Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-9-2019
- Thứ Tư, 25 tháng Chín năm 2019 19:26
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Trung Quốc đau đầu vì cuộc khủng hoảng thịt lợn
Ảnh minh họa: Công nhân khử trùng một chiếc xe gần một trại nuôi lợn bị dịch tả lợn ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 09/03/2019.
REUTERS/Stringer
Vào lúc Trung Quốc đang đau đầu trước cuộc khủng hoảng Hồng Kông, nhật báo Pháp Le Monde ngày 25/09/2019 đã nêu lên một cuộc khủng hoảng khác, thậm chí nghiêm trọng hơn, mà Bắc Kinh đang phải đối phó dù ít được nói đến :
Đó là tình trạng giá thịt lợn tăng vọt do việc đàn gia súc Trung Quốc bị dịch tả lợn châu Phi tàn phá.
Dưới tựa đề « Tại Trung Quốc, giá thịt lợn tăng vọt, một cuộc khủng hoảng lớn đối với chính quyền »,
Le Monde nêu bật tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng qua một con số : Giá một lạng thịt lợn đã tăng 46,7% sau một năm dịch tả lợn châu Phi hoành hành, với hệ quả là buộc người dân phải thay đổi chế độ ăn uống.
Đối với nhật báo Pháp, tình huống thật là mỉa mai đối với Trung Quốc. Một năm sau khi phát hiện ra những ca bệnh đầu tiên vào mùa hè năm 2018 ở miền bắc Trung Quốc, bệnh dịch được chính thức gọi là « dịch tả lợn châu Phi » đã lan rộng ra toàn bộ các tỉnh và địa phương Trung Quốc.
Và mỉa mai thay, cuộc khủng hoảng đã đạt quy mô toàn diện vào năm nay là năm Hợi, với con lợn được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng !
Tờ báo Pháp trước hết ghi nhận tầm quan trọng của thịt heo trong nền kinh tế Trung Quốc.
Với sản lượng 54 triệu tấn trong năm 2018, Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu.
Thế nhưng, theo ước tính của ngân hàng nông nghiệp Hà Lan Rabobank, trong năm nay, Trung Quốc có thể mất 40% sản lượng. Đối với Le Monde, đó quả là « một thảm họa ».
Về vị trí của thịt lợn, Le Monde ghi nhận là loại thịt này chiếm 64% lượng thịt đủ loại được tiêu thụ ở Trung Quốc.
Do đó, thịt lợn tăng giá sẽ đẩy mạnh lạm phát.
Trong tháng 8 vừa qua, thịt lợn được cho là đã chịu trách nhiệm cho hơn một phần ba mức tăng lạm phát, được ghi nhận là 2,8% so với một năm trước đó.
Dùng đến thịt dự trữ chiến lược
Để đối phó với khủng hoảng, Bắc Kinh đã phải dùng đến kho dự trữ thịt lợn chiến lược của chính phủ vào đầu tháng 9, tung khoảng 10.000 tấn thịt ra thị trường hôm 19/09 vừa qua.
Đây là những lô hàng nhập khẩu từ Đan Mạch, Pháp, Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh.
Theo Le Monde, Trung Quốc đã thiết lập các kho dự trữ thịt lợn từ năm 2007, cho thấy là mặt hàng này mang tính chất quan trọng như thế nào, nhất là khi số lượng được lưu trữ là bí mật quốc gia.
Đối với Le Monde, việc mở kho dự trữ chiến lược còn xuất phát từ việc Bắc Kinh cố tránh để xẩy ra tình trạng khan hiếm đúng vào lúc chính quyền chuẩn bị mừng Quốc Khánh thứ 70 vào 01/10 tới đây.
Vấn đề, theo tờ báo Pháp là 10 000 tấn vừa được bán ra chỉ chiếm 0,2% lượng tiêu thụ thịt lợn hàng tháng của Trung Quốc, do đó sẽ không đử sức làm giảm giá thịt.
Theo bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, từ nay đến cuối năm, tỷ lệ tăng giá thịt lợn tại nước này có thể đạt mức 70%.
Thịt lợn : Một ưu tiên quốc gia
Đối với chính quyền Trung Quốc, mà tính chính đáng dựa trên năng lực cải thiện mức sống của người dân, tình trạng khan hiếm và tăng giá thịt lợn quả là một cuộc khủng hoảng lớn.
Thủ tướng Lý Khắc Cường vào cuối tháng 8, đã kêu gọi « đối phó khẩn cấp », trong khi phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) nói đến một « ưu tiên quốc gia ».
Chính quyền Trung Quốc, theo Le Monde đã thông qua nhiều biện pháp để khắc phục thảm họa do dịch tả lợn châu Phi gây ra, nhưng vẫn vấp phải nhiều khó khăn.
Việc yêu cầu các cấp địa phương phải nhanh chóng bồi thường cho các nhà chăn nuôi bị ảnh hưởng để họ khôi phục lại hoạt động đã bị ảnh hưởng do việc nhiều địa phương không chịu công nhận sự tồn tại của dịch bệnh để khỏi phải trả bồi thường.
Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đã cấm bán thịt bị nhiễm bệnh và ra lệnh cho nông dân ngừng cung cấp thức ăn thừa cho lợn, vì virut có thể tồn tại trong nhiều ngày trong thịt sống.
Nhưng các biện pháp cấm bán thịt nhiễm bệnh, vô hại cho con người, không phải lúc nào cũng được tôn trọng, một số địa phương thích để nông dân bán thịt hơn là đền bù cho họ.
Theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard, trưởng nhóm kinh tế gia phụ trách Trung Quốc tại Capital Economics, thì « sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn đà lây lan của virus và hạn chế tác động của dịch bệnh trên giá cả đang tỏ ra không hiệu quả.
Lạm phát sẽ vượt quá chỉ tiêu chính phủ đề ra lần đầu tiên trong một thập kỷ nay ».
Theo Le Monde, trong thực tế, trong hầu hết các trường hợp, sau khi virus dịch tả lợn xuất hiện, các trang trại vẫn trống rỗng, vì nguy cơ tái nhiễm rất cao vì không có vắc-xin.
Nhật báo Pháp kết luận hóm hỉnh : Vì không có giải pháp tốt, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục người dân bớt ăn thịt lợn.
Một tờ báo đảng hôm 10 tháng 9 vừa qua đã chạy một tựa lớn trên trang nhất: « Ăn ít thịt lợn là điều tốt cho sức khỏe. »
Trang nhất các báo
Vấn đề khí hậu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất nhiều tờ báo ra ngày hôm nay.
Le Monde đánh giá nghiêm khắc trong tựa chính trang nhất :
« Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc (về khí hậu) kết thúc bằng một thất bại », trong lúc Libération đặt câu hỏi « Ai sợ Greta Thunberg ? », cô gái Thụy Điển đang mạnh bạo phê phán các lãnh đạo thế giới lơ là việc chăm lo cho môi trường Trái Đất.
Về phần mình, La Croix ghi nhận : « Nền dân chủ trước thách thức của khí hậu ».
Riêng hai tờ Le Figaro và Les Échos dù cũng có nhiều bài phân tích về các diễn biến ở Liên Hiệp Quốc, nhưng đều dành tựa lớn trang nhất cho thời sự châu Âu.
Les Echos chạy tít lớn « Brexit : Boris Johnson trên ghế nóng », còn Le Figaro thì quan tâm đến việc « Chính sách của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu gây chia rẽ nội bộ ».
Le Monde : Thượng Đỉnh Khí Hậu LHQ thất bại
Như nói ở trên, Le Monde hôm nay đã dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ khí hậu tại Liên Hiệp Quốc. Đối với tờ báo Pháp, hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu đã kết thúc hôm thứ Hai, 23/09 tại New York với một kết quả kém cỏi, thể hiện qua việc các nước lớn từ chối tăng cường nỗ lực.
Một cách cụ thể, tờ báo Pháp nhìn thấy là châu Âu và Trung Quốc chỉ nhắc lại cam kết đưa ra trong Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, trong lúc nhiều nước gây ô nhiễm nặng nề nhất còn không thèm đến dự hội nghị.
Đại diện nước phát khí thải ô nhiễm nhiều nhất là tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở thượng đỉnh, mà không phát biểu trên diễn đàn khí hậu.
Chỉ có 66 quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, là đã loan báo những cam kết mới.
Tuy nhiên, số nước này chỉ chiếm khoảng 6,8% lượng khí thải ra trên thế giới.
Kết quả tích cực nhất là đã có thêm 500 triệu đô la được tháo khoán cho công cuộc bảo tồn « giếng carbone » của khu rừng Amazon.
Libération : Ai là người sợ Greta Thunberg?
Libération cũng dành trang nhất cho thượng đỉnh khí hậu Liên Hiệp Quốc, nhưng nhấn mạnh đến vai trò của Greta Thunberg, cô gái Thụy Điển đang mạnh bạo phê phán các lãnh đạo thế giới lơ là việc chăm lo cho môi trường Trái Đất.
Theo Libération, khi đứng ra kiện 5 nước trong đó có Pháp, về tội bất động trước cuộc khủng hoảng khí hậu, Greta Thungberg đánh thẳng vào những ai gièm pha cô, nhưng khiến cho những ủng hộ viên cơ hội chủ nghĩa bực bội.
