Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam ‘chẳng thu được đồng thuế nào’ từ du khách Trung Quốc

DuKhach-TrungQuoc


Du khách Trung Quốc tràn ngập các khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. (Hình: Getty Images)

QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Quản lý thị trường Việt Nam không kiểm soát được việc du khách Trung Quốc mua sắm và việc trả tiền lại không qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam nên “tiền Trung Quốc trở về Trung Quốc.”

Thực tế này được ông Cao Xuân Luật, chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Quảng Ninh nêu ra tại hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm” của ngành này vừa diễn ra ngày 2

Tháng Tám mới đây. Báo điện tử VNExpress loan tin.
Theo đó, sáu tháng đầu năm 2018, Quảng Ninh đón 2.5 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách Trung Quốc.

Thế nhưng, mặc dù có đến 60 cơ sở “đạt chuẩn bán hàng cho khách du lịch,” song khách Trung Quốc vào Quảng Ninh rồi đi địa phương khác chơi mà “không mất đồng nào, cũng không góp đồng nào trong mua sắm, chi tiêu cho tỉnh.”
Ông Luật giải thích cụ thể, khách Trung Quốc đến du lịch nhưng toàn bộ mua sắm tại các cơ sở khép kín do người Trung Quốc làm chủ.

Chủ các cửa hàng này lại mở máy thanh toán từ ngân hàng bên Trung Quốc, nên khi khách mua hàng thanh toán bằng Nhân dân tệ hoặc thanh toán thẻ, tiền không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.
“Khách mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền mua hàng ở Quảng Ninh đều chuyển sang Trung Quốc, gây thất thu thuế, ngân sách rất lớn.

 Việc phát hiện thất thu, kiểm soát cũng gặp khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua mạng trực tuyến (online),” ông Luật nói.
Ngay việc quản lý thị trường địa phương xử phạt hành chính các cửa hàng kinh doanh dạng này cũng rất khó khăn, bởi dù phát hiện được sai phạm nhưng thẩm quyền xử phạt lĩnh vực tiền tệ lại thuộc Thanh Tra Ngân Hàng Nhà Nước.

Trong khi đó, thời gian chuyển hồ sơ, chờ đợi phê duyệt hồ sơ của cấp có thẩm quyền ở Trung Ương nếu không xử lý khéo, không nhanh sẽ quá thời hiệu quy định về xử phạt hành chính.
Ông Luật nêu thí dụ, trong hồ sơ đề xuất xử lý hành chính một doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực thanh toán tiền tệ với khách ngoại quốc, quản lý thị trường đề xuất mức phạt tới 900 triệu đồng, song khi chuyển lên Ngân Hàng Nhà Nước thì quá thời hiệu xử phạt một ngày, nên phải làm lại.

Không chỉ có Quảng Ninh, tại Đà Nẵng, quản lý thị trường cũng kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp du khách Trung Quốc mua hàng ở Việt Nam cà thẻ qua máy POS lậu, hay thanh toán qua “ví điện tử,” WebchatPay, AliPay…

Các hình thức thanh toán sử dụng công nghệ trung gian này có thể “được cho phép chính thức và không chính thức.”
Theo quy định, việc thanh toán trái phép trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng như trên có thể bị xử phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.

Cách đây 3 tháng, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã có liên tiếp hai văn bản gửi các các chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu xử lý vi phạm thanh toán thẻ phục vụ khách ngoại quốc, đồng thời đề nghị chính quyền các tỉnh “phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời các hành vi phạm.”

Tuy nhiên, đại diện Chi Cục Quản Lý Thị Trường Đà Nẵng cho rằng, trong văn bản chỉ đạo điều hành yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải “tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng thực tế thì không rõ sẽ phải tăng cường kiểm tra, giám sát ra sao.”

Việc này đã gây thất thoát thuế rất lớn cho Việt Nam, do các giao dịch hoàn toàn được xử lý tại Trung Quốc, trong khi những nơi ở Việt Nam mà khách Trung Quốc đến du lịch phải tốn công quản lý, phục vụ về mọi mặt. (Tr.N)

Switch mode views: