Những Bảo Đảm Của Nghi Can - PHẦN THỨ NHẤT
- Thứ Bảy, 01 tháng Chín năm 2012 00:00
- Tác Giả: Tiến Sĩ Trần An Bài
Phần thứ nhất
QUYỀN BIỆN HỘ CỦA NGHI CAN
14 Khác với Hiến pháp nhiều quốc gia, điều 7 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa đã đề cập đến quyền biện hộ trước nhiều quyền khác như quyền tự do tín ngưỡng, giáo – dục, tư tưởng, ngôn luận, hội họp, lập hội, bầu cử, ứng cử, v.v… Để hành xử quyền biện hộ, các nghi can sau khi được thông báo tội trọng, sẽ được tự bào chữa một cách tích cực bằng cách chối tội hay tiêu cực bằng cách im lặng. Ngay sau khi bị giữ, thân nhân các nghi can phải được thông báo kịp thời để có thể nhờ Luật sư biện hộ giùm. Trong cuộc điều tra, nghi can không bị ép buộc khai cung bằng những phương cách thiếu lương hảo. Riêng đối với các thiếu nhi phạm pháp, cần phải có những bảo đảm rộng rãi và thích hợp nhằm mục đích giáo hóa hơn là trừng trị.
Đó là các vấn đề sẽ được trình bày trong chương này:
Đoạn 1 : Quyền được biết tội trạng.
Đoạn 2 : Quyền chối tội.
Đoạn 3 : Quyền im lặng.
Đoạn 4 : Quyền có luật sư đến dự kiến.
Đoạn 5 : Quyền thông báo và tiếp kiến thân nhân.
Đoạn 6 : Quyền hưởng các phương cách điều tra lương hảo.
Đoạn 7 : Quyền biện hộ của nghi can thiếu nhi.
Đoạn 1
QUYỀN ĐƯỢC BIẾT TỘI TRẠNG
15 Không gì nguy hiểm và thất vọng cho nghi can bằng việc bị bắt giữ mà không biết lý do. Trong khi Việt Nam còn bị đặt dưới ách thống trị của ngoại bang, sinh mạng và tài sản của dân chúng bị coi rẻ. Nếu bị bắt bớ, giam cầm, tù đày, người dân không được quyền đòi biết lý do.
Kể từ khi Quốc gia dành lại độc lập và chủ quyền, Hiến pháp và luật pháp bảo đảm tối đa quyền sống của người dân. Điều 7 khoản 3 Hiến pháp 1967 đã đặt ra một quy tắc rất tiến - bộ: “Bị can và thân nhân phải được thông báo tội trạng trong thời gian luật định”. Căn cứ và đó, điều 38 HSTT định rằng: “Trong giai đoạn điều tra sơ vấn, nghi can bị bắt giữ hoặc bị điều tra phải được cho biết ngay là phạm tội gì”. Và khi thân nhân nghi can tự động đến tìm hỏi, cơ quan liên hệ phải cho họ biết lý do bắt giữ (Đ. 39 k. 2 HSTT).
Sự thông báo ngay tội danh là một hình thức đầu tiên bảo vệ quyền biện hộ, vì chỉ khi nào biết tội danh, nghi can mới có thể chuẩn bị biện hộ một cách chu đáo được.
16 A .- NHIỆM VỤ ĐỊNH TỘI DANH CỦA CẢNH SÁT TƯ PHÁP
Kể từ nay, quyền được biết tội trạng trở thành một quyền hiến định, chứ không phài là một đặc ân Hình cảnh lại dành cho nghi can. Quên sót nhiệm vụ này, Hình cảnh lại sẽ bị phạt vạ từ 601$ đến 10.000$ và phạt giam từ 6 ngày đến một tháng hoặc một trong hai hình phạt này (Đ. 44 khoản 1 HSTT).
Trên nguyên tắc, quyền định tội danh vẫn thuộc về Công-tố-viện. Tội danh mà Hình cảnh lại ấn định ở đây chưa chắc sẽ được Công tố viện xác nhận, nhưng theo tinh thần điều 38 HSTT, Hình cảnh lại có quyền tạm định tội danh để nghi can tìm cách bào chữa. Ngay như Công tố viện khi định tội trạng, cũng vẫn có thể bị Dự-thẩm hoặc cơ quan xử án cải tội danh.
Mặc dầu Hình cảnh lại không bị buộc phải định tội danh một cách chính xác, nhưng cũng cần phải có một kiến thức tối thiểu về Hình luật để tạm thời cho nghi can biết họ có thể bị ghép vào tội gì.
17 B .- NGHI CAN ĐƯỢC LOAN BÁO TỘI TRẠNG VÀO LÚC NÀO?
Trong trường hợp phạm pháp quả tang, Cảnh sát Tư pháp được hỏi cung và bắt giữ nghi can ngay tại phạm trường, nên nghi can được loan báo tội trạng trước khi khai cung.
Trong trường hợp phạm pháp không quả tang, thường nghi can được mời tới cơ quan điều tra để khai cung. Thể thức quang minh chính đại nhất là Hình cảnh lại ghi ngay tội trạng trong giấy mời, nhờ đó, nghi can có đủ thời giờ chuẩn bị lời khai, bằng chứng và nhờ Luật sư nhiệm cách. Nhưng việc báo trước tội trạng này có thể gây khó khăn cho cuộc điều tra, vì nghi can sẽ sợ sệt và tìm cách đào tẩu hoặc mua chuộc nhân chứng hay phi tang. Có thể Hình cảnh lại chỉ mời đương sự tới với lời ghi chú vắn tắt “về việc sẽ cho biết sau”. Hỏi cung với tư cách nhân chứng xong, Hình cảnh lại báo cho đương sự biết sẽ đổi tư cách nhân chứng thành nghi can về một tội danh nào đó. Nghi can trở tay không kịp và lúc đó có muốn đào tẩu cũng vô phương. Thể thức này có thể dễ dàng cho nhân viên điều tra, nhưng kỹ thuật điều tra không chính đáng. Thực tế cho thấy, các Dự thẩm cũng vẫn đòi bị can bằng loại trát có ghi đầy đủ tội danh và điều luật, nhưng ít khi vì đó mà bị can đào tẩu, trái lại bị can còn muốn sớm trình diện để biện minh cho hành vi của mình. Hơn nữa, với chương trình kiểm soát dân số và mạng lưới an ninh tình báo hữu hiệu của cơ quan an ninh, làm sao nghi can có thể dễ dàng trốn thoát? Việc lẩn tránh của đương sự chẳng lợi ích gì, chỉ biểu lộ gian ý của y mà thôi.
Tóm lại, vì quyền lợi của nghi can và cũng vì lương tâm, danh dự chức nghiệp, Hình cảnh lại nên áp dụng các phương tiện chính đáng để tìm ra sự thực. Sự thực này có thể lợi hoặc hại cho nghi can, nhưng việc làm của Hình cảnh lại lúc nào cũng phải tuân theo nguyên tắc hợp pháp và lương hảo (principe de légalité et de loyauté).
18 C .- NGHI CAN CÓ ĐƯỢC BIẾT ĐIỀU LUẬT VI PHẠM KHÔNG?
Việc thông báo tội trạng tuy là một bảo đảm cần thiết cho nghi can, nhưng chắc hẳn quá mới lạ đối với Hình cảnh lại. Nay nếu phải cho biết thêm điều luật vi phạm nữa thì thực quá khó khăn cho Hình cảnh lại.
Điều 38 HSTT không minh thị giải quyết vấn đề này, nhưng chúng tôi chủ trương rằng việc thông báo điều luật vi phạm rất cần thiết cho quyền biện hộ, vì chính điều luật này sẽ xác định tội danh và yếu tố tội phạm.
Dĩ nhiên, khi hỏi cung tại phạm trường trong trường hợp phạm pháp quả tang, Hình cảnh lại có thể quên điều luật vi phạm, nhưng trong trường hợp thông thường, Hình cảnh lại đã ghi tội trạng trong giấy mời thì không có lý gì lại không ghi được điều luật. Công việc này sẽ phát sinh hai lợi ích: một đàng nghi can dễ dàng biện minh, đàng khác, Hình cảnh lại tránh được những hành vi bắt giữ người ngoài trường hợp luật định, trái với nguyên tắc “vô luật bất hình” (Nulla poena sine lege) là một nguyên tắc bất biến phát sinh từ thời Cánh Mạng Pháp Quốc (1) và được hầu hết các quốc gia chấp nhận trước nhiều nguyên tắc khác (2).
Đoạn 2
QUYỀN CHỐI TỘI
19 Điều tra viên sẽ làm việc dễ dàng mỗi khi gặp một nghi can thành thật khai hết mọi chi tiết và sẵn sàng nhận tội. Nhưng rất tiếc, theo kinh nghiệm, các nghi can thường có khuynh hướng chối tội. Cái khuynh hướng này phù hợp với bản năng tự vệ của con người, vì ai cũng nghĩ rằng hậu quả của sự nhận tội là giam cầm, tù đày. Ngược lại, nếu chối được tội và làm cho cơ quan tư-pháp tin vào lời chối tội ấy thì cuộc đời vẫn được tự do, thanh thản.
Tại cơ quan thẩm vấn, ngoại trừ một số ít người được luật chước miễn, các nhân chứng, chuyên viên và thông dịch viên bắt buộc phải tuyên thệ (3) . Nếu không án sẽ bị phá (4).
Người nào từ chối tuyên thệ sẽ bị phạt vạ từ 601 đồng đến 2.000 đồng (đ. 103 HSTT) và nếu làm chứng gian sẽ bị phạt về tội tiểu hình hay đại hình tùy trường hợp (đ. 241-246 HL).
Nhưng những nguyên tắc trên không phải áp dụng trong giai đoạn điều tra sơ vấn (5). Sở dĩ nhân chứng cũng không phải tuyên thệ trước Hình cảnh lại, vì có thể, sau khi điều tra, nghi can chính là những nhân chứng này (6).
Đằng khác, theo quan điểm Tòa Phá án Pháp, quy tắc định nơi điều 100 HSTT (tức đ. 105 CPP) không áp dụng trong giai đoạn điều tra sơ vấn (7). Quy tắc này định rằng: “Khi có chứng tích hệ trọng và phù hợp để suy luận rằng một người nào phạm tội, Dự thẩm hay Thẩm phán và hình cảnh lại được ủy thác thẩm vấn không thể với dụng ý làm phương hại quyền biện hộ, chấp cung người ấy với tư cách nhân chứng.”
Do đó, các nhân chứng đã khai trước Hình cảnh lại có quyền phản cung trước Dự thẩm mà không sợ phạm tội làm chứng gian như đã dự liệu tại điều 241 HL (8).
Luật lệ không bắt buộc nghi can phải tuyên thệ nói sự thực. Nhiệm vụ tìm ra chân lý thuộc về cơ quan Tư pháp. Thường thường, các nghi can chỉ nhận tội khi nào thấy không thể chối tội được, chứ ít người dám nhận rằng đã phạm tội. Nghi can được quyền gỡ tội bằng cách chứng minh rằng mình không hề vi phạm Luật Hình, như thế có nghĩa rằng nghi can được quyền chối tội. Còn tin hay không là quyền của điều tra viên.
Một số tác giả còn chủ trương rằng không phải bị can chỉ được chối tội mà thôi, nhưng có thể nói dối nữa (9).
20 Luật pháp dành cho bị can quyền bào chữa, mà quyền chối tội xuất phát từ quyền bào chữa. Thực vậy, nếu bắt bị can tuyên thệ tức là dồn bị can vào một thế bí, hoặc phải nuốt lời thề hoặc phải tự buộc tội, tức là từ bỏ quyền bào chữa. Việc nuốt lời thề, đối với người có tín ngưỡng, là một tội ít ai dám làm, mặc dù án lệ cũng không hề gán cho lời thề tính chất thần thánh gì cả (10). Đối với người vô tín ngưỡng, không tin gì ở cõi thiêng liêng thì lời thề hứa chỉ là một trò hề, thề đấy rồi bỏ đấy, không một chút sợ hãi hoặc hổ thẹn với lương tâm. Dù vậy, theo án lệ hằng cửu, người vô thần cũng không được miễn tuyên thệ (11).
Điều 7 khoản 4 Hiến pháp quy định : “Không ai có thể bị tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách thú tội.” Bắt nghi can thề nói thực cũng là một hình thức cưỡng bách về tinh thần.
Phải công nhận rằng cuộc tra vấn không chỉ là một phương tiện của Cảnh sát Tư-pháp nhằm bắt nghi can thú tội nhưng còn là một phương tiện biện hộ của nghi can nữa. Từ đó suy ra rằng việc bắt nghi can trước khi khai cung phải tuyên thệ nói sự thực là trái với quyền biện hộ, nên không được chấp nhận. Nguyên tắc này có tính cách trật tự công cộng, nếu bất tuân, thủ tục khai cung sẽ vô hiệu tuyệt đối (12).
Tại Anh Quốc, theo luật ngày 12.8.1898, bị can có thể yêu cầu được hỏi cung như một nhân chứng vả phải tuyên thệ. Đây là thủ tục “nhân chứng quy tội” cũng đã được Hội Nghị Quốc Tế Hình Luật họp nhóm ở Palerme năm 1931 thảo luận (13).
21 Tuy nhiên, ngay đến việc nghi can thú tội cũng cần phải thận trọng cân nhắc và kiểm chứng.
Ngày xưa, dưới hệ thống truy tầm (Systéme inquisitoire), lời thú tội được coi là bằng chứng chúa tể (La reine des preuves, probatio probatissima). Cuộc điều tra chỉ chấm dứt khi nghi can nhận tội. Và để đạt mục đích này, mọi phương tiện đều chính đáng, kể cả việc tra tấn (14).
Sự thú tội vẫn còn giữ một vai trò trọng yếu trong thủ tục tố tụng Anh Quốc. Trước khi tra vấn, nghi can phải trả lời câu hỏi có nhận tội hay không. Nếu nhận tội (Plead of guilty) thì vấn đề tội trạng kể như giải quyết dứt khoát và tòa sẽ thảo luận về hình phạt (15), không cần có sự tham dự của phụ thẩm và vai trò của họ chỉ là để quyết định xem bị can có tội hay không (16).
Ngày nay, bằng cớ do thú tội không còn địa vị tột đỉnh ấy nữa, vì kinh nghiệm cho thấy có nhiều trường hợp thú tội dối trá : hoặc do sợ hãi mà nhận liều (trường hợp kẻ nhát gan, sợ bị tra tấn), hoặc do gian ngoan xảo quyệt muốn che đậy một tội phạm nặng hơn, hoặc do bị thần kinh thác loạn, hoặc do tính ưa khoe khoang muốn thiên hạ phải chú ý tới mình (aveu de jactance), hoặc có khi bị mua chuộc, bị sai khiến, hay là do dạ trung thành (với Đảng chẳng hạn) (17).
Tòa Sơ Thẩm Đại Hình Khánh Hòa đã xử bị can Huỳnh Khải 3 năm tù giam vì tội “cường gian”, căn cứ vào giấy nhận tội trước mặt viên thôn trưởng Thuận Mỹ. Nhưng Tòa Thượng Thẩm Huế đã hủy án này và tha bổng bị can vì giấy nhận tội ấy không đáng tin:
“Chiếu chi bị can sau khi bị giam một đêm ở thôn Thuận Mỹ và làm tờ nhận lỗi trước mặt viên thôn trưởng, sáng hôm sau, khi đến quận Ninh-Hòa, bị can tố cáo ngay với ông Quận Trưởng rằng ở thôn Thuận Mỹ, y bị họ lường gạt phải viết một tờ nhận có hiếp thị Quẹo và phải đền 500$ cơm thuốc cho thị này.” (18)
Theo án lệ Việt Nam, mặc dầu bị can thú nhận tội lỗi, Tòa vẫn có quyền xác nhận bị can có thật phạm lỗi hay không (10).
22 Học lý và án lệ còn đi xa hơn nữa bằng cách áp dụng “nguyên tắc lương hảo” để ngăn cấm việc bắt bị can thề. Nguyên tắc lương hảo được coi là một nguyên tắc siêu việt làm căn bản cho các định chế hình sự (20), dù không được ghi trên giấy trắng mực đen, nhưng những hành vi trái với nguyên tắc này đều bị coi là bất hợp pháp. Ví dụ điển hình là “không có điều luật nào cho việc bắt bị cáo thề là một nguyên nhân khiến cả thủ tục hình sự bị thủ tiêu. Nhưng luôn luôn, Tòa án phán hủy thủ tục khi xảy ra việc đó như đã phạm vào một hệ thống pháp lý lấy sự tôn trọng nhân phẩm làm căn bản. Toàn án tha bổng một bị cáo đã bị nhân viên điều tra bắt thề thốt, trong lúc chính kẻ đã thề có lẽ cũng chẳng tin ở Trời, Phật hay ma quỷ nào và có khi còn cười thầm một hình thức ngây thơ. Tòa án lẽ nào dung thứ những nhân viên điều tra dùng những mánh lới phạm đến thể thống nghề nghiệp và phẩm giá con người? Cho nên Tòa án thường cho một công việc điều tra thiếu lương hảo có thể làm hỏng cả một thủ tục.” (21)23 Và để cho lập luận chối tội của nghi oan không bị CSTP thêm bớt hay sửa chữa, Luật định rằng: “Người khai có quyền đọc lại lời cung của mình, yêu cầu ghi thêm các nhận xét và kí tên vào biên bản. Nếu họ không biết đọc, Hình cảnh lại phải đọc cho họ nghe trước khi kí biên bản. Nếu họ từ chối kí tên, thì phải ghi vào biên bản.”
24 Tóm lại, quyền chối tội của nghi can là một thành tố quan trọng của quyền biện hộ, nhưng rất tiếc nhà làm Luật Việt Nam chưa khai triển đúng mức giá trị của nó.
Chúng tôi ước mong Bộ Hình Sự Tố Tụng sẽ được bổ túc về vấn đề này, nghĩa là cần có một điều luật minh thị chấp nhận quyền chối tội của nghi can. Hình cảnh lại phải thông báo cho nghi can biết quyền này trước khi hỏi cung và điều này phải đưa vào biên bản. Ngoài ra, trong mọi trường hợp, nghi can cũng như thân nhân của họ không bao giờ bị bắt buộc tuyên thệ trước khi khai cung.
Muốn cho lời khai của nghi can được trung thực, sau khi đã nghe đọc lại lời cung, chính nghi can trước khi ký tên, phải tự tay xác nhận rằng: “Đã nghe đọc lại, nhận đúng và bằng lòng ký tên.” Nếu nghi can không biết đọc hay không thể đọc, điều tra viên phải ghi nhận sự kiện này vào biên bản.
Luật chỉ dự liệu rằng nếu người khai cung “từ chối kí tên, thì phải ghi vào biên bản.” Chúng tôi cho rằng điều này chưa đủ bảo đảm người khai, nên cũng đề nghị chính đương sự phải tự tay viết lý do không bằng lòng ký tên vào cuối tờ cung khai của mình. Riêng đối với sự thú tội của nghi can, chúng ta nên chấp nhận giải pháp giống như điều 38 khoản 3 Hiến Pháp Nhật Bản: “Không ai có thể bị kết án và trừng phạt trong những vụ mà bằng chứng kết tội duy nhất là chính lời thú tội của người đó.”
Đoạn 3
QUYỀN IM LẶNG
25 Trong cuộc điều tra, Hình cảnh lại có thể khám phá ra sự thật qua các lời khai mâu thuẫn của nghi can. Nhưng nếu nghi can giữ thái độ im lặng thì cuộc điều tra trở nên khó khăn hơn nhiều.
Tại phòng Dự thẩm, sau khi được biết tội trạng bị truy tố và điều luật áp dụng, bị can phải được tuyên bố y có quyền trả lời hay không và điều này phải ghi vào biên bản (điều 106 HSTT).
Nhà làm luật không đề cập đến quyền trả lời hay không tại cuộc điều tra sơ vấn. Điều đó chỉ có nghĩa rằng Hình cảnh lại không phải báo cho nghi can biết quyền này trước khi lấy lời khai, vì khi nghi can giữ thái độ im lặng, từ chối mọi câu hỏi, Hình cảnh lại không có cách nào cưỡng bách hoặc chế tài đương sự cả.
Ngay đến những người được Hình cảnh lại mời, trong trường hợp phạm pháp quả tang, luật chỉ bắt “phải đến để cung khai, nếu bất tuân, Hình cảnh lại sẽ trình Biện lý xin triệu dụng công lực buộc trình diện” (điều 56 k.2 HSTT). Điều luật này chỉ cho phép cưỡng bách trình diện, nhưng nếu đương sự đến mà không chịu khai thì luật pháp cũng không chế tài.
Còn trong trường hợp phạm pháp không quả tang, dù được mời, nhân chứng và ngay cả người bị tố cáo, nếu muốn, cũng có quyền không đến trình diện Hình cảnh lại hoặc Biện lý.
Vậy từ trước tới giờ, mỗi khi nhận được giấy mời của Cảnh sát “về việc sẽ cho biết sau” mà người ta cứ lo lắng sợ sệt và riu ríu tuân hành?
Ông LAMBERT trong cuốn sách dạy lý thuyết và thực hành cho Cảnh-sát Tư pháp đã giải thích rằng: “Khi ta xách cặp hay mang máy chữ tới nhà ai, người dân biết đâu là ta chẳng áp dụng điều luật nào cả. Thấy ta xưng danh tánh, đưa thẻ chức vụ, thấy ta chào hỏi lễ phép, họ tin rằng ta làm đúng luật. Những lời nói ôn tồn của ta, họ cho là một lệnh, tuy được nhã nhặn ban ra, nhưng nếu không tuân ắt có trừng phạt. Tóm lại, vì bề ngoài các công việc điều tra và thẩm cứu thường giống nhau, lại thường do cùng một người làm, nên dân chúng bị lầm, hóa sợ sệt, tinh thần bị áp đảo phần nào. Ngưới Cảnh sát đã khéo khai thác sự lầm lộn, e sợ đó vì có ai lại bảo người chứng: “đây chỉ là một việc điều tra, ông có thể không khai, chẳng tội vạ gì cả.” Không có bắt buộc, nhưng Cảnh sát thường để cho người dân tưởng bị bắt buộc, vì sự tưởng lầm ấy có lợi cho công việc điều tra.” (22)
26 Khi gặp những người không chịu đến khai tại cơ quan sơ vấn, Biện lý chỉ còn cách là gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm vấn chính thức, bởi vì, trước Dự thẩm, nhân chứng không chịu cung khai có thể bị phạt vạ từ 601$ đến 2.000$ (điều 103 HSTT) và người nào công khai tuyên bố biết rõ thủ phạm một trọng tội hay khinh tội mà từ chối không trả lời các câu hỏi của Dự thẩm về điểm ấy, sẽ bị giam từ 11 ngày đến một năm và phạt vạ từ 601$ đến 5.000$ (điều 104 HSTT).
Riêng đối với các nhân chứng hoặc bị can bất tuân lệnh gọi của Dự thẩm trong những vụ phạm pháp quả tang hay không, sẽ bị biện pháp cưỡng bách theo luật định.
Bị can không những được quyền im lặng trong giai đoạn điều tra sơ vấn và thẩm vấn, mà còn có thể tiếp tục giữ thái độ này trong giai đoạn xét xử nữa, vì im lặng là một quyền căn bản thuộc lãnh vực quyền biện hộ. Theo CHARLES người vô tội được quyền nói thì tại sao người có tội lại không được quyền im lặng. (23)
Nhưng thường thường, nghi can sợ rằng thái độ im lặng của mình có thể bị cơ quan tư pháp suy đoán là một lời nhận tội, vì không tìm ra được lý lẽ gì để bác bỏ các bằng chứng buộc tội.
27 Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của nghi can hơn nữa, luật pháp nhiều quốc gia như Ba Tây, Ái Nhĩ Lan, Tân Tây Lan, Ý, quy định thêm rằng nếu nghi can im lặng thì cũng không thể vì đó mà suy luận bất lợi cho đương sự. (24)
Năm 1945, Thống chế PÉTAIN bị đem ra Tòa xét xử và Ông nhất định không cung khai. Hồ sơ dày hơn 2.000 trang giấy, mà Thống chế chỉ nói vỏn vẹn có một câu: “Tôi sẽ trả lời trước Toà án của Thượng Đế” (Je répondrai devant les tribunaux de Dieu). (25)
Theo luật lệ Đức Quốc, khi bị can đã chọn giữ thái độ im lặng, Tòa án không thể căn cứ vào đó để đưa ra những kết luận bất lợi cho bị can hay dùng làm căn bản cho sự xác tín tội phạm. Tòa cũng không được suy diễn sự im lặng này để gia tăng hình phạt cho bị can và bắt họ phải khai cung. (26)
Tại Hoa Kỳ, không ai bị bó buộc phải khai cung dù bằng lời nói hay bằng chữ viết, theo lệnh của Cảnh sát. Chỉ có Tòa án mới được quyền bắt khai hoặc trước bồi thẩm đoàn trong khi xét xử, hoặc đang khi thủ tục diễn tiến trước Tòa. (27)
Trong một phán quyết năm 1964 (28), TCPV Hoa Kỳ đã căn cứ vào Tu Chính Án số 5 để khẳng quyết rằng: “trong các vụ án hình, không ai bị bó buộc làm chứng buộc tội chính mình”.
Đến năm 1965, TCPV lại chủ trương rằng Tu Chính Án số 5 ngăn cấm “Công Tố Viện không được xuyên tạc sự im lặng của bị can, Tòa cũng không được coi sự im lặng đó như bằng chứng buộc tội.” (29)
Sở dĩ bị can có quyền giữ im lặng, vì khi đứng ra khai cung tức là đã tự làm chứng cho mình và như vậy bị can sẽ bị đối chất với các nhân chứng khác.
Đối với nhân chứng, mặc dù bắt buộc phải trình diện Tòa, nhưng được từ chối các câu hỏi có thể buộc tội hay liên hệ đến những bằng chứng có thể buộc tội đương sự. (30)
28 Quyền im lặng theo luật lệ hiện hành đã bảo đảm đầy đủ và hữu hiệu quyền lợi của nghi can chưa?
Trên đây, chúng tôi đã lập luận rằng, luật pháp Việt Nam không bác bỏ quyền im lặng của nghi can trong giai đoạn điều tra sơ vấn, bởi lẽ nếu nghi can sử dụng, cũng không có điều luật nào chế tài.
Nhưng sự im lặng của nhà làm luật trong vấn đề này quả là một điều thiếu sót. Chúng tôi chủ trương rằng cần phải có một điều luật minh thị chấp nhận quyền im lặng của nghi can trong giai đoạn điều tra sơ vấn giống như điều 106 HSTT được áp dụng trong giai đoạn thẩm vấn.
Sự im lặng của nghi can nhiều khi không phải là thiếu lý lẽ biện minh cho tội phạm mà chính lại là một cách biện hộ chân thực nhất, vì nghi can không liên quan đến vụ phạm pháp, cho nên không có gì hay không biết gì để khai cung cả.
Do đó, cần có điều luật quy định rằng trước khi hỏi cung, Hình cảnh lại phải cho nghi can biết y có quyền không cung khai hoặc không trả lời bất cứ câu hỏi nào và điều này phải được ghi vào biên bản.
Luật cũng phải ngăn cấm mọi việc quy tội bất lợi cho nghi can, khi không tìm được bằng chứng buộc tội nào khác ngoài sự kiện đương sự giữ thái độ im lặng. Có như vậy, quyền biện hộ của nghi can mới được bảo đảm đúng mức.
Đoạn 4
QUYỀN CÓ LUẬT SƯ DỰ KIẾN
29 Đây là một quyền rất mới mẻ mà hệ thống luật pháp Việt Nam trước đây không biết đến.
Lần đầu tiên quyền này được công nhận tại điều 7 khoản 6 Hiến Pháp: “Bị can có quyền được luật sư biện hộ dự kiến trong mọi giai đoạn thẩm vấn kể cả trong cuộc điều tra sơ vấn.”
Khi thảo luận về khoản này, Quốc Hội Lập Hiến đã thông qua một cách nhanh chóng. Không có Dân biểu nào chống đối sự hiện diện của Luật sư tại cơ quan sơ vấn mà chỉ có một Dân biểu lo ngại điều khoản này không thể áp dụng được trên thực tế, vì con số Luật sư hiện tại quá ít (31). Nhưng kết quả vẫn được các Dân biểu chấp thuận bằng một con số đông đảo nhất trong số 10 điều khoản của điều 7 Hiến Pháp (32).
30 A.- ÍCH LỢI CỦA ĐIỀU 7 KHOẢN 6 HIẾN PHÁP
Nhà Lập Hiến Việt Nam đã trao quyền “dự kiến” cho Luật sư trong giai đoạn điều tra sơ vấn, vì vào lúc ấy, nghi can cũng mới chỉ có nhu cầu như thế mà thôi. Luật sư dự kiến để nghi can an tâm rằng thủ tục sẽ được diễn tiến đúng theo luật lệ, vì mọi thủ tục điều tra có thể làm ngỡ ngàng một người phạm pháp lần đầu tiên. Hơn nữa nếu công việc điều tra, tìm tòi của Hình cảnh lại có thể ảnh hưởng đến các quyết định của các Thẩm phán thì nghi can cũng cần phải được Luật sư theo dõi công việc điều tra ấy để có thể trình bày quan điểm của mình trước các Thẩm phán một cách trung thực hơn. Đó chính là vai trò của Luật sư thường được mệnh danh là “Phụ tá của Công lý”.
Trước ngày ban hành Hiến pháp 1.4.1967, nghi can không được tiếp xúc với Luật sư trong giai đoạn điều tra sơ vấn. Người bị bắt giữ cảm thấy cô đơn và sợ sệt hơn bao giờ hết. Bởi vậy, trong thời gian chờ ban hành Bộ Luật Hình Sự Tố Tụng mới, vì nhu cầu cấp bách, Luật sư Đoàn đã can thiệp với giới chức hữu quyền để xin áp dụng ngay điều 7 khoản 6 Hiến pháp.
31 B.- DIỄN TIẾN VỀ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 7 KHOẢN 6 HIẾN PHÁP
Ngày 10.4.1969, Bộ Tư Pháp đã triệu tập một buổi họp sơ bộ đầu tiên, dưới quyền chủ tọa của Luật sư LÊ VĂN THU, Tổng Trưởng Tư Pháp, với sự hiện diện của Ông Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, các đại diện Bộ Nội Vụ, đại diện Nha Quân Pháp, đại diện Luật sư Đoàn và đại diện Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.
Trong buổi họp đầu tiên, Ông Chánh Sở Cảnh Sát Tư Pháp đã nêu những thắc mắc về vấn đề này như sau:
1. Điều tra sơ vấn có phải là điều tra tại cơ quan cảnh sát không.
2. Điều tra có sự hiện diện của đệ tam nhân thì tính cách bí mật không được bảo toàn.
3. Người nghèo ở các nơi xa xôi làm sao có luật sư, như thế thủ tục sẽ gây bất công.
Các thắc mắc của sở Cảnh Sát Tư Pháp được Hội đồng nhìn nhận là chính đáng. Cuộc thảo luận về vấn đề Luật sư xin dự kiến đã kéo dài trong bốn phiên họp vào các ngày 10, 17, 24 và 29.4.1969 và cuối cùng Hội đồng chấp nhận dung hòa các ý kiến để thực thi đúng tinh thần của Hiến Pháp.
Kết quả sau cùng là Liên Bộ Nội Vụ, Quốc Phòng và Tư Pháp đồng ý ban hành tạm một Huấn thị để ngày 5.6.1969 quy định thủ tục Luật sư dự kiến trong giai đoạn điều tra sơ khởi gồm những điều khoản nguyên văn như sau:
Điều 1.- Trong giai đoạn điều tra sơ vấn, bị can có quyền được Luật sư biện hộ dự kiến, như đã dự liệu nơi điều 7 khoản 6 Hiến Pháp, và theo những thể thức sau đây:
Điều 2.- Trong trường hợp bị can bị bắt quả tang và trước khi được áp giải về văn phòng để ghi cung chính thức, sự dự kiến của Luật sư không cần thiết.
Điều 3.- Khi sự ghi cung chính thức bắt đầu, quyền của Luật sư dự kiến được quy định như sau:
1.- Trong cuộc điều tra đầu tiên
a) – Nếu nghi phạm yêu cầu được Luật sư dự kiến, cơ quan điều tra phải báo bằng điện thoại cho Luật sư biết có 40 phút để dự kiến.
Quá 40 phút, cuộc điều tra bắt đầu, dầu có Luật sư hay không.
b) – Nếu nghi phạm không yêu cầu, nhưng có một Luật sư do lời yêu cầu của thân nhân nghi phạm điện thoại đến cơ quan điều tra xin được dự kiến, cơ quan điều tra phải hỏi đương sự có bằng lòng nhận sự biện hộ của Luật sư đó chăng, nếu đương sự bằng lòng, cơ quan điều tra điện thoại lại văn phòng Luật sư đó xin xác nhận.
Nếu chắc chắn là chính Luật sư yêu cầu, thì cuộc điều tra chỉ bắt đầu 40 phút sau.
c) – Thời gian 40 phút đợi Luật sư đến, áp dụng cho Saigon – Gia-Định – Cholon – Huế và tại các tỉnh, nếu nghi phạm nhờ một Luật sư ở tỉnh sở tại nhiệm cách.
Nếu nghi phạm nhờ một Luật sư ở một tỉnh khác, thời gian nói trên được nới rộng tối đa là 2 giờ.
2.- Trong các phiên Tòa điều tra kế tiếp
Cơ quan điều tra cũng báo trước cho Luật sư hay bằng điện thoại 40 phút trước khi khởi sự ghi cung.
Điều 4.- Việc báo cho Luật sư hay bằng điện thoại để đến dự kiến, như đã nói ở điều 3, phải được ghi vào biên bản hỏi cung.
Điều 5.- Bị can chỉ được nhờ một Luật sư thiệt thọ có ghi tên trong danh biểu Luật sư đoàn Tòa Thượng Thẩm sở tại để dự kiến cho mình.
Luật sư khi đến dự kiến lần đầu, phải nạp cho cơ quan điều tra, để cất vào hồ sơ, đơn xin nhiệm cách hợp lệ.
Trong khi dự kiến, Luật sư có những quyền hạn và bổn phận như trong lúc thẩm vấn tại phòng Dự thẩm, nghĩa là Luật sư không được chận ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế cho các nghi phạm hay nhân chứng. Mỗi lần muốn nói, Luật sư phải được sự thỏa thuận của điều tra viên. Nếu điều tra viên từ khước, sự từ khước ấy phải được điều tra viên ghi vào biên bản.
Điều 6.- Huấn thị này sẽ được thi hành ngay từ khi ký, đối với những vi phạm thường luật.
Tóm lại, vấn đề Luật sư xin dự kiến trong cuộc điều tra sơ vấn đã được giải quyết dứt khoát tại Huấn thị nêu trên và danh từ “dự kiến” đã được giải thích rõ ràng tại điều 5 của Huấn thị Liên Bộ, để trong khi điều tra các nghi can, dù có sự hiện diện của Luật sư đi nữa, cũng không đến nỗi gây trở ngại cho cuộc điều tra.
Điều đáng lưu ý là Huấn thị nói trên chỉ áp dụng với những vi phạm thường luật mà thôi, chớ không áp dụng với những vi phạm về chính trị.
32 Cũng trong tinh thần tôn trọng điều 7 khoản 6 HP, do Tư Văn số 05.453-QP/HCVT/1/B ngày 6.6.1967 gửi Nha Quân Pháp, Bộ Quốc Phòng xác nhận rằng “quyền dự kiến của Luật sư phải được tôn trọng khi bị can được đưa ra trước Ủy Viên Chính Phủ các Tòa án Quân sự thường trực, ngay cả trong trường hợp chưa có lệnh truy tố.”
Theo tư văn trên, “Bộ Quốc Phòng, chiếu quyết định của Hội Đồng Liên Bộ và sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan và giới chức liên hệ, yêu cầu Nha Quân Pháp chỉ thị các Ủy Viên Chính phủ Tòa án Quân sự thường trực áp dụng các thủ tục sau đây:
1. Luật sư được phép nhiệm cách cho bị can trước các Ủy viên Chính phủ, bằng cách nạp thư biện hộ.
2. Sau khi nạp thư nhiệm cách, Luật sư được quyền tiếp xúc với bị can và tham khảo hồ sơ, dù lệnh truy tố chưa được ban hành.
3. Khi nào Ủy viên Chính phủ gọi bị can để hỏi cung, hoặc đối chất, Luật sư nhiệm cách cho bị can có quyền dự kiến. Trong các trường hợp này, Luật sư có tất cả quyền hạn và bổn phận như tại phòng Dự thẩm, nghĩa là không được chận ngang việc chấp cung, ngắt lời các đương sự, nhắc nhở hoặc trả lời thế cho bị can. Mỗi lần muốn nói, Luật sư phải được phép của Ủy Viên Chính phủ, nếu Ủy Viên Chính phủ không cho phép, sự từ chối đó phải được ghi vào biên bản.”
33 Vấn đề này liên tiếp được các bản Dự luật Hình Sự Tố Tụng đề cập đến với nhiều sự sửa đổi khác nhau.
Điều 39 Dự thảo 1969 của Hành pháp quy định rất vắn tắt và hạn chế quyền dự kiến của Luật sư như sau: “Trong cuộc điều tra sơ khởi, kẻ bị tình nghi có thể xin cho Luật sư dự kiến. Luật sư chỉ có quyền dự thính mà không được xin đặt câu hỏi hay kết luận bất cứ về điểm gì dù tình lý hay pháp lý.”
Điều khoản này đã được Hạ Nghị Viện tu chính rất tỉ mỉ, với những đặc điểm sau:
- Nếu nghi phạm muốn chọn một Luật sư để dự kiến, cơ quan điều tra phải cho y coi bản danh sách mới nhất ghi tên các Luật sư.
Cơ quan điều tra phải tức thời báo thị bằng giấy tờ cho văn phòng Luật sư biết có hai mươi bốn (24) tiếng đồng hồ kể từ lúc nhận được báo thị để đến dự kiến.
- Thân nhân của nghi phạm có thể yêu cầu Luật sư đến dự kiến, nếu nghi phạm bằng lòng chấp nhận.
- Trong khi dự kiến, Luật sư có những quyền hạn và bổn phận như trong lúc thẩm vấn tại phòng Dự thẩm (điều 38).
Tuy nhiên, Thượng Nghị Viện lại quy định vấn đề một cách rất đơn giản và chỉ giữ một khoản chót của điều 38 Dự luật nói trên. Nguyên văn điều 38 Dự luật của Thượng Nghị Viện như sau:
“Trong cuộc điều tra sơ vấn, nghi phạm có quyền được Luật sư dự kiến.
Trong giai đoạn sơ vấn, Luật sư có những quyền hạn và bổn phận như trong lúc thẩm vấn tại phòng Dự-thẩm”.
34 C.- TRANH LUẬN GIỮA CÁC LUẬT GIA
Dầu vậy, vấn đề Luật sư hiện diện trong cuộc điều tra sơ vấn là một đề tài tranh luận sôi nổi giữa các luật gia.
Nói một cách tổng quát thì trong số các luật gia công khai phát biểu ý kiến hầu hết các Thẩm phán và viên chức Cảnh sát Tư pháp đều không muốn có Luật sư dự kiến trong giai đoạn điều tra sơ vấn. Ngược lại, đa số các Luật sư lại nhiệt liệt tán thành sự hiện diện này.
Ngày 14.1.1972, Ủy Ban Tư Pháp Định Chế Thượng Nghị Viện đã triệu tập một số luật gia danh tiếng để thảo luận về những nét chính của bản Dự thảo Hình Sự Tố Tụng trước khi đem ra khoáng đại Thượng Viện. Vai trò của Luật sư trong giai đoạn điều tra sơ vấn lại được bàn cãi sôi nổi một lần nữa.
1.- Lập trường chống đối
a) – Trình bày
35 Thẩm phán LÊ TÀI TRIỂN đả kích mãnh liệt điều 7 khoản 6 Hiến Pháp và đề nghị phải tu chính cấp thời vì nếu không “sẽ làm tê liệt guồng máy công lý trong việc trừng trị những hành vi phạm pháp”.
Trước hết theo Ông, điều 7 khoản 6 HP đã gây nguy hại về lý thuyết vì đã đi ngược lại mục đích của cuộc điều tra sơ vấn là thu thập những tang chứng của tội phạm, những vết tích hãy còn nóng hổi để cho tội phạm khỏi bị phi tang, có như vậy mới chắc chắn là kẻ phạm pháp khi được đưa ra Tòa sẽ có bằng chứng xác thực và sẽ bị trừng phạt một cách thích đáng, vừa đền tội xã hội, vừa để làm gương cho những người khác.
Thứ đến là các nguy hại về thực tế của điều 7 khoản 6 HP, có thể kể như sau :
Vì công việc chọn lựa và báo thị cho các Luật sư quá phức tạp, số nhân viên Cảnh sát Tư pháp vừa ít, vừa thiếu huấn luyện nên công việc sẽ bị ứ đọng. Đấy là chưa kể đến sự kiện tại các Tòa tỉnh không có Luật sư làm việc thì sự chậm trễ còn nguy hại gấp bội. Kinh nghiệm thực tế là trong các vụ thiếu nhi, vì phải có Luật sư nhiệm cách mà thủ tục chậm trễ và nặng tính cách hình thức.
Sư can thiệp của Luật sư trong cuộc điều tra sơ vấn còn làm tăng thêm nạn trung gian mà người thường gọi là “dắt mối”, đã làm hại rất nhiều đến uy tín của nghề.
Do đó, Thẩm phán LÊ TÀI TRIỂN đề nghị hai giải pháp : một là Bộ HSTT không quy định gì về thể thức điều tra sơ vấn, để sau này một Đạo luật riêng sẽ quy định. Hai là chỉ xác định một cách tổng quát là bị can có quyền được Luật sư hỗ trợ, nếu muốn.
Lập trường này còn được Phó Chưởng lý NGUYỄN QUỐC HƯNG tán đồng. Ông còn đưa thêm một lý lẽ nữa bằng cách giải thích danh từ “bị can” ghi trong điều 7 khoản 6 HP. Theo Thẩm phán NGUYỄN QUỐC HƯNG, chữ “bị can” không thể hiểu là “nghi phạm”. Luật ngày 8.12.1897 quy định rành mạch thủ tục trước phòng Dự thẩm có hai giai đoạn : Trước tiên, hỏi lý lịch nghi phạm và cho biết y có quyền trả lời hay không. Kế đó, Dự thẩm bắt đầu cuộc thẩm vấn. Tới giai đoạn thứ hai, nếu xét thấy nghi phạm có tội, tức là nghi phạm đã trở thành bị can, khi đó Dự thẩm mới hỏi có Luật sư hay không. Ý nghĩa của chữ “bị can” là như vậy. Nhưng hiện giờ trong tổ chức tư pháp của chúng ta, trước Cảnh-sát, nghi phạm chưa trở thành bị can. Nếu áp dụng chữ “bị can” đúng ý nghĩa của nó thì không thể nào cho Luật sư dự kiến trước Cảnh sát được.
Để hỗ trợ cho lập trường của hai Thẩm phán trên, một Thẩm phán TCPV lên tiếng nhấn mạnh về vấn đề nhân sự. Người phạm pháp nhờ Luật sư để tìm cách gỡ tội, mà điều tra viên là người thiếu kinh nghiệm, học hỏi ít hơn Luật sư. Nếu để Luật sư đặt các câu hỏi thì việc tìm ra ánh sáng thực là khó.
36 b) – Nhận xét
Ý kiến của những vị Thẩm phán cao niên, có nhiều năm trong nghề, hiểu rõ cách tổ chức và hoạt động của guồng máy Tư pháp vừa trình bày ở trên rất đáng cho các nhà Lập pháp phải quan tâm.
Nhưng dù sao, Cảnh sát trước mắt các Thẩm phán hoàn toàn không có gì đáng sợ cả, mà trái lại, khi phải đối diện với Thẩm phán, không có Cảnh sát viên nào dám hành động trái phép, chứ chưa nói đến trái luật. Thẩm phán, nhất là Thẩm phán cao cấp mà bị Cảnh sát đối xử hách dịch thì còn gì là thể thống quốc gia, còn gì là thượng tôn luật pháp và còn gì là số phận của chính viên Cảnh sát đó.
Các nhà soạn thảo Hiến Pháp có thâm ý muốn bênh vực quyền lợi của người dân, đặc biệt những người tầm thường, nghèo khổ nhất trong xã hội. Họ muốn có Luật sư hiện diện bên cạnh nghi can ngay tại Cơ quan điều tra sơ vấn để ngăn ngừa những lạm quyền của Cảnh sát Tư pháp. Vai trò của Luật sư trong giai đoạn này có lẽ cũng quan trọng và cần thiết như trong giai đoạn thẩm vấn và xét xử trước Tòa.
Vấn đề quan trọng đặt ra đối với những luật gia chống đối vai trò của Luật sư tại cơ quan điều tra sơ vấn là những lời tố cáo Hình cảnh lại lạm quyền đúng hay không, phải xét xem dân chúng có thật sự ước ao được Luật sư dự kiến trong giai đoạn sơ vấn hay không. Nếu không, tức là lập trường của các Luật gia kể trên đúng, còn nếu có thì cần phải dự liệu biện pháp ngăn ngừa. Và sự hiện diện của Luật sư phải chăng là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi nghi can, ngăn ngừa sự lạm dụng của Hình cảnh lại? Đó là vấn đề phải bàn cãi.
Một khi dân chúng đã có nhu cầu như vậy, bổn phận của chính quyền là phải làm sao vượt mọi trở ngại về cơ cấu tổ chức và huấn luyện nhân viên để thực hiện cho bằng được định chế này.
Theo ý chúng tôi, khi các nhà Lập Hiến, Lập Pháp – đại diện cho dân chúng – khi các Luật sư – chứng nhân của oan ức – đã nhiệt liệt tán thành điều 7 khoản 6 HP, đó là một điều các giới chức điều khiển guồng máy Tư pháp phải suy nghĩ.
2.- Lập trường bênh vực
a) – Trình bày
37 Một số luật gia khác lại đề cao điều 7 khoản 6 HP. Luật sư TRẦN VĂN LIÊM, hiện là Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, chủ trương rằng các nhà Lập Hiến đặt ra điều khoản này để cho các đương sự khi ra trước cơ quan Cảnh sát Tư pháp khỏi bị những sự dọa nạt và làm khó dễ, khiến cho lời khai của họ không đúng sự thực, vì từ trước tới nay ai cũng nhìn nhận là có nhiều sự quá lạm trong cuộc điềi tra sơ vấn. Cho nên điều 7 khoản 6 HP có mục đích tôn trọng quyền biện hộ của các bị can, của tất cả mọi công dân trước quyền lực của Cảnh sát. Đây không phải là điều khoản bảo vệ nghề Luật sư cho họ dễ dãi hành nghề kiếm thêm lợi, mà để bảo vệ cho các công dân trước Cảnh sát cuộc. Luật sư TRẦN VĂN LIÊM cũng không đồng ý về cách giải thích của Thẩm phán NGUYỄN QUỐC HƯNG về chữ “bị can” có nghĩa là người bị truy tố rồi. Theo Ông, nhà Lập Hiến chỉ dùng chữ “bị can” theo nghĩa tổng quát mà thôi, tức đương sự là người bị điều tra, người bị gán tội hình. Tóm tắt, Ls. TRẦN VĂN LIÊM chủ trương bộ HSTT phải quy định thế nào để vừa hợp hiến, vừa bảo đảm quyền lợi của xã hội và nhu cầu cuộc điều tra. Muốn vậy, cần phải phân tách vai trò của Luật sư trong trường hợp phạm pháp quả tang với trường hợp không quả tang.
Thủ lãnh Luật sư đoàn NGUYỄN NGỌC SAN quan niệm rằng phải dung hòa nhu cầu trừng trị can phạm với sự an toàn cá nhân. Luật sư trước cơ quan Cảnh sát không nhằm giúp cho bị can trốn tội mà giúp Tòa án tìm ra sự thật. Định chế Luật sư dự kiến tại Cảnh sát tuy mới, tổ chức Tư pháp Việt Nam bấy giờ chưa theo kịp, nhưng lý tưởng của chúng ta là phải làm thế nào cho tổ chức Tư pháp theo kịp các điều khoản tân tiến của Hiến pháp, để bảo vệ hữu hiệu quyền lợi mọi công dân.
Luật sư BÙI CHÁNH THỜI lại chủ trương rằng nhà Lập pháp không thể không lưu tâm đến điều 7 khoản 6 HP đã được minh thị quy định. Nhà Lập hiến đã cho Luật sư được dự kiến lúc điều tra là để ngăn tránh những sự cưỡng bách bị can phải thú tội hay là làm những điều trái nghịch với luật pháp. Còn về sự thiếu sót nhân sự và trình độ yếu kém của nhân viên điều hành công lý, tuy có gây khó khăn cho việc thi hành luật pháp, nhưng vấn đề chính là phải làm thế nào để sự thi hành được theo sát luật pháp, chứ không thể bắt luật pháp phải theo sự tổ chức về nhân sự.
Vị Thẩm phán đề cao điều 7 khoản 6 HP một cách mạnh mẽ nhất là Ông NGUYỄN VĂN LƯỢNG. Theo Ông, đó là định chế rất tiến bộ của Hiến Pháp. Có lẽ Việt Nam là một trong những quốc gia nhỏ bé mà đã có được một điều khoản bảo vệ quyền an toàn cá nhân một cách gần như tuyệt đối. Thấm phán NGUYỄN VĂN LƯỢNG còn muốn bảo vệ quyền lợi của nghi can hơn nữa khi Ông lo ngại rằng Luật sư chỉ được dự kiến không thôi chưa đủ, vì người dự kiến chỉ được phép ngồi nghe. Nếu muốn, điều tra viên vẫn có đủ mánh khóe để gây áp lực trong thời gian tạm giữ nghi can. Cho nên, ông đề nghị khi sự giam cầm được triển hạn, bắt buộc phải có sự kiểm soát của Bác sĩ.
Còn Thẩm phán DƯƠNG ĐỨC THỤY, Phụ tá đặc biệt về Luật pháp Phủ Tổng Thống (33). không công khai chống đối điều 7 khoản 6 HP, nhưng cũng không bênh vực một cách tích cực, mà chỉ dè dặt nhận định rằng : “Về sự hiện diện của Luật sư trong cuộc điều tra sơ vấn: ...Hằng ngày, cơ quan Cảnh sát, Quân cảnh điều tra tư pháp v.v... thụ lý rất nhiều vụ, mà Luật sư – nhất là tại các Tỉnh – lại có rất ít, nên e rằng những chi tiết này khó áp dụng trong thực tế”.
b) – Nhận xét
38 Chúng ta phải nhiệt liệt tán dương ý kiến của các Luật gia danh tiếng trên và muôn đời có lẽ nghi can không thể quên được công ơn của những người đã có can đảm nhìn thẳng, nói thẳng những sự thực mà người dân thường không dám nói và những giới chức hữu quyền không biết tới, khiến cho bao nhiêu lạm dụng vẫn xảy ra từ trước tới nay.
Dân chúng sẽ an tâm hơn nhiều khi bước chân vào cơ quan điều tra sơ vấn, vì bên cạnh họ, có vị cố vấn luật pháp – tượng trưng cho Niềm tin bao la, cho tiếng nói bất khuất trước mọi cường quyền, bạo lực, tiếng nói mà cách đây hơn một thế kỉ, Hoàng-đế Nã-Phá-Luân cũng phải khiếp sợ : “Ta muốn cắt lưỡi bọn thầy cãi để họ khỏi dùng chỉ trích Chính phủ” (Je Veux qu’on puisse couper la langue aux avocats qui s’en servant contre le Gouvernement) (34).
Dầu sao, sự hiện diện của Luật sư sẽ gây khó khăn, phiền toái không ít cho các Cảnh sát tư pháp, vì từ nay, trong lúc hành sự, họ bị dòm ngó bởi những người am tường luật lệ, trình độ kiến thức tổng quát cao và đôi khi lại có địa vị quan trọng trong xã hội.
Do đó, điều tra viên dễ bị tự ti mặc cảm, quên hẳn vai trò điều khiển của mình, khiến cho Luật sư dễ dàng đánh lạc hướng cuộc điều tra. Vì Luật sư không những có quyền dự kiến, mà còn được “nói” (35), nghĩa là được phát biểu ý kiến hay đặt câu hỏi đối với thân chủ hoặc nhân chứng nếu có sự thỏa thuận của điều tra viên. Nhờ vậy, đối với các nghi can nhanh trí, Luật sư có thể nhắc khéo cách khai cung nào có lợi, qua hình thức đặt câu hỏi.
Từ cái mặc cảm tự ti này, đôi khi điều tra viên lại đổi sang thái độ tự tôn, cho mình là quyền uy và cư xử hống hách với luật sư. Hiện nay không phải điều tra viên nào cũng trầm tĩnh, lịch sự và thấu đáo luật pháp, cho nên cách ăn nói xử thế của họ sẽ gây phiền lòng cho luật sư không ít, nhất là cái cảnh không đẹp ấy lại diễn ra trước sự chứng kiến của các thân chủ. Phải chăng cũng vì quyền lợi của nghi can, vì sự lạm quyền quá đáng của cảnh sát tư pháp trong quá khứ, mà nay hiến pháp và luật pháp muốn cho quyền biện hộ được hành sử ngay khi một nghi can mới bị bắt, dù cơ quan bắt giữ ở tận các thôn xóm hẻo lánh.
D. – LẬP TRƯỜNG CỦA BỘ HÌNH SỰ TỐ TỤNG 1972
a) - Trình bày
39 Dù có ý kiến chống đối mãnh liệt, Bộ Hình Sự Tố Tụng mới đã minh thị chấp nhận sự hiện diện của Luật sư trong giai đoạn điều tra sơ vấn. Tuy nhiên cũng không có điều khỏan nào làm trở ngại quá đáng cho hoạt động của Hình cảnh lại trong vấn đề này.
Điều 38 HSTT: “Trong giai đọan điều tra sơ vấn, nghi can bị bắt giữ hoặc bị điều tra phải được cho biết ngay là phạm tội gì và có quyền được Luật sư dự kiến”.
Chính vì sự hiện diện của Luật sư mà Hình cảnh lại có nhiều bổn phận phải làm và nếu có quên sót, có thể bị trừng phạt về hình sự cũng như về kỷ luật. Thực vậy theo điều 40, “trong cuộc chấp cung đầu tiên, nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều Luật sư dự kiến, cơ quan điều tra phải báo thị bằng mọi cách, kể cả bằng điện thoại cho Luật sư biết trước hai giờ để đến dự kiến; quá hạn này cuộc điều tra bắt đầu, dầu có Luật sư hay không.
“Trong trường hợp một Luật sư đến dự kiến theo sự yêu cầu của thân nhân nghi can, cuộc chấp cung sẽ thi hành trứơc sự hiện diện của Luật sư, trừ phi trước Luật sư và điều tra viên, nghi can từ chối sự dự kiến; sự từ chối này phải được ghi vào biên bản hỏi cung.
“Trong các phiên điều tra kế tiếp, cơ quan điều tra cũng báo trước cho Luật sư như trên, trứơc khi khởi sự ghi cung”.
“Việc báo thị cho Luật sư đến dự kiến phải được ghi vào biên bản hỏi cung”.
Vi phạm điều luật này, điều tra viên sẽ bị phạt từ 601$ đến 10.000$00 (điều 44 khoản 2).
Nguyên tắc trên có một ngoại lệ: khi bị can bị bắt quả tang và được hỏi cung ngay tại chỗ thì không bắt buộc phải có sự dự kiến này (điều 42). Tuy nhiên, nếu Luật sư của nghi can đến kịp thời, điều tra viên vẫn phải có bổn phận đón nhận.
b) – Nhận xét
40 1. Theo điều 40 HSTT, “nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều Luật sư dự kiến”, Cảnh sát Tư pháp phải bảo thị bằng mọi cách cho Luật sư. Phải hiểu sự yêu cầu này như thế nào?
Chắc chắn không thể hiểu điầu 40 HSTT theo nghĩa rằng “nếu nghi can yêu cầu được có một hay nhiều Luật sư dự kiến”, Hình cảnh lại phải làm bất cứ cách nào để có đủ số Luật sư yêu cầu, vì đây là một công việc vượt quá khả năng của Hình cảnh lợi.
Sự thực, ở đây phải hiểu rằng “nếu nghi can yêu cầu được MỜI một hay nhiều Luật sư dự kiến”, Hình cảnh lại phải thay mặt nghi can mời đến. Mọi sở phí sẽ do nghi can gánh chịu.
41 2. Quyền biện hộ trứơc tiên phải được dành cho chính nghi can hành sử, vì hơn ai hết, nghi can là người hiểu rõ hòan cảnh và lý do thúc đẩy các hoạt động của mình.
Tuy nhiên có thể vì quá xúc động, vì không am tường luật pháp hay vì nhiều nguyên nhân khác, nghi can không thể tự đứng ra biện hộ cho các hành vi bị trách cứ, nên mới phải nhờ Luật sư biện hộ thay. Dầu vậy, trong mọi trường hợp, vị Luật sư vẫn phải được nghi can tín nhiệm và chấp nhận. Nếu là Luật sư do thân nhân mời tới, nghi can có quyền từ chối trứơc mặt Luật sư và điều tra viên. Sự từ chối này phải được ghi vào biên bản hỏi cung.
42 3. Nghi can có thể yêu cầu Hình cảnh lại xin chỉ định một hay nhiều Luật sư miễn phí hay không?
Tại cớ quan thẩm vấn trước đây, cũng như theo Bộ HSTT hiện nay, khi một bị can thành niên (36) phạm khinh tội múôn xin Luật sư nhiệm cách và biện hộ, Dự thẩm cũng không có quyền xin Thủ lãnh Luật sư đoàn chỉ định một Luật sư miễn phí, mà bị can phải tuân theo thủ tục tư pháp bảo trợ khá phức tạp được qui định trong Dụ số 1 ngày 8.1.1955. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ các giới chức Tư pháp hữu trách nên ban hành những chỉ thị cần thiết để nghi can có thể bắt đầu thủ tục này một cách nhanh chóng và hữu hiệu ngay tại cơ quan điều tra sơ vấn.
Riêng đối với bị can vị thành niên tại cơ quan thẩm vấn, theo điều 8 Luật số 11/58 ngày 3.7.1958, nếu đứa trẻ hoặc cha mẹ, ngừơi giám hộ hay người có phận sự gìn giữ thiếu nhi biết việc truy tố nhưng chưa chọn được Luật sư, Dụ thẩm phải yêu cầu Thủ lãnh Luật sư đòan chỉ định một Luật sư để hỗ trợ.
Nhưng rất tiếc, Bộ Hình Sự Tố Tụng và Luật số 11/58 đã không dành một bảo đảm đặc biệt nào cho các thiếu nhi phạm pháp trong giai đoạn điều tra sơ vấn. (37)
43 4. Thể thức báo thị cho Luật sư
Điều 40 HSTT dự liệu: “điều tra viên phải báo thị bằng mọi cách, kể cả bằng điện thoại”. Như vậy, không nhất thiết bó buộc điều tra viên phải sử dụng điện thoại, một phương tiện báo tin được coi là nhanh nhất, trước các phương tiện khác.
Tuy nhiên, trên thực tế có lẽ không Hình cảnh nào lại muốn sử dụng phương tiện điện thoại để báo thị vì sẽ gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật cũng như dẫn chứng, nếu bị Luật sư khiếu nại là chưa nhận được báo thị.
Để minh chứng đã thi hành xong bổn phận này, trước khi ghi cung, điều tra viên phải ghi chú vào biên bản thời gian báo thị cho Luật sư, thời gian Luật sư nhận được báo thị và thời gian bắt đầu hỏi cung, có hay không có sự hiện diện của Luật sư.
44 5. Thời gian báo thị cho Luật sư
Điều 38 Dự Luật HSTT của Hạ Viện qui định: “Cơ quan điều tra phải tức thời báo thị bằng giấy tờ cho văn phòng Luật sư biết, có 24 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhận được báo thị để đến dự kiến”. Quả thực, thời hạn 24 giờ này quá dài, có thể làm trì trệ cuộc điều tra một cách vô ích, vì nếu văn phòng Luật sư ở trong cùng quản hạt Tòa án mà sau khi được báo thị, nghi can còn bị tạm giữ 24 giờ nữa để chờ Luật sư sửa soạn đến mới được khai cung thì thật không hợp lý.
Điều 40 khỏan 1 HSTT định rằng: “Cơ quan điều tra phải báo thị ... cho Luật sư biết trước 2 giờ để đến dự kiến, quá hạn này cuộc điều tra bắt đầu, dầu có Luật sư hay không”. Vậy thời gian này khởi đầu từ lúc nào? Nói cách khác, nếu Hình cảnh lại không sử dụng điện thoại mà gửi giấy báo thì thời gian 2 giờ tính từ lúc Hình cảnh lại ký giấy báo thị hay từ khi Luật sư nhận được báo thị?
Chúng tôi chủ trương quan điểm sau hợp lý hơn, vì:
a)- Luật không định rằng “phải báo thị cho Luật sư 2 giờ trước” mà lại lại buộc “báo thị cho Luật sư biết trước 2 giờ”. Như vậy, khi Hình cảnh lại ký giấy báo gửi đi thì chắc chắn Luật sư chưa thể biết được.
b)- Giả thuyết rằng Hình cảnh lại đã tận dụng nhân viên và mọi phương tiện di chuyển trong việc báo thị, nhưng nếu thời gian 2 giờ tính từ lúc ký giấy báo thị thì cũng khó lòng Luật sư tới dự kiến kịp thời, dù văn phòng Luật sư và cơ quan điều tra cùng tọa lạc tại một nơi như Thủ đô Saigon.
Tóm lại, nên hiểu rằng thời gian 2 giờ định nơi điều 40 khỏan 1 HSTT khởi lưu từ lúc Luật sư nhận được báo thị.
Điều 40 HSTT, theo ý chúng tôi, là khởi điểm cho hành vi biện hộ, vì Luật sư phải được báo thị kịp thời mới có thể hành sử quyền biện hộ hữu hiệu. Những điều Luật căn bản này còn nhiều sơ hở, cần được bổ túc về các điểm sau:
a)– Để tránh mọi tranh luận, luật nên minh thị ấn định thời gian báo thị được tính từ khi Luật sư nhận được báo thị.
b)- Thời gian này phải được gia tăng nếu văn phòng Luật sư ở xa cơ quan điều tra sơ vấn. trước đây, Huấn thị Liên Bộ ngày 5.6.1969 chấp thuận tăng thời gian trong trường hợp này gấp ba lần thời gian báo thị thông thường.
c)- Và để cho công việc điều tra khỏi bị đình trệ quá đáng, nếu nghi can mời nhiều Luật sư thì chỉ cần một Luật sư nhận được báo thị, cuộc hỏi cung vẫn có thể khởi sự sau thời gian chờ đợi luật định.
45 6. Luật sư tập sự có được dự kiến tại cơ quan điều tra sơ vấn không? Bộ Hình Sự Tố Tụng chỉ dùng danh từ “Luật sư”, nên theo ý chúng tôi, phải hiểu danh từ này một cách tổng quát, nghĩa là bao gồm cả Luật sư thực thụ lẫn tập sự.
Trước hết, theo truyền thống chức nghiệp, Luật sư tập sự làm việc dưới sự kiểm sóat và nhân danh Luật sư thực thụ. Trước khi hành nghề, Luật sư tập sự đã phải tuyên thệ như Luật sư thực thụ (38). Theo điều 12 Luật số 1/62 ngày 8.1.1962, “trong thời kỳ tập sự, Luật sư tập sự được dùng danh vị “Luật sư”, nhưng phải ghi thêm hai chữ “Tập sự”, được mặc sắc phục và phải tuân theo kỷ luật như một Luật sư thực thụ. Luật sư tập sự có thể biện hộ thay thế Luật sư chủ văn phòng nhưng phải nói rõ mình là Luật sư tập sự tại văn phòng ấy”.
Thứ đến, tại cơ quan thẩm vấn cũng như trước phiên xử, các Luật sư tập sự từ trước tới nay vẫn được thay mặt Luật sư thực thụ biện hộ, tuy rằng “các giấy rờ tố tụng và lý đoán đều phải do Luật sư thực thụ ký tên”. (39)
Cho nên, tại cơ quan điều tra sơ vấn, không có lý do gì để cản trở sự hiện diện của Luật sư tập sự, nhất là công việc ở giai đoạn này chỉ là “dự kiến”, chứ không phải phức tạp trườc Tòa án.
Chỉ trong trường hợp được chỉ định, Luật sư tập sự mới có thể nhân danh cá nhân mình để biện hộ. (40)
46 7. Quyền hạn của Luật sư trước Hình cảnh lại là dự kiến, “không được chặn ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế nào cho các nghi can hay nhân chứng; mỗi lần muốn nói, Luật sư phải được sự thỏa thuận của điều tra viên” (điều 41 khoản 3); nếu từ khước, điều này phải ghi vào biên bản.
Chỉ khi nào điều tra viên chấp cung thân chủ của mình, Luật sư mới đựơc quyền dự kiến. Ngoài ra, các lời khai của nghi can hay nhân chứng không phải thân chủ mình, Luật sư không được quyền biết tới hoặc bằng cách dự thính hay bằng cách than khảo hồ sơ. Tuy nhiên, khi hồ sơ của Cảnh sát Tư Pháp được chuyển tới Biện Lý cuộc thì quyền hạn của Luật sư được gia tăng nhiều hơn.
D.- VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TẠI BIỆN LÝ CUỘC
47 Biện lý có quyền kiểm soát và điều khiển Cảnh sát Tư pháp, cho nên chính “Biện lý có thể tự mình thực hiện hay truyền thực hiện những hành vi cần thiết để truy tầm và truy tố những vi phạm Luật hình” (điều 34 HSTT). Khi đó, Biện lý có tất cả quyền hạn của một Hình cảnh lại để mở cuộc điều tra.
Trong trường hợp phạm pháp quả tang, khi Biện lý tới phạm trường, Hình cảnh lại phải nhường quyền điều tra, trừ khi Biện lý ra lệnh cho Hình cảnh laị tiếp tục công tác (Điều 61 HSTT). Nếu gặp trọng tội quả tang và Dụ thẩm chưa thụ lý, Biện lý có quyền xuất trát dẫn giải đối với mọi người tình nghi tham dự vào vụ phạm pháp (đièu 63) và Biện lý sau khi xét hỏi lý lịch và lấy cung về tội phạm, còn có quyền ký trát tống giam người phạm khinh tội quả tang mà Hình luật dự liệu phạt giam (điều 64 HSTT).
Về phương diện pháp lý, cuộc điều tra do Biện lý hay Hình cảnh lại cũng chỉ là một cuộc điều tra sơ vấn. Nhưng Biện lý hành sử nhiều quyền hành quan trọng hơn Hình cảnh lại trong khi điều tra, nên sự tham dự tích cực của Luật sư tại Biện lý cuộc là một điều rất cần thiết cho bị can. (41)
1.- Quyền hạn của Luật sư trước Biện lý
48 Theo điều 45 HSTT, Luật sư chỉ cần nạp thư biện hộ tại Biện lý cuộc xin nhiệm cách cho bị can là được hưởng các quyền hạn sau đây:
a) Tiếp xúc với bị can
Sự tiếp xúc này là một bảo đảm lớn lao cho quyền bào chữa, vì bị can sẽ được vị cố vấn pháp luật chỉ dẫn cách thức biện minh cho các hành vi của mình. Luật chỉ qui định rằng: “sau khi nạp thư biện hộ, Luật sư được quyền tiếp xúc với bị can”. Như vậy, khi nào Biện lý quyết định hỏi cung, bị can có quyền xin gặp Luật sư ngay. Nếu Luật sư chưa kịp tới, bị can có thể im lặng không khai gì cả. Trái lại trong giai đoạn thẩm cứu, bị can phải đợi Dự thẩm hỏi cung lần đầu xong, mới được phép tự do liên lạc với Luật sư (điều 109).
b)- Tham khảo hồ sơ
Với quyền hạn này, Luật sư được biết toàn thể nội vụ, gồm lời khai của các nhân chứng và nghi can khác cũng như các bằng chứng buộc tội. Nhờ đó, Luật sư có thể chỉ dẫn cho bị can biện hộ một cách thật hữu hiệu.
Điều 45 khỏan 1 HSTT qui định: “Sau khi nạp thư biện hộ, Luật sư được quyền tiếp xúc với bị can, tham khảo hồ sơ và dự kiến cuộc chấp cung tại Biện lý cuộc”. Đây chỉ là một sự liệt kê ba quyền hạn chứ không nhất thiết bó buộc Luật sư phải hành sử ba quyền này theo thứ tự ưu tiên, cho nên cách biện minh hữu hiệu nhất là Luật sư tham khảo hồ sơ trước, rồi tiếp xúc với bị can, sau đó cuộc hỏi cung mới diễn ra.
c)- Dự kiến chấp cung
Biện lý sẽ hỏi cung bị can trước sự hiện diện của Luật sư. Nhiệm vụ của Luật sư trong lúc này là dự kiến, cũng giống như trước Cảnh sát Tư pháp, nghĩa là “Luật sư không được chận ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế cho bị can hay nhân chứng. Mỗi lần muốn nói, Luật sư phải được sự thỏa thuận của Biện lý. Nếu Biện lý từ khước, sự từ khước này phải được ghi vào biên bản” (điều 45 khỏan 2).
2.- Biện lý và quyền biện hộ
49 Khi cuộc điều tra diễn ra trước Biện lý có cần tôn trọng các qui tắc bảo vệ quyền biện hộ của bị can như trước Hình cảnh lại không? Chẳng hạn Biện lý có cần phải cho bị can biết y được quyền yêu cầu Luật sư biện hộ, báo thị cho thân nhân v.v...
Theo các Ông HOÀNG TUẤN LỘC và ĐÀO MINH LƯỢNG, có hai lối giải thích : (42)
a)- Biện lý không phải áp dụng các qui tắc nói trên, vì các lẽ sau:
- Điều 44 HSTT chỉ qui định sự chế tài đối với các điầu khỏan từ điều 42 trở về trước (43), còn quyền hạn của Luật sư tại Biện lý cuộc được nói tại điều 45.
- Thời hạn điều tra tại Biện lý cuộc chỉ được điều hành tối đa là hai ngày, không thể triển hạn (k. 3 điều 45), nên sự chờ đợi thực hiện đầy đủ các thủ tục có thể không phù hợp.
b)- Nhưng cũng có thể giải thích cách khác để buộc Biện lý phải tuân theo các qui tắc trên, vì:
- Các điều 38 và kế tiếp HSTT qui định một cách tổng quát, văn từ được dùng không có phạm vi giới hạn. Danh từ cơ quan bắt giữ, cơ quan điều tra, điều tra viên.... đều có nghĩa rộng rãi, có thể áp dụng cho Biện lý cũng như Hình cảnh lại.
- Các thể thức nhằm bảo vệ quyền biện hộ phải được áp dụng trước mọi cơ quan điều tra, tại cơ quan Cảnh sát Tư pháp cũng như tại Biện lý cuộc.
50 Tuy nhiên, theo ý chúng tôi, vấn đề quan trọng cần phải quan tâm trước nhất ở đây là quyền biện hộ của bị can, chứ không thể gò bó vào văn từ hay cách xếp thứ tự trên dưới các điều luật mà giải quyết thỏa đáng được vần đề tế nhị này.
Trên đây, chúng tôi ghi nhận rằng cuộc điều tra do Hình cảnh lại hay do Biện lý thực hiện cũng vẫn là điều tra sơ vấn, nghĩa là tuy có khác đôi chút về quyền hạn giữa hai giới chức, và vai trò của Luật sư... nhưng bản chất pháp lý của hai cuộc điều tra cũng không khác gì nhau (44).
Thực vậy, khi nhận được đơn tố cáo, Biện lý có thể tự ý mở cuộc điều tra hay giao cho Hình cảnh lại. Gặp vụ phạm pháp quả tang mà Biện lý chưa tới hay không muốn tới, Hình cảnh lại có nhiệm vụ điều tra ngay. Nếu Biện lý tới, Cảnh sát phải chấm dứt công tác. Nếu Biện lý cho lệnh tiếp tục, Hình cảnh lại tiếp tục điều tra (điều 61). Sở dĩ có tình trạng này vì cả hai giới chức đều thống nhất ngành công tố, tuy cấp bậc cao thấp khác nhau, nhưng việc làm của Hình cảnh lại cũng là việc làm của Biện lý. Lúc nào Biện lý muốn Hình cảnh lại nhường quyền điều tra cho mình cũng được. Phải chăng đây là kết quả của đặc tính bất khả phân của công tố viện. Sở dĩ hành vi của Biện lý và Hình cảnh lại không có thể hòan toàn thay thế hỗ tương vì họ không cùng một đẳng cấp. tuy nhiên không phải vì thế mà hai cuộc điều tra có thể thay đổi bản chất pháp lý.
Từ đó suy ra những qui tắc về hình thức nhằm bảo vệ quyền bệin hộ đã được Hình cảnh lại tôn trọng, rồi sau đó, Biện lý mới đích thân điều tra thì không cần phải nhắc lại, vì đối với bị can, đó là những việc làm vô ích. Ví dụ: bị can đã có Luật sư hiện diện, thân nhân bị can đã được Hình cảnh lại thông báo việc tạm giữ. Vậy không lẽ Biện lý còn bỏ thời giờ làm những công tác đó?
Nhưng khi Biện lý tự ý mở cuộc điều tra ngay từ đầu thì mọi thủ tục hình thức ràng buộc Hình cảnh lại cũng phải ràng buộc Biện lý, vì lúc đó, Biện lý đã hành sử “tất cả quyền hạn của một Hình cảnh lại” (đ. 34 HSTT).
Ngoài ra, đối với những thủ tục có tính cách thường xuyên, hình cảnh alị không chỉ phải làm một lần mà mỗi lần hỏi cung đều phải tuân giữ, ví dụ thời gian hỏi cung, báo thị Luật sư... thì Biện lý không thể không tuân giữ.
E.- LUẬT ĐỐI CHIẾU
51 Luật pháp nhiều quôc gia (như Nhật Bản, Pháp) đã không dự liệu trường hợp Luật sư dự kiến trong cuộc điều tra sơ vấn.
Dầu sao, không ai phủ nhận được rằng sự hiện diện của Luật sư trước cơ quan điều tra sơ khởi sẽ bảo vệ tối đa quyền lợi của nghi can và có tác dụng ngăn chận được nhiều lợi dụng quá đáng của điều tra viên đối với nghi can. Ông Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Phi Luật Tân đã nói: “Về hình sự, không thể xét đóan công bình, nếu bị can không được Luật sư giúp đỡ. Một người học thức, một người thông minh nhất có thể không biết luật lệ, nhất là luật lệ tố tụng. Nếu không đươc người am hiểu luật pháp giúp đỡ, rất có thể đương sự bị xử phạt không phải vì đã phạm tội mà vì không biêt minh oan. Đối với những ngừơi ít học, đối với dân quê chất phát, tình trạng này càng dễ xẩy ra” (45).
Có Luật gia đã coi điều 7 khoản 6 Hiến pháp như là thế phẩm của luật “bảo thân” (habeas corpus) trong hệ thống luật Anh quốc (46) .
52 Không phải chỉ ở Việt Nam mới có cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề này. Ngay tại Hoa Kỳ, khi Tối Cao Pháp Viện qui định quyền trên, căn cứ vào tu chính án số 5 của Hiến pháp cũng đã xẩy ra cuộc tranh luận tương tự. Nhiều sĩ quan Cảnh sát Tư pháp lập luận rằng để Luật sư dự kiến tại Cảnh sát, không khác nào giúp phương tiện cho những kẻ phạm pháp tự do trở về thành phố gieo rắc tội ác (47).
Dầu vậy, từ 1961 đến nay, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã có nhiều dịp tuyên những phán quyết quan trọng trong lãnh vực này (48).
Vụ Hamilton chống Alabama (1961): theo phán quyết này, sự truy tố về một trọng tội có thể làm cho bị can bị xử tử ngoài sự hiện diện của Luật sư là một sự vi phạm tu chính Hiến pháp số 14 . (49)
Vụ Gideon chống Wainewright (1963): quyền của một bị can nghèo nàn được một Luật sư trợ giúp trước Tòa hình sự là một quyền căn bản, sự xét xử một bị can không có Luật sư là một sự vi phạm tu chính Hiếp pháp số 14. (50)
Vụ Escobedo chống Illinois (1964): TCPV hủy án của Tòa dưới đã hết tội một bị cáo căn cứ vào những lời thú tội tại Cảnh sát mà không cho đương sự biết y được quyền có Luật sư tham dự. (51)
Vụ Miranda chống Arizone (1966): Ernesto Miranda bị bắt tại nhà riêng và sau đó bị hai Cảnh sát chấp cung, nhưng trước Tòa, hai nhân viên này thú nhận rằng họ đã không báo cho nghi can biêt y có quyền được Luật sư dự kiến. TCPV không chấp nhận sự thiếu sót này. (52)
Vụ Davis chống Caroline du Nord (1966): một người bị tạm giữ tại Cảnh sát 16 ngày, không được tiếp xúc với ai ngoài điều tra viên, không được thông báo quyền từ chối cung khai cũng như quyền có một Luật sư tham dự từ lúc bắt đầu hỏi cung. Đó là sai luật. TCPV có bổn phận cứu xét tòan bộ hồ sơ và thẩm lượng tính cách hồn nhiên của những lời thú tội trong trường hợp này. (53)
53 Năm 1939, Hội Quốc Liên đã khuyến cáo: “Từ lúc bị bắt đến lúc được ra trước Dự thẩm, bị can nếu không được Luật sư giúp đỡ, có thể trả lời lầm lẫn, sơ suất trong việc minh oan, những khi cớ quan điều tra lấy cung – trong giai đọan điều tra sơ vấn, bị can cần Luật sư giúp đỡ hơn lúc nào hết. Như thế, không phải chỉ vì quyền lợi của bị can mà chính giúp cho việc phát huy sự thực, Luật sư phải được làm sứ mạng phụ tá công lý ngay từ lúc này”.
Hưởng ứng lời khuyến cáo này, nhiều quốc gia khác như Úc, Áo, Equateur, Na Uy, Hòa Lan, Phi Luật Tân, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombie, Ấn Độ, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, đều cho bị can quyền nhờ Luật sư biện hộ ngay từ lúc điều tra sơ vấn.
Tại Anh Quốc, nghi can có quyền nhờ thân nhân, bạn bè mướn Luật sư biện hộ. Khi Luật sư chưa tới, nghi can được từ chối cuộc hỏi cung của Cảnh sát. Khác với Luật Việt Nam, Luật sư tại Anh Quốc chẳng những có quyền dự kiến cuộc điều tra sơ vấn, mà còn có quyền tiếp xúc riêng tư với nghi can nữa. (54)
Pháp, Bỉ, Maroc chỉ cho bị can có Luật sư trong giai đoạn thẩm vấn trước Dự thẩm.
Tại Albanie, Bulgarie, Luật sư chỉ biện hộ trong giai đoạn xét xử mà thôi.
Tại Nga Sô, Luật sư không có quyền tham dự vào cuộc điều tra sơ vấn cũng như trước Dự thẩm, mà chỉ được bệin hộ cho bị can trước phiên xử. Tuy vậy, quyền của bị can còn bị hạn chề rất nhiều vì bị can không được tự do chọn lựa Luật sư biện hộ cho mình. Hơn nữa, trong một vụ hình, Tòa án còn được quyền cấm Luật sự biện hộ cho bị can, nếu Tòa xét thấy sự hiện diện của Luật sư trong vụ đó không hợp thời.
54 Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế, trong phiên họp thứ 19, tháng 4 năm 1963 đã khuyến cáo các quốc gia nên tuân theo các qui lệ sau đây. (55)
1.- Phải ban hành luật minh định rằng ngừơi bị tạm giữ có quyền tiếp xúc chuyện trò với Luật sư.
2.- Cảnh sát phải báo ngay cho đương sự biết y có quyền này.
3.- Đương sự được dành mọi sự dễ dàng khi tiếp xúc với Luật sư.
5.- Nếu sợ đương sự lợi dụng cơ hội này để chuẩn bị trốn thóat hoặc để trút bỏ những đồ vật khả nghi, Cảnh sát có thể sắp đặt cho một nhân viên chứng kiến cuộc tiếp xúc, nhưng không nghe được câu chuyện trao đổi.
6.- Ngừơi bị tạm giữ được phép liên lạc thường xuyên với Luật sư, không bị hạn chế quá đáng.
7.- Đương sự có quyền đòi hỏi sự hiện diện của Luật sư hoặc thân thích, bằng hữu mỗi khi bị đối chất nhận diện, để theo dõi thủ tục và đòi hỏi phải thi hành luật pháp đúng đắn.
Luật Việt Nam không hạn chế số Luật sư có thể nhiệm cách, vì điều 40 HSTT qui định: “....Nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều Luật sư dự kiến....”. Đó là một sự tôn trọng quyền được biện hộ đáng được ghi nhận.
Luật Bồ Đào Nha qui định tỉ mỉ về vấn đề này. Trong thủ tục hình sự tại Cảnh sát cũng như Dự thẩm, bị can được chọn tối đa ba Luật sư (điều 76 khỏan 2 HSTT Bồ). Theo nguyên tắc, bị can có thể tự do chọn lựa người biện hộ và nếu bị can là vị thành niên hay người bị cấm quyền, cha mẹ hoặc giám hộ sẽ chọn thay (điều 77 HSTT). Nếu không có Luật sư riêng, bị can sẽ được chỉ định trong hai trường hợp:
- Thủ tục bắt buộc phải có Luật sư tham dự.
- Bị can không đủ khả năng thuê Luật sư và yêu cầu được chỉ định.
Ngoài ra, theo học lý Bồ Đào Nha, khi bị can không tín nhiệm Luật sư chỉ định, có quyền xin đổi vị khác.
Luật nước Bồ còn dự liệu sự tham dự bắt buộc của Luật sư trong nhiều trường hợp:
- Bị can chưa đủ 17 tuổi tròn.
- Bị can câm hay điếc.
- Bị cán có thể ở trong trường hợp miễn quy.
Vi phạm những điều khỏan này, bản án sẽ bị phá vì trật tự công cộng (điều 378 khoản 1 HSTT Bồ Đào Nha).
G.- NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
1.- Lợi và hại của định chế
55 Các nhà Lập hiến và Lập pháp đã thiết lập định chế Luật sư dự kiến trong cuộc điều tra sơ vấn để ngăn ngừa nhưng lạm dụng của Cảnh sát Tư pháp. Tuy nhiên, nạn “dắt mối” liệu có vì đó, mà phát sinh không và truyền thống nghề Luật sư của nứơc ta liệu có bị suy đồi như ở nhiều nước khác chăng? Sở dĩ phải đặt vấn nạn trên vì Thẩm phán LÊ TÀI TRIỂN đã phát biểu trước Ủy Ban Tư Pháp Định Chế Thượng Nghị Viện ngày 14.1.1972 rằng: “Tại nhiều nứơc, vì Luật sư thường làm mọi công việc có những mánh khóa để bênh vực những khách hàng cho bằng được. Nhưng ở nứơc ta thì không thể, truyền thống nghề Luật sư ở nước ta khác, nghề Luật sư tuy là một nghề tự do nhưng không phải chỉ nhằm làm ra tiền, nghề đó có một tư tưởng cao quý là phụng sự công lý. Chúng tôi thiết tưởng sự can thiệp của Luật sư trong cuộc điều tra sơ vấn không cần thiết cho sự việc đó, mà chỉ làm giấy tờ thêm rườm rà và tăng thêm nạn trung gian, ta thường nói là dắt mối”.
Giữ định chế cũ, người ta sợ Cảnh sát Tư pháp lạm dụng, mà lập thêm định chế mới lại sợ nạn “dắt mối” làm ung thối nghề Luật sư cao đẹp. Có điều đặc biệt là dù bênh hay chống, lập trường nào cũng lấy quyền lợi các nghi can làm căn bản cho lý lẽ của mình.
2.- Vấn đề nhân sự quan trọng
Những bảo đảm của nghi can hữu hiệu và chính đáng hay không một phần cũng nhờ vào sự tổ chức khéo léo của một định chế, nhưng phần quan trọng vẫn phải nhờ vào cơ cấu nhân sự. Khi định chế hay mà đem cho những ngừơi xấu thi hành, người dân chưa chắc đã vui. Trái lại, dù định chế dở mà được những ngừơi tốt thi hành, người dân chưa hẳn đã khổ. Dĩ nhiên, có định chế hòan hảo, có tổ chức nhân sự hữu hiệu là một điều đáng quý, nhưng hiện tại chúng ta chưa thẻ đạt tới mục tiêu đó.
Giáo sư LARGUIER cũng chủ trương đặt nền tảng quan trọng vào vấn đề nhân sự. Nhân sự ở đây bao gồm cả Thẩm phán, Luật sư, Cảnh sát Tư pháp và mọi giới chức được trao phó nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Ngày nay người ta đang lo ngại về vấn đề thiếu sót nhân sự, nhưng thực ra mối ưu tư quan trọng nhất vẫn phải là tư cách cùng khả năng của những người thi hành luật pháp. Triết gia PLATON nói rằng: Nếu có những Thẩm phán tốt thì luật lệ xấu cũng chẳng sao. (56)
Tuy vậy, thực tế khó mà tìm ra được những luật lệ xấu. Đúng ra chỉ có những bộ luật thức thời trong không gian và thời gian hay không mà thôi. Cho nên, thường chỉ gặp những định chế tốt bị người thi hành xấu làm cho ra dở, chứ ít khi có định chế xấu được làm đẹp bởi những nhà áp dụng Luật có tính cách đứng đắn.
Do đó, dùng vai trò của Luật sư để ngăn chặn hành vi nhũng lạm của Cảnh sát Tư pháp cũng là một sáng kiến hay, nhưng nếu sơ sót thì thay vì Luật sư giúp tìm ra được sự thực, lại chính Luật sư gây trở ngại cho cuộc điều tra. Bởi vậy một số quốc gia chỉ có phép nghi can tiếp xúc với Luật sư bằng thư tín. Có quốc gia lại sắp đặt cho một nhân viên Cảnh sát chứng kiến nhưng không nghe được câu chuyện trao đổi giữa nghi can và Luật sư.
Riêng tại Việt Nam, định chế Luật sư dự kiến trước cơ quan sơ vấn chắc chắn sẽ đem lại nhiều bảo đảm cho nghi can, mặc dù Luật sư mới chỉ giữ vai trò dự kiến. Đây chỉ là thời gian trắc nghiệm, chúng ta chưa thể đòi hỏi sự tham dự tích cực hơn nữa của Luật sư theo đúng các điều khuyến cáo của Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế. Tại một quốc gia đang trên đà phát triển trong mọi lãnh vực như Việt Nam, chúng ta cần những luật lệ thích hợp với hòan cảnh đất nứơc, chứ không cần những bộ luật thật hay, thật đẹp, nhưng chỉ trên giấy tờ.
Chúng tôi quan niệm rằng vai trò “dự kiến” của Luật sư là điều kiện cần và đủ cho nghi can trong giai đọan hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta cần bổ túc điều 40 HSTT để có thể áp dụng hữu hiệu trên thực tế và trong tương lai, hy vọng sự tham dự của Luật sư trong giai đoạn điều tra sơ vấn ngày một tích cực hơn.
Đoạn 5
QUYỀN THÔNG BÁO VÀ TIẾP KIẾN THÂN NHÂN
56 Khi một gia đình có người đi mất tích, đó là một tai họa lớn lao, mọi người đều hoang mang, lo lắng đi tìm kiếm khắp nơi. Trước đây, nhân viên công lực, mỗi khi bắt người, không có bổn phận thông báo cho gia đình nghi can, nên đã gây phiền nhiễu không ít trong dân chúng.
Nhất là tại Việt Nam sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn khốc, cảnh khủng bố bắt cóc diễn ra khắp nơi, Chính quyền đang nỗ lực bảo vệ an ninh tối đa cho dân chúng, nên việc bắt bớ, giam cầm của chính phủ cần phải được tách biệt hẳn với việc bắt cóc, ám sát của đối phương.
Vì thế, điều 39 HSTT định rằng: “Trong hạn 48 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo việc bắt giữ cho một trong những thân nhân kể sau đây: Người phối ngẫu, con cháu, cha mẹ, anh chị em, theo lời chỉ dẫn của nghi can.
“Nếu một trong những người kể ở đọan trên tự động tìm đến hỏi, cơ quan liên hệ phải cho họ biêt lý do bắt giữ”.
A.- MỤC ĐÍCH ĐIỀU 39 HÌNH SỰ TỐ TỤNG
57 Mục đích của điều luật này là để cho gia đình người bị bắt được an tâm và kịp thời hành sử ngay quyền biện hộ hoặc lo thủ tục bảo lãnh cho nghi can tại ngoại.
Kể từ nay, việc báo tin cho thân nhân nghi can không còn diễn ra trong sự lén lút nữa, vì đã trở thành một quyền pháp định. Nếu sơ suất, Hình cảnh lại sẽ bị phạt từ 601$ đến 10.000$ và phạt tù từ 6 ngày đến một tháng hoặc một trong hai hình phạt này (điều 44 khoản 1 HSTT).
Điều luật trên quả thực tiến bộ. Nếu luật bắt chính nghi can phải báo tin cho gia đình (như luật Jordanie) thì việc báo tin này có kết quả hay không, nhanh hay chậm tùy thuộc cách điều động nhân viên và sự mẫn cán của Hình cảnh lợi. Thành ra lạm dụng vẫn còn.
B.- TRƯỜNG HỢP DI CHUYỂN NGHI CAN
58 Tuy nhiên, một vấn đề tế nhị cần đặt ra là khi Hình cảnh lại một địa phương bắt giữ, sau đó phải di chuyển nghi can tới một địa phương khác vì nhu cầu điều tra hay vì có lệnh của Thượng cấp. Vậy có cần phải báo lại cho thân nhân nghi can không, và nếu có, cơ quan nơi đi hay nơi đến phải báo?
Luật không minh thị giải quyết trường hợp này, chúng tôi đề nghị ngay khi làm thủ tục giải giao nghi can đến địa điểm mới, Hình cảnh lại nơi đang tạm giữ sẽ đảm trách công việc báo tin này. Giải pháp đề nghị có lợi là Hình cảnh lại dễ dàng tìm đúng thân nhân mà nghi can đã yêu cầu được thông báo và người này cũng không bỡ ngỡ khi cần phải hỏi thêm tin tức để tìm ra cơ quan tạm giữ mới.
C.- THỂ THỨC TIẾP KIẾN THÂN NHÂN
59 Điều 39 đã đặt trách nhiệm cho “Cơ quan bắt giữ” phải thông báo. Vậy “Cơ quan” là ai? Dĩ nhiên, không thể là nhân viên Cảnh sát Tư pháp, hay cấp chỉ huy tổng quát, mà chính là Hình cảnh lại được trao phó công việc điều tra và sẽ đệ trình biên bản cho Biện lý.
Luật không định rõ thời hạn 48 giờ bắt đầu từ đâu. Thiết tưởng, thời gian này khởi lưu từ lúc nghi can thự sự mất tự do. (57)
Luật cũng không qui định khi thân nhân tới họ có quyền tiếp xúc và tiếp tế thực phẩm, tiền bạc cho nghi can không. Chúng tôi thiết nghĩ vì lý do nhân đạo, nên để thân nhân tiếp tế lương thực, với điều kiện phải kiểm soát cẩn thận để các tài liệu khác khỏi đến tay nghi can, làm trở ngại cuộc điều tra.
Còn vấn đề tiếp tế tiền bạc, tuy tiện lợi cho các thân nhân ở xa hoặc bận việc không thể đến cung cấp lương thực thừơng xuyên cho nghi can được. Nhưng trên thực tế, rất nhiều khó khăn sẽ xẩy ra, vì nghi can có thể dùng tiền để mua chuộc điều tra viên hay nhân viên canh gác. Ngoài ra, trụ sở tạm giữ sẽ biến thành nơi buôn bán, mất hết vẻ uy nghiêm của một cơ quan công quyền. Hơn nữa thời gian bị tạm giữ tại cơ quan điều tra sơ vấn, không lâu, thiết tưởng, vấn đề tiếp tế tiền bạc không cần thiết.
Việc cho thân nhân tiếp kiến nghi can chỉ nên hạn chế, nếu có lý do để sợ rằng tang vật có thể bị tẩu tán, nhân chứng bị mua chuộc, bị đe dọa v.v...
Nhưng việc cho phép nghi can tiếp xúc với xã hội bên ngoài có thể gây trở ngại cho cuộc thẩm vấn sau này không? Sở dĩ phải đặt vấn đề như vậy, vì điều 109 HSTT cho Dự thẩm được quyền cấm bị can tiếp xúc với mọi người, trừ Luật sư, trong thời hạn 10 ngày và chỉ có thể gia hạn thêm 10 ngày nữa mà thôi. Vậy nếu trong khi bị tạm giữ tại cơ quan điều tra sơ vấn, nghi can đã được tiếp xúc với thân nhân thì việc ngăn cấm sau này của Dụ thẩm sợ rằng không mang lại lợi ích gì nữa.
Chúng tôi chủ trương rằng nhu cầu thẩm vấn nhiều khi khác với nhu cầu điều tra, cho nên không thể tuyệt đối cấm chỉ nghi can tiếp xúc với thân nhân trong giai đoạn điều tra sơ vấn. Hơn nữa, theo tinh thần của điều 109 HSTT thì việc hạn chế tương thông chỉ là biệt lệ. Vậy nếu cần, sẽ sửa dổi luật lệ để cho phép Hình cảnh lại trong một số trường hợp mới được cấm chỉ sự tiếp xúc và chỉ trong một thời gian nhất định mà thôi.
D.- THỂ THỨC THÔNG BÁO THÂN NHÂN
60 Phân tích kỹ điều 39 HSTT, chúng ta chú ý hai chi tiết:
a) “Trong hạn 48 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo việc bắt giữ...” (điều 39 khoản 1), nghĩa là nếu thân nhân không hay biết, Hình cảnh lại chỉ cần thông báo đã có việc bắt giữ mà thôi.
b) Trong những thân nhân nghi can “tự động đến tìm hỏi, cơ quan liên hệ phải cho biết lý do bắt giữ” (điều 39 khỏan 2). Khỏan này ý nghĩa rằng khi thân nhân đến tìm hỏi dù còn trong hạn 48 giờ, tức là họ đã biết có việc bắt giữ nghi can, Hình cảnh lại không phải thông báo sự kiện này nữa, mà chỉ cần cho biết lý do bắt giữ.
Phải chăng nhà làm luật không muốn loan báo lý do bắt giữ trước hoặc cùng lúc với việc bắt giữ để thân nhân không đủ này giờ mua chuộc nhân chứng hay phi tang? Vì thế, Hình cảnh lại chỉ được cho biết lý do bắt giữ tại cơ quan điều tra sơ vấn mà thôi.
Đ.- NGƯỜI ĐƯỢC THÔNG BÁO
61 Điều 39 HSTT liệt kê những thân nhân sau đây có thể được thông báo: “người phối ngẫu, con cháu, cha mẹ, ông bà, anh chị em, theo lời chỉ dẫn của nghi can”. Vậy theo văn tự, nghi can sẽ chọn lựa bất cứ ai trong số những ngừơi vừa kể, mà không cần phải tuân theo một thứ tự ưu tiên nào cả.
Những thân nhân được luật liệt kê có bị giới hạn, nghĩa là ngoài những người ấy còn ai khác nữa không? Chẳng hạn vì sống xa gia đình, nghi can có thể báo tin cho một bạn thân hay tình nhân để giúp đỡ hay không?
Nếu quan niệm rằng điều luật bắt thông báo cho thân nhân có mục đích nhân đạo, nhằm lo tiếp tế lương thực hoặc nhờ Luật sư biện hộ cho nghi can thì phải giải thích rộng rãi để để số người được thông báo gia tăng, có thể giúp đỡ hữu hiệu và hợp với ý muốn của nghi can hơn.
Nhưng một số tác giả (58) lại chủ trương rằng theo nguyên tắc, cuộc điều tra phải giữ bí mật, mọi sự tiết lộ cho đệ tam nhân chỉ là biệt lệ. Biệt lệ phải được giải thích chặt chẽ, do đó, sự liệt kê trên có tính cách giới hạn và nghi can không thể chọn một người nào khác hơn các người luật ấn định để được thông báo việc bắt giữ.
Chúng tôi đồng ý với lập trường thứ nhất là cần phải giải thích rộng rãi điều 39 HSTT để số người được thông báo nhiều hơn. Những lý do nới rộng không phải căn cứ vào lòng nhân đạo của Hình cảnh lại, mà vì quyền biện hộ của nghi can đòi hỏi như vậy. Những ngừơi nào có thể và được nghi can yêu cầu giúp hành sử quyền biện hộ, Hình cảnh lại phải có nhiệm vụ thông báo.
Dù vậy, cũng phải tôn trọng tính cách bí mật của cuộc điều tra như lập trường thứ nhì đã chủ trương. Danh sách những thân nhân được điều 39 HSTT đề cập tới có tính cách liệt kê, chứ không phải có tính cách hướng dẫn, cho nên không thể kể cả bạn bè hay người lối xóm. Giải thích điều 39 HSTT một cách rộng rãi, theo ý chúng tôi, có nghĩa là nên hiểu “người phối ngẫu” gồm cả chính thức lẫn bán chính thức, “con” bất kể là chính thức, tư sinh hay nghĩa dưỡng, “cháu” không cứ là mấy đời, “ông bà” gồm cả nội ngoại, ông bác, ông chú... “anh chị em” họ hàng xa gần mấy đời cũng được.
Giải thích như vậy vừa tôn trọng văn từ luật pháp vừa bảo đảm tối đa quyền biện hộ của nghi can. Tuy nhiên, ước mong trong tương lai, danh sách thân nhân được thông báo ít hạn chế hơn, giống như giải pháp của nhiều bộ luật tân tiến nước ngoài.
62 Nếu nghi can không muốn báo cho thân nhân thì sao?
Chúng tôi đồng ý với Luật sư TRƯƠNG TIẾN ĐẠT rằng mặc dù điều 7 khoản HP qui định “bị can và thân nhân phải được thông báo tội trạng” và điều 39 HSTT đã liệt kê các thân nhân đó, nhưng theo các nguyên tắc giải thích luật lý thông thường, “biện pháp thông báo tội trạng là một biện pháp nhằm bênh vực bị can, cho nên nếu bị can từ chối hoặc yêu cầu đừng thông báo, cơ quan hữu trách sẽ không được thông báo tội trạng cho thân nhân. Lý do dễ hiểu bởi vì nhiều khi có những can nhân không muốn cho gia đình biết tội trạng của mình, hoặc vì sợ xấu hổ hay vì lý do gì khác”. (59)
E.- LUẬT ĐỐI CHIẾU
63 Tại Mã Lai, người bị bắt được quyền tin ngay cho gia đình biết.
Ở Đại Hàn, Tây Đức, Nhật Bản, Trung Hoa, cơ quan bắt người có bổn phận thông báo cho gia đình, bà con, bằng hữu hay Luật sư người bị bắt giữ.
Tại Đan Mạch, nếu đương sự không muốn báo tin thì thôi. Nhưng ở Phần Lan, dù người bị bắt không muốn, nhà chức trách vẫn phải liên lạc về cư sở đương sự.
Luật Đan Mạch qui định phải báo ngay. Luật Trung Hoa cho thời gian 24 giờ. Đại Hàn cho ba ngày. (60)
Theo luật Israel, những ngừơi bị bắt có quyền yêu cầu thông báo tức khắc cho gia đình hay bất cứ ngừơi nào nghi can chỉ định, lý do và nơi giam giữ. (61)
Luật lệ Anh Quốc cho phép nghi can được dùng điện thoại, điện tín liên lạc với gia đình hay bè bạn. Cảnh sát sẵn sàng cung cấp giấy mực để nghi can viết thư. Đôi khi Cảnh sát còn đặc bĩệt cho phép nghi can tiếp xúc với người thân thuộc, nhưng phải diễn ra một cách công khai và không được trao đổi tài liện cho nhau. (62)
Tại Hoa Kỳ, nghi can có thể dùng điện thoại thông báo cho bất cứ ai: cha mẹ, Luật sư, bạn bè... (63)
64 Nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi mọi nghi can trong lãnh vực tương thông và tiếp kiến thân nhân, Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế đã khuyến cáo như sau:
1.- Phải ban hành luật minh định rằng người bị tạm giữ có quyền báo tin cho gia đình biết việc y bị bắt và nơi bị giữ. Đương sự báo tin ấy cho mọi người ở chung một nhà và những người nào khả dĩ nhờ cậy Luật sư biện hộ và tìm cách bảo lãnh tại ngoại.
2.- Đương sự được liên lạc với gia đình ngay sau khi bị bắt giữ.
3.- Luật bắt buộc Cảnh sát phải nói cho đương sự biết rõ y có quyền này và phải giúp đương sự hành sử dễ dàng quyền ấy.
4.- Nếu người bị tạm giữ là trẻ vị thành niên hoặc thiếu khả năng hành sử quyền của y, Cảnh sát phải đảm nhận công việc thông báo.
5.- Nếu vì lẽ gì việc báo tin này giúp kẻ khác trôn tránh, hoặc tiêu hủy bằng chứng hoặc nói chung là cản trở cuộc điều tra, thì có thể tạm thời ngăn cấm người bị tạm giữ không được liên lạc với gia đình. Việc ngăn cấm chỉ tạm thời cho đến khi đương sự được dẫn trình Thẩm phán hữu trách.
6.- Gặp trường hợp cần thiết, có thể hạn chê đương sự chỉ được nói đến việc bị tạm giữ, vì tội gì, nơi bị giữ, nhờ Luật sư bảo lãnh tại ngoại.
7.- Mỗi khi di chuyển ngừơi bị tạm giữ từ nơi này qua nơi khác, cũng phải tuân theo các qui lệ về quyền báo tin cho gia đình như lúc ban đầu mới bắt giữ. (64)
65 Theo bản phúc trình của Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế, nhiều quốc gia không những cho phép thân nhân mà cả bằng hữu và y sĩ (65) cũng được tiếp kiến nghi can nữa. Tuy nhiên, việc này không được làm trở ngại cuộc điều tra hay bất lợi cho an ninh và trật tự công cộng.
Đối với ngoại kiều phạm pháp, bộ HSTT năm 1972 không dự liệu thủ tục thông báo cho Sứ quán liên hệ. Nhưng theo tập tục ngoại giao, “khi có một kiều dân của mình bị bắt, đại diện ngoại giao sẽ tiếp xúc với nhà cầm quyền địa phương để biết lý do sự bắt giữ, phản đối nếu bị bắt giữ trái phép, nộp tiền bảo chứng để cho bị can, tìm nhân chứng cho bị can và dự kiến phiên tòa xét xử bị can. Tất cả những điều đó Việt Nam Cộng Hòa đều tôn trọng luật pháp quốc tế, và mỗi lần có ngoại kiều bị bắt giữ đều thông báo cho sứ quán của họ biết”. (66)
Sau cùng, bộ HSTT đã không dự trù trường hợp một số ngừơi khác, tuy không quan hệ đến việc tố tụng, nhưng cũng nên để họ tiếp xúc. Đó là những ngừơi đang cộng tác kinh doanh, buôn bán với nghi can. Sự vắng mặt bất ngờ của nghi can làm cho công việc bị đình trệ, nhiều khi gây ra những thiệt thòi quá đáng cho những người kết ước và gia đình họ. Vì vậy, luật pháp cần phải can thiệp để công việc làm ăn không bị ảnh hưởng hay ít ra giảm thiểu được càng nhiều càng tốt những thiệt hại về tài sản, do việc nghi can bị tạm giữ.
Về phần các nghi can có tín ngưỡng, cũng nên để họ tự do gặp gỡ các tu sỉ trong sứ mạng hành đạo, vì hơn lúc nào hết, các nghi can cần có những nguồn an ủi và khích lệ nơi Đức Tin Thiêng Liêng của họ.
66 Ủy Hội Luật Gia Quốc Tế đã khuyến cáo các hội viên những quy lệ sau đây:
1.- Người bị tạm giữ được phép tiếp xúc với những người bên ngoài hoặc trực tiếp hoặc qua trung gain của Luật sư hay của gia đình, về những vấn đề khẩn cấp quan hệ đến công ăn việc lam, đến sinh hoạt nghề nghiệp hoặc đến công việc gia đình.
2.- Quyền này có thể bị hạn chế hoặc cấm đóan hẳn, do những nhân viên Cành sát hữu trách tùy nghi ấn định, mỗi khi nhận xét rằng việc tiếp kiến sẽ làm cản trở cuộc điều tra.
3.- Cảnh sát có quyền kiểm sóat vịêc tương thông như buộc rằng các cuộc đàm thoại phải nói lớn tiếng cho nhân viên hữu trách nghe được. (67)
Đoạn 6
QUYỀN HƯỞNG ỨNG CÁC PHƯƠNG CÁCH ĐIỀU TRA LƯƠNG HẢO
67 Quyền biện hộ của nghi can có thể giúp trở ngại rất nhiều nếu Hình cảnh lại được sử dụng bất cứ phương cách điều tra nào.
Luật pháp đã minh thị cấm đoán một số phương chước. Chẳng hạn không thể bạo hành xâm nhập gia cư (điều 157 HL), hoặc hỏi cung bằng cách tra tấn (điều 321 và kế tiếp HL).
Tuy nhiên, có rất nhiều mưu chước không được luật minh thị đề cập đến. Nếu để Cảnh sát Tư pháp tự do hành sử, chúng ta e rằng đời tư người dân bị phanh phui quá nhiều và quyền biện hộ sẽ bị coi thường trước các bằng chứng xuất phát từ lãnh vực thầm kín nhất của con người.
Trong khi sinh sống và hoạt động, con người có đời công và đời tư. Chúng ta được quyền quan sát, phê bình, chỉ trích đời công người khác, nhưng đời tư họ là vùng cấm địa, không ai được tò mò dòm ngó.
Điều 8 khỏan 1 Hiến pháp 1967 dự liệu: “Đời tư, nhà cửa và thư tín của công dân phải được tôn trọng”, và khỏan 3 qui định: “Luật pháp bảo vệ tính cách riêng tư của thư tín; những hạn chế, nếu có, phải do một đạo luật qui định”.
Một công dân thường, khi xâm phạm vào đời tư của người khác, luật Hình cũng như Hộ sẽ can thiệp và giải quyết tương đối dễ dàng. Nhưng thực là nan giải khi chính cơ quan điều tra và thẩm vấn lại đe dọa đời sống riêng tư của người dân.
Trước cơ quan thẩm vấn, nguyên tắc lương hảo (principe de loyauté) được học lý và án lệ coi như một “nguyên lý siêu việt của luật pháp” làm căn bản cho các định chế hình sự. Vi phạm nguyên tăc này tức là hành động bất hợp pháp. “Những phương cách trái phép không hẳn là những phương sách được luật lệ dự trù và cấm đoán như việc bóc thư riêng, xâm nhập gia cư. Đủ có tính cách trái phép những hành vi phạm vào tinh thần pháp lý, không dung hợp được với những nguyên tắc, tuy không ghi trên giấy trắng mực đen, nhưng vẫn được coi là những nguyên lý siêu việt của luật pháp làm căn bản cho các định chế hình sự của ta”. (68)
Nguyên tắc này ràng buộc Dự thẩm, nhưng lại không nhất thiết chi phối chặt chẻ hoạt động của Cảnh sát (69) cho nên học lý và án lệ đều chấp nhận cho Hình cảnh lại được dùng các mưu mẹo để diều tra và cũng chính vì đó mà đời tư của công dân nhiều lúc bị xâm phạm trầm trọng.
Ông CHAUMEIL trong tác phẩm “La Police Judiciaire” (Cảnh sát Tư pháp) (70) đã mô tả tỉ mỉ những phương chước, mưu lược của Cảnh sát khi điều tra, nhưng ở đây chúng ta chỉ phân tích một số mưu kế điển hình hầu tìm ra được những nguyên tắc đại tổng, để một dàng giúp Cảnh sát Tư pháp hoạt động hữu hiệu trong công tác khám phá tội phạm, đàng khác vẫn bảo vệ được tính cách lương hảo của cuộc điều tra, nhờ đó, nghi can dễ dàng hành sử quyền biện hộ. (71)
Thông thường Cảnh sát Tư pháp thường dùng các mưu kế sau:
Phân đọan 1: Ngụy trang
Phân đọan 2: Mai phục
Phân đoạn 3: Kiểm duyệt thư tín
Phân đọan 4: Nghe chận điện thoại và ghi âm
Phân đoạn 5: Điềm chỉ viên
Phân đọan 6: Khiêu khích phạm pháp.
* * *
Phân Đoạn 1
NGỤY TRANG
I.- QUAN ĐIỂM CỦA ÁN LỆ
68 Án lệ hằng cửu đã chấp nhận cho Cảnh sát Tư pháp được ngụy trang để không ai biết được tư cách của mình trong khi tìm kiếm tội phạm. (72) Chẳng hạn một kiểm soát viên kinh tế có thể giả vờ làm thực khách đến một nhà hàng ăn uống và lập biên bản ngay nếu quản lý tính tiền quá giá luật định. (73)
BLONDET đã nhắc lại một bản án của Tòa Thượng Thẩm CHAMBÉRY chấp nhận cho Cảnh sát ngụy trang làm các con bạc để thâu thập tin tức và tổ chức vây bắt một sòng bạc. (74)
Còn FARALICQ (75) kể lại những vụ cháy nhà liên miên ở hạt Seine và Marne mà không ai biết rõ được thủ phạm. Sau cùng một nhân viên tên Calchas đã phải giả làm một tên du thủ du thực, ngủ đường ngủ chợ súôt một thời gian dài, la cà chuyện trò với những ngừơi dân bần cùng địa phương. Kết quả Calchas bắt gặp chính thủ phạm đã khoe khoang kế hoạch đốt nhà của y.
Qua những ví dụ trên, chúng ta thấy ngụy trang không phải là một phương cách gây xáo trộn xã hội, trừ khi luật minh thị bắt buộc Cảnh sát Tư pháp phải hành động với sắc phục trong một số trường hợp.
Tại Pháp quốc và trước năm 1964 tại Việt Nam, nhân viên Hiến binh (76) vì ở trong một tổ chức quân đội, với phong cách và truyền thống một quân nhân, nên luật không cho phép ngụy trang để hành động. Tuy nhiên, luật cấm ngành Hiến binh mang thường phục để hoạt động chứ không cấm người Hiến binh hoạt động đang khi mặc thường phục. (77) Chẳng hạn nhân lúc khiêu vũ công cộng, người Hiến binh với thường phục có thể lập biên bản về một âm mưu phạm pháp nguy hiểm. (78)
II.- NGỤY TRANG BẰNG ĐIỆN THOẠI
69 Một vấn đề tế nhị khác được đặt ra là sự ngụy trang có thể đi dôi với việc sử dụng điện thoại được không? Nói cách khác, nhân viên Cảnh sát có thể ngụy trang gọi điện thoại đến một nhân chứng hay nghi can để dò la tin tức không?
Thực khó tìm được câu trả lời đúng đắn nhất, vì liên tiếp trong hai bản án năm 1888 và 1952, Tòa Phá án Pháp đã lên án phương cách này.
a) Ngày 31.1.1888, Tòa Phá án họp Đại Hội Đồng để khiển trách Thẩm phán Vigneau, vì nhân khi thẩm cứu, Ông này đã gọi điện thoại đến nhà nhân chứng Legrand và nói gạt rằng Ông đang từ nhà ở đường Íena gọi lại, khiến cho Legrand lầm tưởng là được nói chuyện với Wilson – người đang bị điều tra. Ông Vigneau đã dùng kết quả cuộc điện đàm ấy để kết luận rằng Wilson có dính líu với Legrand và quyết định truy tố Wilson.
“Chiếu chỉ như vậy, Thẩm phán Vigneau đã sử dụng một mánh lới vượt khỏi nguyên tắc lương hảo mà mọi cuộc thẩm vấn tư pháp phải tôn trọng và do đó, đã cấu thành một hành vi trái với nghĩa vụ và phẩm giá của Thẩm phán”. (79)
b) Theo bản án ngày 12.6.1952, thì nội vụ xẩy ra như sau:
Công ty “Les Relais du Clos-Ry” do Planchon làm quản lý bị tịch biên các lợi tức bất hợp pháp và Imbert làm chủ tịch Hội đồng được giao phó nhiệm vụ thi hành sự tịch biên này. Imbert đề nghị Planchon cho y hưởng tất cả số tiền lời được giao hòan cho Công ty của Planchon khỏi bị phạt vạ. Plachon đi tố cáo và Biện lý truy tố kẻ vô danh đòi hối lộ. Dự thẩm ủy nhiệm cho Cảnh sát mở cuộc điều tra và làm mọi hành vi cần thiết để tìm ra sự thực. Cảnh sát trưởng Vivier thi hành tờ ủy nhiệm này để móc nối với Planchon để Planchon gọi điện thoại cho Imbert và Vivier mắc ống nghe phụ để dự thính cuộc điện đàm giữa hai người. Vivier ghi lại nội dung cuộc điện đàm trong biên bản điều tra và dùng làm bằng cớ buộc tội Imbert. Tòa Thượng Thẩm Bourges trong phiên xử ngày 20.7.1950 đã phạt Imbert ba năm tù và 500.000 quan tiền vạ về tội đòi hối lộ.
Imbert thượng tố phá bản án của Tòa Thượng thẩm với những lý do sau:
1.- Cảnh sát trưởng thi hành tờ ủy nhiệm của Dự thẩm chỉ được hành động trong phạm vi của sự ủy quyền với tất cả năng quyền của Dự thẩm, nhưng cũng phải hành động đúng với tư cách và trách nhiệm của Dự thẩm, tức là cuộc điều tra phải công khai, minh bạch, không có sự gài bẫy, lén lút.
2.- Hành động của Cảnh sát trưởng Vivier trong cách thức điều tra như vậy phải bị coi là vô hiệu, vì nhằm mục đích và kết quả trái với nguyên tắc chung của luật pháp và thủ tục, hơn nữa đã không tôn trọng đúng mức quyền biện hộ.
3.- Án của Tòa Thượng Thẩm xử phạt Imbert đã hòan toàn dựa trên những hành vi điều tra trái luật, nên không có căn bản pháp lý. (80)
70 Trong bản án trên, Tòa Phá án đã cho rằng những cú điện thoại của nguyên cáo và Hình cảnh lại khi thi hành sự ủy nhiệm của Dự thẩm, hòan toàn trái với nguyên tắc lương hảo (principe de loyauté). Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng cuộc thẩm vấn và điều tra sơ khởi không hòan tòan phải tuân theo cùng một nguyên tắc, cho nên chưa chắc gì Tòa Phá án đã quyết định như trên nếu việc nghe điện thoại chỉ do Cảnh sát thực hiện trong cuộc điều tra sơ vấn mà thôi. Vì vậy, vấn đề kể như vẫn chưa được giải quyết dứt khoát.
Luật gia L. BLONDET không tin rằng phương pháp ấy có thể đương nhiên bị lên án. Trong khi ngụy trang người ta phải dùng đến nhiều âm mưu, quỷ kế. Viên công an Calchas không phải chỉ sống cuộc đời du thủ du thực qua lớp áo mặc ngoài, mà anh ta còn phải diễn tuồng bằng cử chỉ và cách ăn nói nữa. Vì thế, mưu kế sử dụng điện thoại để thu lượm tin tức chưa chắc gì đã xảo quyệt hơn hành động của Calchas.
Chúng ta đồng ý rằng không nên dùng phương kế đó thường xuyên và thiếu suy xét vì đó là một điều khả ố, nhưng thực là vô lý khi lời nói được truyền từ miệng ngừơi này đến tai người kia thì hợp pháp mà cũng lời nói ấy khi truyền qua đường dây điện thoại thì lại không hợp pháp nữa.
III.- TIÊU CHUẨN NGỤY TRANG
71 Để kết luận, cùng với BLONDET, chúng tôi chủ trương rằng Cảnh sát Tư pháp có quyền ngụy trang để thu lượm tin tức, miễn là sự ngụy trang đó phù hợp với truyền thống đạo đức của ngành Cảnh sát và tương xứng với mức độ trầm trọng của tội phạm. Ví dụ để tìm ra tung tích vật bị mất trộm, người Cảnh sát có`thể giả dạng ngừơi mua gọi điện thoại đến tiệm cầm đồ hỏi thăm tin tức. (81) Nhưng Tòa lại cho là xấu xa và không chấp nhận vi bằng do CSTP giả dạng làm khách làng chơi để bắt gái mãi dâm hay một Cảnh sát kinh tế giả làm người mua gà để bắt một công nhân về tội bán gà quá giá. (82)
Trước một trận chiến ma túy có tầm mức quốc tế, nếu chỉ dựa vào những lý luận khe khắt để hạn chế hoạt động truy tầm của Cảnh sát là một điều rất nguy hại. Có một thế hệ thanh niên đang bị những tổ chức thật tinh vi đầu độc bằng ma túy. Người ta nói có những chủ tiệm ăn vô lương tâm pha cần sa, bách phiến vào cà phê để dụ khách hàng. Việc đầu độc ấy không phải do động lực kinh doanh, mà còn có thể do âm mưu chính trị của đối phương nữa. Bởi vậy, chẳng những không được ngăn cản mà phải nên khuyến khích các nhân viên công lực giả dạng khách hàng hay bồi bếp để khám phá ngay những tổ chức bất chính ấy.
Phân Đoạn 2
MAI PHỤC
72 Mai phục cũng gần giống với ngụy trang. Cảnh sát Tư pháp khi ngụy trang phải giấu diếm tư cách của mình, còn mai phục là ẩn nấp không cho ai biết có sự hiện diện của mình để chỉ nghe và thấy hành động của người khác. Muốn thành công chắc chắn, Cảnh sát Tư pháp phải hành động bất thần, và e rằng đó là một hình thức bất chính. Nhưng điều tra mà không có yếu tố bất thần cũng dễ thất bại như mở cuộc hành quân mà địch biết trước kế hoạch. Đối với Dự thẩm, mọi mưu kế đều tuyệt đối bị cấm chỉ, nhưng đôi khi vẫn có thể hành động bất thần để lập vi chứng các vụ phạm gian hay sưu sách: Dự thẩm không cần báo trước bằng thơ bảo đảm ngày giờ thân đáo trường sở hoặc tịch thu tang vật.
I.- PHƯƠNG CHƯỚC ĐIỀU TRA PHỨC TẠP
73 Sự mai phục không nêu lên điểm gì khó khăn nếu điễn ra tại nơi đồng bằng, chẳng hạn một nhân viên an ninh phục kích bằng lối câu cá trên sông hay nhân viên quan thuế mai phục trên đường mòn quanh núi, vì mọi người đều có quyền đi lại những nơi công cộng ấy. (83)
Ngoài ra, cũng không có gì khó khăn khi Cảnh sát Tư pháp phục kích ở một nơi riêng nhưng mọi ngừơi vẫn thường lui tới, chẳng hạn nấp dưới chân cầu thang của một ngôi nàh để bắt giữ kẻ trộm. (84)
Trái lại, mưu kế sẽ trở nên khó khăn nếu xâm phạm bí mật đời tư hoặc cuộc sống thầm kín của các công dân. Tòa án Pháp đã có nhiều lần tiêu hủy biên bản thành lập do một nhân viên Cảnh sát núp trong tủ để vi chứng câu chuyện nói qua cánh cửa (85). Vì theo SAVATIER “Đời tư người ta là một khu vườn cấm không ai được ghé mắt tò mò”. (86)
Vấn đề lại càng sớm trở nên tế nhị khi phải phân tách xem gia chủ có quyền dùng căn nhà mình để cho Cảnh sát Tư pháp phục kích khám phá các tội phạm của những người ở trong nhà không?
Thực sự, gia chủ chỉ lả chủ nơi cư ngụ của mình, nhưng không phải là chủ đời sống riêng tư của tât cả những người trú ngụ ở đó hay đến đó.
II.- MAI PHỤC VÀ NGUYÊN TẮC TƯƠNG XỨNG
74 Trên thực tế, không có những qui luật nhất định về vấn đề này. Mọi luật gia đều chấp nhận cho Cảnh sát Tư pháp được nghe lén cuộc bàn tính của bọn gian phi tại mật khu của chúng bằng cách ghé sát tai qua khe cửa hoặc nghe qua bức vách (87), vì trong trường hợp này, lợi ích của việc trừng trị quan trọng hơn sự xâm phạm quyền an tòan cá nhân của bọn người bất lương.
Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận cho Cảnh sát Tư pháp, theo kế hoạch của một người chồng ghen tuông, nấp sau cánh tủ trong phòng để vi chứng ngừơi vọ ngoại tình, nhân lúc vắng chồng, vì trong vụ này không có sự tương xứng giữa việc trừng trị và nhân cách của thủ phạm. Đối tượng của sự phục kích này là một tư nhân thường và tội ngoại tình không quan trọng đối với trật tự công cộng bằng các tội khác. (88)
Cho nên, có thể kết luận rằng vấn đề mai phục chính đáng hay không còn tùy thuộc từng vụ, nghĩa là phải làm sao dung hòa nhu cầu trừng trị với quyền an toàn trong đời sống riêng tư và đó lại chính là nguyên tắc của môn “Luật đạo đức Cảnh sát” (Code de déontologie policìere) tức là bộ luật qui định rõ các hành vi người Cảnh sát phải làm cho hợp với đạo lý.
Phân Đoạn 3
KIỂM DUYỆT THƯ TÍN
Danh từ “thư tín” được hiểu là “thư từ” và “điện tín”. Tại các thành phố lớn, bọn gian phi thường dùng thư tín để tổ chức các cuộc phạm pháp. Vì vậy, kiểm duyệt được phương tiện thông tin này, người ta khám phá ra nhiều tài liệu hữu ích cho cuộc điều tra.
I.- NGUYÊN TẮC BÍ MẬT
75 Dù sao, thư tín là những phương tiện trao đổi tâm tình, thông báo tin tức thuộc lãnh vực riêng tư của người dân.
EMILE ANGIER đã đề cao sự bí mật của các phương tiện giao dịch thư tín, khi Ông viết: “Cái dấu niêm trên phong thư đáng được tôn trọng hơn cả ổ khóa tủ sắt, ổ khóa còn có máy móc, nhưng dấu khằn thì không có tự vệ”. (89)
Điều 8 khỏan 3 HP. Qui định: “Luật pháp bảo vệ tính cách riêng tư của thư tín, những hạn chế, nếu có, phải do một đạo luật qui định”.
Để bảo vệ nguyên tắc này, bộ Hình luật đã dự liệu nhiều chế tài:
“Công chức, viên chức hay thọ phái của chính phủ nào có gian ý bóc mở hay làm dễ dàng sự bóc mở thư từ niêm kín hoặc tiết lậu bí mật thư từ, điện tín, điện thoại, sẽ bị phạt vạ từ 601 đồng đến 2.000 đồng và phạt giam từ 2 tháng đến 2 năm, hoặc một trong hai hình phạt ấy” (điều 162 HP).
Ngoài ra, người nào với ác ý tiêu hủy hay bóc mở mọi thư tín gửi cho người khác, sẽ bị phạt giam từ 11 ngày đến 1 năm và phạt vạ từ 601 đồng đến 3.000 đồng hoặc một trong hai hình phạt ấy” (điều 402 HL).
Người nào lược thủ một bức thư để chiếm tư nội dung của nó sẽ bị trừng trị bởi điều 142 HL (hình phạt khổ sai hữu hạn), nhưng với điều kiện là bức thư này gây thiệt hại cho một tư nhân. (90)
Tòa Phá án Đức quốc có dịp xử rằng cơ quan điều tra hình sự không thể xâm phạm nhật ký một người, vì trong đó, tác giả chỉ ghi lại những tình cảm, kinh nghiệm riêng tư và không hề múôn cho bất cứ một đệ tam nhân nào được coi lén (91). Trong vụ án này, có một sự mâu thuẫn giữa những lời khai của bị can trước Tòa với những điều viết trong nhật ký, cho nên Tòa Phá án mới phán định rằng sử dụng nhật ký như một bằng chứng tội phạm là vô hiệu, vì xâm lấn vào đời sống bí mật và nội tâm của con người.
Gần đây, Tòa Phá án Pháp quốc đã tuyên phán rằng không ai được quyền công bố thư tín nếu không có sự đồng ý của người gửi và người nhận. Một vụ án như sau:
Trong một tác phẩm nhan đề “Un printemps arabe” xuất bản vào tháng 3 năm 1959, Ông Benoist-Mechin đã tường trình những công tác thực hiện ở xứ Arabie Séoudite để tìm kiếm nguồn thủy lượng và cung cấp nước cho Ryadh, thủ đô của quốc gia này. Sau khi phát hành, Ông Benoist-Mechin nhận được hai bức thư, một của nhà địa chất học Karpoff, đề ngày 25.5.1959 và một của Ông Bonfils, Tổng Giám Đốc Công Ty Thủy Cục Lyon, đề ngày 27.10.1959, nhận xét rằng sự tường thuật của tác giả là “kỳ cục và xúc phạm”. Benoist Mechin đã trả lời hai bức thư này ngày 11.6 và 18.11.1959. Vào tháng 5 năm 1960, Công Ty Thủy Cục Lyon công bố một tập san nhan đề “En suivant M. Benoist-Mechin dans son “Printemps arabe”, trong đó vừa trích lại mấy đọan sách và trả lời, vừa cho in lại nội dung bốn bức thư kể trên.
Ông Benoist-Mechin kiện Công Ty Thủy Cục Lyon, Ông Karpoff và Bonfils, đòi bồi thường thiệt hại vì sự công bố những bức thư đã làm tổn thương danh dự Ông trước trước các độc giả. Ông lập luận rằng việc công bố thư từ mà không có sự ưng thuận của đương sự, không thuộc quyền người nhận cũng như không thuộc quyền Công Ty Thủy Cục Lyon.
Tòa Thượng Thẩm Paris đã xử Ông Benoist-Mechin thắng kiện. Vụ án được thượng tố trước Tòa Phá án, các nguyên thượng tố chủ trương rằng Benoist-Mechin không thể phản đối việc công bố các bức thư nói trên dựa vào một quyền giữ bí mật giả tạo, trong khi đó chỉ là một cuộc tranh chấp phát sinh từ việc xuất bản cuốn sách, trong đó tác giả đã xúc phạm đến nhân phẩm các nguyên thượng tố và họ cũng cho rằng tác giả đã nhìn nhận trong những bức thư đó, đương sự đã không được thông báo chính xác và đầy đủ. Tác giả cũng công bố ý định sẽ cung cấp những dữ kiện mà đương sự đã tường thuật với một hình thức đứng đắn và hòan bị hơn trong những lần tái bản hoặc trong một tác phẩm.
Tòa Phá án đã bác bỏ sự thượng tố và y án Tòa Thượng Thẩm Ba-lê, chấp thuận cho chính người nhận thư được nại ra quyền giữ bí mật thư tín, nhất là khi, như trong trường hợp này, nhân phẩm của Ông Benoist-Mechin cũng như sự thành thực của Ông đã bị xúc phạm nặng nề và Ông ở trong hòan cảnh không thể tự biện hộ được. Như vậy, Tòa án đã xác nhận đặc tính bi mật của các bức thư tranh tụng và đã xử rằng chúng không thể bị tiết lộ cho các đệ tam nhân, nếu không có sự đồng ý của người gửi cũng như của người nhận. (92)
II.- BIỆT LỆ
76 Điều 8 khoản 3 HP. chấp nhận việc kiểm duyệt thư tín, nhưng các thể thức phải do một đạo luật qui định.
Theo Luật sư TRƯƠNG TIẾN ĐẠT, “điều 8 HP. không đặt ra một giới hạn nào cho cơ quan lập pháp. Do đó, một đạo luật có thể cho phép cơ quan công quyền kiểm duyệt thư tín. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một lý do duy nhất có thể cho phép kiểm duyệt thư tín, đó là ích lợi công cộng, nhất là khi an ninh quốc phòng đòi hỏi. Trường hợp kiểm duyệt thư tín của tù nhân chỉ có thể biện minh bằng mục đích làm cho công lý dễ dàng đạt được”. (93)
Điều 89 HSTT qui định: “Dự thẩm có quyền khám xét bất cứ nơi nào có thể tìm ra những đồ vật cần thiết cho việc phát huy sự thật”. Do đó, đối tượng của sự sai áp có thể là thư tín.
Riêng đối với Hình cảnh lại, điều 48 khỏan 2 HSTT chỉ cho phép, trong trường hợp phạm pháp quả tang, mới được “sai áp dụng cụ và khí giới đã được dùng hay có thể dùng để phạm pháp cùng tất cả tang vật khác”.
Tóm kết, quyền kiểm duyệt thư tín được dành riêng cho Dự thẩm, trong khi thụ lý các vụ phạm pháp quả tang hay không. Chỉ còn Hình cảnh lại chỉ được sử dụng quyền này trong những vụ phạm pháp quả tang hay thi hành lệnh ủy nhiệm của Dự thẩm.
Phân Đoạn 4
NGHE CHẬN ĐIỆN THOẠI VÀ GHI ÂM
I.- PHƯƠNG TIỆN ĐIỆP BÁO NGUY HIỂM
77 Ngày nay, với sự tiến triển của khoa học và nhu cầu họat động của ngành điệp báo, máy điện thoại và ghi âm trở nên những dụng cụ nguy hiểm đối với đời sống riêng tư người dân.
Về phương diện kỹ thuật, tuy việc ngăn chặn điện thoại và ghi âm là hai hành vi khác nhau, nhưng về phương diện pháp lý, luật lệ áp dụng cho những phương tiện này chỉ là một. (94)
Qua những tài liệu mới nhất được đăng tài trên các tạp chí, chúng ta được biết một điệp viên cách xa cả mấy trăm thước, chỉ cần bắn bằng súng hơi một dụng cụ rất nhỏ như hạt vừng vào một căn phòng. Thế là từ xa điệp viên có thể nghe hết mọi câu chuyện trong phòng đó.
Kỳ lạ hơn nữa là một nơi cách xa khỏang 5 cây số, điệp viên rọi ánh sáng Laser đến địa điểm cần theo dõi, nhờ các rung chuyển của âm thanh, điệp viên sẽ thu nhận được lời nói của những người trong nhà.
Người ta chỉ cần đặt một micro vô tuyến rất nhỏ bên cạnh sợi dây điện thoại ngoài đường, cũng có thể thu được một cuộc điện đàm của đừơng dây đó.
Nhưng còn lạ lùng hơn nhiều, khi các điệp viên biến máy điện thoại tư nhân thành một máy phát thanh truyền các lời nói về địa điểm bí mật để nghe và ghi âm.
II.- QUAN ĐIỂM CỦA ÁN LỆ
Bởi thế, các phát minh này đã đặt ra nhiều cuộc tranh luận trong lãnh vực bằng chứng về hình sự cũng như hộ sự (95). Và một vấn đề gây nhiều cuộc tranh luận sôi nổi là trong cuộc điều tra, biện pháp nghe chận và ghi âm câu chuyện giữa các tư nhân có hợp pháp hay không?
a)- Lập trường chống đối
78 Liên tiếp từ năm 1888, đã có nhiều bản án bài bác kỹ thuật này. Trước đây, khi bàn về vân đề ngụy trang bằng điện thoại (96), chúng ta đã có dịp ghi nhận lập trường của Tóa Phá án Pháp trong hai bản án ngày 31.1.1888 và 12.6.1952.
Trong lãnh vực dân sự, bản án ngày 18.3.1953 (97) cũng giữ quan điểm trên.
Nội vụ xẩy ra như sau:
Vợ chồng Ông Lubrano gắn một máy điện thoại trong nhà. Hằng ngày có một kẻ vô danh gọi điện thoại tới nói những lời tục tĩu, nhục mạ họ. Vợ chồng Ông này đệ đơn xin truy tố kẻ vô danh đã gọi điện thoại làm phiền họ và xin đứng dân sự nguyên cáo. Vị Dự thẩm thụ lý vụ này đã ủy thác cho Cảnh sát một cách tổng quát là “điều tra để tìm ra thủ phạm”. Hình cảnh lại đã cho thi hành một lối điều tra độc đáo là đến nhà vợ chồng Lubrano gắn một máy ghi âm vào điện thoại của nhà này. Máy đã ghi lại được giọng nói của kẻ bất lương. Sau khi phân tích và so sánh giọng nói của những kẻ bị nghi ngờ thì một bà tên Joviot bị coi là thủ phạm.
Bà Joviot phản ứng bằng cách kiện vợ chồng Lubrano và nhân viên điều tra trước Tòa hộ để đòi bồi thừơng. Tòa Thượng thẩm bác đơn khởi tố của bà Joviot vì cho rằng vợ chồng Lubrano cũng như nhân viên điều tra phải hành động như vậy vì có sự bắt buộc. Bà Joviot thượng tố và Tòa Phá án ngày 18.3.1955 đã phá bản án này với lý do rằng:
- Cách ghi âm như vậy đã vi phạm nguyên tắc “bí mật điện đàm”.
- Căn cứ vào giọng nói ghi âm để xác định bị can và thủ phạm, là đi ra ngoài các nguyên tắc của Luât Hình sự Tố Tụng và không tôn trọng những bảo đảm cần thiết của quyền biện hộ.
- Hành động như vậy nhân viên Cảnh sát không thể coi là trong tình trạng bị bắt buộc được.
Khi bình chú án văn này, Giáo sư SAVATIER đã tán đồng quan điểm của Tòa Phá án, đại ý như sau:
- Một cuộc điều tra hình sự không thể áp dụng những phương pháp bất thường nhằm vi phạm đời sống thầm kín riêng tư của nghi can.
- Công việc điều tra hình sự phải có tinh cách lương hảo trong việc tìm kiếm sự thật và để cho nghi can được tự do bào chữa.
Trong một bản án khác, đề ngày 18.2.1958, (98) Tòa đã xác nhận sự hữu hiệu của việc ghi âm lém lút các câu chuyện của một nhân chứng. Nhưng sở dĩ Tòa quyết định như vậy, một đàng vì đương sự đã xác nhận bằng lời khai trước Dự thẩm, đàng khác, vì hành vi ghi âm được thực hiện trứơc khi mở cuộc thẩm cứu. Do đó, việc ghi âm không nhằm mục đích hay dẫn tới hậu quả là tránh né luật pháp và Dự thẩm hay người được ủy thác nếu có sử dụng, cũng vẫn không hề vi phạm quyền biện hộ. Từ đó suy ra, Tòa Phá án đã mặc nhiên lên án phương cách nghe len và thu băng, vì nếu sự việc xẩy ra trong cuộc thẩm cứu thì chắc chắn Tòa đã xừ cách khác.
Tòa Thượng thẩm Paris ngày 28.3.1960 (99) cũng không chấp nhận phương cách này do Hình cảnh lại hành sử nhân khi thi hành sử nhân khi thi hành lệnh ủy nhiệm của Dự thẩm.
Bản án trên đã minh thị loại bỏ, khi tuyên phán về nội dung, những tin tức ghi âm được tại nhà một đương sự. Chúng ta ghi nhận rằng Dự thẩm đã không xác định trong tờ ủy nhiệm rằng Cảnh sát có thể tự ý sử dụng máy nghe và trong vụ này, Cảnh sát cũng không làm hành vi khiêu khích nào.
79 Những lập luận của các bản án kể trên không phải là không xác đáng. Nhưng, như trước đây chúng tôi đã trình bày, cuộc điều tra sơ vấn với cuộc thẩm vấn không phải lúc nào cũng áp dụng chung một nguyên tắc. Có đôi khi Hình cảnh lại được sử dụng những mưu kế mà không bao giờ Dự thẩm được quyền dùng.
Trong các vụ án này, sở dĩ các Tòa àn Pháp đã mạnh mẽ chỉ trích phương pháp nghe điện thoại và ghi âm vì chính Dự thẩm hay Cảnh sát, nhân khi thi hành sự ủy thác của Dự thẩm, đã sử dụng. Đúng ra, khi đó những nguyên tắc lương hảo và siêu việt phải ràng buộc Cảnh sát cũng như ràng buộc chính Dự thẩm vậy.
Giả như trong các vụ án này, Hình cảnh lại đã tự ý hành động trong giai đoạn điều tra sơ vấn thuần túy thì không biết Tòa Tối cao sẽ phán quyết ra sao? Cho nên, chúng ta lại đi tới một lập trường mềm mỏng hơn với những lý lẽ không phải là không đáng chú ý.
c) Lập trường chấp nhận
80 Có một số ít bản văn lại chấp nhận việc nghe nhận điện thoại với vài điều kiện dè dặt.
1.- Tòa Tiểu hình hạt Seine, ngày 13.2.1957 (100) đã xử một vụ hối lộ căn cứ vào biên bản của Cảnh sát nghe chặn cuộc điện đàm, trong khi thi hành sự ủy thác của Dự thẩm. Bị can đã nêu khước biện thủ tục điều tra vô hiệu. Nhưng Tòa bác bỏ luận cứ đó và coi rằng Cảnh sát đã hành động hợp pháp trong khi thu thập bằng cớ. Cảnh sát đã không mai phục, không khiêu khích và hơn nữa bị can đã chấp nhận giải thích về những câu chuyện bị nghe chặn và cũng không dị nghị gì về câu chuyện đó.
2.- Tòa Poitiers ngày 7.10.1960 (101) xử một vụ thẩm vấn vô danh về tội ma cô, Dự thẩm đã ủy nhiệm Cảnh sát trong hạn 15 ngày nghe chận điện thoại để tìm thủ phạm. Tòa đã chấp nhận kết quả việc điều tra này, vì phương cách nghe chận điện thoại, cũng như việc sai áp thư tín, tự nó không trái nghịch với nguyên tắc căn bản của luật pháp.
3,- Tòa hạt Seine cũng cùng lập trường nêu trên trong bản án ngày 30.10.1964: (102)
Do phúc trình của Cảnh sát, Tòa được biết có một tổ chức đánh cá bất hợp pháp ở trường đua ngựa, bằng cách dùng điện thoại lén lút liên lạc với nhau. Họ thường đến một địa điểm có trang bị sẵn sàng máy móc để bàn tính. Dự thẩm ủy nhiệm cho Cảnh sát đến văn phòng điện thoại trung ương và yêu cầu các nhân viên bưu điện giúp phương tiện để tiến hành cuộc điều tra. Cảnh sát đã sắp đặt để một Hình cảnh lại ngồi nghe các cuộc điện đàm và cẩn thận ghi giờ khắc liên lạc. Một số Cảnh sát khác theo dõi những ngừơi tình nghi đến phòng điện thoại và cũng ghi giờ điện đàm. Sau cùng họ đã bắt được trọn tổ chức với đầy đủ tang chứng.
Dự thẩm chấp cung và nghe Cảnh sát như nhân chứng. Họ đều xác nhận đã nghe chận điện thoại và nhận diện các thủ phạm.
Nhưng các bị can phản đối phương cách điều tra này với những lý lẽ:
- Dự thẩm cũng như Cảnh sát không có quyền nghe như nhân chứng những cuộc điện đàm của những người có chứng tích hệ trọng phạm pháp.
- Nghe chận điện thoại là vi phạm quyền biện hộ.
- Không thể dùng cạm bẫy để bắt nghi can và nhân chứng phải khai những điều kết tội họ.
- Ghi âm những lời khai liên quan đến một tội phạm là áp đặt sự thú tội.
- Nguyên tắc bí mật điện đàm cấm mọi sự nghe chận của Hình cảnh lại.
Tòa đã bác bỏ những lập luận trên và kết phạt các bị can, với lẽ rằng sự ủy nhiệm của Dự thẩm chỉ nhằm cho phép xác định một tội phạm, chứ không có ý cho phép dùng thu đoạn thiếu lương hảo hay khiêu khích. Cần nhắc lại rằng theo biên bản đầu tiện của Cảnh sát thì tội phạm chỉ thực hiện qua đường dây điện thoại mà thôi, nên không thể chấp nhận một đặc điểm nào cho những nghi can đã dùng phương tiện đó.
Cảnh sát đã thi hành sự ủy nhiệm của Dự thẩm, nên không vi phạm bí mật điện đàm.
Hơn nũa, Tòa còn mạnh mẽ chủ trương rằng Dự thẩm được luật cho phép dùng mọi hành vi thẩm vấn nào xét ra có ích cho việc phát huy sự thực. Trong khi hành sử nhiệm vụ, Dụ thẩm có quyền khám xét tư gia mặc dù đó là nơi bất khả xâm phạm, Dự thẩm sai áp tang chứng bất kể quyền sở hữu, tịch thu thư tín bất kể bí mật liên lạc bưu chính và ban hành lệnh dẫn giải, tống giam hay bắt giam bất chấp nguyên tắc tự do cá nhân. Dự thẩm thực hiện tất cả trong phạm vi chính đáng của quyền hạn mình, chỉ có lương tâm ràng buộc Dự thẩm và Tòa án sẽ kiểm sóat các hành vi thẩm vấn của Dự thẩm.
III.- QUAN ĐIỂM CỦA HỌC LÝ
a)- Lập trường chống đối
81 Nhiều tác giả đã đả kích mãnh liệt việc nghe chận điện thoại.
CHAMBON cho rằng đó là một sự vi phạm những quy tắc luật định trong việc hỏi cung bị can và nhân chứng. Theo Ông, dùng phương tiện máy móc hay ghi âm để lén lút thu nhận câu chuyện của nhân chứng hay bị can là mộ mưu mô xảo trá không thể chấp nhận được, vì “Thẩm vấn không thể trở thành cạm bẫy”. (103)
Nhà bình chú bản án ngày 28.3.1960 của Tòa Thượng Thẩm Paris đã viết: “Những phương chước đó xúc phạm nền đạo đức cổ truyền và một lần nữa, chúng ta sung suớng ghi nhận rằng tòa án luôn luôn lo âu đến việc tôn trọng quyền tự do và đã loại bỏ những phương chước đó vì không xứng hợp với một chế độ tự do”. (104)
Còn MIMIN (105) lại cho đây là một “căn bệnh ghi âm điện đàm” (syndrome magnéto-téléphonique) và Ông phát biểu như sau: “Mặc dù không có văn kiện nào cấm đoán, cũng phải gạt bỏ, vì những lý do thích đáng, một số phương cách ma giáo trong guồng máy tư pháp, ngay cả khi định dùng nó để chống lại trọng tội”.
b)- Lập trường chấp nhận
82 Những tác giả tán đồng phương pháp thu băng lại đưa ra các lập luận sau:
Khi bài bác kỹ thuật ghi âm, ngừơi ta nói rằng máy móc làm biến đổi giọng ngừơi và có trừơng hợp không thể quả quyết đó là giọng nói của bị can hay không. Hơn nữa, các chuyên viên còn có thể cắt nối dây băng để thay đổi ý nghĩa câu chuyện.
Nhưng lập luận này hình như không chính xác, vì giọng nói của con người cũng có các đặc điểm mà một chuyên viên không những có thể nhận ra tiếng của ngừơi đã nói, mà còn khám ra những gỉa tạo trong cuốn băng. (106) Hơn nữa, lập trường này đã lầm lẫn tín lực của bằng chứng là một vấn đề sự kiện tùy sự khôn ngoan của Thẩm phán với sự khả chấp của cách dẫn chứng là một vấn đề pháp lý mà chúng ta đang khảo cứu ở đêy. Bởi vậy, máy ghi âm, trên lý thuyết, có thể đưa đến những lầm lẫn, nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng lầm lẫn cả. Đây là lợi khí rất tốt để dẫn chứng.
Luật gia BLONDET đưa ra nhận xét sau: Vấn đề quan trọng đối với chúng ta không phải là người ta thu tiếng nói bằng phương tiện gì, nhưng là đã thu được những gì và trong hòan cảnh nào. Từ đó, BLONDET đưa tiêu chuẩn: Hình cảnh lại được ghi vào băng những điều gì họ có quyền nghe. Cũng vậy, những điều gì không đáng nghe thì Hình cảnh lại không nên ghi âm.
Tại sao lại ngăn trở không cho Cảnh sát Tư pháp len lỏi vào đám đông để ghi âm cuộc hội họp, trong khi cùng trường hợp đó, lại chấp nhận cho Cảnh sát Tư pháp được bí mật vào để ghi nhận bằng lối viết tốc ký?
Ông LÉGAL đã viết: “Không có lý do gì ngăn cản việc sử dụng máy ghi âm trong lúc mà, để tìm ra các chứng tích vật chất, việc sử dụng các phương tiện khoa học không hề gây ra một khó khăn nào”. (107)
Luật gia EISMEIN trong phần chú thích bản án ngày 16.3.1955 cũng viết rằng: “Tôi không thấy có gì là bất chính, khi thay vì dùng nhân chứng sống động, lại dùng một người máy tức là chiếc máy ghi âm để làm chứng”. (108)
SAVATIER cũng chủ trương: “Điều gì Hình cảnh lại có thể nghe một cách hợp pháp thì cũng có thể ghi âm. Và đây cũng là một nhiệm vụ của Hình cảnh lại. Việc sử dụng máy ghi âm ít gây xúc động hơn là sử dụng biên bản”. (109)
Về phần P.J. DOLL, (110) Ông cũng chủ trương rằng cuộc điều tra không phải tuân theo cùng một tiêu chuẩn như cuộc thẩm vấn, cho nên một số tác giả đã chấp nhận cho Cảnh sát được nghe chận điện thoại trước khi mở cuộc thẩm vấn chính thức. Chắc chắn Cảnh sát sẽ không trình Tòa những điều thu băng được mà không tiện ghi trong vi bằng, nhưng những tin tức thu thập lén lút như vậy sẽ cung cấp nhiều chỉ dẫn hữu ích để tiến hành cuộc điều tra.
Tuy nhiên, P.J. DOLL lại dè dặt nhận xét rằng tuy việc nghe chận điện thoại đem lại nhựng lợi ích không thể chối cãi được cho việc trừng trị tội phạm, nhưng không có bản văn chính thức nào qui định, do đò, có thể đi tới chỗ vi phạm bí mật cuộc điện đàm và phạm vào những nguyên tắc căn bản của luật pháp, luân lý và dân chủ.
Cuối cùng, vị Thẩm phán này cũng tán đồng quan điểm nên để cho Hình cảnh lại được sử dụng phương cách nghe chận điện thoại trong một số trường hợp đặc biệt.
IV.- LUẬT ĐỐI CHIẾU
83 Hiến pháp Đức quốc cấm sử dụng phương tiện ghi âm lén lút trong thủ tục hình sự, vì như vậy là vi phạm quyền tự định nhân cách (autodétermination de la personnalité), một quyền căn bản của con người. (111) Những cúôn băng nhựa dùng để ghi lại những cuộc điện đàm của nghi can không được sử dụng nữa. Mọi cuộc nghe chận điện thoại đều bị cấm chỉ. Nhưng có thể dùng như tài liệu chỉ dẫn các cuộc điện đàm đã xẩy ra rồi.
Dầu sao, nguyên tắc thích nghi (principe de la proportionnalité) lại cho phép vi phạm vào đời sống riêng tư khi trật tự công cộng đòi hỏi. (112)
Tại Hoa Kỳ, vụ Watergate đã làm rung chuyển cả chính tình Mỹ quốc cũng như dư luận thế giới, khi đảng cầm quyền nghe lén và thu băng cuộc hội họp của đảng đối lập. Nội vụ đang được cơ quan Tư pháp Hoa Kỳ thụ lý, nhưng cho tới giờ này cũng chưa có phán quyết chung thẩm nên còn quá sớm để phân tích vấn đề.
Gần đây nhất, ngày 27.81973, tại Hội Nghị Quôc Tế và Hòa Bình Thế giới qua luật pháp nhóm họp tại Abidjan (Côte d’Ivoire), trước sự hiện diện của 2.500 luật gia thuộc hơn 100 quốc gia, cựu Thẩm phán TCPV Mỹ EARL WARREN đã lên án những sự vi phạm nhân quyền và việc sử dụng sai lầm các phương tiện truyền tin tân tiến.
Không trực tiếp nói đến vụ Watergate, nhưng EARL WARREN tuyên bố rằng các kỹ thuật thông tin hiện đại có thể truyền thông hiểu biết trên khắp thế giới mà cũng có thể xâm phạm đến đời tư của các cá nhân. Tuy nhiên, Ông nói, có một sự khác biệt giữa truyền thông và thu băng nghe lén và người ta hy vọng nhà chức trách nên phân biệt ra điều đó.
84 Ngược dòng lịch sử, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lần đầu tiên trong vụ án OLMSTEAD (113) năm 1928 đã giải thích rằng việc nghe lén điện thoại không vi phạm tu chính án số 4, (114) dù luật tiểu bang có ngăn cấm phương tiện này hay không.
Nhưng đến năm 1934, điều 605 Luật Liên Bang về Thông tin (Federal Communication Act) qui định rằng: “Nếu không có sự đồng ý của người gửi, không ai có quyền ngăn chận, truyền đạt và phân phát hay công bố sự hiện hữu, nội dung, bản chất, ý định, công dụng hay ý nghĩa của việc thông tin cho bất cứ người nào”. (115)
Phần đông các Tóa án Liên Bang định nghĩa chữ “ngăn chận” trong điều 605 là lấy đi hay tịch thu trên đường đi hoặc trước khi đến nơi nhận và cho rằng không có ngăn chận khi người nhận bằng lòng hay bảo người nào cùng nghe cuộc điện đàm vào lúc đến.
Tối Cao Pháp Viện cũng chấp nhận thuận định nghĩa đó trong vụ GOLDMAN, (116) nhưng thêm rằng “ngăn chận thông thường không bao hàm sự tiếp nhận những vật gì được gửi đi trước hay vào lúc rời quyền sở hữu của người gửi hoặc sau khi hay vào lúc trở thành vật sở hữu của người nhận”.
Do đó, khi cuộc điện đàm bị Cảnh sát ghi âm vào lúc tới người nhận thì không có nghĩa ngăn chận như điều 605 qui định.
Nhiều phán quyết cũng chủ trương rằng: Không bị coi là ngăn chận điện thoại một cách gian trá, bất chính, hoặc bất cứ một phương pháp bất hợp lệ nào khi một trong những ngừơi tham dự cuộc điện đàm bằng lòng hoặc bảo cùng nghe. (117)
Từ năm 1953, có những cuộc tranh luận tại nghị trường của 18 Tiểu bang về vân đề ghi âm (Wiretapping). Trong khi 10 Tiểu bang minh thị cấm đóan thì 8 Tiểu bang khác, trong đó có Nữu Ước, lại chấp nhận phương cách nghe chận điện thoại nếu có lệnh của giới chức hữu quyền tư pháp. Tuy nhiên, TCPV chủ trương như sau: “Quốc Hội có thể đã cho rằng thà có một vài tội phạm không bị trừng trị, cũng chẳng quan trọng bằng khi các viên chức chính phủ phải nhờ đến những phương pháp xem ra không xứng hợp với nền đạo đức và hủy diệt tự do cá nhân”.
Những ngừơi ủng hộ phương cách này nhấn mạnh rằng từ 1950, tội phạm gia tăng tại Hoa Kỳ nhanh gấp bốn lần dân số, và trước mắt Cảnh sát, không có khí giới nào hữu hiệu cho bằng việc nghe chận điện thoại và họ cũng cho rằng che chở tội ác lấy cớ bảo vệ tự do cá nhân, tức đã quên rằng tự do cá nhân là một cạm bẫy một khi bị những kẻ gian phi lợi dụng.
Riêng tại Anh Quốc, việc nghe chận điện thoại được dành cho Cảnh sát trong khi điều tra những vụ liên quan đến Quốc phòng hay những tội phạm nghiêm trọng. (118)
V.- LUẬT PHÁP VIỆT NAM
85 Nguyên tắc bí mật thư tín cũng phải được áp dụng cho điện thoại và ghi âm. Tuy khỏan 1 điều 8 Hiến Pháp không minh thị nhắc tới các phương tiện này, nhưng không ai chối cãi điện thoại thuộc thành phần đời tư của công dân.
Điều 162 HL trừng phạt công chức, viên chức hay thọ phái của chính phủ có gian ý tiết lậu bí mật thư từ, điện tín, điện thoại bằng hình phạt từ 601 đồng đến 2.000 đồng và giam từ 2 thang đến 2 năm hoặc một trong hai hình phạt ấy.
Điều 403 HL còn dự liệu phạt giam từ 11 ngày đến 1 năm và phạt vạ từ 601 đồng đến 3.000 đồng hoặc một trong hai hình phạt ấy, người nào với ác ý nghe trộm hay ngăn cản mọi cuộc điện đàm giữa kẻ khác. (119)
Qua hai điều luật trên, chúng ta có những nhận xét sau đây:
- Việc nghe trộm hay ngăn cản mọi cuộc điện đàm đều phải có ác ý, nghĩa là cố tình nghe mà không có sự thỏa thuận của các đương sự.
- Điều 403 HL cấm đóan các tư nhân và nhân viên công quyền, khi không hành sử nhiệm vụ, nghe chận điện đàm.
- Luật câm “công chức, viên chức hay thọ phái của chính phủ nào có gian ý tiết lậu điện thoại”. Suy diễn từ điều luật này, chúng ta thấy nếu Hình cảnh lại ghi những điều đã nghe được ở điện thoại vào biên bản thì đó không phải là tiết lậu với gian ý. Luật chỉ cấm tư nhân ác ý nghe trộm và ngăn cản các cuộc điện đàm, nhưng không cấm tiết lậu như cấm viên chức công quyền. Điều đó giúp chúng ta kết luận rằng tư nhân đã bị cấm nghe chận thì không cần thiết phải cấm tiết lậu nữa. Còn viên chức công quyền vì luật không cấm nghe trộm nên mới phải cấm tiệt lậu vì ác ý. Nói cách khác, Hình cảnh lại vẫn có quyền nghe chận điện thoại trong khi hành sử nhiệm vụ và chỉ được tiết lậu cho giới chức hữu quyền.
86 Chúng ta đi tới một vấn đề khó khăn khác là trong trừơng hợp nào Hình cảnh lại được nghe chận điện thoại?
Cũng như những biệt lệ về việc kiểm duyệt thư tìn, chiếu điều 89 HSTT, Dự thẩm được quyền nghe chận điện thoại và ghi âm trong khi thẩm vấn các vụ phạm pháp quả tang hay không quả tang. Quy tắc này không hề trái với nguyên tắc lương hảo và siêu việt của luật pháp. Thẩm phán P.J. DOLL đã viết: “Người ta nói đến sự thiếu lương hảo và không đúng đắn. Nhưng Dự thẩm, khi sai áp và bóc thư gửi qua bưu điện, có tỏ ra thiếu lương hảo hay thiếu đúng đắn hơn khi nghe chận một cuộc điện đàm không?”. (120)
Còn đối với Hình cảnh lại, điều 48 khoản 2 HSTT cho phép trong trường hợp phạm pháp quả tang được sai áp “tất cả tang vật” có thể dùng để phạm pháp. Do đó, chỉ trong trường hợp này hay khi được Dự thẩm ủy nhiệm, Hình cảnh lại mới được nghe chận điện thoại.
Tuy nhiên, những trường hợp luật cho nghe chận điện thoại cũng chỉ là biệt lệ. Khi thực hiện công tác này, Hình cảnh lại vẫn bị ràng buộc bởi nguyên tắc lương hảo và truyền thống đạo đức. P.J. DOLL đã đề nghị các quy luật sau:
1.- Khi nghe chận điện thoại, Hình cảnh lại không được xen vào cuộc điện đàm hoặc bằng cách giả mạo tư cách hoặc khiêu khích hoặc bằng đường lối gian xảo.
2.- Trên nguyên tắc, phương cách nghe chận thuộc về Dự thẩm, việc ủy thác cho Hình cảnh lại sử dụng là biệt lệ và chỉ áp dụng khi có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội nghi can.
3.- Không được nghe chận sau khi Dự thẩm đã qui tội bị can, vì nếu không, người ta sẽ có những bằng chứng ngoài cuộc thẩm vấn hợp lệ, cũng như sẽ gặp những câu chuyện liên lạc trao đổi giữa bị can và Luật sư.
4.- Chỉ nên dùng phương cách này khi điều tra những vụ đặc biệt như hối lộ, hăm dọa giết qua điện thoại, mối lãi mãi dâm và buôn bán ma túy.
5.- Trong khi thi hành lệnh ủy của Dự thẩm, Hình cảnh lại không được tự ý sử dụng phương tiện này, mà phải có sự minh thị cho phép của Dự thẩm.
6.- Cũng cần phải thận trọng về giá trị của việc ghi âm, vì đôi khi có thể bị ngụy tạo hay cắt xén. Nên lọai bỏ những cuộc ghi âm không do Hình cảnh lại thực hiện. Tòa Thượng Thẩm Toulouse đã không cho là đủ xác tín, vì những rủi ro ngụy tạo sự thực có thể có đối với một cuộc ghi âm bán chính thức được dùng làm phương tiện dẫn chứng duy nhất trong một vụ tổ chức trốn thuế tập thể. (121)
87 Tóm lại, chúng ta một lần nữa phải đối diện cùng một lúc với hai vấn đề tương phản: nhu cầu trừng trị và bí mật đời tư. Nhiệm vụ của Hình cảnh lại là khám phá tội phạm và duy trì trật tự xã hội, nhưng không thể bảo vệ xã hội bằng cách gây rối đời tư của người dân. Chúng tôi chủ trương rằng không nhất thiết phải loại bỏ phương cách ngăn chận điện thoại trong cuộc điều tra sơ vấn. Hình cảnh lại vẫn có thể sử dụng phương tiện này với tất cả những tiêu chuẩn do học lý và án lệ đã chủ trương. Riêng đối với tự nhân, Hình luật luôn luôn cấm việc nghe chận điện thoại với gian ý, nhưng luật không cấm một đương sự đang lúc điện đàm lại ghi âm câu chuyện để làm tài liệu dẫn chứng mỗi khi cần thiết.
Trong lãnh vực dân sự, bằng chứng của máy ghi âm cũng đã gây nhiều cuộc tranh luận tại Pháp (122). Nhưng P. MIMIN không loại bỏ cách dẫn chứng này. Dầu vậy, theo Ông, đây cũng chưa phải là phương cách dẫn chứng hòan hảo. Nhân chứng có thể nói dối. Thử máu có thể lầm. Chứng thư chưởng khế có thể phát sinh việc đăng cáo giả mạo, văn thức cổ điển có thể làm lạc nghĩa, lời tự thú có thể bị sai lầm hoặc vì sợ sệt hay khoe khoang. Ghi âm cũng có thể không đầy đủ, lu mờ, bị cắt xén, ngụy tạo. (123)
Phân Đọan 5
ĐIỂM CHỈ VIÊN
88 Điểm chỉ viên là người cung cấp tài liệu, tin tức cho cơ quan hữu trách. Những tin tức này nhiều khi còn quí giá hơn cả tài liệu ghi âm.
Điểm chỉ viên nhất thời có thể là những người lương thiện vì ghét tội phạm nên đi tố cáo, nhưng sợ trả thù nên không muốn tiết lộ danh tánh. Nhưng thông thường, điểm chỉ viên là những người bất hảo đi tố cáo đồng bọn vì tư thù hay vì muốn lập công với Cảnh sát Tư pháp.
Theo FARALICQ, Cảnh sát Tư pháp mà “từ bỏ điểm chỉ viên thì cũng như quân đội không có lấy một tổ chức phản tình báo” và Ông đã kể lại vụ án Gouffé ở Nam Mỹ mà cuộc điều tra từ lúc khởi sự đến khi bắt được tên sát nhân đều diễn tiến nhờ những thư từ trao đổi bí mật với một điểm chỉ viên nặc danh. (124)
Nhiều bản án đã chấp nhận cho Cảnh sát Tư pháp được quyền hứa với những nhân chứng nào sợ trả thù rằng sẽ không tiết lộ danh tánh họ trước Dự thẩm hay các Thẩm phán xử án vì đó là bí mật nghề nghiệp. (125)
Tòa Phá án Pháp Quốc phán rằng “Phía biện hộ được tự do tranh luận về các nguồn tin do vô danh cung cấp”.
Còn BLONDET lại chủ trương: khi cảnh sát Tư pháp ghi rằng “theo một nguồn tin đang tin cậy và tác giả xin dấu tên” thì thực sự phải nên dè dặt. Người ta có thể dùng và thường dùng những tin tức đó để khám phá ra các bằng chứng khác xác thực hơn. Chẳng hạn có thư nặc danh tố cáo một người là kẻ trộm, nhưng khi lục xét lại không tìm thấy tang vật. Vậy bằng chứng của những điều thư nặc danh tố cáo còn tùy thuộc ở kết quả của cuộc sưu sách. (126)
Kết luận, người Cảnh sát Tư pháp được quyền và nên dùng điểm chỉ viên, vì kinh nghiệm cho biết, không có điểm chỉ viên, không thể nào điều tra hữu hiệu được. Hiện tại, Cảnh sát Việt Nam đang dùng rất nhiều “điểm chỉ viên”, đó là một tổ chức tình báo nhân dân rất đáng được khuyến khích, chắc chắn sẽ mang lại nhiều thành quả tốt dẹp trong công tác khám phá và bài trừ tội phạm.
Phân Đọan 6
KHIÊU KHÍCH PHẠM TỘI
89 Những mưu kế có thể xâm phạm đến đời sống riêng tư mà chúng ta vừa trình bày ở trên thường được Cảnh sát Tư pháp sử dụng sau khi tội phạm đã xẩy ra, để thu thập bằng chứng tội phạm. Nhưng có khi họ lại khiên khích để người dân phạm tội rồi bắt giữ. Mưu kế này được thực hành trước khi tội phạm xẩy ra với mục đích làm cho nghi can hết đừơng chối tội.
Phương thức này bành trướng trong lúc nền kinh tế quốc gia lâm vào tình trạng khủng hoảng với nạn đầu cơ tích trữ, buôn bán quá giá. Kiếm được bằng chứng về những tội trạng này rất khó, vì tâm lý quần chúng khi phải mua giả chợ đen là kêu ca óan thán nhưng tố cáo thì không ai chịu làm. Do đó, Cảnh sát Tư pháp thường phải khiêu khích các chủ tiệm buôn vi phạm để lập biên bản với đầy đủ tang chứng.
I.- QUAN ĐIỂM CỦA ÁN LỆ
90 a)- Tòa Phá án và Tham chính Viện Pháp phán rằng sự khiên khích của Cảnh sát không ảnh hưởng gì tới trách nhiệm của người phạm pháp, nó không phải là một trong những trường hợp biện minh (127) hay khoan miễn (128) được bộ Hình luật qui định, cho nên bị can phạm pháp trong trường hợp này vẫn bị phạt như thường lệ.
b)- Tuy nhiên, các Tòa Thượng thẩm và Sơ thẩm lại không đồng ý với lập trường pháp lý chặt chẽ của Tòa Phá án. Nhiều phán quyết đã chống lại mưu chước khiêu khich phạm tội một cách khá mãnh liệt và có thể chia làm bốn nhóm:
1)- Phần đông các án văn và phúc quyết tuy kết án bị can với lý do rằng sự khiêu khích không bãi bỏ trách nhiệm của người phạm pháp; nhưng các bản án ấy bài xích nghiêm khắc sự khiêu khích và để bù lại, Tòa cho bị can hưởng trường hợp giảm khinh rộng rãi. (129)
2)- Một số phán quyết khác không căn cứ trên lãnh vực trách nhiệm hình sự, mà căn cứ vào vi phạm bằng chứng để tha bị can, vì sự khiêu khích phát sinh do lòng hăng say trừng trị của điều tra viên. Từ đó, Tòa án nghi ngờ yêu tố thành thực và khách quan của lời khai. (130)
3)- Có án văn lại tha bị can với lý lẽ rằng sự khiêu khích đã tạo nên một sự cưỡng bách bất khả chống cưỡng trên ý chí của bị can theo đúng ý nghĩa của trường hợp biện minh qui định trong bộ Hình luật. (131)
4)- Tuy nhiên, có một vài bản án lẻ loi chấp nhận hoặc hình như chấp nhận rằng sự khiêu khích của Cảnh sát là một phương chước hợp pháp. (132)
91 Tóm lại, án lệ của hầu hết các Tòa Thượng thẩm và Sơ thẩm hình như trùng hợp với đề nghị của Ông khoa trưởng MAGNOL là nên xét định sự khiêu khích của Cảnh sát tùy theo cường độ.
Nếu sự khiêu khích kín đáo, không gây ảnh hưởng quyết định trên ý chí của người phạm pháp thì cùng lắm chỉ nên cho bị can hưởng trường hợp giảm khinh cũng đủ vì bị can đã làm những điều họ ao ước. Đương sự phải hòan tòan chịu trách nhiệm về hành động của minh.
Trái lại, khi Cảnh sát nắm phần chủ động, dương bẫy để bị can rơi vào vòng phạm pháp thì phải thành thật nhìn rắng ý chí bị can đã bị cưỡng bách đến nỗi không thể chống cưỡng được, nên phải tha bị can chiếu theo trường hợp biện minh được dự liệu trong Hình luật. (133)
Theo BLONDET, tiêu chụẩn này tuy có lợi về mặt thực tế là Tòa án dễ chế tài những biện pháp cưỡng bách không thích đáng, nhưng về mặt pháp lý lại trái với lý thuyêt cổ điển về tình trạng cưỡng bách tinh thần.
Sự cưỡng bách này theo Hình luật không phải là bất cứ áp lực nào cũng được, mà phải là sự cưỡng chế không thể cưỡng lại được để tạo nên một duyên cớ miễn trừ. Có hai bản án đã từ chối không cho bị can hưởng đặc ân của điều 64 HLCC (tức điều 75 HL mới) khi những người này phạm pháp vì sợ bọn cướp của giết người hoặc vì sự đe dọa của tóan lính Đức sẽ giết và phát lưu con tin. (134)
Nhưng Tòa Tiểu hình Evreux lại cho là một sự cám dỗ không chống cưỡng được khi Cảnh sát giả làm người mua đưa cho bị can coi một số tiền khổng lồ để khiêu khích phạm pháp. (135)
Bản án thực quá dễ dãi tới độ nguy hiểm. Có thể nào một người lương thiện mà phải mất trí trước số tiền cho dù là lớn lao cách mấy, để đi tới chỗ giết người?
II.- QUAN ĐIỂM CỦA BLONDET
92 Cho nên, BLONDET đề nghị bốn tiêu chuẩn:
a) Khiêu khích người lương thiện phạm pháp bằng những mưu mô quá đáng là điều không chấp nhận được. Cảnh sát có nhiệm vụ trừng trị tội phạm, nhưng cũng phải ngăn ngừa tội phạm. Khiêu khích cho người dân phạm pháp, mà nếu không có sự khiêu khích ấy thì tội không xẩy ra, có khác nào chính Cảnh sát đã phạm tội không? Làm như thế cũng giống như những người lính cứu hỏa gây ra đám cháy, rồi lại hãnh diện vì đã dập tắt được ngọn lửa. (136)
Biện pháp chế tài hình sự đối với bị can tự nó không phải là điều tốt, vì không xóa bỏ được tội phạm, cũng như không cải thiện được can nhân, mà chỉ là một điều xấu cần thiết (mal nécessaire) phụ thêm vào cảnh vô trật tự đã sẵn có do tội lỗi gây ra.
Cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, nhưng chính Cảnh sát lại gây rối trật tự bằng cách xúi dân phạm tội. Đây là điều xấu thứ nhất. Sau đó, cũng lại Cảnh sát gây rối thêm một lần nữa khi trừng trị can phạm, mại cớ vì nhu cầu mà thực sự cũng chẳng đi tới đâu cả. Đây là điều xấu thứ hai.
Vậy khiêu khích trong trường hợp này tức đã vi phạm nguyên tăc thượng đẳng của luật pháp. Tòa án có quyền và có bổn phận phải tiêu hủy các biên bản đã lập.
b) Sự khiêu khích nếu chỉ biểu lộ sau khi tội phạm đã thành tựu và chỉ nhằm mục đích thu thập bằng chứng về tội phạm trước, cũng có thể chấp nhận được. Ví dụ nhân viên thuế vụ giả dạng người mua để lập biên bản bắt một người buôn họp quẹt lậu. (137)
c) Khiêu khích để có một tội phạm mới làm bằng chứng cho tội phạm đã có trước, cũng là phương cách được học lý và án lệ công nhận. Chẳng hạn mang tài vật đặt giữa nơi công cộng để gài bẫy bắt những người trước đó đã phạm một tội tương tự. (138) Ví dụ các xe hơi đậu trên lề đừơng vắng thường bị một nhóm ăn cắp gỡ kiếng và mâm chụp bánh xe, Cảnh sát khiêu khích bằng cách cũng đậu xe và mai phục quanh đó để bắt những tên trộm kiểu này và khai thác những vụ trộm trước.
Những ví dụ trên thuộc về các tội phạm đơn thường (délits simples). Tội này được cấu thành bằng một tác động hay một sự thụ động duy nhất lẻ tẻ. (139)
Khi bắt được những người hay những tổ chức chuyên nghiệp phạm tội đơn thường vì bị khiêu khích và họ thú nhận các tội đã phạm trước với đầy đủ tang chứng xác thực. Tòa sẽ trừng trị cả tội cũ lẫn tội mới. Còn nếu họ không nhận các tội trước thì theo ý chúng tôi, Tòa phải dung hợp các tiêu chuẩn đề nghị đã bàn ở trên, nghĩa là phải xem bị can có phải là người lương thiện không, cường độ khiêu khích đối với ý chí phạm pháp ra sao.
Riêng đối với tội phạm quán hành (delits d’habitude), là tội được cấu thành do nhiều tác động giống nhau như mãi dâm, hành nghề y sĩ bất hợp pháp, hành khất v.v... BLONDET phân tích sự khiêu khích tác động phạm tội với sự khiêu khích chỉ nhằm khám phá tội phạm. Mưu chước của Hình cảnh lại trong trường hợp này nhằm hai mục đích: một đàng xúi giục can nhân phạm tội mà họ không nghĩ tới, đàng khác, có mục đích trưng dẫn bằng chứng phạm pháp tương tự đã có từ trước.
Để xét định tội trạng của bị can phạm tội quán hành vì bị khiêu khích, cần phân biệt mưu chước của Cảnh sát Tư pháp thành công hay không. Nếu thành công, nghĩa là nếu bị can nhận các tội phạm trước thì kết quả sẽ biện minh cho mưu chước, vì đó chính là phương cách điều tra thuần túy. Nhưng khi ấn định hình phạt, Thẩm phán nên bỏ lần phạm tội vì khiêu khích đi và chỉ phạt những lần phạm tội vì ngẫu nhiên. Vấn đề cũng dễ dàng, vì sự khoan hồng hay nghiêm khắc đối với tội quán hành không căn cứ vào số lượng vi phạm, mà căn cứ vào nhân cách bị can.
Nếu kết quả thât bại, nghĩa là nếu bị can bị băt quả tang phạm vào hành vi khiêu khích, nhưng không chịu các tội trước, Tòa phải coi như Cảnh sát Tư pháp đã lầm lẫn và sẽ hủy bỏ thủ tục.
d) Khiêu khích định hướng tội phạm, đó là trường hợp tội phạm chắc chắn sẽ xẩy ra với sự sắp đặt của Hình cảnh lại. Ví dụ: khi nhận được đơn tố cáo một vụ đòi tiền hối lộ, Cảnh sát liền dùng ngay người tố cáo làm động lực khiêu khích, và xếp đặt cho việc trao tiền được xẩy ra đúng nơi, đúng lúc để Cảnh sát bố trí bắt. Phương pháp này có giá trị hay không còn tùy cường độ khiêu khích của Cảnh sát tác động trên ý chí phạm pháp của bị can như chúng ta đã bàn trước đây.
93 Tóm lại, những phương chước điều tra của Cảnh sát Tư pháp chỉ có thể coi là lương hào khi duy trì hữu hiệu trật tự công cộng, đồng thời vẫn bảo đảm được đời sống riêng tư của mỗi công dân.
Cảnh sát Tư pháp mỗi khi sử dụng một mưu chước nào, phải tâm niệm lời của Vị Chỉ huy trưởng Cảnh sát ở Berne: “Trong mọi hành vi, cử chỉ, Cảnh sát có một bổn phận thiêng liêng là tôn trọng nhân phẩm... Đó là tôn trọng ánh sáng thần linh mà mỗi người kể cả những người đê tiện nhất đang mang bên mình và như thế Cảnh sát cũng sẽ được kính trọng vậy”. (140)
Quyền sống an lành mà mọi người mơ ước có đôi lúc không thể thich ứng được với nhu cầu trừng trị của xã hội. Và nếu trong số những quyền lợi của con người, quyền sống thầm kín giữ một địa vị quan trọng thì những hạn chế cũng vẫn còn khá cần thiết, tuy rằng càng ít hạn chế càng tốt. Niềm ước vọng khám phá sự thật không thể đi tới chỗ tước đoạt khỏi con người những điều mà nền văn minh coi như một sự bảo vệ thiết yếu.
Có lẽ con người sẽ khôn ngoan hơn, và nền luân lý sẽ lành mạnh hơn khi tất cả chúng ta đều sống trong một căn nhà bằng kiếng của SENEQUE và nếu ánh sáng có thể rọi vào tận đáy lương tâm bằng các phương tiện máy móc để người này có thể đọc hết các tư tưởng thầm kín của người khác. Tới lúc đó thì không còn gì bí mật trong cuộc đời này nữa. Có thể một ngày kia nhân loại sẽ đi tới quãng đường ấy vì những máy móc điện tử trong lãnh vực gián điệp, đời tư của con người đã bị phanh phui rất nhiều, đến nỗi một Nghị sĩ Hoa Kỳ đã phải kêu lên: “Chúng ta đang sống trong một xã hội trần truồng, ở đó mỗi công dân trú ngụ trong một chiếc bình thủy tinh nuôi cá”. (141) Đó có lẽ cũng chính là ngôi nhà bằng kiếng mà Senèque nói đến.
Nhưng từ đây cho tới đó, chắc còn xa lắm. Vậy thì “Đối với nhà riêng của mình cũng như với bản ngã, đối với cư sỡ cũng như với nhân thân, dù thế nào đi nữa, trên nguyên tắc, con người được quyền sống an lành trong khu vực riêng của mình”. (142)
Và để cho tư nhân được an tòan sinh sống, không phải lo sợ những mưu chước của Cảnh sát Tư pháp, các Thẩm pháp phải có nhiệm vụ kiểm sóat, hướng dẫn, đôn đốc họ làm việc đúng luật và nếu cần sẽ có biện pháp thích nghi đối với mọi lầm lỗi sơ sót. Thẩm phán không thể sai phái, hạch sách Cảnh sát Tư pháp quá đáng, nhưng cũng không thể suồng sã, nhu nhược, vì Thẩm phán và Cảnh sát Tư pháp đều ở trong một tổ chức có tôn ti trật tự, cùng có bổn phận cộng tác với nhau bằng tất cả thành tâm thiện chí để phục vụ lý tưởng chung: kiến tạo một xã hội an bình và thượng tôn luật pháp.
Đoạn 7
QUYỀN BIỆN HỘ CỦA NGHI CAN THIẾU NHI
94 Chấp nhận và qui định những nguyên tắc áp dụng trong cuộc điều tra sơ vấn là đặc điểm của Bộ Hình Sự Tố Tụng Việt Nam cũng như Bộ Hình Sự Tố Tụng Pháp Quốc. Nhưng tiến bộ hơn, Bộ HSTT Việt Nam đã có nhiều điều khỏan bảo vệ quyền lợi của nghi can trong cuộc điều tra mà Bộ Hình Sự Pháp Quốc chưa đạt được.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là Bộ HSTT Việt Nam đã đối xử bình đẳng giữa các nghi can thành niên và vị thành niên. Trong tòan thể 8 điều luật, từ điều 38 đến điều 45, nhà làm luật không cho các nghi can vị thành niên được hưởng một đặc quyền nào, dù dưới 13 tuổi, nghĩa là không có trách nhiệm hình sự theo điều 77 bộ Hình luật. Phải chăng nhà làm luật đã múôn dành vấn đề lại cho bộ luật thiếu nhi tương lai?
Vấn đề điều tra sơ vấn nghi can vị thành niên rất quan trọng, vì các hành vi vật chất hay pháp lý của thủ tục này có thể gây nhiều hậu quả nguy hại trầm trọng cho những tâm hồn non trẻ.
Thực vậy, những khảo sát của khoa Phạm tội học chứng tỏ rằng bắt giữ là một sự kiện quan trọng đối với kè sơ phạm, nó gây ra các phản ứng tâm lý để đưa đẩy con người vào tình trạng tái phạm. Sau khi bị bắt giữ, cuộc chất vấn bắt đầu. Điều tra là một nghệ thuật, nhưng trên thực tế, phải công nhận rằng phải có những điều tra viên dùng các phương cách kém lương hảo mà luật pháp cũng như truyền thống đạo đức không cho phép.
a)- Quan niệm tân tiến
95 Chế độ hình sự thiếu nhi được qui định nơi lậut số 11/58 ngày 3.7.1958 đã bị chỉ trích vì chỉ đem lại những canh cải nửa vời và Tòa án thiếu nhi vẫn duy trì quan niệm trừng trị cổ điển. (143)
Một ủy ban họat động dưới sự bảo trợ của Bộ Xã hội và Cơ quan Văn Hóa Á Châu đã hình thành Dự thảo Luật Thiếu Nhi phạm pháp. Để theo đuổi mục đích trị liệu thiếu nhi phạm pháp, Dự thào này đã thiết định chức vụ Thẩm phán thiếu nhi trong cơ cấu tổ chức Tòa án Thiếu nhi. Vị Thẩm phán này vừa có quyền điều tra, với những phương cách mềm dẻo, không nệ thức, vừa có quyền quyết định một cách tạm thời hay vĩnh viễn các biện pháp giáo hóa sau cuộc điều tra xã hội và quan sát khoa học. Thứ đến, Dự thảo còn qui định chế độ tự do có kiểm trợ, chế độ này có ba đặc tính: tạm thời, thử thách và giáo hóa. Tạm thời trong giai đọan thẩm cứu hay điều tra của Dự thẩm hay Thẩm phán thiếu nhi, thử thách trước khi Tòa án Thiếu nhi quyết định về nội dung vụ án và giáo hóa sau khi Tòa án Thiếu nhi xét định về nội dung.
Cơ quan kiểm trợ được thiết lập bên cạnh Tòa án Thiếu nhi, hoạt động dứơi sự theo dõi của Thẩm phán Thiếu nhi.
Sau hết, Dự thẩm cũng thiết lập một Trung tâm quan sát để tiêp nhận các thiếu nhi trong khi chờ phán quyết của Tòa án. Nhiệm vụ của Trung tâm này là quan sát các hành vi và tính tình đứa trẻ để xếp loại và đề nghị các biện pháp giáo hóa thích nghi.
Ngoài những cớ cấu trên, quan niệm về hình sự thiếu nhi cũng thay đổi rõ rệt. Sự phạm pháp của thiếu nhi là một căn bệnh phải trị liệu, chứ không phải là một tội lỗi phải trừng phạt. Vì vậy, chế tài trong Dự thảo chỉ là biệt lệ và chỉ được tuyên phán sau câu hỏi bó buộc: “Có nên áp dụng cho bị can hình phạt hay không?” Cũng vì vậy, thời gian áp dụng các biện pháp giáo hóa không lệ thuộc vào bản chất của tội phạm (điều 26 và 27 DT). Từ quan niệm tân tiến ấy, Dự thảm đã chú trọng vào điều tra xã hội, quan sát ác tính, thử thách mức độ cảm hóa hơn là điều tra về tội phạm. Yếu tố vật chất của tội phạm tuy là điều kiện để tuyên phán biện pháp giáo hóa, nhưng lại là yếu tố thứ yếu để phán định về biện pháp được áp dụng.
b)- Điều tra thiếu nhi phạm pháp
96 Với các quan niệm tân tiến trên, có thể chủ trương rằng cuộc điều tra sơ vấn thiếu nhi phạm pháp không còn tính cách phức tạp nữa. Chỉ cần một cuộc điều tra giản lược và thu gọn để Biện lý có thể phát động công tố quyền và Dự thẩm hay Thẩm phán Thiếu nhi thụ lý. Lại nữa, cơ quan điều tra sơ vấn có thể được Thẩm phán Thiếu nhi giao cho nhiệm vụ điều tra thông thường. (144) Vì vậy, cuộc điều tra sơ vấn thiếu nhi phạm pháp có thể giản lược trong việc nghe nhân chứng và thiếu nhi, quan sát phạm trường và đúc kết trong một phúc trình giản yếu, tất cả không nệ thức, hòan thành trong khỏang thời gian ngắn, với mục đích đưa tới sự thụ lý của những cơ cấu chuyên môn.
Ngoài ra, trên nguyên tắc, sự phòng ngừa bao giờ cũng hữu hiệu hơn sự trị liệu. Do đó, trong cuộc điều tra, có lẽ nên giao cho Thẩm phán Thiếu nhi thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo trợ giáo dục cho các vị thành niên bị xâm hại tới sức khỏe, tinh thần hay giáo dục, như đã được thực hiện tại Pháp quốc do Dụ số 58-1301 ngày 23.12.1958. Theo Dụ này, Thẩm phán Thiếu nhi có thể áp dụng tất cả các biện pháp giáo hóa của qui chế thiếu nhi phạm pháp, ngoại trừ hình phạt chính danh, cho các lọai thiếu nhi trên, dù không có tội phạm nào xẩy ra. (145)
c)- Tôn trọng quyền biện hộ
97 Qua các nhận định trên, nguyên tắc điều hứơng cho các giải pháp bảo vệ thiếu nhi trước tiên là tôn trọng triệt để quyền biện hộ.
Bộ HSTT đã công nhận quyền dự kiến của Luật sư trong cuộc điều tra (điều 40 và kt...). Nhưng luật chỉ dự liệu thời hạn báo trước cuộc chấp cung cho Luật sư là 2 giờ, và cuộc chấp cung vẫn tiến hành dù không có Luật sư dự kiến. Đối với vị thành niên, nguyên tắc này cần được áp dụng mềm dẻo. Sự dự kiến của Luật sư rất cần thiết để vị thành niên có ý tưởng được sự che chở của một chuyên gia và cảm giác an tòan trong cuộc chất vấn.
Sau nữa, điều 54 HSTT còn dự liệu nếu cần vi chứng lập tức. Hình cảnh lại có thể nhờ chuyên viên trợ giúp. Quan niệm rộng rãi về nhu cầu trợ giúp này đã được chấp nhận trên thực tế và trong án lệ, Vì vậy, Hình cảnh lại có thể triệu dụng các y sĩ, trợ tá xã hội, các người có kiến thức chuyên môn về thiếu nhi phạm pháp, giúp ý kiến mỗi khi thực hiện một hành vi điều tra quan trọng đối với vị thành niên, như sự chấp cung, tạm giữ, dẫn tới pháp trường v.v... Sự trợ giúp này không những bảo đảm cho vị thành niên trước những nguy hại của cuộc điều tra mà còn đem lại kết quả chắc chắn cho tác vụ ấy.
Ngoài ra, Biện lý là cấp chỉ huy trực tiếp của các Hình cảnh lại trong quản hạt, có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc điều tra sơ vấn. Vì thế, Biện lý nên đích thân mở cuộc điều tra mỗi khi có thiếu nhi phạm pháp. Giải pháp này dễ dàng thực hiện khi Tòa Sơ thẩm có nhiều phó Biện lý.
Sau hết, sự tham dự của thân nhân trong cuộc chấp cung vị thành niên có thể không phù hợp với tính cách bí mật của cuộc điều tra sơ vấn để đạt được chân lý cấp thời. Nhưng các cuộc chấp cung thiếu nhi không đòi hỏi tính cách bí mật chuyên môn này. Sự hiện diện của thân nhân sẽ đem lại sự bình tĩnh và tin tưởng cho nghi can trong lúc khai cung và đồng thời phòng ngừa sự lạm dụng của điều tra viên.
KẾT LUẬN PHẦN THỨ NHẤT
98 Tóm lại, không ai có thể phủ nhận được ưu điểm của Bộ Hình sự Tố Tụng 1972 là muốn triệt để bảo vệ quyền biện hộ cho những người phạm pháp ngay trong giai đoạn điều tra sơ vấn, vì quyền biện hộ càng được đề cao thì công lý càng sáng tỏ.
Thiện chí cao cả này đã đưa Bộ Hình sự Tố Tụng Việt Nam lên ngang hàng với các bộ luật tân tiến trên thế giới.
Vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao để những điều khỏan luật ấy được áp dụng đúng đắn trong tinh thần thượng tôn luật pháp.
99 Trước hết, chính nghi can phải thấu triệt quyền hạn của mình để có thể đòi hỏi và chống đối bất cứ ai cố tình chà đạp lên quyền biện hộ thiêng liêng.
100 Sau nữa, nhiệm vụ cũng đè nặng trên vai chính Luật sư là những người được giao phó hành sử quyền tối thượng này, ngang hàng với quyền công tố, vì “nhiệm vụ của Luật sư không phải chỉ là bênh vực những quyền lợi cá nhân, nói lên tiếng nói chân thực của người dân có việc phải đến tụng đình mà thôi. Nhiệm vụ ấy còn một khía cạnh cao cả hơn là bảo vệ Công lý, là đem Chân lý soi sáng cho Công lý, là bênh vực sự cô thế chống lại cường quyền và bạo lực.
“Cũng chính vì nhiệm vụ ấy, mà từ trước đến nay, bao giờ Luật sư cũng được xem như là “Phụ tá cần thiết của Công lý”.
... “Phủ nhận quyền biện hộ, chối bỏ sự cần thiết của người biện hộ, sẽ không khác gì sự phủ nhận và cối bỏ tất cả các nguyên tắc dân chủ căn bản. Không có quyền biện hộ, hay có quyền biện hộ mà không tôn trọng, thì những quyền tự do khác của người dân, như quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận... chỉ là những danh từ trống rỗng. Bởi vì nếu không được quyền biện hộ bảo vệ thì những quyền tự do này chỉ là những sự trang trí cho một nền dân chủ giả hiệu mà thôi”. (146)
Các cơ quan điều tra sơ vấn, các Tòa án đã bắt đầu áp dụng luật lệ về quyền biện hộ chưa? Và có áp dụng nghiêm chĩnh không? Câu trả lời chính xác nhất dành cho các Luật sư.
Lập pháp, Hành pháp không tôn trọng luật lệ, Tư pháp sẽ phán xử, Nhưng khi Tư pháp không muốn áp dụng luật hay áp dụng chiếu lệ, không có cơ quan hiến định kiểm sóat và chế tài. Tất cả chỉ còn trông chờ vào phản ứng của Luật sư đòan, một tập thể có tiếng nói mạnh mẽ như vũ bão, khiến cho cường quyền và bạo lực phải khiếp nể.
Các nghi can đặt kỳ vọng rất nhiều vào Luật sư.
Truyền thống cao đẹp và oai hùng của nghề Luật sư trên khắp thế giới, qua bao thế hệ, không cho phép Luật sư nín thinh, e dè trước bất cứ âm mưu nào muốn chà đạp quyền biện hộ.
Lịch sử sẽ lên án gắt gao đòan thể Luật sư nếu những điều luật mới ban hành, dù chỉ là một dấu phẩy, không được áp dụng đúng mức.
101 Dầu sao, quyền biện hộ có mang lại lợi ích thiết thực nào cho nghi can hay không, một phần còn trông chờ vào tinh thần hiểu biết của Cảnh sát Tư pháp. Nhiệm vụ của họ là “vi chứng các vụ phạm pháp, thu thập bằng cớ và truy tầm thủ phạm *điều 13 HSTT)”. Nhưng làm sao có thể thành công trong sứ mạng đó, nếu họ coi thường quyền biện hộ? Không nên lầm tưởng rằng quyền biện hộ cản trở công việc điều tra, mà đúng ra, quyền này giúp cho cuộc điều tra tìm được sự thực. Sự thực đó chưa hẳn phải ẩn chứa trong lời thú tội của nghi can, mà có thể xuất hiện ngay trong tư thế im lặng, trong lý lẽ chối tội và trong cung cách bào chữa của Luật sư nghi can.
102 Sau cùng, chính Thẩm phán cũng không thể không đề cao quyền biện hộ, vì chính Thẩm phán xác định phạm vi quyền này và cũng chính Thẩm phán chế tài các sự vi phạm vào quyền này. (147)
Sự tôn trọng quyền biện hộ, theo Giáo sư Cambier (148) ”là một trong những yếu tố điều hòa căn bản của các mối tương quan giữa cá nhân và xã hội”. Trong thủ tục hình sự, yếu tố điều hòa này xác định mối tương quan quân bình giữa bị can và bộ máy hình sự. Nhờ đó, Chân lý có cơ hội phát triển và Công lý được mầu sắc nhân đạo. Và Thẩm phán là người trước tiên lãnh trách nhiệm bảo vệ quyền biện hộ. (149)
Tòa Phá án Bỉ quốc trong nhiều bản án đã tuyên bố rằng: “Quyền biện hộ cấu thành một nguyên tắc tổng quát của luật pháp, không thể tách rời khỏi hành vi tài phán”. (150)
Tuy quyền biện hộ của nghi can được Hiến pháp và Luật pháp xếp lên hàng đầu, nhưng còn rất nhiều quyền hạn khác cũng không kém quan trọng nhằm bảo đảm sự an toàn cá nhân cho bị can mà nếu cơ quan điều tra sơ sót cũng có thể bị chế tài.
Chú Thích:
(1) G. REMY, Vers un droit pénal suisse plus rationnel, Thèse 1960, tr. 47.
(2) Điều 1 Hình Luật Việt Nam, Thuỵ Sĩ, Pháp, Điều 8 Hình Luật Nhật Bản.
(3) Đ. 97 HSTT : …Nếu không phải là thông ngôn hữu thệ, người được chỉ định phải tuyên thệ sẽ phiên dịch các lời khai một cách trung thực.
Đ. 98 HSTT : Nhân chứng tuyên thệ khai tất cả sự thực và chỉ khai sự thực. Thiếu nhi dưới 16 tuổi được miễn tuyên thệ.
Đ. 37 HL : Người bị xử phạt tước quyền sẽ bị cấm chỉ những quyền công dân, dân sự và gia đình sau đây:….. 7/ quyền làm chứng trước công lý, lời khai của họ chỉ có giá trị chỉ dẫn.
Theo tập tục pháp lý : Dân sự nguyên cáo và trách nhiệm dân sự cũng không phải tuyên thệ.
(4) PLTS. 1961. IV. 32.
(5) Crim. 16.2.1961, Bull. Crim. No 104, tr. 199.
(6) G. STEFANI et G. LEVASSEUR, Procédure pénale, 7è éd., Dalloz 1975, tr. 242.
(7) Crim. 17.6.1964, J.C.P. 1965. II. 14028, chú thích P.C.
Crim. 27.7.1964, J.C.P 1964.II.13941, chú thích LE CLERE.
(8) Điều 241 HL : Phạm tội làm chứng gian người nào, trong cuộc điều tra tại phiên Tòa, phòng Dự thẩm, trước một Thẩm phán được Tòa ủy nhiệm, đã tuyên thệ theo luật định mà cung khai trái với sự thật và vẫn giữ lời khai ấy cho đến khi tuyên án, với ý định làm sai lạc việc xét xử để làm lợi hay làm hại cho một bên đương sự.
(9) LARGUIER, Droit de mentir, Rev. inter. Dr. pénal, 1966 tr. 156.
(10) Crim. 11.4.1964, JCP. 1964. II. 13770, chú thích LARGUIER.
(11) P. ESCANDE, JP – PP số 98.
(12) Crim. 6.1.1923, Rec. Sirey 1923. I. 185, chú thích J. A. ROUX và D. P. 1926, I.175.
C. Riom, 23.11.1960, JEP. 1961.II.11952, chú thích CHAMBON.
(13) P. BOUZAT, Traité de Droit Pénal et de Criminologie, Tom. 2, No 1227.
(14) P. BOUZAT, Op. Cit, No 1226.
(15) SEITZ, Les Principes directeurs de la procédure criminelle anglaise, thèse, Nancy, 1920.
(16) R. MERLE và A. VITU, Traité de droit criminel, tr. 752 – NCCL, The Rights of Suspects, tr. 12.
(17) ĐÀM TRUNG MỘC, Hình Luật Giảng Tập, tr. 365.
(18) TT. Huế, 22.6.1960, PLTS. 1961.II.101.
(19) PA. 6.6.1956, PLTS. 1957.II.9.
(20) Principes informulés mais certains, qu’on appelle parfois « Les principes supérieurs du droit » et sur lesquels reposent nos institutions criminelles » BLONDET – Les ruses et artifices de la police au cours de l’enquête préliminaire – JCP. 1950.I.1419.
(21) PTLS. 1962.I.145.
(22) LAMBERT, Traité théorique et pratique de police judiciaire, tr. 386 – XC. NGUYỄN QUỐC HƯNG, Hình Sự Tố Tụng, tr. 110.
(23) CHARLES, Le droit au silence de l’inculpé – Rev. Inter. Dr. Pén. 1953 tr. 129.
(24) TRẦN THÚC LINH, Tự do cá nhân, tr. 197.
(25) ĐÀM TRUNG MỘC, CSTP giảng tập, tr. 75 trích dẫn.
(26) LEIBINGER, La protection des droits de l’accusé dans la procédure pénale allemande – Rev. Inter.. dr. Pén. 1966 tr. 23.
(27) J. CAREY, Les critères minimum de la justice criminelle aux Etats-Unis – Rev. Int. Dr. Pén. 1966 tr. 80.
(28) Malloy chống Hogan, 378 U.S. 1, 12L. Ed. 2d. 653, 84S. Ct. 1489.
(29) Griffin chống California, 380 U.S.609, 14L. Ed. 2d. 106, 85S. Ct. 1229.
(30) THE COUNCIL IN YOUNGER LAWYERS OF THE FEDERAL BAR ASSOCOATION, Thése unalienable rights – A hand-book of the Bill of Rights, tr. 41 kt.
(31) Trích biên bản của Quốc Hội Lập Hiến họp ngày 20.1.1967 :
Ông NGÔ THANH TÙNG : ...Khi chấp thuận điều khoản này, chúng ta nên nêu một câu hỏi là điều khoản này trong tương lai có thể áp dụng được không, nhưng chúng tôi xin nêu vấn đề là tổng số Luật sư tại Việt Nam ngày hôm nay và trong hai mươi năm nữa liệu có thể đủ để thỏa mãn nhu cầu của các xã, các quận không?
Ông NGUYỄN HỮU THỐNG : ...Sự dự kiến của người cố vấn pháp luật dù thế nào đi nữa cũng mang lại sự bình thản của tâm hồn, vì nhiều khi bị mất tinh thần, bị can chối quanh và chính để tránh sự chối quanh đó mà sự dự kiến của Luật sư đã được Phi Luật Tân chấp nhận và con số Luật sư đã lên đến 20 ngàn người.
Ông NGUYỄN MINH-ĐANG : Chúng tôi thấy điều khoản này có nhiều vị ủng hộ, nên chúng tôi xin Ông Chủ tịch cho biểu quyết khoản này y nguyên ...
(32) Số dân biểu chấp thuận điều 7 HP như sau :
Khoản 1 : 84
Khoản 2 : 72
Khoản 3 : 77
Khoản 4 : 84
Khoản 5 : 69
Khoản 6: 88
Khoản 7 : 80
Khoản 8 : 73
Khoản 9 : 76
Khoản 10 : 68.
(33) Văn thư số 162/ PTT/ PTĐB/ LP ngày 14.1.1972 gửi Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp và Định Chế Thượng Nghị Viện.
(34) Thư gửi cho Cambacérés.
(35) Điều 41 HSTT : “Mỗi lần muốn nói, Luật sư phải được sự thỏa thuận của điều tra viên”.
(36) Theo điều 2 Luật số 11/58 ngày 3.7.1958 thiết lập và tổ chức Tòa án thiếu nhi, tuổi thành niên về hình sự là 18 tuổi trở lên.
(37) Vì vấn đề có tính cách quan trọng, nên chúng tôi có phân tích kỹ càng hơn trong Đoạn 7, Phần I của Luận án này.
(38) Điều 8 luật số 1/62 ngày 8.1.1962 được sửa đổi bởi Sắc luật số 025/66 ngày 7.7.1966, ấn định “Quy chế Luật sư và tổ chức Luật sư đòan”.
(39) Điều 14 khỏan 2 Luật thượng dẫn.
(40) Điều 12 Luật số 1/62 thượng dẫn.
(41) Ngừơi phạm pháp trước Biện lý và Dụ thẩm không gọi là “nghi can” như tại Cảnh sát nữa, mà gọi là “bị can”. Điều 45 HSTT: “Luật sư được phép nhiệm cách cho BỊ CAN tại Biện lý cuộc...” – Trong suốt chương I của thiên 3 nói về Dự thẩm (Điều 71 – 194), nhà làm luật đều dùng danh từ “bị can”, trừ điểu 75 qui định: “Dự thẩm nơi xẩy ra vụ phạm pháp, Dụ thẩm nơi cơ sở của một trong những NGHI CAN...”. Có lẽ đây là một sự lầm lẫn vật chất của Bộ HSTT.
(42) Hình sự Tố Tụng chú giải, Saigon 1973, tr. 123, 124.
(43) Điều 44, khỏan 2: “Vi phạm các điều khỏan khác ghi trên trong chương này sẽ bị phạt vạ từ 601 đồng đến 10.000 đồng”.
(44) Tuy khỏan 3 điều 45 HSTT định rằng “Trong mọi trường hợp, cuộc thẩm vấn tại Biện lý cuộc không thể kéo dài quá 2 ngày”, nhưng có lẽ đây cũng là một trong những lỗi lầm vật chất chưa được sửa chữa, vì điều 45 nằm trong thiên thứ 2 nói về “điều tra” và trong chương I về “quyền hạn của nghi can trong giai đoạn điều tra sơ vấn”. Trong suốt thiên 2 này, nhà làm luật đều dùng chữ ĐIỀU Tra để chỉ hành vi lấy cung và thu thập tài liệu do Cảnh sát Tư pháp hay Biện lý thực hiện. Còn chữ “thẩm vấn” được dùng riêng cho Dự thẩm trong thiên thứ 3 nói về cơ quan thẩm vấn.
Vì vậy chữ “thẩm vấn” trong điều 45 nên được sửa thành “điều tra” để hợp với mục đích thống nhất danh từ pháp lý mà Bộ HSTT đã có công đi tiên phong.
(45) Annuaire des droits de l’homme, 1950.
(46) On relève dans l’art. 7 au mois deux innovations: Le principe admis fréquement dans les législations étrangère de dédommager les innocents par l’état et le droit pour la défence d’assister le client à la phase d’enquête préliminaire, droit dans lequel certains juristes voient un succédané de “l’habeas corpus” inconnu dans le système judiciaire du Vietnam. TRỊNH XUÂN NGẠN. la protection des droits de l’homme dans la nouvelle constitution du Vietnam. PLTS 1060.1.66.
(47) ĐỖ TRỌNG PHÚ, “Dự thính của Luật sư tại các cơ quan an ninh, Cảnh sát và quyền im lặng của can phạm”. Nội san Luật sư đòan Saigon, só 3, 1966.
(48) XC, TPTS. 1969. II. 16
(49) 368 U.S. 52, 55, 7 L.Ed.2d, 114, 117, 82 S.Ct. 157, 159.
Điều 6 Tu chính HP sô14: In all criminal prosecutions the accused shall enjoy the right to a speedy and public trial, by an impartial jury of the State and district wherein the crime shall have been committed, which district shall have been previouslyascertained by law, and to bo informed of the nature andcause of the occusation; to bo confronted with thewitnesses against him; to have compulsory process for obtaining witnesses in his faver, and to be the Assistance of Counsel for his defence.
(50) 372 U.S. 335, 9 L.Ed, 2d. 799, 83 S.Ct. 792.
(51) 378 U.S. 478,12 L.Ed. 2d.877, 84 S.Ct. 1758.
(52) 384 U.S. 436,16 L.Ed. 694, 86 S.Ct. 1602.
(53) 384 U.S. 737 – 1966.
(54) NCCL: Police Questioning, Arrest tr. 7, The Rights of Suspects, tr. 18.
(55) BÙI HÒE THỰC, Quyền của ngừơi bị bắt giam được tiếp xúc với người bên ngoài. PLTS 1967. III.126.
(56) “Et remarquons..., problème de quantité, dont on se soucie aujourd’hui, mais surtout de quantité: avec de bons juges, dit Platon, les mauvaises lois peuvent être supportables”.Jean et Anne – Marie LARGUIER, la protection des droits de l’homme dans le procès pénal, Rev. inter. De droit Pénal 1er – 2è trimestre 1966, p. 98.
(57) Khi nào thực sự bị mất tự do? Xin xem “Thời hạn khởi đầu tạm giữ”, số 138.
(58) H.T. LỘC. LƯỢNG, op.cit. tr. 116-117.
(59) TRƯƠNG TIẾN ĐẠT op.cit, tr. 94.
(60) XC. TRẦN THÚC LINH. Tự do cá nhân, tr. 193.
(61) HAIM H. COHN, Les droits de l’accusé dans la procédure pénal en Israel, Rev. inter.dr.pén. 1966/1-2, tr. 176.
(62) Tài liệu của NCCL: Arrest, tr. 8.
(63) JOHN CAREY, les critères minimum de la justice criminelle aux Etat-Unis – Rev. inter. Dr.pén. Nol-2 1966, tr. 85.
(64) BÙI HÒE THỰC, bài khảo luận thượng dẫn,PLTS, 1967. III. 122.
(65) Việc khám sức khỏe nghi can, xin xem số 142 và kế tiếp.
(66) NGUYỄN BÁ LƯƠNG, vấn đề đặc quyền tài phán trong Công phápquốc tế và ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ 1970, tr. 211.
(67) BÙI HÒE THỰC, bài khảo luận thượng dẫn, PLTS. 1967. III. 130.
(68) BLONDET, Les ruses et les artifices de la police au cours de l’enquête prélimiaire. JCP. 1958. I. 1419.
(69) SALINGARDES. JC. Proc. Pén. Art. 75-78.
(70) Paris, Sirey. 1953.
(71) Chúng tôi dành đoạn này để trình bầy những mưu chước của Cảnh sát Tư pháp, với mục đích tìm ra những tiêu chuẩn lương hảo cho cuộc điều tra, hầu bảo đảm cuộc sống riêng tư của mỗi người dân Người dân nói đây được hiểu là người lương thiện cũng như người phạm pháp. Và ngừơi này có thể đã bị bắt giữ nhưng cũng có thể còn đang tại đào. Riêng trong trường hợp “khiêu khích phạm pháp”, (phân đoạn 6) tuy thực tế chưa tìm ra tội phạm, nhưng đã đủ lý do để tình nghi có sự phạm pháp. Do đó, chúng tôi quan niệm rằng trình bày các tiêu chuẩn đứng đắn cho những mưu chước của Cảnh sát Tư pháp, cũng là trình bày các bảo đảm của người có liên hệ ít hay nhiều đến sự phạm pháp.
(72) Cass. Crim. 6.61807. Bull. Crim. No 124- 11.10.1821, Bull. Crim. No 161 – 7.7.1854 Bull. Crim. No 219.
(73) Cass. Crim. 15.19.1943, JCP. Ed. G. 1944. IV. 18.
(74) BLONDET, bài khảo luận thượng dẫn, JCP. 1958. I. 1419.
(75) Principes et procédés de la police criminelle. Tr. 162.
(76) Nghị định số 2. 300 NV ngày 25.11.1964 giải tán ngành Hiến binh Quốc gia.
(77) Il est interdit à la gendarmerie de se mettre en civil pour opérer, li n’est pas interdit à un gendarme d’opérer quand il est en civil – Blondet, Op. cit.
(78) Poitiers, 8.2.1951 – JCP. 1951.II.6060.
(79) Qu’ainsi le juge Vigneau a emploýe un procédé s’écartant des règles de la loyauté que doit observer toute information judiciaire et constituant, par cela même, un acte contraire aux devoirs et à la dignité du magistrat. Cass. Ch. Réunies, 31.1.1888: S. 1889.I.241.
(80) Cass. Crim. 12.6.1952: JCP. 1952.II.7241. Chú thích BROUCHOT – 1854.I.69, chú thích A. LÉGAL – D.1953. Somm.2.
(81) Paris, 21.5.1911, Gaz. Pal. 1911.2.1968.
(82) BLONDET, Bài khảo luận thượng dẫn.
(83) Cass. Crim. 23.4.1807 Documents de jurisprudence douanìere. Lettre commune hors série No 109.
(84) FARALICQ, Op. Cit. tr. 59.
(85) Trib.Corr. Gúerat. 14.2.1946: JCP. 1946.II.3077 note M.S.
Limoges, 23.5.1946: S.1947,2, 73.
(86) “La vie privée est un jardin clos dont nul n’est admis à faire la chronique pour y avoir plomgé des regards indiscrets” (R. SAVATIER, chú thích án Cass. Civ, 2è, 18.3.1955: DS. 1955, 573).
(87) LÉGAL, chú thích án Cass. Crim. 12.6.1952: S. 1954.I.1969.
(88) Colmar 12.6.1953, D. 1953, 653.
(89) Il y a quelque chose de plus invioleble que la serrure d’un coffre-fort, c’est le cachet d’une lettre parce qu’il ne se défend pas – Paris 5.3.1957: J.C.P. 1957.II.10609.
(90) HÀ NHƯ VINH, Hình luật đặc biệt, Saigòn 1974, tr. 96.
(91) LEIBINGER, La protection des droits de l’accusé dans la procédure pénal allemande – Rev. Inter. Dr. pén. 1966, tr. 28.
(92) Crim. 26.10.1965, DS. 1966, tr. 356.
(93) Op. cit. tr. 105.
(94) TCV. 12.1.1894, DP. 1895, 3, 10. Tri. Corr Angers, 23.12.1911: Réperoire, CARPENTIER, Supplement, Vo Télégraphe, N. 281.
(95) Án hình: Toulouse, 7.11.1956: D. 1957, 28. Seine, 15.2.1957 và Paris 5.3.1957. J.C.P. 1957.II.10060.
Án hộ: Seine 28.6.1939: Gaz. Pal. 1939, 2, 353
Dijon 29.6.1955: JCP, 1955.II.8856.
Seine 16.2.1957: JCP. 1957.II.10069.
(96) Số 69.
(97) Cass. 18.3.1953, DS. 1955, 573, chú thích SAVATIER. JCP. 1955.II.8909, chú thích ESMEIN.
(98) Dull. Crim. No 163, tr. 274.
(99) Gaz. Pal. 1960, 2. 253.
(100) D. 1957. Somm. 84. Gaz. Pal. 1957. L. 309, J.C.P. 1957.II.10069.
(101) D. 1960. Somm. 91, J.C.P. 1960.II.11599, chú thích CHAMBON.
(102) Trib. Corr. Seine, 30.10.1964, D. 1965, tr. 423.
(103) L’instruction, écrit-il, peut devenir une machination. – Chú thích án Poitiers, 7.1.1960. Somm, 91, J.C.P. 1960.ii.11599.
(104) De tels procédés heurtent notre ethique traditionnelle et l’on est heureux, une fois de plus, de constater que nos tribinaux, toujours soucieux du respect des libertés, ont écarté de tels procédés incompatibles avec un régime du liberté. – Gaz. Pal. 1960.2.253.
(105) La preuve par magnétophone, J.C.P. 1957.I.1370.
(106) Toulouse, 7.11.1956: D. 1957, 20.
(107) On n’apercoit pas de raison décisive, non plus, de proscrire le recours a un moyen mécanique d’enregistrement, alors que, pour la recherche des indices matériels, l’utilisation de procédés sciencifiques n’a jamais soulevé aucune difficulté (note S. 1954, 1. 69).
(108) Je ne vois pas en quoi il est déloyal d’employer, au lieu d’un témoin vivant, ce témoin robot qu’est le disque enregistreur (notre JCP. 1955.ii.1909.
(109) Ce que le commissaire de police peut légitimement entendre, il peut l’enregistre. C’est même fonction, l’usage d’unenregistreur est moins frappant que celui d’un procès-verbal. – Chú thích DS. 1955. 573.
(110) De la légalité de l’interception des communication téléphonique au cours d’une information judiciare, D. 1965 Chron. Tr. 129.
(111) KLEINKNECHT, NJW> 1966 tr. 1541.
(112) BGHST tr. 19, tr. 325 – XC. Rev. inter. Dr. pén. 1966, tr. 28, 29.
(113) 277 U.S. 438, 72 L.ED. 944. 48 S,Ct. 564. – The court held (5-4) per Chief Justice TAFT, that messages passing over telephone wires are not within the protection against unreasonnable search and seizure – LIVINGSTON HALL, YALE KAMISAR, Modern criminal procedure.West pubblishingCo 1966, tr. 249.
(114) Tu chính án số 4 bảo đảm quyền an tòan cá nhân chống lại mọi cuộc khám xét, sai áp trên con người, nơi cư ngụ, tài liệu và đồ đạc.
(115) No person not being authorized by the sender shall intercept, communicate and divulge or publish the existence, contents, subtance, purport, effect or meaning of such intercepted communication to any person.
(116) 316 U.S.. 129, 86 L.Ed. 1322, 62 S.Ct. 993 (1942). Intercept does not ordinarily connote the obtaining of what is to be sent before, or at the moment, it leaves the possesion of the purposed sender , or after, or at the moment is comes into the possession of the intended receiver – XC. LeRoy M. KOLBRED, G.W. PORTER, The law of arrest, search and seizure, California 1965, tr. 343.
(117) People v. Lawrence, 149 Cal. App. 2d 435.
People v. Malotte, 46 Cal. 2d 59
(118) MARTINAL LAROCQUE, The Eavesdrop, Rev. science crim. 1964. 492. – XC. P.J. DOLL, de la légalité de l’interception des communications téléphoniques au cours d’une information judiciare, D. 1965. Chron. Tr. 125.
(119) Tại Pháp, điều 23 luật ngày 17.7.1970 sửa đổi điều 368 HL trừng phạt người nào ghi âm câu chuyện của người khác tại một nơi tư mà không có sự đồng ý của người này.
(120) On a parlé de déloyauté et d’incorrection, mais un magistrat instructeur se montre-t-il plus déloyal ou plus incorrect quand il fait intercepter une communication téléphonique que lorsqu’il saisit et ouvre une lettre confíee à la poste? – Bài khảo luận thượng dẫn, tr. 130.
(121) Toulouse, 7.11.1956, D. 1957. 28. S. 1957. 23, Gaz. Pal. 1956.2.360 – XC. P.J. DOLL, Bài khảo luận thượng dẫn, tr. 130.
(122) Trib. Civ. Seine, 8e Ch. 28.6.1939, Gaz. Pal. 1939. 2, 353.
Dijon, 29.6.1955, J.C.P. 1955, II. 8556, D. 1955, 583.
Trib. Civ. Dijon, 16.4.1954, J.C.P. 1955, II. 8550, chú thích M. RAYMOND LEGEAIS.
Civ. 2e 18.3.1955, J.C.P. 1955.II.8909. chú thích PAUL ESMEIN – D. 1955. 573, chú thích R. SAVATIER.
(123) La preuve par magnétophone, J.C.P. 1957.I.1370.
(124) FARALICQ, Op. Cit. tr. 19 và 90.
(125) Cass. Crim. 6.7.1894: DP. 1899, i, 171; 30.8.1906: DP. 1907. 1. 417; 4.4.1924: DP. 1925. 1, 10.
(126) BLONDET, bài khảo luận thượng dẫn.
(127) Theo điều 75 HLVN.
(128) Theo điều 84 HLVN.
Cass, Crim. 28.10.1942: DC. 1942, I, 89; 27.1.1944: Gaz Pal. 1944,I,167: 7.5.1951: JCP. 1951.II.6400. TCV 26.6.1946; Mialon: D. 1947. Som. p. 26; 23.7.1948: Calvet: S. 1949, 3, 1.
(129) Trib. Corr. Seine, 21.5.1941: Gaz. Pal. 1941, 2, 68 – Douai, 18.4.1947: Rev. Sc. Crim. 1947, 445. – Rennes, 10.11.1948: D. 1949, I, 76.
(130) Amiens, 4.2.1942: JCP. 1942. II. 1887. – Paris, 5.1.1844: DA. 1944, 43.
(131) Điều 75 HLVN.
Toulouse, 23.4.1942:JCP. 1942.II.1886. – Trib. Corr. Gúeret, 14.2.1946: JCP. 1946.II.3077.
(132) Grenoble, 7.1.1943: S. 1943,2,15. – Trib. Corr. Seine, 3.12.1952: D. 1953, 432.
(133) MAGNOL, chú thích án Toulouse, 23.4.1942: JCP. 1942,II,1886 và án Toulouse 13.3.1942: JCP,1942,II,1835.
(134) Cass. Crim. 28.12.1900: S. 1903, 1, 254; 20.4.1934: S. 1935,1,198.
(135) Evreux, 22.12.1942: Gaz. Pal. 1943, 1, 78.
(136) Chú thích COLOMBINI: JCP, 1951,II,6440.
(137) Cass. Crim. 27.4.1882: DP. 1882, 1, 326.
(138) Trib. Corr. Albertville, 17.1.1955.
(139) NGUYỄN QUANG QUÝNH, Hình luật tổng quát, Lủa thiêng 1973, tr. 256.
(140) Dans tous ses faits et gestes, la police doit considérer comme sacré le respect de lapersonnalité humaine... C’est en respectant l’étincelle divine dont chaque être humain, même le plus vil, détient une part, que la police se fera estimer” KREPS – Le respect de la personnalité dans le domaine de l’action de la police – R. crim. Pol. T. 1949/4 tr. 248.
(141) “Nous vivons dans une socíeté mise à nu, òu chaque citoyen habite un bocal de poissons rouges”. – XC. LARGUIER, Rev. inter. Dr. pen. 1966, tr. 149.
(142) “Qu’il s’agisse du chez-soi, ou du moi, de son domicile, ou de sa personne, on a, em pricipe, intra muros,le droit d’être laissé sa paix”. LARGUIER, op. cit. tr. 149.
(143) XC. NGUYỄN QUANG QUÝNH: - Vấn đề thiếu nhi phạm pháp: các nguyên nhân và các biện pháp. – Tòa án thiếu nhi: Phê bình đạo luật ngày 3.7.1958: tập san nghiên cứu hành chánh, số 2/1960 tr. 136 và số 3/1960 tr. 61.
(144) Chế độ này đã được áp dụng tại Pháp quốc – XC. BOUZAT và J. PINATEL, Traité de droit pénal et de crim., Tom. II, số 1596.
(145) P. BOUZAT, Op. cit. số 1558.
(146) Trích diễn văn của Ông Thủ lãnh Luật sư đòab Saigon đọc nhân dịp khai mạc phiên tòa tại Đại hình đặc biệt tại Pháp đình Saigon ngày 30.4.1973.
(147) “C’est lui (juge) qui définit leurs contours et qui sactionne leur violation”.
A. VAN..ELKENHUYZEN, La protection des droits du prévenu dans le procès pénal en Belgique, Rev. inter. Dr. pen. 1966 p. 50.
(148) “Un des éléments régulateurs essentiels des rapports de l’individu avec la socíeté”.
La censure de l’excès de pouvoir, Bruxelles, Larcier, 1956, col. 61.
(149) Le juge assume au premier chef la responsabilité de la protection du droit de défence.
A. VANWELKEMHUYZEN, Op. cit. p. 50.
(150) “Le droit de défense constitue un principe général de droit inséparable de l’acte de juridiction”. Cass. 2.5.1961, Pas. 1961.I.926; Cass. 21.5.1963, Pas. 1963.I.1010.