Libération đã dành bài xã luận để phân tích thêm về phản ứng của Pháp khi bị kiện.
Đối với tờ báo cánh tả Pháp, cô bé Greta Thunberg quả là có tài làm cho các phản ứng bảo thủ phải bộc lộ, chui ra khỏi hang như các con chuột trước một miếng phó mát.
Chỉ lấy hai ví dụ : triết gia Luc Ferry, người từng làm bộ trưởng Giáo Dục và Thanh Niên Pháp nhận định :
« Chúng ta đang rơi vào một xã hội bị trẻ con hóa một cách điên cuồng », còn triết gia Alain Finkielkraut thì cho rằng « thật là thảm hại khi người lớn ngày nay phải cúi đầu trước một đứa trẻ. »
Greta Thunberg còn trẻ, nhưng Jeanne d’Arc hay Gavroche thì sao ?
Theo Libération, lập luận chê bai tuổi tác quá trẻ quả là kỳ lạ, vì văn hào Pháp Corneille từng nói : « Tài không đợi tuổi - La valeur n’attend point le nombre des années ».
Chỉ nói đến những nhân vật Pháp thôi, thì nữ anh hùng Jeanne d’Arc đâu có lớn hơn Greta Thunberg là bao, trong lúc cậu bé Gavroche, một nhân vật của Victor Hugo còn nhỏ tuổi hơn nữa.
Ngoài ra, theo tờ báo Pháp, cũng phải thấy là giới trẻ sẽ phải ở tuyến đầu nếu việc chống hâm nóng khí hậu, ai có thể trách họ khi họ chỉ bảo vệ tương lai của mình ?
Libération cho là tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những suy nghĩ bảo thủ tương tự.
Trả lời báo Le Parisien trên máy bay đi đến New York, ông nói về giới trẻ biểu tình:
« Chúng cứ đi biểu tình ở Ba Lan đi », ám chỉ việc chính quyền Ba Lan từ chối những quyết định của Châu Âu về khí hậu.
Libération mỉa mai : Đấy là một ý hay, có thể áp dụng cho những cuộc biểu tình khác : như những người Áo Vàng bất bình trước giá nhiên liệu tăng có thể đi biểu tình ở Ả Rập Xê Út, còn những nông dân bị việc nhập khẩu thịt đe dọa có thể qua tuần hành ở New Zealand.
Đối với Libération, quả đúng là việc các quốc gia Đông Âu cản trở những hoạt động bảo vệ môi trường của Châu Âu rất đáng bị chỉ trích và ông Macron không sai khi nhắc lại điều này.
Cũng phải công nhận là tổng thống đã nỗ lực nhiều trên đấu trường quốc tế để các nước lớn hành động trên vấn đề khí hậu. Pháp đã có những nỗ lực đáng khen.
Vấn đề tuy nhiên lại là, theo Libération, Pháp đã không tôn trọng chỉ tiêu giảm khí thải mà chính mình đã đưa ra.
Nếu những biện pháp đưa ra ở nhà mình chưa đủ, thì mình cũng không đủ tư cách lên lớp người khác.
La Croix : Nền dân chủ và thách thức của biến đổi khí hậu
Cũng dành tựa lớn trang nhất cho hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu, nhưng nhật báo La Croix đã tìm cách trả lời cho câu hỏi : Thể chế dân chủ có đủ vũ khí để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu hay không.
Theo La Croix, Pháp và bốn quốc gia khác đang bị các nhà đấu tranh cho môi trường kiện về tội không thực hiện cam kết.
Bối cảnh chính trị và lịch sử văn hóa của Pháp dường như cản trở khả năng đáp ứng các thách thức sinh thái của thời đại.
Tuy nhiên, theo La Croix, đây là điều có thể làm được, nhưng cần đến một thời gian dài để cân nhắc, và cần đến sự tham gia của quảng đại quần chúng.
Les Echos: Ba kịch bản sau khi BoJo bị Tư Pháp phủ nhận
Về hồ sơ Brexit, nhật báo Les Echos đã nêu bật vố đau mới mà thủ tướng Anh Boris Johnson vừa phải chịu sau khi quyết định của ông đình chỉ hoạt động của Nghị Viện đã bị Tòa Án Tối Cao phán quyết vào hôm qua là bất hợp pháp.
Tờ báo Pháp đã đặc biệt chú ý đến các kịch bản khác nhau sau phán quyết của Tòa Án Tối Cao
Kịch bản 1 : Đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ
Lãnh đạo Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn có thể khởi động cuộc tấn công nếu ông thấy sẽ có đa số hậu thuẫn.
Nhưng vấn đề là trước khi lật đổ Boris Johnson thì phải tính ai sẽ là người thay thế.
Đây là giấc mơ của Jeremy Corbyn, nhưng rất ít nghị sĩ, ngoài Công Đảng, muốn ông lên làm thủ tướng.
Hiện tại thì còn nhiều bất đồng về người có thể đưa ra một giải pháp thay thế.
Giới thân cận với Corbyn, tối qua đã tỏ ra rất dè dặt trước cuộc phiêu lưu này vì không muốn thúc đẩy Boris Johnson câu giờ bằng cách bày vẽ thủ tục và áp đặt một « Brexit no deal » vào ngày 31/10.
Kịch bản 2 : Boris Johnson từ chức
Cho dù các đối thủ của ông kêu gọi ông ra đi từ tối thứ Ba, không có gì bắt buộc ông Johnson phải từ chức.
Trước mắt thì ông nhất quyết bám trụ, ngoại trừ trường hợp bị đẩy ra ngoài.
Và ông có thể tiếp tục vỗ ngực tự nhận là người hùng của dân chúng, mà đa số đã quyết định rời khỏi Châu Âu vào năm 2016, lên tiếng chỉ trích các định chế về những âm mưu ngăn chặn ông.
Nhưng chiến lược nêu trên cũng có điểm hạn chế : theo một cuộc thăm dò của Yougov cho báo Times, 49% người Anh tán đồng phán quyết của Tòa Án Tối Cao, chỉ có 30% chống đối.
Kịch bản 3 : Lại đình chỉ hoạt động của Nghị Viện
Ông Johnson cho hiểu là kịch bản này có thể được dự kiến.
Nhưng nếu có một cuộc đình chỉ mới, thì chỉ sẽ kéo dài vài ngày.
Tòa Án Tối Cao đã phê phán thời gian đình chỉ dài bất thường (5 tuần) vừa qua, vốn có tác dụng tước quyền hay giới hạn khả năng Nghị Viện thi hành chức năng kiểm soát đối với chính phủ.
Le Figaro: Chính sách của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu gây chia rẽ
Theo tờ báo, căng thẳng lại nẩy sinh tại Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu giữa những người ủng hộ chính sách tiền tệ nghiêm ngặt và phe ủng hộ chủ trương vung tiền để ồ ạt hỗ trợ cho nền kinh tế.
Ông Mario Draghi, người sẽ trao quyền chủ tịch lại cho bà Christine Lagarde vào ngày 01/11, đang bị công khai chỉ trích, trái với thông lệ ở Frankfurt, nơi đặt trụ sở của định chế tài chính.
Các đối thủ trách ông là đã triển khai những biện pháp quá mức và không hiệu quả để kích thích tăng trưởng.
Tin mới
- Trung Quốc đã làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại ? - 28/09/2019 18:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-9-2019 - 28/09/2019 18:12
- Nổ bom tại Afghanistan trong ngày bầu cử tổng thống - 28/09/2019 17:42
- Hồng Kông: Khởi động loạt biểu tình cho đến ngày quốc khánh Trung Quốc - 28/09/2019 14:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-9-2019 - 27/09/2019 22:59
- Mỹ điều quân và đưa tên lửa Patriot sang Ả Rập Xê Út - 27/09/2019 17:02
- Tổng thống Venezuela Maduro công du Nga tìm hậu thuẫn - 26/09/2019 19:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-9-2019 - 26/09/2019 15:48
- Pháp : Cựu tổng thống Jacques Chirac qua đời - 26/09/2019 15:27
- Nguy cơ thiếu hụt năng lượng đe dọa kinh tế Việt Nam - 25/09/2019 22:08
Các tin khác
- Tại Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ tấn công Trung Quốc và Iran - 25/09/2019 18:35
- Thương chiến : Ngoài Mỹ, Trung Quốc sắp đụng với châu Âu - 25/09/2019 18:19
- Philippines: COC có thể giúp Bắc Kinh trở thành bá chủ tại Biển Đông - 25/09/2019 16:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-9-2019 - 24/09/2019 22:16
- Thương mại Mỹ-Trung : Vì tình thế, đôi bên tạm thời nhượng bộ - 24/09/2019 21:46
- Exxon, trắc nghiệm về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông - 24/09/2019 19:29
- Tân chính phủ Ý lùi bước trên Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc - 23/09/2019 21:07
- Dự án cao tốc Bắc-Nam và nỗi lo Trung Quốc - 23/09/2019 16:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-9-2019 - 23/09/2019 16:13
- Kazakhstan: Biểu tình chống Trung Quốc nổ ra tại 2 thành phố lớn - 22/09/2019 17:43