Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-5-2019

Macron, vị tổng thống vẫn còn là bí ẩn

france Macron 5

 


Tổng thống Macron tại điện Elysée ngày 01/05/2019.
Reuters

 

« Macron là ai ? », tuần báo L’Express nêu câu hỏi này trên trang bìa, nhân dịp kỷ niệm 2 năm cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp.

Tạp chí L’Obs thì dành trang bìa của mình cho nước Nhật vào lúc quốc gia này vừa bước sang thời kỳ Lệnh Hòa với việc hoàng thái tử Naruhito nối ngôi Nhật hoàng Akihito, vừa chính thức thoái vị ngày 30/04/2019.

Còn trang bìa của tuần báo Courrier international được dành để nói về cái mà tờ báo này gọi là thời kỳ của « chủ nghĩa tư bản theo dõi », đánh dấu sự cáo chung của cuộc sống riêng tư.

Macron là ai ?

Theo tờ L’Express, cho tới cách đây hai năm, dân Pháp vẫn có thói quen bầu làm tổng thống những nhân vật mà họ biết rất rõ.

Ngày 07/05/2017, dân Pháp đã phá lệ, đưa một người mới 39 tuổi, gần như không ai biết đến trên sân khấu chính trị, vào điện Elysée.
Nhưng tờ báo đặt câu hỏi : Hai năm sau, liệu chúng ta có hiểu ông ấy hơn ?
Tờ báo đã đặt câu hỏi này với hai nhà triết học và một nhà kinh tế học ở Pháp.

Theo L’Express, về nhiều phương diện, bí ẩn càng dày đặc hơn.
 Với việc không để một nhân vật nào khác nổi cộm hơn ông, tổng thống Macron đã tự đặt mình vừa « nằm trong tầm ngắm », vừa là « đá đỉnh vòm », tức « yếu tố chủ chốt ».

 

Đối với nhà triết học Marcel Gauchet, chính cái « chủ nghĩa cá nhân cực độ trong cách hành xử quyền lực » đã dẫn đến việc không ai hiểu chính sách của ông Macron mang ý nghĩa như thế nào, cũng như nó đã được vạch ra dựa trên những chẩn đoán nào.

Ông Gauchet cho rằng vấn đề chính của Emmanuel Macron, mà một phần đó là do ông trỗi dậy quá nhanh, nằm ở chổ ông thiếu một sự tiếp sức, thiếu một đội ngũ và thiếu sự nắm bắt đất nước.

 Nhưng thay vì tập trung nỗ lực để tạo dựng những cơ sở cần thiết cho bất cứ một chính quyền dân chủ nào, người ta có cảm tưởng là ông cố sống quen với sự đơn độc và không tin tưởng ai khác ngoài chính mình.

Về phần nhà triết học Dominique Schnapper, ông cho biết rất thán phục tài phô diễn kiến thức của tổng thống Macron, mà chưa có ai sánh bằng, nhưng đối với nhà triết học này, đó không phải là phẩm chất cần thiết duy nhất để lãnh đạo một đất nước.

Theo ông Schnapper, sai lầm của tổng thống Macron là quá tin tưởng vào tính hợp lý của hành động chính trị.
Không phải dự án nào đúng đắn đều có thể thực hiện được.
Ông Macron cũng đã phạm sai lầm với quân đội và các công đoàn, trong khi lẽ ra phải kết hợp hai định chế này vào chính sách của chính phủ.

Nhà kinh tế học Daniel Cohen thì ghi nhận tổng thống Macron có một khả năng phản ứng lại một sự kiện, thích ứng với một tình thế mới, nói tóm lại là có một óc chiến thuật rất cao.
 Nhưng ông còn phải chứng minh là có một nhãn quan chiến lược.

Phong trào Áo Vàng có đang đặt lại vấn đề về đường lối của tổng thống Macron ?

Theo nhà kinh tế học Cohen, những người Áo Vàng có thể là một cơ may cho chính phủ. Họ không đoái hoài gì đến các đảng truyền thống và nói một ngôn ngữ mà phe Macron có thể hiểu được, vì chủ yếu họ đòi nâng cao sức mua.

 Nhưng theo ông Cohen, phong trào này cũng là thể hiện sự chỉ trích quyền lực tuyệt đối mà nền Đệ ngũ Cộng hòa trao cho tổng thống.
Đáp lại chỉ trích đó sẽ là một nhiệm vụ nặng nề.

Macron qua cái nhìn của báo chí quốc tế


Tờ Courrier international cũng dành nhiều trang cho tổng thống Pháp Macron dưới cái nhìn của báo chí quốc tế.
Nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung nhận định rằng, trong nhiệm kỳ của tổng thống Macron, chính trị đã trở thành một « vở kịch ».

Theo tờ báo này, chính những người Áo Vàng cũng làm như vậy, bởi vì họ trình bày phong trào của họ không như các cuộc biểu tình phản kháng, mà như các hồi của một vở kịch.
Macron thì tính toán chậm hơn, nhưng chính ông cũng vừa loan báo « một hồi mới của nền Cộng hòa », hồi 2 của ông.

Một khi sân khấu đã được dựng lên thì phải đóng cho hết mình.
Bên phía Áo Vàng, họ biết rằng một chiếc xe bị đốt cháy chỉ có ý nghĩa nếu cảnh này được phát cả trăm lần trên các màn ảnh truyền hình.

Bên kia là một tổng thống chỉ biết đáp lại sự bất mãn bằng một chiến dịch truyền thông ồ ạt.
Theo nhật báo Đức, cuộc thảo luận toàn quốc đã dựa trên một nguyên tắc có tính thuyết phục : tổng thống rời khỏi cung điện để gặp gỡ người dân cả nước.

Nhưng ông lại đặt cho họ những câu hỏi mà theo lẽ phải đặt ra cho các chuyên gia: nên cải tổ hệ thống thuế khóa như thế nào ? nên tái cơ cấu dịch vụ công ra sao ?
Ông Macron là người duy nhất đưa ra các lời giải đáp. Nhiệm vụ của ông là thế.

 Sau ba tháng thảo luận, ông Macron lại nói rằng, những cải tổ đã được thực hiện chính là câu trả lời hiệu quả nhất cho những câu hỏi nói trên và cần phải đẩy nhanh hơn nữa các cải tổ đó.
Chẳng ai hiểu vì sao ông lại cần hỏi ý kiến của nhân dân như vậy.

Tờ nhật báo Anh The Times thì tổng kết 2 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Macron: càng bị cô lập hơn bao giờ hết, ông sẽ khó mà bật dậy, nếu không nhanh chóng đạt các kết quả.
Theo nhật báo Anh, ngày 7/5 tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 2 năm ông giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống.

Một cách không hào hứng lắm, dân Pháp lúc đó đã bầu một lãnh đạo trẻ nhất kể từ thời Napoléon. Sau một giai đoạn đầu với nhiều sai sót, giới thân cận của Macron nghĩ rằng tổng thống Pháp nay đang ở vào một bước ngoặt, ở đầu « hồi 2 ».

 Nhưng tờ báo lưu ý là trong ba tháng gần đây, hàng loạt cộng sự viên của ông đã từ chức, bỏ trống nhiều văn phòng ở tầng 4 của điện Elysée, khiến một số người lo ngại là tổng thống Macron sẽ lại càng có khuynh hướng quyết định một mình.

 

Nhưng ngoài việc thay đổi nhân sự, vấn đề lớn nhất đối với ông đó là các kết quả.
Theo The Times, cuộc nổi dậy của những người Áo Vàng là một cuộc khủng hoảng mà lẽ ra ông Macron đã có thể tránh được.

Vào tháng 06/2018, tức là 5 tháng trước khi khởi đầu các cuộc biểu tình chống việc tăng giá xăng, ba nhà kinh tế học từng tham gia vào chương trình hành động của tổng thống đã cảnh báo ông là nên cân bằng các ưu tiên, bớt ưu đãi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, và hỗ trợ nhiều hơn cho tầng lớp trung bình đang gặp khó khăn.

Thế mà kế hoạch giảm thuế cho các doanh nghiệp và những hộ có thu nhập cao nhất đã được thực hiện nhanh chóng, trong khi các biện pháp hỗ trợ tầng lớp trung bình đã bị dời lại do thiếu ngân sách.

Trong « hồi 2 » của nhiệm kỳ tổng thống, ông Macron hứa sẽ thi hành các biện pháp mạnh mẽ cho tầng lớp trung bình, hiện đang gánh chịu một mức thuế thuộc loại nặng nhất trong số các nước phát triển.
Có điều muốn làm như vậy thì phải cắt giảm mạnh các dịch vụ công, một điều chắc chắn sẽ bị phe đối lập lên án như là những đòn tấn công mới chống lại người nghèo.

Dân Hồng Kông chống luật dẫn độ

Về châu Á, tờ Courrier international điểm một số tờ báo Hồng Kông về việc người dân đặc khu này phản đối một luật mới cho phép dẫn độ từ Hồng Kông sang Trung Quốc.

Để phản đối luật này, khoảng 130 ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường hôm 28/04/2019 trong cuộc biểu tình lớn nhất tại đặc khu hành chính này kể từ phong trào dù vàng 2014.

 Nếu được Hội đồng lập pháp thông qua, luật sẽ cho phép dẫn độ những người bị truy nã bởi các quốc gia không có hiệp định dẫn độ với Hồng Kông, kể cả Trung Quốc và Đài Loan.

Theo lời ông Martin Lee, người sáng lập Đảng Dân chủ Hồng Kông và cựu dân biểu, được tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông trích dẫn, số người tham gia cuộc biểu tình hôm 28/04 đã vượt quá dự báo, một phần là do việc tuyên án tù nhiều lãnh đạo của phong trào Occupy Central, tức phong trào dù vàng.

 Trên tờ South China Morning Post ngày 28/04, nhà báo Philip Browing viết:
 “ Mô tả phong trào dù vàng là một âm mưu lật đổ chính quyền là hoàn toàn trái với thực tế. »

Bên phía thân Bắc Kinh, tờ Ta Kung Pao lên án cuộc biểu tình 28/04 và những người khởi xướng biểu tình.
 Tờ báo này cho rằng « các tin giả do phe đối lập « sản xuất » ngày càng nhiều, thành ra mới phải cấp thiết ra luật này.
Xu hướng ly khai càng lan rộng thì càng cần phải ra luật.

Nhưng trong bài xã luận, tờ Apple Daily nhấn mạnh là cộng đồng quốc tế đã chỉ trích luật mới về dẫn độ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho rằng thông qua luật này chẳng khác gì trao cho Bắc Kinh quyền đưa bất cứ ai từ Hồng Kông sang Hoa lục.

Trên trang tiếng Hoa của đài phát thanh Đức Deutcche Welle, nhà báo Trung Quốc lưu vong Chang Ping bình luận, « trước đây người ta từ Trung Quốc trốn sang Hồng Kông.
Bây giờ, người ta trốn từ Hồng Kông sang Đài Loan. Rồi mai đây dân Đài Loan sẽ trốn đi đâu ? ».

Nước Nhật của thời kỳ Lệnh Hòa

Nhân dịp nước Nhật vừa chuyển qua thời kỳ « Lệnh Hòa » với việc tân Nhật hoàng Naruhito nối ngôi vua cha, tuần báo L’Obs dành nhiều trang cho một quốc gia mà chưa bao giờ làm dân Pháp say mê như thế, từ truyện tranh manga, ẩm thực, cho đến âm nhạc.

Nhưng tuần báo cũng đề cập đến những mặt không lấy gì là hay ho của xã hội Nhật hiện nay, chẳng hạn như hiện tượng ngày có nhiều người lớn tuổi cố tình có những sai phạm để bị bắt vào tù.

Nhật Bản hiện nắm giữ kỷ lục thế giới về số tù nhân hơn 65 tuổi ( chiếm tỷ lệ 12% ). Tỷ lệ này còn cao hơn nữa tại các trung tâm giam giữ nữ phạm nhận, với 1/5 trong số họ là trên 65 tuổi.

Chín phần mười bị bắt vào tù là vì tội ăn cắp vặt. Trong số này có một nữ phạm nhân 80 tuổi, đã bị bắt lần đầu tiên khi mới … 70 tuổi.

Tuần báo L’Obs trích lời giám đốc một nhà tù cho biết, đối với một số người, nhà tù là nơi mà họ sống những ngày cuối đời, vì họ không có đủ khả năng tài chính để vào các viện dưỡng lão.
Ở trong tù, ít ra họ được ăn uống, chăm sóc đàng hoàng, không sợ bị chết trong cô đơn, chẳng ai hay biết.

Tờ báo cũng đề cập đến một nét mới của nước Nhật ngày nay, đó là ngày càng có nhiều phụ nữ được chính phủ khuyến khích đi làm, nhằm đối phó với tình trạng lão hóa dân số.

Nhưng đây là một cuộc cách mạng không đơn giản trong một xã hội rất gia trưởng. Như trường hợp của một nữ nhân viên : dậy từ 5 giờ 30 sáng, nấu ăn, đi metro mất một tiếng rưỡi, sau giờ làm còn phải đi đón con, rồi nấu ăn tối, quét dọn nhà cửa.

Tuần báo L’Obs trích lời bà Hiromi Murakami, đứng đầu một cơ quan tư vấn về bình đẳng giới, nhớ lại những lần bà đi ăn trưa với đồng nghiệp, vì bà là phụ nữ duy nhất, nên bà phải múc đồ ăn cho những người kia !
Bà cũng cho biết là khi còn ở đại học, các bạn học nam không bao giờ nghĩ rằng người vợ tương lai của họ sẽ đi làm.

Chủ nghĩa tư bản theo dõi

Nhận diện gương mặt, phân tích giọng nói, nhà thông minh, vật thể kết nối.
Các phát minh công nghệ đó đe dọa ngày càng nhiều cuộc sống riêng tư của chúng ta. Đó là hồ sơ chính của tờ Courrier international tuần này.

Courrier international trích dịch một bài đăng trên nhật báo Mỹ The New York Times thuật lại trải nghiệm của phóng viên tờ báo này với công nghệ nhận dạng gương mặt.

Mỗi ngày hầu như ai trong chúng ta đều đi qua một nơi công cộng : lề đường, công viên, ga xe lửa và ai cũng nghĩ rằng việc mình đi đâu, đi với ai là những chuyện riêng tư.
Thế nhưng, công nghệ nhận dạng gương mặt, được sử dụng trên các hệ thống camera đặt tại đa số các thành phố lớn, đang đe dọa tính riêng tư đó.

Trong 9 giờ ghi hình, phóng viên The New York Times đã nhận dạng được 2.750 gương mặt ( trong đó có thể có những người xuất hiện nhiều lần ).
Dịch vụ nhận dạng gương mặt của tập đoàn Amazon đưa ra bức ảnh của nhiều người khác nhau có thể tương ứng với gương mặt đó, trong đó gương mặt của giáo sư Richard Madonna, đại học bang New York, được nhận dạng với tỷ lệ chính xác là 89%.

Lúc bị nhận dạng, giáo sư Madonna đang trên đường đi ăn trưa với một ứng viên xin việc làm, tức là những thông tin có thể mang tính nhạy cảm.
Các lực lượng an ninh hiện sử dụng công nghệ nhận dạng gương mặt để phát hiện tội phạm cũng như tìm trẻ mất tích, nhưng những nhà hoạt động bảo vệ các quyền tự do lo ngại nguy cơ đối với quyền tự do ngôn luận, ví dụ như nhà chức trách nhận dạng những người tham gia biểu tình.

Theo The New York Times, tại Hoa Kỳ hiện nay chưa có một luật liên bang nào về nhận dạng gương mặt và ngoài một vài ngoại lệ, chưa có bang nào có luật như vậy và thành phố New York cũng thế.

Ngay cả Amazon cũng kêu gọi thiết lập một khuôn khổ pháp lý quy định là phải có sự can thiệp của con người và phải có sự minh bạch trong việc sử dụng công nghệ nhận dạng gương mặt.
Nhưng đối với một số chuyên gia, bản thân công nghệ đó đã nguy hiểm đến mức không luật nào có thể ràng buộc được.

Courrier international cũng trích dịch một bài đăng trên nhật báo Anh Financial Times về « Gương mặt mới của chủ nghĩa tư bản », nói về nguy cơ của việc buôn bán các dữ liệu cá nhân.
Tác giả là giáo sư Shoshana Zuboff, đại học Havard, đã viết nhiều cuốn sách về vấn đề này.

 Giáo sư Zuboff viết : « Việc buôn bán dữ liệu cá nhân đầu tiên là do tập đoàn Google khởi xướng, tiếp đến được Facebook áp dụng, trước khi xâm nhập toàn bộ Silicon Valley, rồi từ đó lan ra mọi lĩnh vực kinh tế.

Có ra các quy định ràng buộc Facebook, giải thể tập đoàn này hay thay đổi ban lãnh đạo Facebook cũng chẳng ăn thua gì : chủ nghĩa tư bản theo dõi sẽ không hề bị suy suyển ».

Vị giáo sư này nhắc lại, chủ nghĩa tư bản theo dõi đã ra đời nhằm đáp lại việc bong bóng Internet bị vỡ, vào lúc mà một công ty nhỏ mang trên Google đã tăng doanh thu bằng cách tận dụng độc quyền tiếp cận các kho dữ liệu khổng lồ chưa có ai khai thác.

 Đó là những dữ liệu về tìm kiếm và truy cập của người sử dụng Internet.
 Như vậy có thể nói là ngay từ đầu Google đã tạo dựng thành công của họ trên sự theo dõi.

 

Ngày nay, có những dữ liệu bị đánh cắp mà chúng ta không hề hay biết.
Một số ứng dụng điện thoại di động thu thập những dữ liệu định vị, rồi bán cho các công ty.

Switch mode views: