Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuba: Chủ tịch Raul Castro và những cải cách chưa trọn vẹn

cuba-vietnam 5

 

Chủ tịch Cuba Raul Castro (P) tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại La Habana, ngày 29/03/2018.
REUTERS

Ông Raul Castro chính thức rời vị trí chủ tịch Cuba trong tháng 04/2018, nhưng tiếp tục giữ vai trò tổng bí thư đảng Cộng Sản.

Từ năm 2006, khi ông lên thay anh trai Fidel nắm quyền, bộ mặt của Cuba đã thay đổi theo những chính sách cải cách tái bạo mà từ lâu khó có thể hình dung ra được tại đất nước Cộng Sản.

Người dân Cuba hiện được hưởng nhiều tự do hơn, như có thể du lịch nước ngoài, tự thành lập doanh nghiệp, thậm chí, người ta còn nhìn thấy quốc kỳ Mỹ phấp phới trên đường phố La Habana.
 Tuy nhiên, theo AFP, nền kinh tế Cuba vẫn chưa thật sự khởi sắc với nhiều chương trình cải cách quan trọng còn bị trì hoãn.

1. Cải thiện quan hệ với Mỹ

Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu thời kỳ Raul Castro diễn ra vào ngày 17/12/2014 khi ông thông báo trên truyền hình về tiến trình xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ từ thời chiến tranh lạnh.
Ngày 20/06/2015, hai nước nối lại quan hệ ngoại giao. Tháng 03/2016, chủ tịch Cuba đón tổng thống Mỹ Barack Obama tại La Habana.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ bị chững lại kể từ khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng vì tân tổng thống Mỹ có đường lối cứng rắn với Cuba.

2. Du lịch và nhập cư

Năm 2013, ông Raul Castro chấm dứt những biện pháp hạn chế khắc nghiệt ngăn cản người Cuba ra nước ngoài.
Từ đó, người dân được phép xuất ngoại trong vòng hai năm mà không bị mất tài sản hay nhà ở nếu họ ra đi một cách hợp pháp.

Biện pháp cải cách này đã tạo điều kiện cho các chuyến thăm viếng và di dân Cuba hồi hương.
 Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2016, hơn 670.000 người Cuba đã ra nước ngoài hơn một triệu lượt.

3. Lĩnh vực tư

Dưới thời chủ tịch Raul Castro, nền kinh tế Cuba đã mở cửa cho lĩnh vực tư nhân. Hiện Cuba có khoảng 580.000 lao động tư nhân hoặc « tự chủ », chiếm 12% dân số trong độ tuổi lao động.
 Việc cấp giấy phép mới cho một số hoạt động nhiều lợi nhuận, như dịch vụ nhà hàng, bị tạm ngừng từ tháng 08/2017 trong khi chờ quy định mới.

4. Mua - Bán

Cuối năm 2011, ông Raul Castro đã cho phép cá nhân được mua và bán nhà ở.
Sau đó, đến năm 2014, thị trường ô tô được tự do hóa nhưng khách hàng của các đại lý Nhà nước lại phàn nàn về mức giá quá đáng của các loại xe mới, cao gấp 5 lần so với giá bán ở nước ngoài.

5. Internet

Từ năm 2013, chính phủ đã cho phép truy cập internet và lắp đặt nhiều điểm truy cập wifi công cộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, người dân Cuba vẫn chưa có dịch vụ 3G và chỉ một bộ phận nhỏ người dân truy cập được internet tại nhà. Đây vẫn là một điểm yếu của Cuba.

6. Đầu tư nước ngoài

Kể từ năm 2014, chủ tịch Cuba đã thay đổi luật để khuyến khích đầu tư nước ngoài và khánh thành khu cảng Mariel rộng lớn, cách thủ đô La Habana khoảng 45 km về phía đông. Khu vực này cũng được phát triển để trở thành vùng công nghiệp lớn nhất của Cuba.

Nhưng hiện giờ, do lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều quy định hạn chế của chính phủ Cuba, trung bình đầu tư nước ngoài vẫn còn dưới ngưỡng mục tiêu của chính phủ, được ấn định là 2,5 tỉ đô la hàng năm để thúc đẩy mức tăng trưởng 4%.

7. Nợ nước ngoài

Giữa những năm 2013 và 2016, Cuba đã đàm phán lại được khối nợ nước ngoài với tất cả các chủ nợ, thanh toán tổng số tiền 23 tỉ đô la còn thiếu và gây dựng được độ tin cậy của nước này trên thị trường. Nhờ đó, Cuba có thể có được những khoản vay mới.

8. Thống nhất đồng tiền

Cuba sắp xóa bỏ việc lưu hành song song hai đồng tiền : đồng peso Cuba được dùng trong trao đổi nội địa và đồng peso hoán đổi (tương đương với đồng đô la Mỹ, trị giá khoảng 24 đến 25 peso Cuba) chủ yếu dùng trong việc mua bán sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu.

Đây là hệ thống có một không hai trên thế giới, và gây mất cân đối cho nền kinh tế Cuba từ năm 1994.
Biện pháp cải cách trên vừa mang tính then chốt vừa rất phức tạp và đã nhiều lần bị hoãn lại.

9. Cải cách ruộng đất

Năm 2008, Cuba cho phép nông dân được quyền sử dụng đất bỏ hoang. Lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là « chiến lược » để giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Từ đó, Nhà nước đã phân phối hơn 1 triệu ha đất, thực hiện vi tín dụng và tạo điều kiện cho tư nhân mua bán. Tuy nhiên, Cuba vẫn nhập đến 80% lượng lương thực tiêu thụ.

Switch mode views: