Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông: Trung Quốc nêu ví dụ Việt Nam để đả kích Obama

 biendong-hoangsa.pg

Ảnh chụp vệ tinh ngày 08/04/2015 cho thấy hành động cải tạo các bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency

 Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã để cho báo chí đả kích dữ dội Tổng thống Barack Obama sau khi lãnh đạo Mỹ công khai lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh bắt nạt các láng giềng trên vấn đề Biển Đông. 

 Đáng chú ý là bài viết tiếng Anh đề ngày 10/04/2015 của hãng tin chính thức Trung Quốc, lấy « đồng chí » Việt Nam làm ví dụ để phản bác lời tố cáo của Hoa Kỳ.

Trong bài bình luận mang tựa đề : « Obama thực sự quan ngại hay làm dấy lên quan ngại ? », Tân Hoa Xã đã nhắc lại câu nói của Tổng thống Mỹ tại Jamaica ngày 09/04/2015 rằng ông « quan ngại » trước việc Bắc Kinh đang sử dụng « tầm vóc to lớn cũng như sức mạnh cơ bắp » để đẩy các quốc gia khác vào thế lệ thuộc. 

Tổng thống Obama đã có lời chỉ trích trên đây đối với các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo hãng tin Nhà nước Trung Quốc, lập luận của Tổng thống Mỹ theo đó Bắc Kinh đang có hành vi bắt nạt kẻ yếu tại Biển Đông là một điều « khôi hài », tương đương với một gáo nước lạnh dội lên quan hệ mà hãng tin này cho là đang ấm áp giữa Trung Quốc và các láng giềng.

Và Tân Hoa Xã nêu bật trường hợp quan hệ Việt Trung để tố cáo Mỹ. 

Theo hãng tin này, nhân các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du đang diễn ra, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng hai nước cần tiếp tục một mối quan hệ « đồng chí và anh em ». 

Theo Tân Hoa Xã, quan hệ đó « khó có thể được mô tả như là một mối quan hệ lệ thuộc ».

Đối với Tân Hoa Xã, Washington đã nhiều lần vi phạm cam kết của mình không đứng về phe nào trong tranh chấp Biển Đông, và có thái độ bên trọng bên khinh khi nói đến các công trình xây dựng của Trung Quốc và của các nước khác trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc đặt cho Trường Sa), mặc dù Trung Quốc đã nói rõ là công việc cải tạo đất chỉ nhằm " mục đích phòng thủ và cải thiện các dịch vụ dân sự ".

Bài viết một lần nữa trở lại ví dụ về chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, và khẳng định rằng « phía Việt Nam đã đánh giá đó là một thành công lớn ». 

Và với lời lẽ mỉa mai, Tân Hoa Xã, đã cho rằng « Trong tư thế là một kẻ ngoại cuộc…, Hoa Kỳ đừng nên khuấy động các vùng biển yên tĩnh bằng lời nói và hành động gây bất hòa », để yên cho Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp với các nước liên quan.

 
Switch mode views: