Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội đàm đầu tiên giữa Tổng thống Miến Điện với các nhóm vũ trang thiểu số

MYANMAR-PEACE-TALKS

Tổng thống Thein Sein tiếp đại diện KNU (Karen National Union), một trong những nhóm vũ trang thuộc sắc tộc thiểu số Karen- REUTERS /Soe Zeya Tun

Nỗ lực cuối cùng cho ngừng bắn giữa quân chính phủ và các sắc tộc thiểu số Miến Điện trước thềm cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2015.

Hôm nay 09/09, theo AFP, Tổng thống Miến Điện Thein Sein lần đầu tiên có cuộc hội đàm với đại diện các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số nhằm tìm lối thoát cho bế tắc, kể từ đầu tháng 8.
Tổng thống Miến Điện đặt rất nhiều hy vọng vào cuộc gặp này.

Lãnh đạo 9 nhóm vũ trang người thiểu số chủ yếu đã tham gia vào cuộc hội kiến với Tổng thống Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw, trong đó có Quân đội Kachin Độc lập, một trong các lực lượng thiểu số mạnh nhất. Quân đội Miến Điện chỉ cử các sĩ quan cấp dưới đến cuộc hội kiến Naypyidaw.

Theo nhiều nhà quan sát, Tổng thống Thein Sein nóng lòng ký kết được một thỏa thuận ngừng bắn mới.
Điều này giúp cho việc khẳng định các nỗ lực của ông, như một người kiến tạo nền hòa bình tại Miến Điện, ngay trước cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, mà phần thắng có nhiều khả năng nghiêng hẳn về phía đối lập, dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi.

Một thành viên cao cấp của phía chính phủ tuyên bố : « Tổng thống sẽ gặp tất cả các nhóm, kể cả những nhóm không ký kết, và quân đội cũng sẽ đối thoại với họ. Tôi cho rằng chính phủ chỉ mong muốn xây dựng lòng tin ».

Trả lời AFP, ông Padoh Saw Kwe Htoo Win – đại diện cấp cao của một nhóm vũ trang – bình luận : « Điều rất nên làm là tất cả các bên đều được tham gia vào tiến trình hòa bình ».

Trước đó, chính phủ Miến Điện đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với 15 nhóm sắc tộc.
Tuy nhiên, tập hợp các nhóm vũ trang thiểu số chia sẻ một lập trường chung, yêu cầu chính phủ đưa thêm vào thỏa thuận 5, 6 nhóm khác. Trong số đó có lực lượng Kokang gốc Hoa.

Từ đầu năm nay, đụng độ giữa quân Kokang với quân đội Miến Điện bùng phát tại khu vực biên giới thuộc bang Shan phía bắc, giáp Trung Quốc, chiến sự thậm chí còn lan sang cả bên kia biên giới, khiến hàng ngàn người phải bỏ nhà ra đi. Khả năng ngừng bắn trên toàn quốc có nguy cơ bị phá vỡ.

Việc đưa lực lượng Kokang, với các đồng minh là Quân đội Arkan, và Quân đội giải phóng quốc gia Ta’ang, vào đàm phán là điều vốn bị nhiều phản đối từ phía quân đội Miến Điện.

Trong khi đó xung đột tại bang miền đông bắc Kachin bùng nổ trở lại, khiến 100.000 người phải sơ tán do thỏa thuận ngừng bắn bị vỡ, khi tập đoàn quân sự lui vào hậu trường đầu năm 2011.

Chính phủ gần như dân sự của Tổng thống Thein Sein coi việc đạt được thỏa thuận hòa bình trên toàn quốc là điều kiện tiên quyết cho phép mở ra con đường cho các đối thoại chính trị phức tạp, cũng như khả năng giải quyết các vấn đề chung của toàn Liên bang, tại một đất nước mà quân đội trong nhiều thập niên đã gắn liền uy thế của mình với một quan niệm riêng về tính thống nhất quốc gia.


Switch mode views: