Đổ bộ Normandie : « Đến giờ chót, Eisenhower vẫn lo toát mồ hôi »
- Thứ Bảy, 08 tháng Sáu năm 2019 18:36
- Tác Giả: RFI
Ngày 06/06/1944, khoảng 130.000 binh sĩ Anh, Mỹ và Canada đổ bộ lên các vùng bờ biển Normandie.STF / AFP
Ngày 06/06/2019 kỷ niệm đúng 75 năm chiến dịch đổ bộ quân sự ồ ạt tại Normandie, mở đường cho việc đánh bại quân đội Đức, chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến.
Nhân sự kiện này, tạp chí Thế giới Đó đây tuần này xin dành số đặc biệt để nói về những khía cạnh chưa được biết đến trong chiến dịch quân sự có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Ngược dòng lịch sử, ngày 06/06/1944, trời vừa hừng sáng, một đại hạm đội hùng hậu xuất hiện phía bờ biển Normandie.
Trên hàng tầu chiến là hơn 130.000 binh sĩ, chủ yếu là Anh, Mỹ và Canada sẵn sàng đổ bộ tại các bờ biển Omaha, Utah, Juno, Sword và Gold.
Trong đêm, khoảng 23.000 lính dù đã đổ xuống những vùng xung quanh để bảo đảm an toàn cho việc tiến quân.
Và thế là chiến dịch Overlord đã mở màn, đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất thế kỷ XX.
Việc mở mặt trận thứ hai chống quân phát xít, phối hợp cùng với sự tiến quân của quân đội Xô Viết ở phía đông đã dẫn đến sự bại trận của quân đội Đức Quốc Xã 11 tháng sau đó.
Nhưng đằng sau một chiến dịch quy mô rầm rộ chưa từng có là cả một giai đoạn tranh cãi, cạnh tranh về tư tưởng và chiến lược giữa những nhà cầm quân ; nỗi lo lắng và sợ hãi của những người lính yếu ớt.
Đây cũng chính là những khía cạnh chưa từng được biết đến mà sử gia Olivier Wieviorka, chuyên nghiên cứu về Lịch sử Đệ Nhị Thế Chiến, có dịp trao đổi cùng với nhà báo François-Damien Bourgery đài RFI.
Ban Tiếng Việt xin giới thiệu cùng quý thính giả.
RFI : Trong tập sách « Lịch sử cuộc đổ bộ Normandie - Nguồn gốc của việc giải phóng Paris », ông có viết rằng giữa năm 1942 và 1943, ý tưởng về một cuộc đổ bộ Normandie là chủ đề « tranh luận chiến lược gay gắt » giữa Mỹ, Liên Xô và Anh Quốc do những cách tiếp cận địa chính trị khác nhau.
Vậy đó những cách tiếp cận nào ?
Olivier Wieviorka :
Với Churchill (thủ tướng Anh), việc kiểm soát Địa Trung Hải là điều căn bản.
Địa Trung Hải là nơi chỉ huy liên lạc với đế chế thông qua kênh đào Suez.
Đức Quốc Xã cũng có nhiều lợi ích to lớn tại Ai Cập và Hy Lạp. Thêm vào đó, với Churchill, chiến lược đánh vào Địa Trung Hải sẽ ít tốn kém nhân lực hơn chiến lược tấn công vào phía tây bắc châu Âu.
Ông cố gắng thực hiện chiến lược tiêu hao, đánh vào điểm yếu của đối phương, với một đội quân Anh tương đối ít ỏi, khoảng 4,5 triệu quân : làm tiêu hao lực lượng Đức ở những nơi chúng yếu kém nhất và kết liễu đối phương khi chúng kiệt quệ.
Ngược lại, tổng thống Roosevelt và Hoa Kỳ thì lại có quan điểm hoàn toàn khác hẳn.
Theo họ - và đó là một sự kế thừa chiến lược từ cuộc nội chiến và Đệ Nhất Thế Chiến - nên tấn công quân Đức ở những nơi nào chúng mạnh nhất.
Đây chính là cách họ đưa ra quyết định và chính vì lý do này mà họ tuyên bố mở thêm mặt trận thứ hai ở Normandie.
Nếu như cuộc đổ bộ bị chậm lại, đó cũng là do phía Mỹ thiếu chuẩn bị.
Trong suốt những năm đầu cuộc chiến, quân đội Mỹ vẫn chỉ là « một lực lượng nhỏ và trang bị yếu kém » như ông đã viết.
Vì những lý do gì mà nỗ lực quân sự đã không được cung cấp sớm hơn ?
Quả thật vào năm 1939, quân đội Mỹ chẳng đáng kể về mặt quân số cũng như thiết bị.
Đơn giản chỉ vì trong một chừng mực nào đó, người Mỹ đã đánh giá thấp mối nguy hiểm của cuộc chiến tại châu Á và châu Âu.
Và bởi vì ông Roosevelt, người sáng suốt hơn cả, có nguy cơ đối mặt với sự phản đối của những người chủ trương biệt lập, tức là những người không chấp nhận Hoa Kỳ bị lôi cuốn vào trong một cuộc chiến mới.
Điều đó đã cản trở ông chuẩn bị cho chiến tranh, như áp đặt chế độ nghĩa vụ quân sự - chế độ này chỉ được áp dụng từ năm 1949 - cũng như chuẩn bị phương tiện quân sự.
Do vậy, có thể nói, Roosevelt buộc phải hành động trái với công luận và một bộ phận chính giới.
Vậy công luận Anh và Mỹ nghĩ gì về kế hoạch đổ bộ này ?
Dĩ nhiên là người dân Anh và Mỹ không hề được thông tin về những bí mật của thời điểm đổ bộ, ngày N.
Đổi lại, người ta biết được cảm nhận chung của công luận về chiến tranh và nhất là các chiến dịch quân sự tại châu Âu.
Tại Mỹ, chiến tranh không mấy gì được lòng dân. Trong giai đoạn 1939-1940, công luận Mỹ thiên về tư tưởng biệt lập, bởi vì Đệ Nhất Thế Chiến đã để lại nhiều ký ức tồi tệ.
Và nếu như sự dè dặt này bị xóa bỏ vào ngày 07/12/1941 với vụ tấn công Trân Châu Cảng, thì công luận lại ủng hộ can thiệp chống quân đội Nhật Hoàng hơn là chống quân Đức.
Lập luận của Roosevelt muốn tấn công nước Đức trước tiên không được lòng dân.
Người Đức là một sắc dân thiểu số lớn nhất ở Mỹ. Đó là một cộng đồng đã hội nhập vào xã hội Mỹ.
Ngược lại, cộng đồng người Nhật Bản lại bị khai trừ, bài xích, dẫn đến việc tổng thống Roosevelt phải ra lệnh giam giữ họ.
Công luận dường như ủng hộ khả năng « hòa bình phục hồi nguyên trạng » với Đức, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận điều này với Nhật Bản.
Còn người Anh, họ rất căm thù Đức Quốc Xã. Nhưng công luận và quân đội thì lại quá mệt mỏi. Chiến tranh kéo dài từ năm 1939, đã quá sức chịu đựng đối với Vương Quốc Anh.
Người dân đôi khi nghĩ đến thời kỳ hậu chiến hơn là chiến tranh.
Quân đội Anh đổ bộ lên Normandie lại thiếu sự hăng hái.
Họ chiến đấu với cả lòng quả cảm nhưng cực kỳ cẩn trọng, vì mục tiêu là làm thế nào trở về nhà bình an vô sự.
Phải chăng còn có một vấn đề khác : Sự yếu ớt về mặt tinh thần, thể lực và tâm lý của bộ binh, mà lẽ ra họ phải đóng một vai trò chủ đạo trong cuộc đổ bộ này… ?
Sự yếu đuối của bộ binh có liên quan đến cả quân Anh và Mỹ.
Người ta hiếm khi nào chọn vào bộ binh, vốn dĩ là đạo quân hứng mũi chịu sào - họ chết rất nhiều - và ít có tiếng tăm nữa.
Một người trẻ tuổi trai tráng và quả quyết sẽ chọn tham gia đội quân tinh nhuệ, như lính đặc công hay lính dù chẳng hạn.
Ngược lại, ai muốn ít rủi ro thì sẽ chọn ngồi văn phòng. Do vậy, bộ binh chỉ thu hút những tân binh nào yếu kém về trí tuệ và thể lực.
Đây là cả một vấn đề vì trong một chừng mực nào đó quân Đồng Minh sẽ phải tiến hành một « cuộc chiến rừng rậm », nghĩa là dựa hoàn toàn vào bộ binh trong suốt chiến dịch Normandie, nhất là trong quãng thời gian từ ngày 06/06 đến ngày 31/07/1944.
Do lính bộ binh ít được « trang bị » nhất và phần lớn gánh nặng công việc đè lên vai họ, những binh sĩ này rất dễ bị tổn thương, nhất là về mặt tâm thần.
Vào tháng 6 và 7/1944, một trận dịch rối loạn tâm thần thật sự đã xảy ra, nhiều người không còn khả năng chiến đấu, đó là điều mà bộ tham mưu không lường trước được.
Tình trạng này là do tính chất khốc liệt của cuộc chiến và thời tiết xấu - trời hầu như mưa không dứt.
Chiến dịch Overlord chỉ được thông qua trong hội nghị Teheran, diễn ra từ ngày 28/11 đến 01/12/1943.
Phải chăng chiến dịch này sau đó đã bị xét lại trong suốt 5 tháng trước ngày 06/06 ?
Kể từ hội nghị Teheran, những cam kết tham chiến trở nên mạnh mẽ hơn so với Liên Xô. Và kể từ lúc tướng Eisenhower được bổ nhiệm chỉ huy chiến dịch, bộ máy chiến tranh đã được khởi động và người ta không thể ngăn chận lại được nữa.
Cho dù Churchill khi ấy đóng vai trò lực hãm hơn là lực đẩy. Ông ấy không ngừng quấy rối Eisenhower, người đã yêu cầu tiến hành một chiến dịch vùng duyên hải Provence - mà sau này là chiến dịch Dragoon ngày 15/08/1944.
Churchill không ngừng nhắc nhở Eisenhower rằng đây sẽ là một ý tưởng tồi và nhất thiết phải trì hoãn chiến dịch này.
Một khi chiến dịch được chấp thuận, chỉ còn lại có 5 tháng để huấn huyện binh sĩ và tập hợp trang thiết bị thích hợp….
Người ta có cảm giác là Hoa Kỳ - « công xưởng của các nền dân chủ » - như câu nói của Roosevelt - là một cỗ máy chiến tranh hùng mạnh, một nguồn cung ứng dồi dào và quân Đồng Minh chỉ việc khai thác.
Trên thực tế, việc chuẩn bị hậu cần cho cuộc đổ bộ rất phức tạp.
Đầu tiên là do thiếu tầu bè chuyển quân. Điều đó buộc Eisenhower phải đẩy lùi chiến dịch được dự kiến lúc ban đầu là đầu tháng Năm, để có thêm một tháng chế tạo tàu bè.
Cho đến tận phút chót, Eisenhower vẫn còn lo đến toát mồ hôi.
Một yếu tố khác, chính là quân Đồng Minh không biết là kiểu chiến tranh mà họ sẽ phải tiến hành. Đầu tiên họ tính tới một cuộc tấn công chớp nhoáng, cần nhiều xăng và ít đạn dược hơn cần thiết, đến mức áp dụng « khẩu phần » đạn dược.
Mọi việc diễn ra ngược lại, kể từ ngày 25/07, khi quân Mỹ tiến đánh về hướng Avranches. Từ lúc đó, xăng lại thiếu.
Về mặt kỹ thuật, có một số lo ngại về tình trạng thiếu kinh nghiệm của binh sĩ tham gia chiến dịch vào ngày N.
Về hệ tư tưởng, tất cả các báo cáo của Mỹ và Anh cho thấy sự yếu kém, thiếu hụt trong việc chuẩn bị tinh thần, giáo dục cho các binh sĩ.
Điều mà những người lính này muốn, đó là làm xong bổn phận, trở về an toàn và bảo vệ các chiến hữu của họ.
Họ rất ít thấm nhuần ý tưởng tiến hành một « cuộc đại thập tự chinh chống lại chủ nghĩa phát xít » như bộ máy tuyên truyền cố gắng loan tải.
Tình trạng mối quan hệ ngay giữa lòng bộ tham mưu quân Đồng Minh thì sao ?
Các mối quan hệ đó lại khá tốt, nhờ có tướng Eisenhower, người đã biết cách châm dầu cho cỗ máy vận hành và tỏ ra ngoại giao.
Ông có nhiều công trạng vì đa phần những người cấp dưới của ông đều là những kẻ gây rắc rối, tệ hại nhất là tướng Anh, Montgomery, người chỉ huy đội quân trên bộ. Mối quan hệ này đã trở nên tồi tệ hơn khi Montgomery không tài nào chiếm được thành phố Caen.
Thất bại này dẫn đến việc Eisenhower trao thêm nhiều quyền hành cho tướng Bradley, khiến đồng nhiệm Anh thất vọng.
Mối quan hệ này còn thêm phần phức tạp hơn khi mà báo chí của từng nước lại xía vô.
Nhìn lại tất cả những khó khăn mà chiến dịch Overlord phải đối mặt, cuối cùng rồi người ta cũng có thể cho rằng thành công của chiến dịch là một sự mầu nhiệm …
Giả như không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thì thành công của cuộc đổ bộ và trận đánh Normandie là một phép mầu.
Chiến tranh theo kiểu Mỹ là một cuộc chiến mà ở đó mọi thứ đã phải sẵn sàng. Điều này giải thích vì sao cho dù có một số thất bại như quân Đức kháng cự mạnh mẽ ở Caen, những điều không ngờ tới, thời tiết xấu, nhưng quân Đồng Minh vẫn chiến thắng.
Thắng lợi này không phải là do may mắn, mà nhờ vào một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tài năng của một số tướng lĩnh, nhất là tướng Bradley.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-6-2019 - 11/06/2019 19:29
- Thế nào là một « cường quốc hàng hải » ? - 11/06/2019 13:58
- Việt Nam, trung gian thương mại của Mỹ và Trung Quốc ? - 10/06/2019 21:39
- Thương chiến Mỹ-Trung : Hà Nội sẽ chống hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam - 10/06/2019 20:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-6-2019 - 10/06/2019 17:01
- Hơn một triệu người biểu tình, chính quyền Hồng Kông duy trì dự luật dẫn độ - 10/06/2019 16:36
- Hồng Kông : Chống luật dẫn độ sang Hoa lục, nửa triệu người xuống đường - 09/06/2019 20:53
- Công nghệ cao : Trung Quốc hù dọa các công ty nước ngoài - 09/06/2019 20:42
- Di dân nhập cư : Tổng thống Mỹ và Mêhicô hoan nghênh thỏa thuận - 09/06/2019 19:01
- Căng thẳng tại hội nghị G20 Tài Chính vì cuộc đọ sức thương mại Mỹ - Trung - 09/06/2019 18:26
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-6-2019 - 08/06/2019 18:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-6-2019 - 08/06/2019 14:49
- Nga-Mỹ đổ lỗi cho nhau về sự cố trên biển Hoa Đông - 08/06/2019 14:00
- Nhật Bản ra biện pháp mới giảm thiểu rác thải nhựa - 08/06/2019 13:49
- Bóng đá : Cuộc đấu tranh dài hơi của các tuyển thủ nữ - 08/06/2019 05:29
- Hồng Kông : Giới luật sư tuần hành phản đối luật dẫn độ - 08/06/2019 05:01
- Thân phận Đài Loan trong quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung - 06/06/2019 21:56
- Mỹ- Trung: Đã đến lúc « tính sổ » lẫn nhau - 06/06/2019 21:43
- Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Ước mơ dân chủ tan vỡ nhưng ký ức không phai - 06/06/2019 21:15
- Các liên minh lâm nguy vì Trump - 06/06/2019 20:20