Tại sao người dân Iran ghét Macron và Putin hơn ai hết ?
- Thứ Bảy, 21 tháng Chín năm 2019 18:12
- Tác Giả: RFI
Nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại buổi họp báo ở Brégançon, ngày 19/08/2019.
Gerard Julien/Pool via REUTERS
Đây là câu hỏi bà Mahnaz Shirali, chuyên gia về chính trị - xã hội học, giảng viên trường đại học Sciences Po tìm cách giải đáp trên trang Blog của báo mạng HuffingtonPost.
Theo bà, việc nguyên thủ Pháp chìa tay với nước Cộng hòa Hồi giáo không phục vụ lợi ích của người dân Iran vì họ vốn dĩ hy vọng là các biện pháp trừng phạt của Donald Trump sẽ bóp nghẹt chế độ của các giáo chủ ayatollah.
RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu hỏa Ả Rập Xê Út một lần nữa đã làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ.
Sự kiện này tiếp nối các « vụ tấn công bí ẩn » nhắm vào các tầu dầu lớn trong vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Ormuz cách nay vài tháng.
Nước Cộng hòa Hồi giáo phản bác mọi cáo buộc có liên can đến các vụ tấn công này, trong khi đó vào tháng 7/2019, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn đặc biệt của Ayatollah Khamenei, đã tuyên bố : « Nếu Iran không thể xuất khẩu được dầu hỏa, thì không một nước nào khác có thể làm được ».
Các lãnh đạo Iran không có ý định hạ bớt thái độ cứng rắn và tiếp tục duy trì thế đối đầu trong khi không có mấy phương tiện để thực hiện.
Mười lăm tháng sau khi ông Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, người dân Iran giờ đang sống một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử nước này : Nền kinh tế đất nước – vốn đã kiệt quệ do các trừng phạt – giờ hầu như hụt hơi, đồng nội tệ mất giá đến 75%, nghèo đói tàn phá đất nước, những vị ayatollah bị căm ghét hơn bao giờ hết, và trấn áp chính trị chưa bao giờ dữ dội như lúc này kể từ sau cuộc xâm chiếm của người Mông Cổ thế kỷ XIII.
Mới đây, trong tuần vừa qua, vụ một thiếu nữ Iran tự thiêu sau khi bị kết án 6 tháng tù giam vì tội đến sân xem bóng đá đã làm rung chuyển cả nước.
Nếu nước Cộng hòa Hồi giáo có thể tỏ ra không khoan nhượng với Hoa Kỳ, tiếp tục theo đuổi các tham vọng bành trướng và đe dọa các nước láng giềng trong khu vực, đó là vì các nhà lãnh đạo không chú trọng đến những lợi ích quốc gia của người dân Iran.
Thay vì phải bình định mối quan hệ của họ với cộng đồng quốc tế, những vị lãnh đạo này lại khép mình trong chính sách bài Mỹ và bài Israel.
Chính sách hiếu chiến này, vốn đã tàn phá đất nước, ngày nay đã mang lại cho Iran một vị thế anh hùng hơn bao giờ hết, không chỉ làm hài lòng một bộ phận công luận thế giới Ả Rập mà cả những người mang tư tưởng chống Mỹ và phe tả châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Iran, ý thức về sự thành công này – nếu không phải là với người dân Iran, thì ít nhất là với người nước ngoài – đang tìm cách kín đáo giải quyết những vấn đề của họ với Mỹ.
Bởi vì, khó khăn của các ayatollah bắt đầu từ chỗ, lần đầu tiên từ 40 năm qua, họ phải đối mặt với một vị tổng thống Mỹ chỉ muốn đối thoại trước các ống kính camera.
Vì không thể phản bội lập trường bài Mỹ và không thể từ bỏ chính sách hiếu chiến, các ayatollah tìm cách lẩn tránh các lệnh trừng phạt, bằng cách vừa gây áp lực với châu Âu, vừa trông cậy vào sự ủng hộ của người láng giềng nguy hiểm, ông Vladimir Putin.
Nguyên thủ Nga đã thành công trong việc giành được các quyền kiểm soát vùng biển Caspi để đổi lấy sự ủng hộ của ông đối với chế độ ở Teheran.
Sự ủng hộ này nhanh chóng tỏ ra là huyễn hoặc vì một năm sau, vào tháng 5/2019, Putin tuyên bố : « Nước Nga không phải là một đội cứu hỏa, chúng tôi không thể cứu hết tất cả mọi người ».
Các ayatollah, hiện đang tìm cách kháng cự cho đến cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump, lại « tiền hậu bất nhất ».
Hôm nay, họ khẳng định sẵn sàng đàm phán với « bất kỳ ai ».
Ngày mai, họ lại áp đặt điều kiện tiên quyết để thương thuyết với Trump.
Trong khi chờ đợi, các vị giáo chủ liên tiếp đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu, đứng đầu là nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp, đang tìm cách bảo vệ bằng mọi giá cái thỏa thuận hạt nhân 2015 « chết yểu », cố gắng tự đặt mình vào vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran, khi đề nghị một khoản vay 15 tỷ đô la cho nước Cộng hòa Hồi giáo.
Khoản vay này có thể cứu rỗi các vị ayatollah bằng cách cho phép họ luồn lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, đề nghị này của ông Macron đã bị Ngân hàng Pháp từ chối, vì e sợ bị Mỹ trừng phạt, yêu cầu phải hỏi ý ông Donald Trump.
Nguyên thủ Mỹ, trung thành với chính sách « áp lực tối đa » từ chối bất kỳ sự xin phép nào và đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Pháp.
Sự việc đã cho thấy rõ, không giống như đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Pháp không có phương tiện để thực hiện các tham vọng của mình.
Bí ẩn bao trùm lên các động cơ của ông đến giúp đỡ nước Cộng hòa Hồi giáo, một chế độ bị người dân phỉ báng.
Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng hiện tại không phải ông Donald Trump, tác giả của các lệnh trừng phạt nhắm vào các vị giáo chủ ayatollah, mà chính là Vladimir Putin và Emmanuel Macron, là những nhân vật người dân Iran căm ghét.
Trên các con phố tại Teheran, cũng như tại nhiều thành phố khác, các khẩu hiệu chống Nga và chống Pháp được dán khắp các bức tường và ảnh biếm họa Emmanuel Macron, đầu quấn khăn Ả Rập và mặc bộ áo của Yasser Arafat (người ủng hộ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo nhiều nhất), được truyền tải trên các mạng xã hội.
Mệt mỏi vì 40 năm bất ổn, khủng hoảng và hỗn loạn, người dân Iran nhìn thấy lệnh trừng phạt của Mỹ như là một khả năng bóp nghẹt chế độ của các giáo sĩ ayatollah.
Cho dù những lệnh trừng phạt này làm cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn, người dân Iran tự nhủ sẵn sàng chịu đựng để có thể nhanh chóng chấm dứt chế độc độc tài đen tối của ayatollah ; một chế độ độc tài chỉ mang đến cho họ chiến tranh và đói nghèo.
Do vậy, mọi sự ủng hộ đối với các ayatollah chỉ làm kéo dài thêm nỗi thống khổ của một xã hội không còn muốn các nhà lãnh đạo của mình nữa.
Nhìn vào những sự kiện trong những ngày qua, việc đến giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo có lẽ sẽ trở nên khó hơn.
Câu hỏi đặt ra : Các lợi ích tài chính của chế độ lãnh đạo tham nhũng tại Iran đối với nước Pháp lớn đến mức nào để mà ông Macron phải ủng hộ những nhà lãnh đạo nằm trong số những người bị ghét nhất trên thế giới ?
Tác giả kết luận : Hy vọng rằng trò chơi này "đáng đồng tiền bát gạo" và tổng thống Macron sẽ không làm lu mờ hình ảnh của nước Pháp trong con mắt người dân Iran chỉ vì những điều vô ích.
Tin mới
- Philippines: COC có thể giúp Bắc Kinh trở thành bá chủ tại Biển Đông - 25/09/2019 16:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-9-2019 - 24/09/2019 22:16
- Thương mại Mỹ-Trung : Vì tình thế, đôi bên tạm thời nhượng bộ - 24/09/2019 21:46
- Exxon, trắc nghiệm về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông - 24/09/2019 19:29
- Tân chính phủ Ý lùi bước trên Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc - 23/09/2019 21:07
- Dự án cao tốc Bắc-Nam và nỗi lo Trung Quốc - 23/09/2019 16:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-9-2019 - 23/09/2019 16:13
- Kazakhstan: Biểu tình chống Trung Quốc nổ ra tại 2 thành phố lớn - 22/09/2019 17:43
- Tại Mỹ, Hoàng Chi Phong tố cáo ‘‘Nhà nước cảnh sát’’ Hồng Kông - 22/09/2019 17:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-9-2019 - 21/09/2019 18:52
Các tin khác
- Mỹ đưa thêm quân đến Vùng Vịnh theo đề nghị của Ả Rập Xê Út - 21/09/2019 14:28
- Phá đường dây gian lận visa đưa nhân viên chính phủ Trung Quốc vào Mỹ - 21/09/2019 00:46
- Tây Tạng: Đòn mới của Mỹ nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc - 20/09/2019 23:25
- “Siêu tên lửa” của Nga: Thực hư thế nào? - 20/09/2019 17:41
- Các nước châu Âu quyết tâm hiện diện thường xuyên tại Biển Đông - 20/09/2019 02:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-9-2019 - 19/09/2019 20:00
- Mạng lưới phòng thủ dầy đặc của Nga thách thức phương Tây - 19/09/2019 15:53
- Hi Tech : Hoa Vi trình làng điện thoại mới Mate 30 - 19/09/2019 14:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-9-2019 - 19/09/2019 00:31
- Trump bổ nhiệm nhà đàm phán con tin O’Brien thay John Bolton - 18/09/2019 23:51