Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ông Đỗ Mười, cựu tổng bí thư CSVN được tuyên bố qua đời, thọ 101 tuổi

Do-Muoi 01


VIỆT NAM (NV) – Ông Đỗ Mười, cựu Tổng bí thư CSVN được tuyên bố qua đời vào lúc 11 giờ 12 phút khuya ngày 1 Tháng Mười, 2018 (giờ Việt Nam) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau một thời gian rộ lên tin đồn ông chết cùng ngày với chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn tin từ ‘Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung Ương’ cho biết ông Đỗ Mười mất vì “lâm bệnh nặng kéo dài, tuổi già sức yếu.”

Ông Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2 Tháng Hai, 1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là tổng bí thư đảng CSVN từ năm 1991 đến 1997.

Tên tuổi của ông Đỗ Mười vốn rất quen thuộc với người dân Sài Gòn và miền Nam những năm sau 1975, bởi vì có nhiều tài liệu ghi rằng ông là “tác giả” của cuộc “đánh tư sản,” đẩy hàng ngàn gia đình “đi kinh tế mới” dẫn đến “làn sóng thuyền nhân” vượt biển tìm tự do.

Trước đó, một số blogger lan truyền tin ông Đỗ Mười qua đời cùng ngày với Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang vào hôm 21 Tháng Chín, và do vậy, quốc tang cho ông Mười phải bị hoãn lại để tránh dị nghị về việc trùng tang lãnh đạo chóp bu.
Hơn một tuần trước đây, trang Facebook Chú Tễu cho hay: “Gia đình Đỗ Mười đã chuẩn bị xong hậu sự tại quê nhà: Làng Đông Phù; xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.”

“Được biết lúc đầu con gái ông và thầy địa lý đòi san phẳng trường tiểu học khang trang để làm khu lăng mộ. Dân làng phản đối rất dữ dội. Sau lấy đất khu Vườn Đào 1,500 m2 để làm khu lăng mộ.
Đường vào và huyệt chờ đã sẵn sàng,” Facebooker Chú Tễu viết.

Sau khi có tin Đỗ Mười qua đời, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đã viết trên trang Facebook cá nhân của mình bài “Vài ấn tượng của tôi về Đỗ Mười” được khá nhiều người chia sẻ.
“Ấn tượng” đầu tiên của nhà báo này về cựu Tổng bí thư CSVN này là “Đồng chí không những xuất thân từ một anh hoạn lợn (thiến heo), mà còn là một anh hoạn lợn tay nghề vụng về, có lần làm chết lợn nhà người ta, bị bắt đền, phải tháo chạy.

Đồng chí là kiến trúc sư của công cuộc cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, xóa bỏ mọi tàn tích của hòn ngọc Viễn Đông một thuở, tích cực góp phần tập cho dân chúng miền Nam biết ăn bo bo thay cơm.”
Không chỉ vậy, “ấn tượng” về vẻ bề ngoài của ông Đỗ Mười được cô mô tả, “Đồng chí là người có hành động chém bàn tay vào không khí rất quyết liệt khi phát biểu, gợi cảm hứng cho sự ra đời thuật ngữ ‘chém gió’ – để chỉ sự nói phét.

Đồng chí có mái tóc rẽ ngôi kinh điển, được dân nuôi chó (thời mà dân thành phố phải vật lộn làm kinh tế qua các trào lưu từ nuôi lợn đến nuôi chó cảnh, gà úm, chim cút… trong phòng ngủ, phòng khách) lấy làm ví dụ để rỉ tai khuyên nhau: Chó Nhật giống tốt là phải có quả đầu Đỗ Mười.”
Cô kết luận, “Với tuổi thọ đạt hơn 100 (già như hoá thạch), đồng chí đã trở thành người lìa đời cuối cùng của thế hệ cộng sản đầu tiên. Ơn Đảng Chính phủ.”

Hiện chưa có thông tin về tang lễ của cựu Tổng bí thư này. (N.L)

Switch mode views: