Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng hoảng Rohingya cản trở đầu tư phương Tây vào Miến Điện

rohingya-suu-kyi 4

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu về cuộc khủng hoảng tại Rakhine, Naypyitaw, 19/09/2017.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng thì viễn cảnh đầu từ phương Tây ồ ạt đổ vào Miến Điện càng xa rời, theo ghi nhận của hãng tin Reuters hôm nay, 22/07/2017.

Hiện giờ đầu tư và trao đổi mậu dịch với phương Tây ở Miến Điện còn rất ít.

 Với việc quốc tế dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt chế độ quân sự trước đây, chính phủ dân sự Miến Điện hiện nay, dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình, đã hy vọng rằng đầu tư của phương Tây sẽ ồ ạt đổ vào nước này.

Nguồn đầu tư đó cũng sẽ giúp cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Miến Điện.
Miến Điện quả là một nơi đầu tư hấp dẫn vì nước này có nguồn dầu khí rất dồi dào, chưa kể những tài nguyên khác như gỗ, hồng ngọc và ngọc bích.

Dân số của Miến Điện còn trẻ và giá nhân công còn thấp, rất thuận lợi cho đầu tư vào ngành sản xuất và bán lẻ.
Tháng Tư vừa qua, Miến Điện cũng vừa thông qua luật đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục và đối xử với công ty ngoại quốc bình đẳng với công ty trong nước.

Miến Điện cũng đã dự trù cuối năm nay sẽ thông qua một luật khác cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc mua các cổ phần của công ty trong nước.
Nhưng trước tình hình các cải tổ được thực hiện chậm hơn dự kiến và nay lại thêm khủng hoảng người Rohingya, nhiều công ty ngoại quốc đang tính đến chuyện rút ra khỏi Miến Điện hoặc quyết định đình hoãn các dự án đầu tư vào nước này.

Trong những tháng gần đây, áp lực càng gia tăng trên các công ty ngoại quốc, kể cả những công ty đã có mặt ở Miến Điện.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền AFD International đã kêu gọi các công ty ngoại quốc ngưng đầu tư vào Miến Điện.
Một nhóm cổ đông trong tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron gần đây đã đưa ra một kiến nghị yêu cầu tập đoàn này rút khỏi liên doanh với một công ty khai thác dầu khí của Nhà nước ở Miến Điện, nhưng kiến nghị này đã không được thông qua.

 Trong khi đó, tập đoàn Telenor của Na Uy, hiện đang điều hành một mạng điện thoại di động ở Miến Điện, thì đã ra một tuyên bố kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở nước này.
Về phần mình, ông Bernd Lange, chủ tịch Uỷ ban Mậu Dịch Quốc Tế của Nghị Viện châu Âu, vào tuần trước cho biết phái đoàn của ông đã đình hoãn vô thời hạn một chuyến đi Miến Điện, vì cho rằng tình hình nhân quyền tại nước này "không cho phép thảo luận đạt kết quả" về một hiệp định đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu với Miến Điện.

Bản thân lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi cũng đang bị quốc tế chỉ trích ngày càng nặng nề là không bảo vệ người Hồi Giáo Rohingya.
Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia Reviex, được đăng tải hôm qua, Aung San Suu Kyi nhìn nhận các nhà đầu tư ngoại quốc quan ngại là chuyện "bình thường", nhưng bà vẫn cho rằng phát triển kinh tế là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề người Rohingya.

Việc đầu tư phương Tây chậm đổ vào Miến Điện sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc, vào lúc mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thực hiện dự án "Một Vành Đai, Một Con Đường" của họ.
Dự án này là nhằm thúc đẩy trao đổi mậu dịch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Á và cả ngoài khu vực này.
Hiện giờ Trung Quốc đã là nhà đầu tư hàng đầu ở Miến Điện, kế đến là Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ.

 Bắc Kinh hiện đang thương lượng về việc bán điện cho Miến Điện, một quốc gia rất thiếu năng lượng, và cũng đang muốn được sử dụng với điều kiện ưu đãi cảng chiến lược ở vịnh Bengal.

Tháng Tư vừa qua, hai nước cũng đạt được thỏa thuận về một đường ống dẫn dầu sẽ được sử dụng để bơm dầu ngang qua Miến Điện đến Trung Quốc.
Nói cách khác, khủng hoảng Rohingya coi như sẽ đẩy bà Aung San Suu Kyi vào thẳng vòng tay của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Switch mode views: