả năng điều tra của Hình cảnh lại hơn Dự thẩm (mặc dầu Cảnh sát Tư pháp đã được huấn luyện về kỹ thuật điều tra, trong khi trường Đại Học Luật khoa không dậy môn điều tra tư pháp), nhưng vì nghi can nào cũng nơn nớp sợ rằng nếu nói dối sẽ bị đánh. Có khi Hình cảnh lại còn gạt gẫm nghi can trước giờ dẫn lên Tòa rằng: Ra Tòa phản cung sẽ bị trả về cơ quan điều tra và tính mạng lúc đó không bảo đảm!

Nay thì Hiến Pháp, Luật pháp đều không chấp nhận việc hỏi cung bằng cách tra tấn. Kết quả là nghi can nào cũng tìm đủ mọi cách để chối tội, khiến Hình cảnh lại phải vất vả đi lục lọi bằng chứng. Nhưng sẽ có những vụ án không tang chứng ngoài lời khai suông của các tụng phương. Người nói có, kẻ nói không, vậy phải nghe ai? Biên bản của Hình cảnh lại vì thế trở nên mơ hồ khó xử.

Khi ấy, người xử án phải căn cứ vào thâm tín, vào lương tâm để quyết định, nhưng thâm tín là cái gì tương đối, có thể thay đổi tùy từng tính người và ngay ở nơi một người, đôi khi thâm tín cũng lại thay đổi do ngoại cảnh và nội tâm nữa, cho nên việc xét xử oan ức ngày một gia tăng, dân chúng oán trách Công lý. Mà nếu theo nguyên tắc: “Nghi vấn phải tha bổng” thì chắc bao nhiêu kẻ phạm pháp nguy hiểm chuyên nghiệp sẽ được tha bổng hết. Xã hội loạn từ đó loạn ra.

189 IV.- TRA TẤN: BIỆN PHÁP VÔ NHÂN ĐẠO

Nếu lập luận rằng đối với nghi can ngoan cố, có tập quán phạm tội, không tra tấn, chắc chắn không tìm ra tội, thì đó là một lầm lẫn tai hại. Nên nói ngược lại rằng chính việc tra tấn mới giúp cho nghi can ngoan cố tránh được mành lưới pháp luật. Đối với hạng người ấy, roi vọt, cực hình không đáng kể. Thà chịu đòn còn hơn nhận tội để rồi sẽ bị kết án. Hậu quả là kẻ phạm pháp thật, chấp nhận chịu đòn mà cuộc điều tra không tìm được yếu tố buộc tội.

Trái lại, đối với người dân hiền lành chất phác, lương thiện, mỗi khi nói tới tra tấn là rùng mình khiếp sợ. Thà nhận tội ở tù mà thân xác lành lặn còn hơn được tuyên bố vô tội mà phải mang bệnh tật sau khi được trả tự do. Kết cuộc, người vô tội lại bị kết án oan ức. Công lý và Sự thực bị bóp méo vì biện pháp tra tấn.

Đây là chưa kể đến trường hợp những nhân viên tham nhũng, lợi dụng sự tra tấn để làm tiền nghi can hay thân nhân. Mỗi khi có người bị bắt, nhân viên tìm đến nhà bắt thân nhân phải đưa tiền để khỏi bị đánh, còn hồ sơ làm nặng hay nhẹ lại là chuyện khác. Đó là thứ “tiền máu”. Một xã hội thượng tôn lưật pháp không thể chấp nhận cho bất cứ một công chức nào tiêu xài loại tiền đó.

Đối với một xã hội văn minh tiến bộ hiện tại, biện pháp tra tấn không còn được coi như một diệu kế gắn liền với việc hỏi cung nữa, vì con người đã khám phá ra nhiều kỹ thuật khoa học rất chính xác và bảo vệ tối đa nhân phẩm. Luật đã cấm mà điều tra viên còn cứ đánh đập nghi can tức là muốn lợi dụng quyền hành để trả mối tư thù nào đó. Nếu không thì người đó phảo có một tâm trí bất bình thường chỉ ham chuyện máu và nước mắt. Dù giải thích ra sao đi nữa, cũng phải đi tới kết luận: phải cách chức ngay điều tra viên đó và truy tố ra Tòa. Nhân viên nào nhận lệnh của cấp chỉ huy phải tra tấn người, tất có quyền không nghe theo vì đây là một mệnh lệnh bất hợp pháp.

Người chỉ huy xúi bẩy hoặc dung túng cho thuộc cấp tra tấn nghi can sẽ bị truy tố như kẻ đồng lõa.

Vậy một người Cảnh sát Tư pháp có lương tri không thể nghe lệnh ai để mạnh tay đáng đập đồng bào. Khi môt người bị tra tấn, cá nhân người đó, thân nhân, giòng họ người đó muôn đời sẽ nguyền rủa kẻ vũ phu. Không biết có một lúc nào nhân viên ấy nghĩ rằng nếu tệ đoan này còn bành trướng, biết đâu một ngày kia chính họ hay vợ con, cha mẹ, anh em ho cũng bị nhân viên khác đối xử tàn tệ như vậy. Có lẽ phải chờ đến lúc đó họ mới nhận ra sự vô nhân đạo của biện pháp tra tấn chăng?

Đừng tưởng rằng những điều nói trên không thể xẩy ra. Đã từng có nhân viên đi bắt người mà lại bị người bắt. Có kẻ gác khám mà ít lâu sau lại trở thành tội nhân ở ngay trong nhà tù ấy. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. Vậy thì tại sao các chuyên viên tra tấn lại không nghĩ rằng một ngày kia mình cũng có thể bị đối xử y như vậy ngay chính tại địa điểm đó.

Người phạm pháp cũng có cha mẹ, vợ con cần được nuôi nấng. Những người thân yêu đang ngóng chờ từng giây từng phút để nghi can thoát vòng lao lý trở về bình yên làm ăn. Luật pháp cũng muốn thế, xã hội cũng mong thế. Vậy tại sao người ta lại nỡ tâm gây tật nguyền cho các nghi can bằng những biện pháp tra tấn, khiến ngày trở về không còn là ngày vui xum họp gia đình mà lại là ngày đầy nứơc mắt tang thương, đầy uất hận và căm thù vì người thân đã trở thành phế nhân.

Tóm lại, người ta không thể nhân danh trật tự xã hội để tra tấn nghi can, dù biện pháp này trên thực tế có đem lại một chút lợi ích nào. Hiến pháp cấm tra tấn, luật pháp cũng cấm nên không thể dùng phương tiện này để biện minh cho mục đích bảo vệ xã hội được.

Đàng khác, chính quyền lợi của điều tra viên đòi hỏi như vậy. Không phải người ta đánh giá khả năng của một nhân viên điều tra bằng các lời thú nhận tội của nghi can dưới áp lực hoặc hăm dọa tra tấn, mà bằng sự khôn khéo đặt câu hỏi, bằng tinh thần tạn tâm nghề nghiệp, bằng kinh nghiệm luật pháp. Cho dù làm hay làm khéo chưa chắc điều tra viên đã được trọng thưởng, nhưng trái lại, tra tấn nghi can tức là phạm pháp rõ ràng và sẽ bị trừng trị.

190 V.- VIỆC TRA TẤN TẠI NGA SÔ

Khi viết về “Những vụ án Mạc Tư Khoa”, Ông NGUYỄN HỮU THỨ đã trình bày về các biện pháp tra tấn của Cộng sản như sau:

Người Nga dùng mọi phương tiện để làm loạn não rồi hướng nạn nhân theo chiều mình muốn: nói thật, phản bạn, đóng vai trò họ mang đợi. Thường họ làm như thế này: Tội nhân được tiêm một dược phẩm làm trí nhớ kém, đồng thời người ta thay khung cảnh sống: như quân nhân sẽ mặc một bô y phục chưa bao giờ dung hay thấy nữa; phòng giam được xếp đặt thế nào cho tội nhân không biết ngày đêm, không liên lạc với thế giới bên ngoài như phòng nhỏ, đèn sáng luôn, không thấy ngoài trời nên không phân biệt ngày đêm. Lâu lâu, người ta đem đồ ăn đến một cách bất thường nên tội nhân càng mất ý niệm về thời gian và dần dần trở thành điên hay gần điên. Đến lúc não đã trở nân bất thường, thẩm vấn viên xuất hiện, không phải để hỏi vặn mà để tâm sự. Trong lúc chuyện trò tội nhân thấy rằng giây liên lac độc nhất với thế giới bên ngoài là thẩm vấn viên, mà ông này có thái độ bằng hữu nên càng bíu vào mà tâm sự. Thẩm vấn viên lại sưu tầm số tài liệu tối đa về nạn nhân nên gây một mặc cảm tự ti khá mạnh và nhân đó nạn nhân thuận đi theo chiều hướng dẫn của đảng viên Cộng sản. Tên này sẽ chứng minh cho nạn nhân nghe rằng con đường y đi là sai, bằng chứng là nó dẫn đến chỗ tội lỗi. Vì thế nên chọn con đường chính, tức con đường họ chỉ bảo cuối cùng, nạn nhân không những thú tội hồn nhiên mà còn trở lại chỉ trích con đường cũ của mình nữa. Kỹ thuật là tinh vi, ghê gớm.

Một trong những tài liệu đầu tiên về thủ tục thẩm vấn Cộng sản trong những vụ án Mạc Tư Khoa là cuốn “Darkness at noon” (Tối trời giữa trưa – Bản tiếng Pháp Le zéro et l’infini) của ARTHUR KOESTLER, cuốn này xuất bản năm 1941, mục đích là đả kích thủ tục trong những vụ án Mạc Tư Khoa. Cuốn sách trên nói về đời của một đảng viên Cộng sản quan trọng lấy tên là ROUBACHOP. Sau thời gian hoạt động rất hăng, ông bị bắt vì không đồng ý với đại ca và cũng bị đưa ra truy tố. Thẩm vấn viên thứ nhất là IVANOV, dùng cách lý luận tế nhị với tội nhân mà không đạt được kết quả nào. Vì thế, một thẩm vấn viên khác là HGLETKINE đến thay thế: người ta không còn nghe đến IVANOV nữa, chắc là bị thủ tiêu. GLETKINE dùng cách phương pháp cứng rắn: - can cứu ngồi trước một ngọn đèn càng ngày càng sáng hơn, nóng quá đến nỗi can cứu không chịu đựng được nữa, xỉu dần, - can cứu đứng hàng chục giờ mà không ăn uống, không được thẩm vấn; - can cứu bị thẩm vấn trong gàng chục giờ... Cuối cùng ROUBACHOP không thể đứng được nữa, ngất đi mà không chết. Lúc bấy giờ GLETKINE mới yêu cầu là ký bản thú tội, rồi sẽ được toại nguyện ăn ngon, ngủ yên... vả lại, như thế là cho đến lúc cuối, minh vẫn còn giup đảng.

Trong cuốn “The dark side of the noon” (Phía tối mặt trăng) của một nữ ký giả vô danh Ba Lan, bản dịch tiếng Anh do thi hào THOMAS STEARNS ELIOT (sinh năm 1888, giải thưởng Nobel về văn chương 1948), chúng ta cũng thấy Cộng sản dùng những phương pháp thông thường ấy đối vơi tất cả những ngừơi Ba Lan bị tù đầy trong giai đoạn 1939-1941. Cộng sản đã dùng những phòng hẹp không liên lạc với ngoài trời và có đèn đỏ thắp suốt ngày đêm.

Về trường hợp của Đức Hồng Y MINDZENTY, nguyên Giáo chủ Hung Gia Lợi, Cộng sản dùng những phương pháp quá khích nhất, chúng bắt đứng hàng bốn năm chục giờ, hỏi cung cũng trong hàng chục giớ, cho nhịn uống, nhịn ăn, chúng còn dùng dược phẩm là actédrone, thường trộn vào cà phê và chất mescaline, thường được tiêm vào, nói là để đỡ nhọc. Chất thứ nhất làm đầu sưng, chất thứ hai làm nảo rã. Đó là theo bài “Chúng đã làm nhừ tử Hồng Y như thế nào” (Comment ils ont brisé le Cardinal) đăng trong tạp chí S.R.D số tháng 12-1949.

Có một cuốn phim có thể cho ta một ý niệm về phương pháp điều tra của Cộng sản là cuốn “Aveux spontanés” (đề tiếng Anh là Assigment to Paris), vai chính là ANNA ANDREWS. Đây là câu chuyện một ký giả của tờ New York Herald Tribune tên là JIM RACE, qua Hung, tìm ra một tài liệu liên quan đến sự giao thiệp của chính phủ Hung và Tito. Ông bị bắt, không chịu khai là đến dò thám, đưa cà phê không chịu uống vì nghi là có độc dược. Nên Cộng sản cho Ông vào một ăn phòng có đèn sáng chói đỏ, tắt liên tiếp ngày đêm. Lúc y khai là không phải đến dò thám, Cộng sản cho vào máy thu âm rồi cho người nói giọng giống y để đổi câu trên thành ra “tôi đến Hung là để dò thám cho Hoa Kỳ” và như thế đem vặn cho thế giới nghe, gọi là lời thú tội hồn nhiên của y. (106)

191 Chúng ta vẫn tự hào rằng mình hơn Cộng sản vì có dân chủ, tự do, có luật pháp dựa trên căn bản nhân vị. Nhưng thực mâu thuẫn vô cùng khi người Cảnh sát Tư pháp là các chiến sĩ bảo vệ Chính thể lại thường bắt đầu cuộc hỏi cung bằng màn tra tấn, gọi là để “dằn mặt”.

Chúng tôi quan niệm rằng sức mạnh của Tự Do, của Công Lý ở Đất Nước này không phải là sức mạnh của bạo tàn, của ngược đãi đối với người phạm pháp!

Sức mạnh trường cửu của dân tộc chính là sự tôn trọng quyền an tòan cá nhân của mỗi công dân, dù là người dân thấp cổ bé miệng và yếu kém nhất.

Chúng ta phải ghi nhận nỗ lực tận diệt nạn tra tấn do các cấp chỉ huy của ngành Cảnh sát đương thời. Tại mỗi Bộ Chỉ Huy có một Ban Tạm giữ khác biệt hẳn với Ban Tư pháp. Mỗi Ban do một sĩ quan điều khiển. Các viên chức canh phòng trại tạm giam có thể là các chiến sĩ bảo vệ nhân quyền rất hữu hiệu. Họ có quyền từ chối trích dẫn một người bị tạm giữ giao cho điều tra viên hỏi cung ngoài giờ luật định. Họ có bổn phận báo cáo về tình trạng sức khỏe người bị tạm giữ mỗi lần trích xuất và trả về nơi tạm giữ. Họ có thể từ chối hoặc xin khám sức khỏe cho những người bị thương tích, trước khi nhận giữ.

Hy vọng tệ trạng tra tấn sẽ phải chấm dứt trong tương lai trước những nỗ lực không ngừng của các giới chức có thẩm quyền.

 

Đoạn 3

QUYỀN AN TOÀN VỀ TÀI SẢN


192 Những quyền lợi tinh thần và thể xác thật quan trọng đối với mỗi công dân, nhưng những quyền lợi về tài sản cũng không kém phần quan trọng. Tài sản ở đây phải hiểu một cách tổng quát là các bất động sản hay động sản đang chiếm hữu hay chấp hữu. Nói cách cụ thể, đó là nơi cư ngụ và các tài vật.

Chúng ta sẽ trình bày 2 vấn đề:

- Phân đọan 1: Nơi cư ngụ.

- Phân đọan 2: Sai áp tài vật.

* * *

Phân đoạn 1

NƠI CƯ NGỤ


Điều 8 Hiến Pháp đã công nhận nhà cửa của công dân phải được tôn trọng. Không ai được quyền xâm phạm hay khám xét nơi cư trú, trừ khi có lệnh của Tòa án hoặc khi cần bảo vệ an ninh và trật tự công cộng, trong phạm vi luật định.

Như vậy, bảo vệ nơi cư ngụ là một nguyên tắc hiến định và khám xét tư gia là một biệt lệ.


I.- ĐIỀU KIỆN KHÁM XÉT

A.- Trong trường hợp pham pháp không quả tang:

193 1)- Ai được quyền khám xét?

a)- Chỉ Dự thẩm hoặc Hình cảnh lại được Dự thẩm ủy nhiệm mới có quyền “Khám xét bất cứ nơi nào có thể tìm ra những đồ vật cần thiết cho việc phát huy sự thật (điều 89 HSTT)”.

b)- Biện lý có được quyền khám xét hay cho lệnh khám xét ngoài trường hợp phạm pháp quả tang không?

Trên thực tế, mỗi khi cần xét nhà, Hình cảnh lại vẩn xin phép Biện lý. Điều 69 HSTT định rằng khi điều tra sơ vấn ngòai trường hợp phạm pháp quả tang, “các cuộc khám xét người hay nhà và sai áp tang vật phải có sự ưng thuận minh thị của đương sự”. Như vậy, dù Biện lý đích thân hay cho phép Hình cảnh lại đến khám, gia chủ vẫn được quyền từ chối không mở cửa.

Có thể căn cứ vào điều 34 HSTT để dành quyền khám xét nhà cho Biện lý trong trường hợp này không? Theo điếu luật này thì “Biện lý có thể tự mình thực hiện hay truyền thực hiện những hành vi cần thiết để truy tầm và truy tố những vi phạm luật hình”. Nhưng bản chất việc khám xét nhà, theo học lý, là một hành vi thẩm vấn chứ không phải hành vì điều tra, truy tầm hay truy tố. (107) Cho nên, khi điều tra một vụ phạm pháp không quả tang, Hình cảnh lại có xin Biện lý khám xét, Biện lý cũng không có quyền cho, mà phải gửi hồ sơ đến Dự thẩm là giới chức duy nhất có thẩm quyền trong trường hợp này.

Việc khám xét nhà trên thực tế là một hành vi rất quan trọng, nếu bị lạm dụng, có thể làm tổn thương danh dự gia chủ rất nhiều. Vì tính cách bí mật cuộc điều tra, những người lân cận không thể biết rõ nội vụ nhưng họ chỉ bàn tán qua hành vi xét nhà của Hình cảnh lại. Do đó, cuộc sống của những người ở trong căn nhà đó bọ đảo lộn trước con mắt của lân bang.

Bởi vậy, hành vi xét nhà càng được nới rộng vào tay nhiều viên chức thì quyền an tòan cá nhân càng bị đe dọa. Nhà làm luật đã hữu lý khi chỉ trao quyền này cho Dự thẩm trong trường hợp phạm pháp không quả tang, vì dù sao với phương tiện thẩm vấn rộng rãi, với lương tâm và xác tín của một Thẩm phán xử án, chắc chắn lệnh khám xét nhà của Dự thẩm sẽ được ban hành một cách thận trọng hơn.

c)- Còn đối với Hình cảnh lại, luật chỉ cho phép khám nhà nếu có “sự ưng thuận minh thị của gia chủ”.

194 2)- Thế nào là ưng thuận minh thị?

Đó là khi ý chí gia chủ đã biểu lộ sự ưng thuận một cách rõ ràng. Nguyên một việc mở cửa cho nhân viên công lực vào nhà, không có nghĩa là đồng ý để khám xét. Tuy nhiên, luật không buộc Hình cảnh lại phải loan báo cho gia chủ biết rằng đương sự có quyền từ chối.

Sự ưng thuận của gia chủ có thể được diễn tả như sau: “Tôi biết rõ rằng tôi có thể chống lại việc Hình cảnh lại thăm viếng nhà tôi, nhưng tôi sẵn sàng công khai tiếp rước họ vào nhà, để mở cuộc khám xét và tịch thu những đồ vật nào có ích cho cuộc điều tra”.

Chính điều kiện “ưng thuận minh thị” này đã nêu lên sự khác biệt giữa cuộc khám xét của Dự thẩm và của Hình cảnh lại. Đối với Dự thẩm dù phạm pháp quả tang hay thông thường, dù gia chủ ưng thuận hay phản đối, cuộc khám xét vẫn phải diễn ra, nếu Dự thẩm thấy là cần thiết để phát huy sự thực.

Điều 76 khỏan 2 HSTT Pháp quốc bắt buộc sự ưng thuận phải được chính gia chủ viết ra. Nếu đương sự không biết viết, điều này phải được ghi vào biên bản. (108)

Sở dĩ nhà làm luật Pháp quốc quy định như vậy là muốn duy trì quan điểm của Tóa Phá án trong một án lệ rất xưa. Bản án ngày 9.12.1910 (109) bắt buộc sự ưng thuận phải được biểu lộ tường tận, nghĩa là đương sự phải dược cho biết trước một cách minh thị rằng họ có quyền chống đối việc khám xét. Nhưng khi đã ưng thuận thì không được quyền thay đổi ý kiến nữa. (110)

Trái lại, Bộ HSTT Việt Nam không khe khắt như vậy. Mọi hình thức ưng thuận đều được chấp nhận. Phải chăng khi dùng văn từ khác với Bộ HSTT Pháp quốc, nhà làm luật Việt Nam đã chấp nhận quan niệm của án lệ trái với bản án ngày 9.12.1910 nêu trên. (111) Theo lập trường này, mặc dù gia chủ ưng thuận, sau lại đổi ý thì cuộc khám xét phải đình chỉ tức khắc vì khi đó không còn yếu tố căn bản là sự ưng thuận nữa.

Các luật gia thường cho rằng việc khám xét không phải là hành vi đơn thuần như ký tên vào một khế ước, vì khi khám xét, Hình cảnh lại bới lục lung tung hết phòng này qua phòng khác. Gia chủ, vì một lý do riêng có thể đồng ý cho lục phòng này mà không cho mở phòng kia, cho xem tài liệu này mà không thích cho coi tài liệu nọ. Bởi vậy, khi gia chủ ưng thuận, việc khám xét được coi là hợp pháp và khi không còn ưng thuận nữa, hành vi này trở nên phi pháp, Hình cảnh lại phải ngưng ngay lập tức. Dĩ nhiên, Tòa có thể xét đóan về lý do khiến chủ nhân thay đổi ý kiến, không dám cho tiếp tục khám xét, nhưng đó lại là chuyện khác.

Tuy vậy, trên thực tế, Hình cảnh lại ít khi gặp khó khăn, vì người lương thiện không ngần ngại giúp họ hòan tất nhiệm vụ, hoặc kẻ phạm pháp thì hoặc thú tội, nạp mình, nạp tang vật hoặc làm như mình lương thiện, sẵn sàng để Hình cảnh lại khám xét.

Tóm lại, hành vi khám xét tùy thuộc nơi thiện chí của dân chúng.

Để cho mọi người sẵn sàng cộng tác chân thành với Hình cảnh lại trong nhiệm vụ tìm kiếm sự thật, Phó Chưởng lý NGUYỄN QUỐC HƯNG đã khuyên: “Cảnh sát phải nói năng lễ phép, cưu xử hòa nhã, hành động nhẹ nhàng không được nạt nộ, phiền hà, phá rương, cậy tủ, bóc ván, đục tường, đảo ngói, lật gạch... tỏ quyền hành một cách hống hách và trái phép”. (112)

195 B.- Gặp trường hợp phạm pháp quả tang, Dự thẩm, Biện lý, Hình cảnh lại đều có quyền xét nhà mà gia chủ không được quyền phản đối.

Sở dĩ luật cho phép xâm phạm trầm trọng quyền an cư trong trường hợp này là để nhà chức trách có thể duy trì cảnh trạng phạm trường càng giống càng tốt và để kẻ phạm pháp cũng như tang vật khỏi bị tẩu tán dễ dàng.

Điều kiện căn bản của việc xét nhà trong trường hợp phạm pháp quả tang là phải hiện hữu một trọng tội hay khinh tội có thể bị phạt giam, vì điều 59 HSTT quy định: “Để chứng minh một trọng tội đã xẩy ra... Hình cảnh lại lập tức tới nơi cư ngụ của người đó để khám xét và lập biên bản”. Và điều 60 HSTT cũng định rằng: “Các điều 48 đến 59 cũng áp dụng cho khinh tội quả tang nếu luật dự liệu phạt giam”.

Tuy nhiên, để điều tra một tội vi cảnh, dù luật dự liệu hình phạt giam, Hình cảnh lại không bao giờ được quyền khám xét nhà dể tịch tang vật hay bắt thủ phạm, trừ khi có lệnh của Dự thẩm, vì bộ Hình sự Tố Tụng 1972 đã trao quyền thẩm vấn những vụ vi cảnh cho Dự thẩm, nếu có lệnh trạng yêu cầu của Biện lý (điều 71 HSTT). (113)

Vậy trong trường hợp phạm pháp quả tang, nếu Hình cảnh lại xin phép Biện lý cho khám nhà, đó là một sự thận trọng không cần thiết.


II.- KHÁM XÉT NHÀ VÀ VIẾNG NHÀ

196 Có nhiều nhân viên Cảnh sát trong khi thừa hành phận sự nói rằng khám xét nhà mới cần lệnh Tòa, còn viếng nhà thì được. Nhưng lập luận này rất nguy hiểm về nhiều phương diện:

a)- Trước hết việc khám xét nhà, dù trong những vụ phạm pháp quả tang hay không, đều bắt buộc phải do chính Hình cảnh lại chỉ huy và chịu trách nhiệm. Chỉ riêng nhân viên Cảnh sát mà thôi không bao giờ được quyền xét nhà.

B)- Vấn đề danh từ ở đây cũng khá phức tạp. Từ trước tới nay, các bản văn của bộ Tư pháp và các Tòa án thường dùng danh từ “khám nhà” để dịch chữ “Visite domiciliaire” của Pháp, “sưu sách” để dịch chữ “perquisition” và “sai áp” dịch chữ “saisie”. (114)

Theo TP. TRẦN THÚC LINH, (115) “Điều 87 HSTT (cũ) được sửa đổi do luật ngày 25.3.1935 lần đầu dùng danh từ “visite domociliaire” bên cạnh chữ “perquisition”, nhưng lại không định nghĩa 2 danh từ ấy sai biệt nhau ra sao. Cả hai danh từ perquisition và visite domiciliaire đều chỉ định việc khám nhà, nhưng visite domiciliaire có nghĩa khám qua, trái lại perquisition hàm ý lục sóat tỉ mỉ. Nhà lập pháp có muốn quy định cho Hình cảnh lại khám nhà trong lúc họ không được luật cho phép vào nhà lục sóat. Nhưng Tòa Phá an không chấp nhận sự phân biệt ấy”. (116)

Còn khám xét là biện pháp thẩm cứu cho phép ông Dự thẩm vào mọi nơi, nhất là cư sở các bị can, để thâu thập bằng chứng tội phạm, tịch thâu các tang vật xét ra cần thiết để phát huy sự thực.

“Ví là một hành vi thẩm cứu, nên các Tư pháp cảnh lại không có quyền khám xét trong giai đoạn điều tra sơ bộ khi chủ nhà không cho phép”.

Dầu vậy, Bộ Hình Sự Tố Tụng hiện tại của Pháp vẫn dùng cả hai danh từ vừa kể: “Les perquisitions, visites domociliaires et saisies de pìeces à conviction ne peuvent être effectúees sans l’assentiment exprès de la personne chez laquelle l’opération a lieu”. (đ. 76 k. 1).

Còn luật HSTT Việt Nam lại dùng danh từ “Khám xét nhà” (đ. 50 và 69). Có lẽ tác giả Bộ luật đã muốn dùng danh từ này để diễn tả luôn một lượt ý nghĩa của chữ “Visite domiciliaire”: Khám nhà và “perquisition”: xét nhà. Thực vậy, trước đây, Sắc lệnh số 115/B/SG ngày 18.6.1949 (117) quy định: “Chỉ riêng Ông Dự thẩm hay Ông Thẩm phán nào làm công việc dự thẩm mới có quyền khám nhà, sưu sách và áp thu (đ. 9)”. Nay, luật chỉ viết tắt là “khám xét và sai áp”.

Sau khi truy nguyên danh từ, chúng ta có thể tóm tắt vấn đề như sau:

- Khám nhà, sưu sách, sai áp là các hành vi thẩm cứu (118), nên thuộc quyền Dự thẩm.

- Hình cảnh lại chỉ được làm các hành vi đó trong trường hợp phạm pháp quả tang.

197 Trở lại chữ “viếng nhà” mà Hình cảnh lại thường dùng, nhưng chúng ta không thấy ghi trong luật. Phải chăng người ta đã dịch ra ở chữ “visite domiciliaire”? Nếu vậy thì “viếng nhà” và “khám nhà” tuy là hai kiểu nói, nhưng chế độ pháp lý của hai hành vi không có gì thay đổi. Thực vậy, khi một vụ phạm pháp quả tang xẩy ra, Hình cảnh lại muốn viếng hay khám hoặc xét nhà cũng đều được cả. Còn trong trường hợp thông thường, nếu gia chủ không ưng thuận cho viếng nhà, nghĩa là đóng cửa không muốn tiếp ai thì Cảnh sát không có ai mà viếng? Ngược lại, khi gia chủ đồng ý mời vào thì viếng hay xét đâu có gì khác biệt nữa?


198 III.- XÉT NHÀ VÀ XÉT SỔ GIA ĐÌNH

Có nhiều nhân viên công lực còn muốn né tránh những thủ tục khó khăn trong việc xét nhà bằng cách đi khám sổ gia đình.

Thực sự, đây là biện pháp an ninh Cảnh sát trong tình trạng chiến tranh, nhằm bắt những người cư trú bất hợp pháp, tình nghi là địch quân xâm nhập và trà trộn trong quần chúng để hoạt động. Thông thường muốn truy lùng những người cư trú bất hợp lệ, nhân viên công lực mở cuộc hành quân Cảnh sát trong một khu vực hạn chế, với sự phối hợp của nhà chức trách quân sự, hành chính và tư pháp rất qui mô, trật tự. Các viên chức hành chánh thấp nhất (liên gia trưởng, phường trưởng, trưởng ấp...) cũng được mời tham dự mỗi khi Cảnh sát xét sổ gia đình.

Do đó, không thể có việc một vài Cảnh sát ngang nhiên vào nhà người dân đòi xét sổ gia đình rồi mở cuộc lục xét.

Hành vi xét tờ khai gia đình cho dù hợp pháp về hình thức với đầy đủ mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nhưng chắc chắn kết quà việc khám xét nhà sẽ trở thành vô giá trị. Thực vậy, Hình cảnh lại vào nhà với mục đích xét sổ gia đình, nếu không có ai cư trú bất hợp pháp và nếu xét ban ngày mà những người hiện diện trong nhà chứng minh đầy đủ giấy tờ tùy thân (dĩ nhiên trong đó có địa chỉ nơi cứ trú) thì công việc tới đây kể như hòan tất. Đặt giả thuyết khi bắt gặp trong nhà tàng trữ những dụng cụ tình nghi phạm pháp hay là tang chứng của tội phạm nhưng không có tính cách quả tang hoặc xâm phạm an ninh quốc gia, Hình cảnh lại cũng không được quyền vi chứng hoặc sai áp. Nếu muốn sẽ phúc trình Biện lý hoặc Dự thẩm để tùy nghi quyết định. Hành vi khám xét trong trường hợp này là vi luật, Tòa án không thể căn cứ vào đó mà xử phạt.

Tuy nhiên, có một trường hợp án lệ chấn nhận là khi Hình cảnh lại được lệnh hợp pháp vào nhà để khám xét và vi chứng một tội tiểu hình, nhưng lại gặp một vi phạm khác thì Hình cảnh lại được quyền sai áp những tang vật về tội trạng mới này với điều kiện, đó là một vụ phạm pháp quả tang và có thể bị phạt thể hình hay nhục hình (119). Cũng cần thêm rằng việc vi chứng tội trạng mới này vẫn phải tuân theo các thủ tục đặc biệt nếu có. Ví dụ khi lập vi bằng bắt sòng bài, trước hết phải có con bạc hay thân nhân con bạc tố cáo và khai đã thua tại sòng bài đó. Nếu không người nào tố cáo, phải căn cứ vào tường trình của 2 nhân viên khác nhau đều cho biết rằng ở nơi đó tổ chức cờ bạc (120). Như vậy, bắt bạc do một sự tình cờ nhân khi vi chứng một tội khác bị coi là sai thủ tục.


IV.- NƠI KHÁM XÉT

Điều 50 HSTT cho phép Hình cảnh lại được khám xét nơi cư ngụ để tìm tang chứng.

199 A.- Thế nào là nơi cư ngụ?

Phải hiểu theo nghĩa thông thường của danh từ này. Đó là nơi một người ở và sinh sống thường xuyên hay tạm thời. Nói cách khác, “nơi cư ngụ” có thể là cư sở, cư ngụ hay tạm trú. Nhưng án lệ đã không chấp nhận giải thích “nơi cư trú” là tủ sắt thuê ở ngân hàng hay là xe cộ. (121)

Tòa Phá an Việt Nam cũng đã theo quan điểm này khi phá và tiêu hủy án ngày 16.9.1960 của Tòa Thượng Thẩm Saigon vì đã tuyên phạt về tội xâm phạm gia cư mà không xác nhận nhà bị xâm phạm là nơi cư trú, đã có người ở, dù người này có tạm thời vắng mặt hay không tại nơi ấy. (122)

Vì nhu cầu điều tra. Hình cảnh lại phải xét nơi cư ngụ để tìm tang vật, nhưng nhiều khi còn phải xét xe, khám túi, mở hành lý ở ngay ngoài đường, tuy vậy, những thứ đó cũng không phải là nơi cư trú.

200 B.- Khám xét nơi nào?

Cần phân biệt:

1)- Nơi được khám xét:

Đây là chỗ cư ngụ của các người “bị tình nghi” (điều 50 HSTT). Như thế Bộ HSTT mới đã nới rộng phạm vi khám xét, so với luật cũ, vì điều 36 và kế tiếp bộ HSTT cũ chỉ cho phép khám nhà thủ phạm hay tòng phạm mà thôi. Nay Hình cảnh lại được xét nhà mọi kẻ tình nghi phạm pháp, đồng phạm, tòng pham hay một đệ tam nhân tàng trữ tài liệu chứng tích phạm pháp.

2)- Nơi không được khám xét:

Theo quy tắc ngoại giao các Sứ quan và tư thất của nhân viên ngoại giao đòan bất khả xâm phạm, vì được coi là lãnh thổ của quốc gia khác. Luật lệ Việt Nam không có hiệu lực tại những nơi này. (123)

3)- Nơi được khám xét theo thủ tục đặc biệt:

Điều 50 khoản 2 quy định: “trong trường hợp khám xét nhà hay văn phòng những người phải giữ bí mật nghề nghiệp, Hình cảnh lại phải thi hành mọi biện pháp đặc biệt do luật lệ hiện hành quy định để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ”.

a)- Tư thất Thẩm phán:

Đối với tư thất các Thẩm phán là giới chức hưởng đặc quyền tài phán, Hình cảnh lại không thể áp dụng thủ tục quả tang kể cả công việc khám xét, vì đây là phạm vi thẩm vấn, mà chỉ được thực hiện khi một cuộc thẩm vấn đã khai diễn theo những thủ tục đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các viên chức này yêu cầu thì sự khám xét có thể diễn tiến một cách hợp lệ.

b)- Văn phòng luật sư:

Đặc biệt mỗi khi khám xét văn phòng Luật sư, theo truyền thống, phải có sự hiện diện của Thủ lãnh hay vị đại diện Hội đồng (124). Thực vậy, quyền biện hộ sẽ bị xâm phạm nếu giới chức Tư pháp xem xét các tài liệu do thân chủ ký thác cho Luật sư. Sự hiện diện của vị Thủ lãnh sẽ ngăn chặn được những sự tịch thu bừa bãi các tài liệu không liên quan gì đến cuộc điều tra đang tiến hành.

Theo án lệ, khi khám xét văn phòng Luật sư, không thể sai áp những văn kiện do thân chủ ký nạp cho Luật sư với tư cách là người biện hộ. Nói một cách tổng quát, việc sai áp phải nằm trong khuôn khổ luật tối thượng của quyền biện hộ (Le droit supérieur de la défence). Luật này không chấp nhận cho bất cứ một nguyên do nào gây trở ngại sự tương thông giữa bị can với luật sư của họ. Do đó, chẳng những không được sai áp tại văn phòng luật sư các thư từ liên lạc của thân chủ, mà cũng không thể sai áp cả những thư từ trước khi gửi tới tay Luật sư nữa (125). Một bức thư mật của Luật sư gửi cho thân chủ, trong đó có`điều mạ lỵ một vị Thẩm phán, khi bị tịch thu, cũng không thể là bằng chứng để bị truy tố. (126)

c)- Phòng mạch Bác sĩ:

Nghề Y sĩ cũng có những bí mật mà Hình cảnh lại phải tôn trọng. Tuy nhiên, khi một Y sĩ bị tố cáo đã phạm các tội như phá thai, giết người, cố ý gây thương tích, lường gạt, cấp y chứng giả... thì việc khám xét phòng mạch trở nên cần thiết và Y sĩ không thể nại bí mật nghề nghiệp để từ chối.

Vấn đề sẽ rất tế nhị khi phải xét phòng mạch để tìm tài liệu buộc tội một bệnh nhân. Khi đó nhà chức trách không được xem xét hồ sơ thuộc về các bệnh nhân, mà chỉ được hành động vì ích lợi cuộc điều tra mà thôi.

d)- Linh mục:

Đối với các linh mục Đạo Thiên Chúa, theo Giáo Luật, mỗi tín hữu trong năm phải đi xưng tội ít là một lần (127). Đó là hành vi thú tội thành thực nhất, thầm kín nhất của tín hữu, chỉ linh mục ở tòa giải tội, khi đó đại diện cho Thiên Chúa, mới được quyền nghe và tuyệt đối phải giữ bí mật (128). Vì thế, không một quyền lực thế gian nào có thể bắt linh mục phải tiết lộ những điều đã nghe trong tòa kín. Ngoài những bí mật đượm mầu sắc tôn giáo huyền bí, linh mục cũng còn được nhiều người tôn kính, tin tưởng và ký thác nhiều tài liệu hồ sơ thầm kín, riêng tư mà Hình cảnh lại không thể không tôn trọng mỗi khám xét.

đ)- Nghị sĩ và Dân biểu:

Về việc xét nhà của Dân biểu, Nghị sĩ theo một biên bản của liên bộ Quốc phòng, Tư pháp và Nội vụ năm 1969, quyền bất khả xâm phạm chỉ bảo vệ thân thể của các vị này mà thôi, còn tư gia xe cộ, hành lý.... vẫn bị xét như thường (129).

e)- Quân nhân:

Trường hợp xét nhà một quân nhân ở trong hàng rào cơ quan quân sự, cần phải có sự chứng kiến của Chỉ huy trưởng hoặc Sĩ quan an ninh cơ sở. (130)

g) Chùa chiền:

Theo Thông tư số 8.226-BTP/Hiv ngày 7.11.72 của Bộ Tư pháp mỗi khi khám xét Chùa chiền, “phải thận trọng và tế nhị trong khi thi hành, để khỏi xâm phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo. (131)

201 Cũng về vấn đề này, Đại Tá ĐÀM TRUNG MỘC (132) đặt ra một vấn nạn: Sau khi bắt một người, Cảnh sát có thể khám xét ngay các địa điểm chung quanh mà không cần lệnh của Tòa không? Và nếu được thì đến giới hạn nào?

Ở đây, cũng có một sự đụng độ giữa hai quan điểm: một bên là nhu cầu cuộc điều tra, luôn luôn đòi hỏi Cảnh sát Tư pháp phải xét liền khu vực bao quanh người phạm, để tìm giữ vũ khí và tang vật; một bên là tôn trọng gia cư của công dân, do luật pháp chủ trương bảo vệ.

Chưa có một giải pháp thuần nhất cho vấn đề này. Ở Hoa Kỳ người ta định rằng: mỗi khi có người bị bắt giữ, nhà chức trách Cảnh sát chỉ được khám xét riêng khu vực trực tiếp bao quanh can phạm, nơi mà y có thể giấu vũ khí hoặc bằng cớ. Nếu muốn khám xét xa hơn nữa, phải có lệnh Tòa. Như vậy việc bắt giữ một can phạm không có nghĩa là nhân viên đi bắt sẽ được quyền khám xét gia cư toàn bộ, kể cả những căn phòng kế cận. (133)

Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Ông ĐÀM TRUNG MỘC rằng vấn đề còn tùy thuộc ở nhiều yếu tố, chứ khó mà đưa ra được một tiêu chuẩn hoặc những giới hạn nhất định. Thí dụ: tùy người bị bắt là một phạm nhân quan trọng hay không, tùy tội phạm quả tang hay không quả tang; nhất là tùy hòan cảnh, can phạm ở riêng một nhà hay ở chung đụng với nhiều người khác. Nói chung, việc khám xét không thể phạm vào quyền lợi của người kế cận, và cần hạn chế vào những gì coi như gắn liền với thân thể kẻ bị bắt (đồ đạc hiện dùng, xách tay, tủ áo, phòng ngủ cá nhân...)


V.- THỜI GIAN KHÁM XÉT

Điều 53 khoản 1 HSTT quy định: “Ngoại trừ trường hợp có tiếng kêu cứu từ trong nhà, hay những biệt lệ do luật định, không được khám xét nhà tư nhân trước 6 giờ sáng và sau 8 giờ tối”.

202 a)- Nguyên tắc:

Hình cảnh lại chỉ được xét nhà từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Vì nhu cầu điều tra, có khi cần phải khám xét gia cư, nhưng nhà làm luật không muốn rằng sự khám xét phải được diễn ra một cách quang minh chính đại, và phải tôn trọng những giờ khắc thiêng liêng êm đềm nhất của người dân, đó là những lúc sống bên cạnh những ngừơi thân yêu, dưới mái nhà ấm cúng sau một ngày làm việc vất vả.

Luật pháp muốn bảo vệ sự nghỉ ngơi yên tĩnh ban đêm, giống như y học ngày nay chăm sóc đến giấc ngủ của dân chúng vậy.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp không cần tuân giữ thời gian luật định kể trên.

203 b)- Biệt lệ:

1.- Mục đích việc giới hạn thời gian khám xét nhà là bảo vệ đời sống riêng tư của mỗi công dân, nhưng nếu chính đương sự lại từ khước và bằng lòng mở cửa cho Hình cảnh lại vào khám xét, đó là quyền của gia chủ. Tuy nhiên, án lệ buộc rằng khi làm như vậy, gia chủ phải biết rằng Hình cảnh lại không được quyền khám xét, nếu đương sự không ưng thuận. (134)

2.- Điều 53 HSTT cho phép khám xét tư gia ngoài thời gian luật định khi “có tiếng kêu cứu trong nhà”. Nhà làm luật đã dùng danh từ “tiếng kêu cứu” một cách tổng quát, nên phải hiểu đó là của bất cứ ai ở trong nhà, không nhât thiết phải là gia chủ, để xin giúp đỡ bảo vệ sinh mạng hay tài sản trước một trọng tội hay khinh tội vừa mới, đang hay sắp xẩy ra.

3.- Theo các tác giả BROUCHOT và GAZIER, nếu cuộc khám xét bắt đầu trước 8 giờ tối, Hình cảnh lại vẫn có quyền tiếp tục cho tới khi công tác xong, mặc dầu quá giờ luật định (135). G. STEFANI và G. LEVASSEUR cũng đồng ý với quan điểm trên. (136)

4.- Điều 53 khỏan 3 còn đặt thêm một biệt lệ nữa để khám nhà ngoài giờ luật định đó là trường hợp nhằm bài trừ nạn mãi dâm trong khách sạn, nhà hay phòng cho thuê có đồ đạc, ký túc xá, quán giải lao, câu lạc bộ, vũ trường, hí viện và những nơi công chúng được ra vào thong thả, nếu tin bất cứ từ đâu là nơi đó có những người hành nghề mãi dâm thường lui tới.

5.- Sau cùng điều 53 cũng cho phép khám nhà bất cứ lúc nào theo những “biệt lệ do luật định”. Đại khái có những luật lệ sau đây:

- Trường hợp hỏa hoạn, lụt lội: SL. 20.10.1924; SL. 115-b/SG ngày 18.6.49.

- Trường hợp khẩn trương và giới nghiêm, Quân đội có thể xét các tư gia bất luận ngày đêm: Sắc luật số 018 và 019/TT/SLU ngày 25.11.1972.

- Trường hợp Thẩm phán công tố giải thóat người bị bắt bớ, giam cầm bất hợp pháp (điều 719 HSTT).

- Trường hợp các sòng bạc khi có báo cáo của 2 viên chức Tư pháp cảnh lại hay của một người tố cáo đã bị bóc lột tại đây (điều 2 SL. 20.10.1924).

Ngoài những trường hợp kể trên, mỗi khi bị gõ cửa ban đêm xét nhà, gia chủ có quyền không mở. Nhưng nếu nhân viên công lực cần xét nhà ban đêm vì lý do an ninh quốc phòng và chính trị trong thời gian chiến tranh thì gia chủ vẫn phải mở. Trong trường hợp này, luôn luôn phải có sự hiện diện của giới chức hành chánh địa phương như Liên gia trưởng, Phường trưởng, Trưởng ấp... để tránh kẻ gian phi lợi dụng danh nghĩa nhà chức trách làm điều phi pháp.


VI.- THỦ TỤC KHÁM XÉT

Dù cuộc khám xét diễn tiến theo thủ tục quả tang hay không quả tang, Hình cảnh lại vẫn phải tuân theo một số thủ tục nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của gia chủ.

Những thủ tục đó là:

204 a)- Tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ

Trong khi khám xét nhà của những người được phép giữ bí mật nghề nghiệp (như Luật sư, Thẩm phán, Y sĩ, Dược sĩ, Nữ hộ sinh, Chưởng khế, Giám định viên, một số công chức ngoại giao, nhân viên sở thuế, sở Thống kê, linh mục....), Hình cảnh lại không được ép buộc đương sự phải tiết lộ những gì họ đã thề giữ bí mật hoặc tịch thu những tài liệu của thân chủ vì lòng tín nhiệm đã nhờ cất giữ.

Hình cảnh lại cũng không thể hành động bất chấp quyền biện hộ của gia chủ. Trong mọi trường hợp, họ được quyền bày tỏ ý kiến riêng giải thích các sự kiện xẩy ra, mà nhân viên công lực không thể không ghi nhận.

Nhà làm luật đã không ấn định rõ những ai được giữ bí mật nghề nghiệp. Cho nên chính những Thẩm phán sẽ quyết định việc này.

Tóm lại, cuộc khám xét phải tuân theo các thể thức sau đây:

- Trước và sau khi hành động, phải trình báo cho Biện lý hoặc Dự thẩm.

- Theo tập tục, việc khám văn phòng Luật sư phải do chính các vị Thẩm phán điều khiển với sự chứng kiến của Thủ lãnh hay vị Đại diện (137). Còn tại những nơi khác, Thẩm phán cũng nên hiện diện, nếu sợ rằng cuộc khám xét sẽ gặp nhiều trở ngại và nhất là khi cuộc truy tầm không nhằm những ngừơi được giữ bí mật nghề nghiệp mà nhằm một đệ tam nhân.

205 b)- Có sự hiện diện của gia chủ:

Điều 51 HSTT bắt buộc sự khám xét phải được diễn ra trứơc sự hiện diện của gia chủ. Dĩ nhiên, nếu gia chủ đã ưng thuận minh thị cho xét nhà, mà không muốn hiện diện thì đó là quyền của đương sự, cuộc khám xét không phải vì vậy mà vô hiệu.

Khi chủ nhà không thể hiện diện được, Hình cảnh lại phải yêu cầu cử người đại diện và nếu cũng không có đại diện, “Hình cảnh lại sẽ chọn 2 người chứng ngoài thuộc viên của mình” (đ. 51 khỏan 3).

206 c)- Lập biên bản:

Tất cả công việc khám xét phải được lập biên bản ngay trong khi điều tra, với đầy đủ chứ ký của Hình cảnh lại cũng như gia chủ hay đại diện và nhân chứng trên mỗi trang biên bản. Dĩ nhiên, trước khi ký tên, gia chủ và nhân chứng được quyền đọc kỹ, cùng xem xét tang vật tịch thu có đúng như điều mô tả trong biên bản hay không. “Nếu có người từ cối không chịu ký, phải ghi vào biên bản” (đ. 51 khỏan 3). Nội dung biên bản phải ghi rõ lý do khám xét. Nói tóm lại, phải ghi trong biên bản mọi yếu tố khả dĩ tránh cho Hình cảnh lại bị chế tài và biên bản không bị vô hiệu.

Vấn đề khác cần đặt ra là điều 59 quy định: “Hình cảnh lại phải lập ngay biên bản trong khi điều tra, nhưng nếu biên bản không được lập ngay tại chỗ thì có bị vô hiệu như các trường hợp kể ở điều 50, 51 và 53 không? Án lệ Pháp cho rằng không vô hiệu (138) vì theo nguyên tắc chung, sự thành lập biên bản của Hình cảnh lại cũng chỉ có giá trị như lời khai làm chứng của họ, và luật đã không quy định là vô hiệu nếu khai trước hay khai sau.

Trước khi cho vào xét nhà, gia chủ có quyền yêu cầu được khám người Cảnh sát Tư pháp để tìm những tài liệu phi pháp mà trong lúc hành sự, Cảnh sát Tư pháp có thể vì tư thù hay vì nhiều lý do khác lén để vào nhà và tuyên bố là tang vật bắt gặp trong khi khám xét không?

Thực ra, sự đề phòng của gia chủ không phải là không có lý, nhưng nếu Hình cảnh lại chấp thuận yêu cầu của gia chủ thì dù không sai luật, uy tín của Hình cảnh lại cũng bị khinh rẻ quá đáng. Vậy để tránh mọi dị nghị đáng tiếc, tùy trường hợp, Hình cảnh lại nên làm mọi cách để gia chủ an tâm và tin tưởng nơi sự công bằng và đạo đức của mình.


207 VII.- CHẾ TÀI

Theo điều 53 khỏan 3 HSTT, nếu vi phạm thủ tục khám xét sẽ vô hiệu và Hình cảnh lại có thể bị chế tài về mặt kỷ luật, không kể những hành vi phạm luật hình”.

Tội phạm rõ rệt nhất và thường xẩy ra trong trường hợp này là tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp, được dự liệu và trừng trị tại điều 157 HL: “Công chức, viên chức, công lại, người chỉ huy hay viên chức công lực nào, với tư cách ấy mà xâm nhập gia cư của người khác không có sự thuận ý của họ, ngoài trường hợp và không theo các thể thức luật định, sẽ bị phạt giam từ 11 ngày đến 1 năm và phạt vạ từ 601$ đến 10.000$”.

Nếu biên bản do Hình cảnh lại lập, trong trường hợp này là nguyên nhân chính của việc truy tố thì cả thủ tục có thể bị xử vô hiệu và Tòa sẽ tha bổng các bị can. (139)

Tòa Phá án Việt Nam đã có nhiều dịp thủ tiêu án của Tòa Thượng Thẩm vì đã xử phạt con bạc căn cứ vào biên bản khám xét vô hiệu của Cảnh sát:

“Chiếu chi xét theo biên bản ngày 24.8.1958 thì sự khám xét và bắt bài chim tại nhà Vũ Thị Châm ngày hôm ấy chỉ do có một phúc trình của Phó thẩm sát viên Hùynh Văn Tu, và như thế thủ tục khám xét và biên bản lập theo phải coi là vô hiệu, vì vi phạm thể thức quy định để bảo vệ sự tự do của công dân và sự bất khả xâm phạm nơi cư trú của họ nếu không có lý do chính đáng;

Chiếu chi đã đành rằng về tội cờ bạc, biên bản khám xét không phải là căn bản thiết yếu cho sự truy tố và kết phạt, nếu Tòa án có thể căn cứ vào những bằng chứng khác, ngoài biên bản vô hiệu;

Nhưng chiếu chi trong hiện vụ, án bị thượng tố đã tự rằng các tay bài nam nữ không phải là bà con quen thuộc, lại nữa chơi tính điểm để ăn thua cờ bạc (bút lục 20 tức biên bản Cảnh sát bị chỉ trích), tuy tiền chưa thanh tóan nhưng đã đem sẵn trong người, như thế Tòa đã căn cứ vào biên bản vô hiệu để kết phạt các bị can. (140)

Dĩ nhiên biên bản của Hình cảnh lại chỉ bị coi là vô hiệu khi vi phạm những quy tắc luật định, còn nếu không thi Tòa vẫn phải tin những sự kiện ghi trong biên bản là đúng sự thực cho đến khi bị tố cáo giả mạo theo thủ tục luật định. (141)

Tại Pháp án ngày 10.1.1951 của Tòa Thượng Thẩm Ba Lê đã tha bổng bị can vì lý do ban đêm nhân viên công lực vào nhà tư một kỹ nghệ gia để bắt chủ nhân đã chiếu phim “con heo” cho bạn bè coi. Biên bản đó bị Tòa coi là vô hiệu.

* * *

Phân đoạn 2

SAI ÁP TÀI VẬT


208 Tài vật của một người gắn liều với đời sống người ấy. Cho nên không thể quan niệm được một nền luật pháp chủ trương bảo vệ công dân mà tài sản của họ lại bị sai áp, tịch thu bừa bãi.

Việc sai áp có thể xẩy ra ngoài cuộc khám xét, chẳng hạn khi người trì thủ giao nạp cho Hình cảnh lại. Nhưng thông thường, sai áp là kết quả của công việc khám xét. Vậy Hình cảnh lại được sái áp những gì? Đó là vấn đề sẽ được khảo sát dưới đây.

I.- BẢO LƯU VÀ SAI ÁP

209 Điều 48 khỏan 2 định rằng: “Hình cảnh lại cũng phải bảo lưu các vết tích có thể biến mất, và tất cả những gì có thể dùng để phát huy sự thật, sai áp dụng cụ và khí giới đã được dùng hay có thể dùng để phạm pháp cùng tất cả tang vật khác”.

Quy luật này cũng giống như điều 54 HSTT Pháp quốc. (142)

Như vậy, theo điều 48 HSTT, “Khi biết có một trọng tội quả tang, Hình cảnh lại phải lập tức phúc trình Biện lý và cấp thời thân hành đến nơi xẩy ra vụ phạm pháp, thực hiện ngay các hành vi kiểm chứng cần thiết”. Hình cảnh lại có 2 công tác quan trọng phải làm. Đó là:

- Bảo lưu các vết tích có thể biến mất và tất cả những gì để phát huy sự thật.

- Sai áp dụng cụ và khí giới đã được dùng hay có thề dùng để phạm pháp cùng tất cả tang vật khác.

Nhà làm luật đã liệt kê các đối tượng khác nhau cho hai hành vi bảo lưu và sai áp liên hệ với nhau. Thông thừơng bảo lưu sẽ dẫn đến việc sai áp.

210 a)- Bảo lưu chứng tích:

Để bảo lưu các chứng tích, đôi khi luật cũng cho phép xâm phạm đến tự do cá nhân, chẳng hạn các biện pháp sau đây:

1.- Cấm chỉ dời khỏi phạm trường:

Khỏan 1 điều 55 HSTT định rằng: “Hình cảnh lại có quyền ngăn cấm bất cứ người nào rời khỏi nơi xẩy ra vụ phạm pháp cho đến khi kết thúc công việc, nhưng phải tuyên báo trước”. Đây cũng là một hình thức của sự tạm giữ, có hậu quả hạn chế tự do cá nhân của nghi can và cả nhân cbứng nữa, cho nên Hình cảnh lại phải thận trọng trong khi áp dụng biện pháp này và phải chấm dứt ngay khi “kết thúc công việc” nghĩa là kết thúc các hành vi kiểm chứng, như lập vi bằng về các chứng tích cùng cảnh trạng của phạm trường, hoặc cho tới khi thực hiện xong việc khám xét hay sai áp.

2.- Kiểm sóat căn cước:

Với mục đích truy tìm thủ phạm, khỏan 2 điếu 55 HSTT còn cho phép Hình cảnh lại kiểm sóat căn cước những ngừơi hiện diện tại nơi phạm pháp khi được yêu cầu, bất cứ ai cũng phải xuất trình ăn cước cho Hình cảnh lại.

3.- Không được thay đổi phạm trường:

Trước khi Hình cảnh lại đến phạm trường khám xét, sai áp và lập biên bản, không ai “được thay đổi tình trạng nơi xẩy ra vụ phạm pháp hay mang ra khỏi nơi này bất cứ một vật gì, ngoại trừ trường hợp cần bảo vệ an ninh hay vệ sinh công cộng hoặc để cấp cứu nạn nhân” (điều 49 HSTT).

211 b)- Đối tượng của sự sai áp:

- Điều 48 HSTT còn cho phép sai áp “tất cả tang vật khác”. Đây là một văn thức rất tổng quát, có phạm vi áp dụng rộng rãi. Những tang vật không những dùng để buộc tội mà còn để gỡ tội cho bị can và bảo vệ quyền lợi cho đệ tam nhân nữa.

- Đối tượng của việc bảo lưu và sai áp là động sản hay bất động sản? Có thể hiểu ngay đó là động sản vật chất, vì:

• Điều 48 khỏan 2 dùng văn thức “sai áp dụng cụ và khí giới”.
• Điều 48 khỏan 3: “Hình cảnh lại phải đưa tang vật đã sai áp cho họ nhìn nhận”.

Điều 50 khỏan 1: “Sai áp giấy tờ, tài liệu hay vật dụng do người bị tình nghi lưu giữ, hoặc tài liệu hay vật dụng liên quan đến vụ phạm pháp mà người ấy có thể chứa chấp”.

Điều 50 khỏan 3: “Vật dụng và tài liệu bị sai áp phải được liệt kê và niêm phong ngay”.

Điều 50 khỏan 4: “Hình cảnh lại chỉ sai áp vật dụng và tài liệu”.

Qua các văn thức trên, chúng ta suy luận rằng luật không cho sai áp các bất động sản để làm tang vật. Tuy nhiên, có thể niêm phong các bất động sản để bảo lưu chứng tích, chờ tiến hành thủ tục hay phương tiện sai áp. Dù sao đây cũng chỉ là các biện pháp tạm thời. Trường hợp phải tịch thu bất động sản như một hình phạt được Hình luật dự liệu thì thủ tục sai áp trước khi Tòa Hình xét xử vẫn theo những qui luật của Bộ Dân sự tố tụng: “Quan niệm này phù hợp với thẩm quyền chuyên biệt của Tòa hộ về vấn đề bất động sản. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề án lệ cần giải quyết”. (143)

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn có thể ngăn chặn trương mục tại ngân hàng không cho trả các chi phiếu được coi là tang vật trong một vụ trộm, lường gạt hay sang đoạt.

Sau hết, việc sai áp còn có thể nới rộng phạm vi đến một quyền vô hình như chứng khóan, cổ phần hay các chứng thư xác nhận trái quyền.


II.- THỦ TỤC SAI ÁP

Theo điều 50 khỏan 3 HSTT, Hình cảnh lại phải lập biên bản ngay tại chỗ các vật bị sai áp. Nếu không lập ngay được, phải cất vào nơi an tòan và niêm phong tạm để chờ liệt kê và niêm phong chính thức trước sự hiện diện của những người có mặt khi khám xét.

212 a)- Vai trò của Biện lý trong việc sai áp:

Thực tế, có nhiều khi Hình cảnh lại đã sai áp tài sản người dân một cách không hợp lý, hoặc vì khung cảnh hỗn độn tại phạm trường khiến cho họ không kịp nhận định rõ ràng, hoặc vì sợ trách nhiệm nên Hình cảnh lại nghĩ rằng thà sai áp thừa còn hơn thiếu.

Để tránh tình trạng này, khoản 4 điều 50 HSTT định rằng: “Sau khi Biện lý chấp thuận, Hình cảnh lại chỉ sai áp vật dụng và tài liệu cần thiết để phát huy sự thật”.

Nhà làm luật đã muốn Biện lý phải can thiệp tích cực trong việc sai áp tài vật. Tuy nhiên, quyền của Biện lý rộng hay hẹp còn tùy giải thích khỏan luật này.

- Có ý kiến cho rằng khỏan 3 điếu 50 nói về việc niêm phong tạm. Khỏan 4 cho phép Hình cảnh lại “chỉ sai áp” vật dụng nếu Biện lý chấp thụân. Hai khỏan này liên quan với nhau. Do đó, Biện lý chỉ được quyền cho phép Hình cảnh lại sai áp những tang vật nào mới được niêm phong tạm. Còn khi đã niêm phong chính thức rồi thì không được xét tới nữa.

- Nhưng theo ý chúng tôi, lối giải thích này sai với ý nghĩa văn từ có thể khuyến khích sự tịch thu bừa bãi tài sản của dân chúng.

Nói rằng khỏan 4 liên quan tới khỏan 3 là không đúng. Sở dĩ phải “niêm phong tạm” vì “không thể lập ngay bản kê khai tại chỗ”, chẳng hạn đồ vật kềng càng, quá nhiếu, quá phức tạp, không thể kiểm chứng ngay được mà phải có thời gian phân tách ra những tang vật nào hữu ích cho việc phát huy sự thực. Mục đích của viện niêm phong tạm trong khỏan 3 là như vậy.

Cho nên, chữ “chỉ sai áp” trong khỏan 4 phải hiểu một cách tổng quát là khi được Biện lý chấp thuận, Hình cảnh lại mới được sai áp và “chỉ sai áp” những tang vật hữu ích, dù đã được niêm phong chính thức hay tạm thời. Còn ngoài ra những tang vật nào không được Biện lý chấp thuận, Hình cảnh lại phải hòan trả hết cho người đang trì thủ đồ vật đó. (144)

213 b)- Hòan trả tang vật:

Cách giải thích này, theo ý chúng tôi, đúng với tinh thần nhà làm luật trong mục đích bảo vệ quyền an toàn về tài sản của mọi người dù phạm pháp hay không. Ngoài ra, cũng phù hợp với tập tục đã có trứơc khi ban hành bộ HSTT là Biện lý thường trao trả tang vật khi chưa truy tố.

Chúng tôi chủ trương rằng khỏan 4 điều 50 nhằm trao quyền cho Biện lý kiểm sóat Hình cảnh lại trong việc sai áp tang vật. Muốn cho dân chúng được an tâm và tin tưởng vào luật pháp, Biện lý còn chỉ thị những thể thức hòan trả mau chóng tang vật không liên quan đến tội phạm. Đây là một bổn phận, một trách nhiệm của giới chức tư pháp. Người ta không thể dùng quyền hạn luật ban cho rồi sai áp bừa bãi tài sản dân chúng, rồi sau đó, lại bắt phải làm đơn xin lãnh lại, mới chịu cứu xét và hòan trả. Đáng lý ra sau khi đã lỡ sai áp những tài vật không hữu ích cho cuộc điều tra, Hình cảnh lại có nghĩa vụ hòan trả ngay, chứ dân chúng không có bổn phận phải làm đơn.

Hình cảnh lại chỉ được quyền sai áp các tang vật “cần thiết để phát huy sự thật”. Điều luật này phải hiểu là chỉ sai áp tang vật nào cần thiết khi sự thực chưa được phát huy. Còn nếu sự thực đã sáng tỏ rồi thì việc sai áp không cần thiết nữa. Chẳng hạn chiếc xe tang vật trong một tai nạn lưu thông có thể cần thiết để nhà chức trách kiểm chứng lỗi phải trái về ai. Nhưng sau khi điều tra, không có gì tranh cãi về cảnh trạng hoặc lỗi phải trái trong tai nạn thì việc giữ xe không còn cần thiết nữa, phải lập tức trả xe ngay cho người khán thủ để làm phương tiện sinh sống. Trong trường hợp này, giữ xe là để xác định tội trạng tài xế, chứ không phải gây áp lực đòi bồi thường hay để bảo đảm cho việc bồi thường sau này vì nếu muốn như vậy, nạn nhân phải tiến hành thủ tục sai áp trứơc Tòa hộ. Nhưng đó lại là vấn đề khác.

Nếu vụ trôm xẩy ra. Chủ nhà khai báo và kiểm kê tài vật. Tên trộm bị bắt, nhìn nhận đầy đủ chi tiết trong vụ trộm và chỉ dẫn nơi cất giấu tang vật. Khi khổ chủ xin lãnh lại, Hình cảnh lại có bổn phận phải trả liền, vì sự sai áp tài vật đó không còn cần thiết để phát huy sự thật nữa. Hình cảnh lại không thể bắt nạn nhân phải xuất trình hóa đơn chứng minh quyền sở hữu những tài vật đó, vì đồng hồ, ti vi, tủ lạnh, vàng bạc mua xong, ít ai giữ hóa đơn làm gì. Luật cũng không đòi hỏi quá đáng như vậy: “Đối với động sản, chấp hữu là bằng khóan” (En fait de meuble, possession vaut titre). Chậm trễ trao trả tang vật trong những trường hợp này, đều là lạm quyền, thất nhân tâm.

214 Tuy nhiên, gặp trường hợp có sự tranh chấp quyền sở hữu về tang vật, Biện lý lại không thể trả ngay mà phải để Tỏa xử về nội dung giải quyết.

Khi Biện lý không chịu trả tang vật hay ngược lại không trả đúng sỡ hữu chủ, người bị thiệt hại có quyền khởi tố trước Tòa hộ để xin xét xử. (145)

Nhưng nếu đã có phán quyết của Tòa hộ truyền giao hòan tang vật, Biện lý có bó buộc phải chấp hành hay không? Biện lý có thể khước từ không phải vì vấn đề quyền sở hữu mà vì sự cần thiết cho cuộc tìm sự thật hay không? Theo MAX LE ROY và ĐÀO MINH LƯỢNG (146) Biện lý có thể đình chỉ hợp pháp sự thi hành phán quyết ấy và chỉ giao hòan khi kết thúc vụ hình.

Dầu sao, vấn đề hòan trả này hòan tòan tùy thuộc sự khôn ngoan của Biện lý. Chẳng hạn một thanh niên hiếp dâm rồi thủ tiêu ngay nạn nhân bằng khẩu súng lục. Nếu khẩu súng này vô chủ, Biện lý sẽ giữ lại, nhưng nếu là vũ khí của một cơ quan công quyền, việc trao trả là hợp lý. Chiếc áo dính máu và mang vết đạn của nạn nhân cần phải giữ lại cho tới khi có bản án chung thẩm, nhưng chiếc quần dính tinh trùng, sau khi đã khám nghiệm, không cần sai áp nữa.

Như vậy, Biện lý được quyền sai áp tang vật quá rộng rãi hầu như vô giới hạn. Đây là một sư đe dọa đối với quyền an tòan về tài sản của người dân. Dù người ta lấy lý do là trường hợp phạm pháp quả tang để gia tăng quyền hạn cho Biện lý nhưng khi tập trung quá nhiều quyền hành trong tay một người là điều nên tránh. Chúng tôi đề nghị luật lệ phải sửa đổi để cơ quan xử án có thể can thiệp mạnh mẽ trong vấn đề này.

215 c)- Cất giữ tang vật:

Vấn đề tưởng cũng cần đặt ra là trong khi bị sai áp, tang vật phải được trông coi thế nào? Lưật lệ không quy định tỉ mỉ trường hợp này.

Khỏan 3 điều 185 HSTT qui định: “Tang vật được lưu giữ tại phòng lục sự Biện lý cuộc, trừ phi định luật khác, nhưng trong mọi trường hợp, tang vật này sẽ không được đem ra sử dụng”.

Trước khi ban hành bộ HSTT 1972, tang vật được ký nạp tại văn phòng lục sự do cơ quan xử án quản trị. Nay Bộ mới thiết lập thêm phòng lục sự cho ngành công tố và các tang vật được giao cho phòng này lưu giữ. Sắc lệnh số 094 ngày 23.5.1973 đã qui định thể thức tổ chức và điều hành phòng lục sự công tố (147). Tuy nhiên cách thức gìn giữ tang vật cũng chưa được chi tiết hóa. (148)

Chúng tôi đề nghị các qui tắc sau đây phải được áp dụng cho vật bị sai áp, trong khi chờ Tòa xét xử:

- Nếu là vật tiêu thụ, không thể để lâu được, phải bán đấu giá ngay và đổi thành tiền.

- Mọi số tiền sái áp phải bỏ vào trương mục có lời của một ngân hàng hay mua Công khố phiếu để khỏi thiệt thòi quá đáng cho sở hữu chủ.

- Những quí kim như hột xòan, ngọc thạch, vàng bạc phải niêm phong cẩn thận trước mặt những người được quyền chứng kiến như gia chủ, sở hữu chủ, đại diện hoặc hai nhân chứng ngoài thuộc viên của người niêm phong. Mỗi khi phá niêm hay tái niêm phong, cũng phải theo thủ tục trên.

- Những tài sản không thể chịu đựng mưa nắng phải được cất giữ trong kho cẩn thận và bất cứ lúc nào, sở hữu chủ hoặc đại diện cũng có quyền vào kho trông chứng hoặc làm các biện pháp bảo trì. Sở hữu chủ hoặc thân nhân phải chịu mọi phí tổn cho chủ kho.

- Các xe cộ mọi loại dù bị sai áp dù bất cứ lý do gì, khi cơ quan xử án chưa ra phán quyết chung thẩm và chưa bị tịch thu làm công sản, không cơ quan hoặc nhân vật nào được phép đem ra sử dụng, dù với mục đích công vụ cũng vậy. Người dân sẽ nghĩ sao về một quốc gia thượng tôn luật pháp, bảo vệ quyền tư hữu mà tài sản của họ trong lúc bị sai áp chờ Tòa phân xử, lại bị các giới chức trong chính quyền sử dụng bừa bãi? Những người phạm pháp xài xe với bảng số giả, đục số, lậu thuế v.v... và bị bắt, nhưng đến sau lại nhìn thấy chính những viên chức bắt họ sử dụng xe đó. Dân chúng sẽ nghĩ gì về luật pháp, về Công lý? (149)

Kết luận, điếu 185 HSTT chỉ quy định: “Trong mọi trường hợp, tang vật này sẽ không được đem ra sử dụng” nhưng không có chế tài nào cho người vi phạm. Phải chăng nhà làm luật nghĩ rằng chỉ cần cám đóan suông như vậy cũng đủ thức tỉnh lương tri và sự tự trọng của những nhân vật hữu quyền các cấp?

216 d)- Thủ tục tổng quát:

Trong mọi trường hợp, việc liệt kê, niêm phong và sai áp “phải được thi hành trước sự hiện diện của gia chủ nơi khám xét. Nếu không thể được, Hình cảnh lại phải yêu cầu gia chủ cử người đại diện, bằng không Hình cảnh lại sẽ chọn hai người chúng thuộc viên của mình” (điều 51).

Biên bản phải có chữ ký của những người được quyền hiện diện như nói trên, cùng với Hình cảnh lại. Khi có người từ chối không ký, phải ghi vào biên bản (điều 51 khỏan 3 và điều 59).

Cũng như khi khám xét tư gia, nhân viên “sai áp tại nhà hay văn phòng những người phải giữ bí mật nghề nghiệp, Hình cảnh lại phải thi hành mọi biện pháp đặc biệt do luật lệ hiện hành quy định để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ” (điều 50) (150).

Tất cả những quy tắc về việc sai áp nói trên chỉ áp dụng trong trường hợp phạm pháp quả tang về trọng tội (đ. 48 và 50 HSTT). Còn về khinh tội, chỉ được áp dụng khi luật dự liệu hình phạt giam (đ. 60 HSTT).

Riêng trường hợp phạm pháp không quả tang, cũng như việc khám xét người người hay nhà, luật chỉ cho phép sai áp táng vật nếu có sự ưng thuận minh thị của đương sự. Biên bản phải ghi rõ sự ưng thuận này (đ. 69 HSTT).


217 III.- CHẾ TÀI

Điều 52 HSTT ấn định hình phạt từ 601$ đến 10.000$ và phạt giam từ 2 thàng đến 2 năm cho người nào tiết lộ tài liệu bị sai áp cho những người, theo luật, không được quyền biết đến mà không có sự ưng thuận của bị can hay người thuộc quyền hoặc tác giả hay người tiếp nhận tài liệu đó.

Nếu vì sự cần thiết của cuộc điều tra mà phải tiết lộ thì không kể (điều 52).

Người nào dời khỏi phạm trường khi Hình cảnh lại đã tuyên bố ngăn cấm và người không chịu xuất trình căn cứơc khi Hình cảnh lại yêu cầu, sẽ bị phạt vi cảnh bằng hình phạt giam không quá 10 ngày và tiền không quá 600$ (điều 55).

Người không có nhiệm vụ mà cố ý thay đổi phạm trường để ngăn cản cuộc điều tra, sẽ bị phạt giam từ 3 tháng đến 3 năm và phạt vạ từ 1.000$ đến 10.000$ (điều 49 k. 2).

 

KẾT LUẬN PHẦN THỨ HAI


218 Thân thể con người nếu không được ăn uống hô hấp đầy đủ, sẽ suy yếu, èo ọt và chết vì kiệt sức, nhưng nếu có sức khỏe dồi dảo mà lại sinh nhằm vào một xã hội thiếu tự do, thiếu an tòan cá nhân thì cuộc sống quả thật vô nghĩa. Cơ thể sống động mà khác nào đã chết. Do đó, nhiều người dám liều mạng để mong thoát ly những vùng trời độc tài, áp bức. Nhiều người khác bằng lòng sống giữa nơi rừng thiêng nước độc, giữa bầy ác thú, cái chết luôn rình rập bên cạnh, miễn là ở đó luật pháp công minh, quyền an toàn cá nhân được bảo đảm.

Ngày kia, Đức Không Tử cùng vài học trò châu du nước Tề. Khi qua núi Thái Sơn, Ngài thấy một người đàn bà ngồi khóc ở ngoài đồng nghe rất thê thảm. Ngài dừng chân lại và nói:

- Xem như trong nhà người đàn bà này có đám tang.

Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi han tự sự, người đàn bà thưa rằng:

- Ở nơi này lắm hổ cùng các thú dữ khác. Cha chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi cũng chết vì hổ, bây giờ con tôi cũng chết vì hổ nữa. Thảm lắm, ông ạ!

Thầy Tử Cống hỏi:

- Thế sao không bỏ chỗ này để sống nơi khác có yên không?

Người đàn bà vừa khóc vừa nói:

Tuy vậy ở đây quan lại công bình, liêm khiết hơn các nơi khác, thà phải chết tại đây vì thù dữ, tôi vẫn bằng lòng. (151)

Đối với dân chúng, quan lại không phải là các nhân vật lãnh đạo ở thượng tầng quốc gia, nhưng là những viên chức tầm thường nhất tại hạ tầng cơ sở, trong đó có Cảnh sát Tư pháp mà mỗi hành vi cử chỉ đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân chúng.

Nếu trong một xã hội, tính mạng và tài sản người dân không được bảo đảm thì còn ai muốn cần cù làm việc, khép mình vào khuôn khổ luật pháp quốc gia nữa? Lọan từ đó mà ra.

Tóm lại, sự an toàn cá nhân là nền móng kiến tạo an ninh thịnh vượng chung cho công đồng xã hội.

 


Chú Thích:

(1) Hiến Pháp chú thích, Saigon 1967, tr. 93

(2) LÊ TÀI TRIỂN, Diễn văn nhận chức ngày 24.2.1961, PLTS. 1961, II, 210.

(3) St. THOMAS D’AQUIN, Summa Theologica, Ia Iiae Q. 59. art. 3.
Conf. Ia Iiae Q. 17 art. 4, Q. 101 art. 2
Supl. Q. 83 art. 1.

(4) Xin xem giảng tập Phạm tội học của TP. NGUYỄN VĂN LƯỢNG và Phạm tội học yếu lược của thiếu tá LÊ TẢO, Đường mới xuất bản 1957.

(5) Luật số 1/59 ngày 2.1.59 và Luật số 15/64 ngày 23.7.64.

(6) Luật số 12/62 ngày 22.5.1962, “bảo vệ luân lý”.

(7) Sắc luật số 2/63 ngày 18.12.1963 bãi bỏ luật số 12/62.

(8) La civilisation, par opposition à ce que nous appelons depuis le droit romain la barberie, repose sur certains éléments communs, constitutifs de l’ordre juridique, et parmi ceux-ci des éléments sprirituels, une notion de la dignité de la personne humaine” LEREBOURS-PIGEONNÌERE – La declaration universelle des droits de l’homme et le droit international privé Francais. Etudes RIPERT I, tr. 255.
(9) ĐÀM TRUNG MỘC, cstp, TR. 108.
(10) LEIBINGER, La protection des droits de l’accusé dans la procédure pénal allemande – Rev. inter. Dr. pén. 1966, tr. 24.

(11) “Pour un vrai policier, lec belles enquêtes ne sont pas celles concernant les crimes retentissants, mais bien celles qui lui ont permis, par ses observations, par les inductions et déductions, par son travail assidu et persévérant de cofrondre le coupable malgré ses dénégations”.
LOUWAGE, traitements illégaux à l’egard d’inculpés. Rev. inter. Crim. Pol. Tech, 1951/2 p. 104.

(12) “Le bluff sur lequel reposerait le fontionnement de l’enquête préliminaire, d’apres2 Mr. LAMBERT, porte un nom dans la langue juridique: c’est l’abus d’une qualité vraie, le procédé n’est pas honnête il implique une sorte d’escroquerie morale” – M. BLONDET, les pouvoirs de la police et de la gendarmerie au cours de l’enquête préliminaire, J.C.P. 1956. I. 1311.

(13) “Sans doute il est essentiel de découvrir les déliquants et de recueillir toutes les preuves pertinentes. Cependant on ne saurait répéter trop souvent que ce qui est ici en cause dépasse de beaucoup le sort de quelque vil déliquant. Il ne s’agit de rien moins que de créer une atmosphère de liberté, au lieu de susciter un sentiment de craints et de répression pour la socíeté toutes entìere” – Bản dịch của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tài liệu số E/CN/4 – 813, xuất bản ngày 9.1.1961. 331 US. 145, 67 S.Ct. 1098, 91 L.Ed. 1399 (1947).

(14) Khoa học này đặt can bản một phần trên những dữ kiện của Vât lý học, Xạ thuật học (balistique), Hóa học, Pháp y học (médicine légale), Độc chất học (toxicologie) v.v... phần khác, dựa trên những dữ kiện của ngành Phạm tội học (Criminologie) với những thành tố căn bản của Hình luật, Phạm tội nhân trắc học (anthropologie criminelle), Xã hội học, Hình sự tâm lý học (psychologie criminelle) v.v... G. REMY, op. cit. tr. 145.

(15) LÊ TẢO, Phạm tội học yếu lược, tr. 16, 17.

(16) HEPNER, Un incendiaire démasqué par la criminalisque, Rev. inter. Crim. Pol. Tech. 1954/2 tr. 127-142.

(17) BISCHOFF, Preuve matérielle et preuve technique dans le procès pénal – Revue pénal suisse 1944 tr. 103 và kt.

(18) REID – Méthode scientifique pour déceler le mensonge – Rev. crim. Pol. Tech. 1948/2 tr. 112-122.

(19) ANDRES GOTH, MD – Medical Pharmacologie, 4th ed. 1968. tr. 382.

(20) Tout au plus le pentothal peut – il, et dans certains cas seulement, révéler des simulations. – Dr. JEAN LUC, Sérum de vérité, “Science et vie” tháng 4.1949 do HEGG trích dẫn trong Rev. crim. Pol. Tech. 1949/2 tr. 135.

(21) “Il est acquis en effet, que des produits telsque l’adrénaline ou l’ actédron produisent un état pathologique au cours du quel l’homme, non seulement s’accuse de crimes qu’il n’a pas commis, mais réclame sa propre punition comme une libération” – VIBERT, Le point de vue de la police sur les méthodes scientifiques de l’interrogatoire. Rev. crim. Pol. Tech. 1949/4 tr. 245.

(22) Trib. De la Seine 23.2.1949 – Gaz. Pal. 1949 – 1 – 140 – XC VŨ VĂN MẪU, Dân luật khái luận, tr. 384.

(23) BINDER – Contribution à l’étude du problème de l’utilisation de la nacroanalyse dans la psychiatrie judiciaire. – Rev. inter. Crim. Pol. Tech. 1954/3 tr. 205.

(24) “Pas plus qu’il ne doit toucher aux suorces de la vie – en autorisant la stérilisation des anormaux – L’État ne doit violer le for intime de la conscience. La torture elle-même, si affreuse qu’ell fut, n’allait pas jusque là. La conscience peut résister à la souffrance. La volonté peut rester debout dans la torture. L’une et l’autre sont anéanties par la narcose”.
GRAVEN, la dépistage scientifique du mensonge ou la question moderne – R. crim. Pol. T. 1948/3, tr. 172.

(25) GRAVEN – La vérité sur le “test de vérité” – Journal de Genève du 24.11.1959 No 275 tr. 9.

(26) 5e C. Internat. De droit comparé. Bruxelles 1958 RPS. 1959/1 tr. 115-119. GRAVEN – Les procédés nouveaux d’investigation scientifique et la protection des droits de la défense.
Recueil de travaux suisses présentés au 5e C. internat. De Droit comparé – Bruxelles 1958, SCHLTRESS, Zurich 1958 tr. 203-233.
PIE XII – Le pape contre... “la violation des consciences”.
R. inter. Crim. Pol. Tech. 1958/2, phụ lục tr. 29.

(27) GRAVEN – 6e C. inter. De Droit pénal – Rome 1953
R. inter. Crim. Pol. T. 1953/4 cf. 309 kt.

(28) Trích biên bản số 053-QHLH/BB ngày 20/1/1967.

Ô. NGÔ THANH TÙNG:... Có nhiều vụ an liên quan đến sự bắt buộc uống thuốc gọi là “thuốc sự thật”. Vậy chúng tôi xin quí đồng viện ở đây, có nhiều vị là y sĩ, xin cho Quốc Hội biết thứ thuốc đó có hại cho sức khỏa và có phương hại đến bị can không? Và nếu nó không phương hại thì tôi nghĩ nó nằm trong trường hợp không cưỡng bách và nếu phương hại thì ta cấm chỉ sau này....

Ô. LÝ VĂN KIỆT:...Nếu có cho dùng thuốc đó thì cũng là một sự cưỡng bách để thú tội. Chúng tôi thấy cần phải có chữ “đe dọa” hay “cưỡng bách” để sau này nếu dùng thuốc đó tức là có sự cưỡng bách...

Ô. NGUYỄN HUY CUNG:... Thuốc mà hiện tại người ta dùng để tìm sự thật, xin phép nói về danh từ Pháp ngữ của nó là Pentothal hay sérum de vérité. Đó là một chất bột mà khi dùng người ta sẽ nó với một chút nước và tùy theo sức của người. Muốn thử người ta sẽ tiêm vào mạch máu và nếu cần người ta nhiểu vào từng giọt. Trong trường hợp đó, tôi nhận thấy bất cứ thuốc nào cũng là thuốc có hại cho cơ thể của người bệnh, vì nếu cơ thể của nguời bệnh có phản ứng hoặc dùng quá lượng thì thuốc đó cũng có thể làm chết được bệnh nhân.

Ô. NGUYỄN HỮU THỐNG: ... Còn vế độc dược và “thuốc nói sự thật” có phải là một sự cưỡng bách hay không, theo thiển ý, nếu nó có ảnh hưởng đến sự mất tự chủ của bị can thì đó là một sự cưỡng bách có thể có tính cách về tinh thần, về thể chất, hay là về thần kinh. Cho nên, ta cần phải qui định cả sự cưỡng bách ở trong đó mới có thể ngăn cấm được sự dùng độc dược và những thuốc nói sự thật....

(29) Điều 136a HL.

(30) Rev. inter. Dr, pén. 1966, tr. 25.

(31) ĐÀO ĐÌNH LƯỢNG, HÒANG TUẤN LỘC, op, cit, tr. 151.

(32) BLONDET, les pouvoirs de la policeet de la gendarmerie au cours de l’enquête préliminaire, JCP. 1956.1.1311.

(33) Nul ne peut être arbitrairement détenu: l’autorité judiciaire, gardienne de la liberté individuelle, assure le respect de ce principe dans les conditions prévenues par la loi.

(34) Toute personnne arrêtée et détenue ... doit aussitôt être conduite devant un juge ou un autre magistrat habilité par la loi à axercer des fonctions judiciaires.
XC. Rev. inter. Dr. pén. 1966. tr. 111.

(35) Điều 21 HSTT: “Nhân viên Cảnh sát Tư pháp không có quyền quyết định về việc giam giữ” – Chữ “giam giữ” ở đây phải hiểu là “tạm giữ” theo ý nghĩa qui định trong các điều 57 và 58 HSTT. Đây có lẽ là một sự lầm lẫn của Bộ luật.

(36) Đ. 57: “Vì nhu cầu cuộc điều tra, Hình cảnh lại có thể giữ lại một hay nhiều trong số những người nói ở điều 55 và 56”.
Đ. 55: HCL có quyền ngăn cấm bất cứ người nào...
Đ. 56: HCL có quyền mời để lấy cung tất cả những người có thể cungcấp tài liệu về vụ phạm pháp.
Đ. 70: Nếu vì nhu cầu cuộc điều tra cần tạm giữ một người...

(37) BLONDET, L’enquête préliminaire dans le Nouveau Code de Procédure Pénal. JCP. 1959. 1. 1513.

(38) Đ. 168 HSTT: “Dự thẩm có thể đặc trách cấp giấy phép nói trên (giấy phép cho ạtm giữ), có viện dẫn lý do, mặc dầu người bị giữ không được dẫn trình”. Theo các dự luật, đ. 139 của Hành pháp, đ. 140 của Ha viện và đ. 152 của Thượng viện thì Dự thẩm có thể đặc cách cấp giấy phép...”, nhưng Bộ HSTT 1972 có lẽ vì lầm lẫn vật chất nên đã dùng chữ “đặc trách” làm cho câu văn trở thành tối nghĩa.

(39) Crim. 31.1.1902, S. 1903. 1. 247.
P. ESCANDE, La garde à vue, JCPP số 70 và kt.

(40) Việc bắt giữ một số viên chức cao cấp, xin xem số 172.

(41) Rapport de la Commission Warren sur l’assassinat de Président Kennedy (Nouveaux Horizons 1965)

(42) Si, pour les nécessités de l’enquête,l’officier de police judiciaire est amené à garder à sa disposition une ou plusieurs des personnes visíes aux articles 61 et 62, il ne prut les retenir plus de vingt-quatre heures.

(43) HOÀNG TUẤN LỘC và ĐÀO MINH LƯỢNG, op. cit. tr. 157.

(44) La police judiciaire et Code de Procédure pénal, D. 1958, chr. Tr. 141.

(45) P. ESCANDE, La garde à vue, JC, PP. art. 53-73.

(46) Douai, 12.12.1962, Gaz. Pal. 1963. i. 407.

(47) BÙI HÒE THỰC, bải khảo luận thượng dẫn, PLTS. 1967. III. 130.

(48) Chỉ định theo danh sách lập hàng năm, Y sĩ giám định phải tuyên thệ v.v...

(49) Op. Cit. tr. 154 và 162.

(50) Nhà làm luật dùng chữ “trình bày” chứ không phải “khai cung”, cho nên Dự thẩm không cần ghi cung hoặc nếu muốn, Dự thẩm sẽ hỏi với tư cách nhân chứng rồi trả về cho Cảnh sát Tư pháp để điều tra bổ túc.

(51) Xin xem “thời gian tạm giữ” số 137.

(52) HOÀNG TUẤN LỘC và ĐÀO MINH LƯỢNG, Op. Cit. tr. 163.

(53) Khoáng đại Hạ Nghị Viện đã thảo luận bộ HSTT trong 9 ngày: 19, 20, 21, 22, 24, 25, 26, 27 và 31.5.1971. Chiếu điều 43 khỏan 9 Hiến Pháp, Thượng Viện chỉ có phân nửa thời gian trên, tức 4 ngày rưỡi để thảo luận và biểu quyết. Thượng Viện đã bắt đầu thảo luận từ ngày 23.6.1972 và kế tiếp. Với thời gian ngắn ngủi này, các thuyết trình viên chỉ có thể đọc từng điều của bộ luật để các Dân Biểu và Nghị sĩ giơ tay biểu quyết chứ làm gì có đủ thời gian tranh luận tỉ mỉ. Còn Trung tâm Nghiên Cứu Luật Pháp thuộc Bộ Tư Pháp trong 6 tháng phải soạn 5 bộ luật căn bản và cho ý kiến hơn 60 Sắc luật trong mọi lãnh vực thì dù biên bản các buổi họp có được công bố, cũng khó mà soi sáng được vấn đề gì.

(54) Thời gian 24 giớ nói ở khoản 2 cũng trùng nhập với thời gian nói ở khỏan 1, chứ không phải tạm giư 24 giờ rồi có 24 giờ nữa để dẫn trình.

(55) Xin xem lý do gia hạn tạm giữ, số 146.

(56) Chúng tôi đã có dịp nhận xét về chữ “THẨM VẤN” này ở số 59, phần chú thích.

(57) Op. Cit. tr. 175, 176.

(58) Tùy cách giải thích điều 57 khỏan 3, số 150.

(59) Vì đây là quyền chuyên quyết dành riêng cho HCL. Xin xem số 130.

(60) ProcédurePénal, Dalloz 1973, tr. 251.

(61) Crim. 15 và 22.10.1959, B. No 435 và 457
Crim. 17.3.1960, B. No 156. – J.C.P. 1960 II. 11641.
Crim. 10.10.1968, J.C.P. 1969. II. 15741, chú thích CHAMBON.

(62) Chú thích án 17.3.1960 kể trên.

(63) Douai, 12.12.1962, Gaz. Pal. 1963. I.407.

(64) Crim. 22.1.1953, JCP. 1953. II. 7456, chú thích Brouchot.
Cf. Paris 12.1.1954, Rec. dr. pén. 1954, tr. 71.

(65) Hình sự tố tụng, tr. 117.

(66) Cass. Crim. 5.8.1881 – S. 1803, 1, 239.
Cass, crim. 12.2.1909 – Bull. Crim. No 97.

(67) PEDAMON, La fouille corporelle, Rev. Science crim. 1961. tr. 467.

(68) Rev. inter. Dr. pén. 1966, tr. 153.

(69) Nimes – 18.11.1926 – DP, 1928, 2, 64.
Cass, crim. 22.1.1953 – JCP. 1953, 11, 7456.
Thuyết trình của Hội Thẩm BROUCHOT.

(70) NGUYỄN QUỐC HƯNG, op. cit. tr. 117, 118.

(71) Cass. Crim. 22.1.1953 JCP. 1953. II. 7456.
Thuyết trình của hội thẩm BROUCHOT.

(72) Xin xem “nơi cư ngụ”, số 193 và kế tiếp.

(73) E. 73 HSTT Pháp quốc: “Dans les cas de crime flagrant ou de délit flagrant puni d’une peine d’emprisonnement, toute personnea qualité pour em appréhender l’auteur et le conduire devant l’officier de police judiciaire le plus proche”. Điều 66 HSTT Việt Nam cũng tương tự như vậy.

(74) Ô. LÝ VĂN HIỆP. Xin xem biên bản số 053-QHLH/BB ngày 20.1.1967.

(75) Ô. NGUYỄN HỮU THỐNG.

(76) Trong phạm vi luận án này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc bắt giử người phạm thườngt tội, chứ không bàn về vịêc bắt người vì lý do chính trị hay an ninh công cộng trong tình trạng chiến tranh và thiết quân luật.

(77) G. STEFANI và G> LEVASSEUR, Procédure Pénal, Dalloz 1973, tr. 244.

(78) XC. H.T.LỘC và Đ.M.LƯỢNG. Op. cit. tr. 127.

(79) Phúc trình của BROUCHOT, JCP, 1953, II, 1953.

(80) Crim. 7.1.1932, DP. 1932, 1, 23, ghi chú LELOIR.

(81) F. HÉLIE, Prat. Des trib. CIC. I. Số 110.

(82) Crim. 9.9.1953 D. 53-1-265.

(83) L. LANGLOIS, L’enquête de flagrant délit: Son point de départ et sa durée. JCP. 1961, I, 1611.

(84) BLONDET, Les pouvoirs de la police et de la gendarmerie au cours de l’enquête préliminaire, JCP. 1956, 1, 1311, No 27.

(85) P. ESCADE J-C, PP, đ. 53-73, số 28.

(86) Le POITTEVIN, CIC, ann, đ. 46, số 12.

(87) Điều 27 Sắc luật số 007 ngày 4.8.1972.

(88) Điều 31 Sắc luật kể trên.

(89) Art. 63 C.P.P.: Eat qualifíe crime ou délit flagrant, le crime ou le délit qui se commet actuellement, ou qui vient de se commettre. Il ya aussi crime ou déli flagrant lorsque, dans un temps très voisin de l’action, la personne soupconnée est poursuivie par la clameur publique, ou est trouvée en possession d’objets, ou présente des traces ou idices, laissant penser qu’ell a participé au crime ou au délit.
Est assimilé au crime ou délit flagrant tout crime ou délit qui même non commis dans les circonstances prévues à l’alinée précedent a été commis dans une maison dont le chef requiert le procureur de la Republique ou un officier de police judiciaire de le constater.

(90) Luật số 12/69 ngày 24.9.1969 ấn định sự tổ chức và điều hành Đặc Biệt Pháp Viện.

(91) NGÔ THƯỢNG TƯỞNG, NGUYỄN HỮU DƯƠNG, nhiệm vụ của Dự thẩm, Saigon 1970, tr. 50.

(92) Điều 68 Hiến Pháp ngày 4.10.1958 của nước Pháp chỉ cho truất quyền Tổng Thống khi phạm tội phản nghịch, các Tổng, Bộ Trưởng khi phạm trọng tội và khinh tội trong khi thi hành chức vụ.

(93) PLTS. 1972. 4. 190.

(94) Tham chiếu Sự Vụ Văn Thư số 2.396 – TTM/I/PCTT/PC ngày 20.5.69 của Bộ Tổng Tham Mưu.

(95) Số 7504/QP/HCTV/I/B ngày 29.7.1969.

(96) Huấn thị số 101/BNV/HCĐP/26/X ngày 10.3.1973. – PLTS. 1973. 1.227.

(97) Cass. Crim. 16.1.1847 DP. 47. 1. 77 “Un invidu est arrêté dès qu’il est privé ne fut ce un instant de cette liberté essentielle d’aller, et de venir.

(98) XC. PAUL FORIERS – De l’état de nécessité en droit pénal – Sirey – Paris 1951;

(99) Nhân quyền trong Hiến Pháp VN 1967, Tập san Nghiên Cứu Hành Chánh, số 4/1967, tr. 62.

(100) Quốc Triều Hình Luật, bản dịch của LƯỠNG THẦN, CAO NÀI QUẢNG, NGUYỄN SĨ GIÁC, VŨ VĂN MẪU – Saigon 1956, tr. 265, 267.

(101) Đồ hình cụ dưới triều Lê gồm có:
ROI: Đầu lớn ba phân, đầu nhỏ 1 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng mây song, róc bỏ những mấu mắt.
TRƯỢNG: Đầu lớn 5 phân, đầu nhỏ 2 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song lớn, không róc bỏ những mấu mắt.
TRƯỢNG ĐỂ TRA TẤN: Đầu lớn 6 phân, đầu nhỏ 3 phân 5 ly, dài 3 thước 5 tấc, làm bằng cây song lớn.
GÔNG: Dài 1 thước 7 tấc, rộng 5 tấc.
GIÂY SẮT: Dài 1 trượng làm bằng sắt.

(102) Sách lịch Đại danh hiền phổ, do NGUYỄN THƯỢNG KHÔI dịch, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản 1962, tr. 66 – ĐÀM TRUNG MỘC, Cảnh sát Tư pháp, tr. 106 trích dẫn.

(103) Đại Việt Sử Ký do GS. VŨ VĂN MẪU trích dẫn, Dân Luật Khái luận, Saigon, 1961, tr. 198, 199, 211.

(104) PLTS. 1961. II. 24.

(105) Xin xem số 142 và kế tiếp.

(106) PLTS 1961. II. 222.

(107) G. STEFANI và G. LEVASSEUR, Procédure pénal, 7è éd. Dalloz 1973. – L.T.TRIỂN, N.V.LƯỢNG, T.T.LINH, Nhiệm vụ của Công tố viện, số 545.

(108) Art, 76, al. 2: cet assentiment doit faire l’objet d’une claration écrite de la main de l’intéressé ou, si celui-ci ne sait écrire, il en est fait mention au procès – verbal ainsi que de son assentiment.

(109) Bull. Crim. No 619. DP. 1912. I. 30.

(110) Crim. 2.1.1936; DP 1936, i, 46 chú thích LELOIR; 17.6.1942: Bull. Crim. No 75, tr. 126; 9.7.1953; D. 1954, 110, DP. 1912. I. 30.

(111) N. BLONDET, JCP. 1956. 1. 1311; JCP. 1959. 1. 1513.

(112) NGUYỄN QUỐC HƯNG, Op. cit. tr. 116.

(113) Trước năm 1972, những vụ vi cảnh không bao giờ được áp dụng thủ tục thẩm vấn.

(114) GS. VŨ VĂN MẪU, trong từ điển Pháp Việt, Pháp – Chính – Kinh – Tài Xã Hội đã dịch các danh từ trên như sau:
- Visite domiciliaire: Khám nhà, xét nhà.
- Perquisition: sưu sách (h. tra soát).
- Saisie: Sự tịch biên, sai áp – sự thu áp.
- TP. TRẦN THÚC LINH dịch như sau:
- Khám nhà: Visite domiciliaire.
- Lục xét thay cho sưu sách nghĩa là xét nhà có lục sóat.
- Tịch thu thay cho sai áp (Tự do cá nhân, tr. 127).

(115) Danh từ Pháp luật lược giải, chữ visite domiciliaire và perquisition.

(116) Án ngày 15.3.1934 Sem. Jur. 1934. 681.

(117) Chỉ áp dụng ở Trung và Bắc Việt.

(118) LÊ TÀI TRIỂN, NGUYỄN VĂN LƯỢNG, TRẦN THÚC LÍNH, Nhiệm vụ của Công tố viện, số 545.

(119) Un commissaire de police, pratiquant dans un domicile des perquisitions à l’occasion d’un délit déterminé, n’a le droit d’y opérer une saisie se rapportant à une autre infraction qu’en cas de délit flagrant et de nature à entrainer l’application d’une peine afflictive ou infamante. Crim. 13.2.1925, DP, 1925.1.140.

(120) Điều 2, Sắc lệnh ngày 20.10.1924.

(121) Crim. 11.9.1933. DP. 1939.1.40; 5.8.1952 D. 1952, 654.

(122) PA. 25.10.1961, PLTS. 1962. III. 10.

(123) XC. NGUYỄN BÁ LƯƠNG, luận án “vấn đề đặc quyền tài phán trong Công Pháp Quốc Tế và ở Việt Nam”, Saigon 1970.

(124) XC. LÊ TÀI TRIỂN, Nhiệm vụ của Công tố viện, số 551.

(125) Crim. 12.5.1886, DP. 1886, 1, 345.

(126) Crim. 20.7.1826, S. 1829. 1. 77.

(127) Can. 906: Omnis Utriusque sexus fidelis, postquam ad annos discretiois, idest ad usum rationis, pervenerit, tenetut omnis pecata sua saltem semel in anno fideliter confiteri.

(128) Can. 889: 1. Sacramentala sigillum inviolabile est; quare caveat diligenter confessarius ne verbo aut singho aut alio quovis modo et quavis de causa prodat aliquatenus peccatorem.
2. Obligatione servandi sacramentale sigillum tenentur quoque interpres aliique omnes ad quos notitia confessionis qoque modo pervenerit.

(129) Biên bản buổi họp liên bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp ngày 19.12.1969 (số 5247-TCSQG/P4?1 ngày 13.2.1970 của khối Cảnh sát Tư pháp).

(130) SVVT số 2396 – TTM/I/PCTT/PC ngày 20.5.1969 của Bộ Tổng Tham mưu nhắc lại Thông tư số 1293-ThT/PC/1/M ngày 27.11.1968 của Thủ Tướng chính phủ.

(131) PLTS. 1972. 4. 190.

(132) CSTP giảng tập tr. 54.

(133) The Supreme Court has ruled that when a person is arrested, only the immediately surrouding area where he might reach to grab a weapon or to dispose of some evidence, may be searched without first acquiring a search warrant. The ruling means that the arrest of a person deos not grant the arresting officer the right to search the entire home, or adjacent rooms, or even the same room in which the arrest takes place.
Crime Control Digest. July 1 first, 1969.

(134) Crim. 19.6.1957. JCP. 1958. 11. 10226.

(135) Analyse et commentaire du CPP., số 25.

(136) “Toutefois la perquisition commencée pendant le jour peut se poursuivre pandant la nuit”. – Procédure pénal, Dalloz 1973, tr. 240.

(137) Tân chế độ Tư pháp VNCH, trung tâm luật pháp xuất bản, Saigon 1970.

(138) Crim 7.6.1963. L. 1963 Somm. 115.

(139) R. VOUIN – La preuve obtenue par des moyens illégaux.- Revue internationale de police criminelle. Recueil de droit pénal. Tháng 11/1955 (líe par les règles relatives à l’administration de la preuve, il (le juge) doit rejeter la preuve la plus décisive si elle a été obtenue par un procédé illégal.

(140) PA. 26.9.1960, PLTS. 1961. 11. 13.
PA. 31.8.1960, PLTS. 1961. 1. 20.

(141) PA. 24.10.1960. PLTS. 1961. 11. 18.

(142) “Il veille à la conversation des indices susceptibles de disparaitre et de tout ce qui peut servir à la manifestation de la vérité. Il saisit les armes et instruments qui ont servi à commettre le crime ou qui étaient destinés à le commettre, ainsi que tout ce qui parait avoir été le produit de ce crime.”

(143) HOÀNG TUẤN LỘC, ĐÀO MINH LƯỢNG, op. cit. tr. 145.

(144) Sở dĩ chúng tôi nói “người đang trì thủ”, tức người đang giữ hay trông coi đồ vật, mà không nói “sở hữu chủ” đồ vật, vì ở đây, Hình cảnh lại đang có mục đích chờ tang chứng cho một tội phạm đã xẩy ra, chứ không phải đi kiếm tội chứng mới. Ví dụ một Cảnh sát đang truy lùng một kẻ cướp giựt bằng xe Honda chạy vào một xóm lao động, Cảnh sát không ab81t được thủ phạm, nên sái áp tất cả những xe gắn máy tình nghi trong xóm đó về cuộc Cảnh sát. Sau khi nhận diện, nạn nhân quả quyết những xe bị giữ không phải là xe của thủ phạm. Thay vì phải trả ngay tất cả những xe đó cho người đang giữ, Cảnh sát lại kiểm soát xem co xe nào gian hay lậu thuế không (đây là một vấn đề hòan toàn khác hẳn với tội trộm). Và nếu giấy tờ xe đã hợp pháp, Cảnh sát lại đòi sở hữu chủ đến lãnh về. Thế là bao nhiêu rắc rối kế tiếp xẩy đến. Nhiều khi xe đứng tên một quân nhân ở tiền đồn heo hút, trước khi nhập ngũ, người này để xe và giấy tờ lại cho thân nhân sử dụng. Trong tình trạng chiến tranh này, thư từ, giấy nghỉ phép cho quân nhân rất khó khăn. Một thời gian lâu sau lãnh xe về thì hình dạng chiếc xe cũng không còn giống như xưa. Lối làm việc này không những tắc trách mà còn vi luật nữa!

(145) XC. POITTEIN, Dictionnaire formulaire des Parquets et de la police judiciaire, Paris, Edition Roussaeu 1951, tr. 314-324.

(146) La restitution des objets placés sous main de justice J.C.P. 1949. 1. 808. – Các giải pháp trong Bộ Hình sự Tố Tụng về vấn đề giao hòan tang vật, TPTS. 1972.4.99.

(147) Công báo VNCH số 33 ngày 16.6.73.

(148) Trước kia, việc gìn giữ tang vật và thiết lập số tang vật tuân theo các quy tắc ấn định trong công văn số 10.368/BTP?Hov, ngày 7.10.1964 của Bộ Tư Pháp và công văn số 924/CL ngày 5.2.1963 của Viện Chưởng Lý Saigon.

(149) Gần đây, do văn thư số 5470/D ngày 25.10.1973. Biện lý cuộc Saigon tuân hành chỉ thị của ông Tổng Trưởng Tư pháp, đã “yêu cầu tòan thể Thẩm phán và nhân viên các cấp tùng sự tại các cơ quan Tư pháp ở Thủ Đô phải hòan trả tất cả các xe tang vật đủ mọi loại đã mượn để tạm thời sử dụng trong bấy lâu nay”.

(150) XC. Thủ tục khám xét nhà, số 204.

(151) PLTS số đặc biệt 1960, tr. 325.

MỤC LỤC   *   NHẬP ĐỀ   *   PHẦN 1   *   PHẦN 2   *   TỔNG KẾT

Switch mode views: