Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước: Kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh

chine -quochoi


Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chuẩn bị báo cáo cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc hội.REUTERS/Barry Huang/Files

Trong khuôn khổ kế hoạch mang tên « Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025 », Bắc Kinh đang chuẩn bị tiến hành một chương trình cải cách rộng lớn đối với các doanh nghiệp Nhà nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh.

Mục tiêu của sáng kiến này là quảng bá trên thị trường nước ngoài, những lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Trung Quốc, như đường sắt, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, đồng thời, tạo lập những tập đoàn có quy mô lớn, có sức mạnh tài chính và cạnh tranh cao.

Kế hoạch « Sản xuất tại Trung Quốc » đã được Thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức nêu ra vào tuần trước, trong lúc chính phủ đề ra mục tiêu đạt tỉ lệ tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2015, tức là mức thấp nhất kể từ một phần tư thế kỷ qua.

Theo ông Lý Đông Sanh, lãnh đạo tập đoàn điện thoại di động và vô tuyến TCL, thì « nếu không có quy mô lớn và sức mạnh, việc quốc tế hóa sẽ khó khăn ».

Kế hoạch cải tổ sẽ được công bố vào cuối tháng 03/2015, nêu ra việc thành lập các công ty quản lý phần vốn của Nhà nước tham gia vào các doanh nghiệp công, thực hiện các chương trình trả lương và thưởng theo thành tích, trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Cũng trong khuôn khổ kế hoạch này, Nhà nước sẽ củng cố vị thế của mình trong một số lĩnh vực, như năng lượng, giao thông, đồng thời, giảm bớt sự tham gia vào các lĩnh vực khác, thông qua việc chuyển nhượng phần vốn và đưa các công ty tham gia thị trường chứng khoán.

Việc nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước hiện đang thống trị nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt, là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh muốn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao như trong suốt hai thập niên vừa qua.

Chuyên gia Andrew Baston, thuộc công ty tư vấn Gavekal Drononomics, tại Bắc Kinh giải thích : « Trung Quốc muốn lập các doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao ở tầm cỡ thế giới. Một trong những cách để đạt được mục tiêu này là buộc các doanh nghiệp mở rộng tầm vóc của mình ».

Trung Quốc đã làm thí điểm việc sáp nhập các doanh nghiệp, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 15, năm 1997, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt và hạt nhân.

Giờ đây, Bắc Kinh muốn cải cách sâu rộng các công ty Nhà nước khác và lập ra những doanh nghiệp vô địch mới.

Tuần trước, cơ quan quản lý tài sản quốc gia (gọi tắt là Quốc Tư Ủy - State-owned Assets Supervision and Administration Commission of the State Council – SASAC), đã chấp thuận kế hoạch sáp nhập hai tập đoàn đường sắt China CNR và China CSR.

Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc (CPI) và công ty Công nghệ năng lượng nguyên tử Nhà nước (SNPTC) đang nghiên cứu khả năng sáp nhập với nhau. Tình hình cũng tương tự trong lĩnh vực đóng tàu biển.

Tuy nhiên, các chuyên gia dầu khí Trung Quốc, khi thừa nhận sự cần thiết phải cải tổ trong lĩnh vực này, lại cho rằng không nên sáp nhập hai tập đoàn dầu khí khổng lồ là China National Petroleum và SINOPEC.
Việc sáp nhập này tạo ra một sự độc quyền quá lớn, khó quản lý và không có lợi cho người tiêu dùng.

Kế hoạch cải cách và sáp nhập các doanh nghiệp công đã thúc đẩy các hoạt động đầu cơ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Thời giá cổ phiếu của China CNR và CRS tăng tới 10%, trong phiên giao dịch ngày 05/03.


Switch mode views: