Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

« Phòng thủ tích cực » trong chiến lược quân sự không gian Pháp

inmarsat m a regulator

Lắp ráp vệ tinh Inmarsat S-Band tại tổ hợp công nghệ Theles Alenia Space ở Cannes, Pháp, ngày 3/02/2017.
REUTERS/Eric Gaillard

 

Ngày 25/07/2019, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly, trong diễn văn tại căn cứ quân sự ở Lyon, đã thông báo những nét chính trong chiến lược quân sự mới của Pháp trong lĩnh vực phòng thủ không gian.

 

Paris sẽ tập trung đầu tư vào các phương tiện « phòng thủ tích cực » để bảo vệ các vệ tinh của mình.

Triển khai các loại vũ khí mới trên quỹ đạo Trái đất, một Bộ Tư Lệnh thống nhất, giám sát các vệ tinh, đó là những nét chính của chương trình phòng thủ và giám sát không gian.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp nhấn mạnh, trước các xung đột tiềm ẩn trong không gian do cạnh tranh giữa các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc, chương trình của Pháp không vi phạm các hiệp ước quốc tế cũng như không tạo thành « một cuộc chạy đua vũ trang », nhưng Pháp chỉ tổ chức « phòng vệ tích cực » cho các vệ tinh của mình.

Từ năm 1967 đã có một Hiệp ước Quốc tế nhằm quản lý các hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và khai thác không gian ngoài tầng khí quyền, trong đó có cả Mặt trăng.

 

 Tuy nhiên, theo bộ trưởng Florence Parly, « Hiệp ước đó không loại trừ quyền tự vệ chính đáng, không cấm quân sự hóa » không gian.
Với các cường quốc, phía trên tầng khí quyền đang ngày trở thành một « trận địa không gian » mới cho những hoạt động bí mật.

« Chiến tranh giữa các vì sao » trở lại ?

Năm 1983, tổng thống Mỹ thời bấy giờ Ronald Reagan đã phát động chương trình có tên gọi Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (IDS).
Mục tiêu là để đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Liên Xô có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ, đề phòng Thế chiến thứ 3 xảy ra.

 Nhưng cuối cùng Mỹ đã phải từ bỏ chương trình tốn kém này trước khi chiến tranh lạnh kết thúc.
35 năm sau, tổng thống Mỹ, Donald Trump khơi dậy lại cuộc chạy đua vũ trang trong không gian với việc thành lập binh chủng US Space với mục tiêu không để người Nga chiếm ưu thế.

Từ khi công nghệ phát triển mạnh mẽ khoảng vài ba thập niên trở lại đây, cùng với việc các cường quốc đổ xô lên không gian, một đe dọa mới cũng xuất hiện, nhất là khi các hoạt động quân sự có thể được tiến hành từ trên cao cách xa trái đất hàng nghìn km.
Các hệ thống quốc phòng dưới mặt đất ngày càng lệ thuộc vào hệ thống thông tin hiện đại không thể thiếu vệ tinh trên quỹ đạo.

Trả lời RFI, chuyên gia Xavier Pasco, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, phân tích :
« Quân đội ngày càng dựa vào không gian nhiều hơn để tiến hành các chiến dịch quân sự.
Trong cái nhìn của các nhà quân sự, các phương tiện không gian đang trở nên sống còn.

Giới quân sự đã nhận ra được điều này từ cách đây 15 năm, nhưng Pháp thì mới nhận ra trong các chiến dịch quân sự gần đây... Pháp ý thức được điều này hơi muộn».

Phòng thủ tích cực nhằm bảo vệ hệ thống vệ tinh

Bà Florence Parly khẳng định, phòng thủ tích cực không phải là tấn công, mà là khi có « các hành động thù địch, thì Pháp phải có khả năng đáp trả tương xứng phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ».

Bộ trưởng Pháp phác họa đường hướng chương trình phòng vệ tích cực :
« Xác định, phân biệt đặc thù các hành động chơi xấu hay thù nghịch trong môi trường vệ tinh của chúng ta, tiếp tục phát triển các phương tiện hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự, bảo vệ các phương tiện trong không gian của chúng ta và răn đe đối thủ... »

Năm 2017, một vệ tinh quân sự Pháp-Ý Athena-Fidus đã bị một vệ tinh do thám Nga đánh cắp thông tin.
Sau đó, thiết bị của Nga đã có những hành động tương tự đối với 8 vệ tinh của nhiều nước khác. Pháp phải tăng cường khả năng giám sát các vệ tinh của mình, theo nhật báo Le Monde.

Thách thức hiện nay là xác định các hành động gây hấn « dưới ngưỡng » xung đột.

Về câu hỏi trong tương lai lực lượng không gian Pháp sẽ phản ứng thế nào với những hành động thù nghịch như vậy, bà Florence Parly quả quyết, trong tương lai, các phương tiện "phòng thủ không gian của Pháp sẽ phải được trang bị các vũ khí laser cực mạnh để gây nhiễu đối thủ hoặc thậm chí phá hủy các tấm pin mặt trời của những vệ tinh ở gần".

Paris cho biết đối tượng được « bảo vệ tích cực » như vậy có thể là những vệ tinh thương mại vì lợi ích an ninh quốc gia và cả những vệ tinh hợp tác với các đồng minh, đặc biệt là hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu Galileo.
Luật về chương trình quân sự 2019-2025 đã thông qua 3,6 tỷ euro dành cho phòng thủ không gian.

Để có thêm phương tiện hoàn thiện hệ thống bảo vệ các vệ tinh, bộ trưởng Quân Lực Pháp thông báo bổ sung thêm ngân sách 700 triệu euro từ nay đến 2025.
Một ngân khoản vẫn bị các chuyên gia cho là còn quá khiếm tốn. Paris kêu gọi mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Đức và Ý.
Nhưng trước sự cạnh tranh của Mỹ hay Trung Quốc, các nhà công nghiệp nhận thấy đầu tư của châu Âu vẫn còn chưa đủ.

Hiện tại trên quỹ đạo trái đất có khoảng trên 2500 vệ tinh hoạt động, chủ yếu là của Nga và Mỹ. Không lâu nữa con số này sẽ lên tới 8000.
Ưu tiên của Pháp là giám sát hoạt động vệ tinh. Bộ Quân Lực Pháp cho biết sẽ tập trung nghiên cứu các loại « vệ tinh nano tuần tra », có khả năng tự vệ, ngăn chặn sự phá hoại của các vệ tinh khác.

Quân đội Pháp sẽ có riêng vệ tinh chụp ảnh và những tính năng dịch vụ quan sát trái đất.
Pháp đã quyết định triển khai mẫu vệ tinh GOET Tracker do tập đoàn Arian Group chế tạo cho quỹ đạo cao.
 Vệ tinh radar Grave sẽ được trang bị thêm các phương tiện quan sát cho quỹ đạo thấp.
Ngoài ra Pháp dự kiến trang bị cho quân đội loại radar tầm xa để báo động chống tên lửa sớm.

Thay đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp

Để điều hành toàn bộ chương trình và hệ thống phòng thủ không gian như vậy, một Bộ Tư Lệnh Không Gian sẽ được thành lập tháng 9 tới đây.
Trước mắt bộ phận này nằm trong Không Quân, nhưng trong tương lai Pháp sẽ có binh chủng Không Quân và Không Gian.

Trên phương diện pháp lý, Bộ Quân Lực dự tính phải sửa đổi hệ thống luật 2008 về các hoạt động không gian.
Theo luật cũ, các hoạt động trong không gian của Pháp đặt dưới quyền quyết định của cơ quan dân sự, cụ thể là Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Không gian (CNES).

Luật sửa đổi sẽ theo hướng sao cho quân đội có quyền quyết định một phần các hoạt động không gian, nhằm tăng cường khả năng hành động mau lẹ, yếu tố cực kỳ quan trọng trong quân sự.

Ngân sách đầu tư hàng năm của Paris cho lĩnh vực không gian cả quân sự lẫn dân sự là 2 tỷ euro, trong khi Hoa Kỳ mỗi năm chi 50 tỷ đô la, Trung Quốc 10 tỷ và Nga 4 tỷ, theo số liệu chính thức của chính phủ Pháp.
Điều này cho thấy trong lĩnh vực không gian, Pháp tụt hậu khá xa, đồng thời lý giả tại sao Paris phải khẩn trương cho cuộc đua quân sự không gian.

Switch mode views: